Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

GIẤY MỜI LÊ DŨNG

Anh Lê Dũng vừa báo cho biết, anh vừa nhận được Giấy Mời của cơ quan điều tra Công an Hà Nội.

Giấy mời ghi rõ vào lúc 09h30, anh có mặt tại số 07 Thiền Quang  làm việc về việc ký thư gửi ông Nguyễn Đức Nhanh - GĐ Công an Hà Nội.

Tuy nhiên, Giấy mời ...đã ghi sai cả ngày. 


Chúng ta cùng chờ tin từ anh Lê Dũng!
Đọc tiếp...

GS NGUYỄN ĐÔNG YÊN: "CỨ NGỠ NGÀNG NHƯ NẮNG MỚI VÀO XUÂN"


Trân trọng giới thiệu bài thơ của Nữ thi sĩ  Olga Bergoltz 
và lời bình của GS.TSKH Toán học Nguyễn Đông Yên:

Olga Berggolx
Mùa hè rớt
Có một mùa trong sáng diệu kỳ
Cái nắng êm ru, màu trời không chói
Mùa hè rớt – cho những người yếu đuối
Cứ ngỡ ngàng như nắng mới vào xuân

Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng
Khe khẽ như không, dịu dàng, phơ phất
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu

Những trận mưa rào đã tắt từ lâu
Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm
Hạnh phúc – ít hơn, khóc nhìn say đắm
Ghen tuông – dù chua chát cũng thưa hơn

Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương
Ta cảm nhận vì người sâu sắc quá!
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta cứ nhớ
Tình yêu đâu?… Rừng lặng bóng sao mờ

Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm
Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt
Nhưng chỉ mãi bây giờ ta mới biết
Yêu đương, giận hờn, tha thứ, chia tay…

Bằng Việt dịch

Sơ lược tiểu sử tác giả:
Olga Berggolx (1910-1975)
Nữ thi sĩ Nga – Xô Viết, được giải thưởng quốc gia Liên Xô năm 1951; tác giả các trường ca Trường ca Leningrad, Cuốn nhật ký tháng hai (1942), Pervoroxxixc (1950), và tự truyện Những ngôi sao ban ngày (1959).

(Bài thơ của Olga Berggolx và những dòng tiểu sử tác giả ở trên được chép từ cuốn “Tuyết rơi, tuyết trắng rơi. Tuyển thơ Nga thế kỷ 20, nhiều tác giả, Thuý Toàn tuyển chọn, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, 2005. Có một thay đổi nhỏ: Cái nóng ở câu thơ thứ hai được thay bằng Cái nắng - như trong một bản dịch của Bằng Việt được lưu truyền đã lâu.)

Bình thơ:
Bài thơ của Olga Berggolx theo bản dịch của Bằng Việt (có thể gọi là bài “Mùa hè rớt” của Olga Berggolx - Bằng Việt) có 5 khổ, mỗi khổ có 4 câu. Như vậy, bài thơ có tất cả 20 câu thơ. Riêng câu thơ đầu có 7 chữ, các câu sau đều có 8 chữ. Tại sao lại như vậy? Có thể cho rằng câu thơ ngắn “Có một mùa trong sáng diệu kỳ” làm cho người đọc nhập vào bài thơ nhanh hơn, tạo ra sự chú ý lớn hơn. Với những câu 8 chữ tiếp sau, thi nhân dễ đạt được sự cân đối trong câu thơ, giữ được nhịp thơ chậm, tiện lợi cho việc giãi bày tâm sự.

Hai khổ thơ đầu tả cảnh sắc ban ngày – cảnh sắc của Mùa hè rớt – cho những người yếu đuối. Có ánh sáng, nhưng không phải là ánh sáng gắt gao chói chang, đặc trưng của những ngày hè. Có nắng, nhưng là Cái
nắng êm ru. Dấu hiệu của mùa hè – mùa tình yêu hạnh phúc tột đỉnh – chỉ còn ở mức yếu ớt. Tuy vậy, với niềm lạc quan, thi nhân – người tự xếp mình vào số những người yếu đuối – lại có cảm giác như đang ở những ngày đầu xuân, những ngày nắng mới:
Có một mùa trong sáng diệu kỳ
Cái nắng êm ru, màu trời không chói
Mùa hè rớt cho những người yếu đuối
Cứ ngỡ ngàng như nắng mới vào xuân.

Khác với khổ thơ đầu, khổ thơ thứ hai ít tả thực hơn. Bằng cách vẽ ra vài hình ảnh mơ hồ, nó tạo ra một không gian phiếm định (chữ của Lê Quốc Hán trong một bài viết về thơ Trần Thị Huyền Trang), một tâm trạng tiếc nuối, lo âu không rõ nguyên nhân. Tơ nhện bay giăng mơ hồ đến mức như có, như không. Dẫu thế, với tấm lòng tràn ngập yêu thương, thi nhân vẫn thấy đó là thứ tơ nhện dịu dàng, phơ phất, đẹp và không gây ra bất cứ một sự khó chịu nào cả. Tiếng Lanh lảnh bầy chim cũng không ở gần ta, mà từ xa xa vọng dội lại, báo cho ta về sự tồn tại của một bầy chim vẫn đang say mê sống cuộc đời của chúng. Trong ánh sáng yếu ớt của cái mùa hè rớt này, một chút sặc sỡ của màu hoa cuối mùa cũng đã làm ta cảm thấy lo âu. Có được chánh niệm về không thời gian, về tâm trạng của mình, ta thấy yêu thương cuộc sống này hơn:
Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng
Khe khẽ như không, dịu dàng, phơ phất
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu.

Sang đến khổ thơ thứ ba, ta cùng thi nhân rời bỏ luôn cả không gian phiếm định, mơ hồ nói trên để đi vào không gian của các kỷ niệm, không gian tâm thức. Những trận mưa rào đã từng có thực, nhưng đã tắt từ lâu. Nước của chúng vẫn còn đấy, nhưng đã thấm trong cánh đồng lặng sẫm. Ta hãy chú ý hai từ cuối: lặng (không còn sự chuyển động, hoặc chỉ có sự chuyển động nội tại yếu ớt) và sẫm (màu tối; có sự chuyển hoá đáng kể của ánh sáng ban ngày đã gặp trong hai đoạn thơ trên). Những trận mưa rào và cánh đồng đó là gì vậy, nếu không phải là những sự kiện tình cảm lớn mà ta đã trải qua và tâm hồn ta? Chìm đắm trong không gian của các kỷ niệm, ta cùng thi nhân bình tĩnh điểm lại những niềm hạnh phúc và những nỗi bất hạnh của đời mình:
Những trận mưa rào đã tắt từ lâu
Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm
Hạnh phúc ít hơn, khóc nhìn say đắm
Ghen tuông – dù chua chát cũng thưa hơn.
Khung cảnh trời đêm với Rừng lặng bóng sao mờsao sắp rụng vào đêm là rất thích hợp để thi nhân nói trực tiếp với cái mùa đại lượng (= rất độ lượng, rất từ bi) rất thân thương và với trời sao. Ta cùng thi nhân quán chiếu tính vô thường và tính tàn hoại của vạn pháp, cùng chia sẻ một tâm trạng tiếc nuối sâu sắc: 
Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương
Ta cảm nhận vì người sâu sắc quá!
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta cứ nhớ
Tình yêu đâu?… Rừng lặng bóng sao mờ
Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm
Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt
Nhưng chỉ mãi bây giờ ta mới biết
Yêu đương, giận hờn, tha thứ, chia tay…
Tôi được đọc bài thơ này lần đầu trong năm nay, và thấy rất thích. Tôi đem chia sẻ cảm nghĩ của mình với một người bạn gái. Nàng nói rằng đã được ai đó chép tặng bài thơ này từ thời còn là sinh viên đại học. Vì nàng thấy thích nhạc điệu và lời thơ, nên vẫn giữ mãi ấn tượng tốt đẹp về bài “Mùa hè rớt” này. Như vậy, chắc hẳn rằng bài thơ của Olga Berggolx – Bằng Việt đã ra đời trên 25 năm trước.
Chúng ta đã cùng chia sẻ với nhau một cách giải mã bài thơ “Mùa hè rớt” theo bản dịch tiếng Việt. Sẽ thật hay, nếu một ngày nào đó bạn hoặc tôi có điều kiện đối chiếu bản dịch của Bằng Việt với nguyên tác để thấy được cái chung/cái riêng của hai thi phẩm, và nhờ vậy mà biết thêm được cái hay của một bài thơ Nga – giả định rằng có những cái hay chưa được chuyển sang bản dịch.
(Nguyễn Đông Yên – viết ở Kaohsiung, Đài Loan, Chủ nhật 12/10/2008; sửa lại ngày 14/10/2008 và 30/07/2011)
.
GS. TSKH Nguyễn Đông Yên (tóc bạc) tham gia biểu tình sáng 12.6.2011
Thư gửi Nguyễn Xuân Diện: 
TS Nguyễn Xuân Diện thân quý, 

Tôi đã được đọc nhiều bài tường thuật, bình luận rất cảm động về 8 cuộc biểu tình yêu nước trên NXD blog và Bauxite blog. Cám ơn anh và các bác, các anh, các chị đã chụp ảnh, quay phim, viết bài để bày tỏ tấm lòng yêu nước mộc mạc của tất cả chúng ta. Cuộc biểu tình 24/07 đã tạo nên một hình ảnh đẹp đến ngỡ ngàng về đất nước này!

Cả dân tộc VN, đồng bào trong nước cũng như đồng bào đang sinh sống ở nước ngoài, đã và đang là một khối thống nhất, có chung một lịch sử và một nền văn hóa. Tim chúng ta chùng xuống, mềm đi, và khắc khoải, mỗi khi giọng hát của Khánh Ly, Trần Tiến, Mỹ Linh, Quang Dũng, Trần Thu Hà, Cao Minh, Hồng Nhung, Đức Tuấn, Thanh Thúy, Uyên Linh…, được cất lên. Chúng ta đã và đang học cách thương yêu nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước ta.

Ngày mai, vợ chồng tôi sẽ đến dự buổi uống cà phê ở Cafe 36b ĐBP để được gặp lại các bác, các anh, các chị nay đã trở nên thân quý như họ hàng ruột thịt.

Nhân ngày nghỉ cuối tuần, tôi gửi anh đọc một bài bình thơ để thư giãn.

Nếu anh có thể đưa bài bình thơ (hơi dài dòng) này lên blog của anh thì tôi xin đa tạ, và xin được coi đây là một chút chia sẻ tâm tình của tôi với bạn đọc blog NXD và với các chiến sĩ công an, an ninh, bộ đội đang ngày đêm bảo vệ lãnh thổ VN và bảo vệ cuộc sống hạnh phúc của đồng bào VN.

Chúc anh và tất cả bà con VN xa gần luôn mạnh khỏe, an lạc.
Nguyễn Đông Yên

GS Nguyễn Đông Yên và phu nhân bên những người anh em:

Từ phải sang: GS Nguyễn Đông Yên, Nhà văn Nguyên Bình (con gái cụ Vĩnh) và N.Văn Phương

Biểu tình sau khi ra khỏi đồn công an Mỹ Đình

GS Nguyễn Đông Yên nói với Phương: 
"Bác rất ngưỡng mộ cháu! Bác muốn chụp ảnh kỷ niệm với cháu"
(trong đồn công an Mỹ Đình)

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đông Yên và phu nhân






Giáo sư Nguyễn Đông Yên và Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Gốc Sậy)
Đọc tiếp...

THỨ TRƯỞNG BỘ QP VIỆT NAM: BIỂN ĐÔNG LÀ VẤN ĐỀ QUỐC TẾ

Biển Đông là vấn đề quốc tế

Thứ năm 28/07/2011 23:26 

ANTĐ - "Bản chất của Biển Đông là vấn đề quốc tế chứ không phải Việt Nam, Philippines hay Indonesia lôi kéo các nước khác để quốc tế hóa". Quan điểm đó của Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân Việt Nam, đã được đánh giá cao tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 5 (ANCM-5) ngày 27-7 ở Hà Nội. 

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến cho rằng Biển Đông thực chất là vấn đề quốc tế

Phát biểu trước sự hiện diện của những người đứng đầu lực lượng hải quân các nước thành viên ASEAN, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến cho rằng, có những vấn đề song phương trên Biển Đông cần được giải quyết song phương, nhưng vấn đề đa phương trên vùng biển này phải được giải quyết đa phương. “Không thể có chuyện vấn đề liên quan đến 3, 4 nước mà chỉ có hai nước ngồi bàn riêng với nhau”, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến nêu rõ.

Trên Biển Đông hiện đang tồn tại tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài quần đảo Hoàng Sa tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, quần đảo Trường Sa là tranh chấp giữa 5 nước, 6 bên (Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan).

Thực tế trên là rõ ràng, được khu vực và thế giới thừa nhận. Thế nhưng cho đến nay vẫn có quan điểm cho rằng các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, trong đó có tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa, chỉ là những tranh chấp song phương và cần phải giải quyết qua đàm phán song phương.

Chưa cần phân tích về suy tính, lý do vì sao cứ đòi đàm phán song phương để giải quyết một vấn đề tranh chấp đa phương mà chỉ nhìn vào thực trạng tranh chấp hiện nay tại quần đảo này đã thấy sự rõ sự phi lý. Vì làm sao có thể giải quyết song phương một vấn đề tranh chấp đa phương?

Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng liên quan tới lợi ích của không chỉ khu vực mà cả thế giới. Nơi đây có tuyến huyết mạch giao thông sống còn đối với các nền kinh tế nối giữa các bờ của Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

Mỗi ngày có khoảng 150-200 tàu bè vận tải lớn qua lại tuyến hàng hải này, chuyên chở 70-80% lượng hàng hóa của các nước khu vực. Đây cũng là khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh và năng động, liên quan tới lợi ích chiến lược của nhiều nước lớn trên thế giới.

Vì thế, hòa bình và ổn định trên Biển Đông có liên quan mật thiết tới lợi ích của nhiều nước trong khu vực cũng như thế giới. Ngoài các vấn đề song phương, những vấn đề đa phương liên quan tới lợi ích của nhiều bên đều cần phải được giải quyết qua con đường đàm phán đa phương. Nói cách khác, các vấn đề đa phương trên Biển Đông tự thân nó đã là một vấn đề quốc tế.

Tại diễn đàn ANCM-5 Đô đốc Tan Sri Abdul Aziz, Tư lệnh Hải quân Malaysia, khẳng định Biển Đông là vùng biển quốc tế và vấn đề tự do, an ninh hàng hải liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau. Tán đồng, Phó Đô đốc Tea Vinh, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia, cho rằng hợp tác khu vực là yếu tố căn bản để duy trì an ninh, hòa bình trên Biển Đông.

HOÀNG HÀ
Nguồn: An Ninh Thủ đô.
Đọc tiếp...

BÀ PHẠM CHI LAN: 5 THÁCH THỨC ĐẶT RA VỚI CHÍNH PHỦ MỚI

5 thách thức đặt ra với Chính phủ mới

Bất ổn kinh tế vĩ mô, tham nhũng, nhóm lợi ích, chênh lệch giàu nghèo và chủ quyền là 5 thách thức cần Chính phủ giải quyết trong nhiệm kỳ mới để đưa đất nước vượt qua vùng "nguy hiểm", theo chuyên gia Phạm Chi Lan.

> Tìm lời giải cho bài toán kinh tế Việt Nam
> Kỳ vọng vào quyết sách của lãnh đạo mới

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm kinh tế, gắn bó cùng doanh nghiệp và tư vấn chính sách cho Chính phủ, bà Phạm Chi Lan chia sẻ với VnExpress.net kỳ vọng của mình về Thủ tướng và bộ máy điều hành mới.
Chuyên gia Phạm Chi Lan:
Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Thập kỷ tới là thời gian vô cùng thách thức với Chính phủ và Quốc hội". Ảnh: T.T.
"Tôi cho rằng nhiệm kỳ 5 năm tới của Chính phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. Cũng vì thế mà nhiệm vụ và thách thức với Thủ tướng cũng như bộ máy điều hành mới vô cùng nặng nề.
Thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ mới chính là bất ổn kinh tế vĩ mô, thể hiện ở lạm phát, nhập siêu, nợ công, quản lý các tập đoàn nhà nước... Nếu không giải quyết được ngay trong 5 năm tới chúng ta khó lòng hoàn thành mục tiêu cho cả 10 năm. Một vị cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới từng khuyến cáo Việt Nam sau khi thoát bẫy nghèo có thể tiến tới "vùng nguy hiểm" trong thập kỷ này. Vùng nguy hiểm được ông ấy phân tích chính là việc chúng ta vừa thoát khỏi nước nghèo và bắt đầu đặt chân vào mức thu nhập trung bình thấp, nếu không vượt qua được sẽ lại rơi vào điểm nghèo hoặc vướng ở mốc thu nhập trung bình thấp trong thời gian rất dài. Nếu như vậy, Việt Nam sẽ không thể hóa rồng mà chỉ ngấp nghé như Malaysia hay Thái Lan hiện nay mà thôi. 

Suốt 4 năm qua, kinh tế của chúng ta luôn trong tình trạng bất ổn. Ngoại trừ năm 2007, ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mọi thứ đều thuận lợi, nhưng những năm sau đó khó khăn chất chồng. 2008 thì bất ổn vĩ mô nặng nề, lạm phát phi mã, nhập siêu cũng cao đỉnh điểm. Bước sang 2009 thì kinh tế suy giảm, doanh nghiệp khốn đốn, tăng trưởng không âm như các nước nhưng ở mức thấp kỷ lục. Đến năm 2010, tình hình cũng không tốt đẹp. Năm nay lạm phát lại cao, và những bất ổn vĩ mô thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả năm 2008.

Khi kinh tế khó khăn, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp tương đối cơ bản để ổn định vĩ mô, nhưng quá trình thực hiện chưa triệt để nên hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn đầu 2008 chúng ta đưa ra 8 nhóm giải pháp quyết liệt chống lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng đến cuối năm xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta lại bắt đầu thiên nhiều hơn về tăng trưởng, để rồi phải đưa ra các gói kích thích kinh tế hàng tỷ đôla. Cái giá để chống suy giảm như vậy quá đắt, hơn nữa nó lại thủ tiêu những nỗ lực thắt chặt, bình ổn trước đó. 

Năm nay cũng vậy, Nghị quyết 11 là ví dụ điển hình của việc đưa ra giải pháp trúng nhưng chưa được thực hiện triệt để, hiện mới tập trung nhiều ở lĩnh vực tín dụng. Thực hiện thắt chặt tín dụng cũng còn méo mó. Lẽ ra cần kiểm soát những lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán. Nhưng chúng ta lại thắt đại trà ở mọi lĩnh vực, mọi loại hình doanh nghiệp, mọi ngân hàng, cho dù Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên vốn cho nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho xuất khẩu, để rồi nhiều doanh nghiệp nguy cơ chết oan.

Tuyên bố trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ cũ cho thấy Chính phủ đã nhận thấy những điểm chưa được trong quá trình triển khai 6 nhóm giải pháp vừa qua. Hy vọng, Chính phủ mới sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp này với tinh thần cương quyết hơn, đồng bộ hơn. Khi dùng các giải pháp mạnh để ổn định kinh tế vĩ mô ắt sẽ có nhiều lời kêu than. Nhưng tôi tin Chính phủ đủ công minh để xem xét đâu là than vãn đáng nghe, lời kêu đáng cứu. Tôi cũng tin Chính phủ có đủ năng lực quản lý, lắng nghe và sàng lọc những người có đủ năng lực điều hành kinh tế. Không thể để nền kinh tế của 86 triệu người bị ảnh hưởng bởi một vài người không đủ năng lực.

Thách thức thứ hai chính là tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng được ban hành trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa rồi, nhưng như một vị lãnh đạo cấp cao đã thừa nhận việc chống tham nhũng còn ít so với mong đợi và còn nhiều khó khăn trước mắt.

Tham nhũng hiện nay biến tướng phức tạp ở quy mô rộng hơn, tham lam hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn. Trong lịch sử chưa có vụ thất thoát nào lớn như Vinashin. Riêng chuyện nợ nần dây dưa giữa hai tập đoàn nhà nước là Petrovietnam và EVN đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. 

Bên cạnh đó còn có tham nhũng đất đai, tài nguyên thiên nhiên gây khiếu kiện kéo dài.

Tham nhũng sẽ làm lãng phí tài nguyên, nguồn lực của đất nước và về lâu dài sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế. Tham nhũng cũng sẽ làm xói mòn lòng tin của dân trong nước cũng như cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Muốn có tăng trưởng phải có nguồn lực, nhưng nếu nguồn lực bị lợi dụng, bị tham nhũng thì người dân sẽ không còn nhiệt huyết tham gia đóng góp nữa. Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều năm im lặng thì nay họ đã phải nói thẳng ra quan ngại của họ về vấn nạn tham nhũng. 

Bất bình đẳng gia tăng cũng là một thách thức mà theo tôi Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ phải "nhức đầu" nhiều, phải cố gắng lo sao cho giảm bớt bức xúc của người dân. Điều này thực sự rất đáng tiếc. Trong suốt 25 năm đổi mới, Việt Nam được đánh giá cao về việc vừa tăng trưởng, vừa xóa đói giảm nghèo. Xóa đói giảm nghèo xét ở một góc độ nào đó có ý nghĩa như việc thu hẹp bất bình đẳng trong xã hội. 

Bất bình đẳng lớn nhất hiện nay chính là thu nhập. Điều tra mức sống trong dân của Bộ Lao động Thương binh Xã hội tiến hành 2 năm một lần cho thấy rất rõ khoảng cách thu nhập và tiêu dùng giữa 25% giàu nhất và 25% nghèo nhất đang gia tăng rất nhanh. Nếu như 2006, khoảng cách tiêu dùng giữa hai nhóm này là 6 lần thì 2008 là 8 lần, và điều tra gần đây nhất đã là hơn 9 lần. Nếu nói về tài sản, khoảng cách này còn lớn hơn nhiều, thậm chí tới cả nghìn lần.

Bất bình đẳng trong xã hội biểu hiện qua việc tích tụ tài sản đang tăng ở một số ít người, trong khi một số lớn người mất dần tài sản, dẫn tới khiếu kiện gia tăng đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Nếu những người dân mất đất được bồi thường thỏa đáng, hoặc họ không cảm thấy mất mát quá nhiều, thiệt thòi quá đáng thì không đến nỗi có những chuyện khiếu kiện như vậy.

Giải quyết bất bình đẳng xã hội đòi hỏi trách nhiệm trực tiếp của Chính phủ, phải rà soát lại cơ chế, quá trình tổ chức thực hiện. Nhưng vai trò của Quốc hội cũng rất lớn. Quốc hội rất cần quan tâm nhiều hơn và cùng với Chính phủ giải quyết, chứ không chỉ giám sát rồi chuyển sang Chính phủ xử lý. Những đại biểu, dù là doanh nhân tham gia vào Quốc hội cần phải nói lên tiếng nói của dân, những người bầu ra họ chứ không thể thờ ơ, vô cảm hoặc nói tiếng nói của những người đi ngược lại lợi ích của nhân dân. 

Chênh lệch giàu nghèo gia tăng cũng là thách thức cần Chính phủ giải quyết. Ảnh: Wall Street Journal
Chênh lệch giàu nghèo gia tăng cũng là thách thức cần Chính phủ giải quyết. Ảnh: Wall Street Journal
Thách thức thứ tư với Thủ tướng và Chính phủ mới chính là nhóm lợi ích. Nhiệm vụ của bộ máy điều hành mới là phải làm sao để lợi ích của sự phát triển được phân bổ đồng đều trong xã hội, cho đa số người dân. Đồng thời, phải kiềm chế những nhóm lợi ích ích kỷ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình, gia đình mình, công ty và tập đoàn mình mà không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước. 

Thậm chí kể cả lợi ích cục bộ của địa phương, các ngành cũng cần phải xem xét, sắp đặt, điều chỉnh cho đi đúng guồng chung của đất nước. Khi đã phân định, giao cho các ngành, các địa phương thì các vị đứng đầu phải điều hành sao cho sự phát triển của các ngành, địa phương hài hòa với lợi ích chung của đất nước. Chứ không thể để xảy ra chuyện cả nước thắt chặt tín dụng mà Bộ Xây dựng lên tiếng muốn gỡ cho doanh nghiệp bất động sản. Hoặc doanh nghiệp bất động sản vừa có đại diện trong Quốc hội đã ngay lập tức phát biểu thắt tín dụng bất động sản là không đúng.

Sự phối hợp thiếu ăn ý giữa các bộ ngành cũng đang làm giảm đáng kể hiệu quả của chính sách. Tài khóa không đi đôi với tín dụng, trong khi vốn ngân hàng thắt chặt thì cắt giảm đầu tư công lại không như mong đợi, khiến lạm phát vẫn leo thang và nhiều khả năng không giữ được mức 17% vào cuối năm nay.

Biết bao nhiêu trường hợp người dân kêu ca nhưng các cơ quan chức năng đá bóng cho nhau. Mỗi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm một phần, Y tế, Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ cũng có phần trách nhiệm. Nhưng rốt cục là chẳng ai chịu trách nhiệm trước người dân. Điển hình là vụ bức tử sông Thị Vải ở Đồng Nai, giữa Bộ và địa phương đá bóng cho nhau hoài mà không thổi phạt được Vedan, để đến mức phải sử dụng lực lượng xã hội, tức là phản ứng của người tiêu dùng tẩy chay mì chính Vedan thì họ mới chịu đền bù. 

Câu chuyện này thể hiện rõ sự kém cỏi trong phối hợp giữa các cơ quan, mà nguyên nhân có thể là thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh ở những người có trách nhiệm ở các bộ, các địa phương. Nếu không, xã hội sẽ quy cho anh chịu sức ép của nhóm lợi ích nào đó nên không dám nói, không dám làm.

Chính phủ nhiệm kỳ mới không dễ để xử lý những nhóm lợi ích đó. Nhưng tôi cho rằng, với bản lĩnh của mình, và khi đã rõ đường hướng, Chính phủ sẽ biết được đâu là những lợi ích cần được bảo hộ và không đáng để bảo hộ. 

Muốn giải quyết vấn đề nhóm lợi ích, cách tốt nhất là dựa tối đa vào người dân, lợi ích của đông đảo người dân là lợi ích của toàn xã hội. Phải xử lý mạnh tay, chấm dứt những yêu sách, đòi hỏi đi ngược lợi ích số đông, có như thế họ mới chùn tay. Nếu vẫn du di cho nhau, xuê xoa cho nhau thì nhóm lợi ích vẫn tiếp tục hoành hành theo cái cách của họ, ngày càng khôn ngoan hơn, trắng trợn hơn theo kiểu bất chấp tất cả. 

Vấn đề cuối cùng, nhưng không phải là vấn đề kém quan trọng nhất, đó là Biển Đông, hay mở rộng hơn chính là chủ quyền đất nước. Trong đáy lòng mình, tôi rất tin Quốc hội và Chính phủ vừa qua đã biết lo, nghĩ về vấn đề hệ trọng này nhưng có nhiều điều khó, không nói ra được với dân. Nhưng hy vọng Chính phủ mới bộc bạch nhiều hơn. Có những điều không tiện nói ra một cách đông đảo nhưng không thể giải quyết bằng cách im lặng trước bức xúc của người dân, nhất là liên quan tới vấn đề hệ trọng của tổ quốc. 

Người dân mình, khi đất nước lâm nguy cũng là lúc đoàn kết với nhau nhất, chung sức chung lòng nhất. Đây là cơ hội để nhà nước tập hợp người dân, cùng nhau tập trung giải quyết những vấn đề vận mệnh của đất nước. 

Chính phủ và Quốc hội cần dành thời gian nhiều hơn để bàn bạc về vấn đề này, đề ra các giải pháp tăng cường năng lực tự bảo vệ mình. Từng bộ, ngành cũng có trách nhiệm cụ thể. Bộ Quốc phòng, Nông nghiệp Nông thôn phải làm sao để ngư dân ra biển an toàn, yên tâm sinh sống nơi biển đảo. Bộ Giao thông Vận tải phải làm sao để Vinashin làm ra những con tàu tốt. 

Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm của mình. Suốt thời gian qua Bộ Công Thương ở đâu mà để thương lái Trung Quốc vào mua hàng hóa ngay trên đất Việt Nam không cần tư cách pháp nhân, không giấy phép và không nộp một xu thuế cho Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có chịu trách nhiệm gì không, thương lái Trung Quốc vào mua suốt từ Bắc tới Nam thì tiền ở đâu ra mà họ làm được như vậy? Trong khi đó, chúng ta lại nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Vấn đề chủ quyền không chỉ dừng lại ở biển đảo, mà cần chú ý tới cả trong đất liền nữa. 

Để giải quyết tất cả 5 thách thức đó, có lẽ cần quay lại những nguyên tắc rất cơ bản của một thể chế tốt. Chúng ta vẫn nói mong muốn xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong sạch thì phải minh bạch, thể hiện ở việc mọi quy định đưa ra phải rõ ràng, không để ai hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai, thực hiện sai. Ai cố tình hiểu sai, cố tình thực hiện sai thì phải trừng trị người đó, đấy mới là minh bạch.

Tôi mong Chính phủ mới sẽ tăng cường hơn nữa, yêu cầu cao hơn nữa về trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các tầng lớp quản lý. Tôi hoan nghênh có những vị đã mạnh dạn đứng ra xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội khi để xảy ra vấn đề trong lĩnh vực mình quản lý. Có như vậy mới khôi phục được lòng tin của dân chúng cũng như cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Song Linh- Hoàng Lan ghi
Nguồn: VNE

Đọc tiếp...

CAFE CHỦ NHẬT 31.07.2011



Thưa chư vị,

Một số nhân sĩ trí thức Hà Nội có ý kiến như sau: Cuộc biểu tình yêu nước và tưởng niệm các liệt sĩ đã bỏ mình vì Tổ Quốc diễn ra sáng Chủ nhật (24.07.2011) tại Khu vực Hồ Gươm đã thành công. 

Để mọi người (trong đó có các lực lượng an ninh) cùng được nghỉ ngơi, thư giãn, Chủ nhật tuần này (31.07.2011), các nhân sĩ trí thức không tham gia biểu tình (trừ trường hợp Trung Quốc tiếp tục gây hấn). 

Nhưng, anh chị em xa nhau một tuần chắc có nhiều nhung nhớ, nên cũng mong gặp mặt nhau trong ngày cuối tuần:

Thời gian: 16h00 - 18h00, ngày Chủ nhật (31.07.2011)
Địa điểm: Cafe 36b Điện Biên Phủ, Hà Nội
(vì đi cafe nên khi đến không mang theo biểu ngữ, cờ, loa.... Anh chị em có thể mời lại những người đã từng "mời" anh chị em dùng cafe, bia bọt, trà... trong những tuần qua đến cùng dự).
_________________________
Đọc tiếp...

KHI ẤY BIỂN ĐÔNG - Thơ Đỗ Trung Quân

 .
Khi ấy biển Đông mình mới thôi cuộn sóng
Đỗ Trung Quân
Lâu rồi mới có một ngày thanh thản
Đi bộ lững thững dưới hàng cây đường Hàn Thuyên
Trời sạch, đường sạch, cây lá sạch
Lòng mình cũng sạch.
Tôi lớn lên từ Sài Gòn của mình
Ngày đi học ngửi mùi lưu đạn cay nơi tam giác sắt
Văn Khoa ,
Nông Lâm
Luật.
Tôi lớn lên cùng mùi khói ấy
Nhưng cũng yêu chiếc dù màu tím nhạc Phạm Duy
Những con đường tình chúng ta đi.
Bây giờ mình đã già
Chỉ những chiếc ghế mây quán cà phê hoa tím còn trẻ mãi
Bây giờ thấy mình lại xuống đường
Vung nắm tay ngoài cánh cổng khép kín bên kia đường
4 Duy tân – 4 Phạm Ngọc Thạch
20 năm trước ba lô áo mòn ở đây đọc sang sảng những bài thơ yêu nước
Phía Tây nam
Bây giờ lại phải viết những  bài thơ không thơ tình
Cho những người anh em hôm qua
Chận barie hôm nay.
Bắt tay nhau hôm qua
Gầm gừ “tư tưởng”  nhau hôm nay chỉ bởi thằng 16 chữ vàng giả mạo
China
Cái công xưởng đồ giả lớn nhất hành tinh
Tình đồng chí  giả cũng là cái chắc.
Nhưng thôi
Lâu rồi mới có một ngày thanh thản
Đi bộ dưới hàng cây Duy Tân
[ngộ nhỉ! người yêu nước trở về lại mất tên đường
Hàm Nghi [*]
Người thể phách tha hương tên đường còn nguyên đấy]
Đi và khẽ cười với những chiếc barie còn xếp đống  bên những ngã tư
Bao giờ chúng mày hết hạn nằm đường
hết hạn gió sương
Khi ấy biển Đông đất nước  mình
mới -  thôi - cuộn - sóng.

[Sài gòn 29 – 7- 2011]

[*] Đường Duy Tân nay là Phạm Ngọc Thạch – đại lộ Hàm Nghi quận 1 còn nguyên tên khi hài cốt vua Hàm Nghi vẫn còn ở xứ người.

Đọc tiếp...

VỀ BẢN TIN TRÊN BÁO THANH NIÊN HÔM NAY

Đọc tiếp...

TS NGUYỄN QUANG A: HIỂU ĐÚNG VỀ "ÁO NO - U"

Hiểu đúng về “Áo No-U”
Nguyễn Quang A

Trong vài tuần qua trên mạng Internet có một vài người đã gọi áo No-U là “áo biểu tình” và có thể gây hiểu nhầm. 

Đường chữ U đứt khúc (đường lưỡi bò) là đường được vẽ trên bản đồ mà nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền nhằm biến 80% biển Đông thành ao nhà của họ, nhằm biến các vùng biển không có tranh chấp của các nước liên quan thành các vùng “có tranh chấp” và rêu rao chính sách lừa bịp “chủ quyền của ta [Trung Quốc], gác tranh chấp, cùng khai thác” với các nước liên quan. 

Đòi hỏi của nhà cầm quyền Trung Quốc gắn với đường chữ U là đòi hỏi không có cơ sở pháp lý và lịch sử, là nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn trên biển Đông, trong khu vực và trên thế giới, là nguyên nhân trực tiếp gây khó khăn cho việc làm ăn, kinh doanh của bà con ngư dân và các doanh nghiệp Việt Nam (như Petrovietnam) và bà con ngư dân của các nước khác.

Chính phủ Việt Nam có thái độ rất rõ ràng, phản đối đòi hỏi phi lý của nhà cầm quyền Trung Quốc về đường chữ U.

Sài Gòn Tiếp Thị vận động phong trào giúp bà con ngư dân bám biển. 

Ủng hộ chính sách của Chính Phủ Việt Nam về Biển Đông, ủng hộ đợt vận động của Sài Gòn Tiếp Thị, tôi đưa ra sáng kiến sản xuất 10 triệu áo No-U và 10 triệu biểu tượng No-U (có thể dán trên mũ bảo hiểm, cặp sách, kính ô tô,…) để lấy lời giúp bà con ngư dân bám biển và giữ biển. Tôi mong muốn đây là một phong trào quốc tế, chứ không chỉ ở Việt Nam (và trong thực tế, lô đầu tiên xuất hiện tại Manila, thủ đô Phillipine từ ngày 10-7, chứ không phải ở Việt Nam; một lô khác cũng được chuyển sang Đông Âu).

Các nhà thiết kế đã vào cuộc, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối đã vào cuộc. Đây là công việc kinh doanh vì 2 mục đích: phản đối đường lưỡi bò phi lý của nhà cầm quyền Trung Quốc; lấy lời ủng hộ bà con ngư dân làm ăn, kinh doanh trên biển một cách hiệu quả góp phần giữ vững biển đảo của tổ quốc.

Sài gòn Tiếp Thị, với tư cách là người đưa ra phong trào giúp ngư dân bám biển, nhưng là một tờ báo không có chức năng kinh doanh như một doanh nghiệp, tất nhiên không tổ chức sản xuất và phân phối các loại áo và các biểu tượng No-U. Trong bài viết trên tờ Khoa Học Đời Sống ngày 18-7-2011 tôi đã không để ý đến điểm này nên đã viết “Sài Gòn Tiếp Thị đã tổ chức sản xuất quy mô lô đầu tiên”. Việc này có thể gây hiểu lầm và “rắc rối” cho Sài Gòn Tiếp Thị. Tôi thành thật xin lỗi Sài Gòn Tiếp Thị nếu điều đó xảy ra.

Việc sản xuất, phân phối các sản phẩm No-U được các doanh nghiệp tiến hành theo các quy định của Luật doanh nghiệp, Luật thương mại và các luật liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh. 

Chính vì thế chúng tôi đã đề nghị các họa sỹ, các nhà thiết kế làm ra các mẫu đa dạng, đẹp, hợp thời trang, hợp với từng loại đối tượng, thậm chí với từng nước để có thể sử dụng trong càng nhiều dịp càng tốt. Sáng kiến tổ chức thi biểu tượng của Đại học Hoa Sen là rất đáng quý theo hướng này và mong được sự tham gia của nhiều người. Chúng tôi cũng đề nghị các nhà sản xuất và phân phối làm theo đúng pháp luật hiện hành (từ đăng ký nhãn-mác, ký kết hợp đồng đến thuế má).

Tất nhiên những người đi biểu tình có thể mặc áo No-U, nhưng phải nói rõ nó không là “áo biểu tình”. Nó còn có thể được mặc khi làm việc, khi vui chơi giải trí. Các loại áo khác nhau, với mẫu mã đa dạng phù hợp với các lứa tuổi khác nhau chính là để phục vụ nhu cầu đó. Người dân có thể mặc áo No-U đi tập thể dục buổi sáng hay buổi chiều, đi làm, thậm chí đi chùa hay nhà thờ. Thanh niên có thể mặc áo No-U khi đi làm, khi giải trí, khi đi dã ngoại.

Chúng tôi cũng đề nghị các cơ sở vui chơi giải trí, các quán cà phê, các hiệu sách, các quán ăn hay các nơi cung cấp dịch vụ khác hãy giảm giá cho những người vận áo No-U trong những dịp nhất định như cho các khách hàng quen thuộc (thí dụ 5, 10% hay thậm chí 50% như Cà Phê Sáng Tạo đã dành cho khách của họ).
Phong trào này: 

-  không chống Trung Quốc (mà mong được sự ủng hộ  của nhân dân Trung Quốc yêu hòa hình và công lý), thậm chí không chống nhà cầm quyền Trung Quốc nói chung (mà chỉ phản đối một đòi hỏi cụ thể của họ gắn với đường chữ U);
-  không chống bất cứ chính phủ của bất cứ nước nào;
-  không kích động hận thù mà chỉ đòi hòa bình và công lý cho biển Đông, cho khu vực và thế giới.

Với mục đích và ý nghĩa như thế chúng ta có thể thấy: 

-  nhà cầm quyền Trung Quốc (và những kẻ ủng hộ họ) chắc chắn chống No-U;
-  người dân và các cơ quan chính phủ các nước khác có thể có ba loại thái độ loại trừ nhau: ủng hộ No-U; không ủng hộ nhưng không phản đối No-U; phản đối No-U (và tìm cách gây khó khăn cho các nhà sản xuất, phân phối, và những người mặc áo No-U). Rõ ràng loại người sau cùng ủng hộ đòi hỏi chủ quyền phi lý của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với đường chữ U và đi ngược lợi ích của Việt Nam và các nước liên quan cũng như sự ổn định, hòa bình trên biển Đông.

Áo No-U không phải là “áo biểu tình”, nó nhiều hơn thế rất nhiều và mong được sự tham gia tích cực của các họa sỹ, các nhà thiết kế, các nhà sản xuất, phân phối và toàn xã hội.

*Bài viết do TS Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!

Đọc tiếp...

NHẬT KÝ BIỂU TÌNH CỦA MỘT CHUYÊN GIA XÃ HỘI HỌC

Biểu tình chống TQ, tuần hành trên phố Tôn Thất Thiệp - Trần Phú. Ảnh: Hoàng Tiến Cường
Chuyên gia Xã hội học Phạm Quỳnh Hương (Viện KHXH VN):
Cảm nhận khi đi biểu tình ngày 17/7/2011
Từ hôm tôi đi biểu tình (BT) đã qua chục ngày rồi. Lại đã có thêm 1 ngày Chủ nhật BT nữa (nhưng hôm đó tôi ko tham gia) nhưng những cảm xúc từ việc tham gia ngày hôm đó vẫn cứ tràn đầy và lẫn lộn. Tôi cứ suy nghĩ, suy nghĩ mãi về những cảm xúc lẫn lộn đó của tôi. Và tôi muốn viết nó ra cho những cảm xúc đó được rõ ràng hơn.
Bực vì bị đối xử thô bạo
Đây là cảm nhận đầu tiên ập đến. Có lẽ đó là cảm nhận ko chỉ của tôi mà của đa số người đi BT và ủng hộ BT. Thấy bực vì mình đi biểu tình biểu thị lòng yêu nước thì lại bị ngăn cấm, bắt giữ. Ô hay, thế ra mình sai chắc! Ô hay, thế ra lại có người bảo rằng mình sai! Ô hay, vậy mà mình lại cứ tưởng là mình ko sai! Bực! Rõ bực.
Không những ấm ức vì bị coi là sai, mà còn bực vì bị đối xử thô bạo. Nếu khách quan mà nói thì cũng khó có thể tránh được sự thô bạo khi mà một bên thì cứ ngăn cản còn một bên thì cứ ko chịu và cố tình làm việc mình cho là đúng đắn, và có quyền. Và chuyện xô xát và thô bạo là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ai ở vào hoàn cảnh và địa vị người bị xử thô bạo mà chẳng bực. Thậm chí với nhiều trường hợp bị đối xử quá mức thô bạo, thì thật quá sức chịu đựng. Tôi bị 2 người giữ 2 bên khuỷu tay lôi đi, rồi bị một người xấn xổ mắng vào mặt, mà những người thanh niên này đều khỏe mạnh, sáng sủa, và đều đáng tuổi con tôi. Thử hỏi sao lại ko bực chứ.
Lúc đó tôi đã nghĩ: Người xưa có câu: “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Thế nhưng, thực tế thì đã mặc áo cà sa rồi thì ko mặc áo giấy được nữa. Và ai quen mặc áo giấy rồi thì ko thể mặc áo cà sa được nữa. Những người quen tiếp xúc với những thành phần được gọi là tội phạm. Những người quen với trấn áp rồi thật khó mà có những hành vi hòa nhã được nữa. Suốt chặng đường từ Cửa Nam về Mỹ Đình tôi cứ ngồi nhìn những thanh niên này và cảm thấy thương cho họ, tiếc cho họ. Họ là những thanh niên trẻ, khỏe, mặt mũi sáng sủa. Nhưng ở họ bắt đầu có những hành vi nặng về trấn áp. Đành rằng trấn áp là một phần công việc của họ, nhưng họ còn quá trẻ để cái phần trấn áp có thể trấn áp phần nhã nhặn trong con người họ. Tôi đã nghĩ: Bác Hồ đã dạy: “ đối với dân phải…; đối với kẻ thù phải…”. Tuy nhiên, thật khó để có thể thực hiện đúng lời Bác khi mà mình có quyền. Ngày xưa khác. Ngày xưa ko có quyền gì cả. ko có quyền với kẻ thù thì đương nhiên rồi, nhưng cũng ko có quyền với dân vì lúc đó đã giành được chính quyền đâu, hoặc chính quyền còn non trẻ nên cái quyền cũng ko vững chắc và mạnh mẽ. Nhưng ngày nay, địa vị hoàn toàn khác, có quyền với cả kẻ thù, và dân. Vậy là …
Tôi lại nghĩ đến Chí Phèo. Anh ta vốn là một thanh niên khỏe mạnh, và sáng sủa. Nhưng rồi, cuộc đời đã nhào nặn anh ta thành một sản phẩm đặc thù của xã hội. Hay nói theo ngôn ngữ dân thường là xã hội xô đẩy, còn nói theo ngôn ngữ khoa học một tí thì là anh ta bị tha hóa. Anh ta ko còn giữ được cái bản chất thanh niên trẻ khỏe sáng sủa của anh ta nữa. Giá mà bây giờ lại có một ông Nam Cao nào đó viết nhỉ.
Trên HBO đang chiếu một bộ phim Mỹ hình như có tiêu đề “a few good man” trong đó Tom Cruise và Demi Moore đóng. Trong phim kể về một vụ án của tòa an binh mà Tom và Demi là 2 luật sư bảo vệ cho một anh lính bị chết. Kết thúc phim là cảnh 2 anh cán bộ (kiểu như tiểu đội trong tiểu đội của anh lính bị chết) đã được tòa xử ko bị tội giết anh lính của tiểu đội (mà đó là do thừa hành lệnh của một ông tướng). Nhưng 2 anh này vẫn bị khép tội hành hung người. Một anh đã kêu lên một cách tức tối, và oan ức là: nhưng đó chỉ là chúng ta thi hành lệnh cấp trên thôi mà. Và anh lính kia trả lời: chúng ta có tội. Đó là tội không bảo vệ người không có khả năng tự bảo vệ. Lúc chia tay anh luật sư (Tom) đã nói với anh lính đó rằng: anh vẫn có danh dự mà không cần có quân hàm trên vai.
Có bao nhiêu người trong chúng ta còn nghĩ đến danh dự. Còn coi trọng danh dự? Có bao nhiêu người còn nghĩ đến bảo vệ người ko có khả năng tự vệ?
Bị xúc phạm vì bị mất quyền yêu nước
Bị xúc phạm vì mình tưởng là mình có quyền lên tiếng nói, tiếng nói chính nghĩa. Chính nghĩa vì mình thấy TV, Đài cũng nói về lòng yêu nước, về Trường Sa, Hoàng Sa. Mình muốn góp tiếng nói cùng những con người chính nghĩa. Mình cũng muốn góp tiếng nói cùng với các chiến sỹ và ngưu dân ngoài Biển Đông. Vậy mà lại bị ngăn cấm, bị bắt giữ. Cứ y như là mình ko có quyền gì vậy!!! Cứ y như là mình mất quyền công dân vậy!!!
Nhưng có một kinh nghiệm mà tôi lại thấy là hay đó là kinh nghiệm: lên xe buýt. Nếu chỉ ngồi nhà, xem trên mạng thì chả cảm thấy gì sất. Nếu đi ra tận nơi, hòa vào dòng người thì cảm thấy một chút gì đấy của không khí BT. Nhưng nếu bị bắt đưa lên xe buýt… cảm nhận sẽ khác hẳn. Sẽ hay hơn nhiều. Cái cảm giác mà lúc đứng dưới đường mình ko thể có được. Đó là quyền công dân. Lúc đứng trong xe buýt nhìn ra. Nhìn những chiến sỹ CA đang trấn áp. Nhìn những người bị bắt giữ đang phản đối và đòi thả một cách vô vọng. Nhìn những người dưới đường đang tiếp tục cuộc BT. Một cảm giác khó có thể diễn tả được. Không thể gọi là mất quyền công dân, nhưng nó là mất quyền đấy.  
Những ai đã đi biểu tình, hãy một lần lên xe buýt. Cảm nhận về mất quyền công dân trong chốc lát thật là… khó diễn tả.
Bị xúc phạm quá thể!
Buồn, buồn quá
Buồn vì việc mình làm ko sai (Mình thể hiện lòng yêu nước mà) thế mà lại phải làm như là giấu giếm, như là thanh minh. Thật là tệ quá mức. Thời buổi gì mà phải xấu hổ vì muốn biểu lộ lòng yêu nước.
Buồn vì thể hiện lòng yêu nước lại thành ra mất quyền công dân.
Buồn vì có lòng yêu nước hóa ra lại bị chính những anh CA nhân dân trấn áp. 
Ngao ngán về những người thờ ơ
Buổi tối, đi sang nhà mẹ đẻ. Nhìn thấy tay tôi bị vằn máu đỏ lên, do vết 2 thanh niên chộp khuỷu tay bốc lên xe buýt, cô em gái hỏi, tôi nói: đi BT. Cô em kêu lên: Biểu Tình! Biểu tình gì? Có được tiền không? Tôi ngã ngồi xuống ghế. Mẹ tôi thì im lặng. Còn chồng nó thì mắng luôn: hỏi gì mà ngu ngốc thế! Đúng là chẳng biết gì về thời sự cả. Suốt ngày chỉ mua sắm với phim Hàn Quốc nên mới dốt thế đấy.
 Đến tận hôm nay nhà tôi chưa ai biết là tôi đi BT. Nếu biết ko biết ý kiến mọi người thế nào. Cũng là một dịp để biết quan điểm, thái độ của mọi người đây!
Sáng nay đến cq nói với chị bạn thân, chị ấy bảo sao mày ko nói ngay. Chuyện như thế thì phải khoe ngay chứ. Thế mà ko nói ngay để tao khoe với chồng tao, ông ấy tha hồ khoái.
Ôi, đây cũng là một dịp để đo lòng người. 
Hôm qua 26/7 đi hội thảo gặp một TS khoa học, một người được coi là thân của tôi. Dường như tình cờ tôi hỏi 1 câu: có đi BT ko. Trả lời: ko, chả đi đâu. Về nhà chỉ quanh quẩn ở nhà cũng đã mệt rồi. Rỗi thì xem TV. Thấy bạn ko hỏi gì, tôi tự nói: tuần trước tôi đi BT. Vẻ hết sức ngạc nhiên và bức xúc, xen lẫn coi thường: Điên à, dở hơi à. Tôi chẳng nói gì được nữa. Ôi, TS!!!
Một bạn thân khác, hôm nay, 27/7 mới biết được tin tôi đi BT đã trách: sao chuyện hay như thế mà ko kể gì cả. Rồi bạn háo hức giục: kể đi, đi BT thế nào? Bạn hỏi đi BT ở đâu, BT về cái gì? bị bắt về Mỹ Đình à? Có những ai đi BT? Rất nhiều câu hỏi khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bạn vẫn được coi là chuyên gia trong mọi loại tin tức. Bạn nắm vững mọi hoạt động, sinh hoạt của tất cả những nhân vật nổi tiếng trong nước và thế giới. Từ những nhân vật trong làng giải trí cho đến các chính khách. Từ các sự kiện văn hóa thể thao đến các loại thiên tai, rồi các vụ tham nhũng... thôi thì đủ các loại tin trên báo. Tôi luôn cảm thấy xấu hổ vì mình là người lạc hậu so với bạn. Thế nhưng tin về BT thì bạn ko biết tí gì sất. Thế mà bạn đã từng là người bạn thân, rất thân với những nhân vật mà cả nước biết đến trong những cuộc đấu tranh trên báo chí “lề trái, lề phải”. Vậy mà .... ÔI, tôi ko biết tôi có lạc hậu ko đây. Ko biết tôi là người thế nào nữa.
Lo lắng vì những chiến sỹ CA ko lắng nghe
Trong lúc tham gia BT, rất nhiều cuộc tranh luận xảy ra giữa những người BT và các chiến sỹ CA. Những tranh luận về lòng yêu nước, vầ lãnh thổ, về chủ quyền, về Biển Đông, về lịch sử 4000 năm… Nhiều, rất nhiều như vậy. Nhưng xem ra người nào nói cứ nói ý kiến của mình, còn phía bên kia cũng kiên trì ý kiến của mình. Nếu những người BT tự cho mình là thể hiện lòng yêu nước, thì các chiến sỹ CA ở phía đối lại, ko thể nói là ko yêu nước. Nhưng sao thấy khó hiểu quá. Hai bên ko hiểu nhau. Đã ko hiểu nhau thì lại còn ko lắng nghe nhau.
Lúc ở Mỹ Đình, trong khi khai tường trình, tôi đã nói về chuyện đi BT. Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng anh CA tiếp tôi ko hề để ý gì đến những điều tôi nói. Anh ta ko phải là ko hiểu tôi nói gì, cũng ko phải là phản đối ý kiến của tôi. Anh ta cũng ko máy móc ghi lại những gì tôi nói. Chỉ đơn giản là anh ko hề để ý đến tôi nói cái gì. Tôi đã nghĩ rằng mình có nói thế chứ nói nữa cũng chẳng ai nghe. Những người khác nói ra rả đấy thôi, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Vẫn lý luận cũ, vẫn hành vi cũ nhưng những tuần trước. Chẳng có gì thay đổi được cả. Mà mình có nói anh ta cũng có nghe gì đâu. Mình nói chán, anh ta lại hỏi lại. Nhiệm vụ của anh ta là ghi lại những thông tin cá nhân, và 2 câu trả lời cho 2 câu hỏi đã ấn định từ trước: vì sao đi BT? Nghĩ gì về BT? Nhưng dù mình có nói gì thì anh cũng chẳng ai đếm xỉa đến ý kiến của mình cả. Họ có quan điểm của họ. Thế thôi. Nói gì cũng vô ích. Chán.
Điều này có nghĩa là quan điểm của 2 bên là quá xa nhau. Ko thể nói chuyện được với nhau. Ko thể chia sẻ được với nhau. Tôi rất sợ là quan điểm 2 bên sẽ đối lập nhau. Tôi ko dám nghĩ đến điều đó. Tôi sợ sự đối lập này.
Ấm lòng vì chia sẻ giữa những người đi BT
Hôm tham gia cuộc BT tôi là gương mặt lạ nên đã bị những người BT nghi ngờ. Đầu tiên là 1 anh áo đỏ sao vàng hỏi luôn: chị là công an chìm à? Khi tôi xưng danh thì anh nói luôn: “à, dân xh tôi thấy chị là người thứ 2. Bên Toán họ đi đông lắm. Bên chị chẳng thấy ai.” Tôi im lặng và cảm thấy ngậm ngùi. 
Lúc ở trên xe buýt, mọi người cứ đếm đi đếm lại xem trên xe có bao nhiêu người BT. Tôi nghĩ trong bụng mà ko nói ra rằng có mấy người mà đếm mãi ko ra. Lát sau mọi người mới nói là đừng tính cả CA chìm. Tôi mới vỡ ra là à ra vậy. Khi có người đếm lại, đếm cả 1 thanh niên trẻ, tôi đã lên tiếng: ko tính anh này, vì chính anh này đã bắt tôi lên xe buýt. Rồi lại một người khác đếm và bảo ko tính chị này. Thế là cô bé ngồi cạnh, mặc áo đỏ đã kêu lên, ko chị ấy là BT đấy. Nhìn tay chị ấy đây này. Ở khuỷu tay tôi lúc đó có vết tay vằn máu đỏ do bị CA bấu vào khi bắt lên xe buýt. Mọi người cùng phấn nộ và đòi chụp ảnh để phản đối. Tôi đã phải giấu tay đi. Tôi ko sợ gì, chỉ ngại là cái tay của mình cũng ko đau lắm, mà làm to chuyện lên thì ko có lợi trong khi tình hình trên xe lúc đó ai cũng bị bức xúc. Tình hình cứ như lò thuốc súng rồi. Đến lúc đó tôi mới ngớ ra là mọi người nghĩ tôi là CA chìm. Lúc tôi hỏi một chị trông mặt quen quen, có lẽ nhìn thấy nhiều trên mạng. Chị ấy giới thiệu với giọng nghe không phải là bức xúc mà còn là gay gắt. Có lẽ chị ấy tưởng tôi là CA chìm nên mới có giọng “đối đầu” như vậy.
Nhưng khi đã biết cùng là người BT rồi thì mọi người lại rất dễ dàng chia sẻ. Tôi thấy thật ấm lòng. Việc đi BT tự mình biết là đúng, là trong sáng, nhưng bị CA, chính quyền phản đối đã khiến mình cảm thấy rất ái ngại rồi. Cứ như là mình làm điều gì ko trong sáng. Rồi bạn bè, người thân xung quanh lại có những thái độ chê cười, mỉa mai nên lại càng cảm thấy buồn. Nhưng giữa những người đi BT thì lại dễ dàng hiểu nhau, chia sẻ với nhau. Đôi khi nhận được sự chia sẻ của những người ko quen biết, cảm thấy ấm lòng.
Lúc ngồi trong đồn CA ở Mỹ Đình, đang trả lời tường trình, bỗng 1 cuộc điện thoại của 1 chị bạn thân. Chị hỏi tôi đang ở đâu. Chị hỏi thăm tôi tình hình ở đấy thế nào. Chị động viên tôi, chia sẻ với tôi. Thật là ấm lòng. Lúc ở Mỹ Đình tôi thấy rất bối rối. Tôi ko sợ. Tôi ko làm gì sai. Ko làm gì quá đáng. Nhưng thật sự bối rối, vì bị đặt vào thế đối lại với CA. Cuộc điện thoại đúng lúc của chị bạn. Sự chia sẻ của những người đi BT. Thật là ấm lòng.
Ngạc nhiên vì sự đa dạng của những người đi BT
Trước khi đi tôi cũng không nghĩ là mọi người có động cơ giống nhau khi đi BT. Vì bản thân tôi đã nghĩ chính mình cũng có động cơ khác mọi người rồi. Tôi đi vì cũng muốn hòa chung vào dòng người để cảm nhận được lòng yêu nước. Ngoài ra, còn một chút máu nghề nghiệp là muốn biết được mọi người có những suy nghĩ, động cơ gì. Thế nhưng, khi trực tiếp tham gia, chính tôi phải cảm thấy ngạc nhiên vì sự đa dạng. Tôi có thể cảm thấy một vài lý do dễ nhận thấy, nhưng thực ra thì còn nhiều lý do khác nữa mà tôi biết chắc là mình chưa biết hết được.
Có người đi vì muốn phản đối sự hống hách, hỗn xược của quân Tàu. Có người vì nghĩ đến những chiến sỹ và ngư dân ngoài đảo. Bằng việc BT này để nói rằng những chiến sỹ và ngư dân ko đơn độc ngoài Biển Đông. Có người đi vì mọi người đi vì lẽ phải, ko lẽ mình ko đi. Có người đi vì bức xúc, vì muốn thể hiện lòng yêu nước mà lại bị CA ngăn cấm. Có lẽ còn có người đi vì thấy vui. Quả thật, dù có những nguy cơ bị bắt giữ, nhưng đi cũng vui vẻ thật. Và chắc còn có nhiều lý do đi nữa mà tôi chưa biết hết. Vì có những người thể hiện sự bức xúc, thậm chí là quá khích, nhưng cũng có người chỉ trầm lặng, lặng lẽ tham gia. Nhiều người không ồn ào, nhưng kiên định.
Thú vị vì có thể test thái độ của những người ko đi BT
Nếu đi quan sát sự đa dạng của người BT là rất thú vị thì test phản ứng, thái độ của những người ko đi BT cũng thú vị không kém. Những bạn nào quan tâm đến những vấn đề xã hội, sự kiện xã hội hãy tham gia và test mà xem. Hay lắm. Ta vẫn có câu: trong hoạn nạn mới biết lòng nhau. Thực ra, tôi cũng chẳng có hoạn nạn gì, hay là chưa có gì đáng gọi là hoạn nạn cả. Nhưng cũng đã có thể đo được lòng của nhiều người xung quanh rồi. (nếu mà có hoạn nạn thật thì… sẽ biết thật. hi hi)
Hà Nội 28/7/2011

*Xin cảm ơn Bà Phạm Quỳnh Hương (Viện KHXH VN) đã chia sẻ bài viết này với bạn đọc NXD-Blog.
Đọc tiếp...