Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

TRÙNG TU DI TÍCH: NHIỆT TÌNH + THIẾU HIỂU BIẾT = PHÁ HOẠI

Trùng tu di tích: Nhiệt tình + thiếu hiểu biết = phá hoại

(TT&VH) - Mấy ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước việc nhà Tổ, gác Khánh - những hạng mục quan trọng của chùa Trăm Gian (Di tích cấp quốc gia thuộc thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ - Hà Nội) - bị phá đi xây mới khi chưa có quyết định chính thức từ cơ quan chức năng. 
.
Từ lâu việc trùng tu di tích vẫn được làm bằng cách… đập đi, xây mới nhưng chưa có biện pháp xử lý nào. Trong khi các di tích vài trăm năm tuổi, những di sản vô giá thì cứ thế mất dần. 

Được công nhận là di tích quốc gia đã ngót nửa thế kỷ, di tích chùa Trăm Gian có giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc. Tuy nhiên, đây cũng chính là di tích nhiều lần bị dư luận lên tiếng về việc trùng tu tùy tiện. Từ năm 2010, di tích bắt đầu được làm mới từng phần. Hành lang được làm mới, sơn cột bóng nhẫy véc- ni, các bức phù điêu La Hán ở hai bên hành lang có niên đại vài trăm năm cũng bị phủ sơn công nghiệp xanh, đỏ, tím, vàng như… đồ mã. Rồi bệ tượng cũng bị đổ bê tông, lát gạch hoa, đá hoa bóng loáng, các cột gỗ bệ đỡ bằng đá hình hoa sen chạm khắc rất đẹp cũng bị thay toàn bộ. 

Thời điểm đó, Bộ VH,TT&DL cũng đã vào cuộc và xử lý. Tuy nhiên, khi đó, mọi việc đặt vào sự đã rồi nên đành phê bình xong… để đó



Chùa Trăm Gian bị đập đi làm mới.

* Ứng xử tùy tiện với di sản

Ba tháng qua, nhân cớ chùa xập xệ, người ta dỡ trắng, “giải phóng mặt bằng” cả nhà tổ, gác khánh, bỏ toàn bộ cấu kiện cũ, mua gỗ mới, đổ bê tông nền, lát đá - gạch mới toanh khiến không ít người yêu di sản nhìn thấy phải đau đớn, xót xa. 

Điều đáng nói là gần ba tháng đập phá ầm ĩ và toàn diện như thế mà các cơ quan chức năng vẫn không hay biết, nếu không có tiếng nói của báo chí. Sự việc chùa bị phá kiểu “nhiệt tình + kém hiểu biết= phá hoại” này một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự trùng tu di tích kiểu đập cũ, xây mới, việc quản lý di tích, đặc biệt là di tích quốc gia dường như quá lỏng. 

Ngay khi báo chí lên tiếng, ngày 24/8, Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã cử đoàn kiểm tra xuống lập biên bản đình chỉ việc xây mới chùa Trăm Gian. Trụ trì chùa, thầy Thích Đàm Khoa thừa nhận: “Khi chùa đổ thầy chưa trình bày với xã, huyện, đó là cái sai của thầy. Thầy thấy chùa sắp đổ có gỗ thì làm luôn, không làm không được. Chờ mãi chẳng thấy được cấp kinh phí đành làm luôn”.

Cách lý giải của vị trụ trì chùa Trăm Gian cũng cho thấy quan niệm đơn giản của những người làm công tác giữ gìn di sản. Hỏng thì sửa, sửa mới hoành tráng hơn cũ mà không biết, cái “cũ” mới chính là giá trị vô giá của di tích.
.
* Có phục hồi được lòng tin?

Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu phải làm rõ các hành vi xâm phạm di tích chùa Trăm Gian trong ngày hôm nay (29.8).
Ngày 27/8, Bộ VH,TT&DL đã gửi công văn số 2946 CV/BVHTTDL-DSVH gửi UBNDTP Hà Nội và Sở VH,TT&DL Hà Nội về việc vi phạm di tích chùa Trăm Gian. Theo đó, Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện ngay việc đình chỉ việc thi công tại di tích chùa Trăm Gian và có biện pháp xử lý sai phạm; bảo vệ toàn bộ cấu kiện gỗ, chân tảng, ngói lợp cũ của nhà Tổ, gác Khánh và đá bậc cấp cũ trước sân tiền đường; nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp sân trước tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa các cấu kiện cũ của công trình và thiết kế đã được thỏa thuận; thực hiện các thủ tục tu bổ di tích theo quy định.

Để vụ việc vi phạm Luật Di sản tại Chùa Trăm Gian không tiếp tục tái diễn, Bộ VH,TT&DL sẽ giám sát trách nhiệm của Sở VH,TT&DL Hà Nội, chỉ đạo thực hiện tốt việc phục hồi nguyên trạng Chùa. 

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về việc phục hồi có được nguyên trạng hay không, KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) cho biết: “Nếu được giao thực hiện việc trùng tu thì chúng tôi căn cứ vào những hình ảnh, các cấu kiện cũ có thể phục hồi được nguyên trạng”.

Tuy nhiên, di tích có thể được phục hồi nguyên vẹn, nhưng lòng tin của người dân về việc bảo tồn di tích với các cơ quan chức năng có được phục hồi? Dư luận vẫn đang lo ngại về việc di tích bị bỏ rơi, bị coi nhẹ, nguy hiểm hơn là sự vô trách nhiệm đến vô cảm của người quản lý. Ông Vinh cho rằng: “Thực ra, phân cấp quản lý di tích ở nước ta đã rõ ràng và chặt chẽ, nhưng theo tôi, kiểu quản lý một cách hành chính như hiện nay cần cụ thể và hữu hiệu hơn. Cần có sự tham gia của cộng đồng một cách thực sự. Một vài cán bộ xã, huyện thì có thể không biết nhưng cộng đồng địa phương thì không thể không biết. Tôi cũng muốn nói rằng từ việc biết đến việc tham gia bảo vệ còn là một khoảng cách cần can thiệp. Như ở Hội An, tất cả người dân ở đây có ý thức bảo vệ di tích, bảo tồn di sản rất là cao, trong khi có những vùng thì người dân rất hồ hởi trong việc phá di tích đi xây mới. Cho nên , tôi nghĩ là chắc chắn, vấn đề cần quan tâm nhất là ý thức người dân”.

Nhiều người cho rằng việc làm mới chùa Trăm Gian đã được tính toán kỹ và thực hiện có lộ trình. Nếu như sự việc ngày hôm nay không được dư luận lên tiếng thì có thể, di tích còn sót lại duy nhất của chùa Trăm Gian cũng bị đập đi xây lại. Với những gì đang diễn ra, chúng ta không thể yên tâm nhưng cũng mong rằng tình hình cũng sẽ được cải thiện. Bởi thông tin mới nhất chúng tôi vừa nhận được tối qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu phải làm rõ các hành vi xâm phạm di tích chùa Trăm Gian trong ngày hôm nay (29/8) và sẽ chính thức họp báo để trả lời xung quanh sự việc này. 

Hy vọng, bài học chùa Trăm Gian sẽ cảnh báo những người có trách nhiệm, dù đó là bài học đắt giá!

An An


6 nhận xét :

  1. ...trả lời câu hỏi về việc phục hồi có được nguyên trạng hay không, KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) cho biết: “Nếu được giao thực hiện việc trùng tu thì chúng tôi căn cứ vào những hình ảnh, các cấu kiện cũ có thể phục hồi được nguyên trạng”.

    RẤT MONG CÔNG VIỆC PHỤC HỒI SỚM ĐƯỢC THỰC HIỆN.

    Trả lờiXóa
  2. Thằng con trai tôi, đang học ở UC Berkeley. Cháu cùng với vài người bạn thuê một căn hộ nhỏ trong một tòa nhà rất lớn, xây từ năm 1905, được liệt kê trong "National Register of Historic Places" ở Berkeley. Hôm nọ tôi nói chuyện với ông quản lý căn nhà (chủ nhà là một bà cụ đã ngoài 90), ông ta chỉ bức tường gạch bên hông khu vườn, bảo tôi: "Bức tường này năm ngoái bị chùi đất muốn sụp, tôi mới cho sửa mất 75 ngàn." Tôi tưởng tôi nghe lầm: "75 ngàn đô?" Bức tường bằng gạch nung đỏ (kích thước tương tự như gạch thẻ của ta), dài độ 15m, cao độ 1.5m, dầy độ 0.6m, nhìn không có gì đặc biệt cả. Tôi nghĩ thầm, "Tường này nếu xây mới, có mắc lắm thì cũng độ 5 ngàn đô." "Vâng," ông ta bảo tôi, "75 ngàn đô. Vì nhà này là di tích lịch sử, thành ra sửa gì cùng phải giữ như nguyên trạng. Thợ phải dỡ hết gạch ra, từng cục một, cẩn thận không để mất cục gạch nào. Dỡ hết gạch ra rồi mới đào sâu xuống, đổ móng mới, rồi xây lại bằng gạch cũ, vữa cũng phải dùng loại đặc biệt giống như vữa cách nay 100 năm. Nhìn bức tường, không ai biết là mới phá đi và xây lại toàn bộ cách đây 3 tháng." Mà thật, nhìn bức tường, ai cũng nghĩ là nó đã ở đó như vậy cả trăm năm rồi.

    Nghe mà thèm....

    Trả lờiXóa
  3. Nghe mấy ông làm văn hóa Hà Nội nói dư lày thấy chán chả buồn chết.
    http://dantri.com.vn/c20/s20-635415/so-vhttdl-ha-noi-noi-gi-ve-vu-thao-do-chua-tram-gian.htm

    Trả lờiXóa
  4. Vấn đề ở đây không phải là phục hồi được hay không. Mà nó liên quan đến các di sản văn hóa không được nhà nước quan tâm đúng mức hay các cơ quan không chịu quan tâm. Để đến hôm nay mới làm rầm beng lên khiến cho nhân dân không còn lòng tin vào Đảng, nhà nước ... nữa.
    Có thể Nhà nước, đặc biệt là Hà Nội tập chung vào tiêu diệt Blog, bleo... vào những người yêu nước đi biểu tình mà quên đi cái đáng lo là di sản, di tích văn hóa Việt Nam .

    Trả lờiXóa
  5. Tôi không nhớ tên phim vì nó cũng lâu rồi thì trong phim nhân vật ma ông Trịnh Thịnh đóng có nói một câu thế này (bây giờ chúng nó còn phá ĐÌNH để làm CHÙA phá CHÙA để làm nhà rồi phá NHÀ để trồng cây ) vậy cái việc chùa trăm gian này không có gì là lạ cả

    Trả lờiXóa
  6. "... Cần có sự tham gia của cộng đồng một cách thực sự. Một vài cán bộ xã, huyện thì có thể không biết nhưng cộng đồng địa phương thì không thể không biết. Tôi cũng muốn nói rằng từ việc biết đến việc tham gia bảo vệ còn là một khoảng cách cần can thiệp. Như ở Hội An, tất cả người dân ở đây có ý thức bảo vệ di tích, bảo tồn di sản rất là cao, trong khi có những vùng thì người dân rất hồ hởi trong việc phá di tích đi xây mới. Cho nên, tôi nghĩ là chắc chắn, vấn đề cần quan tâm nhất là ý thức người dân”.

    Tôi đồng ý với ý kiến của Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, KTS Lê Thành Vinh. Đàng sau nạn điên cuồng phá hoại di sản này, điều rất đáng sợ là dân tộc chúng ta đang trượt dài trong sự mất ý thức về cội nguồn mình, tình trạng mà người ta gọi là "vong bản". Bây giờ bàng hoàng nhìn nhau, dân ta như một đoàn người bị tan rã tứ tán và ngơ ngơ ngác ngác trên hành trình lịch sử - vì đã lạc mất Hồn Nước rồi!


    Trả lờiXóa