Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Thư giãn cuối tuần: HÃI HÙNG! CHUYỆN "ẤY" CỦA CÁC VUA CHÚA NGÀY XƯA

Ảnh trang trí , không liên quan đến bài viết
Những chuyện 'giường chiếu' hãi hùng của vua chúa Việt 
- Chỉ nói đến vua chúa ngày xưa. Chuyện vua chúa ngày nay để ngày sau chép. 

Ân ái xong rồi giết, bắt mỹ nữ khỏa thân chèo thuyền, bỏ gái vào bao tải để thác loạn, “một đêm sáu bà”, “sưu tập gái đẹp" 5 châu... là những chuyện rùng mình về thói đam mê sắc dục của các vua chúa trong lịch sử Việt Nam.  

Lê Long Đĩnh bị trĩ giai đoạn 4 vì hoang dâm?  

Lê Long Đĩnh (986 - 1009) là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông được mô tả là vị vua hoang dâm vô độ, đến mức bị mắc bệnh trĩ, không thể ngồi được, phải nằm để thiết triều, nên bị gán cho biệt danh "Ngọa Triều Hoàng đế". 

Theo y học hiện đại, bệnh trĩ ở giai đoạn mà bệnh nhân phải nằm là ở giai đoạn 4, là giai đoạn rất nặng chỉ có thể chữa bằng phương pháp phẫu thuật, điều không thể thực hiện ở Việt Nam thời phong kiến. Phải chăng, đó là lý do khiến ông vua này qua đời rất sớm, ở tuổi 23?

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chuyện Lê Long Đĩnh tàn ác, hoang dâm vô độ đã được người thời sau thổi phồng để bôi nhọ vị vua này trong sử sách. 

Lê Uy Mục “yêu xong rồi giết”

Lê Uy Mục (1488 - 1509) là vị vua thứ 8 của nhà Hậu Lê. Ngay từ khi lên ngôi, ông đã nổi tiếng ham rượu chè, mỹ nữ và thích giết người.

Theo sử sách, tuy mới 20 tuổi, Lê Uy Mục đã có một thú vui tình dục rất man rợ. Đêm nào, ông cũng gọi các phi tần, cung nhân vào uống rượu say sưa, hành lạc vô độ. Khi say, ông giết luôn cả cung nhân vừa được mình ôm ấp.

Ai cũng kinh sợ Lê Uy Mục, nhưng vì uy quyền tối thượng và sự tàn nhẫn của vua, nên không dám lên tiếng.

Do chỉ mê hưởng lạc, Lê Uy Mục đã bỏ bê triều chính, mặc cho bọn hoạn quan và bên họ ngoại khuynh đảo, lộng hành… Hậu quả là ông vua này đã bị một số người trong tôn thất và triều thần nổi loạn, bắt và bức tử.

Lê Tương Dực bắt mỹ nữ khỏa thân chèo thuyền

Lê Tương Dực (1495 – 1516) là vị vua thứ 9 của nhà Hậu Lê. Ông lên ngôi sau khi giết bỏ Lê Uy Mục – vị vua được người đời mệnh danh là “Vua Quỷ”.

Theo sử sách, Lê Tương Dực vốn là người có tư chất thông minh. Lúc mới lên ngôi ông cũng ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, biết nghe lời phải trái, được coi là có công trạng với đất nước.

Nhưng càng về sau, Lê Tương Dực càng chơi bời xa xỉ trụy lạc, bỏ bê việc nước. Tương truyền, vua đã cho đóng chiến thuyền bắt con gái khỏa thân chèo chơi ở hồ Tây.

Tháng 5/1514, nghe lời của Hiệu úy Hữu Vĩnh, Lê Tương Dực giết chết 15 vương công, cho gọi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm.

Vì hoang dâm như thế, cho nên sứ nhà Minh sang trông thấy vua, bảo rằng Tương Dực có tướng lợn. Nên mọi người ngoài và dân chúng gọi ông là “Vua Lợn”.

Mạc Mậu Hợp tan nát cơ đồ vì dâm dục

Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592) là vị vua thứ 5 của nhà Mạc thời Nam Bắc triều trong lịch sử Việt Nam. Sử cũ chép rằng, Mậu Hợp là người sống xa hoa, kiêu ngạo, hay nghe xiểm nịnh, thường ít lắng nghe lời bàn luận, khuyên can của các bậc lương thần.

Đặc biệt, ông là người rất hoang dâm hiếu sắc. Chính điều này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự suy vong của cơ nghiệp nhà Mạc.

Để thỏa mãn dục vọng, Mạc Mậu Hợp đã không ngần ngại “mưu giết bề tôi, đoạt mỹ nhân”. Cụ thể, do thích vợ của viên trấn thủ Nam đạo Sơn quận công Bùi Văn Khuê, ông đã lên kế hoạch giết danh tướng này để cướp vợ.

Kế hoạch bị đổ bể khiến Bùi Văn Khuê đem quân quay sang quy phục vua Lê và chúa Trịnh Tùng. Theo gương Bùi Văn Khuê, hơn 10 tướng nhà Mạc cũng bỏ Mạc Hậu Hợp để chạy sang phe Lê – Trịnh.

Điều này khiến quân Mạc suy yếu nghiêm trọng và bị quân Trịnh Tùng đánh tan sác sau đó không lâu. Mạc Mậu Hợp phải bỏ kinh thành trốn chạy nhưng không thoát, cuối cùng đã bị Trịnh Tùng treo sống 3 ngày rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, sau đó đem đóng đinh vào 2 con mắt, bêu ra ngoài chợ 5 ngày.

Trịnh Giang bỏ gái vào bao tải để thác loạn

Trịnh Giang (1729-1740) là vị chúa Trịnh thứ bảy thời Lê Trung Hưng. Theo các sử gia, nếu các chúa từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Cáng đều là những nhà cai trị tài giỏi thì việc lên nắm quyền hành của Trịnh Giang lại là khởi đầu cho thời đại suy tàn của họ Trịnh.

Tương truyền, Trịnh Giang có tật mê đàn bà từ thuở nhỏ. Vì vậy, không có gì lạ khi lên cầm quyền, ông sớm nổi tiếng về thói ăn chơi dâm loạn không chừng mực.

Càng về sau, Trịnh Giang càng có nhiều biểu hiện kì dị trong sinh hoạt tình dục. Một số hoạn quan hàng ngày phải lựa ra một người đẹp trong số cung nữ, hoặc bắt cóc dân nữ sống quanh khu vực cho tắm rửa sạch sẽ, đến tối bỏ vào một cái bao tải lớn, vác bỏ vào phòng của chúa Trịnh Giang, rồi mặc cho chúa “hành sự”.

Không chỉ dừng lại ở đó, Trịnh Giang là kẻ dâm loạn còn từng tư thông với vợ lẽ của cha mình là chúa Trịnh Cương.

Sau này, Trịnh Giang bị mắc bệnh "dâm cơ địa" mà sinh ra yếu bóng vía, sợ ánh sáng mặt trời nên phải đào hầm sống dưới đất.

Minh Mạng “một đêm sáu bà”

Vua Minh Mạng (1791-1825) là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn. Không chỉ là một vị vua có trí tuệ, ông còn nổi tiếng bởi sức khỏe chăn gối hơn người.

Tương truyền nhà vua hoạt động chăn gối về đêm đều đặn. Mỗi đêm, vua chấm cho thái giám gọi 5 bà vào hầu, mỗi canh vua “chiều” một bà. Có khi chỉ trong một đêm vua làm cho 3 bà có thai.

Dù “lao lực” cả đêm như vậy, nhưng hàng ngày vua vẫn thiết triều, cưỡi ngựa mà không có biểu hiện mệt mỏi.

Sách sử chép rằng, để vua có sức khỏe trị vì đất nước và "chiều" các bà vợ thì ngự y cung đình đã ngày đêm nghiên cứu, bào chế những bài thuốc có tính năng tráng dương bổ thận rất hiệu dụng, gọi là Minh Mạng thang.

Tuy nhiên, các nhà y học hiện đại cho rằng, vua Minh Mạng là người có năng lực tình dục bẩm sinh, những toa thuốc vua dùng chỉ mang tính trợ lực, chứ không phải đóng vai trò quyết định.

Với “năng lực siêu phàm” của mình, vua Minh Mạng đã trở thành vị vua có số lượng con nhiều nhất trong 13 đời vua Nguyễn, với 142 người con, gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa.

Bảo Đại nghiện đàn bà, “sưu tầm” mỹ nữ 5 châu 4 biển

Vua Bảo Đại (1913 - 1997), vị vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam nổi tiếng là vị vua ăn chơi và đa tình khét tiếng.

Trong sách “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam”, tác giả Pháp Daniel Grandclément cho biết sở thích hàng đầu của vua Bảo Đại là đuổi theo những người đàn bà đẹp.

Vua từng thẳng thắn bộc lộ sự ham muốn sắc dục của mình như sau: "Luôn có nhu cầu đối với đàn bà, một thứ nhu cầu thường xuyên không thể dập tắt được như đồ ăn thức uống. Từ khi đến tuổi lớn, đêm nào cũng phải có một người đàn bà nằm bên, mỗi đêm một người".

Không chỉ thử ăn nằm với những người đẹp Việt Nam, Bảo Đại còn “nếm” cả phụ nữ Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Châu Phi...

Loạn luân – chuyện không hiếm của vua chúa Việt

Lịch sử Việt Nam đã nhiều lần ghi nhận hiện tượng loạn luân trong cung vua, phủ chúa của nhiều triều đại khác nhau.

Đó là các trường hợp chúa Trịnh Giang tư thông với vợ lẽ của cha mình là chúa Trịnh Cương, vua Mạc Kính Chỉ (?-1593) tòm tem với vợ của vua cha khi còn làm quan phụ chính, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) - vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử loạn luân với một bà công nữ…

Đặc biệt, loạn luân là một hiện tượng phổ biến, được thừa nhận trong thời nhà Trần như một cách để bảo vệ ngai vàng không rơi vào tay ngoại tộc.

Theo thống kê, nhà Trần có khoảng 35 cuộc hôn nhân loạn luân, tiêu biểu là cuộc hôn nhân giữa vua Trần Anh Tông với hoàng hậu Thuận Thánh mang tính chất chắt chú chắt bác lấy nhau.


22 nhận xét :

  1. Trần Anh Tông lấy bà Thuận Thánh là chắt chú chắt bác cũng là quá xa rồi.
    Pháp luật Việt Nam hiện đại không biết có cấm không.
    Còn như Trần Thủ Độ lấy chị con bác ruột là Trần Thị Dung mới là ghê gớm kìa.
    (em con chú lấy chị con bác ruột)
    Nhà Trần còn có người lấy cô ruột nữa kia.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói toạc móng heo ra thì lại sợ đụng chạm đến thần tượng. Chán !

      Xóa
    2. Đừng ép nhau quá đáng,
      "nói toạc móng heo ra" thì có gì là khó.
      Không dám đụng chạm đến thần tượng của nhiều con dân nước Việt thôi.
      Có gì mà chán.
      Nhớ được câu cha mẹ dạy:
      "Nhanh nhảu đoảng, Thật thà hư".

      Xóa
  2. theo tôi thì vua MINH MANG 1791; 1840 .bac kiểm tra lại nhé

    Trả lờiXóa
  3. bác M nhà ta thì sao nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác này khỏi chê " răng chắc c bền..." he he....

      Xóa
    2. Bác ấy cối hăng hơn thanh niên!

      Xóa
  4. Đã bằng ông vua Trần Dụ Tông thông dâm với chị gái ruột là công chúa Thiên Ninh à.

    Trả lờiXóa
  5. Nhà Sản thì tay đảng trưởng lấy vợ lẽ là bồ của con trai mình khi vợ chết chưa đầy 1 năm mới kinh.

    Trả lờiXóa
  6. Chắt chú chắt bác là 5 đời. Pháp luật hiện chỉ cấm trong 3 đời thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Vua Minh-Mang qua doi nam 1840.

    Trả lờiXóa
  8. Hoàng gia CPC lấy người trong giòng họ không hà . Không biết bây giờ còn như thế không ? Các vua Triều Trần lấy người trong giòng họ cũng không lạ gì vào thời đó. Vậy mà nhiều người rất thông minh tài giỏi . Triều Trần Phật thịnh hơn Nho, mà Phật dường như không qua khắt khe việc người trong giòng họ lấy nhau !
    Đàn ông thời PK còn 5 thê 7 thiếp huống gì là vua chúa . Chuyện kể GM Bá đa Lộc khuyên Gia Long theo đạo CG . Gia Long trả lời : ĐẠO của Ngài chỉ một vợ một chồng , tôi theo Đạo thì bao nhiêu gái đẹp bỏ cho ai ?

    Trả lờiXóa
  9. Dâm thì... ai chả có, các bác nhỉ? Đa tình thì cũng... kẻ ít người nhiều, đâu đâu cũng vậy. :)

    Thế nhưng dâm mà đến độ "hoang" như ba ông vua Long Đĩnh (Tiền Lê), Uy Mục, Tương Dực (Hậu Lê) cũng như ông chúa họ Trịnh (Trịnh Giang) thì thiệt là... đáng nghiên cứu. Ước sao tài liệu cổ về những nhân vật này vẫn còn đủ để hậu thế có thể tìm hiểu cuộc đời của họ, thì quả là đề tài rất hấp dẫn, ít là cho các nhà tâm lý hiện đại. Trong số các vì vua chúa liệt kê trên đây thì tôi thấy bốn ông này giống nhau ở chỗ có đời sống tình dục kỳ dị, mà nhất là độc ác nữa. Liệu có nguyên nhân nào liên quan đến thời thơ ấu của các vị này không nhỉ?

    Xét về mặt xã hội thì một nhà lãnh đạo quốc gia mà có đời sống tình dục quá... "dồi dào", như kiểu vua Minh Mạng hay vua Bảo Đại, thì liệu sẽ ảnh hưởng thế nào đến ích chung đất nước nhỉ? Mạnh Tử, một bậc tiên hiền của Nho giáo, có dạy rằng "phú quý bất năng dâm" thì mới đáng mặt trượng phu, mới xứng gánh việc nước. Thế nhưng khổ cái là người đa tài thì cũng thường lại... đa tình. Cái năng lực sống nơi họ mạnh mẽ quá, có thể hữu dụng để phục vụ cộng đồng mà đồng thời cũng có thể vì quá mạnh mà vướng mắc lung tung... Vậy thì sao nhỉ?

    Nên tôi nghĩ mỗi vị vua, hay tổng thống, hay chủ tịch hay thù tướng vân vân, thì chỉ nên "ở ngôi" một thời gian nhất định thôi, tức là phải có nhiệm kỳ. Khi biết mình chỉ có vài năm để có thể dùng hết tinh anh của mình phục vụ đất nước, vị ấy có thể vượt qua được các cơn cám dỗ bất chính. Khi nào "nợ tang bồng trang tráng vỗ tay reo" thì có... "đi cô đầu" hàng ngày trong tư cách một công dân bình thường thôi cũng được, đó là chuyện cá nhân, miễn đừng phạm quốc pháp.

    Ngoài ra, giả như cần chọn lựa giữa hai kẻ cùng là đa tài, (nhưng vì thế chẳng may cũng đa tình và đa dâm tí), để biết ai sẽ là người có thể cáng đáng việc chung cách hữu hiệu, ích nước lợi dân... tôi nghĩ nên xem đến LÒNG NHÂN và Ý thức Trách nhiệm của người đó. Chứ cái kiểu vừa độc ác vừa vô trách nhiệm với ngay cả các người tình của mình thì quả là kiểu lãnh đạo đáng sợ!

    Trả lờiXóa
  10. Xin phép ẩn danhlúc 10:53 3 tháng 11, 2013

    Tôi xin kể hầu bác Tễu cùng các bác câu chuyện này. Tôi rất tiếc chỉ nhớ đại ý chứ không nhớ rõ các chi tiết:

    "Câu chuyện xảy ra trong lúc dư luận quốc dân than trách nhiều nhất về vua Bảo Đại, rằng ngay giữa giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của đất nước mà nhà vua chỉ biết ăn chơi, bồ bịch lung tung, đến nỗi cả người Pháp cũng coi thường...

    Một hôm vua Bảo Đại lệnh cho vị cận thần là cụ Lê Thanh Cảnh sáng sớm hôm sau ra điểm hẹn đón một cô gái về triều. Cụ Cảnh khổ sở bẩm: 'Tâu bệ hạ. Đầu thần đã hai thứ tóc. Thần đã phục vụ nhà Nguyễn từ thời tiên đế đến giờ. Xin bệ hạ cử ai khác, chứ để một mệnh quan triều đình như thần phải đi đón ý trung nhân cho bệ hạ là điều quá khó coi. Khổ tâm cho hạ thần lắm'. Vua Bảo Đại mỉm cười đưa bức điện cho vị quan: 'Ông xem thử bên dưới bức điện ký tên gì?'. Bức điện ký tên THU VÂN. Nhà vua nói tiếp: 'Thu Vân nghĩa là Mây Mùa Thu đó. Đây là việc đại sự quốc gia, phải phiền đích thân ông đi. Đừng băn khoăn nữa'.

    Sau này cụ Lê Thanh Cảnh mới hiểu ra. Cô gái tuyệt đẹp và ăn mặc sang trọng kia thực ra chỉ là một giao liên. Người mà nhà vua đón gặp thì ra lại là ông cụ đóng vai bõ già đi theo hầu cô gái. Đó là ông Nguyễn Đức Bình, đặc phái viên của lãnh tụ Việt Minh Hồ Chí Minh."

    Câu chuyện này do chính cụ Nguyễn Đức Bình kể lại cho thân phụ tôi nghe, vào khoảng năm 1971-72. Kể xong, cụ Bình chỉ vào cụ Lê Thanh Cảnh đang ngồi bên và nói với ba tôi: "Đây, nhân chứng lịch sử đây. Cụ Cảnh có thể xác nhận chuyện trên là sự thực". Cụ Cảnh, là trưởng bối trong dòng họ nhà tôi, gật đầu xác nhận.

    Ba tôi năm ấy chỉ mới độ tuổi 45, chỉ là hàng con cháu của hai cụ. Cụ Nguyễn Đức Quỳnh nói rằng cụ từng là một trong những "lý thuyết gia đầu tiên của ĐCSVN", nhưng rồi cụ bỏ vào Nam. Cụ nói với ba tôi rằng cụ có biết vài bí mật lịch sử và muốn gởi gắm lại cho ba tôi, nhưng chỉ trước lúc cụ nhắm mắt lìa đời. Khoảng cuối năm 1972, cụ nhắn ba tôi đến để cụ trăn trối, nhưng ba tôi khi ấy trong quân đội và đang công tác xa Sài Gòn, không thể phạm quân luật mà về được. Cụ Quỳnh mất tại ngôi nhà riêng trên đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ, quận 10 Tp.HCM).

    Đây là lời cụ Quỳnh kết luận khi kể câu chuyện trên: "Vua Bảo Đại là vì vua rất có khí phách và tinh thần trách nhiệm. Ông coi vận mệnh dân nước còn quan trọng hơn cả vương quyền và danh dự của ông nữa. Việc ông ăn chơi gái gúng thật ra chỉ là cách che mắt người Pháp đó thôi."

    Ba tôi nay cũng đã qua đời rồi. Tôi không biết làm cách nào để từ câu chuyện trên mà lần lại những trang sử còn nhiều ẩn khuất thời đó. Tìm trên internet cũng không thấy thông tin gì đặc biệt về hai cụ Lê Thanh Cảnh và Nguyễn Đức Quỳnh. Xin kể lại đây, biết đâu trong số các bác độc giả của Tễu-Blog có bác quan tâm hoặc có thể bổ túc thêm manh mối gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người mà bạn muốn nói tới là Nguyễn Đức Bình hay Nguyễn Đức Quỳnh?

      Xóa
    2. Xin phép ẩn danhlúc 19:06 6 tháng 11, 2013

      Dạ, Nguyễn Đức Quỳnh mới đúng, bác Vinh Tuong Ngo ạ. Xem lại mới biết phần trên tôi nhầm. Hic, tôi bây giờ tuổi đã lớn hơn cái tuổi 45 của ba tôi lúc nghe câu chuyện, thấy trí nhớ mình nó sa sút hẳn. Muốn "lú" rồi, bác ơi.

      Tôi đã tìm mãi trên Google tên cụ Nguyễn Đức Quỳnh mà không thấy thông tin nào cả. Sau này mới nghĩ ra, biết đâu lúc còn hoạt động cho đảng CS, cụ lấy biệt danh khác chăng?

      Xóa
    3. Xin phép ẩn danhlúc 19:13 6 tháng 11, 2013

      Tôi vừa chạy vô Google hỏi lần nữa thì có thông tin này, các bác ạ:

      Nguyễn Đức Quỳnh

      Quê quán : Trà Bồ - Phù Cừ - Hưng Yên
      Sinh ngày 20-11-1909
      Các bút hiệu khác :Hà Việt Phương - Hoài Đồng Vọng - Vương Thương Thương - Hoài Nam Hoài.

      Thuở nhỏ, ông đi du học ở nước ngoài và đỗ kỹ sư điện toán.

      Năm 1931 về nước, cộng tác với Nguyễn Công Tiễu trong tờ Khoa học tạp chí viết các bài về Khoa học phổ thông

      Năm 1934 viết báo Tiếng Trẻ, Thời thế, Quốc gia (Hà Nội), và thành lập nhóm Hàn Thuyên với tạp chí Văn Mới xuất bản định kì như một nguyệt san văn học. Trong thời gian này, ông viết tiểu thuyết tự thuật về thời thơ ấu của ông ở Hưng Yên, và những thiên khảo luận lịch sử văn minh loài người vào thời nguyên thủy.

      Năm 1946, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở chiến khu cùng với các nhà văn của nhóm Hàn Thuyên như Nguyễn Đình Lạp, Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Nguyễn Tuân, Phạm Ngọc Khuê.

      Năm 1952, ông về Hà Nội, sau đó vào Huế, Sài Gòn cộng tác với các báo Đời Mới của Trần Văn Ân và một số nhật báo khác. Hầu hết các tác phẩm của ông xuất bản trước năm 1945.

      Sau 1954, ông có viết Ai có qua cầu (ký tên Hoài Đồng Vọng, nhà Quan Điểm xuất bản năm 1957), truyện dài Làm lại cuộc đời (đăng trên báo Đời Mới, ký Hà việt Phương), ngoài ra còn một số truyện đăng báo hằng ngày, như Tia Sáng, ký tên khác.

      Qua đời tháng 6-1974, hưởng thọ 65 tuổi.

      Nguồn: http://newvietart.com/NGUYENDUCQUYNH_vietnam.html

      Xóa
  11. Vua chúa thời hiện đại có gia đình nhà N.Đức.M và con trai N.Quốc.T có lẽ cũng nên để cho sử chép về sự ô nhục chứ!

    Trả lờiXóa
  12. Nên mọi người ngoài và dân chúng gọi ông là “Vua Lợn”.
    Hay! Lợn làm vua, người làm dân? Than ôi...

    Trả lờiXóa
  13. Chuyện "bắt mỹ nữ bỏ vào bao" của Trịnh Giang không có tư liệu chính xác. Nhưng luận theo lý thông thường thì với quyền lực lúc đó có vẻ không hợp lý: Mỹ nữ phục vụ cho Vua, Chúa dù đồng ý tự nguyện hay không đều không dám chống lại. Vậy sao phải cho vào bao vác ném vào Phủ Chúa? (Lưu ý không phải là làm tình trong bao, có thể lý giải là để tìm cảm giác lạ). Thêm nữa: Nếu nói là con gái bắt cóc xung quanh trong thành thì không bao giờ có chuyện "ăn xổi" ngay tức thì (cưỡng hiếp) như dân dã mà phải tắm rửa này nọ đàng hoàng dù bị ép. Khả năng là trò "cuốn một tấm lụa trên người, không mặc quần áo đề hầu Vua" giống Vua chúa bên Tàu thì có lý hơn
    Còn chuyện chui xuống hầm: Là do bị sét đánh gần chết, bị hoảng loạn nên ám ảnh (sử gọi là chứng "kinh quý") chứ khôn có bệnh nào trong từ điển Y khoa gọi là "dâm cơ địa" cả!

    Trả lờiXóa
  14. " Theo Kiến Thức " thì " Đặc biệt, loạn luân là một hiện tượng phổ biến, được thừa nhận trong thời nhà Trần như một cách để bảo vệ ngai vàng không rơi vào tay ngoại tộc".
    Trước giờ tôi vẫn nghĩ như vậy.
    Tuy nhiên sau khi xem phim " Thái Sư Trần Thủ Độ" tôi lại nghĩ khác.
    Ấy là chưa hẳn hôn nhân cận huyết xảy ra ở thời nhà Trần là để bảo vệ hoàng tộc.
    Bởi người đầu tiên tiến hành hôn nhân cận huyết mà sử ghi được của nhà Trần là Thái sư Trần Thủ Độ.
    Trần Thủ Độ là Điện Tiền chỉ huy sứ của Triều Lý, và sau nầy là Thái sư của Triều Trần. Ông ấy chỉ quyết cháu mình là Trần Cảnh lên làm vua mà thôi, Ngay cả khi Trần Cảnh từ chối, Trần Thủ Độ vẫn bắt ép Trần Cảnh làm vua.
    Việc lấy vợ cận huyết để bảo vệ hoàng tộc có thể lý giải cho những hôn nhân sau nầy của triều Trần nhưng không thể lý giải được việc Trần Thủ Độ lấy Trần Thị Dung.
    Trần Thị Dung là bà chị con bác của Trần Thủ Độ. Trần Thị Dung trước đây vốn là vợ của Lý Huệ Tông.
    Trần Thủ Độ chưa bao giờ dòm ngó ngôi vua cho riêng mình. Thế nên không cần thiết phải lấy bà chị con bác mình làm vợ để bảo vệ hoàng tộc.
    Theo tôi, có thể thời ấy, các làng chài ở Hải Ấp có tục hôn nhân cận huyết?
    Bác Diện nghĩ sao?

    Trả lờiXóa
  15. " Theo Kiến Thức " thì " Đặc biệt, loạn luân là một hiện tượng phổ biến, được thừa nhận trong thời nhà Trần như một cách để bảo vệ ngai vàng không rơi vào tay ngoại tộc".
    Trước giờ tôi vẫn nghĩ như vậy.
    Tuy nhiên sau khi xem phim " Thái Sư Trần Thủ Độ" tôi lại nghĩ khác.
    Ấy là chưa hẳn hôn nhân cận huyết xảy ra ở thời nhà Trần là để bảo vệ hoàng tộc.
    Bởi người đầu tiên tiến hành hôn nhân cận huyết mà sử ghi được của nhà Trần là Thái sư Trần Thủ Độ.
    Trần Thủ Độ là Điện Tiền chỉ huy sứ của Triều Lý, và sau nầy là Thái sư của Triều Trần. Ông ấy chỉ quyết cháu mình là Trần Cảnh lên làm vua mà thôi, Ngay cả khi Trần Cảnh từ chối, Trần Thủ Độ vẫn bắt ép Trần Cảnh làm vua.
    Việc lấy vợ cận huyết để bảo vệ hoàng tộc có thể lý giải cho những hôn nhân sau nầy của triều Trần nhưng không thể lý giải được việc Trần Thủ Độ lấy Trần Thị Dung.
    Trần Thị Dung là bà chị con bác của Trần Thủ Độ. Trần Thị Dung trước đây vốn là vợ của Lý Huệ Tông.
    Trần Thủ Độ chưa bao giờ dòm ngó ngôi vua cho riêng mình. Thế nên không cần thiết phải lấy bà chị con bác mình làm vợ để bảo vệ hoàng tộc.
    Theo tôi, có thể thời ấy, các làng chài ở Hải Ấp có tục hôn nhân cận huyết?
    Bác Diện nghĩ sao?

    Trả lờiXóa