Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

NHÂN SĨ TRÍ THỨC THẤT VỌNG VỀ VIỆC TIẾP THU Ý KIẾN SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

Nhân sĩ trí thức thất vọng 
về việc tiếp thu ý kiến sửa đổi Hiến pháp
Thanh Phương (RFI) thực hiện

Ngày 20/5 vừa qua, trước Quốc hội, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đã trình bày bản giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân về bản dự thảo này. Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo, cho biết Ủy ban đã “nghiêm túc tiếp thu, chắt lọc ý kiến để thể hiện ý chí của nhân dân”. 

Nhưng qua trình bày của ông Phan Trung Lý, có vẻ như Hiến pháp 1992 sẽ không có thay đổi gì lớn, kể cả trong trong vấn đề tên nước. Ban đầu, đã có đề xuất rằng nên lấy lại tên nước là “ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nhưng trong buổi giải trình ngày 20/05, Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp, không biết căn cứ vào đâu, đã khẳng định rằng “đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ông Phan Trung Lý cho rằng thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay “sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, xa rời con đường lên chủ nghĩa xã hội”.

Cũng theo lời Trưởng Ban biên tập dự thảo Hiến pháp, “nhân dân tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước”, tức là sẽ không có chuyện bỏ điều 4 Hiến pháp. Cũng như sẽ không có chuyện bỏ khái niệm “sở hữu toàn dân” về đất đai, tức là vẫn không công nhận sở hữu tư nhân. Kinh tế Việt Nam thì sẽ tiếp tục được định nghĩa là “kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa”.

Như vậy là Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp đã không chấp nhận bất cứ ý kiến đóng góp nào của giới nhân sĩ trí thức, đặc biệt là của nhóm Kiến nghị 72, về việc sửa đổi Hiến pháp Việt Nam theo hướng dân chủ hơn. Không những thế, báo chí chính thức tiếp tục đả kích nặng nề nhóm nhân sĩ trí thức này và nhóm “Các Công dân tự do”. Như trong bài báo đăng ngày 16/05, tựa đề “Không thể “khoác áo” dân chủ để kích động, gây rối”, tờ Hà Nội mới cho rằng những kiến nghị như của nhóm Kiến nghị 72 hay của nhóm “ Các Công dân tự do” là “những thủ đoạn kích động hết sức nguy hiểm nằm trong âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.” . Tờ Hà Nội mới còn khẳng định hành động của những người đó “ không xuất phát từ tinh thần dân chủ, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ, mà chỉ để thỏa mãn những mục tiêu cá nhân, thậm chí chỉ để đánh bóng tên tuổi.”

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, giáo sư Tương Lai, thuộc nhóm Kiến nghị 72, cho biết ông không cảm thấy bất ngờ về bản giải trình tiếp thu ý kiến nhân dân của Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng ông tin rằng những đóng góp như của nhóm Kiến nghị 72 đã không uổng phí, bởi vì việc góp ý sửa đổi Hiến pháp vừa qua đã là dịp để người dân Việt Nam mạnh mẽ đòi hỏi dân chủ. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với Giáo sư Tương Lai qua điện thoại từ Sài Gòn.

RFI: Xin kính chào Giáo sư Tương Lai. Trước hết Giáo sư phản ứng như thế nào về giải trình tiếp thu ý kiến sửa đổi Hiến pháp của ông Phan Trung Lý?

 

Giáo sư Tương Lai: Thật ra tôi cũng dự đoán là mọi việc cũng sẽ không có gì mới. Tất cả những điểm gì mà chúng tôi chờ đợi, thì đều thấy thất vọng. Khi nói chờ đợi, đó là tôi dựa trên Kiến nghị 72 ( mà nay đã được mười mấy nghìn người ký ủng hộ). Trong kiến nghị đó, chúng tôi có đưa ra 7 đề xuất. Nhưng qua phần trình bày nói trên, những điểm mà chúng tôi cho là không thể không sửa, nếu như thật sự có ý định sửa đổi Hiến pháp, thì tôi thấy không có điểm nào hài lòng cả.

Tuy tôi đã biết trước điều đó, những vẫn thấy buồn. Bởi vì bao nhiêu công của, bao nhiêu thời gian bỏ ra làm rất nhiều chuyện, nhưng cuối cùng không có điểm nào tiếp thu nguyện vọng của dân. Cho nên, tôi rất thất vọng khi lướt qua báo cáo giải trình tiếp thu các nội dung chỉnh lý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở ý kiến của nhân dân. Tôi thấy là người ta đã lãng phí tiền bạc, ý chí của nhân dân một cách vô ích.

RFI: Thưa Giáo sư, vừa qua cũng đã có đề xuất đổi tên nước trở lại thành “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nhưng trong bản giải trình, ông Phan Trung Lý cho rằng nên giữ nguyên tên nước như hiện nay. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Tương Lai: Ban đầu khi nghe ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đưa ra hai phương án tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì cũng có một vài người cảm thấy hình như là người ta cũng có một cái gì đó tiến bộ, quay trở lại với ý kiến của Hồ Chí Minh, Hiến pháp 1946 và Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng bằng suy nghĩ logích, tôi thấy là người ta đưa ra cho vui thế thôi, để tỏ vẻ là có tiếp thu ý kiến nhân dân, chứ không thể nào có chuyện quay trở về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đâu. Bởi vì nếu mà nói Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì làm sao mà có Điều 4 và nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin trong phần mở đầu Hiến pháp được? Người nào tin rằng chắc là sẽ có nhiều sửa đổi thì sẽ sớm thất vọng.

RFI: Thưa Giáo sư, theo thống kê của Văn phòng Quốc hội, tính đến cuối tháng 04/2013, đã có hơn 26 triệu lượt đóng góp ý kiến của nhân dân, ông nghĩ gì về con số này?

Giáo sư Tương Lai: Có đưa ra con số gấp đôi, tức là 50 triệu thì cũng thế thôi. Bởi vì góp ý Hiến pháp đòi hỏi một trình độ nhất định. Hiểu được rõ những ngôn từ, khái niệm về pháp lý không đơn giản, nhất là hiểu về Hiến pháp lại càng không đơn giản. Người ta tốn rất nhiều tiền của, in ra thành từng quyển, đưa đến từng nhà như ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại quy định là trong vòng 2 ngày phải góp ý kiến ngay: đồng ý hay không đồng ý. Ngay cả những người có muốn cất công tìm hiểu, đọc cho hết, cũng không thể đọc nổi trong ngần thời gian ấy, nói gì đến chuyện đồng ý hay không đồng ý. Cho nên, cách làm đó có vẻ công phu và dân chủ, nhưng suy cho đến cùng chỉ lãng phí tiền của của dân một cách vô lối.

Không ai tin vào điều đó, nhưng cũng cứ phải làm, vì nếu không làm thì sẽ khó mà sống trong chế độ toàn trị này. Chỉ có một số người có trình độ là có thể đọc đi, đọc lại và góp ý. Tôi cho rằng con số này rất ít. Thôi thì người ta cứ đưa ra những con số đó cho nó vui vẻ, chẳng sao cả. Nhưng người ta quên mất một điều là lòng tin của người dân đã giảm sút quá mức rồi. Có nói nữa thì cũng chẳng ai quan tâm đâu.

RFI: Như vậy phải chăng là những ý kiến đóng góp của các nhân sĩ trí thức không có kết quả gì, hay là dầu sao những kiến nghị đó cũng có tác động nhất định lên suy nghĩ, nhận thức của người dân Việt Nam?

Giáo sư Tương Lai: Chúng tôi soạn thảo kiến nghị 7 điểm về sửa Hiến pháp không phải chỉ để nói với các vị trong ủy ban sửa đổi Hiến pháp, mà là phát biểu với công luận, để nhân dân thấy rằng đấy là những đòi hỏi về tư tưởng, đẩy đến một bước chuyển biến tình hình, thì may ra mới có một lối thoát ra khỏi bế tắc hiện nay. Những kiến nghị của chúng tôi chẳng qua chỉ là nhằm động viên ý chí và sức mạnh của dân mà thôi, chứ chúng tôi không hy vọng rằng những người cầm quyền hiện nay hay ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp thu ý kiến của chúng tôi.

Đấy là chưa nói là chúng tôi làm một cách quang minh chính đại, in ra hẳn hoi, mang đến tận nơi, nhưng không một cơ quan chính thức nào phản hồi nghiêm túc. Đấy là chưa nói một loạt báo “lề phải”, với những cây bút hạng hai, hạng ba, nói năng không ra gì cả, những lễ độ tối thiểu cũng không có. Thế thì, đòi hỏi gì đến chuyện chỉnh sửa nghiêm túc được?

Thực ra, việc góp ý Hiến pháp vừa qua là một cái cớ, một thời điểm để bung ra những ý kiến, mà trước đây chỉ nói một phần 10, một phần 100 là cũng đủ bị làm rầy rà, thậm chí kết án tù. Nhân dịp này, người ta không chỉ nói chuyện góp ý Hiến pháp, nhưng từ đó còn đề cập đến những vấn đề khác hơn, để tạo ra một khí thế dân chủ mới. Và có một lúc hình như nó đã tuột khỏi tầm tay ( của chính quyền ) và ngay sau đó, người ta hối hả buộc lại, be bờ đắp đập lại, o ép lại để nó trở lại trong quỹ đạo mà người ta muốn.

Nhưng điều đó đã muộn. Thái độ của hai em sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha trước tòa án Long An cho thấy là những cái điều mà người ta tưởng đã bịt lại thực ra đã bung ra, bung ra quá cỡ, khiến người ta cũng bàng hoàng, không hiểu tại sao hai người trẻ tuổi ấy lại có thể có một khích phách, một dũng khí như thế. Điều này có một sức lan tỏa và động viên rất mạnh mẽ.

Chuyện góp ý Hiến pháp chẳng qua là cơ hội để bung ra những điều mà lâu nay dồn nén trong tâm tư và tâm lý xã hội. Rồi Quốc hội cũng sẽ thông qua Hiến pháp này thôi. Nhưng nói cho cùng, có Hiến pháp hay không Hiến pháp thì vẫn vậy, bởi gì có những điều quy định trong Hiến pháp, mấy chục năm nay có ai thực hiện đâu? Quyền tự do lập hội, tự do báo chí, tự do biểu tình, được ghi rành rành trong Hiến pháp, nhưng kèm theo đó lại có những văn bản hạn chế ngay lập tức những quyền đó. Cho đến bây giờ đã có quyền tự do lập hội đâu? Vẫn chưa ban hành nghị định cụ thể về lập hội cơ mà! Còn biểu tình không phải là biểu tình chống một chính sách hay đường lối của chính phủ, mà là biểu tình chống ngoại xâm, một lý do thiêng liêng như vậy, thế mà người ta đáp lại bằng dùi cui, bằng đàn áp một cách tồi tệ như thế, khiến Việt Nam mất mặt với thế giới!

Cho nên vấn đề giờ đây không phải là Hiến pháp có điều gì tiến bộ, điều gì không, mà vấn đề là Hiến pháp đưa ra phải có điều kiện như thế nào để người dân được thực hiện. Điều đó lệ thuộc vào nhiều cái khác, chứ không lệ thuộc vào những chương mục trong Hiến pháp. Những chương mục đó có rồi, nhưng không được thực hiện thì người dân cũng phải chịu thôi. Chỉ có điều là dân chịu đến mức nào và đến bao giờ thì người ta không cam chịu nữa. Đó là vấn đề đang được đặt ra và các nhà chính trị phải tính toán cho kỹ.

RFI: Xin cám ơn Giáo sư Tương Lai.

12 nhận xét :

  1. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 08:09 28 tháng 5, 2013

    QH là ý nguyện của Đảng . Đảng viên chiếm đến 92 % thành viên QH. QH phát biểu ý kiến chỉ đạo của Đảng . Đảng càng ngày càng xa lìa nhân dân . Đảng xưng với dân là " TA " như cung cách phát biểu của ô. Phan Trung Lý . Công khai còn quan liêu hách dịch như thế, có lẽ trong họp Đảng còn gọi Dân là bọn nọ này bọn nọ , thậm chí còn gọi là chúng nó ! Còn các quan thì luôn là TA . TA phải thế này phải thế nọ . Mấy chục năm trời, Đảng dậy dỗ CB đối với Dân như thế đó !..

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn GS.Tương Lai. Vâng, mặc dù họ chẳng sửa đổi gì nhưng chí ít họ cũng thấy lòng dân sôi sục như thế nào. Nếu họ còn tỉnh táo, may ra họ còn lựa chọn: đổi mới hay là chết?

    Trả lờiXóa
  3. Thực ra, hầu hết Dân chúng họ đều biết kêu gọi sửa đổi hiến pháp chỉ là trò hề không hơn không kém. Chẳng có mấy ai tin đâu. Chỉ có điều người Dân đau xót cho tiền thuế đóng góp của mình không đem đầu tư cho an sinh xã hội cho người Dân đỡ cực, mà người ta phung phí vào những trò hề vô ích mà thôi...

    Trả lờiXóa
  4. ” Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đạp đổ chính phủ ấy đi”. LÝ THỤY (bí danh của BÁC)
    Thực chất BÁC HỒ muốn theo con đường của NƯỚC Mỹ & NƯỚC PHÁP:

    - http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/3-chu-tich-ho-chi-minh-va-nuoc-my

    http://www.bqllang.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=532:bac-ho-va-nhung-phi-cong-my-dau-tien-co-mat-tai-viet-nam&catid=99&Itemid=743&lang=vi

    Trả lờiXóa
  5. Ông Lý đọc giải trình là từ bài phát biểu của ông Trọng tại HN 7. Bài đọc của ông Trọng tại HN 7 được cho là quan điểm của đảng cộng sản trong việc sửa đổi HP. Do đó, việc ông Lý đọc theo nội dung dự thảo ban đầu là điều dể hiểu.
    Nếu có học thức và lòng tự trọng thì đề nghị ông Phan trung Lý nên từ chức trưởng ban soạn thảo, sửa đổi HP.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng. đồng ý với Nặc danh09:15 Ngày 28 tháng 5 năm 2013.
      Nếu còn lòng tự trọng của một người có học thì ông Lý nên từ chức để tỏ thái độ. Đừng lo không có sổ hưu. Bảo hiểm XH vẫn là BHXH. Không nên lo "bò trắng răng" là không có sổ hưu như ông GS Đặng nói bữa trước. Đi tù về vẫn còn có sổ hưu nữa là. Chắc chắn ông Lý không thể giỏi hơn cụ TS Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm UBPL của QH (cái chức của ông Lý hiện nay). cụ Khiển ký KN 72, có ai dám tước cái sổ hưu của cụ không?

      Xóa
  6. Biết rằng anh Phan Trung Lý cũng bị áp lực rất nặng nề. Việc anh nói là việc của một công chức cầm một cái loa để đọc những ý kiến đã được chỉ đạo. Chắc chắn ông cũng có những suy nghĩ, không hoàn toàn nhưng ít nhất trên 70% suy nghĩ của ông cũng trùng hợp với ý kiến của các nhân sĩ, trí thức.
    “đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chỉ là một sự dối trá. Những ý kiến phân tích tâm huyết thì các ông ém nhẹm rồi quy cho là “thế lực thù địch”, rồi thì khoác lên vai họ hành vi “kích động”.
    “những thủ đoạn kích động hết sức nguy hiểm nằm trong âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.”. Ai là thế lực thù địch sao các anh không chỉ ra cho toàn dân biết?
    Chỉ có những kẻ u mê, lú lẫn mới tôn thờ cái CN đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử. Những kẻ tham quan ô lại cũng hùa theo để nhờ đó mà cướp được nhiều đất, để rút ruột ngân sách do tiền thuế của dân mà có.
    Tin rằng đa số đảng viên ĐCSVN cũng đã quá chán ngán cái định hướng đang lơ lửng không có chỗ đáp rồi. Mọi người đều muốn có một cuộc sông bình an, nhưng những bất an luôn rình rập.
    Sao các anh không tự hỏi là tại sao lại có những cụ lão thành CM, có những cháu sinh viên, thanh niên sinh ra và lớn lên trong lòng xã hội này lại không đồng ý với thể chế đang được vận hành bởi các đảng viên của đảng?
    Các anh có biết là các anh đang đi ngược lại tư tưởng Hồ Chí Minh không? Cứ đọc kỹ các bài viết, cách hành xử của Cụ Hồ thì thấy các anh làm ngược với đạo đức, tư tưởng của Cụ. Vậy mà các anh phát động học tập cả chục năm nay, tốn tiền tốn cúa của dân mà có ai học được cái gì không? Có chăng chỉ là một số người cố học thuộc để lên đọc như những con vẹt trong các cuộc thi. Còn các anh, nhưng lãnh đạo cao cấp của Đảng, có anh nào hàng ngày soi rọi việc làm của mình như Cụ dã làm không?
    Các anh cần nhớ, thời kỳ kháng chiến, chiến tranh khác với hiện nay. Chúng ta đang sống trong hòa bình, nhưng hòa bình chẳng bao giờ là vĩnh viễn cả. Chỉ có cách lèo lái để giữ cho chiến tranh không xảy ra bằng chính nội lực của mình. Muốn nội lực mạnh thì phải dựa vào dân, và chỉ có dân mới làm cho nước mạnh. Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng. Các anh cũng hô hào như thế, nhưng thực tế thì các anh coi khinh quần chúng. Đến các trí thức đầu đàn của đất nước các anh cũng chẳng coi ra gì thì dân đen ít học, ít hiểu thì các anh hoàn toàn coi họ như những con lừa.
    Đén cái quyền tự nhiên của con người sống trên trái đất này là quyền được sở hữu một mảnh đất làm nhà, một mảnh ruộng, mảnh vườn để trồng tỉa làm ra lương thực, thực phẩm nuôi sống loài người trong đó có cả các anh mà các anh cũng tước đoạt nốt cái quyền tự nhiên đó.
    Các anh định đưa đất nước này đi đến đâu? Bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu lần đại hội đảng, bao nghiêu nghị quyết đã được sản xuất ra có tạo ra sản phẩm gì cho XH không? Tiền bạc của dân bị tiêu tốn vào bao nhiêu thứ vô bổ. Thực tế trong đảng hiejn nay là năm bè bảy cánh rồi. Không nhìn nhận thực tế đó để điều chỉnh thì ngày càng đưa đất nước xuống vực thôi.
    Sự phản kháng với những tiêu cực XH là tất nhiên. Thay vì thấy đựợc hiện thực XH để điều chỉnh thì các anh đàn áp. Hạ sách.
    Hàng triệu người thất nghiệp, thiếu ăn, không được hưởng các phúc lợi XH tối thiểu, không có bảo hiểm y tế đang ngửa cổ kêu trời. Các anh có thấy không? Định hướng đến bao giờ nữa? 100 năm hay 1000 năm nữa?

    HM

    Trả lờiXóa
  7. Ông PHAN TRUNG LÝ nói sửa đổi tên nước quoay lại VIỆT NAM DÂN CHỦ CÔNG HÒA là xa rời mục tiêu xây dựng XÃ HỘI CHỦ NGHĨA theo tôi chỉ là ngụy biện cho một nhóm người đang nắm chức quyền để đất đai sở hữu toàn dân ngừi dân chỉ có quyên sử dụng nhà nước là chủ sở hữu từ đó họ vẫn có quyền thu hồi đẻ ban phát cho nhau
    họ không dám chấp nhận đa đảng bởi vì họ sợ khi đa đảng có thể khi canh tranh quyền lãnh đạo đất nước họ không đủ khả năng cạnh tranh và nếu có đủ khả năng cạnh tranh thì cũng không thoải mái để thực hiện nhóm lợi ich

    Trả lờiXóa
  8. Ông Lý chỉ là người phát ngôn cho Ban soạn thảo và cấp cao nhất là Ban bí thư, Bộ chính trị (BCT)ĐCSVN. Tôi tin ông Lý rất chân thành khi tuyên bố : Nhân dân góp ý sửa HP không có vùng cấm, kể cả điều 4 . Nhưng mọi việc làm của ban soạn thảo phải theo khuôn phép của BCT, nên cũng không cần phe phán, lên án riêng cá nhân ông Lý. Thực chất HP và LP trong chế độ dân chủ XHCN VN đều phục vụ cho vị trí, vai trò cầm quyền của ĐCSVN, nó chỉ là sự cụ thể hóa cương lĩnh, đường lối của ĐCSVN trong từng giai đoạn . Ngày nay, quyền lực và cơ hội kiếm tiền cho quan chức của đảng là vô cùng lớn. Do đó, nhất định không bao giờ ĐCSVN nhường quyền lực cho nhân dân, thông qua thực hiện quyền dân chủ như HP 1992 đã minh định. Không ai, tổ chức nào tự truất quyền thống trị của mình, đặc biệt trong chế độ chuyên chế, độc quyền của ĐCSVN hiện nay. Đã nhiều cuộc sinh hoạt Dân chủ giả hiệu ầm ĩ do đảng phát động, nhưng cuối cùng đều "trúng ý đảng", mặc lòng dân có thế nào đi nữa. Đợt phát động Rân chủ góp ý sửa HP 1992 lần nay là tiếp tục "nghệ thuật lãnh đạo của đảng". Nhưng sẽ trở lại điểm xuất phát như dự thảo mà "ý đảng " đã quyết ngay từ đầu, "giữ vững lập trường c/m" là nguyên tắc trong các nghệ thuật phương pháp dân vận của Đảng ta ngày nay.

    Trả lờiXóa
  9. Làm cho vui ấy mà. Quan tâm làm gì.

    Trả lờiXóa
  10. Trong khi cả thế giới CQ đứng trên kiềng ba châm phân lập , kiểm soát lẫn nhau thì ở VN vẫn theo TQ, CQ chỉ cần chụm lại thành một chân. Có lẽ hơn 1 tỉ người nặng kí hơn 6 tỉ người ?
    Hỏi có mấy người tin tưởng rằng chế độ XHCN sẽ tồn tại mãi ? Từ sau khi LX và Khối XHCN sụp đổ thì chẳng còn mấy người tin chế độ XHCN sẽ tồn tại lâu dài . Và chính lúc đó CHXHCNVN đang chìm dần thì được các nước TBCN kéo lên từ đáy bùn đen. Tuy vẫn còn duy trì CQCS, nhưng rất nhiều người nghĩ rằng chế độ CS cũng chẳng còn tồn tại bao lâu nữa tại VN. Được mấy năm nhờ vốn của Tư Bản, VNCS có những tăng trưởng ngoạn mục, khiến cho các nhà cầm quyền tin tưởng chế độ được cứu vãn , đươc phục hồi và đường lối XHCN vẫn là tốt nhất cho VN.
    Trong tình hình SĐHP 1992, ĐCSVN cố duy trì đường lối XHCN, càng tập quyền vào Đảng hơn nữa, để bảo vệ lấy CQCS. Nhưng sức dân như được tháo ngòi, nhân sĩ trí thức tiến bộ nhận thấy cần thay đổi được cơ hội bùng lên đòi hỏi mạnh mẽ , khiến cho ĐCSVN hoảng sợ, muốn trì kéo lại. Trong đảng và trong Dân hình thành hai phe càng lúc càng rõ rệt. Chóp bu của Đảng , tiêu biểu là TBT bảo thủ , nhưng ngay trong CP cũng có hiện tượng lưng chừng, không hoàn toàn bảo thủ ! Sự giăng co bảo thủ này đang bị thế giới áp lực mạnh do nền kinh tế hết sức bật, mấy năm nay không phát triển mà cứ lùi dần. Trước những áp lực nặng nề này, nền kinh tế bị hổng chân sẽ kéo theo sự suy sụp của phe bảo thủ co cụm và rơi rụng dần. Cái HP sắp công bố như cái nhà chỉ có một cột sẽ tồn tại bao lâu ?

    Trả lờiXóa

  11. Lại một lần nữa nhân dân và giới trí thức bị một vố lừa ngoạn mục.
    Không biết nhân dân sẽ còn bị Đảng lừa được thêm mấy lần nữa?

    Người yêu nước

    Trả lờiXóa