Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

CẦN THU HỒI NGAY BẰNG TIẾN SĨ CỦA ÔNG HOÀNG XUÂN QUẾ (ĐH KTQD)

Ông Hoàng Xuân Quế

Vụ PGS.TS bị tố đạo văn:  
“Nộp nhầm” luận án hay “sao chép nguyên văn”?   
Cập nhật: 5h56' ngày 09/07/2013

(Thanh tra) - Thời gian gần đây báo chí đã phản ánh về việc phó giáo sư (PGS) tiến sĩ (TS) Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD), tác giả luận án TS bảo vệ năm 2003 “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” bị tố cáo “đạo văn” tới 30% dung lượng luận án TS bảo vệ năm 2002 của TS Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng với đề tài “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”.

Sau khi công luận phản ánh nội dung trên, tổ xác minh do Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD thành lập đã đến làm việc với Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường Đại học KTQD để sao lưu 2 cuốn luận án, tổ chức đối chiếu và làm việc với tác giả luận án bị sao chép là TS Mai Thanh Quế, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng, Học viện Ngân hàng.

Có việc “đạo” luận án

Ngày 24/6/2013, tổ xác minh đã có báo cáo gửi Ban Giám hiệu Trường Đại học KTQD. Theo nguồn tin của phóng viên, kết quả xác minh cho thấy: Việc sao chép luận án của PGS.TS Hoàng Xuân Quế như đơn thư phản ánh là đúng sự thật.

Ngoài việc sao chép y nguyên gần 30% nội dung luận án của TS Mai Thanh Quế, trong luận án của mình, PGS.TS Hoàng Xuân Quế còn thể hiện sự cẩu thả khi trích dẫn không đúng, nhiều nội dung khoa học không đúng do lỗi sao chép theo kiểu “cắt”, “dán”.

Tổng cộng luận án của PGS.TS Hoàng Xuân Quế có 2.020 câu, bước đầu phát hiện có 662 câu giống y nguyên luận án của TS Mai Thanh Quế, chiếm tỷ lệ 33,66% dung lượng (theo số câu) của luận án.

Ngoài ra, luận án của PGS.TS Hoàng Xuân Quế đã sử dụng tới 73 tài liệu tham khảo. Theo Quy chế Đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh (NCS) cần trích dẫn đầy đủ tài liệu tham khảo theo quy định. Tuy nhiên, trong luận án, ông Hoàng Xuân Quế chỉ có 7 trích dẫn, trong đó có 2 trích dẫn nhầm tài liệu.

Làm việc với tổ xác minh, TS Mai Thanh Quế đã có bản xác nhận: “Tôi xin đảm bảo rằng cá nhân tôi thực hiện nghiên cứu và không có sự tham gia của bất kỳ người nào khác ngoài giáo viên hướng dẫn. Những cá nhân có luận án TS sao chép một phần của tôi là không có sự cho phép của cá nhân tôi và chưa từng tham gia với tôi ở các công trình nghiên cứu khác”. 

Biện minh thiếu thuyết phục

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, tại bản giải trình trong buổi làm việc lần thứ ba với tổ xác minh vào ngày 1/7/2013, ông Hoàng Xuân Quế đã quanh co, không trung thực khi đưa ra lý do hết sức “ngây thơ” và phi lý là bản luận án do chính ông nộp trên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD cách đây 10 năm sau khi bảo vệ xong để hoàn tất hồ sơ cấp bằng TS là… bản nộp nhầm!

Điều khó hiểu là lý do biện minh thiếu thuyết phục này của 1 PGS.TS vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận “sẽ xem xét” tại buổi làm việc ngày 5/7 vừa qua. Theo đó, ông Hoàng Xuân Quế được lãnh đạo Bộ gia hạn cho nộp bản luận án để chứng minh vào ngày 10/7. Dư luận cho rằng, Bộ đang tạo điều kiện cho PGS.TS này có cơ hội “gia cố” lại luận án để biến từ “đạo văn” thành “không đạo văn”. Nếu đúng như vậy, việc làm không đúng quy định này có thể tạo tiền lệ và khuyến khích cho việc “đạo văn” trong khoa học và giáo dục.

Cũng theo nguồn tin riêng của phóng viên, ông Quế đã đến gặp 2 thành viên Hội đồng Bảo vệ Luận án năm 2003 (hiện đã nghỉ hưu) nhờ ký vào bản luận án do ông chuẩn bị sẵn để xác nhận đây là bản luận án cuối cùng. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, chúng tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển cơ quan công an giám định tuổi mực và chất giấy in của bản luận án ông Hoàng Xuân Quế nộp cho Bộ vào ngày 10/7 để xử lý hành vi giả mạo giấy tờ, hồ sơ theo quy định của Điều 267 Bộ luật Hình sự đối với ông Hoàng Xuân Quế và 2 thành viên Hội đồng Bảo vệ Luận án năm 2003, nếu có.

Có điều, chưa cần giám định để xử lý hình sự, lời biện minh thiếu thuyết phục của ông Hoàng Xuân Quế đã bị lật tẩy khi chúng tôi tìm thấy cuốn sách chuyên khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” của ông Hoàng Xuân Quế do Nhà xuất bản Thống kê xuất bản năm 2004 (Số Giấy phép xuất bản 335-133/XB-QLXB Cục Xuất bản cấp ngày 13/2/2004, in xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2004). Đây là cuốn sách chuyên khảo được ông Hoàng Xuân Quế xuất bản từ nội dung luận án TS của mình bảo vệ năm 2003.

Kết quả so sánh nội dung của cuốn sách và bản luận án của ông Quế trên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD cho thấy giống nhau gần như hoàn toàn. Kết quả kiểm tra, đối chiếu, so sánh luận án TS của NCS Hoàng Xuân Quế năm 2003 và sách chuyên khảo của chính ông xuất bản năm 2004 là minh chứng cho những sai phạm trên: Luận án TS của PGS.TS Hoàng Xuân Quế có tổng số 2.020 câu, phát hiện có 662 câu giống luận án của TS Mai Thanh Quế chiếm 33,66% dung lượng (theo số câu) của luận án. Sách chuyên khảo của PGS.TS Hoàng Xuân Quế có tổng số 1.772 câu, phát hiện có 1.647 câu giống hoàn toàn với luận án ông làm năm 2003, chiếm 92,95% dung lượng (theo số câu) của sách chuyên khảo; phát hiện có 98 câu, chiếm 5,5% dung lượng của sách chuyên khảo chỉ khác 1, 2 từ, hoặc thêm bớt một vài từ, hay vài từ sao chép bị sai lỗi chính tả, nhưng không làm thay đổi nội dung, ý nghĩa của câu.

Đáng nói là, trong danh mục tài liệu tham khảo của luận án TS của ông Hoàng Xuân Quế không nhắc gì đến luận án của TS Mai Thanh Quế. Tuy vậy, đến khi xuất bản sách chuyên khảo, ông Hoàng Xuân đã đưa luận án TS của TS Mai Thanh Quế vào danh mục tài liệu tham khảo. 
.
 
Bìa sách chuyên khảo từ luận án “đạo văn” của PGS.TS Hoàng Xuân Quế

Như vậy, có thể thấy: Việc biện minh nộp nhầm bản thảo luận án lên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD của ông Hoàng Xuân Quế là thiếu thuyết phục.

Từ bản luận án TS sao chép của TS Mai Thanh Quế, ông Hoàng Xuân Quế đã “bạo gan” in và xuất bản thành sách chuyên khảo năm 2004 với số lượng 1.000 cuốn và gửi tặng cho nhiều người. Cuốn sách chuyên khảo bị tố “đạo văn” này đã được ông Hoàng Xuân Quế nộp trong hồ sơ xét công nhận học hàm PGS năm 2009. Chưa hết, trang bìa của sách chuyên khảo này còn in quảng cáo cho 2 ngân hàng và 1 công ty chứng khoán - điều vi phạm Luật Xuất bản.

Dư luận đặt câu hỏi, sự việc đạo văn đã “rõ như ban ngày” tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn xử lý theo kiểu “câu giờ” đối với vị Phó Giáo sư này? Có hay không sự khuất tất khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận xem xét lý do phi lý “nộp nhầm” Luận án của ông Hoàng Xuân Quế? 

Cần sớm thu hồi học hàm, học vị 

PGS.TS Hoàng Xuân Quế đã vi phạm khoản 2 Điều 58 Luật Giáo dục đại học quy định về những điều giảng viên không được làm (gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học); vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm khoản 6 Điều 19 Luật Viên chức về những điều viên chức không được làm… thể hiện sự gian lận và thiếu trung thực của nhà giáo, làm ảnh hưởng đến uy tín của Trường Đại học KTQD và của ngành Giáo dục Việt Nam.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế (năm 2003), hành vi vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế có tính chất và mức độ nghiêm trọng phải bị xử lý kỷ luật theo Luật Viên chức theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Nghị định 97/1998/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/11/1998, Điều 41 của Quy chế Đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT, ngày 8/6/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Căn cứ vào Điều 12 Quy định Quản lý văn bằng chứng chỉ, giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGDĐT, ngày 26/12/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, văn bằng TS của ông Hoàng Xuân Quế cần được xem xét thu hồi theo đúng quy định.

Đồng thời, căn cứ vào Điều 18 Quy định Tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg, ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, học hàm PGS của ông Hoàng Xuân Quế cần được xem xét hủy bỏ theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Đảng ủy Khối và Đảng ủy Trường Đại học KTQD phải xem xét xử lý kỷ luật đảng viên đối với ông Hoàng Xuân Quế theo Quy định 181/QĐ-TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị.

Dư luận đang trông chờ quyết định xử lý nghiêm minh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan hữu quan, để tình trạng “đạo văn”, “gian lận” trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và gian dối trong việc nâng cấp học hàm, học vị trong các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo được sớm chấn chỉnh nghiêm túc.

Văn Liên
Nguồn: tại đây

29 nhận xét :

  1. Ý chết, đừng thu hồi bằng TS của bác ấy. Làm vậy thành tiền lệ "không hay". Nước ta có tới già nửa TS như bác ý rồi. Thu bằng cũng có nghĩa là giáng chức, có khi còn ở tù nữa,làm vầy thì lấy ai làm việc. Bác Nguyễn Sinh Hùng khóa trước cũng phát biểu ở Quốc hội rồi "kỷ luật hết thì lấy ai làm việc". Bác Hùng nói đúng đấy. TS, thạc si quá nhiều, đa phần giữ chức vụ chủ chốt trong đảng và chính quyền, mà chiếu đúng tiêu chuẩn thật thì cũng đa phần đáng bị kỷ luật. Chỉ cần kiểm tra kiến thức sơ sơ là "ao" hết. Này nhé: học ths, TS thì khi thi đầu vào phải đảm bảo điều kiện về ngoại ngữ. Đầu ra cũng rứa. Cái dzụ này mà control lại thật thì em đảm bảo 100 ông TS, Ths rớt hết 75 ông. Em không nói điêu đâu.
    Vậy nên cứ im, cho qua đi. Không thì lấy ai làm việc nước.
    Em cũng từng đi thi TS, em biết một ông, một bà làm to tướng khi thi TA éo biết chữ nào, có người làm giúp đấy.hi hi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói giỡn mà đúng quá!

      Xóa
    2. BỘ ĐẠI HỌC CÓ YÊU CẦU KỲ QUẶC LẠ ĐỜI, MỘT NGHIÊN CỨU SINH PHẢI NỘP QUYỂN ĐỂ PHẢN BIỆN, CÓ NGƯỜI HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH BẢN LUẬN VĂN. NAY ÔNG QUẾ NÓI NỘP NHẦM MÀ BỘ CŨNG DỎNG TAI NGHE CHO ĐƯỢC. MỘT LẦN NỮA BỘ GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO COI DƯ LUẬN LÀ CON NÍT CHĂNG? PGS TS HOÀNG XUÂN QUẾ HAY LÀ CON KHỈ LÀM XIẾC !

      Xóa
    3. Nguyễn Đình Hưnglúc 01:01 8 tháng 9, 2013

      NÓI CHẢ SAI TẸO NÀO!

      Xóa
  2. KHÔNG BIẾT PHẢI NÓI SAO NỮA?
    CHÁN NGÁN QUÁ TRỜI!

    Trả lờiXóa
  3. Nhục nhã quá người ơi, ăn nói sao với con cháu, bạn bè, gia đình đây trời?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NHỤC NHÃ LÀ BỞI NƯỚC MÌNH/ CẢ LÀNG CHỊU NHỤC CHỨ MÌNH GÌ EM. ẤY LÀ BỞI NÊU CAO CÁI HƯ HỌC NÊN MỚI THẾ. ĐÁNH GIÁ CON NGƯỜI CHỈ NHÌN MŨ ÁO DẦY DÉP NÊN MỚI CHỌN ĐƯỢC THẰNG RỂ ĐẦN. Ở TRƯỜNG EM HỌC CỨ TƯỞNG THẦY TS DẠY HAY THẾ NÀO, HÓA RA DỞ ẸC TOÀN "ĐỌC GIẢNG" TÀI LIỆU CỦA NGƯỜI KHÁC. CÓ ÔNG THẦY TS MÀ CẢ ĐỜI DẠY HỌC PHONG ĐẾN "GIẢNG VIÊN CAO CẤP" MÀ KHÔNG CÓ MỘT QUYỂN SÁCH GIÁO TRÌNH HAY CHUYÊN KHẢO NÀO ĐẺ LẠI THƯ VIỆN TRƯỚC KHI VỀ HƯU, TRONG KHI ĐÓ NHIỀU THẦY GIÀ KHÔNG PHẢI TS ĐỂ LẠI NHỮNG SÁCH GIÁO TRÌNH CÀNG ĐỌC CÀNG THẤY HAY !

      Xóa
  4. Các bác cứ vạch mặt tất cả bọn "sâu "như vậy đủ chứng lý một cách kiên trì và quyết liệt.tất nhiên mọi người các dác đã hô thì nhân dân sẽ ủng . thì ắt đất nước và công quyền sẽ vững mạnh .chứ cả hành khách trên xe sợ một tên móc túi ,xuống xe mới lớn tiếng chửi thì khi nào mới chuyển biến được

    Trả lờiXóa
  5. Thật đến mấy % hở các bác?. Chẳng lẽ vị PGS.TS lại ăn cắp luận án người khác về xài và tút lại bán cho các N.C.S Tiến sỹ khác? Ôi, đến năm 2020 chắc không chỉ đạt mà còn vượt chỉ tiêu 20.000 TS

    Trả lờiXóa
  6. Bác Diện nên đăng lại bài này mới được.
    http://www.ndanghung.com/bai-viet-lay-tu-bao/2013/09/06/khong-hieu-trong-lich-su-nuoc-nha-da-co-mot-giai-cap-thong-tri-nao-chang-nhung-bat-tai-ma-con-tan-nhan-voi-nguoi-dan-nhu-hien-nay-tim-hoai-trong-co-su-ma-chua-thay-tam-thoi-co-the-noi-dang-vien-la.html/

    Trả lờiXóa
  7. Ối giời ơi,chất lượng giáo sư tiến sĩ nước nhà.Cha này ngu chứ cứ bỏ ra trăm triệu thuê người viết luận án có ngon không. Khi bị phát hiện thì bảo là tôi mua không để ý. Vụ việc này, khó cho Ông Luận Bộ trưởng đây.Đố ông Luận giám thu bằng, cất học hàm PGS đấy. Nghe đâu có tin đồn sẽ điều chuyển ông Quế về Ban khoa giáo TW phụ trách khâu đào tạo sau đại học.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo tôi thì Bác Luận(BTrgGD_ĐT)cũng nên từ chức ,tuy không được như con "Gà chọi của ĐÀO TẤN"song dù sao cũng đỡ cho nền giáo dục nước nhà đang loay hoay do nhiều TS như ông HXQ.bác từ chức cũng là người tiên phong một ứng xử văn minh trong "Văn hóa từ chức "của nước nhà lâu nay bị sao nhãng ! ! !

      Xóa
    2. Đưa thằng nào lên cũng vậy, nên giải tán đi là được. Thối nát lắm rồi.

      Xóa
  8. P.THƯỜNG DÂN NAM BỘlúc 15:40 6 tháng 9, 2013

    Cũng còn có công sao chép . Chứ không ít chẳng cần sao chép mà vẫn có luận văn vẫn có bằng mà văn bằng bằng tiếng nước ngoài ở tận một trường đh ở HK cấp mà vẫn được gọi là TS kia đấy .
    Kể ra cũng chẳng có chi lạ . QN ta có hai mươi mấy chữ cái từ xếp qua xếp lại với những cái chấm cái phẩy mà thành bản văn cả . Người ta vay mươn nhau là nhiều chứ sáng chế ra thì ở VN ta hơi bị ít . Pgsts HXQ làm luận văn ts do gsts nào bảo trợ .? HĐGK chấm bài cho ô. HXQ là ai , sao không thấy phát hiện ngay từ đầu ? Thôi thì bằng ts chia đôi chia ba cũng vẫn là ts ! Sửa ít trang là xong . Rút lại cái bằng thì ai sẽ hứng ?

    Trả lờiXóa
  9. nếu kiểm tra hết mấy ông thạc sĩ tiến sĩ thời nay e rằng có đến 90% là như anh Quế này. Sự học VN bát nháo quá

    Trả lờiXóa
  10. Thảo nào!!!Ồ,vui vui,xin thôi không dám nói nhiều!

    Trả lờiXóa
  11. Bộ GDĐT gia hạn cho kẻ đạo luận án cũng không có gì là khó hiểu, ngay chính nội bộ trong BGD những người như HXQ chắc không phải là ít.Nói rộng ra đội ngũ quan chức trên cả nước phần đông cũng học hành lấy bằng kiểu này, không bươi ra thì thôi chứ bươi ra chỗ nào cũng thối !

    Trả lờiXóa
  12. Tin mới lên báo lề Đảng nè các bác ơi http://nld.com.vn/20130906034841514p0c1017/giao-duc-viet-nam-thua-ca-campuchia.htm

    Trả lờiXóa
  13. Y tế - Giáo dục, hai ngành nhân văn nhất thì "thối nát" đến thế sao?!!!

    Trả lờiXóa
  14. Đề nghị xử lý người đạo luận án, xử lý cả thầy hướng dẫn, các ủy viên phản biện, chủ tịch hội đồng và các thành viên Hội đồng bảo vệ luận án tiến sỹ đạo văn. Cần cách chức và lột bỏ hết học hàm, học vị vì sự dốt nát và đồng lõa.

    Trả lờiXóa
  15. Con trai trưởng của anh Ba trước khi vào Trung ương dự khuyết cũng đi học cao cấp chính trị. Nhưng thời gian đến lớp chỉ được khoảng 1/3 tổng số giờ học. Điểm số vẫn Okay. Có sao đâu. Thời buổi này học là để lấy bằng, đủ tiêu chí bằng cấp để làm lãnh đạo. Chứ học để làm thứ dân thì có mà điên mới bỏ tiền ra học.
    Ngoài TS, Ths ở các ngành thì TS, Ths chính trị Mác - Lê, xây dựng đảng cũng đang đua nhau tăng số lượng như cỏ bợ khát nước sau mưa. Thế nên các vị GS TS ngành triết học M-L, XDĐ "phản biện" các trí thức khác "ngành" đến cùng, dù là lý cùn. Vì mất 2 "ngành" này thì làm sao còn học trò để dạy, làm sao có thu nhập từ các học viên, nghiên cứu sinh. Bởi mỗi Ths, TS phải bỏ ra từ 60 triệu đến 200 triệu học phí, phụ phí để có được tấm bằng.Tiền này để nuôi các thầy. Thu nhập này không bị chịu thuế. Không tin ngành thuế cứ vào các trường đào tạo kiểm tra xem có đúng không.

    Trả lờiXóa
  16. Chẳng cần phải thu vì hầu hết các Bằng TS ở ta đều hoặc mua, hoặc đạo, hoặc nhờ người khác bảo vệ, hoặc đã "bảo vệ" các học hàm học vị ở vai trò phản biện (Tôi xin lỗi những Tiến Sĩ chân chính), bởi vậy, nghe nói ở ta có khoảng 24-25.000 TS còn Thạc Sĩ thì không biết bao nhiêu mà kể, các Vụ, Viện, trường đại học cũng đủ cả nhưng "trí khôn" để đóng góp cho quốc kế dân sinh chẳng có là bao. Khi làm công tác quản lý quý vị ấy cũng cho ra khoảng 50.000 văn bản vi hiến trong một thời gian ngắn. Đào tạo tại chức thì cứ ghi danh, nộp tiền là xong. Nhờ thi hộ vẫn lên chức GĐ sở như ở HN. Phong trào phổ cập tiến sĩ toàn dân đây mà, thông cảm thôi!

    Trả lờiXóa
  17. Ai biết các ủy viên phản biện, chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng thì đề nghị comm cho biết.Cám ơn.

    Trả lờiXóa
  18. May mà dự án khắc bia tiến sỹ thời nay bị bãi bỏ nếu không nhiều tiến sĩ rởm sẽ đước lưu danh muôn đời. Chắc ông tiến sĩ rởm này lại thuê để tử viết hộ luận Văn tiến sĩ nên ,không hiểu bản nào là bản chính vậy mới có chuyện nộp nhầm. Chuyện thật như bịa ở cơ quan tôi có tay cán Bộ đi học thạc sỹ song do mải chạy sô dự án kiếm tiền mới nhờ người di học hộ, tay đi học thay này lại được bầu làm lớp trưởng mới buồn cười chứ. Thế rồi người kia vẫn đỗ và có bằng thạc sĩ, chắc ông tiến sĩ này cũng thế thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gian dối hàn lâmlúc 15:21 8 tháng 9, 2013

      Nếu dự án khắc bia được được triển khai, nên có thêm cột để trống dành cho mục "thẩm tra", trong trường hợp phát hiện ra gian dối sẽ được khắc bổ sung vào cột đó, chẳng hạn chữ "gian dối". Hề hề ! Đây cũng là ý kiến hay đấy nhể, biết đâu nhờ đó mà khu bia đá này sẽ được cả thế giới đổ xô đến chiêm ngưỡng "những sự gian dối vĩ đại, tầm cỡ hàn lâm", chỉ có ở Việt Nam nhể ?!

      Xóa
  19. Đồng lõa, bao che với các sai phạm của các hiệu trưởng, bộ quản lý ở các trường trực thuộc bộ, là sở trường, là "nghề của chàng" như nó "vưỡn thế" ở cái bộ, phải nói là bộ vô giáo dục nhất nước (không phải giáo dục nha).
    Ông Lê Văn Huyên (Lê Huyên) PGS-TS, nguyên hiệu trưởng Đại học mỹ thuật công nghiệp Hà nội, người chả biết mẹ gì về nghề vẽ sơn mài truyền thống, hồi còn làm cán bộ loong toong của trường, được phòng giao đi tổ chức in sách nghiên cứu nội bộ cho một nghệ nhân sơn mài (Ông nghệ nhân Nguyễn Đức Cường)đã âm thầm giữ cuốn này lại và... thuổng... đưa vào cái gọi là "luận án TS" của mình.
    Phàm cái gì không phải của mình, nói ra, viết ra nghe rất ngô nghê, ngớ ngẩn. Đọc lại luận văn của "ráo xư biết tuốt" Lê Huyên (đang nằm bẹp tai tại gia vì vừa thoát vòng lao lý do dính tội cũng mang tính "truyền thống"...ăn cắp tiền của tượng đài liệt sỹ Điện Biên Phủ) người ta phải bật cười vì nhiều câu ngô nghê trong nghề vẽ tranh sơn mài, nhưng cũng có rất nhiều câu còn "phân sống" chưa tiêu hóa hết của tác giả chính chủ. Nhiều chỗ giống từ cái dấu phảy, dấu chấm, xuống dòng. Cuốn đạo văn này cũng "vinh dự" đang lưu trong Thư viện Quốc Gia mới ghê.
    Ấy vậy nhưng ông Huyên cũng qua được cái "hội đồng khóa hóc quốc gia" cùng Bộ GD & ĐT, rồi cũng thành "ráo xư thiến sót" như ai. Có đà ông thăng tiến như vũ bão, ông làm tới tới nhiều chức danh trong trường và ngoài xã hội ngon trớn. Kể ra chức danh ông đã mang ở đây e không đủ giấy mực. Nghe đâu ông in cái "khuê văn các" giới thiệu chức danh cũng mất tới 2 cái cùng lúc. Nói chuyện về ông, cán bộ ở trường MTCN thường hay nhớ tới một nhân vật truyện trẻ con mà họ hay đọc ngày bé, những năm của thập niên 60: Ông từ chỗ cậu "Mít Đặc" "chân đi guốc mộc" (theo tự truyện của ông) ở trường làng lên tỉnh, bỗng chốc có bằng TS trở thành cậu "Biết Tuốt", gánh nhiều chức danh trên vai đến oằn lưng, thật tội nghiệp. Ông mang nhiều ...nhà trên lưng. Nhiều nhà là thành chung cư, đúng không các bác? Để ngắn gọn khi gọi ông, người ta gọi ông là PGS-TS, nguyên hiệu trưởng..., "chung cư Lê Huyên", nhưng chính chủ lại là..."bộ vô giáo dục quên đào tạo". Khi đương chức đương quyền thét ra lửa ông ở tầng 4, tầng 5 chung cư. Còn bây giờ về già ở tuổi 70 "nằm bẹp tai", làm nhà "báo" tại gia nghe đâu ông bị chuyển xuống tầng 1 cho đỡ leo thang, nhưng nhà kiểu cũ không có WC (!?). Chết thật. Cũng oái oăm tréo nghoe các bác nhỉ? Đời là thế phải không các bác? Chả biết đâu mà lần!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trăm năm bia đá thì mòn ,
      Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ !

      Xóa
  20. Đúng là phá sản !

    Trả lờiXóa
  21. Chỉ cần kiểm tra kiến thức sơ sơ là "ao" hết. Này nhé: học ths, TS thì khi thi đầu vào phải đảm bảo điều kiện về ngoại ngữ. Đầu ra cũng rứa. Cái dzụ này mà control lại thật thì em đảm bảo 100 ông TS, Ths rớt hết 75 ông. Em không nói điêu đâu.
    Vậy nên cứ im, cho qua đi. Không thì lấy ai làm việc nước.
    Em cũng từng đi thi TS, em biết một ông, một bà làm to tướng khi thi TA éo biết chữ nào, có người làm giúp đấy.hi hi là rất đúng

    Trả lờiXóa