Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

GIÁO SƯ CHU HẢO LÊN TIẾNG VỀ VIỆC ĐÀN ÁP DÃ MAN NGƯỜI BIỂU TÌNH


Lâm khang Nguyễn Xuân Diện thân mến,

Nếu Thư ngỏ của các bạn gửi Ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an T/p Hà Nội đã được phúc đáp một cách có trách nhiệm thì không cần công bố bức thư này của tôi. Trong trường hợp ngược lại, đề nghị Lâm Khang cho tôi được chia sẻ với bạn đọc những điều tâm huyết dưới đây. Xin chân thành cám ơn!
                                                                 
                                                                  CHU HẢO
_____________________________
Thưa quý vị và các bạn,

Tôi viết những dòng này gửi quý vị và các bạn trong sự phẫn uất nghẹn ngào khi xem đoạn băng hình ghi cận cảnh người của lực lượng an ninh Thủ đô lạnh lùng và tàn nhẫn đạp vào mặt người tham gia biẻu tình ôn hoà, ngày 17 tháng 7 vừa qua, phản đối các hành động bá quyền ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Nó còn tệ hại hơn hình ảnh nhân viên an ninh t/p Hô Chí Minh quắp người thanh niên mang ra khỏi đoàn biểu tình hồi đầu tháng.

Xin quý vị và các bạn cùng lên tiếng cực lực phản đối và lên án hành động hết sức nguy hiểm này!

Nó hết sức nguy hiểm ở chỗ, đây không chỉ là hành động vi phạm pháp luật và vô đạo đức; mà còn là một hành vi phản động về mặt chính trị: nó công khai đàn áp những người yêu nước, công khai biểu thị thái độ thù địch đối với những người kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước chống lại âm mưu bá quyền độc chiếm Biển Đông của các thế lực phản động Trung Quốc.

Nó hết sức nguy hiểm là bởi vì, nếu chúng ta không kiên quyết ngăn chặn thì lực lượng an ninh vẫn tự khẳng định là "vì dân, của dân" sẽ trở thành lực lượng đàn áp nhân dân một cách thô bạo. Sự đàn áp này khêu ngòi và kích động các hành động bạo lực, có nguy cơ gây mất ổn định chính trị-xã hội vào đúng lúc, hơn bao giờ hêt, chúng ta cần sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội để bảo vệ và phát triển đât nước trong tình hình nóng bỏng hiện nay.

Nó hết sức nguy hiểm còn bởi vì, qua hình ảnh này, toàn thế giới đang nhìn ta nghi ngại: liệu có nên làm bạn với một chính quyền có lực lượng an ninh đối xứ tệ hại như vậy với nhân dân mình?

Không! Chúng ta không thể im lặng! Xin quý vị và các bạn hãy cùng lên tiếng! Chúng ta kiên quyết đòi nhà cầm quyền, trước hết là lực lượng an ninh ở Hà Nội,  phải chiụ trách nhiệm trước nhân dân về hành động sai trái này!

                                                       Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2011
CHU HẢO      
Đọc tiếp...

KHI CÔNG AN VIỆT ĐẠP VÀO MẶT NGƯỜI YÊU NƯỚC NAM - Thơ

Khi Công an Việt đạp vào mặt người yêu nước Nam

Khi Công an Việt đạp vào mặt người yêu nước Nam

Anh ta đã đạp vào mặt chúng ta
Khi đạp vào mặt người thanh niên yêu nước
Không chỉ một lần
Mà đạp đến lần thứ bốn
Mỗi cái đạp là một lời thông điệp
Cái đạp đầu tiên dành cho lòng ái quốc
Yêu nước ư? Không đáng giá một xu!
Cái đạp thứ hai dành cho bầu nhiệt huyết
Máu nóng ư? Hãy biết sợ nghe con!
Cái đạp thứ ba dành cho người sinh viên
Trí thức ư? Bọn này thua cục cứt!
Cái đạp thứ tư cho dân tộc Việt Nam
Chủ quyền ư? Chúng mày là thuộc quốc!

Tôi ngồi trước màn hình máy tính
Xem đoạn video không dưới chục lần
Uất nghẹn, lặng câm
Mà miệng tôi mặn đắng
Mà lòng tôi quặn thắt
Quê hương ơi sao đến nỗi này đây
Dân tộc ơi máu rỏ trái tim này
Tổ quốc tôi lâm nguy
Mà tôi không nhúc nhích?
Khi Công an Việt mặt thường phục đạp vào mặt người thanh niên yêu nước
Anh ta đang làm theo lệnh của ai?

Sài Gòn hôm sáng nay
Trời vẫn xanh, mây vẫn trắng
Phố xá vẫn thênh thang
Còn ở ngoài kia, biển Đông
(Ồ không, biển Hoa Nam chứ nhỉ?)
Những người ngư dân đi không về nữa
Những chiếc tàu cá không dám ra biển nữa
Cá biển Đông chúng ta sẽ không ăn nữa
Có gì đâu
Đáng gì đâu, lòng ái quốc
Còn nữa đâu, bầu nhiệt huyết
Câm lặng hết rồi, người trí thức
Có còn không, chủ quyền đất nước
Khi Công an Việt đạp vào mặt người yêu nước Nam!


Phương Anh

Viết xong sáng 21/7 khi đọc tin Quốc hội họp về Biển Đông và xem lại đoạn video Công an Việt Nam trấn áp biểu tình tại Hà Nội ngày 17/7/2011. Một đoạn video sẽ mãi mãi đi vào sử liệu về lòng yêu nước bị sỉ nhục của người Việt Nam.
Đọc tiếp...

BIỂU TÌNH NGÀY CHỦ NHẬT 24.07.2011

VỀ CUỘC BIỂU TÌNH NGÀY CHỦ NHẬT 24.07.2011

Giới nhân sĩ trí thức có ý kiến như sau:

1- Việc thanh niên, sinh viên, trí thức và đông đảo nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước tham gia biểu tình yêu nước là biểu hiện tình cảm trong sáng, cao quý, linh thiêng và đầy trách nhiệm đối với Tổ Quốc. Các cuộc biểu tình tại Hà Nội vừa qua cho thấy không một ai, cơ quan hay tổ chức nào trong và ngoài Việt Nam có thể xuyên tạc, bóp méo, lợi dụng hay dập tắt được các cuộc biểu tình chính nghĩa này.

Cho đến nay, không có bất cứ văn bản pháp luật nào cấm biểu tình, vì nếu có thì chính văn bản pháp luật đó là vi hiến. 

2- Giới nhân sĩ trí thức sẽ cùng đồng bào xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông.

Vì ngày 24 tháng 7 gần với ngày 27 tháng 7 là Ngày Thương binh liệt sĩ, nên những người biểu tình có thể kết hợp với việc tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã bỏ mình vì nước trong các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc trong lịch sử. 

Thời gian: 08h00 ngày Chủ Nhật 24.7.2011

Địa điểm tập trung: Khu vực HỒ GƯƠM

(Chân tượng đài Lý Thái Tổ, chân tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục [cạnh tòa nhà Hàm Cá Mập]).

Đúng  8h30 tất cả mọi người tập trung về Vườn hoa chân tượng đài Lý Thái Tổ.

3- Chúng tôi trân trọng đề nghị các lực lượng an ninh bố trí lực lượng giúp phân luồng giao thông và bảo vệ an ninh cho đoàn biểu tình yêu nước. 

4- Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông trong nước và quốc tế đưa phóng viên tới để ghi nhận và phản ánh đầy đủ và chân thực cuộc biểu tình yêu nước của nhân dân Việt Nam.

PHỤ LỤC:

1-     Nếu cuộc biểu tình bị ngăn cản, giải tán trái Hiến pháp, chúng tôi sẽ bàn bạc để có một văn bản gửi tới Quốc Hội, đề nghị khẩn trương ra Luật Biểu tình phù hợp với Hiến pháp và tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do biểu tình (Sắc lệnh số 31, ngày 13 tháng 9 năm 1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)

2-    Tất cả những người tham gia biểu tình ngày Chủ nhật 24.7.2011, nếu bị cưỡng chế, ngăn cản, đàn áp quyền tự do biểu tình trái Hiến pháp, thì cần liên hệ với nhau để cùng ký vào một văn thư gửi lên các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Nhà nước Việt Nam.

Xin hãy cùng nhau lại xem Cẩm nang biểu tình, tại đây.

 TỔ QUỐC VIỆT NAM ANH HÙNG MUÔN NĂM!
ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM TOÀN VẸN LÃNH THỔ MUÔN NĂM! 
______________________________________________________ 
Bạn đọc Đức Hoàng đề xuất:

Tôi đề xuất như sau:
1-Cuộc biểu tình mang tên ủng hộ Quốc Hội ra nghị quyết biển Đông, chống chính sách đường lưỡi bò Trung Quốc ở biển Đông.
2-Khuyến khích người biểu tình mặc áo chống đường lưỡi bò, ủng hộ ngư dân bám biển.
3-Trước khi bắt đầu biểu tình, có một phút mặc niệm các anh hùng Liệt sỹ chống xâm lược phương Bắc, đặc biệt các Liệt sỹ đã hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.
4-Các băng rôn nên ghi tên các Liệt sỹ đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa
Ví dụ: Liệt sỹ Nguyễn Văn A hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974
Các cờ đỏ sao vàng và các khẩu hiệu khác thể hiện tinh thần cuộc biểu tình được hoan nghênh. Không khuyến khích các băng rôn có nội dung quá khích.
______________________________________ 

HÃY NHANH ĐẾN ĐỊA ĐIỂM PHÂN PHỐI ÁO THUN ỦNG HỘ NGƯ DÂN BÁM BIỂN



Địa điểm phân phối áo thun ủng hộ ngư dân bám biển tại Hà Nội:
Số 19C Lê Văn Lương - Quán cafe Cơm Việt - Hà Nội.

Giá tiền: 150.000 VNĐ/cái

Ngoài ra khách hàng có thể chuyển tiền vào TK và cầm phiếu chuyển tiền đến nhận áo tại Địa chỉ trên. Thông tin TK như sau:

1. TK Công ty Cổ phần TM & DV Sài Gòn Truyền Thông.
Số TK 007.100.2381488 NH VCB chi nhánh TP HCM

2. TK Qũy Hỗ trợ Phát triển Giáo Dục
Số TK 001.234.230001 NH Đông Á Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng TP HCM.

Trân trọng cảm ơn các anh chị đã ủng hộ ngư dân bám biển!
_______________
Đọc tiếp...

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO HỒ CHÍ MINH VỀ BIỂU TÌNH

Học tập và làm theo Hồ Chí Minh về biểu tình


Nguyễn Quang A

Người ta đánh tráo khái niệm “biểu tình” bằng “tụ tập đông người”. Hãy quay lại với luật pháp hiện hành. Biểu tình là một quyền được Hiến Pháp quy định. Không luật nào, không tổ chức nào và người nào được làm trái hiến pháp. Có quy định nào về thủ tục biểu tình trong luật Việt Nam hiện hành? Tôi tìm thấy sắc lệnh số 31 do cụ Hồ ký. Toàn văn sắc lệnh như sau:

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 31 NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1945
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ 

Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà;
Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, đề tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao;
Sau khi Hội đồng các Bộ trưởng đã đồng ý;


RA SẮC LỆNH: 

Điều thứ 1: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này.

Điều thứ 2: Ông Bộ trưởng Nội vụ và các Uỷ ban nhân dân Bắc Trung Nam bộ chịu uỷ nhiệm thi hành sắc lệnh này.

Hồ Chí Minh

Không rõ có văn bản pháp lý nào của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã tuyên bố sắc lệnh số 31 của cụ Hồ Chí Minh vô hiệu hay không? Nếu có, đề nghị Bộ Tư Pháp thông báo để nhân dân được rõ.

Nếu chưa có, thì sắc lệnh 31 vẫn có hiệu lực pháp lý.

Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phát động phong trào học tập cụ Hồ. Tôi thấy cụ Hồ là một lãnh tụ, một chính trị gia lão luyện. Nhân dân ít có thể học được mấy từ Cụ, vì nếu cả 89 triệu dân Việt Nam đều như Cụ, thì đất nước suy sụp vì sẽ chỉ có toàn lãnh tụ và chính trị gia, mà số ấy chỉ là không đáng kể trong dân chúng. Cho nên các lãnh tụ, các cán bộ cấp cao và cán bộ nhà nước mới thực sự là những người cần và phải học cụ Hồ. Và phải học những việc rất cụ thể, không chung chung.

Liên quan đến quyền biểu tình của người dân đã được hiến định và nếu sắc lệnh 31 đã bị vô hiệu, thì có thể thấy các lãnh đạo, các chính trị gia, các đại biểu Quốc Hội đã chẳng chịu học Hồ Chí Minh và họ phải học ngay và thấu triệt tinh thần của Cụ Hồ về biểu tình để có luật về quyền tự do biểu tình của công dân.

Tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà”, câu mở đầu của sắc lệnh tuyên bố một cách chắc nịch về quyền tự do hội họp của người dân mà không thế lực nào có quyền làm mai một. “Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, đề tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao” là lý do để cần có sắc lệnh 31.

Ngay cả trong tình trạng khó khăn như thế của Nhà Nước, quyền tự do biểu tình của người dân vẫn được đảm bảo. Và vì thế “những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này”. Nói cách khác biểu tình không phải xin phép mà chỉ cần “khai trình trước”, thông báo trước 24 giờ. Hiện nay tình hình đất nước vững mạnh hơn khi Cụ Hồ ban hành sắc lệnh này rất nhiều, nên chẳng thể có lý do nào để có điều kiện khắt khe hơn điều kiện “khai trình” mà Cụ Hồ đưa ra.

Không cần phải có Nghị định hay thông tư hướng dẫn mà “Ông Bộ trưởng Nội vụ và các Uỷ ban nhân dân Bắc Trung Nam bộ chịu uỷ nhiệm thi hành sắc lệnh này”. Tức là họ chỉ có việc thi hành.

Toàn bộ sắc lệnh, kể từ Tiêu đề “sắc lệnh, ngày tháng,…,đến chữ ký Hồ Chí Minh” chỉ vỏn vẹn 155 từ.

Các lãnh đạo, các đại biểu Quốc Hội nên bỏ ra 5 phút để học Hồ Chí Minh về vấn đề biểu tình và lệnh cho công an cả nước học theo và tôn trọng pháp luật hiện hành, kể cả sắc lệnh 31 của cụ Hồ nếu nó chưa bị Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tuyên bố vô hiệu.

*Bài viết do TS Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho NXD-Blog. 
Xin chân thành cảm ơn tác giả!


Đọc tiếp...

BBC: NHÂN DIỆN CÔNG AN ĐẠP MẶT DÂN

Nhận diện công an đạp mặt dân
Đại úy Minh và người đeo kính áo đen bị tố cáo đã đánh người vô cớ

BBC được biết người đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức là một đại úy trong khi người chỉ đạo là thượng tá công an ở Hà Nội.
Một trong số những người biểu tình bị bắt nói vị đại úy tên là Minh.
"Khi chúng tôi bị đưa lên xe, tôi nghe thấy có người gọi 'anh Minh ơi lên xe đi' và anh ta lên.
"Đây cũng là người đã đánh chúng tôi," người biểu tình này nói với BBC.
Ông cũng nói thêm người mặc áo trắng và chỉ tay trong ảnh chính là Thượng tá Canh, Phó trưởng công an quận Hoàn Kiếm.
Ngoài ra, người đeo kính và đứng đằng sau ông Canh cũng bị tố cáo đã vô cớ đánh người biểu tình.
Cho tới nay ít nhất năm người đã nói rằng họ bị cảnh sát đánh đập mặc dù họ không hề có thái độ khiêu khích.
'Phũ phàng'

Anh Nguyễn Chí Đức thậm chí còn đang bị bốn công an cầm tay cầm chân khi bị Đại úy Minh đạp vào mặt.

Anh Đức nói anh đã bị "khống chế như con lợn... mấy đồng chí công an còn đạp (sút) tổng cộng 4 phát. Đạp từ trên đạp xuống trong lúc mình đang còng queo.
"Trong đó có hai phát được ăn "bánh giầy" vào mồm. Một phát trượt qua cổ. Một phát vào ngực.
"Trước cuộc tuần hành một ngày, tôi đã biết cuộc trấn áp sẽ rất phũ phàng.
Nguyễn Chí Đức
Blogger này nói với BBC rằng anh đã từng xuống đường hai lần năm 2007 và năm lần trong tháng 6-7/2011. 

"Trước cuộc tuần hành một ngày, tôi đã biết cuộc trấn áp sẽ rất phũ phàng. Một cán bộ an ninh cũng đã nhắc nhở tôi về tình hình chung và của cả cá nhân tôi. Cho nên sự việc đến thì tôi cũng thấy bình thản."

Hiện chưa rõ công an Việt Nam đã có lời xin lỗi anh Đức hay có công an nào bị xử lý trong vụ này chưa.
Báo chí Việt Nam hoàn toàn im tiếng trong vụ công an hành hung người dân lần này.

Trong khi đó họ đưa tin một cô gái ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị khởi tố vì tát công an.

Cũng trong ngày 20, VnExpress chạy tin 'Hạ gục kẻ bắn chết một công an' trong đó không hề nói cảnh sát đã cố gắng tới đâu để có thể bắt sống người gây án. 
Cảnh sát Việt Nam đã nhiều lần bị tố cáo sử dụng bạo lực quá mức cần thiết và lạm dụng quyền hành.

Nguồn: BBC Tiếng Việt.

Đọc tiếp...

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XIII



NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỲ HỌP THỨ NHẤT QUỐC HỘI KHÓA XIII
Bùi Công Tự

Hôm nay 21/7/2011 Quốc hội khóa XIII khai mạc phiên họp đầu tiên. Theo phép lịch sự chúng ta xin gửi đến Quốc hội lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của kỳ họp này là bầu bán và phê chuẩn các chức danh, cho dù là rất quan trọng, tôi cũng không quan tâm mấy. Vì như một vở kịch, tác giả kịch bản và đạo diễn đã hoàn tất nhiệm vụ của mình, bây giờ là phần diễn của các diễn viên. Tôi chỉ có chút tò mò chờ đợi xem có diễn viên nào không làm tốt vai diễn của mình không? Có dám diễn khác bài của đạo diễn không?

Điều tôi quan tâm nhất là vấn đề biển Đông. Lần này chắc nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ không nói là “tình hình biển Đông không có gì mới” như hồi năm ngoái nữa? Nhưng liệu quốc hội có ra được một tuyên bố khẳng định chủ quyền, lên án hành động gây hấn của Trung Quốc, bày tỏ rõ ràng quan điểm của chúng ta về đàm phán giải quyết tranh chấp. Quốc hội phải có cách nói khác với cách nói của ngoại giao. Quốc hội có xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân hay không chính là ở lúc này? Nước Mỹ ở tận nửa bên kia trái đất mà Quốc hội người ta còn phải lên tiếng về tình hình biển Đông. Tôi tin điều đó đánh động lương tâm và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội.

Điều thứ hai tôi quan tâm là Quốc hội có trả lời kiến nghị của các vị nhân sĩ trí thức về hiện tình đất nước? Đây là việc thể hiện Quốc hội có tôn trọng nhân dân, có tin tưởng nhân dân không. Thiết nghĩ Quốc hội nên lấy làm tự hào khi nước ta có những người dân lúc nào cũng đau đáu trước sự tồn vong của Tổ quốc. Tôi hi vọng sẽ có nhiều vị đại biểu đề cập đến vấn đề này trước Quốc hội.

Điều thứ ba tôi quan tâm là vấn đề sửa đổi hiến pháp. Vì nó là cơ sở pháp lý cho những thay đổi của xã hội nếu có trong tương lai. Tôi mong Quốc hội chọn được những vị thật sự có tài, có đầu óc cải tổ, hiểu biết pháp luật thế giới để cử vào ủy ban sửa đổi hiến pháp như chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm được khi tổ chức biên soạn hiến pháp 1946.

Tôi thường nghe các vị đại biểu Quốc hội nói “Nhân dân có nguyện vọng thế này, bức xúc thế kia”, nhưng những nguyện vọng cốt tử nhất, những bức xúc gay gắt nhất của nhân dân thì số đông các vị lại né tránh, bỏ qua. Có một số vị đại biểu Quốc hội (như GS Nguyễn Minh Thuyết và một số vị khác) mạnh dạn bày tỏ đúng như mong muốn của nhân dân thì lại không được Quốc hội, đặc biệt là lãnh đạo đồng tình ủng hộ. Vì thế đã làm cho nhân dân ít nhiều bị thất vọng.

TP HCM, 21/7/2011.

*Bài do tác giả gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn!

Đọc tiếp...