Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Nguyễn Xuân Diện: ĐẦU NĂM, LÊN CHƠI NÚI BA VÌ


Ngày đầu năm, lên chơi núi Ba Vì

Nguyễn Xuân Diện

Núi Ba Vì ở về phía Tây thành Thăng Long Hà Nội, còn gọi là núi Tản Viên. Tản là cái tán, Viên là tròn. Gọi vậy là vì núi có ba ngọn (ba vì, ba vị), trên đỉnh núi thắt cổ bồng trông như cái tán lọng giữa vũ trụ. Trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết: “Đó là núi tổ của nước ta đó”. Sách “Đại Nam Nhất thống chí” chép rằng trên núi có loài cỏ gọi là “Vô phong độc dao thảo”, tức là loài cỏ khi không có gió mà cũng lay động đong đưa không ngừng. Trên núi có rừng trúc đẹp, lại có thảm rêu màu đỏ như huyết. Cùng vô vàn loài thảo mộc và dược liệu quý. 

Núi Ba Vì là nơi ngự trị của ba vị Thần là Tản Viên Sơn Quốc Chúa Thượng Đẳng Thần, linh thiêng bậc nhất, đứng đầu trong “Tứ Bất Tử” của thần điện Việt Nam. Thời Bắc thuộc, Cao Biền ra tay yểm hết các linh địa của Đại Việt. Nhưng đến khi đem ngọc và lụa làm bùa yểm núi Tản Viên thì Thần bay trên không trung nhổ nước bọt xuống đàn lễ và hất hết bùa xuống sông Lô.

Đền Thượng trên đỉnh núi khởi dựng xa xưa do Thần Tản Viên kén thợ làng Nủa (Chàng Sơn, Thạch Thất) lên xây cất, đến khi hoàn thành những người này trở về làng cũ thì trải đã 7-8 đời, tên chỉ còn lưu trong gia phả.

Đền Thượng ở giữa mây trắng, không một thang nào trèo lên được. Thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17, chúa Trịnh cùng đoàn tuỳ tùng phạt cây phát cỏ tìm đường lên đền Thượng nhưng đi được nửa đường thì gặp giông tố mịt mù đành phải bỏ cuộc. Chuyện ấy còn được chính sử ghi lại.

Dưới triều Nguyễn, năm 1835 Hoàng đế Minh Mạng sai đúc Cửu đỉnh làm biểu tượng cho quyền uy và sự bền vững của triều đình. Hình núi Tản Viên được đúc vào Thuần đỉnh nặng 1950 kg cao 2,32m đặt ở Thế Miếu, nay hãy còn trong Đại nội Huế. 

Vua Tự Đức liệt Tản Viên Sơn vào hàng danh sơn của quốc gia vào năm 1850 và hàng năm triều đình cử hành tế lễ cấp quốc gia.

Ngang núi là Đền Trung có thờ cả Thần Thái Bạch Kim Tinh, người đã tặng cho Thánh Tản cây gậy Thần để cứu độ nhân gian. Cũng lưng chừng núi có Vườn Đào và Bến Tiên mỗi độ xuân về hoa đào nở đỏ bên suối, chả khác cảnh Thiên Thai giữa non ngàn.

Dưới chân núi có đền Hạ do Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai chỉ đạo đại trùng tu theo lệnh triều đình, hiện còn lưu một bia đá 4 mặt. Sau đền bị hư nát, chỉ còn lại 48 tảng kê chân cột giúp hình dung quy mô công trình. 

Quanh núi Ba Vì bao gồm các tỉnh Hà Tây cũ, Phú Thọ và Tp Hà Nội có 305 nơi thờ Đức Thánh Tản Viên, trong đó có 4 cung lớn: Đông cung, Tây cung, Nam cung và Bắc cung. Đông cung tức Đền Và thuộc thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây là cung điện làm việc của Thánh Tản, tức là nơi Ngài thiết triều, để nghe lời tâu bày, kêu cầu của thiên hạ. Vì thế từ ngàn xưa Đền Và là nơi tập trung đông đúc nhất khách thập phương khắp các tỉnh. Đền Và có nghi môn uy nghi với bức cửa vẽ rồng, hai bên là gác trống gác chuông, có tượng văn võ lưỡng ban ngồi hầu và tượng Tứ trụ thần tướng cầm vũ khí đứng hầu trong nội điện. Không khí trong nội điện vô cùng uy nghiêm. Cứ ba năm một lần Đền Và mở hội lớn có sự tham gia của 8 làng thuộc 2 huyện của 2 tỉnh, rước Thánh qua sông Hồng khởi hành từ 2 giờ sáng....



Dưới chân núi, về phía sông Đà là K9 Đá Chông (gọi vậy là vì ở đây có một bãi đá tự nhiên dựng đứng như một bàn chông cao khoảng hơn 2m). Cạnh đó là bến đò Đồng Luận để sang bên Thanh Thuỷ, Phú Thọ. Nay bến đò Đồng Luận đã được thay bằng cầu Đồng Quang.

Qua cầu Đồng Quang rẽ trái 6km là Đền Lăng Sương, chính là nơi sinh Thánh Tản (Nguyễn Tuấn). Ở đấy còn giếng nước mà khi Thánh sinh ra có con rồng vàng xuống hút nước tắm cho Thánh; cạnh bên là hòn đá quỳ là nơi mẹ Thánh Tản ép bụng vào đó lúc sinh ra Ngài.



Núi Ba Vì là ngọn núi chắn hướng chảy của con sông Đà hung dữ, khiến nó phải chảy ngoặt lên phía Bắc. Vì thế, cổ nhân có câu “Chúng thuỷ giai Đông tẩu, Đà giang độc Bắc lưu” (mọi sông chảy về phía Đông, riêng sông Đà chảy ngược về phía Bắc). Nhưng “Thiên Hưng trấn phú” của Nguyễn Bá Thông đời Trần lại viết: “Núi Tản Viên chống trời cõi Bắc. Dải sông Đà gieo ngọc chảy về Đông”.

Sông Đà còn có tên là Hắc Giang (sông Đen, vì chảy qua nhiều rừng cây cuốn theo lá mục về hạ lưu nên nước có màu đen). Sông Lô nước màu xanh. Hai sông họp nhau với sông Hồng (nước màu đỏ) thành ra Ngã Ba Hạc. Ba con sông, ba màu nước. Đẹp và mênh mang lai láng, hoang sơ và huyền thoại gợi cảm hứng để Thượng thư Tiến sĩ Nguyễn Bá Lân người làng Cổ Đô viết bài “Ngã Ba Hạc phú” được xem là một tuyệt tác phú Nôm.

Thời thuộc địa, người Pháp đã sớm phát hiện ra khí hậu tuyệt vời của núi Ba Vì nên đã xây dựng ở đây một khu nghỉ dưỡng. Dấu tích nhiều biệt thự Tây, với lò sưởi, hầm rượu vẫn còn (xem ảnh). Một bể bơi lớn ở cốt 400, một nhà thờ Công giáo ở cốt 800 vẫn còn dấu tích.

Ba Vì có tên trong bài hát Quan họ cổ:

“Một mình lên núi Ba Vì,
Chim kêu vượn hót quản chi đường rừng.
Thuyền ai lơ lửng bên sông,
Có lòng đợi khách hay không hỡi thuyền.
Người ơi, người có yêu tôi,
Đường về Quan họ cho tôi về cùng.
Vì tôi nay mong bạn,
Vì tôi nay nhớ bạn,
Nên tôi phải đi tìm qua tới đây.”

(Lời bài Quan họ cổ)

2/1//2021






Chùm ảnh của Nguyễn Xuân Diện - Nguyễn Tuấn Thành
Nguyễn Đình Hiệp - Trần Hồng Quân


7 nhận xét :

  1. Bài hay và để giúp người đời hiểu biết về nơi ấy đất thiêng sông núi

    Trả lờiXóa
  2. "Thánh Tản (Nguyễn Tuấn)"? Xin anh Xuân Diện nói rõ hơn về tích về nhân vật này ạ. Cám ơn anh

    Trả lờiXóa
  3. Nói thêm: Tôi có xem trong gia phả Họ Nguyễn có viết, nhưng độ tin cậy của tư liệu rất không ổn (http://honguyenvietnam.vn/news/lich-su-dong-ho-nguyen/nguyen-tuan-tan-vien-son-thanh-bieu-tuong-ong-to-ho-nguyen-viet-nam.id42.html)

    Trả lờiXóa
  4. Thật ý nghĩa để hiểu kỹ hơn về lịch sử phong tục và truyền thống của đất nước. Tuyệt vời thế mà không thấy trong sách sử của học sinh ? Cảm ơn tiến sỹ Nguyễn xuân Diện năm mới chúc Ts sức khoẻ và an lành

    Trả lờiXóa
  5. Thần Sơn tinh ngự ở núi Tản trước 2008 thuộc tỉnh Hà Tây nhưng sau này sáp nhập vào Hà nội ( vùng đất trong sông ).Đứng về Phong thủy thì Sơn Tinh giờ cũng bị giam giữ trong cái lồng của Thủy thần rồi.
    Mà yếu tố Thủy trong Ngũ hành lại thuộc phương Bắc !
    Thế mới thấy việc sáp nhập Hà Tây vào Hà nội có cái thâm ý ...

    Trả lờiXóa
  6. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện là người hạnh phúc, bởi vì ông biết cách thưởng ngoạn và thưởng ngoạn đầy đủ các danh lam thắng cảnh và di tích văn hoá! Đi nhiều, thấy nhiều là một việc nhưng đi và thấy như thế nào cho khỏi uổng phí thời gian, công sức của đời người lại là việc vô cùng khó! Lại nhìn ra ngoài kia gã lão hom hem, đi không vững lại đòi ôm hết vào người thì khác nào lão già chơi không nổi mà vẫn còn ham bú vú chị Dậu thì xem ra sống như thế vừa đau vừa nhục!

    Trả lờiXóa
  7. Mấy tháng rồi không thể vô được blog Tễu. Hôm nay không hiểu sao không có thằng nào chặn. Được đọc bài rất hay của anh Diện về Bà Vì.

    Trả lờiXóa