Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

NHỨC NHỐI, NHỮNG CÂU HỎI VỀ NHÀ MÁY NƯỚC SÔNG ĐUỐNG


Nguyen Ngoc Chu

NHÀ MÁY NƯỚC SÔNG ĐUỐNG: 
KHÔNG BAO GIỜ CẢN NGĂN ĐƯỢC LỢI ÍCH NHÓM

HỌA VÔ ĐƠN CHÍ

Ngoài nỗi đau chung toàn quốc về thảm kịch của 39 đồng bào bị thiệt mạng trong container ở nước Anh, thì người Hà Nội trong mấy tuần gần đây bị hứng chịu thêm những cú đấm độc hại chí mạng liên tiếp. Đó là sự ô nhiễm mù trời ở mức tồi tệ bậc nhất thế giới. Đó là sự nguy hiểm từ thủy ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông. Đó là sự nhiễm độc nguồn nước ăn từ nhà máy nước sông Đà.


Tưởng cú đấm nhiễm độc nhà máy nước sông Đà đã là đủ. Nhưng không, ngay tiếp theo là cú đá liên hoàn cước với ý định tăng giá nước để mua nước nhà máy nước sông Đuống. Đúng là ‘Họa vô đơn chí’.

XÂY NHÀ MÁY NƯỚC SÔNG ĐUỐNG VÀ TĂNG GIÁ NƯỚC CÓ LỢI ÍCH NHÓM HAY KHÔNG?

Ngay từ ngày 06/7/2017, khi nhà máy nước sông Đuống bắt đầu xây dựng, thì nhà máy nước sông Đuống đã nhận được lá bùa hộ mệnh từ UBND TP Hà Nội bằng đảm bảo sẽ mua giá 10 246 đ/m3 nước ( chưa tính VAT). Giá này được biết là cao gấp đôi giá cung cấp của nhà máy nước sông Đà 5.069đ/m3.

Cao như thế vẫn chưa đủ. UBND TP Hà Nội còn vạch đường cho nhà máy nước sông Đuống tăng giá 7%/ năm:

“ Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính” ( công văn số:3310/UBND-KT củ UBND TP Hà Nội do Phó chủ tịch Nguyễn Doãn Toản ký ngày 06/7/2017).

Cho nên, trả lời một loạt các câu hỏi sau đây thì vấn đề sẽ sáng tỏ.

1. Nhà máy nước sông Đuống không phải là nhà máy nước do UBND TP Hà Nội đầu tư, cũng không phải nhà máy của nhà nước, mà là nhà máy của tư nhân. Cớ sao UBND TP Hà Nội lại cam kết phải mua nước? Lại còn cam kết giá tối thiểu rất cao và còn cam kết cho tăng giá?

2. Nhà máy nước sông Đuống ra đời thì giá nước phải giảm. Cùng lắm là bằng giá các nhà cung cấp khác như sông Đà là 5 069 đ/m3. Cớ sao lại cam kết mua với giá đắt hơn đến hai lần?

3. Nước sông không phải là nguyên liệu, vật tư như nguyên liệu, vật tư của các nhà máy sản xuất. Nên không phải mua theo giá lên xuống của thị trường. Cơ sở nào mà UBND TP Hà Nội lại cho phép nhà máy nước sông Đuống được tăng giá hàng năm với biên độ 7%/năm?

4. Ngược lại, do nguồn nước không mất tiền mua, thì càng vận hành giá nước nhà máy nước sông Đuống phải giảm mới đúng quy luật, sao không có lộ trình giảm giá mà lại tăng giá?

5. Như vậy, công ty tư nhân, chưa xây nhà máy nước mà đã được nhà nước (ở đây là UBND TP Hà Nội) bảo đảm sẽ mua nước với giá cao và cho phép tăng giá, thì đó là đã đi ngược lại với quy luật kinh tế thị trường. Nếu không phải lợi ích nhóm thì là gì?

6. Nếu UBND TP Hà Nội cho rằng đầu tư nhà máy nước sạch không có lãi, không ai muốn đầu tư, phải “ bảo kê giá” mới có nhà đầu tư thì sao UBND TP Hà Nội không kêu gọi công khai để các công ty tư nhân khác tham gia đầu tư?

7. Hơn nữa, nhà máy nước sông Đà đã chứng minh đầu tư có lời, thì tại sao lại dành ưu tiên vượt bậc cho chủ đầu tư nhà máy nước sông Đuống?

Trả lời xong 7 câu hỏi vừa nêu trên là đã trả lời được có lợi ích nhóm hay không trong đối tượng nhà máy nước sông Đuống.

Việc ông Nguyễn Doãn Toản quyết định mua nước nhà máy nước sông Đuống với giá 10. 246 đ/m3 - trong khi đang bắt đầu xây dựng nhà máy - là một quyết định phi thị trường. Cuối cùng là người dân Hà Nội phải gánh chịu mọi hậu quả.

Nhìn vào giá cung cấp của nhà máy nước sông Đà 5.069đ/m3 mà còn lãi cả trăm tỷ đồng một năm, thì thấy người dân Hà Nội đáng ra phải được hưởng giá nước thấp hơn nữa so với giá đang phải mua hiện hành. Thế mà lại có người rắp tâm nâng giá để làm giàu cho nhóm lợi ích ở nhà máy nước sông Đuống.

Có ai đó trong UBND TP Hà Nội có bản lĩnh để đưa giá nước nhà máy nước sông Đuống về giá hiện hành của nhà máy nước sông Đà là 5.069đ/m3 không?

Lúc đó sẽ có người đến nhà và chuyển một khối lượng tiền có lẽ không ít hơn số tiền mà ông Nguyễn Bắc Son đã nhận trong vụ AVG.

Chưa xây dựng đã có tham nhũng. Trong xây dựng vẫn tiếp tục tham nhũng. Xây dựng xong lại càng tham nhũng. Tham nhũng điệp trùng như vậy thì làm sao chống nổi?

CÓ PHẢI NGƯỜI HÀ NỘI CAM CHỊU?

Những cú đấm chí mạng liên tiếp làm điêu đứng người Hà Nội. Nhưng người Hà Nội mỗi sáng thức dậy vẫn hồn nhiên hít thở không khí trời mù. Vẫn kiên nhẫn nhích từng nan xe giữa dòng xe không có lối thoát trong đợi chờ sáng kiến giải cứu giao thông đã nhiều năm của thành phố. Vẫn vui vẻ zô zô với thức ăn đồ uống tẩm đầy hóa chất. Vẫn cặm cụi trả những hóa đơn điện nước với những con số ngạc nhiên.

Một trong những nét đẹp của người Hà Nội là rộng lượng. Một nét đẹp khác của người Hà Nội là nhẫn nhịn. Một nét đẹp khác nữa của người Hà Nội là kín đáo. Cả ba nét đẹp này cộng hưởng lại đôi khi làm cho người ngoài tưởng nhầm là cam chịu.

Có thể tưởng nhầm là cam chịu. Nhưng chắc chắn không phải là khuất phục.

1 nhận xét :

  1. Lợi ích nhóm là đây chứ tìm đâu nữa. Việc đầu tư vào dịch vụ công ích như cung cấp nước sạch, xử lý rác... Lâu nay vẫn là độc quyền của các công ty công ích với 100% vốn nhà nước. Nên các công ty tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài dù công nghệ hiện đại, giá thành rẻ hơn vẫn không thể chen chân vào lĩnh vực này. Lâu nay, chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc núp bóng các nhà đầu tư Thai Lan, Singapore hay Việt Nam... Đứng ra góp vốn mua cổ phần, từ đó bán vật tư thiết bị như đường ống nước sông Đà, sông Đuống. Nếu bị phát hiện, họ lập tức bán lại cổ phần và rút êm. Nhà máy nước sông Đuống do tư nhân xây dựng hoàn toàn bằng đường ống Trung Quốc ( do chính công ty cung cấp ống nước sông Đà cung cấp). Do không sớm bị phát hiện, nên đã xây dựng xong ( mới chỉ bị vỡ 1 lần). Việc UB TP Hà Nội sốt sắng ấn định giá nước sông Đuống cao gấp 2 lần nước sông Đà dù chi phí ít hơn, cần được thanh tra, kiểm toán đánh giá lại. Người dân Thủ đô có quyền không trả tiền nước với giá áp đặt vô lý. Nếu cắt nước có thể khởi kiện ra tòa! Cần làm rõ chủ đầu tư nhà máy nước sông Đuống đã "tay không bắt giặc" khi vay phần lớn tiền ngân hàng. họ chỉ cần bán 30% cho mấy tay Hoa kiều Thái Lan đã thu hồi vốn rồi. Mọi gánh nặng đều đổ lên vai người dân Thủ đô gánh chịu. Chính quyền Hà nội đang hành động vì dân? Hay vì chính nhóm lợi ích của họ?

    Trả lờiXóa