Nguồn: Báo Văn nghệ số 44 ra ngày 3 tháng 11-2007
Nguyên Ngọc
Trần Đăng Khoa
I
Tôi vẫn còn nhớ buổi sáng ngày 1 tháng 9 năm 2000. Tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, đã diễn ra một nghi lễ long trọng: Trao tặng Huân chương Độc lập vì những cống hiến to lớn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cho 5 nhà văn xuất sắc: Hải Triều, Thanh Tịnh, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Thi và Nguyên Ngọc. Trong số 5 nhà văn rất nổi tiếng này, chỉ có mỗi Nguyên Ngọc là còn sống. Nhưng ông lại không có mặt. Nhiều người tỏ ra băn khoăn. Một nhà văn bảo tôi: “Cái ông Nguyên Ngọc này buồn cười thật. Cứ khụng khà khụng khiệng. Khó chịu quá”. “Hình như anh Ngọc đi vắng.”. “Vắng đâu. Về rồi. Về mà vẫn không chịu đến! Cha này xem ra không được!”.
Thật oan cho Nguyên Ngọc.
Khi Hội Nhà văn tổ chức đón nhận Huân chương Độc lập cho ông thì ông vẫn còn lặn lội ở cơ sở cách mạng vùng ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Ông hoàn toàn không biết có sự kiện này. Báo tin cho ông ngay trong buổi chiều hôm ấy lại là những độc giả của ông ở Đà Nẵng. Họ tíu tít đến chúc mùng ông. Anh Giám đốc khách sạn Non Nước còn mang lẵng hoa đến tặng ông. Nguyên Ngọc rất cảm động vì tấm lòng thương yêu quý trọng của độc giả giành cho mình. Xem chừng họ còn vui hơn cả ông khi ông được Nhà nước ghi nhận về sự cống hiến to lớn trong cả một đời cầm súng và cầm bút.
Chiều 7-9- 2000, Nguyên Ngọc về đến Hà Nội thì sáng ngày 8-9, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Tổng thư ký cùng nhà thơ Nguyễn Hoa, cán bộ Tổ chức Hội, thay mặt Ban Chấp hành đã đến tận nhà trao ông Huân chương Độc lập hạng nhì của Nhà nước cùng với lẵng hoa của Hội nhà văn. Phó Tổng thư ký Nguyễn Trí Huân còn thông báo cho ông biết, ông có 7 triệu đồng tiền đầu tư sáng tác.
- Ồ, cái đó thì mình không nhận đâu.
Nguyên Ngọc lắc đầu. Nhà văn Nguyễn Trí Huân cười điềm đạm:
- Đây là lộc chung thôi anh ạ. Lộc của Nhà nước mà!
- Lộc nào của Nhà nước. Tiền đóng thuế của dân đấy. Mình không nhận đâu!
- Mọi người đều nhận cả bác ạ - Tôi chen vào - Nhà văn mình khổ quá. Nhà nước tạo điều kiện thêm để ngồi làm tác phẩm. Em cũng đã nhận mấy triệu. Mọi người cũng đều nhận cả. Bác không nhận, thế bằng bác bỉ chúng em à?
- Không! không! - Nguyên Ngọc vội vã xua tay - Cái này là tuỳ quan niệm của mỗi người thôi. Mình viết được cái gì thì “bán” cho Nhà xuất bản lấy tiền rồi. Sao bây giờ lại còn lấy tiền của dân nữa?. Số tiền ấy mình không nhận đâu. Huân đừng mang đến nhé!
Nguyên Ngọc lại từ chối. Như mấy lần đầu tư trước đây, ông cũng kiên quyết từ chối. Ở Hội Nhà văn hiện nay, chỉ có mỗi Nguyên Ngọc là chưa nhận tiền tài trợ lần nào. Mà ông “gàn” lắm! Cực đoan lắm. Có người bảo, Nguyên Ngọc đã quyết cái gì thì không ai có thể ngăn cản nổi. Có túm tay ông kéo lại thì lập tức ông hoá thành anh La Văn Cầu, rút mã tấu chặt phéng ngay cái cánh tay bị níu giữ ấy mà xông lên. Việc từ chối tiền đầu tư cũng thế. Tôi biết Nguyên Ngọc rất nghèo. Số lương hưu của hai vợ chồng ông có đáng là bao. Nguyên Ngọc lại đi thực tế liên miên, mà đi xa, đi tự túc. Tính ông lại khảnh. Đã thế ông lại không chịu viết tạp. Thế thì làm sao mà có được tiền. Một lần nhà văn Nguyễn Thị Như Trang đến thăm ông, thấy trên mâm chỏng trơ hai cái xoong. Một xoong cơm, một xoong canh. Thức ăn không cho ra bát. Người ăn cứ múc thẳng từ nồi. Đấy là lối ăn theo kiểu thời chiến của lính trận. Chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn một phần tư thế kỷ rồi, vậy mà Nguyên Ngọc vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn không biết đi xe máy, cũng không biết đi cả xe đạp. Cứ túc tắc cuốc bộ. Và ông bước phăm phắp như lính cắt rừng.
- Sao tôi được nhận Huân chương Độc lập hạng nhì mà Nguyễn Thi lại chỉ hạng ba. Nguyễn Thi phải hơn tôi chứ. Tôi so với anh Thi sao được ?
Nguyên Ngọc tỏ ra rất băn khoăn. Nguyễn Trí Huân chỉ còn biết nở nụ cười của Phật bà Quan âm. Bởi điều ấy nằm ngoài tầm tay Hội Nhà văn rồi. Có lẽ Ban Thi đua Khen thưởng Nhà nước cứ chiểu theo Quy chế, căn cứ vào độ dài của thời gian phục vụ trong chiến trường. Nguyễn Trọng Oánh và Nguyên Ngọc lặn lội trong lửa đạn suốt hơn chục năm trời, hết chiến tranh mới ra Bắc. Còn Nguyễn Thi thì ngay từ năm 1968, ông đã hy sinh rồi. Nguyễn Thi ở chiến trường mới được có bốn năm. Còn cả một đời, Nguyễn Thi nằm trong lòng đất và đến nay vẫn không tìm thấy hài cốt ở đâu…
Nguyên Ngọc ngồi lặng. Gương mặt đượm buồn. Ông và Nguyễn Thi cùng đi B một ngày. Bấy giờ, Nguyên Ngọc đi nhẹ nhàng lắm, vì ông chưa có vợ con. Còn Nguyễn Thi thì đã có vợ. Người vợ trẻ của ông lại vừa sinh con trai đầu lòng. Nhà thơ Vũ Cao còn nhớ buổi chia tay Nguyễn Thi. Bữa đó, ông rủ Nguyễn Thi ra phố. Ông muốn mời bạn ăn một bát phở bò. Nhà văn thời đó nghèo xơ xác. Trong túi Vũ Cao cũng chỉ đủ số tiền cho một bát phở thôi. Chả lẽ chỉ bạn ăn, còn mình thì ngồi suông ngắm bạn? Hình như cũng hiểu được nỗi băn khoăn của Vũ Cao, Nguyễn Thi bảo ông chỉ thèm khoai lang luộc thôi. Trời, tưởng gì, chứ khoai lang thì rẻ lắm. Số tiền trong túi Vũ Cao đủ để hai ông ăn no khoai lang. Thế là họ ngồi sụp xuống bên đường, làm một đĩa khoai mật.
Tối ấy, Nguyễn Thi về nhà từ biệt vợ con. Vợ ông chỉ lặng lẽ lau nước mắt còn thằng bé mới đẻ thì khóc ré lên. Nguyễn Thi đùng đùng quay ra rồi phăm phăm bước thẳng, không ngoái đầu lại, mặt tái ngắt, trông rất ghê sợ, cứ như sắp sửa chém giết ai đó. Vũ Cao biết nếu chỉ quay nhìn lại vợ con, cửa nhà, chắc Nguyễn Thi sẽ không thể đi nổi.
Đêm ấy, Nguyên Ngọc và Nguyễn Thi lên tàu ở ga Thường Tín. Rồi họ vượt rừng, lội suối, luồn dọc Trường Sơn hàng mấy tháng trời. Đến A Sầu, A Lưới thì chia tay nhau. Đêm chia tay, họ còn giăng võng, nằm bên nhau trong một khu rừng xà nu. Khu rừng này đã thành nỗi ám ảnh đối với Nguyên Ngọc. Đêm ấy, mọi người còn mời một đồng chí ở cơ sở đến nói cho anh em mới vào nghe chuyện chiến trường. Đồng chí cán bộ đó không thể nói được gì, vì suốt mấy năm ở đây, ông chưa bao giờ được đứng trước một đám đông như thế. Trời ơi! Chỉ có 5 người thôi mà đã thành một đám đông. Nguyễn Thi bảo: “Tình hình thế này là ác liệt đấy. Chúng mình vào đây mà làm nhà văn thì vô duyên quá! Kỳ cục quá! Phải sống đã. Cầm súng đánh giặc đã rồi làm nhà văn sau. Chúng mình chỉ trở lại Hà Nội bằng con đường số Một.”
Câu nói như một lời nguyền. Và rồi họ đã thực hiện đúng như thế. Nguyễn Thi xuôi về Nam Bộ. Nguyên Ngọc xuống khu Năm. Đấy là những vùng chiến trường rất đỗi khốc liệt. Năm 1968, Nguyễn Thi hy sinh trong một trận chiến đấu . Ông ngã xuống như một người anh hùng. Còn Nguyên Ngọc thì sau chiến tranh, ông mới trở lại Hà Nội bằng đúng con đường số Một.
II
Cũng như Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc vào chiến trường khi đã là một nhà văn nổi tiếng.Tác phẩm đầu tiên của ông là cuốn tiểu thuyết Đất nước đứng lên, viết về anh hùng Núp. Cuốn sách vừa ra đời đã có tiếng vang lớn. Và cũng từ đấy hình thành một lối viết của Nguyên Ngọc theo kiểu Nguyên Ngọc. Lối viết này quán xuyến suốt một đời cầm bút của ông và có ảnh hưởng tới nhiều nhà văn sau ông. Đó là viết về người thật việc thật và người tốt việc tốt. Nhân vật của Nguyên Ngọc đều bắt nguồn từ những nguyên mẫu có thật trong cuộc sống chiến đấu của nhân dân mà ông từng tham dự. Sau tiểu thuyết Đất nước đứng lên, là tập truyện ngắn Rẻo cao. Đây mới thật sự là kiệt tác của Nguyên Ngọc. Tập sách rất mỏng, chỉ phong phanh chừng một trăm trang, gồm có sáu truyện ngắn, mà truyện nào cũng đặc sắc. Bây giờ đọc lại vẫn còn thấy rất hay, vẫn không cũ. Hay nhất trong tập là truyện ngắn Rẻo cao. Đây cũng là cái truyện viết tài nhất trong đời văn Nguyên Ngọc. Truyện không có cốt, tóm tắt rất nhạt. Vì nó chẳng có gì cả. Nguyên Ngọc kể về một ông già người Mèo có tên là Cắm. Ông bỏ nhà đi hoạt động cách mạng, mải việc nước đến quên cả lấy vợ. Về già, không còn đủ sức đi nữa thì ông về quê, “làm cách mạng” ở quê. Công việc của ông là chuyển thư từ, báo Đảng xuống các làng bản. Ông không biết chữ, nên thằng cháu ruột của ông, một anh chàng bưu tá huyện đã phải đánh dấu cho ông bằng những sợi chỉ xanh, chỉ đỏ. Chỉ xanh là ông Lý A Pù. Chỉ đỏ là ông Ma Văn Keo, xóm Nà Thăn. Thế là ông cắt rừng đi ngay trong đêm. Với chất liệu như thế, chỉ đủ để viết một cái tin vắn, mà tin cũng nhạt phèo, khó mà đọc được.Vậy mà Nguyên Ngọc dựng được thành một cái truyện ngắn đặc sắc, đọc hấp dẫn và thấm thía. Ông còn cho nhân vật của mình ghếch súng vào vai, ngồi nghe hết tờ báo Nhân Dân, rồi ông còn chép nguyên cả cái dự báo thời tiết trên báo Nhân Dân vào trong cái truyện vốn đã rất ngắn của mình: “Ở miền Bắc nước ta hôm nay trời quang và nắng. Riêng vùng núi phía Bắc và Tây bắc Bắc bộ, trời ít mây, thỉnh thoảng có mưa nhỏ rải rác ở một vài nơi...”. Thế rồi sau cái dự báo thời tiết này, là bát ngát một cảnh sắc của rừng đêm Tây bắc được nhìn qua con mắt của ông già Cắm. Phải nói đó là những trang văn hay. Văn Nguyên Ngọc là thứ văn trong, sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt. Đọc cứ bàng hoàng váng vất mãi. Nguyên Ngọc hơn người ở tài văn. Không có thực tài, không thể viết được thế.
Nhân vật của Nguyên Ngọc đều là những người tốt. Trong chuyện Dũng cảm, cô giáo Tuyết, người Hà Nội đã bỏ Thủ đô, bỏ cả người yêu, xung phong lên miền núi dạy học. Cô hết lòng yêu thương các em. Cô biết mình sẽ gắn bó lâu dài với các em, cô không thể bỏ các em mà về xuôi được. Rồi có lần hai em bé người Dao vắng mặt. Không biết các em ốm đau hay làm sao. Cô cùng một em bé người Nùng băng rừng vượt hàng chục cây số xuống bản. Rừng đối với cô là một thế giới đầy bí ẩn. Nguyên Ngọc cũng qua con mắt của cô giáo vùng xuôi, cho chúng ta những trang tả rừng rất đặc sắc. Cô giáo xuống bản, mới hay học trò của mình không ốm. Ông bố cho các em đi làm công tác cách mạng. Ấy là dẫn đường cho các chú địa chất dò tìm tài nguyên cho đất nước. Thế là người tốt lại gặp những người tốt. Đọc truyện của Nguyên Ngọc, cứ tưng bừng như đi dự một Đại hội Chiến sĩ Thi đua.
Lần giở những trang sách của Nguyên Ngọc, không hiểu sao, tôi cứ nghĩ đến Tố Hữu và Phạm Tuyên. Cũng như thơ Tố Hữu, ca khúc Phạm Tuyên, Nguyên Ngọc viết văn bằng hồn mình và cái hồn ấy thuộc về cách mạng. Ông bám sát các vấn đề lớn của chính trị, phục vụ trực tiếp các nhiêm vụ chính trị mà tác phẩm vẫn vượt qua được sự minh hoạ, vẫn thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Không ít tác phẩm có giá trị lâu dài. Những vấn đề lớn mà Tố Hữu quan tâm cũng là những vấn đề Nguyên Ngọc đề cập đến trong hầu hết các sáng tác của mình. Tố Hữu viết:
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giầu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay..
Nguyên Ngọc dựng Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng. Đây cũng là một truyện ngắn hay của ông. Cô gái Mèo Vàng Thị Mỹ ở với bố trên những đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Ở đó nếu có khách tới nhà thì chỉ là thú rừng thôi. Cô bé thấy thèm người. Rồi ông bố cho cô đến với người. Đó là một phiên chợ. Cơ man nào là người. Ông bố bán thuốc phiện, một thứ vàng đen, mong giúp con gái đổi đời. Nhưng bị trả quá rẻ, ông không bán. Thế rồi dọc đường trở về, bố con ông bị bọn người đó chặn lại. Chúng cướp không số thuốc phiện rồi bắn chết ông. Cô bé may mà thoát chết. Rồi cô được một bà goá đem về nuôi. Năm 13 tuổi, cô bị gả chồng. Chồng cô là thằng bé mới 7 tuổi, con lão chúa đất. Ngày về nhà chồng, cô khóc nhiều lắm. Khóc vì không được cô độc sống giữa các vách núi. Cô lại phải đến với người. Ở nhà chồng, cô bỗng nhận ra bố chồng là một tên dã thú đã giết bố cô. Thế là cô bỏ trốn. Bây giờ thì cô sợ phải gặp người. Cứ thấy làng, thấy người là cô tránh. Cô đi lang thang rồi lạc vào rừng. Hoang mang và đói lả, cô ngồi thụp xuống bên hang đá, thiếp đi. Rồi cô chợt bừng tỉnh khi thấy trong hang lại có tiếng người. Thế là cô bé lại vùng dậy chạy. Nhưng không còn sức chạy nữa. Cô lại phải gặp người. Không phải người thú mà người cách mạng. Chính người cách mạng đó đã cứu cô. Rồi cô gặp Đảng. Đảng chỉ cho cô đường đi, nước bước. Đảng bảo phải bỏ cây thuốc phiện. Nó chính là nguồn gốc mọi nỗi đau khổ của người Mèo. Phải phá bỏ cây thuốc phiện trồng ngô sắn. Rồi Nguyên Ngọc còn để cô Vàng Thị Mỹ nói với đồng bào Mèo nguyên văn như thế này: “Ngày xưa, người đối với người coi nhau như thú dữ, bây giờ có Đảng, có chính phủ, có Cụ Hồ, người với người mới tin nhau, giúp nhau như thể anh em một nhà vậy. Đó là bản chất của Chủ nghĩa xã hội đấy, bà con ạ...”.
Vàng Thị Mỹ cũng là một nhân vật có thật. Tô Hoài và Xuân Thiều đã gặp và tiếp xúc với người con gái Mèo rất xinh đẹp này. Cô thầm yêu Nguyên Ngọc, nặng lòng với Nguyên Ngọc. Cô gọi Nguyên Ngọc là Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng của em. Gặp người nào ở dưới xuôi lên, cô cũng hỏi anh Ngọc. Những năm ấy, anh Ngọc của cô lại đang ở chiến trường mù mịt bom đạn, khói lửa, chẳng biết sống hay chết. Cô viết trong cuốn sổ tay công tác của mình một dòng rất da diết mà Tô Hoài “tóm” được: Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi!
Sau này, vào những năm 90, Nguyên Ngọc mới có dịp gặp lại Vàng Thị Mỹ. Cô đã nghỉ hưu, giờ ngồi bán hàng xén ở chợ Mèo Vạc. Nguyên Ngọc viết Trở lại Mèo Vạc, kể về cuộc gặp gỡ của ông với cô sau hơn 30 năm. Ông gọi là bài ký. Nhưng tôi lại thấy nó là một truyện ngắn hoàn chỉnh. Vẫn thứ văn có nhung có tuyết. Đọc rất cuốn hút. Đây cũng là một tác phẩm xuất sắc nữa của Nguyên Ngọc.
Có thể nói Nguyên Ngọc là một Tố Hữu trong văn xuôi, cũng như Phạm Tuyên là Tố Hữu trong âm nhạc. Cùng có tài, cùng dâng hiến trọn vện tài năng của mình cho đất nước, cho Đảng, vậy mà số phận của mỗi người khác nhau biết bao. Âu đó cũng là lẽ đời. Tố Hữu viết:
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành
Ta cũng gặp ý tưởng đó trong Rừng xà nu, một truyện ngắn rất hay của Nguyên Ngọc thời chống Mỹ. Bao lớp cha con nối nhau đánh giặc, bảo vệ cán bộ của Đảng. Nói như cụ Mết: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”. Mỹ Diệm treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng. Anh Xút chết, anh Quyết thay. Nối tiếp anh Quyết là Tnú. Cũng như Mai chết thì có Dít lớn dậy. Dít là Chính trị viên xã đội. Cô giống hệt Mai. Đến nỗi ngồi trước Dít mà Tnú bàng hoàng như ngồi trước Mai. Rồi ông già Tâng, bà Brôi, chị Blom, anh Bre. Rồi cả thằng bé Heng Tnú gặp ở đầu con nước nữa. Thằng bé có tí tuổi đầu mà đã như một anh giải phóng quân với khẩu súng dài đeo chéo vai. Mấy thế hệ cha con cùng đánh giặc. Đứng đầu là ông già Mết, một nhân vật rất lạ. Ông chính là linh hồn của làng Xô man, cũng là linh hồn của cái truyện ngắn này. Ông già Mết là nhân vật có thật. Nguyên Ngọc giữ nguyên tên. Và cũng y hệt như trong truyện, ở ngoài đời, ông Mết là ngọn cờ tập hợp dân chúng. Ông thông minh, dũng cảm, chỉ huy đánh giặc rất tài. Người ta đã tính phong danh hiệu Anh hùng cho ông. Nhưng khi xét, lại thấy ông là tầng lớp trên, nên không thể phong được. Thực ra, cái chức Già làng là dân tín nhiệm mà suy tôn thôi, chứ đâu phải chức sắc quan cách gì. Hàng ngày, ông vẫn cởi trần đóng khố, ăn đói mặc rét như bất cứ người dân nghèo nào ở làng Xô man. Tnú cũng là nhân vật có thật. Tên thực của anh là Đề. Nhưng để tên Đề thì nghe như một người Kinh. Chẳng Tây Nguyên chút nào. Nguyên Ngọc đổi thành Tnú. Tnú theo tiếng Ba na có nghĩa là người dũng sĩ. Đúng là Lớp cha trước, lớp con sau, mấy thế hệ nối tiếp nhau đánh giặc, bảo vệ buôn làng, bảo vệ Đảng. Nguyên Ngọc còn trung thành với ý tưởng này ngay cả trong từng đoạn văn tả cảnh rừng xà nu: “Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”...Rồi Nguyên Ngọc còn cho cả ông già Mết nói với Tnú: “Mày có đi qua rừng xà nu gần con nước lớn không? Nó vẫn sống đấy. Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!”. Khi kết truyện, Nguyên Ngọc vẫn nhắc lại ý tưởng này, mà không ngại bị lặp: “Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương, đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất mà đã nhọn hoắt như những mũi lê. Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp nhau, chạy đến tận chân trời...”
Truyện của Nguyên Ngọc hầu hết là thế. Ông ca tụng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ông rất gần với Tố Hữu và Phạm Tuyên. Và cũng như Tố Hữu và Phạm Tuyên, bút pháp ông nhất quán, trước sau như một, không thay đổi, không quay quắt. Trong khi đó, có không ít cây bút chuyển hướng, hoặc thay đổi cách tiếp cận hiện thực để thu hút sự chú ý của bạn đọc. Trước viết người tốt việc tốt thì sau viết người xấu việc xấu. Nguyên Ngọc không thế. Suốt đời dường như ông chỉ viết truyện người tốt việc tốt. Ngay cả khi dựng nhân vật tiểu thuyết, ông cũng tựa trên những con người có thật, những sự kiện có thật ở ngoài đời.
Còn nhớ năm 1969, Nguyên Ngọc cho ra cuốn Đất Quảng tập I. Cuốn sách được bạn đọc đón nhận rất nồng nhiệt. Nguyên Ngọc kể về cuộc chiến đấu của những người bám trụ ở vùng ven thành phố Đà Nẵng. Đó cũng là vùng đất hoạt động của ông. Nguyên Ngọc xuống đó không phải để làm một nhà văn đi thực tế mà ông là một người lính chiến, bám trụ thật sự. Đó là một địa bàn khốc liệt. Để bảo vệ khu sân bay và thành phố Đà Nẵng, địch ủi trắng cả một vùng xung quanh. Chúng lùa dân vào ấp chiến lược. Chúng nã pháo vào vành đai trắng, chỉ một rảnh lá khô bất thường, chúng cũng cho trực thăng tới bắn. Người dân phải tìm mọi cách trụ lại. Họ rải lá khô cho địch bắn. Bắn mãi cũng chẳng thấy có gì. Họ cắm lá xanh rồi trồng cây xanh. Giặc bắn mãi, hoá quen, quen đến phát nản. Cứ thế, bằng chính máu xương mình, dân lấn dần từng bước. Rồi họ đào hầm. Dựng lều bám trụ. Dân có trụ được thì cách mạng mới có đất mà trở về. Ngày nào cũng có người chết. Nhưng dân vẫn trụ vững. Nguyên Ngọc nằm ở đây hai năm. Ông cùng dân chống càn, rồi chỉ huy dân đánh địch. Khi đồng chí Bí thư Đảng uỷ hy sinh, Nguyên Ngọc thay luôn làm Bí thư. Ông chiến đấu, bám trụ như một người lính kiên cường. Rồi ông ghi lại cuộc chiến đấu ấy. Đó là tiểu thuyết Đất Quảng tập I. Trong số những người bám trụ ở vành đai này, Nguyên Ngọc rất quý Phan Văn Giả, Phó Bí thư đảng uỷ. Anh cùng nằm hầm bí mật với ông, cùng kề vai chiến đấu với ông. Khi Nguyên Ngọc phải rút về quân khu, chuyển sang vùng hoạt động khác, anh thay ông làm Bí thư. Đó là một người lính dũng cảm, mưu trí, chiến đấu rất kiên cường. Anh là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Đất Quảng. Khi vào tiểu thuyết, Nguyên Ngọc đổi tên anh là Thiệt. Bí thư Thiệt. Khi ở tập I tiểu thuyết Đất Quảng, Thiệt mới chỉ lấp ló xuất hiện. Anh sẽ là nhân vật trung tâm, là linh hồn của Đất Quảng tập II. Cuốn sách ấy Nguyên Ngọc đã viết xong. Ông cũng đã cho in một số chương trên báo Văn nghệ thời ấy. Nhưng điều đau xót là sau đó, tổ chức Đảng tắm trong biển máu, tưởng không thể vực lên được. Địch nhổ hết cơ sở cách mạng. Bí thư Giả bị địch bắt và anh đã đầu hàng. Tất nhiên, anh là người còn lại cuối cùng. Anh chỉ khai những cơ sở đã bị xoá sổ, những con người đã bị địch giết. Bởi thế, việc đầu hàng, khai báo của Giả cũng không gây thiệt hại gì thêm cho cách mạng, nhưng đối với Nguyên Ngọc, thì đó lại là một tổn thất không gì bù được. Tại sao một con người quả cảm mà ông yêu mến, tin tưởng như thế lại đầu hàng địch? Nguyên Ngọc đau xót lắm. Phản bội Cách mạng, phản bội Đảng là một tội lỗi không thể tha thứ được. Và như thế trong ông, bí thư Thiệt thực sự đã chết. Anh ta chẳng còn lý do gì để có thể tồn tại. Nguyên Ngọc đốt luôn cả cuốn sách đã viết xong. Bây giờ ông cũng không có ý định viết lại tập II nữa. Nhân vật của ông đã chết trong ông thì cuốn sách coi như cũng đã chết. Vì vậy mà Đất Quảng thành cuốn sách dang dở. Nhưng Nguyên Ngọc vẫn đau đáu với đề tài chiến tranh Cách mạng ấy. Ông vẫn trung thành với lối viết đã có của mình. Nghĩa là vẫn viết người thật việc thật, người tốt việc tốt. Những tác phẩm gần đây nhất của ông, ông còn để nguyên cả đống tư liệu mà chả cần phải hư cấu hay dàn dựng thêm gì. Khi hiện thực tự nó đã đủ là một vẻ đẹp thì người viết không cần phải tô vẽ thêm nữa. Đó là tập Đường mòn trên biển, kể về những người lính cảm tử của lữ đoàn 125 Hải quân, bí mật chuyên chở vũ khí vào Nam trong những năm chiến tranh, và tập Cát cháy, cũng lại viết về cuộc chiến đấu của những người bám trụ ở vùng Đất Quảng khốc liệt. Một đống tư liệu ngổn ngang bề bộn mà đọc lại rất hấp dẫn. Đấy là sức hấp dẫn của sự thật trần trụi, cũng là sự hấp dẫn của một tài năng. Phải nói đó là những tập sách hay của văn học ta hiện nay. Hai bút ký đặc sắc của ông vừa in trên báo Văn nghệ: ABôc ở Mường Hon và Lửa nguyên thuỷ cũng vẫn một bút pháp như vậy.
Bấy lâu nay, không ít người cứ dị ứng với loại truyện người tốt việc tốt. Thậm chí có người còn cực đoan cho đó không phải là văn chương thứ thiệt. Nguyên Ngọc là một trường hợp thú vị cho thấy sự thật lại không phải như vậy. Mới hay, văn chương thật bí hiểm. Nó đâu có như một số người vẫn nghĩ. Thực tình, cách viết của Nguyên Ngọc đâu có mới mẻ gì. Ông cũng chẳng phải là người cách tân hay cấp tiến gì gì. Ông vẫn viết như chúng ta đã từng viết trong những năm Sáu mươi của...thế kỷ trước. Có đến hàng trăm nhà văn viết như ông. Nhưng rồi cũng có đến hàng trăm nhà văn sẽ bị thời gian đào thải. Có chăng chỉ còn lại một đôi người. Trong số rất ít người còn lại ấy, chắc chắn có Nguyên Ngọc. Nguyên Ngọc tồn tại được là nhờ tài văn. Mới hay tài văn và sự chân thành của tấm lòng người viết là vô hạn quan trọng. Vấn đề không phải viết về cái gì mà là viết như thế nào.
Điều đáng sợ nhất của văn chương ta là căn bệnh nhạt. Đó là căn bệnh trầm kha, nguy hiểm vì rất khó chữa. Nó không phải là cái xấu để người ta có thể dễ nhận biết và loại bỏ. Nó chỉ nhạt nhèo, không có sắc thái và cá tính. Nhưng nó lại được nhiều nhà quản lý, lãnh đạo ủng hộ vì nó luôn bảo đảm sự ổn định và an toàn. Nó yếu đuối, không có sinh khí, nhưng lại có sức mạnh trong việc làm băng hoại mọi sự sáng tạo. Nguyên Ngọc luôn dị ứng với căn bệnh ấy. Ông bộc lộ thái độ của mình qua hàng loạt những bài viết và cả các bài trả lời phỏng vấn. Còn sáng tác, ông vẫn viết theo lối cũ. Văn Nguyên Ngọc là một dạng văn có ma lực. Giản dị, chắt lọc và trong veo. Đó cũng là dòng văn chủ đạo rất cần có trong đời sống của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên nếu cả nền văn học mà nhìn đâu cũng chỉ thấy một kiểu Nguyên Ngọc thì cũng thật đáng sợ. Vì nó lại có gì như là không bình thừơng. Trong khi đó chúng ta lại rất cần sự đa dạng phong phú trong các giọng điệu cũng như bút pháp và cách tiếp cận hiện thực. Bởi hiện thực vốn như thế. Nó bao giờ cũng phong phú, đa dạng và phức tạp. Hình như Nguyên Ngọc hiểu điều này thấm thía hơn bất cứ ai. Bởi thế, mà ông yêu mến, ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh... Đó là những tài văn hoàn toàn khác ông, thậm chí phong cách sáng tác ngược hẳn với ông. Chấp nhận và ủng hộ những tài năng hoàn toàn khác mình, tôi nghĩ đấy cũng là một cái tài của Nguyên Ngọc. Không phải ai cũng có được cái tài ấy.
Một người chuyên viết về người tốt, việc tốt, tài đến như Nguyên Ngọc, tốt đến như Nguyên Ngọc, không hiểu sao, lại có những người rất tốt, cứ nghi ngờ và thậm chí khăng khăng khẳng định Nguyên Ngọc là một người không tốt hoặc rất ...không tốt. Nghiệt ngã thay, có người còn nhìn ông như một kẻ nổi loạn… Đó là điều làm tôi rất đỗi kinh ngạc và có lúc tôi đã coi đó như là một nỗi bi kịch của cả cuộc đời ông…
III
Lúc nào cảm thấy cô đơn, trống vắng, Nguyên Ngọc lại về Đà Nẵng, trở lại chiến khu xưa. Rồi ông cùng anh em đi tìm mộ đồng đội, đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn. Có lần tình cờ đi qua Điện Bàn, tôi đến thăm nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và gặp ông. Ông rủ tôi về căn cứ hoạt động cũ. Đó là ấp Phái Nhất, thôn Quang Hiện, xã Điện Hoà. Ở đấy, từ người trẻ đến người già, ai cũng biết ông và thương yêu ông. Họ vẫn gọi ông là anh Thành, chú Thành, bác Thành, rồi Bí thư Trung Thành. Các má thì chỉ gọi ngắn gọn là thằng Thành. “Thằng Thành đã về đây rồi, bây ơi!”. “Trời, bận chi mà lặn riết thế Thành?”. Họ hoàn toàn không biết Bí thư Nguyễn Trung Thành là Nguyên Ngọc, cũng không biết ông là nhà văn nổi tiếng. Thì hồi xưa ở đây, người ta chỉ thấy ông đánh giặc rồi chỉ huy chống càn chứ có thấy ông viết văn bao giờ.
- Lúc nào buồn hay thất cơ lỡ vận thì cứ vô đây với tau. Cuộc đời nhiều bất trắc lắm, con à! Cứ vô đây! Đói thì tau nuôi. Ngày xưa bom đạn là thế, giặc giã và đói khổ là thế mà tau còn nuôi được mi. Bây giờ yên hàn rồi, chả lẽ tau không nuôi được mi sao ?
Má Phan Thị Vinh, 89 tuổi, người đã nuôi và cất giấu Nguyên Ngọc ngày xưa, vui vẻ nói với ông. Rồi má chỉ ra ngoài cửa nhà, nơi có bao nhiêu là tài sản của má. Sau vách đất, ngay bên cạnh mảnh sân to chừng hơn cái nong phơi thóc là một vạt ngô đã trổ cờ, mấy luống mía sắp bóc lá và cả một ruộng khoai lang. Gia tài ấy của má cũng đã đủ nuôi Nguyên Ngọc rồi.
Má Vinh rót nước râu ngô mời tôi với Nguyên Ngọc. Trên chiếc bàn nước bằng gỗ tạp, sau tấm kính vỡ được ghép lại là la liệt giấy khen, bằng khen đủ các kích cỡ thời kháng chiến. Cái thì đánh máy, cái thì viết tay, nét chữ đã ố mờ, chỉ có chữ ký của người chỉ huy chứ không có dấu. Những giấy tờ dã chiến như thế, liệu bây giờ người ta có tin không? Nguyên Ngọc cũng đã viết chứng thực cho gia đình má có công nuôi giấu cán bộ Cách mạng. Mọi văn bản cũng đầy đủ rồi, nhưng cơ quan chính sách vẫn chỉ im lặng. Má Vinh cười móm mém:
- Thôi, chả cần nữa đâu, Thành à. Mình sống được đến bây giờ là may mắn lắm. Còn mong gì thêm nữa. Mà má cũng già rồi. Chẳng biết chết lúc nào. Má chỉ còn lo, là lo cho con thôi...
Không phải chỉ có má Vinh, bao nhiêu người dân ở khu căn cứ cách mạng này đều thương yêu và lo lắng cho Nguyên Ngọc. Bởi thế, chắc họ sẽ rất vui khi biết Nhà nước trao tặng Nguyên Ngọc Huân chương Độc lập hạng nhì. Biết đâu, điều ấy sẽ làm cho họ thêm tin yêu cách mạng, như những ngày gian khổ xa xưa...
10 - 9 - 2000
10 – 10 -2007
(Rút trong Chân dung và đối thoại trọn bộ sắp xuất bản)
Nguồn: Viet-Studies.
Thật sự tôi không thích bài này. Trong loạt bài về Nguyên Ngọc Khoa nói "Nguyên Ngọc là một Tố Hữu trong văn xuôi". Ô cái cậu bé chỉ có một thời phát được trong thơ này ăn nói mới buồn cười làm sao! Nhân cách Nguyên Ngọc, tài năng Nguyên Ngọc lại đi ví với Tố Hữu. Có khác nào các cụ ta nói "phấn đòi bì với vôi!"
Trả lờiXóaKhoa viết dại quá (hay khôn quá?).
Trả lờiXóaCùng quê, cùng tuổi, cùng nghề, thương Khoa nhưng chán Khoa đã lâu...