Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

TS. Trần Trọng Dương: GIÁ TRỊ CỦA TƯ DUY SỬ HỌC

GIÁ TRỊ CỦA TƯ DUY SỬ HỌC
Trần Trọng Dương

Sử học là một trong những phân môn của khoa học xã hội và nhân văn đem lại những LỢI ÍCH VỀ TƯ DUY, nhưng trong nhiều thập kỷ qua môn sử học không được đưa vào trong nhà trường, thay vào đó là một biến tướng sai lạc của nó: môn lịch sử.

Sử học là gì? Có thể nói một cách ngắn gọn, sử học là khoa học về lịch sử, hay cao hơn là khoa học về nhận thức lịch sử. Lịch sử là toàn bộ những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng không ai dám chắc chắn và khẳng định rằng mình có thể nhận thức được đúng đắn toàn bộ về nó. Cái lịch sử mà chúng ta biết đến chỉ là những kết quả sau những chuỗi dài của hoạt động nhận thức, trong đó không tránh khỏi có sự chủ quan, phiến diện, nếu không muốn nói có khi là sai lầm. Sai lầm trong nhận thức lịch sử được tạo nên bởi nhiều nguyên nhân. Có thể là sai lầm khi ta chỉ có một số dữ liệu giả tạo, hoặc trầm trọng hơn, là sai lầm về mặt phương pháp luận và mục đích luận. Sai lầm về phương pháp luận là sai lầm về mặt tư duy, còn sai lầm do mục đích luận là sai lầm về đạo đức khoa học. Để tránh sai lầm trong nhận thức lịch sử, người làm sử học tuyệt đối không được mang trong mình một một đích nào khác ngoài mục đích thuần túy duy nhất là NHẬN THỨC LỊCH SỬ. Khi biện hộ rằng vì có lợi cho mục đích dân sinh, có lợi cho mục đích chính trị mà ta phải chứng minh một dữ kiện lịch sử nào đó, thì việc chứng minh ấy đã tiềm ẩn sẵn nguy cơ bị thiên lệch, không đúng với thực tế. 

Sử học là một khoa học xử lý các nguồn sử liệu để đưa ra nhận thức trung thực về lịch sử, nằm ngoài những định kiến tô hồng hay bôi xấu, nằm ngoài những mục đích có trước, và nằm ngoài những nhiệm vụ chính trị. Người làm sử học phải là người thao tác tư duy trên cơ sở giám định và giải độc sử liệu. Vì thế, lịch sử - với tư cách là cái được tái hiện bởi nhà sử học - không phải là một cái gì bất biến, cố định, vĩnh hằng, mà chỉ là những sử thực tương đối. Ở thời điểm nhất định, với những tư liệu nhất định, chúng ta chỉ có thể nhận thức lịch sử ở mức độ nhất định. Nhưng nếu như có những phát hiện mới về sử liệu, và những sử liệu ấy được xử lý bằng phương pháp mới, góc nhìn mới, thì chúng ta sẽ có nhận thức mới. 

Nhận thức là một quá trình tiệm cận đến lịch sử. Và sử học thực chất là một trò chơi trí tuệ để tăng trưởng tư duy về lịch sử (cái đã qua) và quan trọng hơn cả là để tăng trưởng sự tự tư duy về cuộc sống hiện tại với tư cách mỗi cá nhân là tác nhân hay nạn nhân của lịch sử. Như thế lịch sử như là một trang sách để ngỏ, mà nhà sử học là người tái dựng nó từ những gì còn sót lại. Cho nên, một triết gia phương Tây đã từng thốt lên rằng: sử học là cuộc chơi của những người đang sống đối với những người đã chết!

Khác với các môn khoa học tự nhiên như toán học, sinh học,…, thì sử học với tư cách là bộ môn khoa học về lịch sử đã không được đưa vào trong nhà trường trong nhiều thập kỷ qua, thay vào đó là môn lịch sử. Sở dĩ có hiện tượng như vậy là bởi chúng ta đã không coi lịch sử như là sản phẩm của quá trình tư duy, nhận thức về lịch sử. Những kiến thức lịch sử trong nhà trường được giảng dạy với tư cách nó là những chân lý tuyệt đối, những sự thực bất di bất dịch, bất khả xâm phạm. Và “môn lịch sử” không hề chỉ dẫn cho học sinh biết phải làm như thế nào để tự nhận thức về lịch sử, cũng như nhận thức về cuộc sống hiện tại, mà nó biến học sinh thành những cỗ máy học thuộc lòng với những sự kiện cụ thể, những mốc thời gian của lịch sử chính trị được hoạch định và được cố định bởi các nhà giáo dục.

Mặt khác, các sách giáo khoa được giảng dạy trong hệ thống nhà trường hiện nay chủ yếu là viết về lịch sử chính trị- kinh tế. Điều này đã dẫn đến nhiều bất cập. Nó khiến cho học sinh hiểu phiến diện về mục đích và đối tượng của sử học, đồng nhất lịch sử với lịch sử chính trị, lịch sử chiến tranh. Các kiến thức được nêu trong sách giáo khoa được giảng dạy và được mặc nhận như là những chân lý, những sự thực bất di bất dịch, không thể sửa đổi. Từ đó dẫn đến hệ quả quan trọng thứ ba, là cách giảng dạy lịch sử một chiều, khô khan, áp đặt. Nó biến lịch sử trở thành một môn học thuộc lòng các sự kiện lịch sử, khiến tư duy của học sinh bị xơ cứng, và quan trọng nhất là không có nhận thức bản thân và tư duy của bản thân, cũng như quan điểm của bản thân các em về lịch sử.

Trước tình hình trên, cần biên soạn lại hệ thống sách giáo khoa lịch sử theo một phương thức mới, để giúp học sinh cũng như xã hội hiểu thêm về khoa học lịch sử và quan trọng nhất là tư duy lịch sử. Trong đó, mỗi một bài học phải trình bày đủ cơ cấu lịch sử- văn hóa. Trong đó, chính trị (triều đại, thể chế, kinh thế, thành phần xã hội,…) chỉ là một nửa, chiếm dưới 50% dung lượng bài giảng. Còn lại trên 50% là lịch sử văn hóa (về cách lĩnh vực sâu hơn như: lịch sử ngôn ngữ- văn học, lịch sử nghệ thuật, lịch sử tôn giáo, lịch sử khoa học, lịch sử văn minh vật chất…). Sách phải đảm bảo tính đa dạng lịch sử và tính đa dạng văn hóa theo tiêu chí tộc người. Lịch sử không chỉ là lịch sử của người Việt, mà còn là lịch sử của 53 dân tộc anh em khác. Các nhận định và tri thức lịch sử đều phải dựa trên sử liệu gốc. Các tri thức về lịch sử văn hóa luôn phải đặt HIỆN VẬT KHẢO CỔ lên hàng đầu. Quan trọng nhất, lịch sử cần được trình bày như là những tri thức còn bỏ ngỏ, chưa được giải mã, cần được tìm hiểu, để kích thích tư duy phán đoán, và óc suy luận của học sinh. 

Tất cả những thay đổi trên sẽ góp phần đưa môn sử học vào nhà trường, biến sử học trở thành một môn học sống động, rèn luyện về sự độc lập trong tư duy. Bởi tư duy độc lập sẽ là xung lực để tạo nên sự phát triển xã hội!

Một ví dụ về nhận thức sử học dưới tác động của mục đích chính trị là nhận thức về phong trào Tây Sơn. Với chủ ý muốn đề cao nhân dân, sức mạnh của nhân dân, chúng ta đã chứng minh rằng quân Tây Sơn với những chiến công lẫy lừng của họ là một biểu hiện sống động cho cuộc chiến tranh nhân dân, và đại diện tiêu biểu của phong trào đó là người “anh hùng áo vải cờ đào”- Quang Trung Nguyễn Huệ. Ngay hình ảnh “áo vải cờ đào” cũng đã được sử dụng như một thủ pháp ở đây? Đoạn trên vốn được trích từ bài “Ai tư vãn” tương truyền của công chúa Lê Ngọc Hân dùng để khóc chồng: “mà nay áo vải cờ đào, giúp dân dựng nước xiết bao công trình”. Những lời ai điếu theo kiểu “cái quan định luận” như vậy hẳn không phải là không có cơ sở, nhưng các chữ “áo vải” đã được đời sau đặt thành phương trình “áo vải = nông dân” thì cần phải xem xét lại khi so sánh với những sử liệu hữu quan. Mặt khác, việc Quang Trung ra Bắc với mục đích “phò Lê diệt Trịnh” cũng cần giải mã rằng đây là một thao tác chính trị. Chúng ta sẽ hiểu điều này hơn khi đọc nhiều văn bản địa phương tại miền Bắc, với danh từ “Tây tặc” để miêu tả tình trạng phá chùa, lấy chuông đồng đúc súng.
Chúng ta có xu hướng không chấp nhận những góc nhìn khác về Nguyễn Huệ, được phản ánh qua nhiều tư liệu, trong đó điển hình như “Tây Sơn hành” mới được phát hiện, là bài thơ của tiến sĩ Trần Danh Án (1). Mặc dù đối với giới nghiên cứu lịch sử, và nghiên cứu văn học thì đây hẳn là một tư liệu vô cùng đặc sắc, nó gợi mở những câu hỏi mới, những góc nhìn mới về một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam, nhưng cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào dám đề cập về bài thơ này trên các tạp chí khoa học.
Mặt khác, chúng ta đã an nhiên bỏ qua những mâu thuẫn nội bộ trong anh em nhà Tây Sơn từ việc chia chiến lợi phẩm, cũng như ân oán cá nhân được ghi chép trong sử sách như đoạn trích dưới đây: “Nhạc đã đắc chí, ngày càng dâm ô, bạo ngược, giết Nguyễn Thung, lại thông dâm với vợ Huệ, người đều chê là xấu. Việc đi xâm lấn miền Bắc, của báu ở phủ chúa Trịnh, về cả tay Huệ, Nhạc đòi không cho. Huệ muốn lấy cả đất Quảng Nam, Nhạc cũng không cho, mới thành ra cừu thù hiềm khích nhau. Huệ bèn truyền hịch kể tội ác của Nhạc, đến nỗi bảo Nhạc là giống sài lang chó lợn”(2). Chúng ta chưa biết những ghi chép trên (nhất là việc Nguyễn Nhạc thông dâm với em dâu) có phải là sự thực, hay đó là sự bôi bác, thêu dệt của sử quan triều Nguyễn sau này. Nhưng nếu như có được một sử liệu khách quan khác thì hẳn là những ghi chép trên không phải là không có cơ sở (3).
_________________

[1] Bài thơ được chép trong ba văn bản Tản Ông di cảo (散翁遺稿 ký hiệu A.2157), Thù thế danh thư 酬世名書 ký hiệu VHv.2239 và cuốn Danh nhân văn tập 名人文集 ký hiệu VHv.2432), kho sách Viện NC Hán Nôm. Có thể tìm kiếm một số bản dịch trên mạng.
[2] Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Liệt Truyện tập II (Ngô Hữu Tạo, Ðỗ Mộng Khương dịch) (1997) Nxb Thuận Hoá. Huế. tr. 531-532.
[3] Hoàng Xuân Hãn, “Thống Nhất Thời Xưa”, trong La Sơn Yên Hồ- Hoàng Xuân Hãn tập II (1998). Nxb. Giáo dục. Hà Nội. tr. 1375.

Nguồn: Tia Sáng

13 nhận xét :

  1. Mong TS đăng tin này cho mọi người biết: http://dantri.com.vn/su-kien/mot-ngu-dan-viet-nam-bi-tau-la-ban-chet-766591.htm
    Lũ Trung cộng khốn nạn quá, bắn chết ngư dân ngay trên tàu đánh cá.

    Trả lờiXóa
  2. Sử gia chân chínhlúc 15:58 13 tháng 8, 2013

    Nếu làm theo đúng như tư tưởng của bài viết thì Sử học phải trung thực, khách quan và mở, v.v..., như thế rõ ràng là đảm bảo tính khoa học rồi ! Nhưng trớ trêu thay, nếu đảm bảo được tính khoa học, thì lại mất đi tính Đảng, tính giai cấp !

    Trả lờiXóa
  3. "Sử học là một khoa học xử lý các nguồn sử liệu để đưa ra nhận thức trung thực về lịch sử" - Là môn "khoa học" thì đúng rồi, nhưng "xử lý" thì nghe có vẻ như nghị quyết đại hội Trung Ương. Xem ra trong định nghĩa trên có phần hơi ngô nghê, phải viện đến khái niệm "sử liệu" + "nhận thức" + "trung thực", và luẩn quẩn bởi "Sử học... là nhận thức trung thực về Lịch Sử". Nhảm nhí quá. Nói toẹt ra cho dễ hiểu sử học là đi giải phương trình X+Y = 7, mà phải đưa ra được nghiệm X = ?, Y = ?. Anh nói cho tôi biết nghiệm X, Y; tôi nói cho anh biết anh thuộc loại sử học gia gì (hàm ý anh đã tự thêm vào một phương trình gì?!).

    Trả lờiXóa
  4. TS Trần Trọng Dương viết: "Sử học là gì? Có thể nói một cách ngắn gọn, sử học là khoa học về lịch sử, hay cao hơn là khoa học về nhận thức lịch sử.". Câu này chả có gì là sai cả, chả có gì là ngô nghê cả, đặc biệt là khi có cả một đoạn dài dẫn giải phía sau. Vì sao vậy? Vì "lịch sử" bao giờ và bao giờ cũng là những thông tin (dưới dạng vật thể hay phi vật thể trong mối quan hệ tự nhiên của nó) về diễn trình quá khứ của một thực thể khách quan nào đó. Đã là "thông tin" thì bất cứ "sử liệu" nào cũng gắn với chủ thể thông tin, hoàn cảnh thông tin, ý đồ thông tin, mục đích thông tin, nội dung thông tin, phương thức thông tin v.v... Cứ thế mà tiếp diễn trong thời gian một hành trình "nhận thức". Chúng ta làm phải "xử lý" thông tin đó của con người hoặc sử gia từ xưa truyền lại. Không xử lí sao được. Tai sao người chọn sử thực để ghi là Tư Mã Thiên? Tại sao ông chọn chi tiết này mà bỏ chi tiết kia? Ông viết sử dưới ánh sáng quan niệm nào? Tại sao ông lại chia cuốn sử của ông thành các phần và các chương như vậy? Có nghĩa là, cuốn sử kí của ông là một loại "sử liệu" chứa đựng "thông tin" trước "sử học" mà thôi. Nó là một kiểu phản ánh, một kiểu nhận thức "sử thực" để lại cho chúng ta. Sử học đi nghiên cứu cái nhận thức đó. Trong nghĩa ngày xưa, hai chữ "lịch sử" là những ghi chép các "lịch triều" (triều đại đã qua), không là ghi chép về triều đại đương kim. Nó là những tài liệu cho sử học chứ nó không là chân lí tuyệt đối. Chúng ta ngày nay có xu hướng coi giáo khoa là "tuyệt đối đúng" nên cần phải xem lại. Thế thôi. Chúng ta có thể xem thêm bài của GS Hà Văn Tấn viết năm 1988 (trang web khoa Lịch sử) "Sử học, lịch sử và sử thực"(?) thì hiểu rõ hơn bài này.

    Trả lờiXóa
  5. Ồ, có gì mà khó hiểu. Viết: "Sử học là gì? Có thể nói một cách ngắn gọn, sử học là khoa học về lịch sử, hay cao hơn là khoa học về nhận thức lịch sử.", thì cũng giống như viết:
    "Văn học là gì? Có thể nói một cách ngắn gọn, văn học là khoa học về văn chương, hay cao hơn là khoa học về nhận thức văn chương". Thế thôi.
    Cả hai câu trên đều đúng cả.

    Trả lờiXóa
  6. Là một người dạy Sử, tôi rất nhất trí với tác giả bài viết. Sử học phải trung thực mới hấp dẫn và đảm bảo được các chức năng giáo dục, thẩm mỹ... Sách giáo khoa, giáo trình lịch sử của chúng ta hiện nay không làm được điều đó. Chúng chỉ thuần túy làm nhiệm vụ... chính trị, tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước. Rất khô khan, áp đặt, khuôn sáo! Làm sao bảo học sinh mê Sử, giỏi Sử được? Không hiểu các vị chức sắc trong ngành giáo dục có nhận ra điều này không nhỉ? Theo tôi, phải viết lại toàn bộ sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học môn Sử hiện hành, nếu chúng ta có ý thức nghiêm chỉnh về ngành khoa học quan trọng này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mục đích Đảng cho là tốt thì mọi phương tiện đều dùng được: Bạo lực cách mạng, văn học nghệ thuật, lich sử, triết học... tất cả đều phải phục vụ chính trị XHCN. Nói hoài khổ lắm ( Trần Văn )

      Xóa
  7. Nhưng có 2 ý này tôi muốn góp chuyện cùng tiên sinh Trần Trọng Dương, góp thêm thôi trong tinh thần đồng thuận, đó là:
    1. Đến cuối thế kỉ XX, nghĩa là, cách nay vài mươi năm, trên thế giới vẫn không thôi tranh luận: Tìm hiểu/nghiên cứu về xã hội nhân văn có thực sự là một "khoa học" không? Vì sao vậy? Vì thứ nhất, trong quan niệm phổ quát, khoa học là thao tác trừu tượng hóa thực tại khách quan thành các "đại lượng", tập hợp đối chiếu các "đại lượng" đó với nhau để mô tả hoặc phát hiện tồn tại khách quan. Tuy nhiên, trong tìm hiểu xã hội nhân văn, quá trình trừu xuất lại đưa đến các khái niệm, phạm trù, phán đoán, quy luật... mà tính chỉ định của nó không mạch lạc như "đại lượng". Thứ hai, chấp nhận một phần ý chí chủ quan hoặc thiên kiến trong nghiên cứu xã hội nhân văn. Tóm lại là, ước mơ tái hiện "sử thực" một cách tuyệt đối khách quan như khoa học tự nhiên là ước mơ đẹp nhưng có phần lí tưởng hóa. Cần biết chấp nhận và dừng lại ở những chỗ mà cái loại "khoa học" (trong ngoặc kép) này vốn có.
    2. Sinh thời, cụ Trần Quốc Vượng, không dưới một lần nhắc chúng tôi: "Sử học không hoàn toàn là một khoa học, đúng hơn, nó là một môn học!". Thầy nói thế thôi, tùy ai hiểu như thế nào thì hiểu. Có người cho rằng, thầy xúc phạm sử học. Tôi thì tôi hiểu rằng, thầy rất mẫn nhuệ và lão thực khi dạy chúng tôi như vậy. Có nghĩa là, vòng tròn khoa học không gói gọn vòng tròn sử học vào trong lòng nó mà cái vòng tròn sử học (vôn là nghiên cứu xã hội nhân văn) có chỗ lấn vành ra khỏi biên của khoa học. Như vậy, thầy đã đề cao sử học với tính bản sắc của nó. Phần lấn ra đó chính là việc, cũng gọi là khoa học, nhưng, quá trình trừu tượng hóa của nó không nghiêm nhặt thành các đại lượng như khoa học tự nhiên, phần lấn ra đó chính là phong cách, tư cách, cá tính, tư duy cá nhân của nhà sử học, cái phần lấn ra đó (trong nghĩa tiêu cực) là đành phải "ăn theo nói leo" (giọng của thầy) trong điều kiện khi thời tiết "chưa đẹp giời". Cần hiểu và thông cảm khi cùng nghề với nhau.
    Tuy nhiên, tìm ra một nhà sử học có phong cách cá nhân trong tư duy hiện nay ở Việt Nam là quý và hiếm vô vàn.
    Kết bằng mấy câu thơ Nguyễn Duy:
    Có một thời ta quen hát đồng ca
    Chân thành và say đắm
    Ta là ta mà ta cứ yêu ta...

    Trả lờiXóa
  8. Thế kỉ XIII - XIV, Đăng tơ có hai câu thơ để đời:
    Mọi "lịch sử" đều là gạt gẫm
    Chỉ có văn chương là sống mãi muôn đời.
    Tôi yêu hai câu thơ này là vì tôi hiểu theo cách của mình như sau:
    Sử quan bao giờ cũng gắn trực tiếp nhất với một chế độ, một thể chế. Vì vậy không gian tự do của họ rất hẹp. Trong trước tác của họ, họ phải phát ngôn cho tư tưởng thể chế đó. Mà tư tưởng thể chế thường là cực quyền và chính phiệt. Sự tái hiện sử thực bị thiên kiến phần nào. Cái anh văn chương, dù cũng gắn chặt với thể chế, nhưng anh ta là một nghệ thuật, anh ta có một khoảng cách tương đối để thở, anh ta thường ngẩn ngơ chập mạch nên tác phẩm anh ta có những phần ghi lại sử thực một cách hồn nhiên hơn. Đó là điều sẽ sống mãi. Những người như Đăng tơ không thóa mạ giới sử học mà là phát biểu tạo ấn tượng (khoa trương) dưới hình thức thơ ca. Tôi yêu câu thơ ấy không phải tôi thóa mạ chính tôi mà tôi biết tôi đang định vị mình ở đâu với nhiều thuận lợi và khó khăn trong công việc, cũng như hiểu giới hạn của chính công việc tôi đang theo đuổi.
    Cuối thế kỉ XX, GS Hà Văn Tấn, đã dùng câu thơ Nguyễn Trãi làm đề từ cho bài viết quan trọng về phương pháp luận sử học của mình:
    Nước chẳng còn có Sử Ngư.
    Thật là xót xa. Một nhà nghiên cứu, nhà sư phạm như thầy phải hạ câu đó là đứt ruột lắm rồi. Tôi đọc bỗng thấy lòng quặn đau.
    Chúng tôi, một thế hệ sóng bước cùng nhân dân giành bằng được độc lập dân tộc, một thế hệ tiếp theo quá bước và trở thành sô vanh vô ý thức, một thế hệ nữa thuyết minh cho cái gọi là CNXH ngàn lần ưu việt, đến bây giờ, một thế hệ nữa lao như thiêu thân vào đề tài, dự án mà thể chế hoặc "đại gia" ban cho. Bát cơm manh áo mà. Gặp nhau khoe đề tài, dự án là chính. Đánh giá "đẳng cấp" cũng dựa trên cái đó.
    Nhưng các bạn ạ, tôi nhìn thấy trong lớp trẻ, nhiều Sử Ngư đang định hình. Chúng ta hãy chờ đợi và hi vọng. Rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  9. Câu này khá quan trọng:

    "Và sử học thực chất là một trò chơi trí tuệ để tăng trưởng tư duy về lịch sử (cái đã qua) và quan trọng hơn cả là để tăng trưởng sự tự tư duy về cuộc sống hiện tại với tư cách mỗi cá nhân là tác nhân hay nạn nhân của lịch sử."

    Trả lờiXóa
  10. Lịch sử không bịa đặt và bưng bítlúc 11:15 14 tháng 8, 2013

    Lý lý luận luận thì có nhiều, dưng mà tôi thì tôi chỉ nghĩ đơn giản là : Lịch sử, trước hết phải là sự thật, sau nữa là chính xác, rồi sau nữa mới nói đến chuyện vì cái gì. Bởi, cho dù có vì cái gì, thì lịch sử cũng là cái đã qua rồi, cần phải tôn trọng sự thật.
    Cũng vì lẽ đó, lịch sử rất ghét trò bịa đặt, hư cấu những câu chuyện không có thật, hoang đường, thậm chí đến nhân vật còn không có ở trên đời cũng có thể bịa thành sự kiện và dựng lên thành anh hùng; đến một số nhân vật quan trọng, ngày sinh, ngày mất, hoàn cảnh gia đình cũng bưng bít, dối giá; một dân tộc đã phải đổ biết bao xương máu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chống lại biết bao quân xâm lược, nhưng cái gọi là "lịch sử" hiện tại, có cuộc kháng chiến thì được khai thác quá đà, mỗi ngày một thi nhau khoét sâu thù hận, làm mất đi cả cơ hội hòa hợp dân tộc, nhưng cũng có cuộc chiến tranh vệ quốc oai hùng, thì bị giấu nhẹm, lấp liếm, không giám gọi tên kẻ thù, khẩu hiệu kháng chiến thì bị xóa sạch; lời căn dặn quân xâm lược của tiền nhân thì bị đục bỏ không thương tiếc ... Đó không còn là lịch sử.

    Trả lờiXóa
  11. Cải cách lại môn "lịch sử" à? Dễ nghe nhỉ, chờ chế độ sau đi nhé!

    Trả lờiXóa
  12. nguoi khong khoanh taylúc 20:16 14 tháng 8, 2013

    Muốn sử học mang tính khoa học, phải có dữ liệu đủ và KHÁCH QUAN. Hai cái này luôn ở thì tương lai. Suy cho cùng thì may ra chỉ có khoa học tự nhiên là ít bị chi phối bởi chính trị, còn thì là phải trông vào bản lĩnh và trí tuệ của các nhà sử học, các nhà văn, các nhà thơ...

    Trả lờiXóa