Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

GS. ĐÀO TRỌNG THI NÓI THẲNG VỀ VIỆC "CHẢY MÁU CHẤT XÁM"


GS Đào Trọng Thi: 
Không nên lo ngại “chảy máu chất xám”
(LĐ) - Số 163 - Thứ năm 18/07/2013 17:50

Kết quả cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế của học sinh Việt Nam khiến chúng ta tự hào, nhưng làm gì để những học sinh này phát triển tài năng lại là câu chuyện khác. Có nên lo ngại hiện tượng sinh viên, nghiên cứu sinh không quay trở lại VN phục vụ đất nước? Xoay quanh những nội dung này, chúng tôi trao đổi với GS-TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh-thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội. 

- Ông nghĩ gì về hiện tượng nhiều sinh viên ưu tú của mình sau khi học xong ĐH, nghiên cứu sinh ở nước ngoài đã không quay trở lại Việt Nam. Phải chăng chính sách chiêu hiền đãi sĩ của chúng ta chưa tốt?
 

-  Hiện tượng này thường gọi là “chảy máu chất xám”. Tuy nhiên, tôi không quan niệm như vậy và cho rằng  không nên lo ngại việc này.
 

Bởi lẽ, chúng ta có thu  hút được nhân tài đi nữa thì liệu có đất cho họ thi thố tài năng hay không? Đây là vấn đề chúng ta cần phân tích cho thấu đáo để có cách nhìn nhận, đánh giá cho chính xác. 

Thứ nhất, nền kinh tế của chúng ta phát triển chưa cao, do đó việc sử dụng có hiệu quả những nhà khoa học có hàm lượng chất xám cao cũng bị hạn chế. 

Thứ hai, khoa học kỹ thuật (KHKT) luôn phải đi trước, nhưng cũng phải có khoảng cách tương thích với nền kinh tế. Nếu chúng ta đưa ra yêu cầu quá cao của KHKT so với nền kinh tế là duy ý chí, là tự sát.
 

Thứ ba, chúng ta cứ đưa ra một số cơ chế đặc thù để ưu đãi người tài, nhưng không sử dụng hết năng lực của họ thì đó không chỉ là sự bất công, mà còn làm thui chột tài năng của họ. 

Thứ tư, những nhà khoa học ở lại nước ngoài làm việc vẫn có thể trực tiếp hoặc gián tiếp có những đóng góp nhất định cho Việt Nam.
 

Như GS Ngô Bảo Châu là trường hợp điển hình, dù về Việt Nam chỉ là bán thời gian, nhưng đó lại là cầu nối quan trọng để có sự giao lưu giữa ngành toán học nước nhà với thế giới. Tôi cho rằng, chính GS Ngô Bảo Châu đứng “hai chân” như vậy lại đóng góp cho khoa học nước nhà còn tốt hơn là về hẳn Việt Nam. Mặt khác, tôi tin rằng chỉ 10-15 năm nữa sẽ có nhiều GS, nhà khoa học là Việt kiều sẽ về Việt Nam tìm cơ hội phát triển.
 

- Ngay từ thời kỳ ông làm Giám đốc ĐHQG Hà Nội, những lớp cử nhân tài năng đã rất nổi tiếng trên thế giới. Giờ nhìn lại, ông có những nhận xét gì?
 

- Nhìn chung, chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam còn khoảng cách lớn so với nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những lớp cử nhân, kỹ sư tài năng của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội... chất lượng cũng rất cao, được quốc tế công nhận, dù rằng sự đầu tư vật chất vào đây còn rất thấp so với nước ngoài.
 

Thời tôi công tác tại đây, mỗi năm ĐHQG chỉ tuyển khoảng 300 sinh viên cho các lớp này. Trong quá trình học, khoảng 1/3 số sinh viên đang học được các trường ĐH trên thế giới cấp học bổng cho du học. Số còn lại sau khi tốt nghiệp ĐH, một nửa trong số đó tiếp tục được các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới cấp học bổng để học cao học hoặc làm thẳng luôn nghiên cứu sinh. Số còn lại của các lớp cử nhân tài năng này được các trường ĐH, các viện nghiên cứu khoa học trong nước rộng mở cửa chào đón. Điều đó cho thấy, chất lượng đào tạo các lớp cử nhân, kỹ sư tài năng của chúng ta rất có uy tín.
 

- Kinh tế muốn phát triển nhanh, vững chắc phải có KHKT hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện rất ít học sinh giỏi chọn đi vào các ngành nghiên cứu khoa học?

- Bước vào con đường nghiên cứu khoa học là khó khăn, nhiều chông gai trắc trở và thu nhập thì ít hơn nhiều so với các ngành kinh tế. Điều đó không chỉ ở Việt Nam mà là hiện tượng chung  với tất cả các nước trên thế giới. Khác chăng là, những nhà khoa học ở các nước tiên tiến có thể yên tâm làm khoa học, vì họ có đồng lương đủ sống ở mức trung bình. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều học sinh các lớp chuyên khi lên đại học thường chọn các ngành nghề dễ kiếm tiền hơn, như các trường ngoại thương, y, kinh tế...

 

Do đó, chỉ có những người thực sự say mê, hứng thú khám phá mới có thể theo đuổi đến cùng sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
 
- Xin cảm ơn GS!
Nguồn: Lao Động
 

8 nhận xét :

  1. Đúng là GS Ngô bảo Châu đứng cả hai chân, nhưng xin thưa rằng "chân ngoài dài hơn chân trong". Nếu đứng trong cả hai chân chắc GS Ngô phải làm thêm nghề phụ như bán chợ trời để sống. Để xem con cái của GS trong tương lai có về giúp nước không thì rõ

    Trả lờiXóa
  2. Nhiều nhân tài muốn về giúp dân giúp nưởc trong nhiều phạm vi, không ham danh lợi vì ở nước ngoài họ quá thành công và có tài sản, nhưng về VN thì bị nghi kị, ganh tức, không được trọng nể, nên đã lặng lẽ ra đi. Một người cháu BS về niệu khoa về SG tình nguyện phục vụ 1 tháng, mỗi ngày 7-8 tiếng, trong khi BS tại đây ngày làm việc tà tà 3-4 tiếng... rồi bệnh thành tich, khoe trương, phí phạm đã làm nản lòng người trẻ này. Phải thay đổi tử căn bản mới có chỗ đúng cho người hiền tài,

    Trả lờiXóa
  3. Nói như GS Đào Trọng Thi thì nên tạo điều kiện cho cho chất xám VN chảy ra nước ngoài vừa có lợi cho VN vừa lợi cho nước ngoài ?
    Tôi nghĩ Đ và NN VN nên tạo điều kiện cho chất xám VN đưa công nghệ nước ngoài vào VN kéo theo vốn nước ngoài đầu tư vào VN thì mới mong đưa trình độ KHKT và kinh tế VN đi lên . Cái chủ yếu là chính sách có cho phép người tài và khuyến khich người tài làm việc trong nước hay không ? tại sao cứ để cho người nước ngoài, nhất là TQ khai thác tài nguyên của VN rồi bán tài nguyên thô ra nước ngoài mà không dành cho chất xám VN đem công nghệ của các nước phát triển , khuyến khích đầu tư vào khai thác và chế tạo ra những sản phẩm cao cấp. Chỉ nói titan và nhôm thôi thì tình hình khai thác và xuất khẩu như hiện tại là quá lãng phí và lam cạn kiệt tài nguyên trong nước ! .
    Nếu các nước như NB và Hàn Quốc cũng để chất xám của họ chảy ra nước ngoài, không về xây dựng đất nước thì làm gì có nước Nhật và Hàn như ngày nay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu tinh thần của GS Đào Trọng Thi. Cần phải biết là nếu có đủ 2 yếu tố sau đây thì mơí phát triển được khoa học và công nghệ trong nước : 1) Đội ngũ người tài trở về hết để phục vụ đất nước và 2) Trong nước có đủ điều kiện cơ sở vật chất và chính sách thích hợp phát huy chất xám. Trong hai yếu tố ấy, ai cũng thừa biết là yếu tố thứ hai là điều kiện tiên quyết của yếu tố thứ nhất. Nhưng hãy nhìn thẳng vào thực tế xem ta đã có được cái yếu tố "tiên quyết" ấy chưa ? Đối với một nhà khoa học chân chính, người ta tuy có thể không ham giàu có hay tiền tài và mục tiêu cuộc sống không phải là kiếm tiền mà mơ ước của họ là những công trình, những phát minh có ích, nhưng nhất thiết phải có được một cuộc sống ổn định, đừng có hão huyền nói về những ước vọng cao sang khi mà một TS với hơn hai chục năm trong nghề, mà lương tháng chỉ 5-6 triệu VND. Khi mà trong đầu một nhà khoa học, cái chữ cơm - áo - gạo - tiền nó cứ hành hạ hàng ngày, thì xin thưa đừng có rao giảng những giáo điều trên mây, trên gió. Cũng đừng khoác cho họ những cái áo to quá như "phụng sự Tổ Quốc", "hy sinh vì khoa học", vân vân, bản thân tôi cũng là một người trong số họ, tôi quá hiểu cái lấn cấn của một "nhà khoa học Việt Nam", chưa chết đói, cũng chưa thấy ai chết đói, đó là một sự thật, nhưng có điều chắc chắn là chúng tôi "đói đến chết". Kính !

      Xóa
  4. Chất xám Việt Nam ư? Quý vị hãy sáng suốt mà nhận thấy rằng, nó chỉ phát huy và sử được nhờ... nước ngoài thôi. Như nghệ sĩ dương cầm ĐTS, ông ta được dạy và có sự nghiệp từ... ngoại quốc! Chất xám Việt Nam là của nưóc ngoài, đâu có từ Việt Nam chảy ra.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. theo tôi thì nên hỏi :tại sao giống "cam "của Việt nam trồng ở nước ngoài thì "ngọt " còn ở nước mình thì lại "chua "

      Xóa
  5. Xin ủng hộ Ý kiến của Giáo sư Đào Trọng Thi về "Chất xám Việt Nam" ! Thưa Giáo sư, Chất xám Việt Nam gần như bị tê liệt khi phải luôn luôn bị ức chế bởi những lời áp đặt ; bởi những ý kiến chỉ đạo của bề trên kiểu như :" Đồng chí phải làm như thế này mới thể hiện được tính đảng !" " Đồng chí cần nêu cao tinh tiên phong của giai cấp ...." !, trong khi, ngay từ xa xưa các bậc chí sĩ đã từng nói rằng :" ĐỐI VỚI KẺ SĨ CHỈ CÓ THỂ GIẾT CHỨ KHÔNG ĐƯỢC LÀM NHỤC !".

    Trả lờiXóa
  6. Đừng gọi là "chảy máu chất xám", mà phải gọi là: "Đất lành chim đậu", đất dữ chim bay đi. Khi nào đất hết dữ, trở thành đất lành, thì chim lại bay về.
    Vậy thôi!

    Trả lờiXóa