Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

HÀ NỘI SẼ THỔI NẾN SINH NHẬT LẦN THỨ 2000 CỦA CHỊ EM NHÀ BÀ TRƯNG

Hà Nội tổ chức kỷ niệm sinh nhật Hai Bà Trưng

 
Thường xuyên tổ chức kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, song năm nay Hà Nội sẽ tổ chức thêm sinh nhật lần thứ 2.000 của hai vị anh hùng dân tộc. 

 
Một cảnh trong vở chèo Vương nữ Mê Linh về Hai Bà Trưng của Nhà hát Chèo Hà Nội 
- Ảnh: Nhà hát chèo HN

Một chùm sự kiện nhân lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng được tổ chức từ 22 - 24.8 tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng (H.Mê Linh, Hà Nội) gồm: chương trình nghệ thuật 2.000 năm vương nữ đất rồng, hội thảo phát huy truyền thống Hai Bà Trưng trong xây dựng và bảo vệ đất nước, các hội thi trình diễn nghề thủ công truyền thống, các hội trại, hội chợ, lễ mít tinh kèm lễ dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng với lãnh đạo TP đọc diễn văn kỷ niệm... Theo Sở VH-TT-DL Hà Nội, chùm sự kiện được thực hiện dựa trên ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.Hà Nội.

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng không nên có một chùm sự kiện kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của Hai Bà Trưng như vậy. “Chúng ta vẫn thường xuyên kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Theo tôi, như vậy là đủ”, ông Thịnh nói. Vị GS này cũng đặt câu hỏi về con số 2.000 năm ngày sinh được Hà Nội đưa ra. 

Lý giải điều này, ông Hoàng Anh Tuấn, lãnh đạo H.Mê Linh, cho biết ngày sinh của Hai Bà Trưng được ghi trong sử sách. Khi H.Mê Linh làm hồ sơ di tích cấp quốc gia đặc biệt cho Đền thờ Hai Bà Trưng, những con số về ngày sinh ngày mất cũng đã được ghi trong đó. Hồ sơ này sau đó được Hội đồng khoa học họp thẩm định, thống nhất rồi trình Thủ tướng Chính phủ ký. “Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi, sinh ngày 1.8.14, mất ngày 8.3.43”, ông Tuấn nói. Ông cũng cho biết Hội đồng khoa học chính là Hội đồng di sản quốc gia.

GS Ngô Đức Thịnh rất bất bình. Theo ông, đấy là cách hiểu nhập nhèm về lịch sử. “Theo sử sách thì bà ấy có họ, có tên đệm. Nhưng lúc đó người Việt không có họ. Tất cả những chuyện đó là do sau này được Việt hóa. Lý lịch đó không phải lịch sử mà là thần tích. Thần tích ghi bố mẹ bà ấy khi sinh bà ấy mang thai đến 13 tháng mới đẻ thì nó cũng là thật à. Giời ơi!”, vị GS kêu lên.

Ông Thịnh cũng khẳng định việc Hội đồng công nhận chỉ là công nhận giá trị của di tích cấp quốc gia, công nhận ý nghĩa cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt do phụ nữ lãnh đạo “chứ không phải Hội đồng di sản công nhận tất cả những truyền thuyết, huyền thoại, câu chuyện mơ hồ trong đó đều là sự thật”. 

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho biết việc kỷ niệm này rất nên làm. Tuy nhiên, kỷ niệm 2.000 năm không có nghĩa là những sinh nhật khác của Hai Bà Trưng cũng sẽ được làm tiếp. “Tổ chức sinh nhật dịp 2.000 năm rồi thì chắc không phải là sinh nhật 2.010, 2.020 năm lại tiếp tục. Mốc 2.000 rất có ý nghĩa. Rất lâu mới có một cái mốc 2.000 năm nên chúng tôi phối hợp tổ chức. Vì vậy, theo chúng tôi là nên có”, ông Động nói.


Cần phân biệt huyền sử và lịch sử
Theo GS Ngô Đức Thịnh, cần phân biệt truyền thuyết, huyền sử và lịch sử. Khi tôn vinh cũng cần tôn vinh giá trị cốt lõi. “Ta đã có kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng rồi. Bây giờ biến truyền thuyết thành sự thật rồi lại đẻ ra ngày kỷ niệm, ngày sinh nọ kia là điều hão huyền và vô lý. Nó lãng phí tiền”, GS Thịnh nói.

Trinh Nguyễn
Theo báo Thanh Niên


Diễn Đàn.org bình:
Ông Hoàng Anh Tuấn, lãnh đạo H.Mê Linh, cho biết ngày sinh của Hai Bà Trưng được ghi trong sử sách (...) “Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi, sinh ngày 1.8.14, mất ngày 8.3.43”, ông Tuấn nói. <Ối giời ! Bà Trưng nghe được câu này, chắc phải trầm mình lần thứ nhì>. 

Tễu: 
Mấy hôm nay thấy lạ quá mà chẳng hiểu ra làm sao! Tự nhiên biết làm giỗ ngày âm cho Cụ Hồ. Rồi lại tổ chức Thổi nến Sinh nhật cho chị em nhà bà Trưng! 

Vài hiến kế gợi ý cho để lễ sinh nhật chị em nhà Bà Trưng thêm xôm trò và rút được nhiều xèng bỏ túi:
- 2000 ngọn nến hồng khủng, thi thổi nến. 
- Các doanh nghiệp trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thi làm bánh GATO để mừng sinh nhật bà.
- Giáo sư Vũ Khiêu sẽ "giáng bút" 1 bài văn ca ngợi sự giáng sinh của Hai Bà. Đồng thời GS. TS Hoàng Quang Thuận cũng sẽ đến đền Hai Bà nằm mộng để sáng tác một tập thơ mừng sinh nhật Hai Bà.
- Phu nhân một ông lớn sẽ được tư vấn để cúng 1 đôi bỉm bằng vàng ròng để đưa vào hậu cung đền Hai Bà.
- Các nhà khảo cổ sẽ tìm ra chậu đá và con dao mà bà Man Thiện dùng để cắt rốn và tắm cho hai bà. 
- Một đêm diễn truyền hình trực tiếp trên VTV từ Đền Hai Bà, chi phí khoảng 30 tỷ. 
- SGK sẽ ghi rõ Hai Bà Trưng đánh giặc "Khợ"(như tên trong tiểu thuyết Xác Phàm của Nguyễn Đình Tú).
- Các loại hội đồng đề xuất làm kỷ niệm “Đám cưới kim cương hóa thạch” của Bà Trưng Trắc với anh Thi Sách.
... 

Anh em khác hiến kế thêm:

Vương Quốc Oai : Còn thiếu người lùn Trần Quang Nhật dẫn 1 đoàn các Pé Tin Cute đứng hai bên đường "rưng rưng" để chụp hình up lên FB nữa chứ anh Tễu ơi

Duong Dinh Giao : Xin thêm: Tổ chức cầu truyền hình trực tiếp từ ba nơi: đền thờ ở Đồng Nhân (quận Hai Bà), ở Hát Môn (Phúc Thọ) và Mê Linh. Sân vận động Mỹ Đình tài hiện cuộc chiến giữa Hai Bà với quân Tàu (học sinh sinh viên chưa hết hè, còn vô cùng nhàn rỗi), nhờ các đồng chí sĩ quan mới tu nghiệp ở Tàu về làm tư vấn, .... 

8 nhận xét :

  1. Không biết có mấy người nghĩ được như GS Thịnh, các nhà sử học đâu hết rồi? Không ai lên tiếng cả, cứ cái đà này rồi sẽ còn tổ chức kỷ niệm sn cho những vị tiền bối nào nữa đây.Rồi tượng đài dựng vô tội vạ khắp nơi. Điện, đường, trường, trạm, xuống cấp nghiêm trọng, giao thông vùng sâu vùng xa thì đu dây, chui túi ni lông để qua suối. Cuộc sống đa số người Dân còn lam lũ. Ôi mảnh đất hình chữ S, các cuộc chiến thì toàn DÂN oằn mình cho... Chiến trường, để mong có... cuộc sống ấm no. Nay có thời bình rồi thì sao toàn Dân vẫn phải oằn mình cho...Quan trường... đục khoét. Hãy dừng tất cả những việc vô bổ, lãng phí tiền của, công sức của Dân lại, trước khi quá muộn. Hãy nhớ lời người xưa: Những gì có hại cho Dân thì hết sức tránh, có lợi cho Dân thì hết sức làm.

    Trả lờiXóa
  2. Ba tỷ cũng đã là vô cùng lãng phí...30 tỷ thì quả là ...tội lỗi!

    Trả lờiXóa
  3. Đồng bào yêu nước nên nhân dịp này hưởng ứng biểu thị tinh thần đoàn kết chống xâm lược trên toàn quốc.

    Trả lờiXóa
  4. Các cuộc miting, biểu tình trên toàn quốc cần có khẩu hiệu, biểu ngữ:
    + Tổ quốc trên hết
    + Tinh thần Hai Bà Trưng bất tử
    + Đã đảo tập đoàn đặc quyền, đặc lợi và các nhóm lợi ích đang phá hoại đât nước.
    + Tham nhúng là bán nước

    Trả lờiXóa
  5. Nhật tân hựu nhật tânlúc 15:34 18 tháng 8, 2014

    Hai bà Trưng là con cháu vua Hùng . Họ Hùng bị tập đoàn thống trị Hậu Hán hồi đó truy diệt hết để tránh mầm nổi loạn của con cháu Họ Hùng ! ( theo ý kiến của Học giả Thái Văn Kiểm )
    Còn ngày 1.8.14 và ngày 8.3.43 là ngày âm hay ngày dương ? Người Việt vốn tổ chức lễ giỗ vào ngày âm . Còn bộ VHTT&DL căn cứ vào đâu để có hai ngày đó ? Vào tk đó DL vẫn còn hỗn mang !
    Ý kiến của GS Ngô Đức Thịnh là hơp lý .

    Trả lờiXóa
  6. Năm trước Hà Nội bị lỡ mất cái dự án Bảo tàng Hà Nội nghe đâu 11.000 tỷ nên năm nay phải nghĩ ra cái dự án gì đó chứ! Làm được cái sinh nhật 2000 năm cho hai bà Trưng năm nay thì sang năm hoặc năm nào đó sẽ làm tiếp sinh nhật cho Thánh Gióng và các tên tuổi khác nữa chứ! Đang thừa tiền chẳng biết tiêu vào việc gì đây?

    Trả lờiXóa
  7. Tháng cô hồn bác Tễu ạ, thôi kệ !

    Trả lờiXóa
  8. Cứ theo tỷ lệ % mà chia,càng nhiều lễ hội thì biệt thự và xe pin..pin cùa các "đày tớ"càng hoành tráng.Giám đốc sỡ như ôn g Động cứ lĩnh tầm 10%.Dại gì mà không làm.Phải tôi thì cứ ai cỏ công trong sử sách là làm kỷ niệm sinh nhật tuốt,nếu ngon ra còn tổ chức mừng thọ cho cả bí thư,chủ tịch và nhiề vị lãnh đạo nhà nước nữa cho xôm trò.
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa