Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

ĐẾN KẺ NGÁI, NGHE NÓI QUÁN NGHINH HƯƠNG SẮP TRÙNG TU


Quán Nghinh Hương (thuộc xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, HN), là một công trình không chỉ có giá trị độc đáo về mặt kiến trúc mà còn có giá trị sâu sắc về mặt văn hóa. Năm 2009, Quán Nghinh Hương đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Nguồn gốc

Làng cổ Hương Ngải hay đất Kẻ Ngái không chỉ được biết đến bởi những phiên chợ Ngái đặc trưng, mà làng Ngái xưa còn nổi tiếng là mảnh đất có truyền thống học hành, khoa cử. Truyền thống hiếu học từ xưa của làng Ngái thể hiện ngay từ những công trình kiến trúc cổ. Ngoài các công trình tín ngưỡng dân gian như đình làng, quán làng, chùa, miếu… còn có hệ thống các văn chỉ, võ chỉ, văn bia, văn chuông được lưu giữ đến ngày nay.


Đặc biệt là quán Nghinh Hương được khởi dựng trong sự phát triển của làng Hương Ngải vào khoảng đầu thế kỷ thứ 11. Quán Nghinh Hương được xây dựng để tôn thờ 3 vị Thành Hoàng họ Chu, là nhân vật lịch sử có thật, những người đã có công lớn trong việc khai phá, mở mang đồng bằng Bắc Bộ.
 

Xưa kia, Quán Nghinh Hương là nơi các sĩ tử Hương Ngải đến học tập, ôn thi và dùi mài kinh sử. Đây còn là nơi đưa tiễn các sĩ tử lên kinh dự thi, lại cũng là nơi nghênh đón tân khoa vinh quy bái tổ về làng. Người làng Hương Ngải vẫn còn truyền tụng câu ca:
 
“Chúc sĩ tử ứng thí tranh khôi
Nghinh tân khoa hồi hương bái tổ”

 

Quán Nghinh Hương vừa là một công trình văn hoá đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa thể hiện ước nguyện khoa bảng của dân làng, đồng thời, đây cũng là nơi qua các giá trị kiến trúc, truyền tải được khát vọng của con người.
 
Kiến trúc
 

Quán Nghinh Hương là một di tích có giá trị nhiều mặt về lịch sử. Kiến trúc của ngôi quán khá lạ so với các kiểu kiến trúc truyền thống khác, người xưa đã dựa vào sự biến thiên của Dịch học để tạo nên một kiểu kiến trúc độc đáo, dù không đồ sộ, nguy nga nhưng hàm chứa một khát vọng: luôn phát triển (nhất tam biến, tam biến cửu:1 gian thành 3, 3 gian thành 9). Nhìn bên ngoài, quán Nghinh Hương trông như 1 gian nhà, nhưng vào bên trong lại biến thành 3 gian, từ 3 gian lại biến thành 9 gian nhỏ, mà con số 9 còn được gọi là số Lão dương, tượng trưng cho sự bền chắc.
 








Đặc biệt hơn, theo “Tinh toạ đồ” thì trung tâm của ngôi quán ứng với chòm sao Bắc Đẩu (hay còn gọi là sao Thất Tinh). Chòm sao Bắc Đẩu là chòm sao sáng nhất trên bầu trời, tượng trưng cho văn chương, thi hoạ.

Tổ tiên Hương Ngải đã trồng 7 cây linh thụ (4 trước, 3 sau), tượng trưng cho 7 ngôi sao trong chòm Bắc Đẩu gồm: Tham lang, Cự môn, Lộc tồn, Văn khúc, Liêm Trinh, Vũ khúc, Phá quân. Cũng theo “Tinh toạ đồ” thì trong vũ trụ có vô số những ngôi sao, nhưng chòm sao Bắc Đẩu là chòm sao chủ tinh. Đây là chòm sao rực sáng, đóng vai trò trung tâm, các ngôi sao vệ tinh luôn luôn quanh nó. Trong sách “Luận ngữ”, Khổng Tử đã nói: “ví chính dĩ đức thí như bắc thuần cư kì sở nhi chúng tinh củng chi”, nghĩa là: “dùng Đức điều hành chính sự ví như ngôi sao Bắc Đẩu toạ lạc đúng vị trí của mình thì các ngôi sao khác ắt phải chầu lại”. Và quán Nghinh Hương toạ lạc đúng vị trí trung tâm của chòm sao này, là nơi đưa - đón hiền tài của làng, với mong mỏi tài năng, đức độ của họ sẽ tỏa sáng như sao Bắc Đẩu.

Nghinh Hương quán còn gắn với 2 trong 5 yếu tố của Ngũ hành là: Thuỷ (giếng nước) và Mộc (cây cổ thụ) để nhắc nhở đời sau nhớ tới cội nguồn: người có tổ tiên như cây có gốc, như nước có nguồn; cây có gốc thì cành lá xum xuê, nguồn nước có sâu thì nhánh sông mới dài rộng; người có tổ tiên, cội rễ thì con cháu mới phát triển mãi muôn đời về sau.

Cho đến nay, trải qua mưa nắng, quán Nghinh Hương không còn giữ được nguyên trạng như ngày đầu khởi dựng, xong di tích này vẫn giữ được nét đặc trưng tiêu biểu của ngôi quán vùng xứ Đoài, hội tụ đủ 3 yếu tố Thiên - Địa - Nhân giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về đặc trưng vùng miền Thủ đô.

Bài trích từ trang tri thức VN.
Ảnh: KTS Nguyễn Giang.

Lâm Khang chủ nhân: Chiều CN, 6.4.2014, chúng tôi về thăm Quán Nghinh Hương lần thứ hai trong mùa xuân này thì được một người dân cho biết sắp tới sẽ hạ giải (dỡ toàn bộ) quán Nghinh Hương để trùng tu, rằng sẽ tháo ra thay sửa cấu kiện, xây tường bao, lát sân, rồi xây công trình mới phía trước là nơi để kiệu...Buồn từ lúc ở Kẻ Ngái ra về...Đêm ngủ cứ lo ngay ngáy.

Xem toàn bộ công trình thì thấy vẫn còn vững chãi, nguyên vẹn và không cần phải trùng tu. Và nếu vạt đất xanh mướt cỏ ở xung quanh Quán mà bị đào đi, lát gạch, rồi thì xây nhà để kiệu bên cạnh thì ôi thôi! Thế thì cái câu "Khôn Kẻ Ngái không bằng dại Kẻ Hiệp" quá đúng!

Nên nhớ, Kẻ Ngái là quê hương của ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch UBND tp Hà Nội, của ông Phí Quốc Tuấn, Bộ Tư lệnh Thủ đô và  nhiều quan chức nữa.

Phí thì Phí, chứ nếu phá di tích thì cũng phải lên tiếng!

Chùm ảnh Nguyễn Xuân Diện về thăm Quán Nghinh Hương Xuân Giáp Ngọ:






Cảnh trước mắt đẹp quá, mà lão Họa sĩ Đức Hòa bắt phải ngồi im để lão vẽ tặng cho bức chân dung. Nhưng lão mặc cả trước là lão chỉ chuyên vẽ chân dung biếm họa, đả kích:





và đây là tác phẩm của lão Đức Hòa


Ngồi mẫu vẽ ký họa xong thì nhớ đến cái quán Nghinh Hương 
trong Chèo cổ Lưu Bình - Dương Lễ, mới ngâm nga:

Nói đếm:
Nay đã về đến quán Nghinh Hương
Quán mát mẻ ta vào tạm trú 
Chà! phong cảnh thực hữu tình kỳ tú

Ngâm thơ:
Kìa! Thuyền ai lơ lửng bên sông
Vẳng tai nghe tiếng sáo mục đồng
Đàn cò trắng thướt tha trên đồng xanh bát ngát

Sử bằng:
Hương móng rồng đâu đây ngào ngạt
Phải đâu ta lạc bước chốn Đào Nguyên
Cảnh thần tiên trêu cợt khách vô duyên!
Ngắm cảnh đẹp thêm phiền cơn lữ thứ....

(trích Chèo cổ Lưu Bình - Dương Lễ)

11 nhận xét :

  1. Thật là một bức tranh tuyệt đẹp về đồng bằng Bắc Bộ! QUÁN NGHINH HƯƠNG được phủ lên một lớp rêu phong của thời gian, xung quanh là bãi cỏ phẳng lỳ xanh ngát, xen lẫn bởi những cây cổ thụ, xa xa là cánh đồng bất tận! Cảnh đẹp mê hồn như vậy mà người nở phá dỡ đi!? thật là không thể hiểu nổi!?
    Thế là mấy tay làm văn hóa ở nơi đây không những bị" LỖ HỔNG NHẬN THỨC" mà có khi là " HỐ ĐEN NHẬN THỨC" cũng không chừng!?
    Đúng là tới thời mạt vận thật sự rồi!? đến cái HỒN của quê hương, cái THIÊNG của đất trời mà bọn này cũng không tha thì...hết biết rồi!!!???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mạt thì mạt thật rồi.
      Nhưng bảo là "LỖ HỔNG NHẬN THỨC" và "HỐ ĐEN NHẬN THỨC" thì không đến nỗi đó đâu.
      Chẳng qua là "LỖ HỔNG HÚT TIỀN" và "HỐ ĐEN CHẤM MÚT" thôi.

      Xóa
    2. "TỄU ƠI" GIỮ LẤY "NGHÊNH HƯƠNG QUÁN"
      ĐỪNG ĐỂ XỨ ĐOÀI PHẢI "MỘT MAI"
      XÓT THAY ĐẤT LẮM NGƯỜI TÀI
      MÀ SAO VĂN HÓA CỨ "MAI MỘT" DẦN?
      HAY LÀ CÁT BỤI PHONG TRẦN
      TRỜI NGHIÊNG ĐẤT NGẢ XOAY VẦN TRÊU NGƯƠI ?

      Xóa
  2. Không sửa, trùng tu thì làm j mà có tiền? lấy đâu ra mà có ngôi nhà to và con bồ nho nhỏ?

    Trả lờiXóa
  3. quá tuyệt vời những bức ảnh của quán nghinh hương ?cảm ơn Tễu .háy tác động để trùng tu đúng giá . trị kẻo không có cơ hội mà tiếc nuối

    Trả lờiXóa

  4. Ba chữ Nho viết theo lối chữ Triện là gì thế hả bác? Có phải là Nghinh Hương Quán không ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, đó là ba chữ Nghinh Hương Quán, viết theo lối tiểu triện.

      Xóa
  5. Nếu Hà Tây không bị Hà Nội cướp thì các di tích lịch sử và văn hóa có bị ăn như vậy như vậy không hả anh Diện.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều này thì bác Diện khó nói rồi . hì hì hì

      Xóa
  6. rất cảm ơn mn đặc biệt là nhà viết báo mong mọi ng có thể quá giang đến đất hương ngải này 1 lần.

    Trả lờiXóa
  7. Trân trọng cám ơn TS Xuân Diện đã đến thăm Hương Ngải. Quê hương ta đẹp biết bao.
    Em có chút việc muốn nhờ anh ạ, gia đình em có cụ 6 đời (Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân, đỗ Hoàng giáp năm 1829) để lại quyển Hoàng giáp thi tập, trong đó có rất nhiều bài thơ phú bằng chữ Hán nôm, gia đình đã nhờ nhiều người nhưng không dịch được. May quá TS lại làm ở Viện Nghiên cứu Hán nôm, gia đình nhờ anh có thể tư vấn giùm để có thể dịch quyển thơ này sang Quốc ngữ thì gia đình vô cùng cám ơn anh ạ.
    Anh có thể tư vấn giùm em qua Email: Macdangcuong@gmail.com
    Em cảm ơn anh!
    Em: Nguyễn Mạnh Cường, ThS Cầu đường ạ.

    Trả lờiXóa