Phần 2:
KHÔN NGOAN KHÔNG LẠI VỚI GIỜI
Phải mất mấy tháng
vất vả ổn định cuộc sống, dân chúng tôi mới hoàn hồn và bảo nhau: thế là mình
bị lừa rồi!
Trong cuộc họp đêm
ngày 6/11/2008, ông chủ tịch quận Ba Đình hứa dẻo quẹo, rằng sau 1 tháng nữa,
chính quyền sẽ họp dân để bàn về việc đền bù như thế nào. Vì dù nói là di
chuyển để tránh bão, chứ đương nhiên cái nhà này rồi cũng sẽ phá đi, để xây lại
cho khang trang hơn.
Nhưng sau gần 4
năm, dân tôi chờ mỏi mắt mà chưa một lần được hạnh ngộ ông chủ tịch quận. Còn
chủ đầu tư cũng chính là cái cơ quan ban đầu xây nên cái nhà này. Nó đã không
còn vai trò gì từ mấy chục năm trước đây, từ khi nhà nước xóa bỏ chế độ nhà tự
quản.
Sau hơn 1 tháng, họ
có mời dân chúng tôi về để đo đạc, kiểm đếm để làm cơ sở đền bù sau này. Nhưng
cũng từ ngày đó, có vẻ như họ nghĩ đã
làm xong nghĩa vụ đền bù với dân tôi rồi, còn dân tôi thì cứ nghĩ: để yên xem
sao?
- Để yên xem sao
lần thứ nhất, họ tiến hành động thổ!
- Để yên xem sao
lần thứ hai, họ tiến hành phá dỡ!
- Để yên xem sao
lần thứ ba, họ chở ùn ùn vật liệu đến!
- Để yên xem sao đến lần thứ tư thì họ đổ được 60 trên tổng số 120 cọc
khoan nhồi. Lúc đó dân tôi mới tá hỏa là thi công thật rồi.
Dân tôi lũ lượt kéo
xuống yêu cầu phường can thiệp. Lãnh đạo phường rất hồn nhiên, trả lời rằng
không biết !
Đúng trình tự cái
phải gió!
Đúng là không trông
chờ gì vào sự “hiểu biết luật” của phường, dân tôi hè nhau xuống giữ đất, để
xem cái trình tự như chính quyền nói nó ra răng. Công trường đang thi công rộn
rã, dân tôi tràn vào căng bạt dựng lều, ngồi chiếm lĩnh trận địa.
Ban đầu chủ tich và
phó chủ tịch cùng trưởng công an phường ra quát tháo lớn tiếng lắm, nhưng lại
làm sao được với những người dân chúng tôi. Quát tháo tỏ vẻ oai phong lắm,
nhưng chả ông nào dám động tay dỡ lều của chúng tôi. Ông chủ tịch bảo:
- Mời bà con ra khỏi khu vực
công trường
- Đây là đất của chúng tôi, chả
phải công trường nào cả.
- Ai bảo đây không phải là công
trường?
- Em bảo!
Một cô nằm thẳng
cẳng trên tấm vải bạt thủng thẳng đáp rồi vắt tay lên trán ra chiều buồn ngủ.
Thế là ông chủ tịch đang cao giọng bỗng ngẩn tò te, đứng bối rối một lát rồi bỏ
ra ngoài. Xe 113 đỗ xịch ngoài cửa. Từ trên xe công an rầm rập nhảy xuống. Một
ông xem chừng là chỉ huy, đứng nghe giải thích một hồi rồi làu bàu:
- Thế thì phải bảo chủ đầu tư ra
gặp dân đi chứ.
Nói đoạn ông ta sa
sầm mặt quay ra xe, dông thẳng.
Thấy xử rắn không
xong, phường lại quay ra dỗ ngon dỗ ngọt, dụ bà con ra trụ sở để giải quyết. Bà
con bảo đừng nghe. Họ thực hiện kế điệu hổ ly sơn đấy. Giải quyết được thì đã
chả để đến nước này.
Những ngày tháng 6
nắng gắt, lại cả mưa dầm. Hết ngày này qua ngày khác, hết tuần này qua tuần
khác, già trẻ lớn bé cứ ngồi dưới lều mà chính quyền cứ mặc kệ. Báo chí đưa tin
tùm lum cũng mặc kệ.
Ngày đấy tôi “ngây
thơ” lắm. Cứ nghĩ mọi việc cứ là phải diễn ra theo quy luật. Nhưng tôi thật
không thể tưởng tượng nổi họ lại có thể tàn nhẫn và vô cảm đến vậy. Họ có trái
tim là gỗ đá hay sao mà cứ để dân tôi ngồi dưới nắng mưa gần một tháng trời như
thế. Khi chúng tôi kéo nhau lên UBND quận Ba Đình, ngồi trong phòng tiếp dân,
tôi đã bật khóc vì thương dân tôi quá.
Ban đầu cán bộ tiếp
dân nói lãnh đạo đi vắng. Chúng tôi bảo cơ quan nào cũng phải có người trực,
không thể không có người giải quyết được. Chúng tôi quyết tâm ngồi chờ, xác
định ngồi ăn cơm hộp hoặc bánh mỳ trước cửa UBND quận. Cuối cùng gần trưa, phó
chủ tịch quận ra tiếp chúng tôi, nói vừa họp xong. Sau một hồi nghe chất vấn,
ông PCT hứa sẽ có văn bản gửi Sở Xây dựng. Dân tôi thì trước sau chỉ nói một
điều: chưa đền bù, chưa có giấy phép xây dựng thì không được thi công.!
Rốt cuộc sau 26
ngày, UBND phường cũng phải ra văn bản yêu cầu tạm dừng thi công mà trước đó họ
cứ leo lẻo bảo không có thẩm quyền. Có người bảo, cái này là “lỗi hệ thống”
đấy!
Sau hơn hai năm dự
án tiếp tục đắp chiếu, tháng trước chủ đầu tư xuống phát cho mỗi hộ một bản dự
thảo phương án đền bù, bắt phải ký nhận.Mặc dù tôi đã nhắc mọi người không ký,
vì coi như đây chỉ là để tham khảo, nhưng tâm lý bà con sau bao nhiêu ngày chờ
đợi, cũng rất nôn nóng muốn biết mức đền bù như thế nào nên một người ký là họ
ào ào ký theo.
Y như rằng, mọi ý
kiến đóng góp của bà con họ đều vứt xó. Chủ đầu tư sống sượng dùng danh sách ký
nhận của bà con để báo cáo với các cấp chính quyền, là dự án đã đủ điều kiện để
thi công!
Dân tôi cứ nghĩ nó
hắng giọng thế thôi, chứ bố bảo nó dám làm.
Ấy thế mà nó làm
thật!
Không rõ dân mình
ngây thơ quá? Hay chủ đầu tư nó liều
lĩnh quá? Hay chính quyền bàng quan quá?
Trước đó, họ có tòi
thêm ra một văn bản. Lần này là giấy phép xây dựng xịn, do chính Sở xây dựng Hà
Nội cấp.
Tôi không thể không
ngạc nhiên. Đến một người dân bình thường cũng thừa hiểu, khi một dự án đang
tranh chấp kéo dài hàng ba bốn năm như thế này, làm sao có thể cấp phép xây
dựng được. Ngay khi đưa đơn lên thanh tra Sở Xây dựng, cán bộ tiếp dân còn tỏ
ra ngạc nhiên: chưa đền bù à?
Hỏi rõ là dở hơi.
Đền bù rồi thì chúng tôi lên đây làm gì?
Dân tôi lại kéo
nhau sang phường. Mặc dù biết sẵn kết quả, nhưng mọi việc vẫn cứ phải theo đúng
trình tự mà làm. Và vẫn như ngày nào, phường vẫn hồn nhiên như thế. Câu cửa
miệng của phường luôn là không có thẩm quyền.
Dân tôi gọi nhau
họp khẩn cấp vào tối thứ 6, định sáng thứ bẩy sẽ lại kéo quân xuống nhà C1. Thế
nhưng một vị hăng lên bảo, đi ngay tối nay! Nó đang chuẩn bị đổ bê tông đấy,
chặn ngay nó lại!
Thế là dân tôi ồ ạt
kéo xuống công trường. Lúc cái cậu đèo tôi lách qua chiếc xe cẩu đang đặt những
tấm thép lót đường, tôi thấy tay tổ trưởng thi công bấy giờ mới nhận ra dân
đang kéo đến. Cậu ta vừa chạy về phía cổng vừa hô to: Đóng cổng lại!
Tuy nhiên những
chiếc xe máy đầu tiên đã phi tới sát cổng và mọi người ào ào nhảy xuống, xông
vào bên trong cánh cửa. Mấy tay bảo vệ cố kéo cánh cửa sắt lại nhưng không kịp. Ban đầu cánh thi công hùng
hổ ra phết, cứ như đây là khu vực bất khả xâm phạm của bọn họ vậy. Nhưng trước
vẻ phẫn nộ của dân tôi, bọn họ bắt đầu im thin thít. Khi những xe chở bê tông
tươi đến, cánh thi công bắt đầu hạ giọng xin cho họ được đổ nốt mẻ này. Thương
họ thì ai thương dân tôi?
Sau một hồi bức xúc
mắng mỏ đám thi công láo toét, một số người ôn tồn giải thích cho bọn họ biết
tình hình, biết thân biết phận thì rút sớm, kẻo lại lỗ nặng vì chủ đầu tư bây
giờ làm gì có tiền mà trả cho các cậu. Vậy là đêm đó, 5 xe chở bê tông tươi
phải quay đầu.
Nửa đêm nửa hôm,
dân tôi gõ cửa nhà hàng để mua bạt, dây thép về căng lều, phân công cánh đàn
ông ở lại trực đêm...
12 rưỡi đêm tôi mới
về đến nhà. Tải ảnh lên mạng đến tận 3 rưỡi sáng thì nhọc quá lăn ra ngủ. Hơn 5
giờ sáng dậy để chuẩn bị đi tiếp sức cho cánh ngoài hiện trường.
8 giờ sáng thứ bẩy,
nhóm đại diện dân tôi lại có mặt tại UBND quận Ba ĐÌnh để chất vấn lãnh đạo
quận. Thay vì làm việc vào buổi sáng thứ bẩy theo thông lệ, cửa phòng tiếp dân
khóa chặt, yêu cầu bảo vệ cho vào lãnh đạo thì họ bảo lãnh đạo đang họp!
Cái chiêu đi họp
luôn được các vị lãnh đạo đưa ra khi được yêu cầu gặp. Ban đầu họ bảo muốn gặp
phải đăng ký. Dân tôi làm đúng trình tự, đăng ký 3 lần rồi mà cơ hội được thấy
mặt “rồng” vẫn cứ tun hút. Chỉ khi nào dân tôi kéo nhau đến ăn chực nằm chờ ở
cổng, lúc đó họ mới lộ diện.
Thế này là họ muốn
dân tôi phải mất nhiều ngày, luôn phiên nhau để canh giữ đất đây mà. Nghĩ vậy
tôi lại nhớ đến cảnh những người dân ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, họ làm gì có
lều để trú mưa, có giát giường để mà nằm cơ chứ?
Còn tiếp...
P.B
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét