Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

1001 CHUYỆN VỀ BÁC ĐỖ MƯỜI


Phương Lý

CHUYỆN BÁC ĐỖ MƯỜI 

- Hồi Bố mình (một Nghệ sĩ và gạo cội của ngành Điện ảnh Việt Nam) mất, bác Đỗ Mười đi vắng. Khi về, bác đến nhà riêng thăm hỏi gia đình mình (ở Nghĩa Tân, HN). Lúc đầu mình rất cảm động, Mẹ mình mời bác uống nước chè xanh. Sau, thấy một cậu (chắc là thư ký), mượn và viết chia buồn vào sổ tang của Bố mình rồi đưa cho bác ý ký. Thế là mình không cảm động nữa.


- Chuyện khác là khi mình là phóng viên Ban Kinh tế của VOV, các bạn ở Văn phòng Bộ TM từng phải cuống lên tìm mình xin cái băng cát-xét ghi âm buổi nói chuyện của bác Đỗ Mười tại buổi họp (hình như sơ kết 6 tháng) của ngành mà mình có dự. Bác đến đột xuất nhưng (đứng) phát biểu hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Hồi ý chưa có từ “chém gió” nhưng bác nói chuyện mà hai tay luôn luôn chíu chíu vào không khí thật. Và chỉ đạo thì dân dã. Chi tiết buồn cười mình nhớ nhất - giờ vẫn không quên, là khi nói gì đó liên quan đến hoạt động thương nghiệp ở nông thôn, bác bảo “có cái bài báo viết, kể là khi đi hoạt động cách mạng ở vùng nông thôn, tôi đóng giả là anh hoạn lợn - (rồi bác bảo) : giả đâu, tôi làm thật chứ !”. Cả hội trường cười lăn ...

“May” hôm ý mình để mic và máy ghi âm trên bục hội trường, mà an ninh thì không cho đi lại để lên tắt máy nên máy cứ tự động record miệt mài, triền miên ....(Nhà VOV có điều kiện nghề mà, nên mỗi mình mình là có băng ghi âm đó). VP Bộ TM cảm ơn mình mãi.

Hôm nay, nghe tin bác, mong bác an nghỉ !
_______________

Ky Mai
22 Tháng 9 lúc 14:42 ·

Kỷ nịm với Bác...

Nhà mình ở Lò Đúc, đầu ngã 5. Đi vài chục mét là đến Phạm Đình Hổ, nơi Bác ở. Đối diện nhà Bác (bây giờ) là nhà Sơn "cá rán" một đại gia Đông Âu, cách nhà Bác một số nhà là nhà "năm chiếc cúc áo tố cáo tội ác" từng rúng động cả nước 35 năm trước.

Ngắn gọn để thấy, mình và Bác tuy xa về tuổi tác địa vị mà rất gần - nếu ở quê họ sẽ bảo "Chúng tôi lớn lên bên bờ tre gốc rạ, đi học về lại cưỡi trâu ra đồng hay đi đơm cá, bắt cua cùng nhau". Cùng phường gần phố cách vài chục số nhà, và thi thoảng đi học qua vẫn thấy Bác chui ra chui vào chiếc xe com-măng-ca đen xì mà.

Có lần thấy Bác đi dạo trên phố, Bác mặc bộ đại cán mầu ghi kiểu Tôn Trung Sơn, tóc bác chẻ ngôi bóng mượt, cả phố cúi zạp: Chào bác ạ, Bác khoẻ không ạ... Đi bên Bác luôn là hai chú cảnh vệ, lạnh te, gườm gườm - một chú mắt rất sáng một chú mắt lại hơi híp híp, dáng các chú không cao nhưng có gì đó hao hao như đội cận vệ của Chủ Tịch Kim Jong Un bên Bắc Triều.

Người lớn bảo, toàn người miền núi đấy. Họ mà bảo vệ lãnh tụ rất mực trung thành - chỉ một cái phẩy tay đầu chúng mày bay khỏi cổ. Nghe xong cả đám người lớn hiếu kỷ lẫn đám trẻ con hóng hớt sợ vãi mắt mèo. Hãi cực.

Có một ngày, trời trong xanh, mây bồng bềnh trắng, nắng đung đưa vàng, ve kêu inh ỏi trên hai hàng cây Sao đen lênh khênh đẹp nhất bang @Cò ỉa@, không muốn nói đẹp nhất bốn quận nội thành Hà Nội.

Hôm đó cả đám chúng mình đang ngồi đầu phố đánh ba cây ăn chun, ăn bi (thực ra ăn tiền). Mình, thằng Khoa, thằng Tiến, thằng Lâm, bốn thằng thuộc nhóm "nhẩy xe bò" nghịch nhất phố. Đúng lúc Bác đi qua, thế choá nào thằng Lâm om được "tam bát cửu" hay "nhị gâu gâu" gì đó, sướng quá nó nhẩy lên như thằng zồ:

"đỗ mười, đỗ mười, bố mày đỗ mười rồi".

Èng, eng... một không khí ghê zợn bao trùm

Thế là Bác dừng lại, Bác bước sang đường. Bên cạnh vẫn là hai chú cảnh vệ. Ngày đấy phố vắng lắm, không ồn ào bụi bẩn đông đúc như bây giờ.

Chắc Bác nghe thấy.

Thế là toi cả lút. Phen nảy không bị báo phường, ông tổ trưởng mách ông bà già chắc chỉ có no đòn bỏ nhà ra đi.

Chết cụ chúng mày rồi. Thằng Khoa cúi mặt lẩm bẩm chửi. Thằng Lâm sợ quá chạy mất

Nhưng không, lừ đừ Bác tiến lại, Bác ôn tồn mỉm cười xoa đầu bảo (xoa đầu mình, thế mới "bắc son" chớ):

- Các cháu chơi gì?
- Dạ, dạ, chơi bài ăn chun ạ. Mình mở miệng trong sợ hãi.
- Có thiếu chun và bi không, mai đi qua bác cho?

Ớ... Cả đám ngớ người, vừa sợ vừa thích không nói được câu gì, chỉ dám lí nhí "cháu chào Bác" rồi thu bài té vội.

Bác đi rồi, hai chú cảnh vệ quay lại gườm gườm như thể đầu rơi máu chảy, còn đám nghịch ngợm chúng mình cứ thế đeo đẳng lần gặp đó cho đến nhiểu năm sau. Và hôm nay sực nhớ kể vội chút kỷ nịm... có lần được Bác hứa.

Bác là Bác Cống, một cậu thợ sơn nghèo học giỏi, một người thợ sơn vừa chăm chỉ, vừa yêu thương bạn bè đến nỗi mỗi khi sơn xong việc của mình cậu lại vác sơn đi sơn hộ các bạn khác, một nhà vật giá lương tiền thân thiện, giàu tình cảm, một nhà cải tạo công thương đại tài dù sau này ở chức vụ nào cũng luôn giản dị yêu mến và hứa với các cháu những điều tốt đẹp nhất.

...
Ps: Viết vội, trước khi báo chí và các người anh chị em báo chí "lên khuôn". Có gì nhanh nhẩu, mong được lượng thứ.

____________

CHUYỆN ÔNG MƯỜI CÚC DẶN ÔNG MƯỜI CỐNG

Có câu chuyện truyền tụng rằng: Ông Nguyễn Văn Linh khi nghỉ chức Tổng bí thư, bàn giao cho Ông Đỗ 10 xong. Một chiều thư thả, ông Mười Cúc (Linh) mời ông Mười Cống (Mười) đến tư gia uống trà trò chuyện thong dong cả buổi chiều. Lúc ra về, thấy ông Mười có vẻ lo lắng, rất thân mật, ông Linh vỗ vỗ vai ông Mười:

- Anh cứ yên tâm mà làm. Mọi việc tôi đã thiết kế đâu đấy rồi. Anh cứ thế mà làm. Cứ tôi làm gì thì anh làm thế. Cứ thế mà làm, anh nhé...

Ông Mười chỉ biết gật gật. Rồi, ông Linh ghé tai ông Mười:

- À mà này, có việc này tôi dặn anh nhớ kỹ này: Anh cứ thế mà làm, cứ theo tôi mà làm. Nhưng riêng việc viết :"Những việc cần làm ngay" thì anh đừng làm theo tôi. Tuyệt đối không làm theo đấy nhé.

Ông Mười chưa hiểu ra sao, cũng không dám hỏi lại. Cứ gật gật, vâng dạ rồi ra về mà trong lòng vô cùng lo lắng, thao thức cả đêm không ngủ được. 

Sáng hôm sau, đến văn phòng, ông mới hỏi thư ký Hà Nghiệp: "Ông Mười Cúc nói vậy ý là thế nào?". Ông Hà Nghiệp chỉ cười... Ông Mười gặng mãi mới dám nói. 

___________

Đặng Văn Sinh

MỘT KỶ NIỆM VỚI NGÀI ĐỖ MƯỜI

Tháng 5 năm 1971. Lúc ấy chúng tôi là dân giao thông, lang thang khắp các cánh rừng đại ngàn Việt Bắc, Tây Bắc và Trung Du. Đang ở Ba Khe Nghĩa Lộ, sống với các "đồng chí" Mèo mãi tít trên bản Tang Tả quanh năm mù mịt sương khói thì có lệnh "hạ sơn". Hành trình thật sự vất vả, nhưng sau gần một tuần vừa đi xe vừa cuốc bộ, anh em cũng vào đến địa giới Nghệ An, bắt đầu một công việc mới là thăm dò, khảo sát và thiết kế con đường 71A, một trong 3 tuyến chiến lược quan trọng nằm trong mục tiêu "nam tiến" mà đội khảo sát phải triển khai càng nhanh càng tốt.

Khoảng chừng hơn hai tháng, sau khi luồn rừng lội suối, tổ chúng tôi đã tìm được phương án vượt sườn núi Phượng Hoàng mà điểm hợp lý nhất là xây một chiếc cầu qua suối Giăng ở đoạn Km 26+ 400. Suối Giăng ở vị trí này khá rộng nhưng nông, cách hạ lưu chừng 10 Km, rất thuận lợi cho việc xây cầu.

Hôm ấy chúng tôi đang điều tra tình trạng thủy văn và địa mạo lưu vực thì thấy đám phu bè (lúc ấy gọi là công nhân lâm nghiệp) ngồi quanh một ông khoảng trên 50 tuổi, tóc chải mượt rẽ sang hai bên, ngồi trên chiếc bè nứa đang cốn dở ngay giữa suối. Ông này ăn mặc như một nông dân, áo bà ba nâu, quần xắn móng lợn, chân thõng xuống nước, trong khi nói, thỉnh thoảng lại chêm vào một câu chửi tục.

Thấy đám đông, theo thói quen tôi cũng quẳng đồ nghề tiến lại gần. Vì đến muộn, tôi chỉ nghe được một đoạn đối thoại giữa ông tóc rẽ ngôi với một phu bè đứng tuổi. Ông khách chỉ vào bè nứa hỏi:

- Sao các cậu không khai thác gỗ mà lại toàn chặt nừa ngộ?

- Thưa bác, đội lâm nghiệp cũng được giao chỉ tiêu gỗ đấy nhưng ông Viễn bào không được khai thác ở những lô gần suối.

- Vì sao? - Giọng ông khách có vẻ gay gắt.

- Thưa, ông ấy bảo phải chặt tỉa theo kế hoạch nhằm đảm bảo độ che phủ của rừng, để tránh tình trạng rừng cạn kiệt mất cân bằng sinh thái gây ra lũ quét, lũ ống.

Nghe đến đây, ông khách quen miệng văng một câu chử tục:

- Mẹ khỉ, Nước ta rừng vàng biển bạc thiều gì gỗ quý, khai thác đến đời con đời cháu cũng không hết, việc gì phải lo bò trắng răng.

Ngẫm nghĩ một lúc rồi ông lại hỏi:

- Thế cái tay ấy có là đảng viên không?

- Dạ không. Ông ấy là kỹ sư lưu dung từ thời Pháp để lại.

- Thảo nào. - Ông khách hắng giọng bảo. - Đúng là tư tưởng hữu khuynh của bọn trí thức tiểu tư sản. Mà lũ trí thức ấy, các cậu có biết Mao Chủ tịch nói như thế nào không? Là cục phân, cục phân rõ chưa?

Nghe đến đây, tôi bỗng giật mình, tự nhủ "đây chắc phải là một ông cốp". Vừa định thoái lui thì ông cán bộ cốp lại lên giọng giảng giải:

- Xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước mà lại có những cán bộ như thế này là hỏng. Cái quan trọng là lập trường quan điểm phải kiên định và nhất là quán triệt tinh thần tiến công cách mạng. Như tớ đây này, tớ vốn dân hoạn lợn, có cần học hành đếch gì đâu mà vẫn làm cán bộ cao cấp...

Tôi đâm hoảng, hóa ra mấy năm mình học ở trường Giao thông với tấm bằng loại khá vậy mà chỉ như một cục phân.

Tối hôm ấy, tôi lén hỏi mấy bác phu bè mới biết, ông cán bộ xắn quần móng lợn ấy là ngài ĐỖ MƯỜI.





3 nhận xét :

  1. Giờ mới nghĩ ra N V L là nói và làm chứ ký chữ Đ M thì là.........định mệnh

    Trả lờiXóa
  2. Hoan hô các bạn tham gia kể chuyện về bác Đỗ Mười. Ai biết chuyện gì về bác Đỗ Mười thì kể ra cho hết để in thành sách cho thế hệ mai sau biết trong lịch sử nước nhà một thời đã có một lãnh tụ trưởng thành lỗi lạc mà thế giới không chắc chỉ có một không hai.

    Trả lờiXóa