Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

Hồi ký Nguyễn Trọng Vĩnh - CHƯƠNG 3: SAU 1945, LÀM BÍ THƯ HAI TỈNH


Lời dẫn của Lâm Khang:
Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vừa về cõi Thọ. Cụ là lão thành cách mạng, trải các chức vụ Bí thư tỉnh ủy (3 tỉnh), Phó Ban thường trực Ban Tổ chức TW, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Trung Quốc (12 năm) kiêm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Cụ được phong tướng năm 1959. 
Tướng Vĩnh thông hiểu chữ Hán cổ, rành Trung văn, Pháp văn và có thể giao tiếp bằng Tiếng Anh (cụ là học viên tiếng Anh của Hội đồng Anh tại HN, khi cụ đã ở tuổi ngoài 80). Cụ cũng thông hiểu y học cổ truyền do tự học, tự chữa bệnh cho mình và người thân trong gia đình bằng Đông y. 
Tưởng nhớ Cụ, chúng tôi trích đăng Hồi ký "Kể lại cuộc đời" của cụ, do chính tay cụ viết và để lại cho con cháu.
Chương III
SAU CÁCH MẠNG THÁNG 8, LÀM BÍ THƯ HAI TỈNH

Khoảng đầu tháng 8 thì tôi gặp được anh Thảo trước cùng làm thợ in nay chuyển sang chữa đồng hồ. Tôi nói ý định tìm lại đoàn thể để tiếp tục hoạt động. Có lẽ lúc đó anh Thảo là cơ sở bí mật của Đảng nên chỉ vài ba hôm sau, đã có người đến đón tôi dẫn qua sông Hồng đến gốc gạo Ba đê. Ở đó có một chị (sau mới biết đó là chị Thanh vợ anh Lê Đình Thiệp) đã đợi sẵn, đội va ly giúp tôi và dẫn vào ATK (an toàn khu) ở làng Xép xã Cổ Loa để tham gia tổ in Báo Cờ giải phóng. Khoảng sáu hôm sau thì Hà Nội khởi nghĩa giành được chính quyền. Sau khởi nghĩa Hà Nội, một số cán bộ ATK được điều động sang Hà Nội (như anh Trần Độ, chị Hằng vợ anh Trần Độ, anh Trần Cư v.v...). Tổ in Báo Cờ giải phóng của chúng tôi thì vẫn hoạt động bí mật. Có lẽ Trung ương còn xem xét tình hình, để phòng bất trắc nên giữ lại một số cán bộ, chưa vội đưa ra công khai hết.

Ngày 21 – 8, sau khi cùng quần chúng tiêu diệt xong Tiểu đội Nhật ở Đông Anh giành chính quyền thì chúng tôi được phép ra hoạt động công khai. Đồng chí Tuấn được đi học trường Quân chính, đồng chí Lợi được điều đi công tác khác. Còn lại chỉ có đồng chí Lê Đình Thiệp và tôi. Quân tàu Tưởng lúc đó đã bắt đầu qua biên giới vào nước ta để chuẩn bị tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật, chúng tôi nghĩ nếu cứ để trụ sở huyện Đông Anh đóng ở ngay bên đường cái như cũ thì sẽ bất tiện, Có thể bị quân Tàu đi qua gây rắc rối, vì vậy đã bàn nhau đem hết các thứ thu được ở huyện đường cũ chở vào làng Cổ Loa. Tôi thì cầm càng xe bò, một số anh chị em tự vệ đẩy đằng sau, đưa vào đình làng Cổ Loa, từ đó lấy đình làng làm trụ sở mới của huyện. Đảng viên cộng sản công khai lúc đó chỉ có anh Lê Đình Thiệp và tôi, nên anh Thiệp “phân công” ngay: “Tớ làm Chủ tịch, cậu làm Bí thư huyện” (chứ có bầu bán gì đâu! Lúc đó đường dây liên lạc chưa được thông suốt, công việc đa phần do các địa phương tự lo liệu.). Với cương vị Bí thư, tôi đi nắm danh sách các Đảng viên ở các chi bộ xã và số Đảng viên lẻ lập thành chi bộ để lập Đảng bộ huyện Đông Anh (Thật trái ngược, có bí thư trước rồi mới lập Đảng bộ sau!!). Sau đó có thêm một chị cán bộ nữa cùng về làm việc, chúng tôi chia nhau mỗi người cùng một số tự vệ đi đến các làng thu triện của Lý trưởng rồi lập ra Chính quyền Việt Minh ở các xã. Chúng tôi được tự vệ mang súng đi trợ oai nên đã làm xong những việc đó tương đối thuận lợi. Súng để trang bị cho tự vệ là thu được trong trận đánh bọn Nhật ở Đông Anh.

Thành lập chính quyền xong, việc cấp bách là phải đào tạo cán bộ, phát triển tổ chức Việt Minh cho rộng khắp. Chúng tôi tổ chức được hai lớp học ngắn ngày cho cán bộ ở ngay đền Cổ Loa để huấn luyện chương trình Việt Minh mà tôi là giảng viên duy nhất. Gần bốn chục học viên của hai lớp đó sau này phần lớn trở thành cán bộ Đảng viên hoạt động lâu dài.

Có một chuyện vui là sau lớp học có một học viên tên là Lã Thị Tuyết Mai con nhà giầu, ở lớp Mai viết thư tỏ tình tha thiết muốn yêu tôi, nhưng lúc đó trong trái tim tôi đã có An rồi.

Trong thời gian mà đồng chí Thiệp làm Chủ tịch, tôi làm Bí thư ở Đông Anh đó, Hồ Chủ Tịch đã phát động phong trào quyên góp “Tuần lễ vàng” và phong trào chống ba thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm) trên toàn quốc. Chúng tôi cũng đã tổ chức những việc đó tại địa phương, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Tiền vàng thu được đem đóng góp lên trên để chính phủ chi tiêu việc lớn, còn sinh hoạt của cơ quan huyện thì vẫn đơn sơ như trước: lấy thóc trong kho cướp được của Nhật trước đây ra làm gạo thổi cơm, thức ăn thì là cua đồng do anh chị em tự vệ bắt về rang. Chủ tịch, Bí thư và anh chị em tự vệ trải chiếu ra sân quây quần ngồi ăn. Lấy được huyện đường cũ nhưng không thu được đồng tiền nào để chi tiêu. Suốt mấy tháng sau khởi nghĩa cũng chỉ có thế!

Ở Đông Anh được độ bốn tháng, tôi được Xứ ủy điều lên tham gia Tỉnh ủy Phúc Yên (huyện Đông Anh lúc đó thuộc Phúc Yên). Lúc này chị Nguyễn Thị Sinh đang làm quyền Bí thư tỉnh ủy. Gặp tôi, chị hỏi ngay: “Đã gặp Hoa chưa?” (Hoa là bí danh của An khi hoạt động bí mật và cùng ở tù với chị Sinh). Sau chị bảo: “Thôi, bây giờ anh đã lên thì anh làm Bí thư đi”. Tuy nói vậy nhưng thực ra một tháng sau, khi đồng chí Tổng Thịnh xứ ủy viên về triệu tập cán bộ toàn tỉnh Phúc Yên họp, mới bầu tôi chính thức làm Bí thư tỉnh ủy. Chị Sinh ở lại trong thường vụ tỉnh, nhưng rất tiếc, ít ngày sau chị bị nhiễm trùng uốn ván rồi mất. Chị cũng là Đảng viên đã lâu, từng bị bắt vào tù Hỏa Lò từ trước cách mạng tháng 8.

Sau khởi nghĩa thành công, An công tác ở Hải Phòng, còn tôi công tác ở Phúc Yên, mãi đến năm 1946 mới gặp nhau ở Hà Nội, chúng tôi lấy nhau chẳng có cưới xin gì, chỉ viết thư báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương thôi và đêm tân hôn là ở biệt thự của Bộ trưởng tài chính Lê Văn Hiến ở góc phố Lê Lai bây giờ. Anh Hiến đã thân với tôi từ khi cùng bị “an trí” ở Đắc-lây, Đắc-tô. Chả có cưới xin gì mà chúng tôi đã sống với nhau đến “đầu bạc răng long” (91 và 94 tuổi).

Từ Phúc Yên, tôi được đi dự lớp huấn luyện hai tháng ở Vạn Phúc - Hà Đông. Giảng viên lúc đó là đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Nguyễn Khánh Toàn – một cán bộ học ở Nga về có học vấn cao, đã có tiếng là “giáo sư đỏ” – Hai đồng chí lên lớp cứ thao thao bất tuyệt, chẳng rõ ra chương trình giáo án gì cả. Lớp học cũng có cả tổ y tế. Vì đã từng làm y tá trong trại giam ở Đắc-tô nên tôi còn được cử phụ trách tổ y tế đó. Sang năm 1946, Khi Hồ Chủ Tịch tuyên bố giải tán Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ bảo tôi viết một bài chỉ đạo công tác tuyên truyền trong điều kiện Đảng giải tán. Ông Thọ đọc bài tôi viết, cho là tốt, đánh giá tôi là có năng lực nên ngay sau lớp học ít lâu, tôi được điều về làm Bí thư tỉnh ủy Thái Bình (lúc đó đương khẩn trương chuẩn bị chiến đấu), thay đồng chí Nguyễn Đức Tâm để đồng chí Tâm đi làm công tác khác.


Hết chương III

7 nhận xét :

  1. Cảm ơn cụ Nguyễn Trọng Vĩnh! Cụ đã được tôn vinh trong lòng những người Việt yêu nước, nhất là thế hệ cháu con, và Cụ chắc chắn sẽ được ghi tên vào lịch sử vẻ vang của dân tộc.
    Nhân dịp đầu xuân, kính chúc Cụ luôn dồi dào sức khoẻ, bình an, trí như sao sáng, tâm như ngọc, vạn sự như ý.

    Cảm ơn anh Tễu đã đăng tải hồi kí của Cụ (tuy vẫn rất ấm ức với anh ở chỗ anh đưa các bài khấn nôm bắt người ta vái cả mấy vua Tàu).

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. V
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/03/150301_why_vukhieu_was_criticized

    Trả lờiXóa
  4. Cụ lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thật đáng kính! Chúc cụ sống lâu cho con cháu còn vững tinh thần.

    Trả lờiXóa
  5. CM thời kì đầu đẹp đẽ là thế . Vậy mà chưa hết đời cụ lão tướng NTV , CM lại đang xuống cấp trầm trọng . Do đâu ?

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn ông Teublog đã đăng.

    Trả lờiXóa
  7. Giá bây giờ được bầu Tổng thống thì cháu bầu Cụ Vĩnh một phiếu. Hì, hì...Cháu chúc Cụ trường thọ.

    Trả lờiXóa