Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

SAU CÚ ĐẠP LỊCH SỬ, TẤT CẢ CHÚNG TA ĐÃ THÀNH NHÀ THƠ


Anh nằm đó...
Anh nằm đó...
Mắt trân trân nhìn bọn họ
Không một lời, uất ức nghẹn khô!
Chỉ vì anh đã lớn tiếng gào hô:
"Đả đảo Trung Quốc xâm lược! Phản đối Đường Lưỡi Bò!"
Chỉ có thế, chỉ vì lòng yêu nước bị bác bỏ!
Mà có người đỡ lưng cho kẻ côn đồ
Đạp vào mặt dân, không xấu hổ!
Mỗi vòng quay chân
Lại giáng một đạp
Vào giữa mặt người dân!
Bộ mặt của người dân
Nhà nước phải nâng niu quý trọng muôn phần,
Vì mặt dân tức là bộ mặt của nước!
Sao có chuyện hài hước
Công an đạp mặt dân - tức Nhà nước tự đạp chính mặt mình!
Xấu hổ thay, truyền thông loan tin khắp thế giới văn minh
Chỉ vì một con sâu lưu manh
Mồn một thấy rõ trên màn hình
Uất hận, nhưng không thể khóc!
Không thể làm thơ được nữa!
Phải kêu lên, gào lên:
Chính quyền ơi! Quốc Hội ơi!
Có nước nào như thế?
Khắp năm châu bốn bể
Mặt ngườì dân bị đạp dày như thế?
Tang chứng là quá rõ,
Tội danh khỏi phải bàn
Sao không làm ngay việc truy tố ?
Để nghiêm minh trị tội kẻ côn đồ!
Muốn bảo vệ chế độ
Phải làm ngay việc đó!
Hãy chấm dứt đàn áp dùng côn đồ!
Hãy chấm dứt người biểu tình yêu nước bị bắt bớ!

Ngạn Xuyên NGÔ ĐỨC THỌ

Ghi chú:
-Người đi biểu tình chống TQ xâm lược tên là Nguyễn Chí Đức.
-Người mặc thường phục áo carô vàng đang giơ chân đạp anh Đức là đại uý tên là Minh

Cú đạp bốn nghìn năm
Phạm Minh
Gửi người thanh niên yêu nước Nguyễn Chí Đức
Bốn nghìn năm Lạc Long Quân – Âu Cơ dựng nước
Được vua Hùng rèn đúc giang sơn
Lịch sử chống ngoại xâm như sấm rền
vang vọng mãi….
Bạch Đằng Giang máu đỏ vẫn chưa phai

Ngô Quyền – Lý Thường Kiệt - Giặc vỡ mật chạy dài
Trần Hưng Đạo – Lê Lợi – Quang Trung…
Những anh hùng đã đi vào huyền thoại
Để đến hôm nay, ta mới có đất nước này
Với tay không, đi biểu tình ta vì biển đảo
Chống giặc xâm lăng vào lấn đất quê hương

Thế mà nó nhân danh “Đầy tớ”
Đạp mặt Anh – Người thanh niên yêu nước đi đầu
Đau, đau quá! không phải đau thể xác
Tâm hồn ta đau đớn gấp vạn lần
Cú đạp đó, nó đạp vào lịch sử
Đạp vào bốn nghìn năm dân tộc đã đi qua!

Bốn nghìn măm ông cha ta vượt khó
Đuổi giặc Tầu đến mãi hôm nay
Cú đạp đó làm đau hồn sông núi
Đau cho bốn nghìn năm, đau cho mỗi chúng ta
Đau cho cả một dân tộc - đã sinh ra từ máu lửa!

Ông già miền sơn cước
25/7/2011


Đọc tiếp...

PHẠM XUÂN NGUYÊN: CHUYỆN LỚN! KHÔNG THỂ LẤP LIẾM ĐƯỢC !

Thay bia là chuyện to, không thể lấp liếm được 

Phạm Xuân Nguyên

1. Việc thay tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh viết bằng văn vần về Nguyễn Huệ đặt ở đền thờ Quang Trung (Vinh – Nghệ An) là cả chuyện to. Thứ nhất, lời đã được chọn, bia đã được khắc và dựng ngay khi đền được khánh thành. Thứ hai, lời đây là của Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng Sản Việt Nam, người anh hùng dân tộc của nước Việt Nam thế kỷ XX, mà tư tưởng và đạo đức của ông đang được Đảng phát động trong đảng ngoài dân học tập và làm theo. Thứ ba, đền thờ mới được khánh thành ngày 7/5/2008, như vậy tấm bia khắc mới được ba năm. Theo thông tin tôi được biết, việc thay bia (chưa phải đục bỏ chữ trên bia mà là dùng một lớp composite dán đè lên rồi viết chữ mới vào) mới được thực hiện vào ngày 20/5/2011. Ngày 31/5/2011 tại thành phố Vinh có hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng – Trung Đô” do UBND TP Vinh, Viện khảo cổ học, Hội Sử học Việt Nam, Liên hiệp Khoa học Công nghệ – Tin học Ứng dụng (UIA) và Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người phối hợp tổ chức. Một chủ đề chính của hội thảo là tìm kiếm nơi mai táng hài cốt của hoàng đế Quang Trung. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học, nhà ngoại cảm trong cả nước đã về dự hội thảo. Họ chắc chắn đã lên thăm đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết, trong số họ chắc chắn nhiều người trước đó đã từng lên đền thờ, đã biết có tấm bia khắc đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đặt ở bên phải từ cửa vào. Nếu đúng là lớp composite phủ lên bia đã có từ ngày 20/5 thì sao họ không phát hiện ra chuyện này và lên tiếng? Mà nếu chính quyền thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An muốn có một văn bản khác để thay thế văn bản của Hồ Chí Minh thì sao không tranh thủ cuộc hội thảo có nhiều bậc thức giả tụ hội về để hỏi ý kiến, đề xuất? Một tấm bia khắc lời lãnh tụ mới dựng ba năm đã vội vàng lấp liếm, thay thế bằng hành động dán đè lên khi chưa có quyết định, khi còn đang gọi là “thăm dò dư luận”, lại chỉ mới làm cách đây hai tháng, động thái đó có nghĩa là gì? Câu hỏi xin dành cho những người chịu trách nhiệm trước ngôi đền, trước Nguyễn Huệ, trước Hồ Chí Minh, trước nhân dân?

 2. Trong những ý kiến phản hồi bài viết trước của tôi, có một số người cho biết lý do duy nhất được đưa ra ở Nghệ An để thay bia là có ai đó cho đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ nôm na, lại có chữ “kẻ” nghe không hay, không kính. Đây là một lý do vin vào hình thức bên ngoài mà thực ra là không hiểu biết gì về quan điểm nhân dân của Hồ Chí Minh.

Suốt đời ông Hồ viết và nói cốt cho dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm. Nhất là khi ông mới về nước sau ba mươi năm ở nước ngoài. Tám mươi phần trăm dân chúng là nông dân, phần đông là thất học, mù chữ, muốn tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho họ thì phải có cách nói làm sao cho họ dễ nhớ, dễ thuộc. Đặc biệt khi nơi đầu tiên tuyên truyền cho dân lại ở vùng núi. Cho nên ông Hồ đã trình bày những điều cao xa, sâu sắc bằng những ngôn từ giản dị, bằng lối nói khẩu ngữ để nhân dân thấy gần gũi, dễ hiểu. Toàn bộ bản diễn ca Lịch sử nước ta dài 208 câu lục bát ông Hồ viết năm 1941-1942 tại Cao Bằng chính là theo tinh thần ấy. Ông kể lần lượt các triều đại với công tích chính là chống giặc ngoại xâm bằng cách nêu tên người anh hùng dân tộc qua mỗi thời kỳ rồi đúc rút thành bài học. Bài học đó luôn luôn là sức mạnh đoàn kết toàn dân. Đoạn thơ ca ngợi Nguyễn Huệ là tập trung nhất, khái quát nhất cho truyền thống quý báu xuyên suốt lịch sử dân tộc đó. Câu chữ đơn giản mà chính xác, lời thơ mộc mạc mà sâu sắc, làm bật được tư tưởng lớn: Giặc Tàu dẫu hung hăng nhưng non sông nước nhà ta vẫn được dân ta giữ gìn trọn vẹn bởi dân ta biết cùng nhau một lòng và có người lãnh đạo chí cả tài cao. Một dân tộc đồng tâm nhất trí từ trên xuống dưới, từ người cầm quyền đến dân chúng, thì không một kẻ thù nào dù xảo quyệt, mạnh bạo đến đâu, có thể khuất phục. Đánh giá Nguyễn Huệ, đánh giá sức mạnh của Nguyễn Huệ và nhân dân như vậy thật là cao cả, tuyệt vời. Nhưng ở đây ông Hồ không chỉ nói về riêng về một cá nhân, một triều đại, ông khái quát bài học chung, ông rút ra tư tưởng lớn cho cả một trường kỳ lịch sử chống giặc phương Bắc của dân tộc Việt Nam. Chọn đoạn thơ này khắc vào bia đặt ở đền thờ Quang Trung, theo tôi, mới thật là đích đáng.

Còn nói đoạn thơ của Hồ Chí Minh là “nôm na” thì chính sự nôm na đó lại phù hợp nhất với tinh thần, phong thái của “người anh hùng áo vải”. Nguyễn Huệ là người chân thật, mộc mạc trong lời ăn tiếng nói của mình, theo như các sử liệu để lại cho biết. Con người phi thường với thiên tài quân sự lỗi lạc khác lạ đó viết hịch đánh quân Thanh pha trộn cả lời Nôm và lời Hán “đánh cho để dài tóc / đánh cho để đen răng / đánh cho nó chích luân bất phản / đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Chính Nguyễn Huệ khi lên ngôi hoàng đế đã có những quyết sách trong văn hóa và giáo dục để đưa chữ Nôm trước nay còn bị xem thường (“nôm na là cha mách qué”) lên địa vị chữ viết chính thức của nước nhà, khi lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam dưới thời ông chữ Nôm được đưa vào thi cử. Khi dân làng Văn Chương (Hà Nội) làm đơn đề nghị cho dựng lại những tấm bia Văn Miếu bị đổ do các trận binh đao, Nguyễn Huệ-Quang Trung đã phê vào đơn bằng hai câu nôm tuyệt vời: “Nay mai dựng lại nước nhà / Bia nghè lại dựng trên tòa nhân gian”. Tôi nhắc lại mấy sự kiện mà ai đọc sử cũng biết để thấy rằng đoạn thơ của người anh hùng dân tộc thế kỷ XX là có sự tương thông tinh thần xuyên lịch sử với người anh hùng dân tộc thế kỷ XVIII được nói đến. Vì vậy, khắc ghi những câu ca có vẻ như “nôm na” của Hồ Chí Minh tại đền thờ Quang Trung lại có thêm ý nghĩa nhắc nhở cháu con về một phương diện văn hóa đầy ý thức dân tộc của vị hoàng đế phi thường này.

Trong 208 câu của bản diễn ca lịch sử, ông Hồ ba lần dùng chữ “kẻ”. Đầu tiên là với ông vua sáng lập nhà Lý: “Công Uẩn là kẻ phi thường”. Y như câu cho Nguyễn Huệ. Ông Hồ chỉ dùng chữ “phi thường” cho hai nhân vật lịch sử này vì quả là họ phi thường thật: Lý Công Uẩn là người có nhãn quan chính trị lớn nên đã dời đô từ rừng núi về đồng bằng, mở đầu thời đại phát triển độc lập của quốc gia Đại Việt; Nguyễn Huệ là người có thiên tài quân sự đột biến trong lịch sử Việt Nam, đánh nhanh thắng nhanh, thần tốc, táo bạo. Nói vậy để thấy ông Hồ dùng chữ “kẻ” ở đây không hề là khinh xuất. Trước khi nói về Nguyễn Huệ, từ “kẻ” lại được ông Hồ dùng để chỉ cả ba anh em nhà Tây Sơn: “Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau / Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng / Dân gian có kẻ anh hùng / Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn”. Chữ “kẻ”, như thế, dưới ngòi bút của Hồ Chí Minh không hề là xách mé, tầm thường, mang nghĩa coi nhẹ nhân vật. Ngược lại, nó chỉ người đáng trọng, đáng kính. Như trong tên gọi “ kẻ sĩ”. Như trong tục ngữ ai cũng biết: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Hay trong câu đối truyền miệng: “Bác là kẻ cả trong làng / Tôi là người sang ở nước”. Lại cũng ở bản diễn ca có câu “Mấy năm ra sức Cần Vương / Bọn ông Tán Thuật nổi đường Hưng Yên” khi ông Hồ viết về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp. Nếu vin vào bốn chữ “bọn ông Tán Thuật” để nói ông Hồ là “thất lễ” với tiền nhân thì quả đọc chữ không vỡ chữ.

 3. Một phản hồi có dẫn ra công văn nói về việc tổ chức thi tuyển và thực hiện văn bia đền thờ Vua Quang Trung. Công văn này do UBND thành phố Vinh và Hội đồng thi tuyển và thực hiện văn bia đền thờ Vua Quang Trung đưa ra, được chủ tịch UBND thành phố là Nguyễn Hoài An ký. Theo như thời gian nhận bài thi được nêu trong công văn là từ 11/7/2008 đến 10/8/2008 và theo câu viết trong phần “Mục đích” cuộc thi rằng “Trên cơ sở nội dung đã được lựa chọn, phê duyệt, tiến hành xây dựng lại công trình văn bia xứng tầm với quy mô của công trình.” (mấy chữ in nghiêng của tôi – PXN) thì biết được là cuộc thi này nhằm để thay bia – thay hai tấm bia đã được dựng lên từ đầu ở đền thờ. Xin nhắc lại là đền thờ Quang Trung ở Vinh mới được khánh thành ngày 7/5/2008. Như vậy, vừa khánh thành đền thờ xong thì đã thay bia. Tại sao lại thế? Có phải đoạn thơ của Hồ Chí Minh được chọn và được khắc từ đầu là sai lầm? là không “xứng tầm với quy mô của công trình”? Mà thời gian nhận bài thi chỉ trong vòng một tháng, lại là thi văn bia – một thể loại cổ văn ngày nay ít người am hiểu và viết được, thì mong thu được cái gì? Rốt lại thì cái công văn này, theo người phản hồi cho biết, không phải là chính thức, mà chỉ là “bản dự thảo công văn, được gửi tới qua mail cho một số người được hỏi ý kiến trước.” Nếu như đây là có thật, thì nội một việc đó thôi đã cho thấy sự không nghiêm túc của những người lập bia, dựng bia, bỏ bia, và thay bia!

 4. Tôi đang viết bài này thì nhận được mấy cú điện bảo vào trang blog Phạm Viết Đào đọc đi. Tôi vào thấy bài “Nghệ An không đục xóa thơ của cụ Hồ Chí Minh trên văn bia tại đền thờ Quang Trung”. Ông Đào viết: “Ông Trần Ngọc Lữ  (trưởng ban quản lý di tích) đã đưa tôi ra tấm bia để giải trình về chuyện này. Theo ông Lữ thì nhiều du khách đến thăm đền có đặt dấu hỏi: Tại sao lại gọi Hoàng đế Quang Trung là “kẻ; đây là bài thơ Cụ Hồ viết trước 1945, từ “kẻ“ không mang ý nghĩa miệt thị vì Hà Nội còn được gọi là “kẻ chợ“… Vì chiều lòng du khách nên Ban quản lý du khách làm thêm một phiên bản mới chồng lên để xem phản ứng của du khách… Vì thế nên đã dẫn tới sự hiểu nhầm: Nghệ An xóa thơ cụ Hồ Chí Minh viết về Quang Trung tại Đền thờ Quang Trung vừa được xây dựng trên núi Dũng Quyết…” Hình như ông bí thư tỉnh ủy Nghệ An cũng vừa tuyên bố như ông trưởng ban quản lý di tích này, nếu đọc trên một blog khác. Lạ thật. Lấy bản mới dán chồng lên bản cũ, che lấp bản cũ, không cho ai đọc được bản cũ, như vậy không gọi là xóa thì gọi là gì? Đâu phải đục bỏ bia thì mới coi là xóa bỏ. (Ở Hà Nội, tấm bia tưởng niệm Alexandre de Rhohdes ở đền Bà Kiệu trước đây cũng bị cất bỏ lâu nay trong kho, không được đem ra dựng ở đâu, thì như thế cũng coi như là xóa bỏ những lời ghi trên bia về công lao của vị giáo sĩ này đối với chữ quốc ngữ nước ta). Nói “chiều lòng du khách” thì là chiều lòng ai, khi những khách thắc mắc là đã có đọc tấm bia khắc lời ông Hồ, còn những khách đến sau thì sao, khi họ đã bị bịt mắt trước những lời ông Hồ nói về Nguyễn Huệ bởi lớp dán chồng lên đó? Rồi những khách thăm cũ, như tôi chẳng hạn, bây giờ trở lại đền thờ, muốn coi lại tấm bia có khắc đoạn thơ ông Hồ viết về Nguyễn Huệ mà mình đã biết (cũng là một dạng “thắc mắc” đấy, khi thấy bia bị dán đè lên) thì ban quản lý có “chiều lòng du khách” là tôi để lột bỏ lớp dán mới đi cho tôi được xem tấm bia cũ hay không? Nhưng điều nghiêm trọng ở đây là: Ở chốn đền thờ trang nghiêm, trên một tấm bia uy nghi, khắc ghi lời lãnh tụ, tại một khu di tích lịch sử cấp quốc gia, ai đã dám quyết định cho phép làm cái việc tày đình là dán đè, phủ lấp bài văn bia đang hiện có, mà chỉ với lý do “chiều lòng du khách”? Luật Di sản văn hóa có cho phép vậy không? Rồi nếu sau một thời gian thấy văn bản mới không hợp, không được du khách đồng tình, thì người ta lại thản nhiên bóc lớp dán ra, để lại phơi ra bản văn bia cũ, tức là đoạn thơ của Hồ Chí Minh, hay sao? Thật tùy tiện và cẩu thả hết chỗ nói. Dán một tờ thông cáo này đè lên một tờ thông cáo khác trên bản tin còn phải thận trọng, cân nhắc, huống chi đây là cả một tấm bia đá lớn, một tấm bia đá khắc ghi những lời đánh giá lịch sử của một vĩ nhân về một vĩ nhân. Như vậy, hành động dán đè lên bia còn tệ hại và nguy hiểm hơn đục bỏ bia. Tôi coi đó là hành động bịt miệng Hồ Chí Minh! Mà lý do vì sao thì tôi đã nói ở bài trước.

5. Yếu tố Tàu trong chuyện này là không thể loại bỏ. Nhất là trong thời điểm hiện tại. Nếu không vì mấy chữ gọi nước láng giềng là Tàu, lại thêm những lời ca ngợi chiến công đánh Tàu của dân ta dưới tài thao lược của Nguyễn Huệ thì tôi dám chắc đoạn thơ của Hồ Chí Minh đã không bị xét nét đến nỗi đành chịu che phủ, dán đè. Nghĩ cũng là ghê. Những ý chê đoạn thơ không nói được công lao thống nhất đất nước của Nguyễn Huệ, hay chỉ nói giặc Tàu mà không nói giặc Xiêm, rõ ra là của người không chịu tìm hiểu lịch sử nước nhà. Xiêm chưa bao giờ là kẻ thù thường trực, nguy hiểm của nước ta. Tàu mới là mối nguy cơ chính. Công lao thống nhất đất nước, định vị một Việt Nam lãnh thổ và chủ quyền như ngày nay, là công của Nguyễn Ánh trên cái “mặt bằng” đã được Nguyễn Huệ dọn dẹp. Đó là sự thật lịch sử. Yếu tố Tàu trong chuyện này cho thấy sự nhạy cảm chính trị của những người có trách nhiệm ở Nghệ An là vừa có vừa không. Không là đối với nhân dân trong nước, họ dư biết rằng việc che lấp lời Hồ Chí Minh tại đền thờ Quang Trung một cách hấp tấp, tùy tiện vào thời điểm như hiện nay là động đến cả ý thức dân tộc và lòng yêu nước của dân ta, vậy mà họ vẫn làm ngang nhiên, đặt toàn dân trước việc đã rồi. Có là đối với ai đó bên ngoài, họ sợ những phản ứng của cái nơi được gọi thẳng tên trong bài văn bia. Mọi người có quyền suy luận và nghĩ như vậy trước thực tế những gì đã xảy ra quanh tấm bia mang lời Hồ Chí Minh nói về Nguyễn Huệ tại đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết (Vinh – Nghệ An).

Tóm lại, thay bia là chuyện to, không thể lấp liếm được. Chỉ nêu câu hỏi chót: Nghệ An không xóa thơ Hồ Chí Minh trên bia, vậy khi nào Nghệ An bóc tấm dán đi để thơ Hồ Chí Minh lại hiện ra trên bia trước mắt mọi người? Hay rồi đây dựng tấm bia mới, còn tấm bia có lời ông Hồ sẽ bị đưa vào kho để chìm trong bóng tối mãi mãi, hoặc tệ hơn sẽ bị đục bỏ một cách âm thầm, và như thế là hoàn tất một quá trình dựng bia và phá bia mang ngôn từ và tư tưởng Hồ Chí Minh?

 Hà Nội 26.7.2011
PXN
Đọc tiếp...

AI LÀ NGƯỜI ĐẸP NHẤT 6 THÁNG ĐÀU NĂM 2011 ?

Ảnh: Lê Tuấn Anh

Quốc Toản

Có một cô giáo gọi điện hỏi tôi: Trong số các Hoa hậu Việt Nam kể từ Bùi Bích Phương (hoa hậu năm 1988) cho đến nay, anh thấy ai đẹp nhất?

Tôi hỏi: Để làm gì?. Em bảo: - Để em giảng cho học sinh về cái đẹp. Tôi đành ậm ừ nói là cho anh suy nghĩ và trả lời em sau. Bởi đánh giá cái đẹp hình thức thì dễ nhưng đánh giá cái đẹp nội tâm không dễ chút nào...

Và đó chính là lý do tôi viết bài này.

Tôi không biết ở nước ngoài người ta tổ chức các cuộc thi, bình chọn cho các sự kiện như thế nào, tiêu chí ra sao. Nhất là việc bình chọn về cái đẹp.

Nhưng tôi có thể khẳng định, ở Việt Nam việc bình chọn, chấm giải, tổ chức sự kiện...diễn ra thì hầu hết là “dính chưởng”, là scandal, là lình xình, kể cả người thi và người chấm gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đó là chưa kể các hoa hậu, người đẹp Việt Nam làm hổ danh con cháu bà Trưng, bà Triệu.

Nhiều hoa hậu sau khi đăng quang đã làm xấu đi hình ảnh của người phụ nữ Việt. Chỉ xin đơn cử một vài trường hợp (chứ kể ra thì còn nhiều lắm) mà báo chí “Quốc doanh” đã đưa tin. Đằng sau ánh hào quang và vương miện, đằng sau sân khấu là một cuộc sống bình thường với vô vàn những yêu ghét, được mất, những dung nhan hàng đầu của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng không thoát khỏi nỗi truân chuyên.

Hà Kiều Anh (hoa hậu 1992) là một trong những Hoa hậu Việt Nam đăng quang ở độ tuổi trẻ nhất, lúc đăng quang cô chỉ mới 16 tuổi. “Là người đẹp nên Hà Kiều Anh đã may mắn loạt vào mắt xanh của những đại gia có tiền, có địa vị xã hội và đại gia may mắn được người đẹp đem lòng yêu thương là Nguyễn Gia Thiều, một đại gia vô cùng có tiếng ở Sài Gòn. Nói về Nguyễn Gia Thiều thuở mặn nồng, Hà Kiều Anh không tiếc lời vàng ngọc khi nhận xét về tình yêu này: Anh định cư tại Pháp từ năm 11 tuổi, một mình phấn đấu tạo lập sự nghiệp ở xứ người. Anh ấy yêu mình bằng một tình yêu rộng lớn, yêu cả cái tốt lẫn cái xấu. Kiều Anh thích sau này sẽ sinh thật nhiều con và dạy chúng theo tính cách của anh ấy. Tới năm 2005, đại gia và người đẹp đã đăng kí kết hôn nhưng chưa kịp tiến hành tổ chức đám cưới thì Nguyễn Gia Thiều bị kết án 20 năm tù giam vì tội buôn lậu và trốn thuế. Hà Kiều Anh cũng bao phen rơi nước mắt khổ sở khi bị mời hầu tòa vì tội danh của Nguyễn Gia Thiều. Hình ảnh cô tới lui các phiên tòa, nước mắt ngắn dài khóc cho số phận của mình và chồng ngập tràn trên các trang báo đồng nghĩa với việc hình ảnh của cô mất bớt vẻ trong sáng trong mắt công chúng. Hứa sẽ đợi chồng về, nhưng sau 5 năm Nguyễn Gia Thiều ngồi bóc lịch thì Hoa hậu Hà Kiều Anh cũng làm đơn li dị và lấy chồng mới, hiện đã có một bé trai bụ bẫm. Cô cũng lặng lẽ sống và làm tròn nghĩa vụ của một người vợ và hầu như không còn tham gia bất cứ một sự kiện giải trí nào.”

Nguyễn Thu Thủy (HH 1994) “cô được biết tới là một phụ nữ thông minh, có tài kinh doanh và sở hữu sắc đẹp “bất chấp thời gian”. Vốn là hoa hậu không có scandal, thế nhưng tới năm 2010 trên cương vị là BGK cuộc thi HHVN, cô đã có một phát ngôn khá sốc khi khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng “Bản thân cái đẹp đã là một tài năng…”


Câu nói này chẳng khác nào cô chỉ tôn vinh và đề cao cái đẹp ngoại hình quá mức mà quên đi các giá trị khác của đạo đức, tinh thần và trí tuệ. Báo giới tốn không ít giấy mực, người dân bức xúc với quan điểm về cái đẹp của một người đang nắm trong tay quyền “chọn mặt gửi vàng” ai sẽ là người đại diện cho phụ nữ Việt Nam. Không ít người cho rằng Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đã quá thông minh khi sử dụng “chiêu bài” này để tạo scandal nhằm hâm nóng tên tuổi dường như đã “nguội lạnh” của mình.

Trước khi đăng quang, Phan Thu Ngân (HH 2000) “...là con một gia đình lao động nghèo, sống bằng nghề bán bánh canh ngoài chợ. Cô gặp Mai Thanh Hải (con trai nguyên Thứ trưởng thương mại Mai Văn Dâu), và trở thành phu nhân của chàng công tử này. Một ngày, sự thật phũ phàng đến với cô khi bố chồng, chồng bị bắt vào tù vì tội tham nhũng và làm giả giấy tờ tài liệu. Đến lúc này bộ mặt thật của chồng hoa hậu mới được báo chí phanh phui: Mai Thanh Hải là đại gia ăn chơi khét tiếng, nghiện hàng trắng.”

Nguyễn Thị Huyền (HH 2004) “Chưa kể, chuyện Huyền “cạo trọc đầu” để đóng phim (?). Bẵng đi một thời gian, sau khi bỏ dở việc học hành tại Anh để đi lấy chồng, Nguyễn Thị Huyền trở về Việt Nam và tham gia làm MC cho phần thi phụ “Người đẹp áo tắm”, trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Trái đất. Không ai nghi ngờ gì về khả năng tiếng Anh của cô hoa hậu đã từng du học và làm việc tại Anh hơn 4 năm, cho tới khi chương trình này kết thúc. Cách nói ấp úng thiếu chuyên nghiệp, không gãy gọn, phát âm sai, pha trộn tiếng Anh và tiếng Việt của Huyền đã khiến không ít người thất vọng, dẫn tới những nghi ngờ  về chất lượng học tập 4 năm tại Anh của cô.”

Trở về VN cùng chồng và con gái, hạnh phúc ngập tràn và tự hào về gia đình bé nhỏ. 6 tháng sau, tin đồn Huyền bị chồng bỏ lan truyền. Không đính chính, không phủ nhận, cô chỉ lấp lửng: “Tôi lo cuộc sống của người thân bị ảnh hưởng nên sẽ không trả lời. Thế nhưng với phát biểu của một ca sĩ nổi tiếng vốn là bạn rất thân của cô, có lẽ mọi người cũng không cần cô phải giải thích thêm nữa.”

Xin kể một vài trường hợp về các hoa hậu Việt như vậy để bạn đọc có thể cảm thông và tha thứ cho những lỗi lầm, những nỗi buồn của họ. Trong số đó, có người đang “phục hồi danh dự” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tôi không có ý làm xấu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Bởi người phụ nữ Việt Nam, rất nhiều người không đi thi hoa hậu nhưng họ đẹp trong mắt của hàng triệu triệu trái tim Việt Nam.

Vậy là tôi không mất thời gian để bình chọn “Người đẹp trong mắt tôi” 6 tháng đầu năm 2011. Tôi chưa dám bình chọn cả năm vì lý do...chưa hết năm, và như thể sẽ “chặt chẽ hơn”.

Người mà tôi bình chọn ở đây là một cô gái không đi thi bất cứ ở một cuộc thi nào. Dĩ nhiên là cô gái ấy chưa bao giờ để người ta xăm soi 3 số đo, không thi ứng xử theo tiêu chí của Ban Tổ chức giải. Nghĩa là cô gái ấy không phải đi lại uốn éo trên sân khấu với các loại trang phục. Không phải cao giọng hoặc thậm chí học thuộc lòng, có cô nói “nhạt như nước ốc” về hiểu biết xã hội như các cuộc thi hoa hậu.

Tôi chọn theo tiêu chí của cụ Hồ: “Phụ nữ Việt Nam, anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Và, đã là bình chọn thì cũng phải chọn cái đẹp hình thức nữa. Nhưng hình thức chỉ là sự lựa chọn thứ hai.

Vậy là tôi đã chọn Trịnh Kim Tiến.
Anh mong em Trịnh Kim Tiến (lẽ ra phải gọi là chú cháu) đừng quá khiêm tốn mà “xin rút”. Em là một biểu tượng đẹp về lòng yêu nước “Gác hận thù, vì nghĩa lớn”. Xứng danh con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.

Những người yêu nước Việt. Những người xuống đường biểu tình chống bọn bá quyền Trung Quốc gây hấn, cướp bóc, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, xin cho ý kiến nhận xét.

Viết xong bài này, tôi gọi điện cho cô giáo và bảo: Anh chọn Hoa hậu Trịnh Kim Tiến. Phía đầu dây bên kia ấp úng: - Em không biết Hoa hậu Trịnh Kim Tiến là ai? thi bao giờ vậy anh?


- Vậy là em rất lười đọc...thì em cứ chịu khó lên mạng, đọc sẽ biết.


Tôi tắt máy và nghĩ về em Tiến. Nghĩ đến bức ảnh mà anh chàng “Tây” nhìn em như bị...hút hồn!
Đọc tiếp...

BÀI PHÁT BIỂU CỦA GIÁO SƯ TƯƠNG LAI TRONG LỄ TƯỞNG NIỆM

Giáo sư Tương Lai phát biểu trong lễ tưởng niệm.

Bài phát biểu tại lễ tưởng niệm

Kính thưa các cụ, thưa quý vị,

Trong những ngày nặng trĩu suy tư này, hôm nay, 27 tháng 7 năm 2011, ngày thương binh liệt sĩ, ngày tổ quốc tri ân những người đã bỏ mình vì đất nước để có một Việt Nam ngàn năm văn hiến do ông cha để lại, non sông quy vào một mối, chúng ta có mặt tại đây để cùng đồng bào cả nước nghiêng mình trước anh linh những người đã bỏ mình vì sự toàn vẹn của đất nước.

 Trước tình hình nóng bỏng ở Biển Đông do những thế lực hiếu chiến trong giới cầm quyền Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm hải phận của ta, bắt giữ hãm hại ngư dân chúng ta, cắt cáp thăm dò dầu khí ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của ta, tiếp tục những tội ác của chúng đã gây ra tại Hoàng Sa năm 1974 khiến 74 người con yêu của đất nước đã hy sinh và năm 1988 lại 88 chiến sĩ dũng cảm nữa ngã xuống tại Trường Sa vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Và rồi , máu của Việt Nam vẫn đang chảy trên Biển Đông.

Quả thật chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đã không cam chịu một nước Việt Nam thống nhất và hùng mạnh làm cản trở tham vọng nuốt trọn Biển Đông và tràn xuống Đông Nam Á như xưa kia cha ông chúng đã từng theo đuổi. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 do Đặng Tiểu Bình phát động, đánh một đòn hiểm khi những vết thương chiến tranh kéo dài hơn một phần tư thế kỷ trên đât nước ta chưa kịp hàn gắn, đời sống của nhân dân ta cực kỳ khó khăn, đã phơi trần dã tâm chưa lúc nào từ bỏ của chúng.

Vì vậy, hôm nay trong lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây nam và ở Hoàng Sa, Trường Sa chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ đến những người đã khuất, sẻ chia với những thương binh, bệnh binh và gia đình của những người đã nằm xuống trong chiến tranh những cam go họ đang phải chịu đựng.

Kinh Thánh có viết : Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn.” (Is. 50,4). Những điều chúng ta nói lên hôm nay để tưởng niệm những người đã ngã xuống, máu của họ đã thấm đẫm trên từng thước đất, thước biển của tổ quốc ta, là những lời nói gan ruột.

Đức Phật lại dạy : “Nước mắt nào cũng cùng một vị măn, máu của người nào cũng cùng một màu đỏ”. Chúng ta càng thấm thía rằng, máu nào đã tô thắm mảnh đất thiêng này cũng là máu Việt Nam.

Vì thế, chúng ta nhớ lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”, để khẳng định quyết tâm xóa bỏ mọi kỳ thị định kiến, góp tâm góp sức làm lành vết thương chứ không để cho cho cơ thể Tổ quốc tiếp tục rỉ máu. Giọt nước mắt Việt Nam nào cũng có vị mặn, giọt máu nào của cơ thể Việt Nam cũng màu đỏ.

Chúng ta càng ghi nhớ lời dạy của ông cha ta : “Gươm dơ lấy nước làm sạch. Nước dơ lấy máu làm sạch”. Máu của bao thế hệ Việt Nam đã tưới đẫm từng thước núi, tấc sông của Tổ quốc từ thưở Vua Hùng dựng nước cho đến tận hôm nay quyết không uổng. Vì thế, để xứng đáng với truyền thống quật cường dựng nước và giữ nước mà ông cha ta muôn đời truyền dạy, chúng ta quyết không một phút mơ hồ trước mưu toan xâm lược nhằm thực hiện mộng bành trướng của các thế lực hiếu chiến Trung Quốc.

Chúng ta cảm động khi thấy tên của những người anh hùng trong các trận quyết tử để bảo vệ Hoàng Sa của năm 1974 và Trường Sa của năm 1988 được những thanh niên yêu nước giương cao trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngay tại Hồ Hoàn Kiếm, trái tim của Thủ đô ngày 24.7.2011 vừa qua. Tấm gương hy sinh của thế hệ đi trước đang tiếp sức cho thế hệ hôm nay tỉnh táo và hiên ngang thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, không đang tâm ngồi nhìn bọn cướp nước đang trăm mưu nghìn kế thực hiện chính sách thâm hiểm của chúng. Đó chính là cách thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất trong vô vàn những cách thức khác nữa để tưởng niệm những người đã khuất

Vì thế, giọt nước mắt trong lễ tưởng niệm này cũng là  “…Giọt nước mắt thương dân. Dân mình phận long đongnhư người nhạc sĩ tài hoa nọ đã hát. Đây chính làdòng nước mắt trong tim. Chảy lai láng vào hồn…” của mỗi chúng ta. Tâm hồn của mỗi chúng ta đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, trái tim của mỗi chúng ta đang đập theo nhịp sóng Biển Đông. Chúng ta mong đợi Quốc Hội đang họp sẽ có một Nghị quyết toàn diện và mạnh mẽ về Biển Đông, tiếp sức thêm cho hành động yệu nước của chúng ta.

Lễ tưởng niệm này chỉ là một dấu nhấn trong toàn cảnh hoạt động của mỗi người dân yêu nước. Chúng ta tin rằng anh linh của các liệt sĩ tại các trận chiến đấu trên biển năm 1974, 1988, cuộc chiến đấu trên bộ ở biên giới Tấy nam và Biên giới phía băc năm 1979, hồn thiêng sông núi muôn đời Việt Nam, chứng giám cho nhịp đập trái tim yêu nước của tất thảy những lương tâm Việt Nam, để họ biết cách hiến dâng những suy tư và hành động cao cả cho sự nghiệp thiêng liêng của đất nước.

Một lần nữa, xin kính cẩn nghiêng mình.

Tương Lai


Đọc tiếp...

GIÁO SƯ NGÔ ĐỨC THỌ NÓI VỀ "HƠI GIÓ THOẢNG QUA"


Thư của Giáo sư Ngô Đức Thọ:

Thân gửi Lâm Khang và các bạn,

Chuyện của tôi không ly kỳ mấy, nhưng kể cũng là bất thường. Số là từ khi chuyển nhà đến địa chỉ ở phường Đội Cấn này đã 12 năm, tôi chỉ hân hạnh đượcc tiếp quý anh CA bạn dân có 2 lần là 2 anh CS khu vực mới đến địa bàn, đi chào hỏi làm quen các nhà dân, và 1 lần nhà bị mất trộm, anh CSKV đến nghe phản ảnh tình hình. Bẵng đi đã lâu chẳng có dịp gì để được gặp các anh. Vậy nhưng tối hôm kia (22-7) nhà tôi có các cháu về chơi, ăn uống xong cũng đã gần 9 giờ, thấy các cháu báo có anh CA đến, tôi liền bảo mời vào. Vì nhà lúc ấy đông người, tôi muốn đỡ phiền anh ta phải trò chuyện đãi bôi, cho nên ngần ngừ một chút rồi tôi hỏi trước. Hoá ra là chính anh CSKV dạo trước đã đến khi xẩy chuyện mất trộm. Anh ta nói chỉ ghé thăm hỏi qua về hộ khẩu. Vợ tôi đi lấy sổ hộ khẩu mang xuống, anh ta cũng giở qua giở lại hỏi vài câu. Nhà có mấy khẩu thì trước sau vẫn thế nhưng cũng phải nhanh nhẹn điểm lướt qua cho anh ta nghe. Chẳng có gì để ghi chép, anh ta chỉ hỏi một câu lờ mờ : "Thế bác đã về hưu chưa?" Cầm sổ hộ tịch năm sinh rõ ràng thì biết năm nay tôi đã 75, lại còn phải hỏi nữa thì tôi biết chuyện anh ta vu vơ. Rồi anh ta trả sổ,coi như hết chuyện. Anh ta không dám nói chuyện gì lung tung, nhưng ngồi một lúc rồi nhỏ nhẹ hỏi thêm:  "Bác có biết chị Kim Anh không?". Tôi đáp: Biết chứ! Cô ấy làm việc cùng viện với tôi sao tôi lại không biết? Nhưng anh hỏi chị ấy có việc gì?"

- À không, việc riêng có người bạn nhờ hỏi. Nghe đến đây thì tôi đã biết chắc anh ta đến đây làm gì. Tôi đáp:

- Nhà chị ấy ở đâu thì tôi không biết, nhưng gần đây thôi, trên khu tập thể của Viện KHXH đầu phố Đội Cấn ấy. Tôi về hưu đã lâu không lên chơi trên ấy nên bây giờ chính tôi lên đó cũng chưa chắc tìm ra! Anh có việc gì cứ lên đó mà hỏi.

Lần này thì hết chuyện thật, tôi gọi cháu bật đèn cổng cho chú CA về. Thật ra anh ta không hỏi câu cuối cùng thì tôi cũng đã đoán được mục đích chuyến ghé vào của anh ta. Có mà cù lần mấy cũng không khỏi liên hệ đến cuộc "đi uống cafê" sáng chủ nhật tuần này 24-7 như đã hẹn nhau! Anh ta tuyệt nhiên không nói gần nói xa gì đến các cuộc "đi" ấy cả, trong khi đó thì tôi đã rất nhanh chuẩn bị trong đầu hễ anh ta nói vào chủ đề ấy hoặc khuyên dạy thế nào đó là tôi sẽ thẳng thắn đáp lại mọi nhẽ cho anh ta hay! Nhưng cũng may không phải diễn đến tiết mục ấy.

Anh CA ấy ra về rồi tôi mới tự rót chén nước nhâm nhi, tấm tắc tán thưởng cái chiêu thức có thể tạm đặt tên là “hơi gió thoảng qua” để nhắc khéo các cuộc “cafê” sáng CN mà anh em mình đã biết. Số là trên blog của TS Nguyễn Xuân Diện có một vài lần nhắc tên mấy người cùng Viện với TS Diện thường có mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, trong đó có tôi Ngô Đức Thọ và nữ sĩ Kim Anh (chữ dùng của TS Diện). Giá như anh CA ấy (anh tên Thuỷ, tôi không thạo đọc sao và vạch – có lẽ là Đại úy) hỏi: “Bác có biết ông Quang A không?”, hoăc: “ Bác có biết TS Nguyễn Xuân Diện không?” thì rõ ràng hơn, nhưng như thế thì tôi đã chẳng phải tấm tắc khen lao. Anh chọn cách “hơi gió thoảng qua” bằng câu hỏi khe khẽ “Bác có quen chị Kim Anh không”? thì quả thật bất cứ một nhà tu từ học nào cũng phải nể mặt! Hỏi được như thế hẳn là anh ta hàng ngày phải “điều nghiên” ngâm cứu rất kỹ blog Nguyễn Xuân Diện ! Khen đấy, nhưng cũng phải ngừa trước một khả năng là chính anh ta chẳng có hứng thú gì với blog bleo, mà có bộ phận khác cấp trên đâu đó đọc hộ và gợi ý cho cái câu hỏi mong manh như hơi gió ấy.

Đấy, chuyện chủ nhật có buổi sáng hoành tráng như kia, nhưng cũng có chuyện lặt vặt như thế kể chút để mọi người cùng thư giãn! (với nữ sĩ Kim Anh thì may quá sáng nay ngẫu nhiên gặp nữ sĩ tôi đã hoan hỷ báo tin nhanh ấy cho nữ sĩ biết rồi).

Ngô Đức Thọ

Đọc tiếp...

TP HCM: LỄ TƯỞNG NIỆM ĐỒNG BÀO, CHIẾN SĨ HI SINH VÌ TỔ QUỐC

Lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây nam và ở Hoàng Sa, Trường Sa


Nhân kỷ niệm 64 năm ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam, một số nhân sĩ, trí thức phối hợp với Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn văn Bình đã tổ chức buổi tưởng niệm nói trên vào lúc 09h00’ sáng nay thứ Tư 27.07.2011 tại 43 Nguyễn Thông, quận 3, TP HCM.

Theo thông tin ban đầu từ Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết, đến dự buổi tưởng niệm gồm có: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông Lê Hiếu Đằng, BS Huỳnh Tấn Mẫm, Nhà thơ Nguyễn Duy, Nhà thơ Đỗ Trung Quân, GS Tương Lai, cùng rất nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, trong đó có GS-PTS Nguyễn Phương Tùng, là con gái của cố Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh. Đặc biệt là sự có mặt của bà Quả phụ Ngụy Văn Thà. 

Sau phần thắp nhang tưởng niệm là các phát biểu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, GS Tương Lai, BS Huỳnh Tấn Mẫm, ông Lê Hiếu Đằng, Nhà thơ Đỗ Trung Quân và sau đó, các khẩu hiệu chống bá quyền Bắc Kinh, đường “lưỡi bò” của Trung Quốc v.v.. đã xuất hiện đầy trong hội trường.

 





Ông Lê Hiếu Đằng
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (bìa trái), kế bên là BS Huỳnh Tấn Mẫm, GS Tương Lai (bìa phải)
Nhà thơ Đỗ Trung Quân
Nhà thơ Nguyễn Duy
 
Bà Quả phụ Ngụy Văn Thà
GS-PTS Nguyễn Phương Tùng
(Cám ơn Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cung cấp thông tin và các cộng tác viên ND, QN đã gửi những ảnh trên)

LỊCH SỬ PHẢI SANG TRANG

Lưu Trọng Văn

Hoàng Sa –19.1.1974
Các anh ngã xuống
Lợi, Đào, Trứ, Đông, Thêm, Cường, Thà… ơi!
Dù muộn mằn
Hôm nay tên các anh Non sông đã gọi
Dù muộn mằn
Hôm nay Non sông kính cẩn nghiêng mình
Cùng Thắng, Hiền, Nam, Chúc, Khoa, Thoa …
14.3.1988
Ngã xuống ở Trường Sa
Ôi 138 chàng trai nước Việt
Chưa xanh cỏ, đỏ ngực bao giờ
Trên mộ các anh
Dù có úa tàn những sắc cờ vàng, đỏ
Vẫn vẹn nguyên giọt nước mắt mẹ Việt Nam máu đỏ, da vàng
Mẹ Việt Nam ơi! Giọt nước mắt của Người trắng trong mặn chát
Sẽ hóa giải mọi sắc cờ
Để Đồng bào mình
Ngẩng cao đầu Đại Việt hùng mạnh, Tự do
Sông núi hồn thiêng Tụ Nghĩa, Tụ Nhân đâu phải lời bọt mép
Không thể nào khác được
Lịch sử phải sang trang!
LTV – 27.7.2011

(Tôi vừa dự lễ tưởng niệm liệt sĩ hi sinh bảo vệ tổ quốc ,tại đó tôi có đọc 1 bài thơ,xin gửi tặng những người đả ngã xuống ở Hoàng sa, Trường sa. Bài thơ này tôi đã trao tận tay cho bà quả phụ Ngụy Văn Thà – người chỉ huy trận chiến chống Trung Quốc xâm lược tại đảo Hoàng Sa 19.1.1974 và đã hy sinh).
Nguồn: Anh Ba Sàm.
Đọc tiếp...

GIẤY MỜI NGUYỄN XUÂN DIỆN

Lúc 21h00 hôm qua 26.07.2011, Anh Hà, công an hộ khẩu ở khu dân cư đã đến nhà đề nghị tôi khai báo vào tờ giấy về hộ khẩu hộ tịch và chuyển cho tôi Giấy Mời sau:


Sáng nay, 27.07.2011, đúng 09h00 tôi đã đến trụ sở Công An Phường Kim Liên để làm việc với cơ quan điều tra.

Làm việc với tôi là các điều tra viên Ngô Văn Đáp (trung tá), Đàm Văn Khanh (trung tá) đều thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Tp Hà Nội (7 Thiền Quang, HN) và Lê Văn Hiến, Thiếu tá thuộc đội An ninh, Công an Quận Đống Đa. Họ và tên, quân hàm và chức danh là do các cán bộ nói với tôi. Anh em đều mặc thường phục, không xuất trình thẻ và các giấy tờ liên quan. 

Trước khi vào làm việc, tôi đã nói rõ là tôi chỉ ký vào biên bản làm việc khi tôi được giữ 01 bản, và tôi đặt máy ghi âm lên bàn vì muốn ghi âm buổi làm việc. Điều tra viên Ngô Văn Đáp nói việc làm 02 bản sẽ bàn sau, còn việc ghi âm là không được. Tôi cất máy ghi âm (trước khi cất có đưa tận nơi để 03 cán bộ điều tra biết là máy đã được tắt hoàn toàn).

Ngoài việc hỏi về nhân thân: Họ tên, nơi làm việc, gia đình...cơ quan điều tra còn hỏi về việc tôi tham gia biểu tình chống TQ. Tôi nói tôi đã tham gia 07 cuộc biểu tình phản đối TQ trong tháng 6 và 7 vừa rồi và nếu sắp tới vẫn có, tôi vẫn tiếp tục tham gia. Riêng cuộc biểu tình ngày 10 tháng 07 thì tôi không tham gia nhưng có tới để quan sát (tuy nhiên không chứng kiến lúc bắt người lên xe buýt).

Cơ quan điều tra hỏi về cuộc biểu tình ngày 17 tháng 07 thì tôi nói có tham gia. 

Hỏi có chứng kiến lúc khiêng người và lúc người biểu tình bị đạp vào mặt không thì tôi nói: Không chứng kiến nhưng tôi có xem ảnh, xem clip và hỏi chuyện trực tiếp anh Nguyễn Chí Đức trước khi ký vào Thư gửi GĐ Công an Hà Nội.

Tôi xác nhận việc ký vào văn thư đó do người khác chuyển, và là người cuối cùng ký tên, nên trực tiếp mang thư đó đi gửi (đề chữ trên phong bì, lấy biên nhận của bưu điện, và công bố trên NXD-Blog).

Cuộc làm việc kết thúc lúc 10h00 sáng nay, tổng cộng 60 phút. Tôi yêu cầu cơ quan điều tra sao biên bản làm việc thành 02 bản và tôi chỉ ký tên khi mình được giữ 01 bản. Cơ quan điều tra nói, họ có nguyên tắc không cung cấp cho người được hỏi. Tôi không ký vào văn bản. Và tôi làm thêm 01 văn bản yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp biên bản làm việc, và chỉ khi ấy tôi và cán bộ điều tra mới ký tươi vào cả 02 văn bản biên bản làm việc. Các điều tra viên mang về báo cáo lãnh đạo cấp trên, nếu đồng ý thì họ mới mang 02 bản biên bản làm việc đến gặp tôi để lấy chữ ký vào cả 02 bản.

Điều tra viên Đàm Văn Khanh yêu cầu tôi đưa lại cho cơ quan điều tra Giấy Mời trên đây. Tôi nói tôi có quyền giữ nó.  Và đến nay, tôi vẫn giữ nó đây. 

Tôi đã đến đúng giờ, ra về đúng lúc, trình bày sáng rõ đầy đủ mọi câu hỏi của cơ quan điều tra và ra về an toàn. Trang phu nhân chờ sẵn ở cửa đồn công an, rồi cả hai cùng về nhà ăn trưa.


Nguyễn Xuân Diện kính trình!

Đọc tiếp...