GIAN
NAN CON ĐƯỜNG PHỤC CHẾ MỘT TẤM BIA THỜI
LÝ
Nguyễn
Huệ Chi
“Lý công nước Việt,
Noi dấu tiền nhân.
Cầm quân tất thắng,
Trị nước an dân.
Danh lừng Trung hạ,
Tiếng nức xa gần.
Vun trồng phúc đức,
Đạo
Phật sùng tin...”
Tấm
bia ra đời vào thời điểm rất gần những
sự kiện lịch sử nóng bỏng là cuộc chiến
Lý - Tống, vì thế có thể coi là một trang hồi ký sinh
động của người đương đại viết
một câu chuyện thời sự vừa diễn ra
chưa bao lâu, làm nổi lên một nhân cách lịch sử
sáng chói của thời đại mình. Cũng chính GS Hoàng
Xuân Hãn còn tìm thấy tấm bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở hương
Duy Tinh, quận Cửu Chân, nay thuộc thôn Duy Tinh, xã Văn
Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cũng do
cùng một tác giả Pháp Bảo soạn vào năm 1118,
trước tấm bia trên đến 10 năm, nhưng lại
nói về một ông Thông phán (chức quan
chuyên trách về lương thực, ruộng đất và
thủy lợi) họ Chu, là người được
vua Lý Nhân Tông sai coi giữ quận Cửu Chân sau khi Lý
Thường Kiệt mất vừa tròn 10 năm (1115), một
nhân vật được nắm giữ việc quan lúc còn
rất trẻ nhưng tài học vang lừng và tài trị
dân nổi tiếng: “Chu công là
người ôn hòa kính cẩn, khí khái thanh liêm. Lấy trung
tín thờ người trên; lấy khoan nhân tiếp kẻ
dưới. Nghe lời nói hay thì để mãi trong lòng; học
đủ ba đông mà không biết mệt mỏi. Tinh thông
kinh sử; uyển lệ văn chương. Tiếng khen
lan truyền trong đám nho sinh; tên tuổi vang lừng
nơi trường ốc”. Và khi đến lỵ sở
Cửu Chân nhậm chức thì ông “quyết tâm thay cũ đổi mới”, “Không chùng không thẳng mà khoan mãnh
dựa nhau; không mềm nắn rắn buông mà cương
nhu hợp độ. Xếp đặt mọi việc;
đều hợp lễ nghi. Khuyên nhân dân chăm việc
nông tang; xét hình ngục cốt điều hòa ái. Cho nên trên
dưới một lòng, bỏ hết kiện tụng; xóm
làng vui vẻ, phong hóa thanh cao”. Tiếng tăm đồn
thổi về triều, ông được vua Lý Nhân Tông triệu
về kinh đô cho trông coi việc xây dựng kinh thành
Thăng Long và cung diện của nhà Lý. Sau khi mọi việc
hoàn thành, rất đẹp lòng vua, nên ông lại được
đặc cách coi giữ toàn trấn Thanh Hóa, ngang chức với
Lý Thường Kiệt trước khi từ trần:
“Coi dân giữ đất,
Có bậc tài danh.
Việc quan trinh thuận,
Dốc hết lòng thành.
Người gần cung kính,
Người xa cảm tình.
Ban bố chiếu chỉ,
Vỗ yên dân lành.
Xóm làng hòa mục,
Kho đụn đầy nhanh.
Ngục hình không lạm,
Trị
nước nổi danh...”
Thu thập
được một cụm những tấm bia như vừa
dẫn trên đây, GS Hoàng Xuân Hãn đã khai thác được
nhiều tư liệu sử học và địa lý đặc
sắc, soi sáng cho một công trình nổi tiếng của
ông xuất bản vào năm 1949 tại Hà Nội là cuốn
Lý Thường Kiệt, cho
đến nay vẫn được các thế hệ học
giả đi sau lấy làm mẫu mực.
Hai
mươi năm sau những tìm tòi của Hoàng Xuân Hãn, khi
được Viện Văn học giao cho phụ trách
Nhóm thơ văn Lý - Trần, tôi đã cùng nhiều bạn
bè trong Nhóm, thuộc nhiều thế hệ, vào nhiều khoảng
thời gian khác nhau, như PGS Đỗ Văn Hỷ
(đã quá cố), PGS TS Trần Thị Băng Thanh, PGS TS Phạm
Tú Châu, các bạn Hoàng Lê, Lại Văn Hùng, Phạm Ngọc
Lan, Đặng Thị Hảo, Phạm Văn Ánh, Quách Thu Hiền...
tổ chức nhiều đợt khảo sát về các di
chỉ Lý - Trần xưa để thu thập, bổ sung
tư liệu. Đặc biệt, lần theo bước
chân vị GS họ Hoàng, từ năm 1971 chúng tôi đã trở
lại tìm hiểu các tấm bia thời Lý mà ông từng công
bố trong cuốn sách của ông. Điều rất ngậm
ngùi là ở Thanh Hóa, hết thảy các “kỷ vật”
văn tự vô giá thuở nào Hoàng Xuân Hãn từng nâng niu thì nay
đều đã hoàn toàn... mất bóng. Thậm chí không phải
chỉ bia thôi mà một số ngôi chùa tiếng tăm
như Linh Xứng (núi Ngưỡng Sơn / Hàm Rồng), Báo
Ân (núi An Hoạch / Núi Nhồi), Hương Nghiêm (núi Càn Ni / thuộc
xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa)... cũng trở thành
phế tích hoặc đã ra tro bụi từ lâu. Khi đến
chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, nhìn quang cảnh ngôi chùa sầm uất
xưa kia vẫn đứng uy nghi với các hoa văn rồng
Lý khắc chạm tinh xảo ở các thềm đá bao
quanh cao đến nửa mét còn giữ nguyên được
nhiều chỗ, chúng tôi mừng hớn hở, đứng
ngắm nghía thật lâu, tưởng như gặp lại được
một người bạn tri âm tri kỷ. Ai dè khi đến
tận nơi tấm bia nổi tiếng có ảnh trong cuốn
Lý Thường Kiệt đang
đứng lầm lũi ở mé bên phải sân chùa thì một
cảnh tượng khiến ai nấy sững sờ: một
tảng đá “sứt đầu mẻ trán”, với nhiều
vết đạn lỗ chỗ sâu hoáy trên thân mình, cùng những
dòng chữ Hán đã gần nhòe hết nét khắc, có vẻ
như sượng sùng cúi mặt không còn muốn chào đón
khách tham quan. Hỏi han người xung quanh thì vào thời
kháng chiến chống Pháp, bộ đội về đóng
trong chùa, cần tập bắn, nên có lúc đã... mượn
bia làm mục tiêu cho tiện một công đôi việc (chống
thực dân và chống phong kiến, bao gồm cả tôn giáo
trong đó). May mà ngôi chùa quá danh tiếng nên không bị phong
trào “hợp tự” năm 1948 đặt vào tầm ngắm,
và nhờ đó bia vẫn chưa bị nung vôi. Cầm lòng
không được, chúng tôi không khảo sát kỹ hơn nữa
các di tích khác ở xung quanh chùa mà bảo nhau leo lên xe đạp
về ngay.
Trở
về Hà Nội, đành lần tìm trong Thư viện Viễn
đông Bác cổ của Pháp cũ, bấy giờ đã trở
thành Thư viện Khoa học xã hội Việt Nam. May mắn
còn tìm được bản sao các văn bia do GS Hoàng Xuân
Hãn lưu lại, lại tìm thêm được thác bản
của chúng do chính Trường Viễn đông Bác cổ Pháp cử người đi dập,
nhờ đó tham bác với nhau để khảo đính
các văn bia này và công bố trong Tập I Thơ văn Lý - Trần năm 1977. Cũng là một
chút an ủi để niềm tin khỏi đến mức
tiêu tan.
Thác bản bia
Sùng Nghiêm Diên Thánh của Viễn đông Bác cổ Pháp
trước 1945
Đến
năm 1992, chúng tôi lại kéo nhau trở lại chùa Sùng
Nghiêm. Bấy giờ chùa đã được trùng tu, khang trang
hơn nhiều, nhưng nhiều hiện vật thời Lý
còn giữ được cũng vì thế mà bị người
trùng tu loại bỏ, như phần hoa văn rồng Lý ở
các thềm bó vỉa xung quanh nền chùa bị lấy hết
đi, gắn vào một bức tường để làm
chứng tích, còn thì thay bằng đá chạm hoa sen mới
được thi công, nét khắc nông và thô hơn rất
nhiều.
Các tảng
đá chạm hoa văn rồng Lý bó vỉa nền chùa bị
bóc đi khi trùng tu
Dù sao,
xem xét khắp từ chùa ngoài, gác chuông, nơi tàng giữ kiệu,
các mộc bản lưu trữ, cho đến hậu
cung... thì đây vẫn là ngôi chùa tương đối ít
có những “sáng kiến táo bạo” trong quá trình trùng tu (nghĩa
là mạnh tay xài tiền), do nhà sư nữ trụ trì vốn
rất cẩn trọng, nên ít nhiều những di vật cổ kính vẫn còn giữ được.
Phần hoành phi câu đối được thay mới
không đáng kể, chưa đến nỗi làm “cộm mắt”
người xem như vô số đình chùa miền Bắc.
Hoành phi mang dòng
chữ “Sùng Nghiêm Diên Thánh tự” và các câu đối nơi
chùa chính vẫn không thay đổi
Những cỗ
kiệu xưa vẫn còn nguyên vẹn
Các bệ
hoa sen bằng đá kê tượng Phật trong hậu cung cũng
được giữ lại, với những mảng khắc
chạm sóng nước có lẽ nếu có muộn cũng
không xa lắm với thời điểm xuất xứ của
ngôi chùa.
Bệ đá
hoa sen và hoa văn sóng nước kê tượng Phật vẫn
được giữ lại
Duy tấm
bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi
minh tính tự tuy cũng cố gắng “vá” lại bằng
xi măng và đắp nổi chữ Hán trên trán bia, có dựng
thêm nhà bia và xây một bệ bia hoa sen hẳn hoi, nhưng vì
thế càng phô ra vẻ thảm thương của một “phế
nhân” còn đầy vết đạn, và chữ thì mờ
nhòe gần hết, đến mức nói như Cao Bá Quát: “Thế sự hà kham một tự
bi” – Việc đời chịu sao cho thấu tình cảnh
tấm bia nhòe chữ!
Thế
sự hà kham một tự bi!
Khi
chúng tôi vào khu nhà tổ, sư trụ trì đi vắng, chỉ
có một bà vãi đưa ra một cuốn sổ ghi cảm
tưởng để xin đoàn viết cho mấy dòng.
Đang sẵn mối mặc cảm về tấm bia, tôi
ghi ngay: “Xin nhà chùa hết sức
lưu ý tìm mọi cách phục chế lại tấm bia giống
như bia gốc, vì bản dập thuở xưa ở
trung ương vẫn còn giữ được. Nếu
không, dù chùa trùng tu tráng lệ đến đâu cũng không
tránh được nỗi phiền muộn cho khách thăm
chùa”.
Thế
rồi bẵng đi đến 14 năm. Vào năm 2006, tôi
vừa nghỉ hưu được một năm, một
hôm bỗng nghe tiếng điện thoại reo, nhấc lên
thì đầu dây bên kia là một giọng nữ nghe rõ tiếng
nói vùng Thanh Hóa. Người ấy xưng tên là Thích Đàm
Tâm và tìm hỏi GS Nguyễn Huệ Chi. Thì ra đây chính là vị
sư trụ trì chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh mà năm xưa, khi
chúng tôi đến vãng cảnh, vì nhà sư có việc đi
vắng nên không được gặp. Nhưng lúc sư trở
về, đọc được mấy lời tôi viết
trong cuốn sổ cảm tưởng, lạ thay, bà không hề
phật ý, trái lại, rất lấy làm tâm đắc.
Đinh ninh lời khuyến cáo của tôi, sư hội
chúng tăng trong chùa lại, nói đó cũng chính là tâm nguyện
bấy lâu của mình, và kêu gọi khách vãng lai cũng
như thiện nam tín nữ từ nay hãy dồn tiền
công đức dành cho việc phục chế tấm bia này,
nếu không thì quá xấu hổ. Ai nấy đều đồng
lòng với sư. Trải qua 14 năm, số tiền lặng
lẽ tích góp tính ra đã có thể tạm trang trải cho
các công đoạn làm lại tấm bia, sư bèn tìm hỏi
bằng được số điện thoại của
tôi, xưng danh, và đặt thẳng vấn đề nhờ
tôi đứng ra lo toan việc tái lập văn bản
cũng như xem xét phương án thiết kế một
mô hình sao cho thật lý tưởng để có thể bắt
đầu khởi công khắc bia. Tôi nghe sư nói, kinh ngạc,
ngỡ ngàng, đứng lặng giây lâu, và cuối cùng thì vỡ
òa thành một niềm vui.
Lập
tức, vài hôm sau tôi liên lạc lại với anh chị em
trong Nhóm Lý - Trần cũ và vạch ra một kế hoạch
cụ thể. Việc trước mắt là khảo
đính lại thật chuẩn mặt trước văn
bia vốn đã được công bố trong Thơ văn Lý - Trần Tập
I do tôi Chủ biên. Mọi người nhất trí giao cho tôi
tiếp tục đảm nhiệm. Sử dụng thác bản
của Trường Viễn đông Bác
cổ Pháp còn lưu giữ, soi kính lúp để tham chiếu
với văn bản in ảnh trong cuốn Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn, tôi liệt
kê ra những chữ không còn đọc nổi và đi tìm lời
giải trong khi so sánh với văn bản mà chúng tôi đã
khảo đính trong Thơ
văn lý - Trần Tập I (1977), kết hợp với Văn khắc Hán Nôm Việt Nam Tập I do GS
Claudine Salmon và PGS Phan Văn Các xác lập năm 1998, dựa
trên thành quả của chính bộ sách của chúng tôi. Sau 2
tháng, bản khảo đính chi tiết của tôi xong xuôi,
được anh em trao nhau đọc và chấp nhận.
Chúng tôi liền tổ chức một chuyến đi chùa
Sùng Nghiêm vào ngày 23-7-2006 để xem xét mặt sau tấm
bia xem có khắc chữ Hán nào không, nếu có thì cũng phải
tái lập văn bản. Trách nhiệm việc đọc phó
thác cho vợ tôi, Nguyễn Kim Hưng, bạn Phạm
Văn Ánh (Viện Văn học) và Nguyễn Văn Thanh (Viện
Hán Nôm). Hóa ra, đến nơi mới biết, chữ Hán
chiếm gần một nửa mặt bia phía sau, nhưng
trước nay chưa ai ghi lại. Ba người đã dán
mắt vào đọc và đoán suốt cả một buổi,
rồi cùng nhau hội lại, xác định được
khá chắc chắn 13 hàng chữ (không kể những chữ
đã mờ tịt), ghi rõ việc cúng ruộng hậu
điền cho chùa, khắc lên bia vào ngày 16 tháng 12 năm Kỷ
Sửu (dựa trên kiểu chữ thì biết là vào thời
hậu Lê nhưng không rõ đích xác năm nào). Đó là thêm một
văn bản thứ hai.
Chuyến hành
hương chùa Sùng Nghiêm ngày 23-7-2006. Từ trái sang, người
thứ 3: Nguyễn Văn Thanh; thứ 4: Phạm Văn Ánh;
thứ 5: Đặng Thị Hảo; thứ 6: Thích Đàm
Thành, đệ tử sư bà Thích Đàm Tâm; thứ 7: Nguyễn
Kim Hưng.
Về
phần tôi, đây là lần diện kiến chính thức
sư bà Thích Đàm Tâm để nghe nhà sư trải lòng về
nỗi niềm canh cánh đối với tấm bia kể
từ khi bà về chùa đây trụ trì. Và đây cũng là
cơ hội để tôi tập hợp lại mớ tài
liệu ghi chép tên họ những người đã cùng với
nhà chùa phát tâm trong bấy nhiêu năm cho mục tiêu làm tấm
bia mới.
Lần đầu
diện kiến sư bà Thích Đàm Tâm ngày 23-7-2006
Trở
về lại Hà Nội, hội ý với anh chị em, chúng
tôi mời nhà thư pháp Lê Quốc Việt tham gia vào cuộc.
Việt vui vẻ nhận lời, cùng chúng tôi bàn thảo rất
kỹ cách thiết kế tấm bia. Dựa trên thác bản
của Viễn Đông Bác cổ Pháp
đã có, Việt nhận đảm đương mấy
phần việc quan trọng: viết dòng chữ triện
trên trán bia cùng vẽ mô hình rồng Lý hai bên chầu vào; thiết
kể chuỗi hoa văn hoa dây leo xung quanh diềm bia và các
mô-típ trang trí chạy ngang ở dưới trán bia cũng
như dưới chân bia. Việt cũng nhận viết
cho phần chữ Hán Hậu
điền ở nửa mặt sau bia phỏng theo kiểu
chữ thời Lê mà bàn tay tài hoa của anh thực hiện
không mấy khó khăn. Nhưng phần chữ chính của
văn bản mặt trước là chữ khải thời
Lý - Trần thì Việt gợi ý, phải mời cho
được nhà thư pháp Phan Bảo có uy tín bậc nhất
của Thanh Hóa. Mặt khác, còn có một đế bia vốn
không còn tồn tại, nay phải tìm cách tạo hình cho nó và
phải tìm được một cách trang trí hoa văn thích
hợp. Sau nhiều buổi trao đổi cặn kẽ,
chúng tôi thống nhất làm một bệ bia cao nửa mét
và chọn những mô-típ trang trí thời Lý tiêu biểu hiện
còn. Việc này Việt cũng hăng hái nhận giúp cho luôn.
Quả nhiên, chỉ chừng hai tháng, tham khảo hết các
ảnh chụp còn lại trong các bảo tàng và sách vở
đây đó, Việt đã thiết kế hoàn chỉnh mô
hình một đế bia được khắc họa tỉ
mỉ với kiểu trang trí ở tháp Chương Sơn
còn lại. Ai nấy xem xong đều rất đẹp ý.
Riêng tôi, phải tự mình đi vào Thanh Hóa gặp gỡ
nhà thư pháp Phan Bảo. Rất may, cuộc hội ngộ
ngộ diễn ra suôn sẻ. Tôi gặp được một
con người lịch lãm, phong độ, ít nói nhưng rất
cởi mở. Ông thết tôi thứ rượu cúc cất
riêng cho mình tuyệt ngon, và khảng khái nhận lời tôi,
dù món tiền bồi dưỡng mà tôi đưa đến
chẳng tương xứng với tài năng công sức của
ông. Y như rằng ông đã nói là làm. Cùng thời gian Việt
làm xong đế bia thì chúng tôi cũng nhận được
một bản chữ Hán từ Thanh Hóa gửi ra, kiểu
chữ khải cổ, so với thác bản cứ ngỡ
là hai chị em song sinh, nhưng một bên đã trải qua
phong sương một nghìn năm, một bên còn nguyên vẻ
nõn nà của thời son trẻ. Mừng biết mấy là mừng!
Về phần mình, tôi cũng viết một bài Hậu ký cho nửa sau mặt
bia còn lại, kể sơ lược tình trạng tấm
bia qua nhiều thời kỳ lịch sử, quá trình nhà chùa
cùng chúng tôi bắt tay vào “tân tạo”, cuối cùng là ghi tên những
ai đã góp công sức vào công cuộc trùng tu này. Cho đến
tháng Mười 2006 thì bản thiết kế chi tiết
xong hoàn toàn. Lê Quốc Việt góp một phần công sức
không nhỏ.
Mặt trước
bản thiết kế
Mặt sau bản
thiết kế gồm cả Hậu
điền và Hậu ký
Việt
còn đưa bản vẽ đến một công ty để
in phóng to đúng kích cỡ trên vải nilon, và cùng chúng tôi kéo
nhau vào chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh trình với sư bà Thích Đàm
Tâm và Ban quản lý ngôi chùa một lần cuối cùng. Ấy
là vào tháng Mười năm 2006. Lần này có thêm Quách Thu Hiền,
một cô gái giỏi giang, mới về Ban văn học Cổ
cận đại của Viện Văn học qua kỳ
thi tuyển trước khi tôi nghỉ hưu. Chúng tôi ngồi
soát xét lại văn bản ngay giữa sân chùa. Sư bà và
người đến chùa chứng giám đều không khỏi
trầm trồ, kinh ngạc.
Những
người đang kiểm tra lại bia, từ trái sang: Phạm
Văn Ánh, Quách Thu Hiền,
Lê Quốc Việt, Nguyễn Huệ
Chi
Những
tưởng mọi việc thế là hoàn tất. Nào có ai học
đến chữ ngờ. Khó khăn nảy ra bắt đầu
ở việc tìm đá khắc bia. Chúng tôi chủ động
thay mặt nhà chùa đi lùng đá có đến dăm bảy
phen, chẳng nơi nào có đá mà mình ưng ý. Khác với việc
khai thác đá thời xưa, làm bằng phương pháp thủ
công, chậm nhưng đá đục ra nguyên phiến, nay
các công ty đều dùng mìn lấy đá, nên ít còn kiếm
được đá đúng khuôn khổ. Thảng hoặc
có được tảng đá to thì thế nào nhìn kỹ
cũng ẩn những đường nứt dọc ngang.
Thậm chí có lần cả mấy anh chị em đã vào tận
núi Nhồi, chịu đựng cái nóng hầm hập và bầu
không khí bụi cát mù mịt, dò từng tảng đá nằm
ngan ngác tại các công ty đá ở đây, cuối cùng vẫn
phải ngao ngán lắc đầu. Thứ nữa là thợ
khắc. Không ít người nói sẵn sàng khắc chữ
đúng theo bản mẫu. Song khi đến nhìn họ làm
thì chỉ là khoét chữ lên đá, chữ hiện hình đấy
song không tài nào gọi được là khắc chữ Hán
đúng kiểu của người thợ khắc thời
cổ (cắt đá lõm xuống theo hình chữ V). Tìm cùng khắp
mà rốt cuộc cũng chưa chấm được
người nào. Thêm vào đấy, số tiền tích góp của
nhà chùa cũng chẳng phải rủng rỉnh gì, tiêu việc
này việc khác dần dần đã hầu cạn. Ước
hẹn khởi công vào cuối năm 2006 thế rồi lại
đành thất hẹn.
Lại
7 năm nữa trôi qua. Mùa xuân năm 2013, khoảng đầu
tháng Tư, tôi lại nghe tiếng điện thoại reo.
Lại là sư bà Thích Đàm Tâm, giọng nói giờ đây
nghe đã mệt nhọc hơn nhiều nhưng niềm lạc
quan không giấu được. “Lần này đã có đá tốt, cũng đã có thợ
giỏi, những ba người. Tiền
lạc quyên cũng đã đủ. Xin GS bắt đầu
cho, kẻo tôi già mất rồi, sợ không sống
được mấy nỗi nữa”. Tôi cảm động,
hẹn với sư tuần sau cho thợ ra tôi thử tay
nghề. Và ngay trong tuần đó, tôi điều chỉnh
ngày tháng, bổ sung thêm tên người vào bài Hậu ký ở mặt sau tấm
bia, cũng theo yêu cầu của tốp thợ, chữa lại
một số chữ ở mặt trước, mà khi nhìn kỹ
thấy ngòi bút lông của ông Phan Bảo vì sơ ý làm cho nét
này hơi nhằng vào nét khác. Công việc chỉnh sửa, tập
huấn cho thợ... làm ngày làm đêm, đúng là dứt
điểm chỉ trong vòng một tuần.
Ba
tháng tròn, thợ làm luôn tay không nghỉ, chạy ra chạy
vào để gặp gỡ tôi hai phen. Đến đầu
tháng Tám thì sư bà báo cái tin làm tôi nức lòng: “Việc khắc chữ coi như
là xong, đang cho xây nhà bia, xin GS cho đoàn vào nghiệm thu sớm”.
Còn gì sung sướng hơn!
Ngày
17-8-2013, một đoàn nghiệm thu kiêm tham quan, bao gồm
những anh chị em đã bắt tay vào việc từ ngày
còn trứng nước: Nguyễn Huệ Chi, Phạm
Văn Ánh, Đặng Thị Hảo, Nguyễn Kim Hưng,
Quách Thu Hiền; những nhà khoa học tự nhiên và xã hội:
Chu Hảo, Lê Minh Hằng, Nguyễn Phạm Hùng, Nguyễn Xuân Diện, Khương Việt
Hà, Đào Tiến Thi, Nguyễn Trí Sơn; và cả những
nhà văn vốn yêu thích lịch sử thời Lý - Trần:
Hoàng Quốc Hải, Vũ Ngọc Tiến; lại có thêm cả
một cháu bé con Thạc sĩ Phạm Văn Ánh đi cùng với
bố; từ sáng sớm đã cùng nhau lên một chiếc
xe Ford tại đường Kim Mã Thượng, Hà Nội, trực chỉ
chùa Sùng Nghiêm ở ga Nghĩa Trang, Thanh Hóa, rẽ về
hướng Đông 4 km, mà hành tiến. Xe chạy bon bon,
chuyện trò rôm rả, và đến hơn 11 giờ đã
áp tận cổng chùa.
Chùa Sùng Nghiêm
Diên Thánh treo cờ để đón đoàn
Anh chị em xuống xe, tiến vào cổng
giữa những người đang đón đợi. Không
có tiếng reo mừng nào. 5 tiếng đồng hồ là
quá lâu đối với họ. Có người chờ không
được tưởng đoàn đã bỏ cuộc nên
ra về trước, như nhà thư pháp Phan Bảo. Nhưng
thôi, đến được đã là may.
Việc đầu tiên mà ai cũng nóng lòng là
ào tới phía bên phải ngôi chùa, băng qua giàn giáo, vôi vữa,
để ngắm nhìn tấm bia mới. Ôi, thật hả
lòng! Hệt như một tấm bia 10 thế kỷ trước,
nhưng lại là bia vừa mới... khai sinh. Mới toanh! Cả mặt
trước, mặt sau đều rõ từng nét chữ.
Mặt trước
bia
Mặt sau bia
Chỉ có một điều khiến cả
người chủ trì lẫn anh em bỏ công phục chế
đều băn khoăn, lạ lẫm: đế bia
đã thay đổi hoàn toàn mẫu mã so với thiết kế
ban đầu. Vì sao? Không ai hiểu nổi. Về sau hỏi
ra thì chỉ là bởi khắc theo mô hình của người
thiết kế sẽ quá đắt, thời gian hoàn tất
cũng sẽ quá lâu, do thế đám thợ khắc và
người hưng công đã xúi sư bà “gật” cho họ
được tự động thay đi, dùng hoa sen thế
vào rồng Lý. Chỉ có vậy thôi! Còn làm sao nữa bây giờ!
Mới biết, cái cố tật không tuân thủ nguyên tắc
của người Việt, ở đâu, trong bất cứ
việc nào cũng thật là khó sửa. Dù kỹ tính đến
thế, vậy mà sự đời vẫn không chiều
theo ý mình trăm phần trăm được. Âu cũng
là định mệnh.
Tất nhiên là phải chụp ảnh. Những
tấm ảnh quý giá sẽ lưu lại lâu dài một kỷ
niệm đẹp, không bao giờ quên, cho con cháu. Chụp ở
cả bia mới và bia cũ.
Trước tấm
bia mới
Và trước
tấm bia cũ
Các bạn nữ
cũng tranh thủ chụp một tấm với nhau cho bõ
công đến tận đây... “xem Trạng”
Rồi thì người nào vào nhiệm vụ ấy.
Ai đọc soát lại bia hãy rướn mắt lên nhìn từng
nét khắc xem đúng hay sai. Kết quả, còn tìm ra khá nhiều
chữ khắc thiếu nét; lại có những chữ thợ
khắc đang phải bỏ trống... Không hề gì.
Đây mới là nghiệm thu chứ đâu đã xong. Cứ
thu thập lại tất cả, thống kê đầy
đủ, rồi sửa luôn một lần, thợ khắc
hứa như vậy và Ban quản lý chùa Sùng Nghiêm cũng hứa
như vậy.
Còn ai
không phải đọc, soát, thì vào chùa đàm đạo với
sư bà Thích Đàm Tâm. Thay mặt giới khoa học ở
Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật đang
có một dự án về việc dịch các câu đối
hoành phi ở các đền chùa, GS Chu Hảo nói lên nguyện
vọng của mình muốn nhà chùa tiếp tục cho khắc
bản dịch lên một tấm bia y như tấm bia
đã khắc. Sư bà và Ban quản lý ngồi nghe, xem chừng
có vẻ chưa mặn mà cho lắm. Có lẽ họ đã
thấm mệt.
GS Chu Hảo
đang thuyết phục sư bà và Ban quản lý về việc
khắc nốt bản dịch tấm bia
Dầu
sao thì cho đến tận lúc ra về, cả đoàn khách
và cả nhà chùa cũng vẫn chưa hết hào hứng với
những gì đã đạt được. Một hành
trình gian nan sánh bằng trèo lên quả núi cao ngất. Trèo suốt
trong 21 năm (1992-2013)! Nhưng trèo lên đến đỉnh
rồi thì quả thật nhìn lại mới thấy
“đã”, thấy bõ cái công, phục chế ra phục chế.
Mà điều đáng nói còn là: không tốn lấy một xu
tiền công quỹ. Theo ông Phó ban Quản lý dự án trùng tu
chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh tên Hải cho biết, thì trong 13 tỷ
rưỡi tiền dành cho các hạng mục, không có hạng
mục nào gọi là “phục sinh lại tấm bia”, và số
tiền hiện còn giữ trong ngân hàng là 5 tỷ rưỡi.
Ai nấy nghe đều tươi nét mặt khi bắt tay
giã từ.
Chụp ảnh
trước sân chùa khi từ giã
Vâng,
đúng thế thật. Nhưng giá mà việc nào cũng làm
được như thế. Khắp trong nước không
một việc nào có cơ hội giúp cho những chiếc
túi riêng căng phồng lên cả nhỉ?! Rồi, trầm
ngâm, ngẫm ngợi thêm, thì..., ờ
mà sao lạ thế chứ? Đây chẳng phải là một
việc trọng đại có giá trị hàng đầu
trong việc trùng tu các đền chùa cổ hay sao! Sao lại
không chi tiền? Nếu cứ bắt anh trí thức dấn
thân tự nguyện làm lấy hết mọi việc mà
không nhận đồng nào, hoặc có nhận cũng chẳng
bõ bèn, thì chẳng hóa ra... sống bằng “bùi tai” là đủ,
“được tiếng khen ho hen chẳng còn” ư? Vậy
ra, thân phận người trí thức bao giờ cũng
là... “mặc cho thiên hạ đục, một mình ta trong”
cơ đấy!
Hà Nội, 2-9-2013
N.H.C.
Vui, rất vui vì một việc lớn đã thành công về cơ bản. Buồn, thật buồn vì vẫn còn "tồn tại một số khiếm khuyết" (phát biểu kiểu lãnh đạo nhà mình ý mà), ví như "Cái cố tật không tuân thủ nguyên tắc của người Việt, ở đâu, trong bất cứ việc nào cũng thật là khó sửa", cũng chẳng biết đến bao giờ người Việt mình mới sửa được cái "cố tật" này.
Trả lờiXóaVâng
XóaMặc cho thiên hạ đục một mình ta trong ! Ở đời được mấy ông Khuất Nguyên ?
Trả lờiXóaThật là mừng, nhưng sao vừa đọc vừa rơi nước mắt.
Trả lờiXóaÔi những nhà Trí thức thời này, thật không có gì phải hổ thẹn với Tiền Nhân.
Thật lạ lùng, một câu chuyện khoa học tưởng chừng khô khan mà tôi đọc một lèo với sự hưng phấn cao độ như đọc một áng văn chương tuyệt tác. Ấn tượng mạnh mẽ và rất nhiều cảm xúc. Càng thêm cảm phục giáo sư Nguyễn Huệ Chi và các đồng sự. Đọc xong câu chuyện này có nhiều suy ngẫm mà trong khuôn khổ vài câu "nhận xét" không thể nói hết được.
Trả lờiXóaCảm ơn Quý vị đã làm một việc có ích cho đời sau, để con cháu còn biết và ghi ơn Ông, Bà, Tổ tiên.
Trả lờiXóaKhông biết là lời đề nghị của tôi sau đây có là thừa, ngớ ngẩn hay quá muộn rồi không. Rằng tôi nghĩ dù đã có tấm bia mới, nhưng cũng vẫn nên giữ tấm bia cũ, có thể chôn sâu dưới đất, tại vị trí của tấm bia mới chẳng hạn. Chôn như vậy sẽ bảo vệ được tấm bia gần như vĩnh viễn. Đồng thời, ở tấm bia mới, cũng nên có một dòng chữ nhỏ, khiêm tốn nói rõ về quá trình phục chế này và cũng nói rõ địa điểm chôn tấm bia cũ.
Trả lờiXóaSao GS Huệ Chi lại bỏ bauxite mà rút vào nghiên cứu sâu ? Sự nghiệp nào quan trọng hơn sự nghiệp đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân . Dù GS có chất đầy những pho sách, những phục chế văn bia cổ mà nhân dân cực khổ thì mấy ai đọc được ? Trang bauxite cần những ngườii như GS Huệ Chi .
Trả lờiXóaVừa nghe tin GS Huệ Chi tạm rời trang bauxite để giao cho người khác điều hành !
Những việc mà GS Nguyễn Huệ Chi đã làm như thế đã là nhiều, là khó lắm rồi, không thể đòi hỏi gì hơn được nữa. Hơn nữa, tôi cũng hiểu rằng, dù ông có nhường quyền điều hành này cho người khác, thì ông vẫn tiếp tục đóng góp sức lực vào sự nghiệp đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân.
XóaĐối với một con người, quan trọng nhất là ý thức được chính mình (giữa mong muốn và khả năng) để mà hành động cho thích hợp. Có thế thì mình mới có thể đóng góp được nhiều nhất cho cộng đồng.
Kính chúc GS khỏe, vui, tiếp tục có những công trình nghiên cứu hữu ích, cho dù ở bất cứ lĩnh vực nào.
Hy vọng các thế hệ trẻ nhanh chóng kế tiếp được những con đường mà các bậc tiền bối như GS đã dày công thiết lập, khởi xướng.