Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

BÙI CÔNG TỰ: XEM KẾ SÁCH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN CỦA PHILIPPINES


XEM KẾ SÁCH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN CỦA PHILIPPINES
Bùi Công Tự

Trông người mà nghĩ đến ta

So với Philippine thì sự đe dọa từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên chúng ta cũng cứ tìm hiểu kế sách bảo vệ chủ quyền của nước bạn, xem có thể tham khảo được điều gì chăng?

Tôi biết đất nước Philippine đầu tiên từ thầy giáo trường làng, qua câu chuyện ly kỳ về nhà thám hiểm Majenlang, người Bồ đào nha, theo lệnh nhà vua Tây ban nha, giong chiến thuyền đi vòng quanh thế giới, tìm kiếm những vùng đất mới. Ngài Majenlang dũng cảm đã bị tử chiến khi đổ bộ lên quần đảo Philippine, trong một trận giao tranh với những người thổ dân kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Đó là năm 1521.

Về mặt khoa học, hành trình của Majenlang đã góp phần chứng minh rằng trái đất có hình cầu. Đồng thời nó cũng khởi đầu cho những cuộc viễn chinh của người châu Âu chinh phục châu Á, mà đầu tiên là người Tây ban nha xâm chiếm Philippine vào năm 1562.

Mãi tới năm 1946 Philippine mới giành được độc lập. Tuy nhiên quãng thời gian gần bốn thế kỷ bị nước ngoài thống trị không làm nguội lạnh được ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền của người dân trên xứ sở đầy gió bão này. Tinh thần ấy giờ đây lại đang bùng lên mạnh mẽ trước nguy cơ bị nước lớn Trung hoa xâm chiếm các đảo và lãnh hải ở biển Tây Philippine (tức là biển Đông đối với Việt Nam).

Philippine là một quốc đảo có tới 7.000 hòn đảo ở phía Tây Thái Bình Dương. Diện tích tổng cộng khoảng 300.000 km2. Dân số 86 triệu người (năm 2005). Số người biết chữ chiếm 95%. Tuổi thọ trung bình 70. Vài số liệu ấy cho thấy nước bạn tương đương với Việt Nam về nhiều mặt.

Tôi nghe nói người Philippine giỏi ngoại ngữ hơn chúng ta nên khi đi xuất khẩu lao động họ thường được làm những công việc nhẹ nhàng hơn và có mức lương cao hơn người Việt Nam. Nhưng mới đây Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu thuộc LHQ (WIPO) lại đánh giá trí tuệ Việt Nam cao hơn Philippine nhiều bậc (Việt Nam xếp thứ 51/125, Philippine xếp thứ 91/125).

Chúng ta trở lại câu chuyện về kế sách bảo vệ độc lập chủ quyền của Philippine hiện nay.

Như chúng ta đã biết, Trung Quốc tuyên bố một vùng biển đảo rộng lớn giáp bờ Tây Philippine là chủ quyền của Trung Quốc, trong khi người Philippine nói là của họ. Mới đây thôi, năm 2009, không biết có phải vì “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” hay vì sức ép nào khác mà bà Tổng Thống Gloria Arroyo của Philippine lúc đó đã có những thỏa thuận với Trung Quốc hợp tác thăm dò địa chấn trên vùng biển mà cả Philippine, Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền. Cũng năm 2009 Philippine tuyên bố phản đối hồ sơ của Việt Nam và Malaixia về lãnh hải trên biển Đông.

Chúng ta cũng biết rằng hiện nay Philippine đang chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong đó lớn nhất là đảo Thị Tứ (mà Philippine gọi là Pagasa), họ đã xây dựng sân bay trên đảo này. Nhưng sự tranh chấp này, theo tôi, không đe dọa Việt Nam. Ta và bạn trong tương lai có thể giải quyết theo luật quốc tế cho dù còn lâu dài.

Hiện nay dưới sự lãnh đạo của ngài Tổng Thống Aquino, chính phủ Philippine đã có chiến lược mới rất rõ ràng cho công cuộc bảo vệ biển đảo trước nguy cơ xâm lăng từ Trung Quốc.
Chiến lược đó thể hiện ở những động thái sau đây:

- Chính phủ Philippine chính thức phản đối yêu sách” đường lưỡi bò 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc.
- Tuyên bố sẽ kiện Trung Quốc lên Tòa Án quốc tế.
- Nâng cấp và hiện đại hóa trang thiết bị quân sự.
- Có phản ứng tức thì, kiên quyết, cứng rắn trong các vụ bị Trung Quốc gây hấn.
- Gắn bó hơn trong quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Ngày 25/07/2011 phát biểu trước Nghị viện, trong thông điệp gửi quốc dân, Tổng Thống Aquino đã tuyên bố nước này sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biển Tây Philippine.

Ông nói: “Chúng ta không muốn gây căng thẳng với bất kỳ ai, nhưng chúng ta phải để cho thế giới biết rằng chúng ta sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của mình”. “ Thông điệp của chúng ta gửi thế giới rất rõ ràng. Cái gì của chúng ta là của chúng ta!”.

Tinh thần ấy đã thể hiện trong việc Philippine xử lý vụ Trung Quốc gây hấn ngày 02/03/2011. Ngày hôm đó 02 tàu tuần tiểu của Trung Quốc đã áp sát tàu thăm dò dầu khí MV Veritas Voyayer của Philippine ở gần đảo Bãi cỏ rong, ép tàu này phải rời khỏi khu vực thăm dò. Ngay sau đó sự xuất hiện kịp thời của 02 máy bay và 02 tàu hải quân Philippine đã buộc tàu tuần tiểu của Trung Quốc rút chạy.

Về vụ đụng độ này tướng Sabban của Philippine tuyên bố:” Rõ ràng đây là lãnh thổ của chúng tôi. Nếu họ (TQ) ức hiếp chúng tôi thì trẻ con cũng sẽ chống trả”.

Sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Philippine tướng Gazmin và Tư lệnh LLVT tướng Oban đã trực tiếp thị sát khu vực thăm dò nói trên.

Philippine tuyên bố tiếp tục đẩy mạnh thăm dò dầu khí ở khu vực đảo Bãi cỏ rong (đảo Bãi cỏ rong bị TQ chiếm năm 1995) Chủ tịch Công ty dầu khí Forum Enery (Anh quốc) cũng cho biết tiếp tục đầu tư lớn vào dự án này.

Thực ra, về quân sự, Philippine thuộc loại yếu, nếu như không nói là rất yếu trong khu vực. Một viên tướng không giấu diếm:” Chúng tôi chỉ có 53 chiếc tàu, trong đó thường xuyên hoạt động chỉ 25 cái, phần lớn là tàu cũ”. Nhưng họ đang có chương trình đầu tư 2,33 tỷ USD để mua sắm khí tài quân sự và xây dựng căn cứ trên 8 hòn đảo trong vùng tranh chấp mà họ đang chiếm giữ. Họ cũng vừa mua của Mỹ 1 tàu tuần tra trị giá 10 triệu USD và đã đưa vào tuần tra trên biển.

Sở dĩ Philippine “mạnh miệng” được là vì họ có những người bạn chiến lược. Đó là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Philippine đã cho phép quân đội Mỹ đồn trú tại nước này vô thời hạn và quân đội 2 nước có quyền tham gia các hoạt động quân sự dưới nhiều hình thức.

Ngày 15/04/2011 quân đội Mỹ và Philippine đã tổ chức tập trận chung “Vai kề vai 2011” với qui mô lớn nhất từ trước đến nay. Mục đích của cuộc tập trận chung này, theo bình luận của các chuyên gia, là nhằm tăng cường khả năng của Philippine để đối phó với Trung quốc trong vùng tranh chấp tại biển Đông.

Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương Willaad đã phát biểu cam kết tiếp tục hỗ trợ Philippine trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh, nhất là hỗ trợ tuần tra trên biển. Đó cũng là nội dung Hiệp định phòng vệ song phương ký kết giữa Mỹ và Philippines năm 1951, các lực lượng Mỹ phải có nghĩa vụ bảo vệ binh lính, tàu bè và máy bay Philippines nếu họ bị tấn công trên Biển Đông.
Ngày 09/0/4/2011 Tổng Thống Aquino tuyên bố: “Trong số các nước bạn bè của Philippine không có quốc gia nào vĩ đại hơn Mỹ và Nhật Bản. Thời gian đã chứng minh rằng, chúng ta (Philippine) có thể dựa vào những nước đồng minh như họ (Mỹ và Nhật). Khi an ninh và chủ quyền của chúng ta bị uy hiếp chúng ta tin rằng họ sẽ đứng về phía chúng ta “.

Như vậy chúng ta thấy các nhà lãnh đạo Philippine đã tuyên bố cho nhân dân họ biết rõ ràng về chiến lược bảo vệ chủ quyền quốc gia của họ. Chắc chắn họ cũng cố được niềm tin của nhân dân, góp phần tăng cường sức mạnh cho dân tộc họ.

Vậy thì cho dù Philippine có nằm giữa vành đai bão Thái Bình Dương, người dân của quốc đảo này vẫn có thể ngon giấc hơn những người yêu nước Việt Nam? Chúng ta có thể tham khảo được gì qua kế sách bảo vệ chủ quyền của nước bạn?


TP HCM, ngày 29 tháng 07 năm 2011
Bùi Công Tự
Đọc tiếp...

GS. NGUYỄN MINH THUYẾT: 5 THÁCH THỨC LỚN ĐỐI VỚI QH VÀ CP

5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ

29/07/2011 07:29

(VTC News) – “Uy tín của Quốc hội sẽ được xác lập ngay qua việc bàn thảo và ra được Nghị quyết về Biển Đông” – GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

VTC News vừa có cuộc trao đổi với nguyên Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết về những thách thức đặt ra với Quốc hội và Chính phủ khóa mới.

5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ
Nguyên Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH& NV Hà Nội), người thường có những câu hỏi "gai góc" tại Quốc hội. Ảnh: Việt Dũng (Tuổi Trẻ). 

5 thách thức phía trước

Quốc hội vừa bầu ra các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Nhận định của ông về việc này?

- Trước hết, tôi xin chúc mừng các vị đã được tín nhiệm, giao những trọng trách vẻ vang nhưng rất nặng nề đó. Mong các vị sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó.

Các vị được bầu vào các chức danh lãnh đạo cấp cao kỳ này đều là những nhà hoạt động chính trị lâu năm, đóng vai trò chủ chốt trong việc đề ra chính sách và điều hành bộ máy nhà nước trong nhiều nhiệm kỳ. Họ có nhiều kinh nghiệm, cả kinh nghiệm thành công và chưa thành công.

Tôi mong nhiệm kỳ này, các vị được bầu sẽ rút được kinh nghiệm sâu sắc từ những nhiệm kỳ trước, nhất là nhiệm kỳ vừa qua, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân…

Theo ông, những thử thách nào đang chờ đợi Quốc hội và Chính phủ khóa mới?

- Theo tôi, có 5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ khóa này:

Thứ nhất là đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Người dân đang lo lắng khi chúng ta dường như say sưa với các chỉ tiêu tăng trưởng mà chưa chú ý đúng mức đến chất lượng tăng trưởng. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần xem lại việc phấn đấu theo chỉ tiêu tăng trưởng GDP, đồng thời đưa ra những chỉ tiêu mới đánh giá được hiệu quả của tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân… 

5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ
Đời sống khó khăn hơn, nhiều người tranh thủ làm thêm lúc về đêm.
Ảnh: Hoàng Hà (Vnexpress).
 

Hiện nay, ở nước ta có tình trạng phát triển kinh tế nhanh nhưng chưa bền vững, cơ cấu kinh tế không hợp lý. Công nghiệp thiên về khai khoáng, gia công, lắp ráp. Nông nghiệp vẫn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nền kinh tế chưa vận hành đúng quy luật của kinh tế thị trường… Lạm phát chưa dừng; riêng năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã vượt hơn 2 lần chỉ tiêu Quốc hội cho phép.

Có một thực tế là chúng ta đầu tư càng nhiều thì lượng tiền lưu thông càng lớn, khả năng lạm phát càng cao; mà nếu không chống được tham nhũng, lãng phí thì đầu tư càng nhiều, khả năng thất thoát càng lớn, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Báo chí mới đây đưa tin về công nhân một công ty ở ngoại thành Hà Nội hưởng lương có hơn 1 triệu đồng/tháng nên đã đình công khiến chúng ta phải suy nghĩ về hiệu quả của các doanh nghiệp kiểu này. Doanh nghiệp mở ra nhiều thì đất nông nghiệp mất nhiều, đời sống nông dân, môi trường đều bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, người lao động chỉ nhận được đồng lương rất thấp, còn nền công nghệ của đất nước thì không tiến thêm được một bước nào. Doanh nghiệp phát triển nhiều thì tốn rất nhiều điện năng, khiến chúng ta phải xây thêm thủy điện, nhà máy điện hạt nhân…, chấp nhận nhiều rủi ro lớn. Phải chăng đã đến lúc nước ta phải chọn lọc đầu tư?  

Thách thức thứ hai là bảo vệ chủ quyền, trước hết là chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng hiện nay. Nếu chúng ta để mất một tấc đất của tổ tiên để lại thì chúng ta sẽ có tội với những người đi trước và các thế hệ muôn đời mai sau. Lịch sử sẽ luận tội thế hệ chúng ta nếu để xảy ra chuyện này. Vì thế, trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ khóa mới là rất lớn.

Chúng ta ở cạnh một nước có tham vọng lớn, tiềm lực lớn thì càng phải tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng hợp tác quốc tế…để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. 

Thách thức thứ ba là phòng, chống tham nhũng. Đảng đã coi tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ của chế độ. Chúng ta đã thi hành nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng nhưng hiệu quả rất thấp. Nếu không chống được tham nhũng thì sẽ mất lòng dân, giảm sút sức mạnh của đất nước, đe dọa sự tồn vong của dân tộc, của chế độ. Chắc chắn đây là việc rất khó thực hiện, nếu không thực sự quyết tâm, kèm theo những biện pháp hiệu quả.

Thách thức thứ tư cũng rất lớn là phát huy dân chủ để huy động mọi lực lượng tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một nét mới của Đại hội Đảng XI là đề cao vai trò của dân chủ. Nhưng trên thực tế  thì vẫn chưa thấy nhiều giải pháp tốt để thể chế hóa, triển khai đường lối ấy vào cuộc sống… 

Nhiều nơi, quyền làm chủ của người dân bị xâm phạm nghiêm trọng. Ví dụ, việc cấp sổ đỏ là nghĩa vụ chính quyền phải làm cho dân nhưng nhiều nơi vẫn hành dân khủng khiếp lắm. Hay thực hiện quyền lao động, quyền có công ăn việc làm bây giờ đâu có dễ.

Ở một huyện nông thôn xa lắc xa lơ, muốn xin 1 suất dạy ở trường phổ thông cũng phải mất 80 triệu…Ngay cả việc người dân làm cái nhà, cái cửa, đi đăng ký xe cộ…cũng lắm thủ tục. Rồi chuyện giải phóng mặt bằng, tại sao có nơi làm công bằng được mà nhiều nơi thì không? Trả cho người dân giá đền bù rẻ như bèo, xong lại bán cho doanh nghiệp với giá cao ngất ngưởng, rồi chính doanh nghiệp lại bán cho dân cao hơn nữa… thì dân nào chịu nổi? Nếu không giải quyết tốt những điều này thì những bức xúc tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến mất ổn định xã hội.

Thách thức thứ năm là phát triển văn hóa, giáo dục. Tôi thấy nếp sống của một bộ phận trong chúng ta hiện nay rất có vấn đề. Lễ lạt bày ra nhiều nhưng giá trị sống thì sa sút chưa từng thấy. Nhiều thanh niên gặp nhau, nhìn nhau khó chịu là rút dao đâm nhau, rồi bao nhiêu vụ người nhà hại nhau chỉ vì những quyền lợi con con… Mặt khác, nhiều người có chức năng đem văn hóa đến cho công chúng lại hành xử rất thiếu văn hóa.

Giáo dục có nhiều cố gắng nhưng chưa thấy hiệu quả. Có lẽ nhiều sáng kiến của ngành mang nặng tính chủ quan. Nghị quyết của Đại hội XI yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, nhưng đến nay vẫn chưa biết đổi mới thế nào. Vấn đề này chắc phải trưng cầu ý kiến công chúng chứ không thể quyết một cách chủ quan được.

Hai lĩnh vực văn hoá và giáo dục chuyển biến còn khó hơn kinh tế vì thường có “độ trễ” nhất định so với phát triển kinh tế. Cho nên, nếu không lo từ bây giờ thì rất khó đạt được kết quả khi kết thúc nhiệm kỳ.

"Phép thử" biển Đông

Quốc hội lần này sẽ bàn đến Biển Đông. Theo ông, Quốc hội có nên ra Nghị quyết về vấn đề này?

- Đây chính là thử thách đầu tiên để người dân đánh giá hoạt động của Quốc hội. Vì những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta, phá hoại hoạt động lao động hợp pháp của người dân và doanh nghiệp Việt Nam trên biển, áp đặt đường lưỡi bò hết sức phi lý… đang làm cho các tầng lớp nhân dân ta lo lắng và phẫn nộ. 

5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ
Cả nước Việt Nam đang hướng về biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ảnh: Vietnamnet.
 

Nếu các đại biểu Quốc hội chỉ đọc tài liệu hoặc chỉ dừng ở việc nghe báo cáo thì không đáp ứng nguyện vọng người dân, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. 

Người dân đang trông chờ vào thái độ của các đại biểu Quốc hội. 

Tôi tin là các đại biểu Quốc hội khoá XIII sẽ xứng đáng với niềm tin mà người dân đã gửi gắm. Uy tín của Quốc hội sẽ được xác lập ngay qua việc bàn thảo và ra được Nghị quyết về Biển Đông.

Quốc hội lần này có nhiều đại biểu mới. Nếu được nhắn nhủ đến họ thì ông sẽ nói gì?

- Khi còn hoạt động ở Quốc hội, tôi thường tâm niệm là ở đời có nhiều người tài năng và tâm huyết hơn mình nhiều nhưng không phải ai cũng có điều kiện nói lên tiếng nói của người dân trên diễn đàn Quốc hội. Mình được Đảng, được dân giao nhiệm vụ thì phải gắng sức hoàn thành.

Tôi mong các đại biểu Quốc hội khoá XIII sẽ tiếp tục truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, tích cực nghiên cứu thực tế, suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề của đất nước, đưa lên bàn nghị sự để đáp ứng nguyện vọng của người dân, xứng đáng với lá phiếu mà người dân đã bầu cho mình.

Xin cảm ơn ông!


Thu nhập thực tế của người dân đang giảm


Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững là yêu cầu cấp bách để giải quyết tận gốc rễ các nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô trong ngắn hạn. Bằng một phép cộng đơn giản, trong giai đoạn 2006-2010 lạm phát tăng gần 60% trong khi tăng trưởng chỉ 35,1%. Hai con số này đã chứng tỏ thu nhập thực tế và mức sống thực của người dân, nhất là người nghèo, đã bị giảm sút rất mạnh.


Cần nhận thức rõ nội hàm khái niệm “đổi mới mô hình tăng trưởng” và “tái cấu trúc nền kinh tế” để việc triển khai có tính nhất quán và mang lại hiệu quả trên thực tế.
(Trích 10 kiến nghị của Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XII)




Nguồn: VTC News
Đọc tiếp...

TÔI ĐỀ NGHỊ ANH LÊ DŨNG LÊN TIẾNG

Trước hết, mời anh Lê Dũng và chư vị đọc bài này:

Bị truy tố vì xúc phạm Quốc kỳ


29/07/2011 11:09:32


VKSND Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) ngày 29/7 ra cáo trạng truy tố Nguyễn Vũ Anh (17 tuổi) về tội "xúc phạm Quốc kỳ".

Theo đó, Vũ Anh bị truy tố theo Điều 276 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.... hoặc phạt tù đến 3 năm.

Cơ quan công tố xác định, rạng sáng 21/5, sau khi uống rượu cùng nhóm bạn tại thị trấn Một Ngàn (huyện Châu Thành A), trên đường về nhà Vũ Anh nảy sinh ý định giật Quốc kỳ treo trước cửa nhà dân nhân dịp bầu cử Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, báo VnExpress cho biết.

Nghĩ là làm, Vũ Anh đã giật 4 lá cờ của nhà dân khiến một lá bị rách. Khi anh ta tiếp tục ra tay thì bị một người nhìn thấy, nhắc nhở: “Làm thế là vi phạm sẽ bị tù đó”. Nghe vậy, Vũ Anh đi xuống bờ kênh xáng Xà No vứt các lá cờ đã giật nhưng bị công an thị trấn bắt quả tang.

Được biết, đã xảy ra nhiều trường hợp bị truy tố do xúc phạm quốc kỳ.

Trước đó vào đêm 10/2/2008, Bùi Văn Tư (42 tuổi, trú tại ấp Mỹ Phước 2, xã Mỹ Hòa, Bình Minh) nhậu say và đi lang thang rồi bẻ cột cờ ở hai nhà dân, lấy cờ quấn vào người, quậy phá. Sau đó, Tư lẩn trốn, đến tháng 10/2008 bị bắt. TAND huyện Bình Minh (Vĩnh Long) tuyên phạt Bùi Văn Tư 12 tháng tù giam về hành vi xúc phạm quốc kỳ.

Chiều 26/1/2004 sau khi uống rượu, bia cùng một số đối tượng khác, Nguyễn Hữu Nam (20 tuổi), ở tổ 6, khu vực 1, P.Đống Đa, Quy Nhơn, Bình Đinh, đã nhổ cờ Tổ quốc của người khác treo trước nhà trong dịp Tết để kéo lê trên đường, sau đó bẻ gãy cán cờ rồi dùng chân chà đạp lên lá cờ.

Ngoài ra, khi được anh Nguyễn Văn Hường ở cùng địa phương can ngăn, Nguyễn Hữu Nam còn cùng một số đối tượng khác đánh anh Hường gây thương tích. Ngay sau đó TAND TP Quy Nhơn tuyên phạt Nam 12 tháng tù giam về tội "xúc phạm Quốc kỳ".

Bắc Lưu (tổng hợp) - Nguồn: Bee-net.vn

Nguyễn Xuân Diện:
Được biết, trong cuộc biểu tình yêu nước, phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc diễn ra ngày 17.07 vừa qua, anh Lê Dũng bị một nhân viên an ninh của Hà Nội giật Quốc kỳ mà anh đang cầm trên tay và vo lại rồi ném xuống đất.

Hành vi giật cờ Tổ quốc đã được Nhà văn Phạm Viết Đào ghi lại bằng video và hiện đang còn trên internet. Tôi đề nghị anh Lê Dũng lên tiếng về vụ này để ông Giám đốc Công an Hà Nội cho điều tra, xử lý nhân viên an ninh này!
VIDEO GIẬT CỜ TỔ QUỐC TRÊN TAY NGƯỜI YÊU NƯỚC SÁNG 17.07.2011:



Ý KIẾN CỦA ANH LÊ DŨNG:

"Ngày 17.7 vừa rồi, khi đang giơ cao Quốc kỳ trên tay ngay tại Thủ đô yêu dấu, tôi cũng đã bị một công an mặc áo thường phục lao vào giật Quốc kỳ với thái độ của kẻ man rợ. Hắn giật xong vo như mớ giẻ trong khi tay kia tiếp tục chỉ huy đám côn đồ lao vào tấn công tôi và người biểu tình.

Hành động đó diễn ra trước mặt nhiều trí thức, kẻ sĩ Đất Việt. Có người đã quay trọn Video này và đưa lên Youtube. Từ lúc tôi xem lại đến nay vẫn chưa thể bình tâm trở lại, tôi có lẽ sẽ không cần tố cáo tên đã giật Quốc kỳ này ra pháp luật nhưng sẽ có dịp gặp và nói chuyện với cả gia đình anh ta vào một ngày sớm nhất.

Hiện anh ta đang có tang - hôm đó đeo băng tang trên ngực - hãy để anh ta yên ổn với gia đình. Tôi nghĩ lãnh đạo Hà nội và công an cũng đã được xem cái Video đó, chưa biết họ sẽ nghĩ và nói gì với công luận về những hành vi tương tự: đạp mặt Dân và giằng xé Quốc kỳ, vo như mớ giẻ ?

Họ chắc chắn cũng có Tổ quốc, có Tổ tiên, Gia đình, bạn bè, cả Thế giới đã xem Video đó. Họ rồi cũng sẽ về hưu như các Cụ nhà tôi, khi ấy họ nghĩ lại cũng chưa muộn".
Nguồn: Lê Dũng -blog.


Đọc tiếp...

NGUYỄN XUÂN DIỆN NÓI VỚI RFA VỀ VIỆC CÔNG AN MỜI LÀM VIỆC

Nguyễn Xuân Diện đang tường thuật trực tiếp từ Hồ Gươm

Dưới đây là bài đăng trên RFA (trừ tiêu đề, những chữ tô đỏ là do NXD sửa lại): 

TS Nguyễn Xuân Diện nói về việc bị công an triệu tập

2011-07-28
 
Trong những lần biểu tình tại Hà Nội vừa qua, trang Blog cua TS Nguyễn Xuân Diện luôn theo dõi và đưa tin một cách nhanh chóng.
Trang Blog này có số lượng người truy cập rất lớn và có lẽ đó là trang blog được người Việt khắp nơi tin tưởng nhất hiện nay. Tuy nhiên TS Nguyễn Xuân Diện, chủ nhân của trang blog này vừa bị công an gởi giấy mời làm việc vào ngày 27 tháng 7 vừa qua. 

Vì tinh thần yêu nước

Mặc Lâm có buổi phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Diện, và trước tiên Ông cho biết:   
TS Nguyễn Xuân Diện: Dạ thưa, ngày hôm qua 27 tháng 7, vào lúc 9 giờ thì tôi đã đến phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, theo đúng như giấy mời về việc tham gia biểu tình chống Trung Quốc gây hấn vào ngày 17-7-2011.
Mặc Lâm: Xin Tiến Sĩ cho biết việc triệu tập này có bình thường hay không so với những sinh hoạt mà ông vẫn làm trong vài tháng gần đây đó, thưa ông?
Tất cả chỉ là tự phát, bởi vì họ muốn bộc lộ một cách mạnh mẽ tinh thần yêu nước, không có ai tổ chức ở đây hết.
TS Nguyễn Xuân Diện
TS Nguyễn Xuân Diện: À, tôi nghĩ rằng đây là một việc làm rất là bình thường của các cơ quan điều tra bởi vì rằng là ngoài cái phần hỏi về nhân thân như họ tên, gia đình, quê quán, nơi làm việc, vân vân, thì họ xoay quanh vấn đề là có phải đúng là người đã ký chữ ký vào bức thư gửi cho ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám Đốc Công An TP. Hà Nội, hay không. Đấy là cái thứ nhất thì tôi khẳng định tôi chính là người đã ký vào cái thư đó và vì tôi là người ký cuối cùng cho nên tôi là người viết phong bì và ra bưu điện gửi đi. 
Cái thứ hai là họ muốn hỏi là tôi có phải là người chứng kiến cái hành vi công an mặc thường phục đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức hay không, thì tôi nói rằng tôi không được chứng kiến trực tiếp nhưng mà tôi xem ảnh trên videoclip và đã trò chuyện trực tiếp với anh Nguyễn Chí Đức về việc có một sự việc như thế , và tôi nghĩ rằng tôi hoàn toàn có tư cách của người làm chứng mà đã được quy định bởi pháp luật là đã trực tiếp nghe từ chính cái người có tham gia vào sự kiện đó.

Và tôi thấy rằng công việc điều tra hỏi về vấn đề này thì nó cho thấy một tín hiệu là công an TP.Hà Nội sẽ xử lý vụ việc này, điều tra về vụ việc này, và sẽ sớm có hình thức xử lý cũng như trả lời trước công luận về hành vi của viên công an kia đối với người biểu tình yêu nước là anh Nguyễn Chí Đức.
Mặc Lâm: Riêng về việc Tiến Sĩ loan báo tin tức cũng như những diễn biến của các cuộc biểu tình thì công an có đặt câu hỏi về vai trò của ông trong các cuộc biểu tình này hay không, như là người tổ chức chẳng hạn?
TS Nguyễn Xuân Diện: Họ không đặt câu hỏi như vậy, và nếu họ có đặt câu hỏi như vậy thì tôi cũng sẽ trả lời rằng tôi không phải là người tổ chức, cũng như là các nhân sĩ trí thức không phải là người tổ chức, và không có ai tổ chức. 8 cuộc biểu tình vừa rồi, không có ai là người tổ chức hết. Tất cả chỉ là tự phát, bởi vì họ muốn bộc lộ một cách mạnh mẽ tinh thần yêu nước, không có ai tổ chức ở đây hết.

Cùng một mối lo chung

Mặc Lâm: Nhìn chung, theo Tiến Sĩ, thái độ của những người điều tra ông có gay gắt lắm hay không ạ?
Tôi đã trò chuyện trực tiếp với anh Nguyễn Chí Đức về việc có một sự việc như thế , và tôi nghĩ rằng tôi hoàn toàn có tư cách của người làm chứng mà đã được quy định bởi pháp luật.
TS Nguyễn Xuân Diện


TS Nguyễn Xuân Diện: Dạ thưa là các cơ quan an ninh, các điều tra viên mà tôi có làm ngày 27 vừa qua thì là thái độ của họ là làm việc rất được và họ cũng không có cái gì khác mà họ làm đúng nghiệp vụ của họ. Ví dụ như là khi mà họ hỏi tôi ai là người gửi thư cho ông Nguyễn Đức Nhanh, ai là người soạn thảo và đưa bản đó cho tôi ký, thì tôi nói là tôi không trả lời câu này, đó là quyền của tôi, thì họ cũng chấp nhận. Hai nữa là tôi không ký vào cái biên bản khi mà tôi không được giữ một bản thì họ cũng chấp nhận điều đó. Tôi thấy rằng là công an Hà Nội làm việc theo tinh thần tương đối là nghiêm túc và cũng tôn trọng công dân.
Mặc Lâm: Xin được hỏi Tiến Sĩ câu cuối là trong những chủ nhật sắp tới thì ông và bạn bè có tiếp tục xuống đường biểu tình nữa hay không? Và nếu có thì chương trình có gì thay đổi hay không ạ?
TS Nguyễn Xuân Diện: Chúng tôi muốn nói rằng là các anh em nhân sĩ trí thức Hà Nội dự kiến là cuối tuần này, tức Chủ nhật 31-7-2011, là sẽ không biểu tình nữa, và nếu như từ nay đến lúc đó, đến sáng Chủ nhật, mà Trung Quốc không có một hành động gây hấn nào. Tuy nhiên, nếu các vị nhân sĩ trí thức thấy mọi người đã từng đi biểu tình với nhau, 8 cuộc vừa rồi, cũng sẽ rất nhớ nhau, mà sự thực là như thế, cho nên chúng tôi sẽ có buổi gặp mặt để cùng uống cà phê với nhau ở cafe 36B phố Điện Biên Phủ. Mọi người có thể đến đấy trò chuyện với nhau để giữ mối liên hệ với nhau, cùng một mối lo chung, để mà giải tỏa tinh thần yêu nước trước các cuộc gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong thời gian vừa qua.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện đã dành thời gian cho chúng tôi trong cuộc nói chuyện ngày hôm nay.
TS Nguyễn Xuân Diện: Xin cảm ơn ông Mặc Lâm.
Đọc tiếp...

NHẬT KÝ BIỂU TÌNH: LÀM VIỆC VỚI AN NINH

Biểu tình phản đối TQ gây hấn và Tưởng niệm liệt sĩ sáng 24.07.2011 tại Hồ Gươm.
Làm việc với an ninh
(Nhật ký biểu tình kỳ 3)

Đào Tiến Thi


Khoảng 9 rưỡi sáng 25-7-2011, trưởng ban của tôi nói phòng Tổ chức thông báo chiều nay an ninh sẽ đến làm việc với tôi tại cơ quan. Cô trưởng ban không biết là chuyện gì cho nên tỏ ra khá lo lắng. Tôi nói ngay: “Chắc là chuyện anh đi biểu tình hôm rồi và có thể cả chuyện ký Kiến nghị nữa. Hai việc đó thực ra cũng chỉ là một thôi. Kiến nghị thì đã đưa lên mạng. Đi biểu tình thì họ đã ghi tên, và anh còn kể trên blog Nguyễn Xuân Diện. Mọi cái công khai, rõ ràng. Chắc là họ tìm hiểu cho rõ thêm về mình và giải thích chính sách thôi”.

Đúng hai giờ chiều, phòng tổ chức có điện gọi tôi xuống. Hai anh cán bộ an ninh đã chờ sẵn.

Hai anh cán bộ an ninh đều mặc thường phục và còn rất trẻ và rất cởi mở, nhất nhất trong xưng hô đều “chú - cháu” rất lễ phép. Một anh to khỏe, vui tính và một anh dáng thư sinh, hiền dịu. Ngay từ cái bắt tay đầu tiên và những câu thăm hỏi xã giao đã tạo ra cảm giác rất dễ chịu.

Các anh cũng không đem giấy bút ra ghi chép bất cứ thứ gì, ngoài việc lúc chia tay tôi cho các anh ấy số điện thoại, email, nhưng đấy là do tình cảm cá nhân chứ không phải do yêu cầu làm việc.

Mở đầu, các anh nói ngay lý do là thấy tôi ký vào bản kiến nghị của các trí thức đề xuất ngày 10-7-2011, bản kiến nghị mang tên Kiến nghị Bảo vệ và Phát triển đất nước trong tình hình hiện nay (gọi là Kiến nghị 1007), các anh muốn xác minh rõ hơn và muốn nghe tâm tư của tôi vì sao mà ký kiến nghị này. Các anh nói rõ tinh thần buổi làm việc là trao đổi thoải mái, không áp đặt, không quy chụp bất cứ điều gì.

Tôi nói luôn là tôi không những ký Kiến nghị mà ký cả Tuyên cáo (Tuyên cáo về việc nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam) cũng do các trí thức hàng đầu của đất nước khởi xướng ngày 25-6-2011 và tôi có tham gia 2 cuộc biểu tình, một cuộc hôm 3-7 và một cuộc 17-7, cuộc 17-7 bị bắt về đồn công an Mỹ Đình. Câu chuyện do đó lại bắt đầu bằng chuyện biểu tình.

Ngay từ đầu đã xảy ra tranh luận xung quanh từ “bắt”. Theo các anh ấy, gọi là bắt “nặng nề quá”. Nhưng tôi đã chứng minh là tôi bị bắt. Không chỉ là bắt mà là bắt bất hợp pháp, vì tôi không có lý do gì để bị bắt, và người bắt thì không mặc sắc phục công an, cũng không xuất trình giấy tờ. Cuối cùng thì các anh ấy cũng công nhận là tôi bị bắt và còn cho biết những nhân viên an ninh làm sai hôm ấy sẽ bị ngành xử lý.

Rồi các anh giải thích, việc ký kiến nghị không sai, đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn cũng không sai. Các anh ấy còn ghi nhận nhiệt tình yêu nước của tôi, nhưng nhắc tôi đừng để bọn xấu lợi dụng, chỉ thế thôi. Tôi khẳng định là không ai có thể xúi giục được tôi. Tôi làm theo sự thôi thúc của lương tri. Cũng còn rất nhiều người có lương tri nhưng họ chưa dám xuống đường hay ký kiến nghị chỉ vì sợ: sợ an ninh làm phiền. Tôi cũng có nỗi sợ ấy, nhưng đến một lúc nào đó, lương tri cháy bỏng đến độ mà nếu không làm gì sẽ thấy mình vô trách nhiệm, là có tội với Tổ quốc và nhân dân, là chịu nỗi quốc nhục không thể tha thứ.

Qua trò chuyện, tôi thấy các anh ấy rất thông cảm với nỗi bức xúc của nhân dân ta nhưng mong nhân dân cũng thông cảm cho nhà nước, đang không chỉ đương đầu với Trung Quốc mà còn đương đầu các thế lực thù địch khác mà ngành an ninh của các anh ấy đang phải đương đầu trực tiếp. Làm sao để việc, chẳng hạn như việc biểu tình chống Trung Quốc không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, biến thành chống nhà nước.

Nhân đó, tôi phát biểu quan điểm của mình về “các thế lực thù địch”, rằng địch ở đâu chứ không thể ở người đi biểu tình chống Trung Quốc. Nhà nước quá lo ngại về nhân dân sẽ là một mối nguy lớn. Nếu mối lo ngại này không giải tỏa được thì sẽ nảy sinh thêm vấn đề rắc rối và đất nước sẽ ngày càng suy yếu. Cảnh giác với “các thế lực thù địch” là đúng nhưng mong sự cảnh giác ấy không đánh nhầm vào nhân dân yêu nước.

Câu chuyện về sau xoay quanh cách ứng phó với Trung Quốc, thì vấn đề khác biệt quan niệm không lớn. Cả “nhân dân” (tức là tôi) và “nhà nước” (hai cán bộ an ninh) đều chung ý chí giữ gìn hòa bình, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Có khác chăng chỉ là phương pháp. Chúng tôi trao đổi chuyện xin “phong vương” và cống nạp thời xưa, chuyện ông Lý Thường Kiệt kéo quân sang đánh giặc Tống ngay trên đất Tống như thế nào,…

Tuy nhiên cuối cùng câu chuyện vẫn lại quay về chuyện ký kiến nghị và biểu tình. Tôi thì nhấn mạnh tác dụng của kiến nghị là nó góp ý chí và trí tuệ cho Đảng và Nhà nước, vì tất cả sức mạnh ở trong nhân dân. Tôi đưa ra hình ảnh làm sách giáo khoa của chúng tôi để chứng minh cho trí tuệ trong nhân dân lớn như thế nào. Để viết một quyển sách giáo khoa khoảng 200 trang, hàng chục giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành, cả những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực khoa học đó tham gia, lại qua hàng chục chuyên gia khác và hàng trăm giáo viên góp ý, thế mà in ra là có sai, có lỗi, là bị báo chí “nện”. Mỗi năm dư luận đều chỉ ra chỗ này chỗ nọ có lỗi hay bất cập về mặt nào đấy. Cho nên có thể nói cả những đầu óc siêu việt đi nữa cũng không thể chủ quan cho mình là đúng cả. Cái ông cầm loa giải tán đoàn biểu tình nói “đã có nhà nước lo” là sai cả lý thuyết lẫn thực tiễn.

Còn việc biểu tình chống Trung Quốc tôi vẫn khẳng định là nó tạo nên sức mạnh cho dân tộc ta. Tôi đưa ra hình ảnh: Nhà anh nếu có bọn một bọn trộm cướp lúc nào nó cũng rình mò, thì thế nào cũng nó phen nó đột nhập được. Vấn đề là nó sợ anh. Sợ chẳng may chủ nhà tóm được và trừng trị đích đáng. Nó phải thấy chủ nhà sẵn sàng đập nó, chứ chủ nhà lại sợ nó thì nó còn sợ gì nữa mà không tấn công. Người đi biểu tình chỉ có một mục đích chống Trung Quốc thôi, không có mục đích gì khác. Mà chống Trung Quốc xâm lược thì lại rất cần có nhà nước, người tổ chức, lãnh đạo. Những lúc không có giặc, nhân dân có thể bất bình với nhà nước chuyện này chuyện nọ, nhưng lúc Tổ quốc lâm nguy, hơn lúc nào hết nhân dân cần nhà nước. Điều này đúng từ trong nguyên lý. Càng đúng trong thực tế lịch sử Việt Nam.

Đại để cuộc trao đổi cứ xoay quanh mãi những chuyện như thế, kéo dài một tiếng rưỡi. Cuối cùng thì hai bên cũng hiểu nhau. Hiểu ở tấm lòng. Còn tất nhiên quan niệm từng vấn đề vẫn có sự khác nhau nhưng không khác nhau quá lớn. Các anh ấy nhấn mạnh lại là nhà nước không cấm biểu tình nhưng cũng giới hạn biểu tình ở mức kiểm soát được, không để nảy sinh vấn đề khác, đặc biệt không để việc biểu tình trở thành nguy cơ dẫn đến quan hệ thù địch giữa 2 quốc gia và là điều kiện để những thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta. Tôi thấy mình thông cảm nhiều hơn cho ngành an ninh. Có những chỗ có địch thực sự, chỉ họ mới nhìn thấy, nếu họ có “soi mói” thì cũng là vì nhiệm vụ, chúng ta nên sẵn sàng hợp tác với họ.

Kết thúc buổi làm việc, các anh hỏi tôi có hài lòng buổi làm việc hôm nay không. Tôi bảo: “Quá hài lòng. Trước khi gặp, tôi không thể tưởng tượng được nó lại tốt đẹp thế”.

Các anh cho biết trước khi đi, sếp của họ cũng căn dặn phải rất nhẹ nhàng, bởi những người trí thức họ có quan điểm riêng, họ cũng rất dễ bị tổn thương.

Tôi thấy quý trọng người sếp của các anh (mà tôi chưa biết mặt) quá. Tôi nghĩ những người như ông sỹ quan an ninh ấy và hai anh anh ninh tôi gặp hôm nay là những hình ảnh đẹp của ngành công an giữa bao nhiêu tai tiếng xấu như chúng ta đã biết.

Chia tay, các anh bảo: “Lúc nào rảnh sẽ rủ chú đi uống bia, chú đồng ý chứ?”. Anh còn hỏi: “Chủ nhật tới chú có đi biểu tình nữa không?”

Tôi bảo: “Cũng tùy tình hình: sức khỏe, công việc,... Như hôm qua chú (đến lúc này tôi không thể không xưng hô thân mật) không đi được vì mệt. Nhưng tùy thuộc nhất là thái độ của Trung Quốc. Nếu nó lại giở thói côn đồ thì chỉ trừ ốm liệt giường, chứ kiểu gì chú cũng phải đi.   

Tái bút: Trước khi gửi bài này cho blog Nguyễn Xuân Diện, tôi đã gửi cho các anh anh ninh đã làm việc với tôi xem. Các anh ấy cho cả sếp của các anh xem nữa. Họ thấy tôi ghi lại rất trung thực. Các anh chỉ đề nghị là không ghi cụ thể danh tính các anh ấy và thay những chữ “Tàu” mà tôi thường nói lúc trò chuyện bằng chữ “Trung Quốc” cho nó lịch sự. Chỉ thế thôi. 

Đây là bài thứ ba, trong loạt bài Nhật ký biểu tình của Đào Tiến Thi:

Đọc tiếp...

CHẾT CƯỜI! MỚI BẢNH MẮT ĐÃ CƯỜI LĂN RỒI

 PHÁT BIỂU CỦA BÀ ĐẶNG THỊ HOÀNG YẾN
(Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, nay đã là Đại biểu Quốc hội khóa XIII)


Xem bài về Nữ nghị sĩ Đặng Thị Hoàng Yến, bài trên BBC Tiếng Việt, tại đây.

Cả hai chị em 'đại gia' họ Đặng cùng thành ông bà nghị: Bà Đặng Thị Hoàng Yến - chủ tịch tập đoàn Tân Tạo và ông Đặng Thành Tâm chủ tịch HĐQT tập đoàn Đầu tư Sài gòn đã trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII. 


Đọc tiếp...