Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

THƯ GỬI NHÂN SĨ HÀ TÂY

18.07.2011
Thư gửi Nhân sỹ Hà tây

Lê Dũng 

 

Thưa các Cụ, các Bác, các Chú, các Anh, các Chị là người Hà tây, 

 

Tôi là một người con của Hà Tây quê lụa, Ứng hòa là quê hương bản quán, có mồ mả Tổ Tiên từ 600 năm để lại. Theo sử chép thì Ứng hòa còn có trước khi Vua Lý rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long bây giờ.


Địa linh nhân kiệt tuy vẫn hơi nghèo so với các huyện khác bây giờ, nhưng có sao đâu - quê tôi đẹp lắm. Nếu như không sáp nhập vào Hà nội thì giờ đây, cứ sáng ra là tôi lại được nghe bài hát của Nhạc sỹ Lai Vu trên đài phát thanh truyền hình Hà tây : " Hà tây, cửa ngõ Thủ đô - cô gái Suối hai chàng trai Cầu Giẽ..."

Thực ra thì chưa bao giờ tôi có ý nghĩ là sẽ viết thư thế này cho Người Hà tây, chỉ bởi vì ngày 17.7 vừa qua, được chứng kiến cảnh nhồi da xáo thịt giữa thanh thiên bạch nhật giữa Thủ đô, nó đã khiến tôi nảy ra ý này.

Cũng bởi Hà Tây "Đất thiêng nảy sinh nhân tài " ( theo lời trong bài hát : về Hà tây) nên quê tôi đã có nhiều nhân tài và hào kiệt. Xưa là đất có hai Vua, nay không còn Vua thì có nhiều quan lớn, quan võ, quan văn, quan nghệ sỹ, quan báo...nhiều vô kể.

Giá như tôi được học nghề viết văn như anh Hoàng Minh Tường cạnh làng tôi, hay như anh Nguyễn Quang Thiều cùng huyện, hoặc là học nhạc như Lê Minh Sơn nhạc sỹ...để có thể viết văn hay, dùng năng khiếu của mình để viết ra những áng văn, dòng nhạc ai oán của hôm nay.

Thưa anh Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc công an Hà nội bây giờ, nhà anh cách nhà em vài cánh đồng, con cháu em lấy vợ lấy chồng bên làng anh cả lũ, kiểu nhà quê mình họ hàng nửa làng chắc kiểu gì chả có dính dáng họ hàng ( !). Anh ạ, hôm rồi em và con gái đi biểu tình bị đám lính của anh "đánh cho vỡ mặt" - như thằng Tàu nói trong clip của đài Phượng hoàng gì đấy. Lính của anh tẩn em như tẩn một tên tội phạm, ném con gái em 11 tuổi lên xe buýt như ném bao hàng.

Thưa anh, vì Tổ quốc, vì Nhân dân nên em coi đó chỉ chỉ kiếp khổ kiếp nạn của cá nhân. Chỉ khi xem tận mắt cảnh mấy lính áo xanh và một thằng áo phông vàng - mà em biết rõ nó là lính của anh Ca, phó an ninh Hoàn kiếm - đã đạp thẳng vào mặt thằng cu Đức khi nó đang bị khiêng tới cửa xe buýt. Em bàng hoàng đến đơ cả người ra, em cứ tưởng đây chỉ là giấc mơ không có thật. Tỉnh lại, em nghĩ là : có thể tới đây, Hà nội mình sẽ bị tòa án Liên hợp quốc hỏi han, đưa ra các bằng chứng chống lại loài người của lính dưới quyền của Anh. Anh hãy thử xem clip đó một lần, nếu Anh vẫn là Người Hà Tây quê lụa thì em nghĩ anh cũng có những cảm xúc như em : uất hận !

Anh ạ, mộ tổ, nhà thờ họ của Anh và em đều đang nằm ở Ứng hòa, em không bao giờ nghĩ mình sẽ rời xa Quê để đi đâu đó sống vì em là con trưởng, hương khói cho các Cụ là việc phải làm.

Anh Nhanh ạ, Anh là người mà em xin gửi những chia xẻ đầu tiên, cũng cho phép em được gửi những tâm sự này đến anh em an ninh Hà nội, nhiều người Ứng hòa và là người thân của em.

Thưa anh Uy - nguyên Phó tổng Giám đốc TTXVN, tuy anh đã về hưu nhưng em vẫn rất nhớ anh, những ngày được làm việc cùng anh cách đây chục năm, khi xây dựng tòa nhà của TTX, em được anh chỉ bảo rất ân cần. Khi ấy anh cũng đã không còn khỏe như thanh niên bọn em nhưng cũng từng họp hành giải quyết nhiều công việc với anh em dự án, không quản ngoài giờ, ngày nghỉ để phục vụ việc chung.

Em buồn lắm khi thấy TTXVN của mình đưa tin tàu hải giám của Tàu tới Trường sa mà cứ như đưa tin của ta vậy. Đã thế vài ngày sau lại dắt díu nhau sang đó, chả hiểu làm gì ?

Thưa các anh nhà văn : anh Tường, anh Thiều kính mến. Suốt từ đầu tháng 6 đến nay, chỉ vì phải xuống đường cùng bà con để biểu tình phản đối bọn Tàu xâm lược mà em không còn được cùng ra quán cà phê chỗ quận Hà đông để uống cùng quán với anh Thiều. Tiếc lắm anh ạ, nhưng ra Cột cờ em lại được gặp anh Nguyên cũng Nhà văn, bác Đào cũng Nhà văn, em được sát cánh kề vai bên các bác và các anh ấy cùng Nhân dân hô vang tiếng lòng mình, hy vọng xua đuổi được tà ma của Đất nước. Em lâu rồi không được gặp và đọc các tác phẩm của các anh viết, chả nhẽ chưa có hứng để viết sao anh ? các anh hãy xuống đường cùng em một lần, em đảm bảo nếu không có tác phẩm cả ngàn người đọc thì em xin bé bằng ...con kiến.

Thưa bạn Lê Minh Sơn nhạc sỹ, tôi mê những tác phẩm của bạn lắm. Tôi đã sởn da gà khi nghe Thanh Lam hát bài " Ôi quê tôi" do bạn sáng tác ! hay tôi và bạn là đồng niên nên cảm xúc có vài cái giống nhau ?

Được " tẩn " bởi lính của anh Nhanh hôm rồi, tôi nằm nhà hôm sau vì đau và cứ hát bài ấy của bạn. Chiều qua, khi xem clip thằng Đức sinh năm 76, kém anh em mình nửa giáp bị lính anh Nhanh "tẩn" và đạp chân vào mặt khi còn bị ba đứa khác khiêng mà mình cả đêm không ngủ. Nước mắt cứ trào ra, vợ bảo ông bị sốt rồi. Thề có trời cao đất dày, mình thương Quê, thương Hà nội quá, giữa ban ngày ban mặt mà các anh em của mình cứ giết nhau. Hay mái nhà trong "Quê tôi" của Sơn đã dột ?

Sơn hãy viết tiếp đi Sơn ơi, viết lên tiếng khóc của mình... viết đến đây quả thực mình lại khóc nữa. Nghiến răng cho hết, mong Sơn có những tác phẩm mới, trong đó có tiếng la, tiếng khóc, tiếng than, tiếng oán , tiếng còi hú, tiếng còi huýt, tiếng chửi mắng của côn đồ, tiếng phân trần của trí thức - các bậc Thày của mình, nguyên khí của Quốc gia ...đang đứng dưới đường, dưới chân Cột Cờ để Ái Quốc.

Thưa anh Diện - Tiến Sỹ Hán Nôm và các bạn đồng nghiệp, Đường Lâm quê anh là đất Vua Cha, từng viên đá ong còn ghi dấu lịch sử oai hùng. Làng cổ tuy không còn nguyên vẹn nhưng đức hạnh của những người con Đường Lâm vẫn không hề bị mai một. Suốt từ đầu tháng 6 đến giờ, cả Đất nước chứng kiến những hành động cao cả, đẹp đẽ của anh cùng các Nhân sỹ của Đất nước, liên tục lo lắng cho vận mệnh Quốc gia trước họa xâm lăng của Tàu cộng. Lịch sử đã ghi nhận và lịch sử sẽ tiếp tục ghi nhận anh và các bạn của anh, những Trí thức thực sự của Quê hương, của Đất nước - các anh không ngủ bao giờ.

Còn nhiều Người con của Hà Tây nữa mà tôi chưa có duyên được biết, được gặp. Xin thưa rằng : Quê hương chúng ta đang gặp hoạn nạn, giặc chưa đến mà đồng bào đã bị giết bởi đồng bào, các bạn nghĩ sao? các bạn sẽ nghĩ gì nếu các bạn có những đứa con nghịch tử, chỉ biết cướp thuê, đánh thuê, bóp cổ ngay cả Ông Bà Cha Chú Anh Chị của mình?

Tôi viết mà vẫn lo mình thô lỗ, không học viết nên cứ tào lao. Chỉ mong gửi đến những Nhân sỹ, những người con của Quê hương sẽ đọc được những tâm tình này. Để cùng suy nghĩ, chia xẻ, hành động đúng với lương tâm, đúng với luật pháp, đừng để mình phải hổ thẹn với tiền nhân và con cháu chỉ vì chút danh hão, vài đồng tiền dơ bẩn.

Tôi thấy bên Pháp họ đặt tượng Sacozi và đúc dưới chân dòng chữ: "Đừng vì tiền mà làm hỏng thanh danh của mình !". Câu đó xin được chép để tôi mang về treo trên tường, cho con cái đọc hàng ngày cùng với dòng chữ: "Mình là Người Hà Tây quê lụa".

Vài dòng kính gửi các Nhân sỹ, gửi Người Hà tây cho vợi cõi lòng. Nay Hà Tây không còn nhưng Hà Nội sẽ là Quê mới, truyền thống đất thiêng nảy sinh nhân tài sẽ được hòa chung với Hà nội thanh lịch hào hoa, ngàn năm văn hiến. Để không còn cảnh người giết người giữa ban ngày, cảnh sát " tẩn" Dân chỉ vì Dân Ái Quốc.
.
Kính thư,
Lê Dũng
Nguồn: Lê Dũng-Blog

Đọc tiếp...

HÃY NHANH ĐẾN ĐỊA ĐIỂM PHÂN PHỐI ÁO THUN ỦNG HỘ NGƯ DÂN BÁM BIỂN


Địa điểm phân phối áo thun ủng hộ ngư dân bám biển tại Hà Nội:
Số 19C Lê Văn Lương - Quán cafe Cơm Việt - Hà Nội. 

Ngoài ra khách hàng có thể chuyển tiền vào TK và cầm phiếu chuyển tiền đến nhận áo tại Địa chỉ trên. Thông tin TK như sau:

1. TK Công ty Cổ phần TM & DV Sài Gòn Truyền Thông.
Số TK 007.100.2381488 NH VCB chi nhánh TP HCM

2. TK Qũy Hỗ trợ Phát triển Giáo Dục
Số TK 001.234.230001 NH Đông Á Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng TP HCM.

Trân trọng cảm ơn các anh chị đã ủng hộ ngư dân bám biển!
_______________
Xin chân thành cảm ơn một nhân sĩ Sài Gòn đã tặng 50 áo phông 
cho những người tham gia biểu tình tại Hà Nội.

Đọc tiếp...

ĐỀ NGHỊ XEM LẠI HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiêm VP Quốc hội. Ảnh: PL tp HCM

ĐỀ NGHỊ XEM LẠI HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Thưa chư vị, 

Theo báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh: Chiều 19-7, tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XIII (từ ngày 21-7 đến 8-6) do Văn phòng QH tổ chức, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng QH, đã trả lời các câu hỏi của báo chí xung quanh những nội dung quan trọng của kỳ họp lần này. 

Trong đó có câu hỏi như sau:
Hỏi: Thưa ông, hiện trên mạng đang lưu truyền bản kiến nghị của các nhân sĩ về bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay gửi đến QH, Ủy ban Thường vụ QH. Vậy đến nay QH đã nhận được chưa và việc giải quyết kiến nghị này như thế nào?
Trả lời: Đến nay chúng tôi chưa nhận được bản kiến nghị trên nên chưa thể nói gì được.
Sáng nay, 20 tháng 7 năm 2011, Giáo sư Chu Hảo và tôi đã đến Bưu điện - nơi chúng tôi gửi Kiến Nghị bằng đường Phát chuyển nhanh, thì được các nhân viên Bưu điện cho biết:

1- Phong bì thư chứa 16 thư gửi cho các ủy viên Thường vụ Quốc hội đã được chuyển đến Văn phòng Quốc hội lúc 10h ngày 14 tháng 07 năm 2011. Người ký nhận thư là Ông KHÔI.

2- Phong bì thư chứa 02 thư gửi cho ông Đào Trọng Thi và bà Trương Thị Mai (đều là ủy viên Thường vụ Quốc hội) đã được chuyển đến nơi làm việc là 35 Ngô Quyền lúc 10h ngày 14 tháng 07 năm 2011. Người ký nhận thư là bà NHUNG.

Chúng tôi đang yêu cầu phía Bưu điện cung cấp biên bản ký nhận thư của Văn Phòng Quốc hội.

Chúng tôi cũng đã hỏi và đã có 1 số vị Ủy viên Thường vụ Quốc hội xác nhận đã nhận được Bản Kiến nghị Về Bảo vệ và Phát triển đất nước trong tình hình hiện nay của 20 nhân sĩ trí thức.

13h50 ngày 20.07.2011, Bưu điện cung cấp chữ ký xác nhận của
Văn Phòng Quốc hội:

Ông Khôi ở Văn Phòng Quốc hội ký xác nhận đã nhận Kiến nghị
 

Bà Nhung xác nhận đã nhận bản Kiến nghị gửi Ông Đào Trọng Thi và bà Trương Thị Mai
 Như vậy, ở đây cần phải xem lại hoạt động của Văn phòng Quốc hội và trách nhiệm của Ông Trần Đình Đàn - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội!
Chu Hảo - Nguyễn Xuân Diện


Đọc tiếp...

BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT LÊN TIẾNG VỀ "CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG"

Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (20/07/2011)

Gần đây Trung Quốc luôn rêu rao cái gọi là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử đương thời. Có thể nói, giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

 
Đảo Núi Le thuộc quần đảo Trường Sa

Theo lý giải của Trung Quốc, ngày 4 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Sau đó, ngày 14-9-1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau:
"Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.
Cần phải thấy rằng, các tuyên bố nói trên của Trung Quốc cũng như của VNDCCH ra đời trong bối cảnh có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối với Trung Quốc về tình hình lãnh thổ trên biển theo luật pháp quốc tế cũng như diễn biến căng thẳng của vấn đề quân sự xung quanh eo biển Đài Loan. Năm 1956, Liên Hợp Quốc bắt đầu tiến hành các hội nghị quốc tế bàn về Luật Biển, sau đó một số hiệp định được ký kết vào năm 1958, tuy nhiên vẫn chưa làm thỏa mãn yêu sách về lãnh hải của một số quốc gia. Từ đầu thế kỷ XX, nhiều quốc gia đã bắt đầu chú ý tới nguồn lợi to lớn từ khoáng sản và tài nguyên biển, bộc lộ ý đồ mở rộng chủ quyền trên biển. Trung Quốc, dù trong lịch sử ít quan tâm đến biển, cũng bắt đầu chú ý đến việc mở mang, kiếm tìm những đặc quyền trên biển. Mặc dù lúc đó chưa phải là thành viên của Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc cũng bắt đầu chú ý đến việc lên tiếng với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trong chiến lược cho tương lai, thì việc cạnh tranh trên biển, cũng như tìm kiếm những nguồn tài nguyên trên biển là một vấn đề được Trung Quốc đặt ra. Trên thực tế, cũng từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã hình thành ý định nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Rõ ràng, việc nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ thế kỷ XX đã nằm trong chiến lược "lấn sân” của Trung Quốc về tham vọng mở rộng biên giới quốc gia trên biển.

Ngày 26-5-1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự bảo hộ Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3-9-1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Các nhà chép sử gọi đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất. Ngày 11-8-1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố sẽ "giải phóng” Đài Loan, và tăng cường pháo kích vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ. Ngày 12-9-1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự liên can của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến này. Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23-8-1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ. 

Ngoài bối cảnh "phức tạp và cấp bách” đối với Trung Quốc như đã nêu trên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù VNDCCH –Trung Quốc lúc đó "vừa là đồng chí vừa là anh em”. Năm 1949, bộ đội Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả lại cho Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1957, Trung Quốc chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam từ tay một số lực lượng khác, rồi sau đó cũng trao trả cho Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ đặc thù của hai nước VNDCCH – Trung Quốc lúc bấy giờ. Do vậy, trong tình hình lãnh thổ Trung Quốc đang bị đe dọa chia cắt, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào can thiệp, việc Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải bao gồm đảo Đài Loan trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không quên mục đích "sâu xa” của họ trên Biển Đông nên đã "lồng ghép” thêm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào bản tuyên bố. Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của VNDCCH trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu những lời ủng hộ Trung Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan và đe dọa Trung Quốc.
 
Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ tòan vẹn lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh ra đời của Công hàm như đã nêu trên. Công hàm 1958 có hai nội dung rất rõ ràng: Một là, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
 
Tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Điều đó có nghĩa là kể từ năm 1951, cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu. Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về người Việt Nam. Các điều khoản trong Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4-9-1958 về cơ sở pháp lý quốc tế đương nhiên được xem là không có hiệu lực. Trong Công hàm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế. Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đương nhiên chỉ tán thành những tuyên bố của Trung Quốc có nội dung hợp pháp được cộng đồng quốc tế thừa nhận trên cơ sở luật pháp quốc tế cho đến giai đoạn đó. Một phần nội dung của bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia về lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời cũng vi phạm nghiêm trọng các cơ sở pháp lý về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cộng đồng quốc tế đã thừa nhận cũng như đã nhiều lần tái thừa nhận một cách minh thị là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính phủ VNDCCH trong bối cảnh quan hệ hữu nghị rất đặc thù với Trung Quốc đã khẳng định lập trường ghi nhận, tán thành tuyên bố giới hạn 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc, còn những nội dung cụ thể diễn giải vượt quá phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc theo các hiệp ước quốc tế đã không được đề cập tới như là một sự mặc nhiên thừa nhận sự vô hiệu của nó dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế. Trong khi đó, Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
 
 
Bức Công hàm ngày 14-9-1958 của
Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa
 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký

Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt nêu trên càng thấy rõ một sự thật hiển nhiên là Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đơn giản chỉ ghi nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, không hề nhắc lại các nội dung mập mờ liên quan đến các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về thực chất, Công hàm 1958 thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Thực là phi lý, nếu cố tình suy diễn và xuyên tạc (như lập luận phía Trung Quốc), cho rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của dân tộc, lại ký văn bản từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước trong khi chính ông và cả dân tộc Việt Nam đã chiến đấu hết mình để giành độc lập, tự do. Có lẽ cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Công hàm 1958 có thể hiểu không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm trong bàn đàm phán Genève năm 1954, khi mà Trung Quốc đã có không ít động thái rất bất lợi cho VNDCCH. Nội dung Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa VNDCCH và Trung Quốc bấy giờ, đồng thời cũng hàm chứa thái độ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Việt Nam, bởi từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một cơ sở nữa trên phương diện pháp lý, nước VNDCCH lúc đó không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố của VNDCCH xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp. Tuy nhiên, có tác giả đã cố tình nêu thuyết "estoppel” để suy diễn những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam.

Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết "estoppel”. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính: (1) Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách minh bạch; (2) Quốc gia nại "estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động; (3) Quốc gia nại "estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó; (4) Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và lâu dài. Thí dụ: bản án "Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án "Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án "Ngôi đền Preah Vihear”...

Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của VNDCCH, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2 và 3 đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của VNDCCH. Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. VNDCCH cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó.

Trong suốt quá trình thực hiện mưu đồ bá chủ trên Biển Đông, Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các tài liệu xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế về vấn đề này theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước những bằng chứng hiển nhiên của sự thật lịch sử và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế những hành vi xuyên tạc, tung hỏa mù, cố tình làm cho cộng đồng quốc tế ngộ nhận càng khiến cho Trung Quốc lộ rõ âm mưu cũng như thủ đoạn của họ trong suốt quá trình áp đặt ý đồ "nuốt trọn” Biển Đông, theo kiểu "miệng nói hòa bình không xưng bá, tay làm phức tạp hoá tình hình”.

Nhóm PV Biển Đông
Đọc tiếp...