Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

THÔNG BÁO CỦA CÁC NHÂN SĨ TRÍ THỨC KHỞI XƯỚNG "KIẾN NGHỊ HIẾN PHÁP"


 THÔNG BÁO

của Nhóm soạn thảo và ký đầu tiên "Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992" về công văn trả lời của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992


Ngày 4-2-2013, một đoàn 15 người, đại diện cho 72 người đã ký ngày 19-1-2013 bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 (xin được gọi tắt là Kiến nghị 72) và cho hơn 2000 người đến thời điểm đó đã ký ủng hộ Kiến nghị 72, do Tiến Sĩ Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn, đã gặp đại diện của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (dưới đây  gọi tắt là Ủy ban) và trao bản Kiến nghị 72 cùng với một Dự thảo Hiến pháp mới (dưới đây gọi tắt là Dự thảo Hiến pháp 2013). Đoàn đã được Ủy Ban tiếp đón trọng thị và tiếp nhận Kiến nghị có 72 chữ ký cùng với Dự thảo Hiến pháp 2013. Một số phóng viên báo đến dự và sau đó một số báo trong đó có báo in đã đưa tin về cuộc gặp này.

Chúng tôi đã nhận được công văn trả lời số 227/UBDTSDHP, ngày 7-2-2013 của Ủy ban do ông Phan Trung Lý, ủy viên Ủy ban, Trưởng Ban Biên tập ký, gửi tới ông Nguyễn Đình Lộc. Chúng tôi cảm ơn Ủy ban đã sớm trả lời và xin trân trọng thông báo văn bản này (đính kèm) tới tất cả những người ký Kiến nghị 72 và đồng bào trong, ngoài nước.

Chúng tôi thấy cần nói rõ vài điểm sau đây:

1-Trong một nước mà tất cả quyền lực thuộc về nhân dânNhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì quyền lập hiến là quyền sinh ra các quyền khác (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội. Kiến nghị 72 đã nhấn mạnh quan điểm đó và nêu cách làm cùng với thời gian cần thiết để bảo đảm thực quyền của nhân dân quyết định Hiến pháp.

Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội dựa vào Hiến pháp hiện hành quy định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Công văn trả lời của Ủy ban theo đúng Nghị quyết đó và yêu cầu người đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp phải “thực hiện đúng quy định của pháp luật và nghị quyết của Quốc hội”.

Theo chúng tôi, quy định nêu trên của Hiến pháp hiện hành phủ nhận quyền lập hiến của nhân dân; đây chính là điều đầu tiên cần sửa trong Hiến pháp và quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này phải thấu suốt tinh thần tôn trọng quyền của nhân dân quyết định Hiến pháp.

2- Chúng tôi đề nghị Ủy ban tôn trọng và đưa ra công khai một cách trung thực các kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp, kể cả những ý kiến khác với dự thảo của Ủy ban, để nhân dân bàn bạc, tranh luận; đó là điều kiện nhất thiết phải có để đi tới tổ chức trưng cầu ý dân nhằm xây dựng một bản Hiến pháp đúng là của nhân dân Việt Nam. Theo tinh thần đó, trang thông tin điện tử của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp và các báo in cần đăng Kiến nghị 72 và Dự thảo Hiến pháp 2013 cùng với các ý kiến khác về sửa đổi Hiến pháp.

3- Từ ngày được công bố (22-1-2013) đến ngày 16-2-2013, dù một số ngày bận vào Tết, bản Kiến nghị 72 đã có hơn 4 ngàn người ký ủng hộ, biểu thị ý thức chủ động tham gia vào công việc hệ trọng này đối với vận mệnh của đất nước. Chúng tôi tha thiết mong bản Kiến nghị 72 và Dự thảo Hiến pháp 2013 cùng với các kiến nghị khác về sửa đổi Hiến pháp tiếp tục được phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức, giúp cho đông đảo các tầng lớp nhân dân đọc, thảo luận và ký ủng hộ, vượt qua sự e ngại cũng như cách nghĩ thụ động cho rằng “dẫu có đóng góp ý kiến sửa đổi hiến pháp hoặc ký vào kiến nghị 72 cũng chẳng có tác dụng gì”. Đó là một hành động tích cực nhằm thực thi quyền công dân của mình để đổi mới và phát triển đất nước. Chúng tôi mong đợi và tin tưởng rằng sự bày tỏ ý kiến của đông đảo nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh.
_______________

Ngun: Ba Sàm

6 nhận xét :

  1. Qua phần 1 - công văn trả lời số 227/UBDTSDHP, đã khẳng định Hiến pháp là của Quốc hội chứ không phải của Dân? Như thế hóa ra là Nhà nước của QUỐC HỘI hơn 90% là đảng viên à?
    Vậy thì,xin cảm phiền ông Phan trung Lý giải thích cho Dân rõ nghĩa của cụm từ: "NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN" là thế nào?

    Trả lờiXóa
  2. Dân ta có câu: "Nói phải củ cải cũng nghe". Trong hỗn độn nhiều ý kiến khác nhau, những lời "nói phải" (Ý kiến đúng, có tính thuyết phục) sẽ chắc chắn được nhiều người "tâm phục, khẩu phục" và sẵn sàng hưởng ứng. Bản kiễn nghị sửa đổi HP 2013 do những trí thức thực sự có tâm, có tầm vì tiền đồ của đất nước mà đi tiên phong để góp cho Ủy ban dự thảo HP những suy nghĩ mang tính cách mạng. Nhân sĩ, trí thức, lão thành cách mạng còn tâm huyết với đất nước là hồng phúc của dân tộc. Đề nghị Ủy ban dự thảo HP hãy thực sự trân trọng tiếp thu.
    Hiến pháp của một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân cho nên không nên phụ thuộc cứng nhắc vào nghị quyết của QH. Về thời gian góp ý cần kéo dài, nếu thấy đúng, thấy có lợi cho nhân dân, cho quốc gia, dân tộc thì Ủy ban thường vụ quốc hội vẫn có thể chỉnh sửa rồi báo cáo lại kỳ họp QH, tin rằng, một QH vì dân sẽ không bao giờ phản ứng. Xem ra Bản Kiến nghị 72 bước đầu tiên đã bị Ủy ban DTHP phủ nhận một điểm về cách làm (thêm thời gian) rồi (lấy lý do phải chấp hành NQ của QH) thì liệu có hy vọng được sửa theo những quan điểm tiến bộ không?

    Trả lờiXóa
  3. Phó thường dânlúc 16:08 18 tháng 2, 2013

    QH tự giành lấy hết quyền của nhân dân rồi . 90 % ĐBQH là đảng viên , 10 % là những người ngoài đảng nhưng phải thuận theo đường lối của Đảng mới được ở trong QH. Bạn Công Lý nói đúng , HP là của QH . QH do Đảng hoàn toàn chi phối . Vậy HP là của Đảng !

    Trả lờiXóa
  4. Ông Phan Trung Lý sai rồi


    “Chúng tôi, những công dân có tên trong Danh sách kèm theo, đại diện cho 72 người đã trực tiếp ký tên vào KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992 và hàng ngàn người khác đã tham gia ký tên tiếp, hôm nay đến Địa điểm tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân tại 37 Hùng Vương Hà Nội, để trao Bản Kiến nghị này cho Quý Ủy ban.”
    Đoạn văn trên trích từ văn bản của 16 vị đại diện những người ký tên vào KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992.
    - Vậy mà ông Phan Trung Lý ký văn bản số 227 ngày 7/2/2013 trả lời chỉ gửi riêng cho ông Nguyễn Văn Lộc là coi thường các vị nhân sĩ trí thức (phải chăng ông học được tư tưởng chỉ đạọ của Mao Trạch Đông coi trí thức là cục phân?).
    - Ông Lý chỉ là ủy viên Ủy ban dự thảo Hiến pháp, UB này đã thành lập Ban biên tập giúp việc cho UB và bổ nhiệm ông Lý là Trưởng ban biên tập này. Do đó việc ông Lý ký văn bản 227 ghi “TM UỶ BAN DỰ THẢO SỬẢ ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992” với chức danh Ủy viên UB và trưởng ban biên tập là trái thẩm quyền (xem Nghị quyết số 06/2011/QH13).văn bản của các nhân sĩ trí thức gửi cho UBDTSĐ HP, Ban biên tập chỉ là cơ quan giúp việc cho UB, lấy tư cách gì mà ông THAY MẶT?
    - Đây là sự lạm quyền và hỗn láo với cả các bậc tiền bối, những bậc thầy của ông Lý về kiến thức pháp luật. Ông Lý phải biết rằng, trong số những người ký tên vào kiến nghị có cả Tiến sĩ Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm UBPL của QH (cái ghế ông đang ngồi), là một trong những chuyên gia hàng đầu về Lý luận Nhà nước và pháp luật của VN
    - Cái ghế Trưởng ban ông đang ngồi chỉ là ghế tốt đen trong UBST SĐ BS HP 1992 thôi. Đa số thành viên là UV BCH TW, chỉ có 5 người không phải là UV BCH TW Đảng thôi, trong đó có ông đấy thưa ông Lý. Làm con rối thế đủ rồi

    Trả lờiXóa
  5. TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên BT Bộ Tư Pháp , không phải ông Nguyễn Văn Lộc . Bác AT thông cảm . Ý kiến của Bác AT là xác đáng.

    Trả lờiXóa