Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

THƯ CỦA NHÀ GIÁO NGUYỄN CẢNH THỤY GỬI GS.TS PHÙNG HỒ HẢI

GS. TSKH Phùng Hồ Hải và Nhà giáo Nguyễn Cảnh Thụy.

THƯ CỦA NHÀ GIÁO NGUYỄN CẢNH THỤY

Kính gửi: GS, TS Phùng Hồ Hải, TS Nguyễn Xuân Diện

Tôi vừa đọc trên trang của TS Nguyễn Xuân Diện bức thư của GS, TS Phùng Hồ Hải bức thư gửi Phó TT Vũ Đức Đam mà tôi rất tâm đắc. Tôi cũng là người rất "dị ứng" với cách tổ chức thi trắc nghiệm tràn lan, được bộ trưởng Nhân đề xuất và sau này là bộ trưởng Nhạ tiếp tục mở rộng và nâng cao.

Thi trắc nghiệm tràn lan có thể nhanh, rẻ, dễ làm..nên có thể lọt vào mắt xanh của hai ông bộ trưởng có bằng tiến sĩ kinh tế và không hiểu giáo dục phổ thông. Trong thực tế, nó đang gây hậu quả xấu vì nó phản khoa học về giáo dục; đi ngược lại mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay. 
Là người gắn bó trọn vẹn cuộc đời công tác trong ngành giáo dục, tôi viết bài này gửi báo Giáo dụ thời đại ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017 diễn ra, như ngỏ ý góp một lời bàn trước công luận nhưng rất tiếc là không được đăng. Xin gửi tới hai anh để cùng chia sẻ.

KỲ THI THPT QUỐC GIA 2017- TỪ MỘT GÓC NHÌN

Nguyễn Cảnh Thụy

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vừa khép lại. Xét ở góc độ công việc, mặc dù có một vài ý kiến về đề thi còn bất cẩn, phương thức và điểm xét tuyển vào một số trường đại học còn có nhiều ý kiến khác nhau, gây tranh cãi, nhưng nhìn chung, kỳ thi đã được tổ chức khá suôn sẻ. Có điều, dư luận đang băn khoăn rằng:  Trong năm học vừa qua, do chất lượng giáo dục đã được nâng cao hay do phương thức thi thay đổi (hầu hết thi trắc nghiệm), mà số lượng thí sinh đạt điểm 10 các môn thi tăng vọt? (năm 2016, cả nước chỉ có 100 bài thi đạt điểm 10 thì năm 2017 có tới 4.250 bài thi đạt điểm 10)

Và một lần nữa,  phương thức thi trắc nghiệm được áp dụng khá triệt một lần nữa lại dấy lên nỗi lo, khiến những ai quan tâm đến giáo dục khó cảm thấy  yên lòng!

Ngay từ khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm học 2016-2017, dư luận đã có những ý kiến trái chiều. Người tán đồng với phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng nó  tiện cho khâu quản lý thi, chấm thi; người không tán đồng thì cho rằng phương án thi như vậy vô tình làm cho thi cử mất đi tính khoa học và sư phạm. Và như vậy, ở đây đã có hai cách tiếp cận vấn đề khác nhau, dẫn đến đánh giá khác nhau!

Thiết nghĩ, việc bày tỏ ý kiến đánh giá phải dựa trên một "quan điểm" thống nhất. Nếu không, sẽ khó tránh khỏi tính chủ quan, dẫn đến không "thấu cảm" lẫn nhau và sẽ khó đạt được sự đồng thuận!

Vậy thì, không còn cách nào khác là chúng ta trở về Nghị quyết 29-NQ/TW của BCHTW Đảng về "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo", mà sau đó là các chương trình hành động, các đề án và hệ thống các văn bản, tài liệu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai để thực hiện và tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên. Và những căn cứ có tính pháp lý đó đã được khẳng định thành những nhiệm vụ có tính nguyên tắc: Việc đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa phải đi đôi với đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá và thi cử. Đổi mới  kiểm tra, đánh giá và thi cử là những nhân tố tố quan trọng, có mối qua hệ móc xích và ràng buộc với các nhân tố khác trong một hệ thống.

Vẫn theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì đổi mới thi cử được đề cao, thực hiện trước, xem như là khâu "đột phá" của đổi mới giáo dục; vì chỉ có đổi mới thi cử thì mới điều chỉnh ngược trở lại cách dạy của thầy và việc học của trò.

Vậy thì chúng ta hãy xem cách dạy của thầy và việc học của trò hiện nay có nhược điểm gì cần phải khắc phục? Vấn đề này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ trong rất nhiều lần, trong rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổng kết đánh giá hàng năm: Đó là cách dạy, học chỉ coi trọng học thuộc kiến thức mà coi nhẹ rèn luyện kỹ năng thực hành! Đó là cách dạy, học coi trọng sự "đồng phục" về tư duy của học sinh mà coi nhẹ tính cá thể, tính sáng tạo và trải nghiệm của mỗi cá nhân! Đó là cách dạy của thầy, học của trò không đặt ra việc vận dụng lý thuyết vào giải quyết tình huống của cuộc sống đặt ra! Đó là cách dạy, học quá chú trọng phát triển tư duy logic, coi nhẹ phát triển tư duy hình tượng, tình cảm và cảm xúc thẩm mỹ. Trong việc dạy, học ngoại ngữ còn coi nhẹ kỹ năng giao tiếp!

Bây giờ chúng ta thử đứng trên "quan điểm" của chính Bộ Giáo dục và Đào tạo để "soi xét" xem trong phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2016-2017 có thỏa mãn được yêu cầu nhằm điều chỉnh những hạn chế trong cách dạy và  học nêu trên hay không?

Có thể nói rằng, qua một kỳ thi vừa diễn ra, với việc lạm dụng quá mức phương thức thi "trắc nghiệm", cho thấy giữa mục tiêu và giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện trong đổi mới thi cử là không thống nhất. Bởi lẽ: 

- Một là, nếu các môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm, tức học sinh chỉ "tích" vào bài thi phương án lựa chọn đúng là đạt yêu cầu, thì thử hỏi trong quá trình dạy, học, thầy và trò có  cần phải rèn luyện kỹ năng thực hành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hay không? Những nơi dạy, học theo đúng sự chỉ đạo của Bộ (thí nghiệm, thực hành Lý- Hóa- Sinh) thì trong kỳ thi vừa qua, những kỹ năng của học sinh được thể hiện ở đâu? Có thể khẳng định rằng, trong nhiều năm qua, thực hiện sự chỉ đạo ráo riết của Bộ, các trường THPT cả nước đều phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mua vật tư thiết bị, xây dựng phòng học bộ môn (Lý, Hóa, Sinh) đạt chuẩn; còn thầy trò thì hì hục, căm cụi làm thí nghiệm, thực hành, nhưng rốt cuộc thì chẳng để làm gì!

- Hai là, trong việc dạy học ngoại ngữ: Bộ cũng đánh giá việc dạy học ngoại ngữ của thầy trò trong các trường rất yếu về các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Cứ tưởng rằng, sắp tới Bộ sẽ "bắt" học trò phải thi "nghe" và thi cả "nói" nữa, để tạo động lực cho đổi mới cách dạy và học ngoại ngữ của thầy trò. Thậm chí, Bộ còn đặt ra mục tiêu là đến năm 2020, học sinh phải đạt yêu cầu về nghe, nói theo "chuẩn Châu Âu". Vậy mà lạ thay, trong kỳ thi vừa qua, thí sinh thi môn tiếng Anh chẳng cần thi nghe, thi nói...., mà chỉ cần "tích" vào bài thi tiếng Anh là "OK" rồi!

- Ba là, đối với môn Toán, ai cũng biết, việc giải ra đáp số không phải là thước đo duy nhất. Những học sinh cùng giải một đề toán có đáp số giống nhau, nhưng phương pháp giải khác nhau, cách lập luận, trình bày... lại bộc lộ tính sáng tạo, tính độc đáo và kỹ năng của từng học sinh cũng rất khác nhau. Vậy mà, giờ đây việc đánh giá bị cào bằng. Trước thực trạng này, một nhà toán học có uy tín đã phải thốt lên: Chao ôi, bao nhiêu sự phong phú, sáng tạo, độc đáo của toán giờ đây chỉ còn quy vao hai phạm trù “gật, lắc”! Thi toán như vậy, thì cái gọi là phát triển năng lực cá nhân người học ở đây được thể hiện thế nào?

- Bốn là, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, mục tiêu của việc đổi mới chương trình đặt ra là học sinh không chỉ học thuộc kiến thức từ sách vở, mà còn phải biết vận dụng kiến thức đã học, kết hợp với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, trải nghiệm cuộc sống của mỗi cá nhân vào việc giải quyết một vấn đề, qua một tình huống thực tiễn cuộc sống đặt ra. Nhưng trong kỳ thi vừa qua, học sinh không được thực hành xử lý tình huống, cũng không phải viết trình bày (tự luận) để bộc bạch những trải nghiệm, những kinh nghiệm sống của cá nhân mình (được xem như là kiến thức), mà chỉ đánh dấu phương án lựa chọn trong thi trắc nghiệm, thì học sinh có cơ hội nào để được đánh giá về  những trải nghiệm và  kinh nghiệm thực tiễn của mình?

Xem thế đủ biết những gì thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chẳng những không có dấu hiệu chuyển biến thực hiện mục tiêu "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục" đã đề ra, mà còn biểu hiện những dấu hiệu thụt lùi, đi ngược lại những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra, chứ không chỉ là phơi bày một thực tế "nói" không đi đôi với "làm"! 

Thiết nghĩ, với đổi mới cách thi như vừa rồi thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên "rút lại" những gì mà Bộ đã làm trong triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về đổi mới "căn bản, toàn diện". Nếu không, chả lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đang làm một việc "gậy ông đập lưng ông" đó sao?

Tại sao lại có hiện tượng trớ trêu như vậy? Để lý giải về hiện tượng "bất thường" này, có thể tạm đưa ra hai giải thuyết: một là, cung cách làm việc cẩu thả, luộm thuộm, sinh ra thiết đồng bộ và nhất quán. Hai là, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo không hiểu biết thấu đáo chuyên môn giáo dục phổ thông, nên không đủ năng lực kiểm soát, nên trở thành “phỗng đá” trước sự lôi kéo của hai mảng chuyên môn khác nhau tham mưu: Vụ Giáo dục trung học thì tham mưu phải đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học; còn Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thì lại không "thấu cảm" phải làm như thế để tạo "đột phá"; chỉ cần biết tổ chức làm sao để kỳ thi đơn giản, thuận tiện, dễ quản lý và tiết kiệm chi?

Câu hỏi này chắc chỉ riêng ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mới trả lời được!

1 nhận xét :

  1. "Thi trắc nghiệm tràn lan có thể nhanh, rẻ, dễ làm..nên có thể lọt vào mắt xanh của hai ông bộ trưởng có bằng tiến sĩ kinh tế và không hiểu giáo dục phổ thông".
    Chí lý! chí lý! Không biết gì về giáo dục phổ thông lại làm bộ trường bộ học? Chán mớ đời!

    Trả lờiXóa