Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

LÀ "BUÔN NGƯỜI" CHỨ KHÔNG PHẢI "TRỐN RA NƯỚC NGOÀI"



Vụ 39 người chết tại Anh: 
Là “Buôn người” chứ không phải “Trốn ra nước ngoài”

Phạm Lê Vương Các
5-11-2019

Nhận định của thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu về vụ 39 người Việt chết ngạt tại Anh “không phải là buôn người, mà là tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài“, cho thấy ông tướng này rất thiếu hiểu biết về pháp luật phòng chống buôn người.

Vụ này có những dấu hiệu pháp lý rất rõ ràng về tội buôn người như:

– Hình thức buôn người thứ nhất: Nạn nhân phải trả một số tiền lớn để làm hộ chiếu Trung Quốc giả đi sang Anh Quốc. Trong hành trình vượt biên, họ bị lạm dụng và bị tước đoạt nhiều quyền con người. Đây là tội phạm buôn người dưới hình thức “buôn lậu người di cư”.


– Hình thức buôn người thứ hai: Khi đưa nạn nhân đến được Anh Quốc, nạn nhân phải lao động trong điều kiện bị giam cầm hoặc bị ép buộc lao động. Đây là tội phạm buôn người dưới hình thức “buôn bán người lao động cưỡng bức”.

– Hình thức buôn người thứ ba: Sang Anh Quốc, nạn nhân có thể sẽ thực hiện một số các hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như trồng cần sa. Đây là tội phạm buôn người dưới hình thức “buôn bán người cho hoạt động tội phạm cưỡng bức”.

Chỉ cần vụ việc mang dấu hiệu của một trong ba hình thức nêu trên là cơ quan chức năng cần phải khởi tố và điều tra tội buôn người. (Bên cạnh đó còn có hình thức buôn người để khai thác tình dục và buôn người để lấy nội tạng). Vụ này, các cơ quan chức năng Việt Nam khởi tố về tội “tổ chức đưa người khác ra nước ngoài trái phép” là xác định sai bản chất vụ việc.

Lưu ý rằng, tội buôn người sẽ không phụ thuộc vào sự đồng ý của nạn nhân. Cơ sở pháp lý là Điều 3 của Nghị định thư về ngăn chặn, phòng chống và trừng phạt tội buôn người (được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2000) nêu rõ: “Sự đồng ý của nạn nhân buôn người là không được công nhận”.

Điều này có nghĩa rằng, ngay cả khi 39 nạn nhân đồng ý trả tiền để đến Anh Quốc, đồng ý lao động trong điều kiện bị giam cầm hoặc đồng ý lao động trong các hoạt động phạm pháp, thì những kẻ tổ chức, môi giới, hay vận chuyển họ trong trường hợp này cũng đều phạm vào tội buôn người.

Vì vậy, nhận định “không ai bỏ ra 1 tỉ đồng để cho người khác buôn mình” của tướng Cầu là một phát ngôn rất thiếu hiểu biết về pháp luật phòng chống buôn người.

Qua vụ này cho thấy, các cơ quan tố tụng Việt Nam đã không làm tròn chức năng của mình khi không khởi tố về tội buôn người, dù cơ sở pháp lý của Việt Nam về vấn đề này cũng khá đầy đủ. Cụ thể, tại Điều 150 Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định về tội “mua bán người lao động cưỡng bức”, và Luật phòng chống mua bán người (có hiệu lực thi hành vào năm 2012) cũng có quy định về hành vi “mua bán người lao động cưỡng bức”, nhưng trong suốt bảy năm qua, không có bất kỳ một kẻ buôn người nào bị truy tố theo các quy định về mua bán người lao động cưỡng bức.

Có vẻ, chính sự thiếu hiểu biết về pháp luật phòng chống buôn người của giới chức đã làm suy giảm nỗ lực phòng chống buôn người tại Việt Nam.
_____

Xem thêm các hình thức buôn người theo Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL): https://www.interpol.int/Crimes/Human-trafficking/Types-of-human-trafficking

2 nhận xét :

  1. Cái xứ mình, ‘chiến tranh từ ngữ liên miên’. Khó đây!
    -TRỐN (gọn, khá đủ nghĩa) thì khó trả lời, ví sao TRỐN? Chế đọ khắc nghiệt, chủ thuyết bại hoại, thất đức, nhơ bẩn... sao?
    -BUÔN BÁN NGƯỜI thì vướng lí luận CMác, tư tưởng cụ Hồ. Năm trước, dẫn lí luận CMac, thời cụ Hồ thương cảm chị Dậu bán chó bán con, phẫn nộ với chế độ, Chính phủ... Nay phẫn nộ ai? Biện giải theo CMac - Hồ thì nhơ hệ thống!
    -DI CƯ BẤT HỢP PHÁP có lẽ là cụm từ Hội đồng Lí luận, Ban Tuyên giáo tạm chọn, BT Mai Tiến Dũng vừa dùng. Nội hàm tương đương từ TRỐN, dài gấp 5, mù mờ gấp 10... nhưng giúp đảng Chính phủ TRỐN tội, dịu chửi bới... SIÊU NGHỆ! Đây là thành quả lí luận siêu lừa dẫn đường. Tích luỹ qua lịch sử: thay LÁO, LIỀU, NGU = DUY Ý TRÍ; THẢM HOẠ MÔI TRƯỜNG (Formosa) = SỰ CỐ; ......; và nay, TRỐN = DI CƯ BẤT HỢP PHÁP.
    Vụ 9 đồng chí TRỐN thoát đồng chí Chủ tịch Ngân, quyết ở lại Hàn học giãy để chết, hình như bí, chưa thấy qui tội DI CƯ...

    Trả lờiXóa
  2. Ông Cầu nói không sai. Nhưng thái độ của ông đối với những nạn nhân của quê hương Nghệ Tĩnh bỏ mạng tại Anh sao mà lạnh lùng và vô cảm quá! Ông lên án những người trốn ra nước ngoài tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn nơi quê nhà. Ông có nhìn lại xem vì sao họ ra đi? Họ bị nạn tại nước anh, người Anh thương cảm, nhận lỗi về cái chết của họ. Từ Quốc hội đến Thủ tướng đã chia buồn, tưởng niệm những người xa lạ bỏ mạng ở nước họ. Nguyên hành động của họ và phát ngôn của ông Cầu, người ta có thể lý giải được vì sao người dân Nghệ Tĩnh sẵn sàng liều mạng đến nước Anh. Vì họ đến một đất nước biết quý trọng con người, vì con người và sống nhân văn.

    Trả lờiXóa