Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám,
vị trí đầu phố Tràng Tiền, không xa hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Công trình
được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm
1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm
vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.
Tác phẩm của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer mang nhiều màu sắc, đường nét
kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam nước Pháp, có cách tổ
chức mặt bằng, không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh... giống với các
nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20.[2]
Mặc dù là một công trình kiến trúc mang tính chiết trung, được pha trộn nhiều phong cách, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang
đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến
trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong.
Ra đời muộn hơn các nhà hát ở Sài Gòn và Hải Phòng, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến
trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của thành
phố Hà
Nội.[4]
Ngay từ khi hoàn thành, Nhà hát Lớn đã giữ vai trò
một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi diễn ra thường
xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát Lớn là nơi khai sinh
và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, cũng như các loại hình nghệ thuật
giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch.[5]
Không chỉ vậy, nhà hát còn là một địa điểm mang đậm những dấu ấn lịch sử, từng
là nơi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc
lập nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946, bản
Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam cũng như danh sách chính phủ
Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hồ Chí Minh đứng đầu); Toàn quốc Kháng chiến Ủy
viên Hội (Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch); Quốc gia Cố
vấn đoàn (Vĩnh
Thụy làm đoàn trưởng).[6]
Sau một thời gian dài bị xuống cấp, công trình lấy lại được vẻ đẹp xưa cũ sau
đợt trùng tu từ năm 1995 đến năm 1997, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Pháp ngữ.[7]
Ngày nay, Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất
ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như một “ngôi đền” dành cho nghệ
thuật cổ điển.[5]
Cũng như nhiều công trình kiến trúc và cả những loại hình văn hóa phi vật thể
khác, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của
thành phố, thời kỳ mà các nền văn hóa giao thoa lẫn nhau.[2]
Lịch sử
Vị trí của Nhà hát Lớn Hà Nội xưa kia là một vùng đầm
lầy thuộc đất của hai làng Thạch Tần và Tây Luông, giáp gianh với làng Cựu Lâu,
thuộc tổng Phúc Lân (hay tổng Hữu Túc[9]),
huyện Thọ Xương.[10]
Năm 1808, một trường đúc tiền (tên chữ Hán: Bảo truyền cục) được thành lập tại
khu vực này, với phía bắc là phố Tràng Tiền ngày nay, nam là phố Phạm Sư Mạnh,
Đông là phố Phan Chu trinh và tây là phố Ngô
Quyền. Phía đông bắc của đầm lầy nhà hát ngày xưa là cửa ô tên Tây Long (hay
Tây Luông), lấy theo tên của bến đò thời Lê đậu ở bãi sông cùng tên. Ngày 20/7/1786, quân Tây Sơn tiến vào thành Thăng Long qua bến sông và
cửa ô này đã đánh vào trận địa của chúa Trịnh Khải ở hai bên lầu Ngũ Long (trung tâm Bưu điện Hà
Nội ngày nay). Bến sông này cũng là nơi chứng kiến cuộc rút chạy ngày 30 tháng
1 năm 1879 (mùng 5 Tết Kỷ
Dậu) của quân nhà Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy sau thất bại đồn Khương Thượng trước đô đốc Long.[9]
Ngay từ khi mới tới Hà Nội vào năm 1883, những người
Pháp đã sớm có ý định xây dựng ở thành phố này một địa điểm dành cho trình diễn
nghệ thuật. Rạp hát đầu tiên được mang tên rạp Chùa Bút nằm ở khoảng đất trống
trước cửa đền Ngọc Sơn, ảnh hưởng bởi công trình Tháp Bút ở gần đó.[11]
Vào năm 1887, nhân dịp hội chợ trên phố Tràng Thi, một công ty Hoa kiều đã cho
xây dựng ở đầu phố Hàng Cót – khi đó mang tên phố Takou – một rạp hát chuyên
diễn tuồng Trung Hoa. Mặc dù vậy, rạp hát này lại được một bác sĩ người Pháp
tên Nico đứng tên và đôi khi cũng dành cho các đoàn nghệ thuật từ Pháp tới trình
diễn. Rạp Takou, tuy không phù hợp cho các hoạt động nghệ thuật Tây phương,
nhưng chính là rạp hát đầu tiên ở Hà Nội theo kiểu Tây phương.[12]
Vào năm 1899, Hội đồng thành phố dưới sự chủ tọa của
Công sứ Hà Nội Richard đã đề nghị lên Toàn quyền Đông Dương, xin xây dựng một nhà
hát cho thành phố.[1]
Vị trí lựa chọn là khu vực đầm lầy thuộc hai làng Thạch Tần và Tây Luông. Đồ án
thiết kế được xét duyệt của hai kiến trúc sư người Pháp Broyer và V. Harley,
mang dáng dấp của nhà hát Opéra Garnier nổi tiếng ở Paris, sau đó có sự
tham gia sửa chữa của kiến trúc sư Francois Lagisquet trong quá trình xây dựng.[13]
Với kinh phí lên đến 2 triệu franc,
dự án Nhà hát thành phố ở Hà Nội đã gây nên những tranh cãi trên một số báo chí
tại Pháp thời kỳ đó.[14]
Ngày 7 tháng 6 năm 1901, công trình được khởi công với sự tham gia của hai nhà
thầu Travary và Savelon, và dưới sự chỉ đạo của chính kiến trúc sư Harley,
người khi đó giữ chức vụ thanh tra đô thị.[12]
Do xây dựng trên một đầm lầy nên việc san lấp mặt bằng gặp khá nhiều khó khăn.
35 nghìn chiếc cọc tre đã được đóng xuống trước khi đổ lớp bê tông
dày 0,9 mét lót
đáy nhà.[10]
Phần móng được xây bằng đá tảng, khu vực sân khấu sử dụng gạch chịu lửa để đề
phòng hỏa hoạn, phần mái nhà lợp bằng phiến thạch trang trí kẽm thếp vàng,
đường vòng quanh mái trang trí gạch tráng men.[12]
Công trình sử dụng tới 12.000 m³
vật liệu, gần 600 tấn
gang thép, với khoảng
300 công nhân tham gia thi công mỗi ngày.[1]
Sau 10 năm xây dựng, Nhà hát thành phố được khánh
thành. Để gắn tên mình với sự kiện này, nhóm kịch nghiệp dư Philarmonique của
những người Pháp tại Hà Nội khi đó đã tập một vở hài kịch.
Công trình tuy đã hoàn thành nhưng sân khấu vẫn chưa được trang bị màn kéo cũng
như các thiết bị phục vụ cho việc trang trí phông cảnh. Để khắc phục, đoàn kịch
đã lấy vải thô may lại rồi vẽ hình hồ
Gươm cùng tháp Rùa để làm màn kéo. Tấm màn này vẫn được sử dụng cho
tới 16 năm sau, khi được thay thế bằng một tấm màn vải sa tanh, và tới năm
1932, nhà hát mới trang bị màn nhung theo kiểu sân khấu của Ý. Tối ngày 9 tháng 12
năm 1911, lễ khai trương nhà hát bắt đầu với vở hài kịch bốn hồi Chuyến đi
của ông Perrichon (Le Voyage de monsieur Perrichon) của Eugène
Labiche và Édouard Martin. Số tiền thu được từ buổi biểu diễn được nhóm kịch
Philarmonique ủng hộ cho những trẻ em lai sống lang thang trên phố.[12]
Nhà
hát Lớn Hà Nội không chỉ có giá trị đơn thuần về kiến trúc. Rộng hơn, từ đầu
thế kỷ 20, đó cũng là nơi chứng kiến những cuộc “tiếp xúc” đầu tiên giữa Việt
Nam với văn hóa, nghệ thuật phương Tây, cụ thể là âm nhạc và sân khấu.[15]
— Nhà sử học Dương Trung Quốc
| ||
Vào thời điểm hoàn thành, với 870 chỗ ngồi, Nhà hát
Lớn Hà Nội là một công trình mang quy mô rất lớn nếu so với dân số Hà Nội khi
đó.[10]
Nhà hát trở thành trung tâm các sự kiện văn hóa, nghệ thuật dành cho người
Pháp và một số ít người Việt thuộc tầng giàu có ở Hà Nội. Đây cũng là địa
điểm biểu diễn lý tưởng cho các đoàn kịch, ban nhạc từ Pháp và châu Âu tới
lưu diễn.[12]
Khoảng thời gian về sau, một số buổi trình diễn của các nghệ sỹ người Việt
với mục đích từ thiện như quyên góp cứu nạn các vùng lụt lội, xây dựng nhà tế
bần... cũng bắt đầu được trình diễn ở đây. Từ năm 1940, nhiều đoàn kịch nói
Việt Nam
đã có thể thuê lại nhà hát để biểu diễn.[7]
Nhà hát Lớn Hà Nội không còn là địa điểm chỉ dành cho người Pháp. Sự hình
thành tầng lớp thị dân cùng trí thức mới đã biến nơi đây thành cái nôi cho
nhiều sinh hoạt nghệ thuật của người Việt.[11]
Không chỉ là một địa điểm văn hóa, Nhà hát Lớn Hà Nội cùng quảng trường Nhà hát còn là nơi
diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Vào ngày 17
tháng 8 năm 1945, trên quảng trường Nhà hát đã diễn ra cuộc mít tinh ra mắt Mặt trận Việt
Minh[1][16].
Ngày 28
tháng 8 năm 1945 đã diễn ra một trong những cuộc duyệt binh đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.[17]
Ngày 16 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã phát động Tuần lễ vàng quyên góp ủng
hộ Chính phủ tại Nhà hát Lớn. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I họp
phiên đầu tiên ở nhà hát vào ngày 2 tháng 3 năm 1946[6]
và tiếp tục ở đây cho đến năm 1963, khi Hội trường Ba Đình được xây dựng.[1][11]
Cuối thế kỷ 20, Nhà hát Lớn Hà Nội sau hơn 80 năm tồn tại đã rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Phần chân tường nhà hát phủ đầy rêu phong, nhiều chỗ mái ngói bị thay thế bằng mái tôn.[14] Bên trong, các trang trí, vật liệu, màu sắc, tiện nghi phục vụ và thiết bị kỹ thuật quan trọng đều trở nên cũ kỹ, lạc hậu. Nhiều hoa văn bị quét vôi phủ kín trong những lần sửa chữa trước đó.[12] Xung quanh quảng trường ngày càng xuất hiện nhiều các công trình không phù hợp dẫn tới phá vỡ không gian kiến trúc của nhà hát.[1] Giữa thập niên 1990, để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 năm 1997,[18] Chính phủ Việt Nam đã quyết định trùng tu Nhà hát Lớn với kinh phí 156 tỷ đồng, tương đương khoảng 14 triệu đô la.[10] Dự án được bắt đầu năm 1995 và hoàn thành 2 năm sau đó với sự tham gia của 100 nhân công và dưới sự giám sát của kiến trúc sư người Pháp gốc Việt Hồ Thiệu Trị, tác giả đồ án trùng tu.[14] Năm 2011, Nhà hát Lớn Hà Nội cùng quảng trường Cách mạng tháng Tám đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia.[19] Ngày 9 tháng 12 năm 2011, Nhà hát Lớn Hà Nội kỷ niệm 100 năm ngày nhà hát ra đời.[20] |
Kiến trúc
Nhà hát Lớn Hà Nội nằm trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, nhìn
thẳng ra phố Tràng Tiền, vị trí xưa nay vẫn là khu vực sầm uất bậc nhất của
thành phố. Công trình có chiều dài 87 mét, bề ngang trung bình 30 mét, phần
đỉnh mái cao nhất cao 34 mét so với nền đường, và diện tích xây dựng khoảng
2.600 mét vuông.[2]
Bên phải nhà hát, khách sạn Hilton Opera nằm hơi uốn cong, cũng là một công
trình do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Mang những đường nét cổ điển – như
hàng cột cao, bộ mái Mansard... – khách sạn hiện đại Hilton Opera không những
không phá vỡ không gian kiến trúc của quảng trường mà còn giúp tôn thêm vẻ đẹp
của nhà hát.
Mặt bằng Nhà hát Lớn Hà Nội được chia thành ba phần
tương đối rõ rệt. Không gian đầu tiên ngay lối vào là chính sảnh với một cầu
thang hình chữ T bằng đá dẫn lên tầng hai. Đây là nơi đầu tiên đón khách tới
nhà hát, gạch lát nền sử dụng loại đá vân thạch kết hợp với những họa tiết trang
trí theo tinh thần cổ điển, đem lại cảm giác sang trọng.[13]
Hệ thống đèn chùm nhỏ treo trên tường được mạ đồng theo
lối cổ, còn đèn chùm phía trên cao được mạ một lớp vàng bằng công
nghệ hiện đại.[3]
Ở tầng hai, phòng gương là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng, lễ ký kết các
văn kiện của Chính phủ hay đón tiếp các nhân vật cao cấp. Căn phòng này còn
dành cho các chương trình nghệ thuật thính phòng, các cuộc họp
báo hay những hội nghị mang tính chất nhỏ.[3]
Sàn phòng gương được phục chế theo kỹ thuật Mozaic với đá mang đến từ Ý. Trên tường,
xen giữa các cửa đi mở rộng là những tấm gương lớn.
Các đèn treo, đèn chùm pha lê cùng bàn ghế mang phong cách cổ điển Pháp.[3]
Không gian tiếp theo của nhà hát là phòng khán giả kích thước 24 x 24 mét với
sân khấu lớn, ba tầng ghế, tổng cộng 598 chỗ ngồi.[3]
Căn phòng được trang trí cầu kỳ với những hàng cột thức
Corinth đỡ một vòm tràn đầy màu sắc bởi những bức bích họa, xen kẽ những
hình đắp nổi cùng một đèn chùm pha lê lớn dát vàng. Sàn phòng lát gạch và trải
thảm, các ghế ngồi thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp thế kỷ 19. Không gian
nội thất nhà hát như một sự tổng hòa của của các yếu tố ánh sáng, màu sắc và âm
thanh.[13]
Cuối cùng, phía sau sân khấu là 18 phòng trang điểm dành cho diễn viên, 2 phòng
tập, cùng các phòng làm việc, thư viện, phòng họp...[2]
Có thể tìm thấy ở bề ngoài của công trình nhiều phong
cách kiến trúc khác nhau. Mặt chính nhà hát nổi bật nhờ hàng cột theo thức Ionic La Mã, phía trên nhấn bởi các mái chóp
cong lợp ngói đá. Dường như những nguyên tắc kiến trúc Phục Hưng được nhấn mạnh phía mặt
ngoài này. Tuy vậy, những đường cong uốn lượn của các ban công kết hợp với hình
thức cuốn vòm phía trên lối vào lại làm nổi bật những yếu tố Baroque. Ở cả mặt bên lẫn mặt chính giữa, các
trang trí cầu kỳ, các thanh đỡ uốn lượn, các cửa sổ hình chữ nhật hay cuốn vòm,
tất cả đều giàu tính điêu khắc và mang nét Baroque nổi trội.[13]
Riêng phần mái đón lối vào cho người đi xe hơi ở hai mặt bên lại theo phong
cách Art
Nouveau. Ở phía trên nhà hát, hệ mái lợp ngói đá đen được tổ chức rất kỳ
công với sự kết hợp của nhiều hình thức, đem lại cảm giác về tinh thần Tân cổ điển Pháp. Tất cả những hòa trộn này
đưa đến ấn tượng về một công trình kiến trúc Tân cổ điển kiểu chiết trung với
những giá trị không chỉ về mặt kiến trúc mà còn về nghệ thuật trang trí.[13]
Bao quanh có khá nhiều điểm vui chơi giải trí: vườn
hoa nhà hát lớn chếch phía nam tây nam, cà phê Highland
ngay sát sườn và quán Nineteen11 (lấy tên theo năm nhà hát khánh thành) nằm ở
tầng hầm.[21].
Khoảng sân trước mặt nhà hát lớn và đoạn vườn về phía nam nối với khách sạn
Hilton là một địa điểm lý tưởng của các đôi cô dâu chú rể đến chụp ảnh đám cưới
và kỷ niệm. Xa xa về phía đông bắc là viện bảo tàng cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Viện Viễn Đông Bác cổ ngày xưa). Phía bắc của
quảng trường Cách mạng tháng Tám là một loạt các khu trung tâm thương mại, văn
phòng cao cấp của các cơ quan quốc tế như đại sứ quán New Zealand,
Câu lạc bộ Báo chí Hà Nội
Kể từ khi hoàn thành sau đợt trùng tu từ năm 1995 đến
năm 1997, Nhà hát Lớn Hà Nội tiếp tục vai trò trong quá khứ, là nơi diễn ra
thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật
Việt Nam và nước ngoài.[4]
Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội, với tên giao dịch
quốc tế Hanoi Opera House, được thành lập ngày 17 tháng 9 năm 1997 theo quyết
định thành lập số 765 của Thủ Tướng Chính phủ, có chức năng và
nhiệm vụ:
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội nghị, hội thảo, họp báo chiêu đãi quốc gia và quốc tế theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật chất lượng cao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
- Quan hệ và hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế có liên quan để trao đổi nghiệp vụ và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật theo sự phân công của Bộ và theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của Nhà hát Lớn Hà Nội và theo quy định của pháp luật.[22]
Với danh tiếng, vẻ đẹp kiến trúc, vị trí ở trung tâm
thành phố và giá cho thuê thấp so với các địa điểm khác vì được Nhà nước bao
cấp một phần, Nhà hát Lớn là một địa điểm biểu diễn lý tưởng ở Hà Nội.[23]
Từ con số chỉ 17 buổi diễn vào năm 2000, đến đầu thập niên 2010, Nhà hát Lớn Hà
Nội thực hiện trung bình 400 buổi biểu diễn mỗi năm, đón hơn 140 đoàn nghệ
thuật quốc tế.[5]
Giá thuê nhà hát được áp dụng theo “Quy định về mức thu trong khai thác sử dụng
Nhà hát Lớn Hà Nội” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó ưu tiên các
buổi trình diễn nghệ thuật dân gian và âm nhạc truyền thống.[24]
Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, Nhà nước cũng như
nhiều tổ chức, doanh nghiệp thuê nhà hát để tổ chức các sự kiện, hội họp hay
những cuộc gặp gỡ quan trọng.
Chú thích - ^ a b c d e f g “Lịch sử Nhà hát Lớn Hà Nội”. Trang chính thức của Nhà hát Lớn Hà Nội. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ a b c d e “Nhà hát Lớn Hà Nội”. Tổng cục Du lịch Việt Nam. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ a b c d e “Kiến trúc nhà hát”. Trang chính thức của Nhà hát Lớn Hà Nội. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ a b Mai Hồng (11 tháng 11 năm 2011). "Nhà hát Lớn: Biểu tượng “Hà Nội” nhất". Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ a b c Thành Nam (6 tháng 11 năm 2011). "Nhà hát Lớn Hà Nội tròn thế kỷ". Nhân Dân. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ a b "[http://quochoi.vn/htx/Vietnamese/C1454/C1456/?cateid=1701#LovI0pZbp5nh Quốc hội khóa I (1946-1960)]" (Tiếng Việt). Văn phòng Quốc hội Việt Nam. Truy cập 2 tháng 1 năm 2012. ""Kỳ họp thứ nhất: Họp ngày 2-3-1946, tại Nhà hát lớn Thành phố - Hà Nội, với sự tham dự của ngót 300 đại biểu""
- ^ a b Lê Gia Hiếu (4 tháng 12 năm 2011). "Nhà hát lớn Hà Nội tròn một thế kỷ". Báo Công an nhân dân. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ Cũng tại đây, trước kia từng có một tượng đài phun nước khá to nhưng sau đó bị dỡ bỏ đi. DOTHI.net (02/10/2010, 22:41). Ảnh: Nhìn lại Hà Nội trong ký ức xưa Thông cáo báo chí. Truy cập 13/12/2011
- ^ a b Nguyễn Vinh Phúc trong "Phố và Đường Hà Nội", nhà xuất bản Giao thông Vận tải, 2004, mục Tràng Tiền (phố)
- ^ a b c d Tâm Hưng (26 tháng 10 năm 2009). "Nhà hát Lớn Hà Nội: Kiến trúc và lịch sử". Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Bản gốc từ bản gốc lưu ngày 26 tháng 10 năm 2009. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ a b c Dương Trung Quốc (14 tháng 8 năm 2011). "Một dấu son trên bản đồ Hà Nội". Lao Động. Bản gốc từ bản gốc lưu ngày 14 tháng 8 năm 2011. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ a b c d e f Nguyễn Ngọc Tiến (6 tháng 11 năm 2011). "Một thế kỷ Nhà hát Lớn Hà Nội". Hà Nội mới. Bản gốc từ bản gốc lưu ngày 6 tháng 11 năm 2011. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ a b c d e Trần Quốc Bảo (9 tháng 11 năm 2011). "Nhà hát Lớn Hà Nội: Một kiệt tác kiến trúc, điêu khắc và âm thanh". Tạp chí Quy hoạch Đô thị. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ a b c Điền Minh (9 tháng 4 năm 2010). "Nhà hát lớn Hà Nội là công trình vĩ đại nhất đời tôi". Thể thao & Văn hóa. Bản gốc từ bản gốc lưu ngày 9 tháng 4 năm 2010. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ Cúc Đường (5 tháng 6 năm 2011). "Nhà hát lớn Hà Nội: Trăm năm một biểu tượng". Thể thao & Văn hóa. Bản gốc từ bản gốc lưu ngày 5 tháng 6 năm 2011. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ Hoàng Thùy, VnExpress (19/8/2011, 09:31 GMT+7). Ký ức ngày tổng khởi nghĩa ở thủ đô Thông cáo báo chí. Truy cập 2/1/2012, 14:45 GMT+7
- ^ Đoàn giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở quảng trường Nhà hát Lớn - Hà Nội ngày 28.8.1945, ảnh của Nguyễn Bá Khoản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Việt Nam)
- ^ Sommet de la Francophonie-Déclaration de Hanoï 14-16/11/1997
- ^ "19 di tích được xếp hạng cấp quốc gia". Hà Nội mới. 3 tháng 11 năm 2011. Bản gốc từ bản gốc lưu ngày 3 tháng 11 năm 2011. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ Tiến Dũng; Đoàn Loan (9 tháng 12 năm 2011). "Nhà hát Lớn Hà Nội xưa và nay". VnExpress. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ Linh Hương, VnExpress - Nhà đẹp (25/12/2008, 15:09 GMT+7). 'Lạ' dưới hầm Nhà hát lớn Thông cáo báo chí. Truy cập 15/12/2011
- ^ “Chức năng và nhiệm vụ”. Trang chính thức của Nhà hát Lớn Hà Nội. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ Uyên Ly; Thu Hà (10 tháng 4 năm 2007). "Nhà hát ở Hà Nội: Thiếu và thừa". Báo Tuổi Trẻ. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ Xuân Luận; Trần Huy (28 tháng 7 năm 2009). "Nhà hát Lớn Hà Nội phải trả tiền điện như doanh nghiệp". Báo Công an nhân dân. Truy cập 9 tháng 12 năm 2011.
- Nguyễn Thụy Kha: Nhà hát Lớn Hà Nội - vẻ đẹp tròn thế kỷ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2011.
Nguồn: Wikipedia tiếng Việt.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét