Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

GS PHẠM DUY HIỂN: TA CHỈ YÊU NƯỚC KHI CHỊU HY SINH CHO ĐẤT NƯỚC



Ta chỉ yêu nước khi chịu hy sinh cho đất nước
Phạm Duy Hiển

Ta phải xuống đường vì không còn cách nào khác để biểu thị thái độ của mình trong cái thế chông chênh hiện nay của đất nước. Xuống đường để phản đối những hành động gây hấn trên biển Đông, cũng là để tri ân những người đã và đang bám biển, bám đảo vì từng tấc đất thiêng do cha ông để lại.

Người ta bảo đó là tình yêu nước. Không sai về mặt chữ nghĩa. Song yêu nước đến mức nào lại là vấn đề. Ở đây cần phải có một thước đo giống như trong vật lý học. Theo tôi, cũng như bất cứ tình yêu nào, tình yêu nước chỉ hiện hữu khi ta chịu hy sinh bản thân mình cho đất nước. Nếu không chịu hy sinh, nhất là khi sơn hà nguy biến, thì dù ta có gào thét trên các loại diễn đàn sang trọng bao nhiêu đi nữa, cái gọi là tình yêu ấy chỉ mông lung, mơ hồ, thậm chí có khi ta chỉ yêu bản thân mình.

Theo thước đo này, khi xuống đường biểu tình, dù có bị đánh đập quát tháo như hôm 17 tháng 7 vừa qua, tình yêu nước của chúng ta vẫn chưa bằng cái móng tay so với các chiến sỹ và ngư dân đã và đang hy sinh để bảo vệ biển đảo ở ngoài trùng khơi kia. Xuống đường chỉ là chuyện tầm thường như vậy, sao người ta lại cứ thêu dệt như những hành động quả cảm. Khó hiểu quá!

Sáng chủ nhật 24/4 vừa qua, trước tượng đài đức vua Lý Thái Tổ, mỗi người chúng tôi được phát một tờ giấy A3 trên đó có tên một chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa hoặc Trường Sa. Tôi đọc tên Anh – Trương Hồng Đào, hy sinh ngày 19/1/1974 tại Hoàng Sa – rồi trân trọng trương tờ giấy ra trước ngực đi theo đoàn biểu tình.

Anh là ai, đồng đội của Anh hôm ấy có những ai, mà sao đến tận bây giờ một người Việt Nam có học như tôi mới biết? Tôi đi theo đoàn biểu tình vòng quanh Hồ Gươm, miệng hô vang Hoàng Sa – Trường Sa theo đám trẻ mà không ngớt bần thần tưởng tượng ra Anh cùng đồng đội đã ngã xuống thế nào trong cái giờ phút định mệnh ấy của Tổ quốc. Là một người làm khoa học vốn quen đo lường phân tích, tôi thấy mình mới chỉ làm được một ép xi lôn (ε) vô cùng bé (một khái niệm toán học) so với Anh và đồng đội.

Đất nước ta không thiếu đất để làm sân golf, không thiếu rừng để cho người nước ngoài cai quản, xin hãy dành ra một ép xi lôn (ε) để dựng lên khu tượng đài các chiến sỹ Hoàng Sa đã anh dũng hy sinh này 19/01/1974. Xin hãy chịu hy sinh một ép xi lôn (ε) đi để chúng tôi còn noi theo mà yêu nước hơn. Bao nhiêu năm rồi chúng ta đã mắc lỗi với các chiến sỹ ấy, mà cũng chính là mắc lỗi với đất nước này.

Mấy ngày hè nóng bỏng vừa qua, một số người đã xuống đường. Con số ít lắm, vài trăm không hơn. Lại cũng chỉ là một ép xi lôn (ε) so với dân số Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Nhưng những hình ảnh từ đây đã để lại bao nhiêu cảm xúc dâng trào cho hàng triệu người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều người đã khóc. Ngay đến bản thân tôi, nước mắt tưởng đã ráo hoảnh từ lâu rồi, mà sao vẫn cứ tuôn trào.

Thế thì tại sao trên 700 tờ báo cách mạng không có lấy một dòng nào? Tại sao không có lấy một vị Tổng biên tập nào dám hy sinh một ép si lôn (ε) đi để vừa được yêu nước như các vị thường rao giảng trên các trang báo của mình, lai vừa khơi dòng chảy thông tin tưới tắm cho đất nước? Hóa ra giờ đây chỉ cần một tý ép xi lôn (ε) đó đủ để làm cho bạn hóa thân thành anh hùng dân tộc.  

Khó hiểu quá! Tôi xin thề rằng trong cuộc đời làm khoa học của mình tôi chưa bao giờ được trải nghiệm một nghịch lý quá bí hiểm như thế này.

Khoa học sinh ra để giải quyết các nghịch lý trong thế giới tự nhiên và xã hội. Vậy xin mách dùm lời giải để còn đẩy khoa học tiến lên phía trước.   

*Bài viết do Giáo sư Phạm Duy Hiển gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn giáo sư!
 
Đọc tiếp...

LỜI TẠ LỖI


LỜI TẠ LỖI

Gửi những người tham gia biểu tình và các công dân Việt Nam khác

Danh sách những liệt sĩ hy sinh tại đảo Trường Sa ngày 14/3/1988 được nêu trong cuộc biểu tình ngày 24/7/2011, đã có một số điểm chưa chính xác.

Một số blogger phát hiện có 2-3 người không phải là liệt sĩ (vẫn còn sống). Nếu đúng như vậy, chúng ta cần xin lỗi những người có tên nêu không chính xác và gia đình họ. Nếu ai biết rõ tên tuổi, địa chỉ của những người này, xin thông báo lên trang http://xuandienhannom.blogspot.com,  http://anhbasam.wordpress.com để chúng ta có điều kiện tạ lỗi và tỏ lòng biết ơn họ đã tham gia cuộc chiến đấu vì chủ quyền của đất nước.

Nhân đây, chúng ta cần đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các nhà sử học công bố tên các binh sĩ đã hy sinh ở Trường Sa, Hoàng Sa.

Mặt khác, chúng ta cần yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện trách  nhiệm thông tin đầy đủ danh sách  các liệt sĩ đã hy sinh (đã được công nhận), bao gồm cả tên tuổi, quê quán, nơi và năm hy sinh trên trang web chính thức của cơ quan Nhà nước (ví dụ, trên trang web của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), điều này càng có ý nghĩa khi sắp đến ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ 27.7.

Người viết: Trần Phương
26.07.2011:
Trần Phương  xin có ý kiến thêm như sau:

1./ Cuộc biểu tình là tự phát, tất yếu có nhiều thiếu sót (nếu biểu tình có tổ chức, cũng vẫn có những sai sót)

2./ Do biểu tình tự phát nên mỗi người có ý kiến riêng, ý tưởng riêng, hành động riêng. Họ có thể nghe theo lời khuyên của người này hoặc tự quyết định (và điều chỉnh) hành động.

3./ Trong số những thông tin về những binh sĩ hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa có 3 loại thông tin nhưng không rõ là do 1 người, 2 người hay 3 người chủ trương đưa ra.
a)  Băng rôn:
Đời đời tưởng nhớ những liệt sĩ Việt Nam hy sinh
74 binh sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa 1974
64 binh sĩ đã hy sinh ở Trường Sa 1988

Không thấy ai cho rằng thông tin trên băng rôn này là sai.

b) Một bảng vinh công những người chiến đấu ở Hoàng Sa, Trường Sa do một người đàn ông có râu giương lên, do chữ trong bảng này viết rất nhỏ, người bình thường trong điều kiện bình thường chắc khó nhìn thấy tên những người vinh công. Nếu có sự sai sót, không đáng kể.

c) Những thông tin trên khổ A3 ghi tên những người hy sinh tại Hoàng Sa, Trường Sa, không thấy có thắc mắc về tên những người hy sinh ở Hoàng Sa, có một số thắc mắc tên những người ở Trường Sa.
-  Comment của bạn ẩn danh vào 15:44 và 15:58 ngày 25/7/2011 có nêu tên 3 người còn sống ở Bố Trạch, nhưng không khẳng định những người này có tên ghi trong những tờ ghi tên liệt sĩ khổ A3.
-  Comment của bạn ẩn danh vào 15:49 ngày 25/7/2011 có nêu tên ông Lê Văn Thoa, Trương Văn Hiển (còn sống), nhưng không nêu rõ địa chỉ.

4) Nếu xác định chính xác: 
a) tên người còn sống nhưng bị ghi sai là đã hy sinh ghi trên những tờ A3 trong cuộc biểu tình
b) địa chỉ của những người này

5) Cám ơn ông Mai Thanh Hải đã có lời phê bình, tuy nhiên ông Hải đã nhầm lẫn. Trần Phương đề nghị công bố tên các binh sĩ ở Hoàng Sa, Trường Sa chứ không phải “chỉ đạo”phải công khai”. Việc công bố cần do những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoặc những nhà sử học thực hiện, tốt nhất là trên trang web chính thức (mà hầu hết cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp Trung ương đều có), để người dân được biết thông tin và tin tưởng rằng thông tin này có địa chỉ chịu trách nhiệm về tính chính xác.


Đọc tiếp...

VÌ SAO MỘT SỐ NHÂN SĨ TRÍ THỨC VẮNG MẶT TRONG CUỘC BIỂU TÌNH 24.07

CHÙM ẢNH NHÂN SĨ TRÍ THỨC, VĂN NGHỆ SĨ THAM GIA 
BIỂU TÌNH YÊU NƯỚC NGÀY 24.07 TẠI HỒ GƯƠM

Giáo sư Tiến sĩ Lâm Quang Thiệp cùng phu nhân xuống đường biểu tình phản đối TQ.
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội và thi sĩ Trần Vũ Long
Từ trái sang: Anh Bùi Quang Minh (Chungta.com), TS Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyễn Hoàng Đức

Từ phải sang: TS Nguyễn Hồng Kiên (Gốc Sậy), Nữ sĩ Hiền Giang, TS Nguyễn Quang A
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên công kênh một em bé
Anh Trịnh Hữu Long (25 tuổi) tác giả bài: Về chuyện "Đã có Đảng và Nhà nước lo", 
trên tay là bảng tên LS Lê Đình Thơ hy sinh ngày 14.3.1988 tại Trường Sa

Giáo sư hạt nhân Phạm Duy Hiển
Nữ văn sĩ Thùy Linh, tác giả bài "Sexy tất cả, trừ lòng yêu nước". Bà nói với một người bạn: Toàn giai đẹp đi biểu tình, lẽ nào mình không đi để sexy ...lòng yêu nước
Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức
Phạm Xuân Nguyên và một bạn trẻ

TS Đỗ Xuân Thọ. Ông đã nghe theo mọi người, cất đi biểu ngữ "gây tranh cãi"
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến
Ảnh này của Mai Kỳ, đăng trên Blog Quê Choa (Nguyễn Quang Lập)
TS Nguyễn Quang A nói với một nhà báo của hãng thông tấn Đức

Thưa chư vị,

Cuộc biểu tình yêu nước và tưởng niệm những liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc ngày Chủ nhật 24.07 vừa qua đã có sự hiện diện của các vị: Các cụ ông cụ bà, nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải; các GS Ngô Đức Thọ, GS Phạm Duy Hiển, GS Lâm Quang Thiệp và phu nhân; các TS Nguyễn Quang A, Nguyễn Hồng Kiên, Mai Thanh Sơn, Đỗ Xuân Thọ, Đặng Thị Hảo, Nguyễn Xuân Diện; các nữ sĩ Thùy Linh, Kim Anh, Nguyễn Thị Hương, Hiền Giang, các văn sĩ Phạm Xuân Nguyên, Trần Nhương, Nguyễn Hoàng Đức, Vũ Ngọc Tiến, Trần Vũ Long... cùng đông đảo các bạn trẻ, các cháu thanh thiếu niên nhi đồng...Tất cả đã làm xao động cả một khu vực Hồ Gươm khi hào hùng âm vang lịch sử, lúc lắng sâu trong niềm tưởng vọng...

Nhiều quý vị có viết comments hỏi thăm về sự vắng mặt của các Giáo sư Huệ Chi, Giáo sư TSKH Viện sĩ Hoàng Xuân Phú (có 3 chùm ảnh rất đẹp ngày 3.7.2011; tác giả chùm bài về điện hạt nhân trên blog này), GS. TSKH Nguyễn Đông Yên và phu nhân (cả hai người đã từng bị công an hốt lên xe bus đưa về Mỹ Đình ngày 17.07.2011) cùng một số vị khác. Chúng tôi được biết: Giáo sư Huệ Chi vì bận việc nhà rất quan trọng không thể đến, GS Hoàng Xuân Phú đang ở Đức (đi từ ngày 12.07), GS Nguyễn Đông Yên và phu nhân bận công tác xa ...Các vị đều tranh thủ thời gian để đọc hết những thông tin về cuộc biểu tình ngày 24.07.2011. 

Xin có vài lời thông báo cùng quý vị! Xin gửi tới quý vị lời cầu chúc an lành, hạnh phúc!

Nhân đây, xin cảm tạ quý vị đã ghé thăm trong suốt 24 tiếng đồng hồ ngày 24.07 với hơn 135 ngàn lượt truy cập.
Nguyễn Xuân Diện - Blog kính trình

Đọc tiếp...

NGUYỄN TRỌNG BÌNH: TÔI YÊU TỔ QUỐC TÔI!


Nguyễn Trọng Bình
Tôi yêu…

Kính tặng đồng bào Hà Nội đã xuống đường biểu tình trong ôn hòa 
phản đối Trung Quốc

Tôi yêu Tổ Quốc tôi
Một niềm tin Bờ Cõi
Một niềm tin không gì lay nổi
Từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau
Từ đất liền đến mênh mông biển, đảo…

Tôi yêu Tổ Quốc tôi
4000 ngàn năm chống giặc ngoại xâm
Hận người phương Bắc
Xảo quyệt, hung hăng
Phát động chiến tranh
Bằng lời đường mật
“16 chữ vàng” - âm mưu cướp đất!
 Lấn biển,
Vét tài nguyên!

Tôi yêu Tổ Quốc tôi
Bác nông dân lấm lem bùn đất
Yêu khoa học những người trí thức
Lay lắt đồng lương  “ba cọc ba đồng”
Nhưng khi Tổ Quốc cần
Cùng nguyện xả thân!

Tôi yêu Tổ quốc tôi
Những cô gái áo dài tha thướt
Những chàng trai đang tuổi đến trường
Những cụ già tóc đã pha sương.
Ung dung xuống đường
Chung câu ái quốc!
Bảo vệ quê hương.

Tôi yêu Tổ Quốc tôi
Những con người lặng lẽ giữa đời thường
Chẳng cần được vinh danh
Nhưng khi đất nước có chiến tranh
Họ là người đầu tiên hi sinh!
Cần Thơ, 24/7/2001
Nguyễn Trọng Bình


Thư gửi Nguyễn Xuân Diện:

Tôi là Nguyễn Trọng Bình, hôm nay vào Blog NXD thấy đồng bào Hà Nội xuống đường biểu tình mà lòng trào dâng biết bao cảm xúc. Là người miền Nam (Cần Thơ) tôi thật sự ngưỡng mộ tấm lòng yêu nước đồng bào Hà Nội. Không biết làm gì để bày tỏ nỗi niềm này ngoài bài thơ viết vội ghi lại tấm lòng chân thành của mình gửi đến đồng bào Hà Nội và TS NXD. Rất mong TS NXD đọc và xem có thể sử dụng trên Blog được không! Chân thành cảm ơn và chúc Ts NXD, chúc đồng bào HN mọi điều tốt lành.

Nguyễn Trọng Bình ( Cần Thơ) - Giảng viên đại học. 

Đọc tiếp...

VIẾT THÊM VỀ CÂU CHUYỆN “ĐÃ CÓ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC LO”


VIẾT THÊM VỀ CÂU CHUYỆN “ĐÃ CÓ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC LO”
BÙI CÔNG TỰ

Trong 2 tháng qua, để giải thích, khuyên nhủ những người yêu nước đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, gây hấn lấn chiếm biển đảo, bắn giết, đánh đập, cướp bóc ngư dân Việt Nam, nhiều cán bộ thường nói câu: “Đã có Đảng và nhà nước lo”.

Đây là một câu nói rất thiếu trách nhiệm. Những người nhân danh Đảng và nhà nước nói câu ấy lại càng thiếu trách nhiệm. Nói như thế, hóa ra Đảng và nhà nước không cần có nhân dân nữa, trong cả những việc hệ trọng của quốc gia à?.

Tôi xin kể 2 mẩu chuyện về việc năm xưa Đảng đã cần đến nhân dân như thế nào?

Bố vợ tôi, cụ Lương Thuần Hòa (đã mất) người dân tộc Tày ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong bảng kê khai thành tích hoạt động cách mạng cụ đã viết là cuối năm 1944 gia đình ủng hộ cách mạng 1 nồi gạo. Một nồi gạo là 10 đấu gạo, mỗi đấu là 1,5kg, nếu đong bằng ống bơ sữa bò (như sữa ông thọ) thì 5 bơ bò bằng 1 đấu. Một nồi gạo là 50 bơ gạo ấy, làm 15kg. 

Bây giờ thì 15kg gạo chả đáng kể gì. Nhưng vào năm 1944-1945, cả vùng Bắc Bộ với số dân khoảng 10 triệu người mà có đến 2 triệu người chết đói, thì mới thấy cái giá của 15kg gạo là bao nhiêu? Để có 15kg gạo đóng góp nuôi cán bộ ở ATK (An toàn khu), ông bố vợ tôi kể, cả nhà đã phải ăn củ mài, củ đao, rau rừng.

Mẩu chuyện thứ 2. Chị gái ruột của tôi là bà Bùi Thị Roàn ở thôn Hoài Hữu, xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Khoảng năm 1950, trong một trận giặc Pháp đi “càn quét”, một cán bộ bị giặc pháp đuổi đã chạy vào nhà chị gái tôi. Chị tôi đã giấu người cán bộ đó trong hầm bí mật đào dưới gầm giường. Lính Pháp đuổi theo không tìm thấy người cán bộ, chúng đã đánh đập chị gái tôi dã man đến nỗi sau này sinh bệnh mà mất sớm. Nhưng chị gái tôi đã chịu đựng, không khai báo, bảo vệ được người cán bộ đó.

Hai mẩu chuyện trên cho thấy khi Đảng bị đói, bị nguy hiểm thì Đảng cần đến sự giúp đỡ của nhân dân. “Đã có Đảng và nhà nước lo”? Thế ra bây giờ Đảng giàu có, quân hùng tướng mạnh nên Đảng không cần nhân dân đóng góp vào việc nước nữa?. 

Có rất nhiều câu chuyện cảm động về đóng góp của nhân dân cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhưng tôi kể lại chuyện của ông bố vợ tôi và bà chị gái ruột tôi với  đầy đủ tên tuổi, địa chỉ như trên là để đảm bảo đó là sự thật.

TP Hồ Chí Minh, 24/7/2011.
*Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả Bùi Công Tự.

Đọc tiếp...

NHẬT KÝ: TÔI ĐI BIỂU TÌNH


clip_image006
Nguyễn Văn Phương, Trịnh Kim Tiến, ai cũng có một lý do sâu thẳm để đến với cuộc biểu tình. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
Ai cũng có một lý do để đi biểu tình chống Trung Quốc. 

Các vị Giáo sư suốt đời cống hiến cho đất nước vì đi theo tiếng gọi của Hồ Chí Minh thì hôm nay dù tóc đã bạc họ cũng phải có mặt ở “tuyến đầu” để làm gương cho lớp trẻ noi theo, và có lẽ cũng để giữ cân bằng trong tâm lý, không bị sự thực phũ phàng trước mắt làm lòng họ đổ vỡ. Tôi nhìn họ mà cứ nhớ đến câu thơ Phan Bội Châu và càng khâm phục họ: “Than ôi cái vạ chết lòng”. 

Đọc những lời xúc động của GS Nguyễn Huệ Chi mô tả khuôn mặt đỏ bừng của GS Phạm Duy Hiển trong cuộc biểu tình ngày 17-7 khi các ông bị cảnh sát cơ động xô đẩy dữ dằn ở cạnh công viên Lê Nin mới biết trong đầu vị GS đáng kính ấy luôn luôn chất nặng hòn đảo Lý Sơn quê hương ông. Một hòn đảo mà vị học giả André Menras tận nước Pháp xa xôi phải tìm ra đến mấy lần để gặp những ngư dân đang trĩu lòng vì người mất chồng kẻ mất cha, người mất hết lưới cụ và vốn liếng vì quân cướp biển Trung Quốc; thế mà những con người đó vẫn lặng lẽ làm lễ cầu hồn bên những ngôi Mộ Gió để chồng con cha anh họ lại sắp sửa ra đi.

Một hòn đảo mà Nhóm Bauxite Việt Nam đã tìm ra cứu trợ bão lụt từ cuối năm 2009, khi trở về đưa lên một tấm ảnh tôi không thể nào quên: Đoàn rời khỏi nhà một người vừa tử vong vì cơn bão bất thần làm anh ngã từ mái nhà xuống khi đang trèo lên chống bão, mấy mẹ con còn lại đang ngồi nơi bàn thờ hương khói cho chồng và cha, nhưng có một đôi mắt, một đôi mắt đen láy ngây thơ từ cánh cửa hẹp vẫn mở to nhìn theo đoàn. Đôi mắt ấy nói gì ta không hiểu hết nhưng rõ ràng nó đang vẫy gọi ta sát cánh với bà con Lý Sơn hơn nữa để đừng làm mất đi chút hạnh phúc cuối cùng của những em bé kia. Thế thì GS Phạm Duy Hiển có mặt hầu như trong mọi cuộc biểu tình chống bọn cướp biển hung hăng nhất thời nay đe dọa sự sống còn của ngư dân quê hương ông là đúng quá. 

clip_image002
TS Nguyễn Quang A vừa dứt khỏi những “cái đuôi” lằng nhằng để đến họp mặt cùng anh em. Bên cạnh ông là Phạm Xuân Nguyên, GS Phạm Duy Hiển, vợ chồng GS Lâm Quang Thiệp, tất cả cùng có mặt ở trung tâm Hồ Gươm để biểu tình chống Trung Quốc vì những lý do chung và cả những lý do rất riêng, hòa thành tình cảm yêu nước nồng nàn. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện

Còn cô Trịnh Kim Tiến, hôm nay mặc áo dài trắng làm sững sờ nhiều người, kể cả phóng viên nước ngoài, khi cô cất cao giọng hô vang: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” thì sao? 

Cô chính là con gái ông Trịnh Xuân Tùng, cách đây không lâu bị công an đánh gãy cổ, sau đó chết trong bệnh viện. Cô đến với cuộc biểu tình vì hẳn trải qua những ngày đau đớn trước cái tang của cha, cô đã thấm thía được rằng hạnh phúc này phải là hạnh phúc của cả dân tộc ngẩng cao đầu. Nếu cả dân tộc cứ cúi đầu xuống thì không chỉ cha cô mà nhiều người khác sẽ còn sẽ gãy cổ như cha cô mà thôi. Đứng thẳng lên vì cái lẽ sống chung là nỗi đau cả nước đang bị bọn sói phương Bắc hung hăng đe dọa, hành vi của cô và gia đình cô mới cao đẹp làm sao!
clip_image004
Anh phóng viên AFP đang nhìn theo bước chân tự tin của cô Trịnh Kim Tiến. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện

Về phần tôi, tôi cũng có một lý do. Chiều 23-7-2011, ngẫu nhiên mò vào mạng, lan man thế nào xem được Clip quay cảnh viên cảnh sát Minh đạp liên tiếp vào mặt một bạn trẻ trong lúc bạn đó bị 4 cảnh sát mỗi người túm một chân, một tay khênh đến cửa xe buýt hôm 17-7, lòng dạ tôi bỗng bừng bừng một cảm giác tức tối điên cuồng không thể tả, không làm sao còn yên cho được. Đất nước thế này mà mình lâu nay thờ ơ ư? Thế là liền lao ngay vào trang Nguyễn Xuân Diện, tìm địa chỉ để mua “áo biểu tình”, lòng tự nhủ: Mai mình nhất định sẽ đi biểu tình, nếu bị bắt về đồn, bị hỏi tại sao lại đi biểu tình, tôi sẽ trả lời: “Tôi xem clip công an đánh người tàn bạo không thể tin nổi là đó là sự thực phi nhân của xã hội chúng ta nên hôm nay phải đi biểu tình xem thực hư ra sao?”. 
clip_image008
Xã hội tóm bắt người yêu nước như bắt lợn là xã hội nào? Ảnh: CTV Hà Nội
clip_image010
GS Nguyễn Huệ Chi từng tâm sự với tôi: nhìn khuôn mặt người bị dẫm lên mà tưởng đâu như mặt của mình, hơn thế nữa đó cũng là mặt của bất cứ người Việt Nam nào; đặc biệt là của những người có chức vụ cao nhất. Vì chắc hẳn họ phải yêu nước hơn tất cả chúng ta đây thì mới được Đảng bầu vào những chức vụ cao thế chứ. Vậy đạp vào mặt người yêu nước thì cũng chính là một cách biểu tỏ rằng: Thế nào những kẻ mất nhân tính này cũng có lúc sẽ đạp vào mặt các ông có chức vụ cao nhất ấy, đố khỏi, nếu quả thật các ông ấy không bán nước. Ảnh: Video clip 

Với tâm thế như vậy tôi yên tâm ngủ một giấc say, sáng sớm thức dậy, liền mặc “áo biểu tình” vào, phóng xe ra Bờ hồ, đến trước tượng đài Lý Thái Tổ vào khoảng 8h. Quang cảnh vắng lặng, nhưng cảnh sát đã khá đông. Nhìn quanh thấy một số thanh niên mặc “áo biểu tình”cũng đang đứng lảng vảng như tôi. Chắc chắn là sẽ có biểu tình rồi. Còn sớm, về cơ quan gửi xe rồi cùng anh bạn đồng nghiệp ra uống trà xanh đợi đến giờ.

clip_image012
Khởi đầu tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
clip_image014
Bắt đầu cuộc tuần hành. Ảnh: Trang Anh Ba Sàm 
Cảm nhận đầu tiên về cuộc biểu tình sáng nay là việc chuyển địa điểm đến Bờ Hồ là một sáng kiến rất hay, vì Bờ Hồ là trung tâm của hàng chục đầu mối giao thông nên người biểu tình có thể đổ về từ các ngả rất nhanh. Không hiểu cố ý hay vô tình, từ tượng đài Lý Thái Tổ, đoàn sang đường và đi ngược về phía phố Hàng Khay – tức là ngược chiều xe cộ – nên các biểu ngữ được người dân và khách du lịch đọc rất rõ, nhiều chỗ gặp đèn đỏ, cả dòng dài xe cộ dừng lại và dường như cùng hòa chung vào không khí biểu tình. Thậm chí có nhiều bạn trẻ đang đi xe trên đường thấy hô khẩu hiệu cũng tranh thủ hô theo. Nhiều khẩu hiệu thật xúc động: “ Bảo vệ lãnh thổ Việt Nam!”, “Bảo vệ máu thịt Việt Nam!”, “Bảo vệ ngư dân!”, v.v. 

Dần dần, tôi bắt gặp một số người bạn mà trong đầu tôi không bao giờ có ý nghĩ rằng họ lại xuất hiện ở đây: một cô bạn bị bệnh trọng từ mấy năm nay, một chị bạn sống trong sang giàu đến mức tôi không thể tin là chị có thể đi bộ mấy vòng hồ. Hai chị em mừng rỡ chào nhau và đi sát cạnh nhau. Chị bảo: “Em ạ, chị có cái này”. Nói rồi chị rút trong túi ra một cái ô rất đẹp. Chị bảo: “Nó mà đánh chị, chị sẽ vụt cho nó một cái, hôm trước nó vặn tím bầm tay con bạn chị” – Thì ra thế. Hóa ra chị cũng có một lý do rất cụ thể để có mặt trong cuộc biểu tình. Tôi nhìn ra xung quanh: những khuôn mặt bừng bừng phấn khích thế kia chắc người nào cũng xuất phát từ lòng yêu nước thiêng liêng chất chứa từ trong tâm khảm, nhưng hẳn mỗi người đều có những tiếp xúc, những kinh nghiệm cá biệt từ sinh hoạt hàng ngày nó thôi thúc mình đến hòa vào dòng người đi tuần hành mà tôi đang tham dự, bất chấp những hình ảnh phản cảm mà những kẻ đóng vai đội quân công cụ gây ra trong suốt 8 cuộc biểu tình từ tháng Sáu đến nay.
clip_image016
Đi ngược lại Hàng Khay là một sáng kiến tuyệt vời. Ảnh: Trang Anh Ba Sàm
clip_image018
Mỗi trang giấy A4 ghi tên một liệt sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Trang Anh Ba Sàm
clip_image020
Xe cảnh sát chạy theo dùng loa như muốn át giọng người biểu tình, nhưng át sao nổi. Ảnh: Trang Anh Ba Sàm 
Nhưng hôm nay thì thật tuyệt, cả mấy trăm con người đi thoải mái trên hè rộng quanh Bờ Hồ. Xe cảnh sát đi theo đoàn, loa cảnh sát đọc ra rả những quy định rằng: “Tụ tập đông người phải xin phép các cấp có thẩm quyền...”. Nhiều khi tiếng loa át cả tiếng hô của đoàn biểu tình nhưng cũng có khi hai thứ tiếng đó hòa vào nhau tạo thành một thứ “âm thanh và cuồng nộ” khuấy động cả một vùng Bờ Hồ, rất thu hút dân chúng và du khách. 
clip_image022
“Âm thanh và cuồng nộ”. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
clip_image024
Hành động của bà cụ hàng xóm nhà TS Nguyễn Xuân Diện khi nghe công an đến nhắc nhở anh Diện mai đừng đi biểu tình thì cụ nhẩm tính ngay: anh Diện không đi đã có mình và cháu mình đi thay. Sức mấy mà công an đọ được với lòng yêu nước sôi sục của nhân dân. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện 

Người biểu tình càng đi càng phấn khích. Thật lạ, khoảng 10h30, đoàn đi đến gần Ngân hàng ANZ (vòng thứ hai) thì tiếng loa của chiếc xe cảnh sát vẫn bám theo đoàn “tua” đi “tua” lại quy định này quy định nọ bỗng im bặt – Chắc nó đã mệt. Hic. Trong đoàn, nhiều người mồ hôi mồ kê đầm đìa vẫn hô vang các khẩu hiệu. Tôi đang khát, chưa biết kiếm nước ở đâu thì bỗng nhiên có một bạn trẻ đưa cho một chai Lavie (ai đó đã đưa đến cả một thùng). Tôi chuyền cho cậu bé bên cạnh, nhưng vì tay đang cầm biểu ngữ và miệng mải hô khẩu hiệu nên cậu bé lắc đầu. Thương quá! 
clip_image026
Những cậu bé đang tuổi đeo khăn quàng đỏ cũng mải mê cùng đoàn tuần hành mà quên cả khát nước. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện 
Bỗng có một anh chàng áo đen, nhỏ thó, tay cầm máy ảnh, đi sát bên tôi hỏi: “Cô ở tổ chức nào?”. Tôi hơi sững nhưng vẫn cười cười đáp: “Cô chỉ là một người dân thôi”. Cậu bé lại hỏi: “ Nhưng cháu thấy cô mặc áo của tổ chức”. Đáp: “Cô mua về mặc đấy”. Rồi tôi “lỉnh” đi chỗ khác. Có lẽ gương mặt tôi là mới toanh trong gần chục cuộc biểu tình đã qua chăng?
clip_image028
Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi lúc 11 giờ tại cụm tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
 
clip_image030
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”. Tất cả bọn bay, cướp nước và bán nước hãy nhớ lấy câu đối nổi tiếng này của Thám hoa Giang Văn Minh trả lời Hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh. Bằng dỏm thì tất nhiên không có chữ để trả lời, không ai trách. Nhưng hèn hạ mà cúi đầu ngậm miệng, nhất định sẽ bị đóng đinh, thích trán vào lịch sử. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện

Về gần tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, lại gặp bác già lúc sáng. Bác khoe: “Cái logo cô cho tôi mấy người hỏi kiếm ở đâu, có cậu còn xin tôi để về in lại. Tôi không cho, giữ làm kỷ niệm”. Tiếc quá, hôm qua mình mua 3 cái áo và “rón rén” mua có 2 cái logo. Bác ơi, mai kia cháu sẽ đi mua thêm thật nhiều. Nếu Chủ nhật tới còn biểu tình, cháu sẽ đến đưa bác để bác chia cho mọi người đính lên mũ, như sáng nay cháu đã đính lên mũ cho bác nhé. 
Đ.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Đọc tiếp...

PHƯƠNG BÍCH - NHẬT KÝ BIỂU TÌNH 24.7

Phương Bích

Trong 7 lần tôi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc thì lần này là đông vui nhất, ít bức xúc nhất mặc dù chả được hô ở trước cửa sứ quánTàu câu nào. Nhưng chả cần, thời buổi này có mà cách nửa vòng trái đất cũng chả ngăn được những tin tức nóng hổi chứ đừng nói gì đến chuyện cách có vài cây số.
Nghe nói hôm nay có khoảng trên dưới bốn trăm người. Mặc dù chưa phải là đông, nhưng có lẽ sau hai cuộc biểu tình bị trấn áp thô bạo ngày 10/7 và 17/7 vừa qua thì số lượng người tham gia lần này lại đông hơn trước. Điều đó chứng tỏ việc bắt bớ đàn áp mạnh tay không hề làm cho người dân nao núng hay sợ hãi chùn bước mà trái lại càng khiến họ phẫn nộ hơn. Có những người chưa hề tham gia biểu tình lần nào nhưng hôm nay họ đã xuống đường.
Tôi không mê tín nhưng có cảm giác trời luôn chiều lòng người. Sáng hôm qua hầu như mưa cả buổi, còn sáng sớm nay cũng có mưa nhưng sau đó lại tạnh ráo. Chả phải như thế là trời chiều lòng người hay sao. Chưa có một sáng chủ nhật nào trong vòng 2 tháng qua mà các cuộc biểu tình lại bị hoãn vì thời tiết cả.
Theo lời kêu gọi trên mạng, tôi đến khu vực đài cảm tử khá sớm. Đi bộ từ bến xe buýt trên đường Hai Bà Trưng qua đoạn đầu của phố Hàng Bài, sang Đinh Tiên Hoàng. Cả quãng đường vắng hoe vắng hoét, chỉ một mình tôi đi bộ trên vỉa hè trong trang phục áo phông có in hình lưỡi bò với dòng chữ “say no to U-line, say yes to Unclos” mà có lẽ bất cứ anh dân phòng không biết tiếng Anh nào cũng hiểu tôi là dân đi biểu tình.
Cả vườn hoa Chí Linh có tượng vua Lý Thái Tổ và khu vực đài cảm tử chỉ thấy một vài người dân đi tập thể dục, có xe cảnh sát đỗ tại đó nhưng bóng các áo xanh và dân phòng là không đông.
Trời hơi nắng nên tôi đi sang bên khu vực cầu Thê Húc, gặp các bác Tường Thụy, bác Thi, Bác Gốc Sậy, Lê Dũng và Hiếu Buôn gió ở đó. Đứng chuyện trò đến gần 8 rưỡi mà vẫn không thấy “đội hình” đâu. Lái gió “cằn nhằn” bảo chờ đợi cả tuần, hồi hộp còn hơn cả buổi hẹn hò đầu tiên với bạn gái, vậy mà bà con ta lình xình quá.
Đứng một chốc có thêm được mấy cậu thanh niên nữa. Gọi điện cho Minh Hằng thì thấy bảo đang vào lễ trong đền Ngọc Sơn rồi sẽ ra ngay.
Sốt ruột nên mọi người rủ nhau sang vườn hoa Chí Linh, hóa ra các nhân sĩ và trí thức đã đến đó cả, đã đứng giăng khẩu hiệu và các khổ giấy A4 ghi tên các những người đã hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.
Mọi người kéo đến đông dần. Đương nhiên là các ống kính tranh thủ chụp ảnh các kiểu. Một người bắt đầu hô: đả đảo Trung Quốc xâm lược, mọi người hô theo rầm rầm. Tôi nhận thấy trong đám đông đứng trên sân vườn hoa lúc đó có khá nhiều gương mặt mới thuộc nhiều lứa tuổi, những gương mặt thân thiện và cùng hô theo rất nhiệt tình.
Từ chiếc xe cảnh sát đỗ cạnh đó bắt đầu vang lên tiếng loa cảnh báo yêu cầu “không được tụ tập”, sẽ “cưỡng chế” nếu không giải tán, rồi đọc nghị định này nọ…Mặc kệ loa nói gì thì nói, mọi người hô hét thêm một lúc nữa rồi bắt đầu kéo nhau sang đường làm một cuộc tuần hành quanh Hồ Gươm. Cũng như lần trước, đoàn biểu tình chọn hướng đi ngược lại khiến các xe cảnh sát đi theo làm nhiệm vụ “giữ gìn trật tự” đành phải đi ngược chiều. Công an còn bố trí một cái xe có gắn loa “khủng” trên nóc cứ vừa đi ngược chiều vừa oang oang đọc “nghị định” dường như cốt để “phá đám” nhưng át làm sao được tiếng hô của hàng trăm người như vậy. Thỉnh thoàng bà con lại ồ lên ê… a…. đáp lại loa của công an.
Hình như đoàn càng ngày càng đông thêm, có thêm các cháu bé hăng hái nhận cầm biểu ngữ và cũng hô hét theo các ông bà, cô bác “như ai”. Có cháu còn đeo cả khăn quàng đỏ, hô khí thế không kém gì người lớn.  Có gia đình lại đi cả nhà. Tôi nhớ có một bác gái lớn tuổi nom rất phúc hậu đang đứng hô cạnh tôi thì bị một bà to béo xồng xộc chạy tới lôi ra:
- Bà hâm à, điên à? Nó lại cho ra đảo ở bây giờ.
Bác gái đứng cạnh tôi dứt khoát giằng tay lại, không chịu đi, cũng không thèm nhìn bà kia. Chao ôi, tôi muốn ôm lấy bác ấy quá, muốn hỏi tên bác ấy nhưng vì đang hô rần rần như thế có hỏi cũng khó nghe thấy, hơn nữa chẳng ai muốn “nói chuyện riêng” trong lúc mọi người đang “đồng thanh” hô thế kia.
Buồn cười nữa là với một đoàn người đông như thế mà chả có ai chỉ huy nên có khi đầu đoàn đang hô “đả đảo”, thì ở giữa đoàn lại đang hô “bảo vệ” khiến mọi người ngơ ngác không biết hô theo khúc đầu hay theo khúc giữa. “Nâu vấn đề”! thế mới vui.
Cứ đi một quãng lại dừng lại một tý để hô, quãng lại dừng một tý, đoàn biểu tình hàng trăm người cứ thế rồng rắn quanh hồ hai vòng cũng gần hết buổi sáng. Dọc đường người đi chơi cũng xúm lại chụp ảnh chung có vẻ thích thú lắm.
Trời nắng nóng nhưng may bà con ta được đi dưới những rặng cây cao bóng cả nên đỡ rất nhiều, thế mà trên những gương mặt già trẻ vẫn thánh thót những giọt mồ hôi. Tôi chả buồn quyệt mồ hôi nữa, còn người Minh Hằng thì như một “cây nước”, ướt sũng chắc vì hô khỏe quá, cái loa cầm tay còn chả lại được với giọng của hắn. Ôi cha, khi hắn hô câu “giặc đến nhà đàn bà phải đánh”, hắn gân cổ biến cái câu đánh ấy thành một âm thanh dài: đa…đaá…ánh…ánh…khiến cả đoàn vừa buồn cười vừa gân cổ lên hô theo hắn.
A! Nghe loáng thoáng loa công an nói không để cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo rồi lợi dụng tự do dân chủ gì đó. Tôi chỉ thấy buồn cười, thôi thì việc họ phải làm thì họ cứ làm, nhưng bảo bị cưỡng ép, bị lôi kéo hay bị lợi dụng tự do dân chủ để được yêu nước thì nghe buồn cười quá. Có khi người ta bảo nói yêu nước là lên gân lên cốt, nhưng thử hỏi cả thế giới sẽ nghĩ gì khi nhìn vào một dân tộc gần trăm triệu dân, vốn có truyền thống hàng nghìn năm đánh giặc ngoại xâm, nay lại không có bất cứ một lời phản kháng khi đồng bào mình bị cướp bóc, bị đánh đập, con em mình bị bắn giết trên lãnh hải của mình?
Tôi nhớ một lần dưới chân đài cảm tử, một bác hô những câu rất hay:
- Ai yêu nước?
Đám đông “gầm”lên:
- Tôi!
- Ai là người Việt Nam?
- Tôi!
- Ai bảo vệ tổ quốc?
- Tôi!
Chắc chắn những người hô hôm đó còn nhớ những lời này. Xin mọi người chứng giám cho không lại bảo tôi “bịa”.
Kết thúc cuộc biểu tình ngày hôm nay là đoạn hát quốc ca và một phút mặc niệm những con người đã hy sinh cuộc đời mình để bảo vệ tổ quốc dưới chân tượng đài Cảm tử. Dù giây phút mặc niệm xúc động này vẫn bị tiếng loa “phá đám” nhưng không ai để ý. Có lẽ trong lòng ai đó đang rưng rưng lệ khi nghĩ về những người đã hy sinh cho tổ quốc. Trong khẩu hiệu biểu tình hôm nay có thêm những câu mới rất cảm động: tôn vinh những người đã hy sinh để bảo vệ đất nước, tôn vinh những người đã quên mình vì nhân dân, bảo vệ Trường Sa, trả lại Hoàng Sa. Bó hoa hồng người ta tặng Minh Hằng được đặt dưới chân tượng đài như tô thêm một nét đẹp cho cuộc biểu tình ngày hôm nay
Một điều tôi muốn nói thêm về những tình cảm rất đặc biệt đã nảy sinh giữa những con người chưa từng quen biết trước đây. Hàng chục năm đi làm, tôi chưa từng thấy ai trong cơ quan tôi ôm lấy nhau khi vui mừng. Kể cả giữa những người thân trong gia đình, người châu Á ta vốn không quen biểu lộ tình cảm như người châu Âu mà. Thế nhưng mới chỉ không đi cùng nhau có một lần vào ngày 17/7, khi gặp lại tôi, Thúy Hạnh đã ôm ghì lấy tôi kêu nhớ quá. Cô ấy là người cùng cậu con trai bị bắt về đồn công an với tôi ngày 10/7. Nghe trên mạng nói ngày 17/7 là một ngày “oanh liệt” của những người biểu tình, cô ấy cứ tiếc hùi hụi vì bỏ lỡ mất cơ hội được đồng cam cộng khổ với mọi người. Dưới chân đài cảm tử, cô ấy vẫn chưa hết hưng phấn vì cuộc biểu tình ngày hôm nay. Trước khi ra về, Đức tóc xoăn đến nói:
- Ôm cô một cái nào.
Những cái ôm dính dấp mồ hôi mặn mòi khiến tôi xiết bao cảm động. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm mà chỉ những người biểu tình dành cho nhau tôi thấy còn quý hơn cả ruột thịt.
Khi cùng Minh Hằng và Kim Tiến ra bắt taxi, một anh công an trung tuổi ngồi trên xe cảnh sát 113 hỏi vọng ra:
- Sao về sớm thế?
Tôi mới chỉ “lườm” anh ta chứ chưa kịp nghĩ đối đáp thế nào thì Minh Hằng đã áp sát cửa xe, giọng rất “ngọt”:
-     Anh cho tôi hỏi một điều thôi, anh là đàn ông, là nam nhi thì ngồi trong xe , lại hô bằng loa, còn phụ nữ chúng tôi phơi nắng ngoài trời, hô khản cả cổ chỉ vì yêu nước, anh có thấy bất nhẫn trong lòng không?
Tay này chỉ còn biết cười gượng chứ còn trả lời ra răng bây chừ. Quả là một anh chàng dại dột.
Hà Nội ngày 24/7/2011
*Bài do chị Phương Bích gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin cảm ơn chị rất nhiều!




Đọc tiếp...