HỒ GƯƠM - ĐỀN NGỌC SƠN
Kỳ 2 - Một cơ sở vận động yêu nước của Hà Nội
cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX
Vũ Thế Khôi
Cuối năm 1945, giáp Tết đầu tiên dân ta được đón sau khi giành lại nền độc lập, dẫu tình thế đất nước còn gian nan, công việc còn bề bộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Hội Thiện đền Ngọc Sơn, vấn an cụ Hội trưởng, chăm chú nghe báo cáo về việc giảng thiện của Hội và cuối cùng "xin phép gợi ý": "Tôi nghĩ điều thiện lớn nhất là yêu nước, yêu dân chủ. Điều ác lớn nhất là xâm lược, áp bức. Nay ta có thể giảng công khai như thế. Có phải không, thưa các cụ?" (chúng tôi nhấn).
Mười lăm năm trước đây, dẫn sự việc trên, chúng tôi nêu vấn đề: "Phải chăng anh thanh niên Nguyễn Tất Thành có được nghe những nhà văn thân cùng chí hướng với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhắc đến hoạt động văn hoá yêu nước của Hội Hướng thiện Ngọc sơn?" Nay đã có đủ băng chứng để khẳng định: Hồ chủ tịch biết rất rõ Đền Ngọc Sơn không phải chỉ là một di tích tôn giáo mà còn là - chủ yếu là - trung tâm hoạt động văn hoá - giáo dục yêu nước của nhiều thế hệ trí thức Nho học, bắt đầu từ cái Hội Hướng Thiện đã sáng lập Đền vào mùa đông năm Tân Sửu 1841, khánh thành xây dựng cải tạo vào mùa thu năm Nhâm Dần 1842. Chẳng những thế, Người còn có mối quan hệ truyền thống về tư tưởng - tình cảm với ngôi "đền văn minh" ("Tụng kinh Độc Lập ở đền văn minh" - thơ văn Đông Kinh nghĩa thục). Xin nêu vài chứng cứ:
- Đêm 30 của cái Tết Độc lập đầu tiên ấy, vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng đối với tâm linh Việt, Hồ Chủ tịch đã "vi hành" trở lại Đền Ngọc Sơn, những định thắp nén hương trước ban thờ Đức Thánh Trần, nhưng người hành lễ đông nghịt, không len chân vào được, đành đứng bái vọng từ xa rồi lặng lẽ ra về.
- Từ trước đó, 25 - 9 - 1945, 23 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, đúng ngày Kỵ đức Trần Hưng Đạo 20 tháng Tám âm lịch, theo chỉ thị của Người Bộ Tuyên truyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã làm Lễ giỗ tại Nhà hát lớn Hà Nội và trong cả nước.
- Năm 1952, giữa chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp xâm lăng, khai giảng lớp chỉnh huấn cho cán bộ cao cấp trong Chính phủ, lãnh tụ cộng sản Hồ chí Minh, được coi là (xin nhắc lại: được coi là ) phải lấy đấu tranh giai cấp làm chủ thuyết, lại nói về sự giao tranh giữa cái thiện và cái ác trên toàn thế giới, trong cả nước và trong mỗi con người.
Duyên do sâu xa của những cuộc viếng thăm ấy và những câu chuyện ấy đã được một số nhà nghiên cứu soi sáng. Nhà văn Sơn Tùng, chuyên sưu tầm và viết về Hồ Chủ tịch và gia đình của Người hơn một phần tư thế kỷ nay, từng công bố mươi năm trước đây (trên báo An ninh Thủ đô, số Xuân 1991) rằng hai bạn đồng khoa và đồng chí hướng là Cụ Nghè Ngô Đức Kế và Cụ Bảng Nguyễn Sinh Sắc năm 1903 từng ra Hà Nội gặp gỡ với Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền và Cử nhân Lương Văn Can tại nhà cụ Vũ Hoành (cũng một yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục sau này) ở Khuyến Lương. Trong lần đi ấy, Cụ Bảng Sắc mang theo cả hai anh em Sinh Khiêm và Tất Thành, nhưng giữa đường Sinh Khiêm bị ốm, nên chỉ Tất Thành được "chầu hầu" cuộc đồng chí tương ngộ ở Hà thành.
Vậy không lẽ nào trong cuộc viếng thăm đất cố đô Thăng Long, nhà Nho khoa bảng không đưa con trai đến chiêm bái Văn Miếu và đền Ngọc Sơn, nơi không chỉ thờ Thần văn chương và khoa cử, mà ngay từ khi sáng lập đã trở thành trụ sở của hội Hướng Thiện tụ họp các danh sĩ Hà thành như Thần siêu, Thánh Quát, các ông Nghè danh sư Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý, Lê Duy Trung ... tiến hành các hoạt động chấn hưng văn hoá Thăng Long . Một điều cậu Tất thành không thể không lưu ý là cũng đúng vào cái năm 1903 ấy, Cụ Cử Lương và Cụ Hoàng giáp Nguyễn cùng nhiều nhân vật khác liên quan trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào Duy tân sau này, đã cùng phả Thiện An Lạc xây dựng "Hoằng thiện kinh đàn" ở ngay bên trái chính điện (nay bị biến thành gian hàng bán đồ lưu niệm!) để giảng bài "Chính kinh" của Đức Thánh Trần (quê hương ở An Lạc!) và các bài kinh giáng bút khác của chư vị thánh thần dân tộc răn dạy giữ lòng trung hiếu, yêu nước thương nòi và bảo tồn thuần phong mỹ tục cổ truyền. Danh tính Lương Văn Can và Nguyễn Thượng Hiền được khắc trên bia "Tu bổ Ngọc Sơn từ bi kí", lập ngay tháng 6 (âm lịch) năm 1903, hiện vẫn gắn trên tường trong Đền, tấm biển lớn "Hoằng Thiện Kinh Đàn", sơn son chữ thếp vàng rực rỡ, niên đại cũng ghi 1903. Bản "Chính kinh" do Đức Thánh Trần "giáng bút" bằng chữ Hán, từng được diễn Nôm giảng tại đàn Ngọc Sơn và các đàn Thiện trong khắp cả nước, mới đây có nhà nghiên cứu phát hiện một bản “Chính kinh” đó từng được "thỉnh" từ Đền Ngọc Sơn về Nghệ An và khắc in lại ở địa phương.
Những cuộc viếng thăm đền Ngọc Sơn của Hồ Chủ tịch, biệt nhãn cuả Người đối với công cuộc hướng thiện và việc tôn thờ Trần Hưng Đạo nơi đây, sự tham gia trực tiếp vào sự nghiệp văn hoá - giáo dục này của những sĩ phu cùng chí hướng với thân phụ của Người, đồng thời là những yếu nhân của phong trào Duy tân - Đông Kinh Nghĩa Thục, đã soi rọi một ánh sáng mới vào đền Ngọc Sơn và hội Hướng Thiện. Rõ ràng trường Đông Kinh Nghĩa Thục của các trí thức Nho học chủ trương duy tân, tuy chỉ hoạt động chính thức được chưa đầy 8 tháng, nhưng phong trào mà nhà trường khởi động sở dĩ đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp chính là vì thực ra cơ sở văn hoá - xã hội của nó, cả tinh thần lẫn vật chất (các ông đồ và những ngôi trường làng) đã được hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn bền bỉ chuẩn bị từ hơn nửa thế kỷ.
Năm 2007 là tròn 100 năm mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục (1907 - 2007) và cũng là tròn 80 năm mất của Thục trưởng Lương Văn Can (1927 - 2007). Nhân sự kiện này từ ngày 3 đến ngày 5 - 5 - 2007 tại Đại học Aix-en-Provence và Trung tâm lưu trữ hải ngoại CAOM (Pháp) đã tiến hành một Hội thảo quốc tế về chủ đề "Việt Nam, thời khắc duy tân (1905 - 1908)". Mục tiêu đầu tiên trong 3 mục tiêu của Hội thảo, như nêu trong Đề dẫn gửi tới các đại biểu trước mấy tháng, là: tìm hiểu phong trào canh tân (hiện đại hoá) ở Việt Nam về bề dày xã hội, những cội nguồn văn hoá của nó. Tại cuộc Hội thảo nói trên, trong bản báo cáo khoa học (30 tr. khổ A4) "Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn - một cội nguồn văn hoá - xã hội sâu xa của phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục", bằng nhiều tư liệu văn bia Hà Nội và vùng lân cận, thơ văn và gia phả chữ Hán của một số nhân vật liên quan chủ chốt chúng tôi đã minh chứng những mối liên hệ về nhân sự và tư tưởng của phong trào văn thân yêu nước và Duy tân nói chung, của trường Đông Kinh Nghĩa Thục nói riêng với Hội Hướng Thiện của sĩ phu Hà thành, xuất hiện từ thời Minh Mạng (1836?) và hoạt động hoạt động chủ yếu vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Những mối liên hệ về nhân sự, chúng tôi đã thể hiện cụ thể thành 3 phả đồ và một sơ đồ quan hệ sư phụ - môn sinh. Ở đây chúng tôi xin thâu tóm một số tư tưởng tiến bộ (trên câu đối trong đền Ngọc Sơn gọi là "chủ trương") và phương thức hoạt động cùng cơ sở văn hoá - xã hội của nhóm sĩ phu Hà thành nửa đầu thế kỷ XIX mà chúng tôi đã phát hiện thông qua việc kết hợp tìm hiểu các hoạt động của nhóm sĩ phu Hà thành tập họp trong Hội Hướng Thiện và giải mã lại một số câu chữ trên bi ký, thơ văn chữ Hán tại Đền Ngọc Sơn, một số đền miếu khác ở Hà Nội cũng như các vùng lân cận và trong tác phẩm thơ văn chữ Hán của những danh sĩ liên quan.
- Trước hết, đó là chủ trương "trung với dân" và "nghĩa vụ của người quân tử là lo cho dân" ( "trung ư dân", "quân tử vụ dân chi nghĩa" - Vũ Tông Phan: "Trùng tu Hoả thần miếu bi ký", 1841) và để thực hiện điều đó, họ đã động viên các trí thức Nho học về "làm người quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã" ("vi hương quân tử, vi xã tiên sinh" - Nguyễn Văn Lý: "Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký", 1838). Từ đó, việc đem ánh sáng văn hoá về làng quê - đất căn bản của nền văn hoá Việt - trở thành một lẽ sống đích thực của kẻ sĩ, được chẳng những các Nho sĩ duy tân trong Đông Kinh Nghĩa Thục hưởng ứng, mà sau đó cả các trí thức "Tây học" nhưng không vong bản trong nhóm "Thanh Nghị" còn biến thành lời kêu gọi: "Anh em thanh niên! Đã đến lúc chúng ta về làm việc làng!". Năm 1969 Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, tiến sĩ "Tây học" nhưng uyên bác về văn hoá phương Đông, mẹ đẻ lại đã tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, từng nêu nhiệm vụ cần nghiên cứu về vai trò của các ông đồ (cả bà đồ nữa!) ở các ngôi trường làng trong cách mạng Việt Nam. Nhưng phải chăng vì trên tài liệu ghi phát kiến lớn đó có cộp dấu "Mật", nên ngành giáo dục im lặng về vấn đề đó suốt thời gian qua, và đến nay vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ! Vậy mà hàng ngàn ngôi trường làng cùng hàng ngàn ông đồ quân tử ấy từng là cơ sở và lực lượng dự bị, có sẵn, tại khắp các địa phương đã giúp cho Đông Kinh Nghĩa Thục triển khai công cuộc vận động canh tân của mình một cách nhanh chóng và rộng rãi. Kể cả sau khi ngôi trường "trung ương" ở số 10 Hàng Đào - Hà Nội bị chính quyền thực dân Pháp đóng cửa, Thục trưởng Lương Văn Can cùng cả loạt giáo viên bị bắt bớ, tù đày, thì tại các làng quê những ông đồ ấy, tại những ngôi tư thục tồn tại có khi hơn nửa thế kỷ rồi, vẫn mở lớp dạy "rập khuôn trường Đông Kinh Nghĩa Thục". Cũng không ít những ông đồ ấy về sau trở thành Chánh/ Phó chủ tịch, Uỷ viên thư ký của các Uỷ ban Nhân dân lâm thời trong Cách mạng tháng Tám 1945.
- Các nhà Nho sáng lập hội Hướng Thiện chủ trương tập họp Nho sĩ và thương nhân trong một tổ chức cùng hoạt động văn hoá - xã hội: trên các bia trong đền Ngọc Sơn, từ bia đầu tiên năm 1843 đến bia cuối cùng năm 1916, đứng chung tên với Nho sĩ còn có các cá nhân thương gia hoặc các hiệu Nguyên Xương, Hưng Ký, Dụ Hưng, Đồng Lợi ... Khỏi phải nói rằng ở đầu thế kỷ XIX, khi Nho giáo chính thống của triều Nguyễn vẫn "trọng nông, khinh thương", thì đây là một tư tưởng đổi mới thực sự. Vị tiến sĩ Nho học Hội trưởng Hướng Thiện đầu tiên còn cho trưởng nam của mình là Tú kép Nho học Vũ Như Trâm kết hôn với thục nữ Bùi Thị Dĩnh, cháu họ của doanh nhânmưu doanh sản nghiệp". Do tư tưởng "trọng nông, khinh thương" cố hữu chăng mà người đời nay đã biến ông thành "giám sinh Quốc Tử Giám"?! Trong khi đó thành công của ông Tổ họ Bùi chính là ở lĩnh vực "mưu doanh", nhờ vậy ông mới để lại cho con cháu một "sản nghiệp" lớn để rồi hậu duệ của ông là Bùi Huy Tùng, đã hằng sản lại hằng tâm, nên đóng góp tới hơn 10 mẫu ruộng cho Văn hội Thọ Xương - nòng cốt của hội Hướng Thiện xây dựng và duy trì hoạt động của Văn chỉ Thọ Xương. Chủ trương liên kết mật thiết trí tuệ của kẻ sĩ và tài lực của doanh nhân trong công cuộc chấn hưng văn hoá Thăng Long ở nửa đầu thế kỷ XIX đã được các nhà Nho trong phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục tiếp tục phát huy. Thậm chí, một số nhà Nho còn "sắn tay áo lên", trực tiếp mở hiệu kinh doanh, tuy nhiên, theo Nguyễn Hiến Lê, thua lỗ không ít, vì kinh doanh đâu phải là chỗ mạnh của kẻ sĩ! Bùi Huy Tùng. Chúng tôi nhấn mạnh không ngẫu nhiên: phả chữ Hán của họ Bùi ngõ Phất Lộc, soạn năm 1866 đời vua Tự Đức, ghi rõ vị tiên tổ Bùi Văn Mạo từ làng Phất Lộc huyện Đông Quan phủ Thái Bình lên Thăng Long năm 1717 để "
- Chính sự liên kết trí tuệ và tài sản đã giúp cho hội Hướng Thiện "làm những việc có ích cho người, mà giáo hoá họ" ("hành phương tiện" - Vũ Tông Phan: bia "Ngọc Sơn Đế quân từ ký") như phục dựng hàng loạt di tích lịch sử - văn hoá đã trở nên hoang tàn sau ba chục năm chiến tranh liên miên (1771 - 1802), biến đền Ngọc Sơn thành một cơ sở khắc in sách lớn nhất Hà Nội hồi nửa đầu thế kỷ XIX (đây là một công việc xưa kia vô cùng tốn kém!): cho đến năm 1966, theo báo cáo kiểm kê của nhà Hán Nôm học lão thành Vũ Tuân Sán, sau bao biến thiên ở Hà Nội, trong kho đền Ngọc Sơn vẫn lưu trữ 1156 cái ván khắc. Rất đáng chú ý là hội Hướng Thiện đã tổ chức khắc in các sách tiểu học để phổ cập chữ Hán, sách truyện danh nhân đất Việt như Chu Văn An, Trần Hưng Đạo..., sách phổ biến kiến thức thông thường như vệ sinh thai nghén, sinh đẻ và nuôi con. Phương châm làm sách này cũng được Đông Kinh Nghĩa Thục phát huy, và sau ĐKNT còn được một số người tâm huyết với văn hoá dân tộc và sự học của tầng lớp bình dân như cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, con trai thứ của sáng lập viên ĐKNT cử nhân Nguyễn Hữu Cầu, tiếp tục.
- Từ hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn đã bắt đầu hình thức thuyết giảng không phải thuần tuý tôn giáo như xưa, mà đã là thuyết giảng công khai, mang tính tuyên truyền xã hội, dẫu mới đầu chỉ là những buổi tụng giảng kinh đạo lý cổ truyền, đã được diễn Nôm để quảng đại người nghe hiểu ngay. Đông Kinh Nghĩa Thục đã phát huy vô cùng hiệu quả hình thức hoạt động này.
Một điều nữa cũng nói lên mối liên quan tư tưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục với hội Hướng Thiện, đó là: bắt đầu từ đền Ngọc Sơn, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục triển khai mạnh mẽ với đền Ngọc Sơn là một trong những diễn đàn chính, thì sau khi ĐKNT bị cấm, các tư tưởng và hình thức tuyên truyền thông qua diễn thuyết lại trở về đền Ngọc Sơn - đương nhiên, do tình thế mới, trở về dưới vỏ bọc khác là tụng giảng tại "Hoằng Thiện kinh đàn" các bài kinh "giáng bút" của chư vị thần thánh đất Việt, trong đó có "Kinh Đạo Nam " với những đề bài và nội dung không mấy khác các bài giảng ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước đây, như "Hợp đoàn thể", "Khuyến công", "Khuyến thương", "Khuyến nữ học"... kể cả "Ái quốc ca". Vì thế nên đền Ngọc Sơn mới bị quan lớn Thống sứ thực dân lưu ý bọn mật thám phải theo rõi, Kinh Đạo Nam mới bị cấm, người giảng bị bắt bớ tù đày. Thì lại đến lượt kinh tam giáo "Tâm pháp" được Vân Hương thánh mẫu (Liễu Hạnh) "giáng" và đưa ra giao giảng, dẫu kín đáo hơn, "tôn giáo" hơn, nhưng đây đó vẫn ẩn hiện cái hồn của Đông Kinh Nghĩa Thục:
Cùng non nước , cùng hình dáng ấy,
Cùng giống nòi tự bấy nhiêu lâu,
Cùng chung khí huyết một bầu:
Tiên - Long ta vẫn trước sau ghi truyền.
Tình nghĩa lúc sinh tiền khôn xiết,
Cùng màu da, xác thịt trước sau,
Kể chi già, trẻ, nghèo giầu,
Vốn là cùng giống với nhau một loài!
*Bài viết do Nhà giáo Vũ Thế Khôi gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện – blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả.