Không thể sám hối
SGTT.VN - Câu chuyện chùa Trăm gian bị phá để xây mới làm bàng hoàng không chỉ giới mỹ thuật mà còn cả rất nhiều tầng lớp dân chúng. Có rất nhiều tiếng nói đã cất lên với đủ tâm trạng, cảm xúc khác nhau. Sài Gòn Tiếp Thị xin được chia sẻ cùng bạn đọc ý kiến của hai nhà văn hoá quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn di sản dân tộc, đặc biệt là di sản mỹ thuật cổ.
Chùa Trăm gian tên chữ là Quảng Nghiêm tự, nằm trên một quả đồi cao khoảng 50m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông, năm 1185. Đây là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, được xếp hạng di tích quốc gia từ hơn 40 năm qua. Ảnh: TL
|
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng:
Không được sửa chữa di tích mỹ thuật cổ
Hiện nay đang tồn tại hiện tượng hầu hết các di sản văn hoá nghệ thuật trong lĩnh vực đền chùa, về mặt quản lý thì của chính quyền, nhưng ăn ở, gìn giữ và tổ chức các nghi lễ tôn giáo lại là các giáo sĩ.
Trước kia, thời phong kiến, cũng có hiện tượng này. Tuy nhiên nhà vua ra sắc lệnh rất rõ ràng: những di tích tôn giáo có tính mỹ thuật cổ đều phải do triều đình giao trách nhiệm quan lại địa phương chăm sóc và tu bổ khi có hư hại. Các nhà sư chỉ được ở nhờ và có nhiệm vụ chăm sóc, giữ gìn cho tốt chứ không được phép tu sửa bất cứ thứ gì.
Thực ra đây cũng từng là vấn đề của các nước chứ không chỉ Việt Nam. Nhưng ở những nước khác, các nhà tu hành chỉ được phép hoạt động tôn giáo ở những ngôi chùa mà chính quyền cho phép. Còn với một số di tích chỉ có thể gìn giữ ở dạng bảo tàng chứ không thể sử dụng, họ sẽ xây một công trình bên cạnh cho các nhà sư ở và tiếp tục hoạt động tôn giáo trong cùng một không gian, nhưng không xâm hại di tích.
Theo tôi, để tình trạng hiện nay của nước ta được giải quyết, chúng ta cần có cam kết với các hoạt động tôn giáo: đã là di sản lịch sử thì dứt khoát không được sơn phết hay thay đổi bất kỳ một dấu vết gì, dù là nhỏ nhất. Mặt khác, chúng ta cần có những hoạ sĩ mỹ thuật cùng tham gia bảo tồn những di tích có tuổi đời cao để bảo đảm cho những công trình mỹ thuật cổ được tồn tại.
Ngoài ra, đây là lúc cần có một cuộc nói chuyện giữa những nhà hoạt động tôn giáo và chính quyền để thống nhất với nhau phương pháp quản lý.
Có lẽ tôi cần phải nhắc thêm một vấn đề nữa: chính mặt trái của việc xã hội hoá trùng tu cũng là nguyên nhân của sự xuống cấp các di sản, khi mà có quá nhiều đơn vị tham gia vào quá trình tu sửa này mà không thể thống nhất với nhau.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương:
Nhân danh trùng tu để phá hoại di sản
Nhân danh trùng tu để phá hoại di sản
Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề nhân danh trùng tu để phá hoại di sản là vô trách nhiệm và thiếu ý thức.
Thứ nhất là sự vô trách nhiệm của tất cả các cơ quan chức năng từ cấp cơ sở, xã huyện có di sản đến cấp trung ương.
Nguyên nhân thứ hai là kém hiểu biết. Chùa Trăm gian là di tích cấp quốc gia, có nghĩa rằng những người trụ trì thay mặt mấy chục triệu dân Việt trông coi ngôi chùa chứ không phải là chủ. Ngoài ra, các vị trụ trì có thể tinh thông Phật pháp nhưng điều đó không có nghĩa họ có đủ kiến thức về lịch sử, mỹ thuật, tri thức khoa học vể bảo tồn, phục chế di tích. Họ không nên nhập nhằng giữa quyền lực của giáo hội Phật giáo với những quy định của luật pháp hiện hành, cụ thể là luật Di sản. Thay một viên đá của bậc thang dẫn lên chùa nếu không được phép của cơ quan chức năng đã là phạm pháp. Thật là ấu trĩ khi cho rằng, vì không dùng ngân sách nhà nước để trùng tu chùa mà hoàn toàn là tiền cúng dường của phật tử nên không cần xin phép Nhà nước.
Chính vì không hiểu biết về mỹ thuật cổ, mỹ thuật Phật giáo, mỹ thuật đời Lý, tức là không thể thấy được vẻ đẹp của di tích chùa Trăm gian nên họ mới phá đi để làm lại. Họ mù quáng khi cho rằng cổ, cũ là xấu, chỉ có hiện đại với các lớp màu mè trát son mới là đẹp.
Đình chùa đền miếu là nơi tích tụ những giá trị văn minh cả vật chất lẫn tinh thần của người Việt. Lịch sử ở đó, truyền thống ở đó. Những người được Nhà nước giao trọng trách bảo vệ di sản thì vô trách nhiệm, và điều này cũng góp phần phá hoại di sản văn hoá nước nhà một cách trầm trọng hơn, thậm chí là bài bản hơn.
Mất của cải thì vẫn có thể làm lại của cải. Nhưng mất một ngôi chùa thì vĩnh viễn mất đi một di sản văn hoá, không thể sám hối.
Đã đến lúc phải mượn chuông, mã, khánh của chính nhà chùa để gióng lên hiệu lệnh báo động rằng lương tri của toàn xã hội đang bị thách thức.
N. H (ghi)
Nguồn: SGTT.
Cứ theo cái đà "trùng tu" đập cổ xây mới này, chùa Trăm Gian mới khi xây xong sẽ được treo lồng đèn đỏ lủng lẳng trong ngoài, ngoài sân thêm 2 con sư tử kiểu tàu bằng đá trắng toát ngồi nhe răng. Xem ra Trung quốc chưa đánh đã thắng!
Trả lờiXóaĐất nước này còn giữ được gì nữa đâu... Rồi cũng theo chân nàng Tô Thị bị nung vôi mà thôi. Chán.
Trả lờiXóa