Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

THƯƠNG LẮM, VIỆT NAM!

Nguyễn Duy Xuân

     Tổ quốc như một sinh thể vĩ đại, tỏa sáng chói lòa sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và trong thơ Nguyễn Đình Thi:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!
     Hào hùng mang tầm vóc thời đại sau đại thắng mùa xuân 1975 và trong thơ Tố Hữu:
Việt Nam !
Người là ta, mà ta chưa bao giờ hiểu hết
Người là ai ? Mà sức mạnh thần kì
Giữa cái chết, không phút nào chịu chết
Lửa quanh mình, một tấc cũng không đi !
     Những năm tháng chiến tranh khói lửa, dẫu phải chịu nhiều đau thương tang tóc, nhưng Tổ quốc Việt Nam thật đáng tự hào !
     Ấy là chuyện của hơn 30 năm trước, đã trở thành kí ức, đã đi vào lịch sử.

     Bây giờ, xin nói chuyện nay.
     Từ độ cao 35.000 km của vệ tinh Vinasat1, hình ảnh Tổ quốc thật đẹp và duyên dáng. Vẫn màu xanh biêng biếc trải dài trong tư thế “nằm nghiêng nghiêng” bên bờ tây Thái Bình Dương trước thềm Biển Đông xanh một màu ngọc bích. Vẻ đẹp đó cứ hiện diện hàng ngày trong mỗi bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình. Ở độ cao vũ trụ, những hình ảnh đó như đánh lừa cảm giác chúng ta. Zom lại gần trên Google mới thấy giật mình, cái màu xanh tràn đầy sức sống ấy của Đất Nước đang vỡ toang ra từng mảng lớn.
Chiếc áo rừng bươm rách
Những mảnh vá thời gian
     Chiếc áo da trên cơ thể Tổ quốc không còn lành lặn nữa. Rừng đại ngàn bị đẩy sang tận bên kia biên giới Lào, Campuchia. Những mảnh vá đụp nham nhở không đủ sức để chống chọi với thiên tai, giữ ấm cho cơ thể Tổ quốc. Còn đâu cái hình ảnh “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” của một thời đánh Pháp và đánh Mỹ ?
     Hồi mới đặt chân lên Tây Nguyên công tác, cách nay cũng đã hơn ba chục năm rồi, tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ trước thiên nhiên. Dọc các con lộ đất đỏ bụi mù, rừng đại ngàn bát ngát ngút tầm mắt. Sát đằng sau cơ quan tôi đã là rừng. Rừng len vào thị xã Buôn Ma Thuột một thời được gắn cho cái biệt danh “bụi mù trời”. Có những đoạn đường xe chạy qua, đang giữa ngày hè mà hành khách bỗng thấy rùng mình ớn lạnh bởi rừng quãng đó còn nguyên sinh, những cây gỗ to vươn cành che kín cả mặt đường.
     Thế mà chỉ sáu bảy năm sau, những cánh rừng đại ngàn ấy lần lượt biến mất bởi bàn tay độc ác của con người. Người ta phá rừng ồ ạt chỉ để lấy đất trồng bắp, trồng sắn. Đã có công trình khoa học cấp nhà nước với phát kiến tầm cỡ thời bao cấp: ăn bắp, ăn sắn cực bổ để mà cổ vũ cho cái chủ trương “đi ta đi khai phá rừng hoang” kia, một sự khai và phá đúng nghĩa. Ngày ấy, tôi là một giảng viên trẻ mới ra trường cùng các đồng nghiệp dẫn hàng ngàn sinh viên đi lao động xã hội chủ nghĩa, góp sức cùng đội quân phá rừng mà theo ngôn ngữ bây giờ gọi là “lâm tặc”. Tôi đã thấy hàng trăm hecta rừng bị đốn không thương tiếc. Hàng ngàn m3 gỗ quí bị xe ủi chất đống như núi để chờ đốt lấy than tro. Lãnh đạo cao cấp xuống thăm những khu rừng bị phá, ai nấy phấn khởi, tự hào còn hơn cả chiến tích thời đánh Mĩ. Nhiều vị nhờ công lao phá rừng mà được thăng quan, tiến chức. Chao ôi, bây giờ ngẫm lại, té ra mình cũng là lâm tặc, chí ít thì cũng là tiếp tay cho lâm tặc mà không hay biết, lại còn tự hào vì lớp mình phụ trách được tuyên dương bởi thành tích phá rừng vượt trội.
     Bây giờ nhìn lên cơ thể Tổ quốc mà thấy xót xa. Chiếc áo rừng bươm rách, tơi tả để lộ phần cơ thể đang nhức nhối, xói mòn sau mỗi trận lũ quét. Và những dòng sông cạn kiệt nguồn nước tự nhiên nhưng lại dư thừa mủ độc xả ra từ trăm ngàn nhà máy và khu công nghiệp. Chưa bao giờ như bây giờ, môi trường sống của tự nhiên và con người bị đe dọa gay gắt đến thế.

     Chưa hết.
     Trên cơ thể Đất Nước hiện nay lại xuất hiện vô số những vết lở loét. Hàng trăm, hàng ngàn mỏ khai khoáng hợp pháp và bất hợp pháp đang ngày đêm thọc sâu vào thịt xương Tổ quốc. Chiến tranh, bom đạn hủy diệt của quân thù, Tổ quốc vẫn nhẫn nại chịu đựng, vượt lên chết chóc, đau thương và chiến thắng bởi khát vọng độc lập, tự do. Còn bây giờ chính con cháu đang xẻ thịt, cắt da Đất Nước. Nỗi đau này chẳng thể nào nguôi được!

     Chưa hết.
     Cơ thể đớn đau của Tổ quốc đang mang trên mình những hiểm họa khôn lường. Nói Tổ quốc bao la chỉ là cách nói hình tượng của thi ca. Kì thực, nước ta đất chật, người đông. Mật độ dân cư hơn 260 người trên một cây số vuông, gấp năm sáu lần trung bình của thế giới. Thế mà nghịch lí thay, chúng ta lại còn cho nước ngoài thuê đất thì thật là khó hiểu. Trong khi nhiều nơi, không chỉ ở đồng bằng mà cả vùng rừng núi, dân không còn đất sản xuất thì hàng trăm ngàn hecta đất rừng đường biên, đất nằm sâu trong nội địa, có cả những vùng có vị trí chiến lược liên quan đến an ninh quốc phòng lại được các địa phương bán cho nước ngoài thuê mà giá mỗi m2 chưa mua nổi cọng rau muống. Tôi không nghĩ người ta tốt đến mức, bỏ tiền của hàng tỉ tỉ một cách vô tư để giúp ta phủ xanh đất trống đồi trọc mà không màng đến lợi nhuận như lời một vị lãnh đạo tỉnh Q đã nói khi trả lời phỏng vấn báo chí hồi năm ngoái. Ở những vùng đất cho thuê ấy (thời gian đến 50 mươi năm) người ta đang âm thầm cấy nấm độc lên cơ thể Tổ quốc để chờ thời.

     Chưa hết.
     Bây giờ lại xuất hiện những cái ung nhọt mới. Chuyện hàng ngàn lao động phổ thông Trung Quốc ào ạt nhập cư bất hợp pháp diễn ra suốt mấy năm nay mà chẳng ai quan tâm, dẫu biết rõ là vi phạm luật pháp Việt Nam. Điều đáng lo ngại ở đây là họ sang Việt Nam không chỉ làm công cho các dự án Trung Quốc thắng thầu. Họ còn muốn cố thủ ở lại. Bởi thế, những làng Tàu, phố Tàu mọc lên như nấm sau cơn mưa ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Giữa trung tâm Thành phố Mới ở Bình Dương, chính quyền lại còn ưu ái xây sẵn một khu phố đặc biệt chỉ dành cho người Hoa do chính Công ty Becamex IJC tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Chao ôi! Thử tưởng tượng xem, nếu cả sáu mươi tư tỉnh thành noi gương Bình Dương thì sẽ có sáu mươi tư cái “tô giới” kiểu mới (mà bọn thực dân đã áp đặt cho Trung Quốc thời nô lệ) mang màu sắc Tàu. Đó sẽ là những pháo đài bất khả xâm phạm, để rồi... Tôi chợt nghĩ đến cái chiến thuật “nở hoa” của họ mới thấy người ta tính toán không phải cho hôm nay mà cho ngày mai. Cái ngày mai ấy thật đáng sợ. Họ thâm độc quá, còn ta thì cả tin, thật thà đến “ngờ nghệch” ?
     Khi tôi đang viết những dòng này thì trên các trang báo mạng đăng đầy ý kiến của ông Trần Văn Đoàn một học giả Đài Loan nhận xét về âm mưu bành trướng của Trung Quốc với việc áp dụng ba cách: “Cách thứ nhất là thúc đẩy những người Trung Quốc di dân ra các nước lân cận để lâu dần biến đó thành vệ tinh của Trung Quốc. Cách thứ hai, họ tìm cách lấn từng tấc đất, từng tấc biển. Trong quá khứ, họ đã bành trướng nước Trung Hoa từ vùng Hoàng Hà cho đến giờ vượt ra ngoài Mông Cổ đến Tây Tạng và xuống tận dưới Việt Nam và có thể sẽ đi xa hơn nữa. Bước thứ ba là họ muốn bành trướng theo kiểu kinh tế của người Mỹ. Tức là nếu họ nắm được kinh tế của những nước xung quanh thì họ có thể thống trị đất nước đó.”
     Một người Trung Hoa mà còn dám nói thẳng cái âm mưu xấu xa của đồng bào mình, còn ta đối tượng nhắm đến của ba cái cách nói trên của chính quyền Trung Quốc, sao lại chẳng dám tỏ thái độ ?

     Chưa hết.
     Nhìn từ vũ trụ, thấy ở các cửa khẩu phía Bắc có hai dòng chảy. Dòng chảy ra màu đỏ phải chăng là máu Tổ quốc đang bị hút sang bên kia biên giới? Người ta mua bất cứ thứ gì chỉ với mục đích hủy diệt nguồn sinh thái. Cho nên mới có chuyện xuất khẩu móng trâu bò, râu bắp ngô non, ba ba, rắn, cóc… Còn dòng chảy vào đất nước màu đen ngòm bởi những hàng hóa chứa đầy chất độc hại để ngấm ngầm đầu độc giống nòi ta ?

     Chưa hết.
     Những ngày qua, phần cơ thể Tổ quốc trên biển lại quặn đau. Đã đau thắt từ thuở Hoàng Sa bị chiếm. Bây giờ Biển quê hương lại cuồn cuộn triều dâng. Họ ngang nhiên, trắng trợn xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Quấy phá, bắt bớ cản trở tàu ta, ngư dân ta làm ăn trên vùng biển của mình. Lại còn đe dọa dùng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp, một sự tranh chấp vô cớ, vi phạm công pháp quốc tế.
     Ôi, Tổ quốc! Chưa bao giờ Người đứng trước thử thách mà lại khó xử như hôm nay. Những năm sau Cách mạng tháng Tám, vừa mới giành được độc lập đã phải đối phó với thù trong, giặc ngoài;  Đất Nước nghìn cân treo sợi tóc, thế mà Cụ Hồ anh minh đã khôn khéo chèo lái vượt qua mọi thác ghềnh. Những năm Sáu mươi (1964-1965) đứng trước câu hỏi lớn của thời đại, Cụ Hồ đã triệu tập Hội nghị Diên Hồng của thế kỉ Hai mươi để có câu trả lời của cả dân tộc: Đánh! Và mùa xuân năm 1979 lại một lần nữa sục sôi hào khí Đông A, lại vang lên hai chữ “sát thát” giữa thời hiện đại.

     Chưa hết.
     Tổ quốc còn đứng trước bao thách thức mới, bên ngoài và bên trong. Người như Mẹ hiền suốt đời nhẫn nại, chịu thương, chịu khó và bao dung. Chưa một phút giây Người được lắng mình trong bình an, thanh thản.
Thương lắm, Việt Nam !
24-6-2011
Nguyễn Duy Xuân
(Buôn Ma Thuột)
Đọc tiếp...

GIẤY MỜI NGUYỄN XUÂN DIỆN


Đọc tiếp...

BÁC GỐC SẬY BẢO BÀI NÀY HAY QUÁ, NÊN ĐỌC

GS Carlyle A. Thayer và Thạc sĩ Hoàng Việt tại Hội nghị quốc tế về Biển Đông. Ảnh: Mai Kỳ

Nhà cháu mới đọc bài: The South China Sea: Chinese Hegemony or Peaceful Settlement?  của GS Carlyle A. Thayer viết từ hôm 10/6/ 2011.Thấy có phần cuối HAY quá, các bác đọc chưa nhỉ?

If you were a Vietnamese, what would you do now?
- Nếu là một người Việt Nam ông sẽ làm gì lúc này?

ANSWER: If I were a Vietnamese citizen I would want to express my concern to the government about the threat to national sovereignty posed by Chinese actions.
Nếu là một người Việt Nam tôi sẽ bày tỏ sự lo ngại với chính phủ Việt Nam về nguy cơ về chủ quyền quốc gia do hành vi của Trung Quốc gây ra.

I would want my government to provide reassurance that it has a strategy to defend Vietnam’s sovereignty and to gain the sympathy and support of the world community.
Tôi muốn chính phủ đưa ra bảo đảm rằng họ đã có một chiến lược bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng thế giới.

I would like to see the Prime Minister, Foreign Minister and Defence Minister give public speeches in the major cities outlining their views. These should be broadcast on television and radio and printed in the media.
Tôi muốn thấy Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng có các bài phát biểu công khai về quan điểm của họ tại các thành phố lớn. Những bài phát biểu ấy cần được phát trên các đài phát thanh, truyền hình và in trên báo chí.

As a Vietnamese citizen I would keep myself as fully informed on developments in the South China Sea by reading as much as possible. I would want my government to provide information. Because this is a complex issue I would want to know the pros and cons of various policy options.
Nếu là một công dân Việt Nam tôi sẽ luôn tự giác nắm bắt đầy đủ thông tin về các diễn biến trên biển Đông và cố gắng đọc càng nhiều càng tốt. Tôi muốn chính phủ tôi cung cấp thông tin. Bởi vì đây là một vấn đề phức tạp, tôi muốn biết mặt lợi và mặt bất lợi của các chọn lựa chính sách.

If I were a student, I would want my lecturers to discuss this issue. I would like to know the views of leading Vietnamese and foreign scholars.
Nếu tôi là một sinh viên tôi sẽ muốn các thầy cô cho thảo luận vấn đề này. Tôi muốn biết quan điểm của các học giả hàng đầu của Việt Nam và nước ngoài.

If I had friends overseas I would want to exchange views with them. Above all I would want to know what is motivating China and how a peaceful resolution to this issue can be achieved.
Nếu có bạn bè ở nước ngoài tôi sẽ trao đổi quan điểm với họ. Quan trọng hơn, tôi muốn biết động cơ thực sự của Trung Quốc và làm thế nào để có thể đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề này .

* Xin cảm ơn bác GỐC SẬY, và xin giới thiệu để cùng đọc.
 
.
Đọc tiếp...

TIẾN SĨ VŨ CAO PHAN TRẢ LỜI PV RFA VỀ LIÊN MINH QUÂN SỰ

Tiến sĩ Vũ Cao Phan. Ảnh: Internet.

Liên minh quân sự nên chăng?

Trước tình trạng Việt Nam bị Trung Quốc ức hiếp trong vấn đề chủ quyền lãnh hải trên biển Đông, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có thể liên minh với các nước phương Tây để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Sách lược đó liệu có hiệu quả hay không?

Trong một kỳ phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do, TS Vũ Cao Phan đương kim chủ tịch Hội hữu nghị Việt Trung đã kể lại cùng quý vị câu chuyện ông trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Phượng Hoàng. Kỳ này ông sẽ cho chúng ta biết nhận định về vấn đề liên minh với các nứơc phương Tây để bảo vệ lãnh thổ khỏi áp lực ngày một mạnh hơn của Trung Quốc có những mặt được mất như thế nào. Bài phỏng vấn cũng do Mặc Lâm thực hiện. 

Lòng yêu nước của đồng bào xa xứ 

Mặc Lâm: Thưa ông có rất nhiều ý kiến của người Việt cả trong lẫn ngoài nước đều mong rằng Việt Nam nên liên minh với một hay nhiều nước Tây phương kể cả Hoa Kỳ để làm đối trọng chống lại sức ép của Trung Quốc. Theo ông đây có phải là một giải pháp tốt nhất cho Việt nam hay không? 

TS Vũ Cao Phan: Về điều này thì tôi xin mở rộng ra một chút, có vẻ như ý kiến của những đồng bào ở nước ngoài nghiêng về khả năng này. Tôi chia sẻ như thế này, những người yêu nước nhất là những người hiện nay ở xa quê hương. Chính đồng bào ở nước ngoài là những người yêu nước nhất. Tôi đã từng ở nước ngoài năm bảy năm cho nên tôi hiểu lắm. Hồi nhỏ đi học tôi rất nhớ là trong sách vở có một bài văn của một nhà văn Nga nổi tiếng Ilia Erenburg, mà bây giờ thì không thấy học sinh học nữa, có nói về lòng yêu nước. Ông giải thích lòng yêu nước là gì: Lòng yêu nước là lòng yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông.
Họ không thấy được điều khó khăn ở trong nước bên một quốc gia lớn nhất thế giới
TS Vũ Cao Phan
Và bây giờ chúng ta cũng thấy trong một bài thơ, bài ca nối tiếng "quê hương là con diều biếc, là chùm khế ngọt", thế thì những người Việt Nam xa quê, đặc biệt là những người có tuổi, luôn luôn da diết nhớ về những kỷ niệm đó, cho nên lỏng yêu nước của họ bùng cháy hơn người trong nước. Chính vì thế cho nên những ý tưởng của họ, ý nghĩ của họ đôi khi nó cực đoan hơn. Họ cho rằng Việt Nam phải liên kêt quân sự với ai đó, hay là như anh nói "lập hàng rào quân sự để chống lại nước khổng lồ Phương Bắc". Họ đề ra những giải pháp ấy là có phần cực đoan. Họ không thấy được điều khó khăn ở trong nước bên một quốc gia lớn nhất thế giới, một quốc gia có rất nhiều áp lực.

Tôi có thể chia sẻ với đồng bào ở nước ngoài cái sự chậm trễ, cái quan điểm để thế hệ sau giải quyết, những chậm trễ như thế là không được. Nhưng giải quyết một cách vội vàng và với những biện pháp như vừa rồi, chúng ta cứ tưởng có thể có một liên minh vững bền nhưng người ta không thấy rằng làm như thế sẽ khiến Việt Nam ở một thế bất lợi hơn, khó khăn nhiều hơn. Cho nên tôi nghĩ là không nên có một liên minh quân sự với một nước khác.

Hòn Ông, nơi hải quân Việt Nam tập trận bắn đạn thật- RFA file
Hòn Ông, nơi hải quân Việt Nam tập trận bắn đạn thật- RFA file 
 

Liên minh? Chẳng lợi gì

Cái việc tuyên bố của chính phủ Việt Nam, từ khi tuyên bố như thế, là tôi đồng ý. Từ lâu rồi Việt Nam muốn làm bạn bè với toàn thế giới, cái đó là rõ ràng và tôi hoàn toàn ủng hộ. Làm bạn bè, thậm chí chúng ta có những bạn bè tốt để chúng ta có thể cân bằng được. Chúng ta không phải làm đối trọng nhưng chúng ta cân bằng lại được những sức ép mà chúng ta chịu đựng, cái đó là cần. Một quốc gia như Mỹ chẳng hạn, dù nói gì thì nói, Mỹ hiện nay là một quốc gia mạnh, là một quốc gia đang lãnh đạo thế giới, Mỹ có trách nhiệm với thế giới. Trong rất nhiều hành động của Mỹ mà tôi thấy được là Mỹ có trách nhiệm. Việc chúng ta có quan hệ với Mỹ rất tốt, thậm chí là một quan hệ chiến lược, tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng một liên minh quân sự thì Việt Nam không đặt ra, và người Mỹ họ cũng không nghĩ đến, đó là điều chắc chắn. Có thể nói rằng cả về kinh nghiệm lịch sử lẫn tư duy logic đều cho thấy là Việt Nam phải tự lực cánh sinh là chính.

Không bao giờ lợi ích Mỹ - Trung nó thấp hơn lợi ích Mỹ - Việt cả. ... Lợi ích của Pháp-Trung với lợi ích của Pháp-Việt, thì họ bao giờ cũng trọng cái lợi ích lớn hơn.
TS Vũ Cao Phan
Kinh nghiệm lịch sử ta có thể nói như thế nào? Năm 1978 Việt Nam và Liên Xô ký một hiệp ước phòng thủ lẫn nhau, nhưng khi chiến tranh biên giới 1979 xảy ra thì Liên Xô có làm gì không, chúng ta đều biết là họ không làm gì, mà lúc đó Việt Nam và Liên Xô cùng ý thức hệ nhé, được gọi là những nước anh em nữa.

Huống hồ ví dụ Việt Nam liên kết với các nước Phương Tây, với Pháp, với Mỹ, hay với Nhật chẳng hạn, tư duy logic cho ta thấy là làm như thế không được. Bởi vì sao? Không bao giờ lợi ích Mỹ - Trung nó thấp hơn lợi ích Mỹ - Việt cả. Người Mỹ không quan niệm như thế. Lợi ích của Pháp - Trung với lợi ích của Pháp - Việt nó khác nhau, họ bao giờ cũng trọng cái lợi ích Pháp - Trung lớn hơn. Rõ ràng như thế rồi. 

Vấn đề thông tin và tập quán dân chủ. 

Mặc Lâm : Theo ông thì Việt Nam có thể nhân rộng ra những hoạt động truyền thông như ông vừa thực hiện để cho nhân dân Trung Quốc biết rõ hoàn cảnh của Việt Nam hay không? Và với tình trạng mà người nước ngoài cho là chính phủ Việt Nam đang co cụm hiện nay nó sẽ làm cho cách nhìn của thế giới đối với vấn đề Biển Đông sẽ sai lệch đi hay không?

TS Vũ Cao Phan : Câu hỏi của anh rất hay. Câu hỏi của anh chia sẻ suy nghĩ của tôi. Nhân đây tôi có thể kể một chuyện? Gần đây tôi mới có dịp xem được băng hình cuộc phỏng vấn của Đài Phượng Hoàng, bởi vì như tôi đã nói trước đây là ở không gian quá xa tôi nghe không rõ nhưng mà xem lại băng hình thì tôi có thấy một nữ học giả của Trung Quốc. Bà này tôi quen, đã từng gặp nhau, và học giả này ở ngay Quảng Tây. Bà ấy phát biểu rất là oai, rất là to tiếng.

Cái thứ nhất là bà ấy phản bác ý kiến của tôi về chuyện ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc thế nọ thế kia thì bà ấy nói là Việt Nam đối với ngư dân Trung Quốc còn tệ hơn thế, thậm chí bỏ đói chết. Tôi có thể nói rằng tôi không biết có chuyện ngư dân Trung Quốc chết hay không, cũng có thể có, và họ chết vì lý do gì đó, bệnh tật chẳng hạn nhưng trong lòng tôi tôi có thể bảo đảm rằng "không bao giờ có chuyện Việt Nam bỏ đói chết!", nếu có thì Trung Quốc đã có công hàm phản đối rồi. Bà ấy nói như thế là không đúng.

Hai nữa bà này nói là hai mươi năm nay Việt Nam luôn nuôi âm mưu đánh chiếm các đảo của Trung Quốc, và toàn nói về chiến tranh chống Phương Bắc thôi, toàn nói lại các cuộc chiến tranh với Phương Bắc cả nghìn năm mà không nói gì đến cuộc chiến tranh với người Mỹ. Điều đó chứng tỏ rằng Việt Nam chỉ nghĩ đến chiến tranh với Trung Quốc. Và cái chủ trương của Việt Nam mà bà gọi là "viễn giao, cận công", là giao thiệp với các nước phương xa, chủ trương đánh nước ở gần. Tất cả những việc này hoàn toàn không đúng. Không đúng sự thật một tí nào. Ngay một học giả Trung Quốc ở một tỉnh liền kề với Việt Nam còn nghĩ như thế thì … Trung Quốc có câu thành ngữ  “giá họa vu nhân”, tức là "gán họa cho người khác", "gán tai ương cho người khác", thật đúng là trường hợp này !

Qua những lần như thế tôi thấy rằng nhân dân Trung Quốc không tiếp cận được sự thật. Ngay cuộc trả lời phỏng vấn của tôi như thế, tôi nghĩ là với một đài truyền hình tương đối trung lập, không phải của chính phủ như thế, mà cũng còn bị cắt khúc thì làm sao mà người Trung Quốc có thể hiểu được. Cho nên điều rất cần là Việt Nam phải có một sự tuyên truyền như thế nào đó để cho nhân dân Trung Quốc thấy được sự thật.
Làm sao để chính nghĩa của chúng ta mọi người đều hiểu, các bạn Trung Quốc hiểu, nhân dân thế giới hiểu.
TS Vũ Cao Phan
Một trong những khiếm khuyết rất lớn của những người có trách nhiệm ở trong nước là không làm được cái việc tuyên truyền cho thế giới, cho nhân dân Trung Quốc thấy được chính nghĩa của chúng ta. Ta chỉ cần đưa ra những cái gì là sự thật thôi, ta không phải thổi phồng thêm một cái gì cả, rồi dần dần người ta sẽ hiểu.

Vừa rồi cuộc trả lời phỏng vấn của tôi với Đài Phượng Hoàng, tôi có cả bản trả lời bằng tiếng Hán và gửi sang bên Hồng Kông. Tôi có đề nghị là nên đưa cái này vào mạng. Họ bảo họ sẽ xem xét. Cho đến bây giờ những lời nói của tôi cũng còn không đưa được đến nơi đến chốn huống hồ là làm sao hy vọng được cả những cái này đước đưa thêm vào!

Cũng may là khi tôi trả lời cuộc phỏng vấn thì những người có trách nhiệm lập tức người ta có chỉ đạo những cổng thông tin, những kênh thông tin có tiếng Hán đưa kênh tiếng Hán vào, kênh tiếng Hán của cổng thông tin của chính phủ Việt Nam, kênh tiếng Hán của Thông tấn xã Việt Nam, và thậm chí cả kênh tiếng Hán của tờ báo điện tử của Đảng CSVN cũng rất là hào hứng đưa vào.

Tôi thấy như thế là được. Nhưng nói tóm lại nhìn một cách sâu xa là chúng ta thiếu sự tuyên truyền, thiếu cách làm cho thế giới, làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu được bản chất của cuộc tranh chấp Việt - Trung này là gì, chính nghĩa của chúng ta ở đâu. Thế cho nên tôi rất chia sẻ với ý kiến của anh là chúng ta phải làm, nếu chúng ta chưa làm thì bắt đầu làm, mới làm một ít thì phải làm nhiều, làm sao để cái chính nghĩa của chúng ta mọi người đều hiểu, các bạn Trung Quốc hiểu, nhân dân thế giới hiểu. Đấy là ở đây tôi chưa muốn nói, việc im hơi, lặng tiếng chính là một cách không ngồi thẳng !       
   
Tàu chiến HQ-375 của Việt Nam- Ảnh báo QĐND
Tàu chiến HQ-375 của Việt Nam- Ảnh báo QĐND

Mặc Lâm: Theo ông thì những cuộc biểu tình vừa qua tại Hà Nội và Sài Gòn có tác dụng gì đến công cuộc chống lại những việc làm sai trái của Trung Quốc hay không và ông có ủng hộ những cuộc biểu tình như thế trong tương lai?


TS Vũ Cao Phan: Biểu tình là một cách tuyên truyền, như câu chuyện ta vừa nói với nhau. Mặt khác, mọi công dân đều có quyền chọn cách thể hiện phản ứng, biểu thị thái độ của mình trong sự cho phép của luật pháp. Như tôi được biết thì cách ứng xử của những người tham gia cũng như nhà chức trách trong những cuộc biểu tình vừa qua là có thể hiểu được và chấp nhận được. Hơi tiếc là Việt Nam ta chưa quen lắm với tập quán dân chủ này.
.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông!


Đọc tiếp...

CHUYỆN PHONG HỌC HÀM: "NHỤC LẮM, EM Ạ !"

Chim bói cá. Hình chỉ để trang trí, không liên quan đến bài viết.
Chuyện phong học hàm: “Nhục lắm, em ạ!” 
Đọc tiếp...

BẢN TIN CỦA RFI VỀ VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI TQ

Human Rights Watch chỉ trích chính quyền Việt Nam 
bắt giữ người biểu tình phản đối Trung Quốc 
 
Những người biểu tình gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày Chủ nhật 10/7/11.
Reuters
Đức Tâm
 
Theo hãng tin Đức DPA, hôm nay, 11/07/2011, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch đã chỉ trích Việt Nam sau vụ công an bắt giữ ít nhất 10 người đã tham gia cuộc biểu tình trước sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, ngày hôm qua.

Theo đại diện Human Rights Watch, thì chính phủ Việt Nam cần phải tôn trọng những công ước quốc tế về các quyền cơ bản của con người mà họ đã ký kết.

Liên tiếp trong sáu Chủ nhật vừa qua, người dân Việt Nam đã biểu tình trước cơ quan đại diện Trung Quốc ở Hà Nội để phản đối những hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tuy nhiên, ngày hôm qua, công an Việt Nam đã mạnh tay trấn áp và bắt giữ ít nhất một chục người, trong đó có cả những nhà báo thuộc các hãng thông tấn nước ngoài. Theo một số nguồn tin thì tất cả những người này đã được trả tự do.

Ông Robertson cho rằng những cuộc biểu tình phản đối là cần thiết trong một giai đoạn nhất định để gây sức ép với Trung Quốc, tuy nhiên, chính quyền đã không cho phép biểu tình nữa khi họ bắt đầu tiến hành thương lượng với phía Trung Quốc.

Ngày 26/06 vừa qua, sau chuyến công du Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của các lãnh đạo cao cấp Việt Nam, hai nước đã ra một thông cáo báo chí chung, nói đến sự cần thiết phải định hướng công luận.

Trong những ngày sau đó, chính quyền Trung Quốc đã nhắc nhở Việt Nam tôn trọng những cam kết đạt được trong chuyến viếng thăm của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn. Sự kiện này gây lo ngại trong công luận Việt Nam. Do vậy, đầu tháng Bẩy, một nhóm nhân sĩ và trí thức đã ký kiến nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết nội dung những thỏa thuận.

Theo thông tin trên mạng, thì Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cử người tìm cách liên lạc để sắp xếp một cuộc gặp với các nhân sĩ, trí thức ký tên vào bản kiến nghị này.

Nguồn: RFI Tiếng Việt
Đọc tiếp...

THẬP THỦ LIÊN HOÀN CƯỚC CỦA BÁC HOA HÒE

Trên thềm Nhà Hát Lớn HN, người nghệ sĩ già chơi những bản nhạc ái quốc. Ảnh: GS. Hoàng Xuân Phú
NHÂN ĐỌC BÀI "SỰ KHÁC BIỆT LỚN LAO" CỦA TÁC GIẢ ĐÔNG A
(http://donga01.blogspot.com/2011/07/su-khac-biet-lon-lao_03.html)

Hoa Hòe

Đọc cái bài của Đông A tức khí quá nên HH làm ngay một mạch tới hơn 1 giờ sáng mới được 10 quả tạc đạn này, mong bác cho đăng thành bài vì không có chỗ để comment cho đúng

Mặc dù tác giả chưa viết xong bài và theo thói thường người ta không đi phê bình tranh khi nó còn là phác thảo, nhưng Hoa Hòe tôi nghĩ, ý tưởng căn bản của DA đã định hình trong các đoạn viết, và phần viết thêm nữa (nếu có) chỉ mạng tính liên kết hình thức, nên mạo muội có mấy lời phản ứng mời DA và chư vị ngụ lãm.

1. DA viết: “bởi vì tôi cho rằng dưới mỗi cái tên là một con người, mỗi tên là một người, tên khác thì người khác, nếu không thì chẳng hóa ra là cái tên hay chính con người chỉ là thứ phù phiếm, gọi cho nó có, không có giá trị tồn tại như một thực thể thực sự tồn tại.”

HH bình: Chắc chắn DA đã đọc câu thơ này của Shakespreare
What's in a name? that which we call a rose
By any other name would smell as sweet;

Cho dù ta có gọi hoa hồng bằng cái tên gì đi nữa nó vẫn tỏa hương hoa hồng. Có người ở nước ta sử dụng cả thảy hơn 70 tên. Nếu nói như DA thì người ấy có tới ngần ấy “con người” ư? Một cái tên là một “thực thể thực sự tồn tại” với tư cách một cái tên không phải một nhân cách. Dù là Đỗ Minh Tuấn hay Hoàng Khoa Quyền thì DA cũng phải đối xử như nhau: phản bác những gì Đỗ Minh Tuấn viết mà ông cho là sai và thừa nhận những gì ông cho là đúng trong bài phản bác của DMT. Tôi nghĩ mãi sao DA lại đi câu nệ mấy cái tên, hay bản thân DA bị rối loạn “đa nhân cách” (multiple personalities), bị nó ám ảnh nên nhìn đâu cũng thấy người giống mình.

2. DA viết: “Muốn thấy sự khác biệt lớn lao về cách nhìn biểu tình, không phải giữa tôi và bác Đỗ Minh Tuấn, mà chính sự khác biệt lớn lao giữa chính bác Đỗ Minh Tuấn và những người tham gia biểu tình, tôi xin được lấy chính ví dụ mà trong bài viết bác Đỗ Minh Tuấn nói tới: chàng thanh niên giơ biểu ngữ bất động…Tại sao chàng thanh niên đó ở nhà? Chính chàng trai đó đã giải thích "không làm gia tăng căng thẳng"… Sự khác biệt lớn lao về cách nhìn biểu tình đó nằm ở tri thức và lương tri của con người. Sự khác biệt lớn lao đó là nhân cách con người.

HH bình: Đúng như DA nói có sự khác biệt dễ thấy giữa hành vi của DMT và chàng thanh niên vào ngày chủ nhật thứ ba đó. Và hai hành vi xuất phát từ hai nhận thức khác nhau. Một của người già từng trải, một của người trẻ hồn nhiên. Người trẻ nhận thức “tình hình đã lắng dịu bớt” thì nghỉ biểu tình, người già nghĩ “phải tiếp tục để kẻ thù và bạn bè thấy biểu tình không phải là tụ tập ngẫu nhiên sớm nở tối tàn”. Đó là hai nhận thức khác nhau, nhưng đều hữu lý và không hề đối lập nhau bởi họ có một điểm chung là ý chí tự do. Họ tự do trong suy xét và thực hiện dự phóng của mình. Họ tự do lựa chọn hành vi bởi vì họ hơn ai hết khao khát được biểu thị cái phản ứng tự nhiên của lòng yêu nước theo cách mà họ mong muốn. Tôi không đi biểu tình, nhưng tôi cũng yêu nước và căm ghét bành trướng: tôi chống Tàu bằng cách không mua sản phẩm Tàu và kêu gọi những người quanh tôi làm như thế. DA cũng có thể thực hành yêu nước theo cách của riêng ông: không viết những bài gây tổn thương tới lòng yêu nước của đồng bào. 

3. DA viết: “Biểu tình là một hoạt động chính trị. Đấy không phải là nơi để cộng mỗi thứ một tý: một tý chính trị, một tý nghệ thuật, một tý triết lý, một tý yêu nước, một tý dân tộc... Đó không phải là hòn non bộ, thu gom mỗi thứ một tý để trở thành một thế giới con con thưởng ngoạn trong bóng ô dù.”

HH bình: Đúng, biểu tình là một hoạt động chính trị, nhưng không có cái gì trên đời là chính trị đơn thuần. Biểu tình còn có ý nghĩa văn hóa: người biểu tình không phá phách, không xả rác bừa bãi, đó là văn hóa. Biểu tình là một hoạt động thể lực: người già thấy tự hào về sức khỏe còn theo kịp người trẻ; người trẻ thấy mình cũng dẽo dai, bền bỉ không phải “công tử bột” như ai đó hay gán cho mình. Biểu tình còn là một hành vi tâm lý: nó mang lại cảm giác thoải mái khi sự dồn nén, ức chế được giải tỏa, giải phóng. Làm lãnh đạo mà không nghiên cứu tâm lý đám đông, không tìm cách xả “stress” cho đám đông thì quả là “đoản trí”. Biểu tình là một hoạt động giao tiếp liên nhân (interpersonal communication) trong đó các cá nhân làm quen, kết bạn trong một môi trường và hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, họ gắn bó với nhau bằng một thứ keo đặc biệt: lòng yêu nước được bộc lộ. Nhưng chắc chắn biểu tình không phải là cái món hổ lốn trong đầu DA mà thêm cái này một tí cái kia một tí.
Cho dù người ta hay nói “mọi so sánh đều khập khiểng, hãy xem ông DA so sánh mới nực cười làm sao: cái hòn non bộ là vật tĩnh mà biểu tình là một hoạt động; lấy cái tĩnh và so sánh với cái động thì chỉ có đầu óc “siêu hình” của DA mới kịp nghĩ ra.

Nếu ông DA không hiểu chính trị là nghệ thuật thì ông quả còn non kém về chính trị. Hippocrate gọi y học là nghệ thuật. Napoleon nổi tiếng một phần do nghệ thuật quân sự của ông. Khi chính trị gia thu hút được trái tim, khối óc của triệu người thì họ đang thực hành nghệ thuật chính trị.

4. DA viết: “Hoạt động chính trị - biểu tình - đấy, không phải là một thứ nghệ thuật, để có thể cho rằng thông điệp của nó tùy thuộc vào từng cá nhân tiếp nhận.Thông điệp của hành động biểu tình luôn được xác định một cách rõ ràng và nhất quán. Hãy xem chàng thanh niên giơ biểu ngữ bất động đã xác định thông điệp cho hành động của mình như thế nào.”

HH bình:

DA lại chơi trò đánh tráo khái niệm. Trong câu trên ông nói về “thông điệp được tiếp nhận” (received message), thì trong câu dưới ông nói tới thông điệp được phát đi” (sent message). Trong tín hiệu học (semiotics), ta có hai quá trình mã hoá (encode) và giải mã (decode). Thông điệp được mã hóa và thông điệp được giải mã khác nhau là chuyện bình thường. Nó phụ thuộc vào hiểu biết và nhận thức của người giải mã. Một chàng trai nhìn chằm chằm vào mặt cô gái vì cô ta có vết nhọ nồi trên má, nhưng cô gái thấy thế cứ tưởng là mình đẹp. Suy ra, cho dù biểu tình là một hoạt động chính trị hay nghệ thuật đi nữa thì chắc chắn thông điệp mà người biểu tình gửi gắm cũng sẽ được “nhào nặn” khác nhau bởi các đối tượng và nhóm lợi ích khác nhau. Nhà cầm quyền TQ chắc chắc nhìn nhận biểu tình khác Chính phủ Việt Nam, và người dân nhìn nhận khác chính phủ. Tuy nhiên, có một điều bất di bất dịch: dù là người dân hay chính phủ, dù TQ hay VN, dù kẻ thù hay bạn bè, khi thấy người dân Việt Nam biểu tình như vừa qua tất cả đều hiểu: VN không chấp nhận bị xâm lược. Cùng là người Việt Nam yêu nước nhưng người có tâm lý hướng ngoại thích thú với biểu tình hơn người có tâm lý hướng nội như tôi đây, chẳng hạn. Ông DA có lẽ cũng thích suy lý, phân tích thiệt hơn như tôi. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lại căm ghét và phản đối biểu tình. Đừng nhìn biểu tình như cuộc nhậu, bởi vì cái men say của lòng ái quốc làm cho người ta sáng suốt, còn cái men rượu khiến người ta mụ mị, yếu hèn cả tinh thần lẫn thể xác. (Quang cảnh này phổ biến trên toàn cõi Việt Nam hiện nay – Nhậu)  

5. DA viết: “Biểu tình khác với nghệ thuật chính ở chỗ thông điệp của nó là xác định nhất quán. Không xác định được thông điệp thì đừng nói tới biểu tình.”

HH bình: Thông điệp nghệ thuật bao giờ cũng cũng đa tầng nghĩa, nhưng điều đó không có nghĩa là một mớ nghĩa hỗn độn. Thông điệp nghệ thuật bao giờ cũng nhất quán, thông qua đó người ta mới phân tích được tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Trước DA tôi chưa hề nghe ai nói nghệ thuật chuyển tải những thông điệp không nhất quán cả. Hy vọng là ông dùng chữ “nhất quán” tiếng Việt cũng như consistent, consistency trong tiếng Anh (Tôi phải nói thế vì thấy ông này hay chơi trò chữ nghĩa để hù dọa người ít chữ như tôi). Thông điệp biểu tình là nhất quán, duy chỉ có điều cách giải mã của ông DA là không nhất quán. Ban đầu ông thấy thế này, sau đó ông (hay biết đâu ai đó xúi ông phải) thấy thế kia. Khổ thân ông! Ông áp đặt cái lô-gic của ông vào cuộc sống thực làm gi? Sao không tư duy ngược lại

6. Không biết trí tuệ đã chạm tới sự khốn cùng hay chưa mà ông lại để lửng với lời hứa hẹn: [ sẽ có 1 đoạn ở đây]

Vì quá bế tắc trong mạch tư duy tối như hũ nút, DA quay qua vay mượn M. Kundera trong “Những Di Chúc Bị Phản Bội, bằng trích dẫn này: “Một hôm một ý nghĩ ghê người chợt đến với tôi: hay là những sự phẫn nộ ấy không phải do một thứ tự do nội tại, một sự dũng cảm, mà là do ý muốn làm vui lòng cái tòa án kia, trong bóng tối, nó đã đang chuẩn bị các phiên xử đại hình của nó?".

HH bình: DA tỏ ra nhiều nọc độc, như bác Diện đã có lần nói khi trích dẫn và in đậm phần này. Cái tòa án trong bóng tối mà ông đưa ra định ám chỉ điều chi? Ông muốn hạ thấp những người biểu tình ư? Ông dám chụp mũ những người biểu tình sao? 

7. DA viết: “Sự phẫn nộ đối với Trung Quốc của những người tham gia biểu tình vì được bật đèn xanh, như họ hồ khởi kháo nhau trước ngày biểu tình, có phải do một thứ tự do nội tại?... Sự phẫn nộ của họ là thuộc về những người bật công tắc đèn. Họ chỉ biểu lộ sự phẫn nộ đấy theo tín hiệu điều khiển xanh hay đỏ.”

HH bình: Đến đây, người ta thấy DA hiện nguyên hình một kẻ vỹ cuồng, coi quần chúng chỉ là một đám đông bát nháo, rơm rác. Sự phẫn nộ của mọi người Việt Nam trước hành động gây hấn của TQ là tự nhiên, tất yếu và có thật: bác bơm xe trước nhà tôi, chị bán phở đầu ngõ chưởi Tàu nhiều và “dữ” hơn tôi. Chị mắng cô em út đi lấy bánh phở về muộn: “Mày đi lấy bánh bị bọn Tàu nó cắt cáp sao bây giờ với về hả?” Sự phẫn nộ đó hiển hiện tận hang cùng ngõ hẽm và không cần ai bật đèn xanh cả. Chỉ có biểu hiện nó đồng thời, công khai, tập thể trên đường phố mới cần được bật đèn xanh. Vì sao? Vì cơ chế dân chủ chưa hoàn thiện, vì những lăng kính hẹp hòi, ích kỷ kiểu DA, vì cái tư duy bao cấp bao nhiêu năm đã ăn sâu vào tiềm thức của hơn một thế hệ, vì cái cơ chế xin cho đã làm hèn đi ngay cả những người thường vỗ ngực tự xưng ta đây là trí thức. Lỗi không phải ở người biểu tình, không phải ở những người khinh khỉnh nhìn biểu tình, không phải ở những người lo sợ đối phó với biểu tình. Lỗi là cái nếp nghĩ cổ lỗ đã ăn sâu thâm căn cố đế vào não trạng của rất nhiều người cả trong nhân dân lẫn trong chính giới. Thay đổi nó cần có thời gian và cần nhiều thực hành, trong đó thực hành sexy lòng yêu nước chỉ là một phần.

8. DA viết: “Theo một ý nghĩa nhất định, họ vừa đáng khinh, vừa đáng tội nghiệp hơn cả những người thay đổi quan điểm nhân danh sự hòa giải với tinh thần thời đại.”

HH bình: Tôi không hiểu DA đứng ở đâu, lấy tư cách gì để khinh khi những người tham gia biểu tình. Những giáo sư đáng kính, những người cựu tù, những văn nghệ sĩ tên tuổi, những thanh niên hăm hở, nhiệt huyết ấy lại là những người đáng khinh ư, đáng tội nghiệp ư? Thế DA kính trọng những ai ở đất nước này? DA có phải là người Việt Nam không? Ông có đáng đi xách dép cho Hồ Cương Quyết không? Đừng để mọi người đánh mất kiên nhẫn với ông! Đã đến lúc nhân dân nói lời phẫn nộ với ông rồi đấy. Ông cứ chờ đó mà xem!

Về “những người thay đổi quan điểm nhân danh sự hòa giải với tinh thần thời đại”, tôi không biết có phải ông định liên hệ với bài báo gần đây trên ĐĐK hay không, nên chưa dám bình.  

9. DA viết: “Ở đây phải thấy rằng trường hợp của họ cũng không giống trường hợp các cuộc biểu tình có tổ chức, khi những người tham gia biểu tình đồng chí hướng với những người tổ chức.”

HH bình: DA lại dùng trò xảo biện ở đây để lừa phỉnh người đọc. Cái khác biệt quan trọng không phải có tổ chức hay không tổ chức mà là tham gia tự nguyện hay bắt buộc, thưa ông DA kính mến. Dù một cuộc BT có đến vạn người tham gia nhưng những người tham gia hoặc để lấy tiền, hoặc vì ép buộc thì quả là khác xa về chất với một cuộc biểu tình tự phát chỉ dăm chục người bị thôi thúc bởi tấm lòng yêu nước thương nòi.

10. Tới đây không còn gì để bình nữa vì ông DA lại bế tắc và thế là ông đành viết:
(Chưa viết xong, tạm mào đầu như vậy, sẽ viết tiếp).

Để kết thúc, tôi khuyên ông đừng chìm trong mê lộ tư duy đó nữa, hãy bước ra cõi sáng sẽ thấy trời rộng thênh thang, không âm mưu, không trí trá, không xảo ngôn, không ngụy biện. Ông cứ vô tư đi, nghĩ gì viết nấy, thì cảm hứng sẽ dạt dào, ý tứ cứ thế mà tuôn ra đầu ngọn bút à quên, bàn phím.

Có mấy lời cùng ông và xin nói rõ với ông tôi vốn người thấp học, chủ yếu là tự học và tự đọc, nếu có chỗ nào về học thuật còn non kém xin ông chỉ giáo cho. Nhưng tôi viết bài này xuất phát từ lòng mình, ít nhiều cũng có phẫn nộ trước thái độ của ông với người biểu tình, mặc dù, như tôi đã nói, tôi vốn là người hướng nội, và có thể tôi không thích biểu tình, (nhưng tôi sẵn sàng ra trận khi Tổ Quốc cần vì một cuộc chiến chính nghĩa), nhưng tôi ủng hộ hành động của họ, còn ông, nếu không thích biểu tình cứ lo việc của ông hãy để người biểu tình lo việc của họ. Còn nếu ông thực sự quan tâm đến đất nước hãy hiến kế cho chính quyền để có phương thức quản lý hữu hiệu biểu tình thay vì mạt sát nó.

*Bài do Hoa Hòe tiên sinh gửi bằng comments. 
Xin đa tạ tiên sinh!
Đọc tiếp...