Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

CÂU CHUYỆN PHÁ CHÙA VÀ THỜI CỦA CHÍ PHÈO HIỆN ĐẠI

Câu chuyện phá chùa và thời của Chí Phèo hiện đại


Gác chuông chùa Trăm Gian ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội

… không chỉ có chùa Trăm Gian, không chỉ có Đàn Nam Giao ở Huế, cổng Thành Nhà Mạc ở Tuyên Quang, Thành Cổ ở Sơn Tây, Ô Quan Chưởng của Hà Nội…, Chí Phèo thời hiện đại sẽ còn làm tan hoang bằng hết những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Mặc dù ai cũng biết chính những thứ ấy được chắt chiu bằng mồ hôi xương máu. Nhờ đó mà dân tộc này trường tồn. Nhưng khi quyền lực đã bị lưu manh hóa, khi “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, khi máu tham tiền và quyền nổi lên rồi thì bè lũ quan tham vô độ đâu còn phân biệt được chính tà. Đâu còn biết điều hay lẽ phải ở đời. Chính đám Chí Phèo hiện đại đó đã phá tan bao di tích danh thắng lớn nhỏ. Đua tranh nhau nã đại bác vào qúa khứ. Mở rộng đường cho giặc ngoại xâm nô dịch về văn hóa trên chính quê hương yêu dấu của chúng ta!


Nhà tổ và gác khánh được xây mới 100% – Ảnh: Báo Lao Động

Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên nhiên

Lời than đó của Nguyễn Trãi than không chỉ riêng cho nhân vật lịch sử Hồ Qúy Ly mà còn cho cả dân tộc Việt mình!

Sự việc chùa Trăm Gian ở cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đầy 30 km, đang từ ngôi chùa cổ tuyệt đẹp, một ngàn năm tuổi bị phá tan để xây lại chùa mới toanh “cho nó chắc chắn” đã làm xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua. Nhưng tôi lại thấy chả có gì ngạc nhiên lắm. Khi mà ngành giáo dục sắp cho ra lò sản phẩm đào tạo với hàng ngàn học sinh thi tốt nghiệp PTTH đạt điểm zero tròn chĩnh môn lịch sử.

Thời đất nước ta còn trong vòng nô lệ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã từng nhắc: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được”. Nhưng khi đất nước đã giành được độc lập, trong tùy bút “Một ngày chủ nhật” (5/1956), nhà văn đã nhìn thấy sự bất cập ngay từ lúc chế độ mới đang hình thành từ những viên gạch móng đầu tiên:

“Chúng ta muốn đổi mới cho mau đến nỗi chúng ta muốn bỏ hết. Đến cả tên của nhiều làng, rất Việt Nam mà cũng rất thi vị, người cán bộ cũng bỏ đi, thay bằng những danh từ mang tính chất tuyên truyền chính trị. Không phân biệt được làng nào với làng nào với những tên đồng loạt: Tiến bộ, Hạnh phúc, Quyết tâm, Quyết tiến… rất ít âm hưởng trong lòng người.

Có nơi còn rục rịch thay những tên xóm nôm na bằng những con số! Những niên hiệu các triều đại ghi trên hoành phi, câu đối của một ngôi đình cổ kính bị xóa đi bằng vôi trắng. Trên mặt tấm hoành phi treo giữa một ngôi chùa gần Hà Nội, người ta dán lên khẩu hiệu: Đảng Lao động Việt Nam muôn năm…”


Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (đứng, thứ hai từ phải qua) cùng các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên… ở Việt Bắc – Ảnh: Trần Văn Lưu.

Từ góc nhìn của một nhà viết văn bằng sử, nhà văn cộng sản Nguyễn Huy Tưởng thẳng thắn bày tỏ quan điểm:

“Hình như nhiều cán bộ quan niệm rằng cách mạng là xóa bỏ tất cả cái gì là quá khứ, là di tích, coi là phong kiến tất. Đừng đi quá nữa.

Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng.”

Với cách nhìn cách tư duy tiến bộ như thế. Nhưng nhà văn đã bị phê phán nặng nề, bị thất sủng vì “hữu khuynh”.

Ngược dòng thời gian ngót 60 năm qua, cho thấy vấn nạn phá chùa Trăm Gian nói riêng cũng như hủy hoại chùa chiền và di tích danh thắng trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta nói chung, tựa như thiên lịch sử truyền hình nhiều tập. Được khởi quay ra ra mắt khán giả từ thời tùy bút “Một ngày chủ nhật” ra đời. Hiện tại bộ phim vẫn chưa tới hồi cao trào, chưa có dấu hiệu chấm dứt. Vấn nạn này như đứa con song sinh cùng đồng hành với chế độ cho mãi tới hôm nay!


Chùa Trăm Gian (phía bên trong nhà tổ)

Chuà Trăm Gian nằm trong cụm đi tích danh thắng nổi tiếng nằm ở phía Tây Nam Thăng Long. Thời còn sống ở làng, tôi thường được mẹ tôi và các bà trong hội vãi già của Xứ Đoài kể nhiều về nơi này. Hồi thập niên 60 của thế kỷ trước, mặc dù thời đạn bom chưa ngơi mà cụm di tích chùa Trầm và chùa Trăm Gian vẫn an bình và gần gũi với thiên nhiên tới mức nhiều khi đàn khỉ sống trên núi đá kế bên còn xuống chùa lấy trộm oản chuối của các vãi sắp lễ trên ban thờ khi hương chưa tàn.

Chùa Trăm Gian toạ lạc trên một quả núi đất cao chừng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông (nhà Lý), niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185. Đến thời nhà Trần có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây. Tương truyền Ngài có nhiều phép lạ. Sau khi Ngài mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối.

Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một “gian” thì chùa có cả thảy 104 gian, chia thành 3 cụm kiến trúc chính

Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Ngự Giá nhìn ra mặt hồ sen hình bán nguyệt, nơi đặt kiệu thánh để xem múa rối nước.

Trèo qua mấy trăm bậc gạch xây là tới cụm thứ hai gồm một toà gác chuông 2 tầng mái, có lan can chạy quây 4 mặt. Các ván bằng đều có chạm hình mây hoa. Tại đây treo một quả chuông cao 1,10 m, đường kính 0,6 m, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai, 1794. Trên chuông có khắc một bài minh của Phạm Huy Ích. Qua gác chuông, leo 25 bậc đá xanh hình rồng mây, đến sân trên có kê một sập đá hình chữ nhật.

Lại leo 9 bậc đá, hai bên có lan can chạm hình rồng cuộn khúc thế tới cụm thứ 3 đó là chùa chính, gồm nhà bái đường, toà thiêu hương và thượng điện. Hai bên là 2 dãy hành lang. Trong cùng là nhà tổ, giữ lại có lầu trống bên trong treo một cỗ trống lớn lớn, đường kính 1 m và một tấm khánh đồng dài 1,20 m, cao 0,60 m đúc năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749). Tại đây có 153 tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung.


Quần thể tượng trong chùa Trăm Gian

Ngoài nhiều pho tượng qúi, trong chùa còn có nhiều bia, hoành phi câu đối… Riêng có hai hai câu đối trai, tương truyền có từ thời nhà Hồ (1400-1406).

Trong chùa có tượng đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng lĩnh nhà Tây Sơn, chỉ huy đạo quân đánh vào phía nam Thăng Long. Ngoài ra còn có tượng Đức Thánh Bối đặt trong khám gỗ gian bên phải. Đây là tượng cốt rút bằng mây đan ngoài bọc vải sơn, tương truyền bảo vệ hài cốt của ông bên trong. Cũng như nhiều chùa chiền ở Xứ Đoài, chùa Trăm Gian hiện nay được trông nom bởi ni sư.

Chùa Trăm Gian thu hút hàng trăm ngàn lượt khách gần xa đến tham quan vãng cảnh hàng năm. Trăm Gian Cổ Tự đã được bộ văn hoá thông tin chứng nhận di tích lịch sử quốc gia.


Chân cột đá tảng bị đập bỏ – Ảnh: Báo Văn Hóa

Nay chùa ngàn năm tuổi không còn. Thật may mắn cho tôi, đã có 2 lần tới quay phim chùa Trăm Gian. Lần đầu, vào năm 1982. Đi cùng 2 NSND Lương Đức và Vũ Lệ Mỹ tới quay phim những bức tranh La Hán trạm khắc nổi sơn then trên gỗ mít độc nhất vô nhị hiện diện tại chùa. Tuy cách Hà Nội không xa, nhưng chiếc Gat 69 Liên Xô cũ rích từ chiến tranh của anh tài xế tên Cơm đã giở chứng dọc đường. Nên tới nơi thì đã gần 10 giờ khuya. Là chùa ni, nên vị sư trụ trì chỉ cho phép một mình Vũ Lệ Mỹ vào ngủ nhờ trong chùa. Còn 4 tên đực rựa (đạo diễn, quay phim, lái xe và chủ nhiệm) được chùa cho mượn chiếu rải ngủ ở mái hiên trước cửa chùa… Chúng tôi bị một trận muỗi cắn nhớ đời (vì không có màn). Nhưng bù lại được ngắm gác chuông của ngôi chùa trong ánh trăng xuông mờ ảo thật liêu trai…


Lần sau vào đầu xuân 1992, đi cùng đoàn hành hương du xuân qua 24 ngôi đình, đền, chùa cổ xung quanh Hà Nội. Đó là chất liệu vô cùng qúi giá giúp tôi hoàn thành thiên phóng sự: “Tình xuân trên đất ca dao” cách đây 5 năm. Bây giờ chùa Trăm Gian nói riêng và nhiều di tích danh thắng hàng đầu đất nước đã trở thành “thiên cổ” theo cả nghiã bóng lẫn nghiã đen, thì cuốn phim của tôi thực sự có giá trị tư liệu qúi giá ngoài mong muốn mất rồi.

Dịp đầu xuân Bính Tuất – 2006 và Nhâm Thìn – 2012 vừa rồi, về phép tôi chỉ có thời gian thăm lại vài nơi trong mấy chục di tích trên “đất ca dao” ấy. Nhưng một cảm giác xô bồ tục luỵ đã lấn át những thâm nghiêm cổ kính của tiền nhân đã khiến tôi âm ỷ buồn mãi khôn nguôi.


Khu dân cư dưới chân núi Thày-Ảnh: Gocomay (Nhâm Thìn-2012)

Khi thấy những chiếc đèn lồng mang phong cách văn hóa Trung Hoa đã tràn ngập khắp xóm làng quanh các di tích danh thắng.

Như ở chùa Thày là ví dụ, ngoài hệ thống loa đài mở hết công suất ra rả ngày đêm từ thượng vàng hạ cám như thông báo ma chay, họp hành cho tới tuyên truyền chủ trương đường lối… đã phá tan cái không khí thâm nghiêm u tịch chốn thiền môn. Ban quản lý di tích ở đây còn có sáng kiến treo lá cờ búa liềm to vật, to gấp 2, 3 lần cờ đỏ sao vàng lên đỉnh núi cao nhất. Chắc muốn ngầm nhắc nhở khách thập phương về cái “đỉnh cao trí tuệ” của đảng trước xu thế hội nhập ngày cao của ta với thế giới chăng?

Tôi có đem băn khoăn này tâm sự với một người thân trong gia đình, một đảng viên CS vừa nhận huy hiệu 40 năm tuổi đảng. Tưởng được chia xẻ, ai ngờ anh ta đánh một câu lạnh tanh: “Tưởng chuyện cháy nhà chết người gì, chứ chuyện này bây giờ đã trở thành qúa bình thường với mọi người ở đây rồi. Chú đừng có lăn tăn mà làm gì kẻo bị hệ luỵ đến thân và làm ảnh hưởng cả đến những người xung quanh”.


Cờ búa liềm to gấp 3 cờ đỏ sao vàng trên núi Sài Sơn (núi Thày) ảnh chụp tháng giêng Nhâm Thìn-2012 (Ảnh: Gocomay)

Hôm gặp anh bạn thân đang làm đạo diễn ở VTV, anh ta cũng có suy nghĩ tương tự như thế. Anh nói: “bây giờ ở Việt Nam được cái tự do thoải mái lắm, ai muốn làm gì thì làm miễn sao đừng đụng đến đảng, đừng chạm tới mấy chỗ nhạy cảm của chế độ là ổn”. Hèn chi cả một cái chùa to lừng lững nằm trọn trên một qủa núi đất to lớn ở xã sát nách Hà Thành, nơi chỉ cách bờ hồ gươm chừng hơn 2 chục cây số mà người ta dùng búa tạ để đập phá, tháo dỡ cả một di tích vô giá của quốc gia để xây mới lại toàn bộ.


Các hiệp thợ ngồi nhấp nhổm ngay trước các “tuyệt phẩm bị tàn sát”, các phù điêu, cấu kiện cổ vứt chỏng chơ. (Ảnh: Báo Lao Động)

Thậm chí còn Tự ý hạ giải và xây dựng mới một số hạng mục của ngôi chùa dòng rã suốt mấy tháng trời mà không một ai trong hàng ngũ quan dân từ địa phương cho tới trung ương hay biết để can ngăn.


Ngôi nhà dành nuôi trẻ mồ côi đang bị đập phá. Photo courtesy of Dòng Chúa Cứu Thế VN

Vậy mà ở gần đó, hồi trung tuần tháng 4/2012, một linh mục thuộc giáo phận Hà Nội – linh Mục Nguyễn Văn Bình mua 1 căn nhà cấp 4 tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Đem sửa sang lại cho tươm tất dùng làm nhà tình thương nhằm cưu mang trẻ mồ côi cơ nhỡ thì ngay lập tức bị chính quyền địa phương phái mấy chục côn đồ vào đập phá và hành hung linh mục Bình cho tới hôn mê phải đưa đi cấp cứu bệnh viện. Sau đó tiếp tục san phẳng ngôi nhà cho tới khi “không còn viên gạch nào”. Với lý do rất kém thuyết phục “xây dựng nhà không phép” và “tụ tập đông người”… (http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/another-cat-priest-beaten-to-unconscs-gm-04142012132138.html).

Qúa đau xót trước cảnh tượng di sản của cha ông bị rẻ rúng, nhà văn Thùy Linh trong ĐẠI NÁO KỲ đã phải uất nghẹn thốt lên: Giờ thì không phải lúc bàn những chuyện xa xỉ này trước cơn lốc làm giàu và sống giàu…

Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang thành cái “lò gạch” án ngữ ngay lối vào thành phố. Rất hợp với thời của Chí Phèo hiện đại.
Chùa cổ Trăm Gian đã mất…
Hồ Tây sắp mất…

Và rất nhiều thứ đã mất mà không thể nhìn thấy, chỉ có thể cảm thấy… Đành lòng dặn mình, thôi đừng hoài cổ nữa làm gì…” (http://www.buudoan.com/2012/08/ai-nao-ky.html


Hố tử thần bất ngờ xuất hiện trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội vào sáng 19/8/2012 (Ảnh: vov.vn)

Cũng như chuyện hố tử thần vừa xuất hiện ngay sau trận mưa không qúa dài trên đường tới chùa Trăm Gian (Đường Lê Văn Lương-Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long) hôm 19/08, không thấy có bất cứ một cá nhân hay tập thể nào dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm về mình. Trước vụ việc Phá chùa ngàn tuổi xây mới lại, ngày 25/8 báo Tuổi Trẻ đã liên lạc với “song hùng nhị quan” là các ông: Nguyễn Thế Hùng – cục trưởng Cục Di sản và ông Nguyễn Quốc Hùng – phó cục trưởng Cục di sản, nhưng hai ông đều dập máy khi phóng viên đặt vấn đề. Như vậy ai cũng thấy sự vô cảm và vô trách nhiệm của quan giới xứ ta lớn đến mức nào?

Trong ngữ cảnh tương tự như thế, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã rất bức xúc về sự vô trách nhiệm trong quản lý xã hội của đám quan chức vô lại nói chung với những dòng thế này: Ở các nước văn minh, thường luật pháp rất nghiêm ngặt…  Chỉ một vụ đổ tàu, một cây cầu bị sập, người chịu trách nhiệm ngành đó, thậm chí cả ở cấp cao hơn có liên quan cũng đã tự làm đơn từ chức. Ngay cả khi sự cố xảy ra, người chịu trách nhiệm đã chuyển công tác khác, kể cả người đã về hưu rồi cũng vẫn phải hầu tòa. Ta hiểu vì sao có những vị Tổng thống, quyền thế lẫy lừng, mà đến lúc nghỉ rồi còn phải ra đứng trước vành móng ngựa. Khi đã làm làm điều ác, có tội với dân, thì sẽ không còn được yên thân, cũng không còn chốn an toàn nào để mà “hạ cánh”

Bao giờ chúng ta mới tới được một nếp sống văn minh như thế?”

Nhà thơ cựu thần đồng kiêm quan chức ơi? Hỏi để mà làm gì cho đau lòng. Vì hỏi mà không ai trả nhời thì có khác chi vạch đầu gối mình mà hỏi. Bởi vào được chân hai cái chức cục trưởng cục phó to như thế, nhà thơ chắc thừa biết nếu không phải cổ cánh hẩu thì cũng phải mua bộn tiền mới tại vị được chứ? Mấy ai chỉ có dùng tài năng trí lực như nhà thơ thần đồng mà leo lên được. Khi đã ấm chỗ thì họ phải tìm mọi cách để thu lại vốn và “làm ăn” sinh lời nữa. Bởi thế nếu không vẽ ra những dự án lớn nhỏ để moi tiền ngân khố, tiền dân hay tiền tài trợ để ăn chia. Thì ai ngu gì mà chạy chức quyền để làm gì?

Như chính người trong hệ thống quyền lực đã nói: “cả đời phấn đấu không bằng một đợt cơ cấu” mà. Cho nên không chỉ có chùa Trăm Gian, không chỉ có Đàn Nam Giao ở Huế, cổng Thành Nhà Mạc ở Tuyên Quang, Thành Cổ ở Sơn Tây, Ô Quan Chưởng của Hà Nội…, Chí Phèo thời hiện đại sẽ còn làm tan hoang bằng hết những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Mặc dù ai cũng biết chính những thứ ấy được chắt chiu bằng mồ hôi xương máu. Nhờ đó mà dân tộc này trường tồn. Nhưng khi quyền lực đã bị lưu manh hóa, khi “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, khi máu tham tiền và quyền nổi lên rồi thì bè lũ quan tham vô độ đâu còn phân biệt được chính tà. Đâu còn biết điều hay lẽ phải ở đời.


Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang trước khi trùng tu- Ảnh: Báo Dân Trí


Thành nhà Mạc Tuyên Quang sau khi rót tiền tỷ trùng tu – Ảnh: Báo Dân Trí

Chính đám Chí Phèo hiện đại đó đã phá tan bao di tích danh thắng lớn nhỏ. Đua tranh nhau nã đại bác vào qúa khứ. Mở rộng đường cho giặc ngoại xâm nô dịch về văn hóa trên chính quê hương yêu dấu của chúng ta!

5 nhận xét :

  1. Kinh nghiệm từ tôi: Bây giờ nếu đề cập nguy cơ nước mất với những người mà ít nhiều cũng còn kha khá (chứ chưa phải xấu, cơ hội) mà xem thái độ của họ thế nào. Nếu họ là quan chức: "chuyện nhạy cảm, mình chẳng biết đâu mà bàn" ; nếu họ là văn nghệ sỹ, trí thức: "ở cái nước mình nó thế, lo cũng chẳng được" ; nếu họ là người thường thường bậc trung: "mình chả để ý các chuyện đó đâu, mình lo mình chưa xong, biết đâu quốc gia đại sự". Nguy cơ nước mất người ta còn chả lo, mấy cái đình chùa cũ nát có là gì.
    Bây giờ phải quay lại từ đầu: cái gì đã làm cho người ta vô cảm (trước số phận đất nước,chứ trước lợi ích, họ nhạy cảm lắm)

    Trả lờiXóa
  2. Đấu trường Closseum ở La Mã, xây dụng từ năm 80 sau Công nguyên, cao 48,5m , chứa được 50.000 khán giả đến nay cũng đã bị hư hại nhiều do thiên tai và nhân họa.
    Cả một góc đấu trường bị sạt lở, mà sao các nhà văn hóa nước này không biết đường mà xây lại "làm mới" cho lành lặn và hiện đại, để di tích hoang tàn làm vậy.
    Việt Nam ta - với đỉnh cao trí tuệ - chắc phải tư vấn cho cái nhà nước có chỉ số IQ thấp và kém dân chủ này biết đường mà hiện đại hóa di tích, làm mới di sản như "nước Việt Nam-đỉnh cao muôn trượng", mới được.

    Trả lờiXóa
  3. Đây có thể gọi là đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác của Chí Phèo thời hiện đại

    Trả lờiXóa
  4. Nhìn hai ảnh Thành Nhà Mạc (Di tích và "Trùng tu") mà thấy cay đắng.
    - lạy các quan thời nay, nếu các quan muốn kiếm cớ lấy tiền thì kiếm ở chỗ khác. xin cắn cỏ lạy các ông!

    Trả lờiXóa
  5. Đau lòng Thành Nhà Mạc. Người con Tuyên Quang

    Trả lờiXóa