Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

MẤY ĐIỀU HỎI LẠI GIÁO SƯ TRẦN NGỌC VƯƠNG

 

MẤY ĐIỀU HỎI LẠI GIÁO SƯ TRẦN NGỌC VƯƠNG
Đào Tiến Thi

Tôi từng đọc một vài công trình của PGS.TS Trần Ngọc Vương, từng tiếp thu được một số tư liệu và nhận định; về con người, tôi cũng từng gặp đôi lần và vẫn kính cẩn gọi bằng thầy, coi ông như một người thầy đáng kính.

Nhưng tôi thấy trong bài viết Giới trí thức tinh hoa trong lịch sử Việt Nam trên tạp chí Tia sáng ngày 9-9-2010, được blog Nguyễn Xuân Diện đăng lại ngày 17-12-2011, thì có nhiều điều nghe khó lọt.
Bài của PGS.TS Trần Ngọc Vương có 3 phần:
- Trí thức Nho học Việt Nam, hay trí thức Việt Nam thời phong kiến
-  Trí thức Tây học Việt Nam, hay trí thức Việt Nam thời Pháp thuộc
- Trí thức mới Việt Nam, hay trí thức Việt Nam thời XHCN
Tôi xin chỉ nói về hai vấn đề đầu.
1. Phần thứ nhất, theo tác giả thì trí thức Nho giáo ở ta có một lịch sử lâu đời nhưng đóng góp cho tư tưởng học thuật thì không đáng kể, thua hẳn trí thức Nho giáo Trung Hoa và thua trí thức Phật giáo Việt Nam. Theo cảm nhận của tôi, điều này có lẽ đúng và hình như cũng có người nói rồi. Tuy nhiên chỗ này cũng nên tìm rõ cội nguồn. Không nên vội kết luận Không có ai có hứng thú đi vào những tư tưởng triết học”. Nói như thế thì hóa ra trí thức Nho giáo Việt Nam hoặc lười biếng hoặc mang căn tính nô lệ, chỉ biết học của Tàu hay sao?
Theo tôi có hai nguyên nhân khiến trí thức Nho giáo Việt Nam khó có thể chuyên tâm đi vào học thuật.
Thứ nhất, với nền sản xuất tiểu nông là chủ đạo, con người phải vật lộn với nhu cầu mưu sinh đầy khó khăn, chúng ta khó mà có được những nhà tư tưởng thuần túy, chỉ biết có học thuật. Trí thức Nho học luôn gắn sự tồn tại bản thân với nghiệp làm quan, nếu có lui về ẩn dật thì lại gắn với ruộng vườn. Trước dư luận xã hội, cả hai trạng thái trên đều cần có danh phận (đỗ đạt, chức tước, bổng lộc của triều đình). Dư luận xã hội không khuyến khích những người “tử vì đạo” (theo nghĩa say mê một học thuyết, không quan tâm nhu cầu mưu sinh cũng như dư luận xã hội). Trong bối cảnh ấy khó có cá nhân nào đủ bản lĩnh đi ngược đám đông. Hoài Thanh từng cay đắng thốt lên điều này:
“Quang cảnh học giới nước ta tiêu điều làm sao! Dễ thường thế giới không có nước nào mà những người tự nhận là học giả lại lạnh lùng với việc học như ở nước mình. Người mình vẫn được tiếng là hiếu học nhưng đúng ra chỉ hiếu lợi và hiếu danh. Khi sự học không đưa đến cho mình lợi và danh thì ít ai còn màng đến nó nữa”[i]
Thứ hai, cũng có những lúc có tài năng lớn xuất thiện, nhưng lại gặp lúc vận nước nghiêng ngả nên họ phải đặt việc cứu nước cứu đời lên trên hết. Đấy là trường hợp của Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu và nhiều sỹ phu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nếu cho phép đặt ra chữ “nếu”, vâng, nếu không phải bôn ba cứu nước thì thiết nghĩ thay vì nhà cách mạng Phan Bội Châu, chúng ta có sẽ có nhà tư tưởng Phan Bội Châu. Tôi dám “nếu” điều này vì đọc thấy ngay trong thơ văn tuyên truyền cách mạng của Cụ, thứ trước tác vốn phải làm gấp, không trau chuốt, lại phải đại chúng hóa, mà luôn chứa những tư tưởng lớn của thời đại. Và chỉ trong 15 năm cuối đời bị an trí ở Huế, với tuổi già sức yếu, sự bó buộc, và đặc biệt là nỗi đau buồn về đất nước, Cụ  vẫn còn viết được hai tác phẩm triết học đồ sộ: Chu dịch diễn giảiKhổng học đăng (hai tác phẩm nay in ở Phan Bội Châu toàn tập, tập 9 và 10, khoảng 1500 trang khổ 16 x 24). Trong lời giới thiệu Chu dịch diễn giải, nhà sử học Chương Thâu viết: “Như là một học giả uyên bác, Cụ đã dồn hết sức lực và tâm huyết để nghiên cứu thêm, giải thích lại một số thành tựu vĩ đại của văn hóa Phương Đông dành cho các thế hệ con cháu mai sau”[ii].Khổng học đăng, tư tưởng chủ quan của người khảo cứu càng lớn hơn. Chương Thâu đánh giá: “Bộ sách này đủ cho ta thấy rõ tư tưởng học thuật và đời sống tinh thần của cụ Sào Nam. Cụ không viết theo lối nghiên cứu khách quan của học giả, mà Cụ viết theo sự tâm đắc của bản thân mình. Bởi thế nên Cụ có rất nhiều tư tưởng chủ quan của mình. Nhưng cũng vì thế mà ta thấy rõ được những ý kiến để bồi bổ cho linh hồn và để nuôi dưỡng cái hoài bão cao đẹp của mình”[iii].
2. Phần thứ hai của bài, nói về trí thức thời Pháp cai trị, PGS.TS. Trần Ngọc Vương  càng có xu hướng hạ thấp một cách phi lịch sử:
“Gia nhập xã hội hiện đại theo con đường bị cưỡng bức, không hề được chuẩn bị đầy đủ về mọi phương diện để thích nghi, thiếu nghiêm trọng những kinh nghiệm và thực tế tương ứng được với xã hội hiện đại từ truyền thống, tóm lại, với tính nhược tiểu thể hiện khá “hoàn hảo”, giới trí thức Việt Nam khi trở thành “tầng lớp trí thức bản xứ” thêm một lần nữa bị chủ nghĩa thực dân vày vò, ép ướp hoàn toàn có chủ đích chỉ nhằm biến đổi họ thành đám vong quốc nô có chữ nghĩa. Lịch sử còn lưu lại vô số bằng chứng cả trực tiếp cả gián tiếp chứng minh cho đường lối chính trị, chính sách trí thức thuộc địa này của thực dân Pháp”.
Ở đây có hai khía cạnh đáng nói:
- Tác giả sai lầm về phương pháp.
- Tác giả bất chấp sự thật lịch sử.
Tác giả viết: Lịch sử còn lưu lại vô số bằng chứng…” thế nhưng lại không đưa ra bằng chứng nào mà chỉ gói gọn trong một câu ở chú thích:  
“Các bộ lịch sử, lịch sử tư tưởng Việt Nam của cả các tác giả người Việt lẫn người Pháp đều cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến điều này”.
Trong khoa học không cho phép lối chứng minh như thế, bởi vì:
Thứ nhất, luận điểm mà không có luận chứng (dẫn chứng, lý lẽ) thì luận điểm ấy là áp đặt, không có sức thuyết phục; còn nếu bỏ lửng, bắt người đọc tìm đọc thì có khác nào đánh đố, và còn thể hiện không tôn trọng người đọc.
Thứ hai, quan trọng hơn điều thứ nhất, sự thật lịch sử không chỉ tìm ở mỗi trong các bộ sử, lại càng không thể ở trong các sách lịch sử tư tưởng, bởi ở đấy rất có thể lịch sử đã bị cắt xén, giải thích theo ý người viết. Thực ra tìm sự thật lịch sử trong trường hợp này không khó, vì nó là trước tác, hãy còn rành rành trên giấy trắng mực đen. Sao PGS.TS. Trần Ngọc Vương không tìm ở trong chính trước tác của các nhà trí thức thời bấy giờ cùng không khí học thuật của thời đó để từ đó phán xét tư tưởng của họ mà lại tìm qua sự phán xét của người khác?
Và thực tế như mọi người đã biết, biết bao nhận định sai lầm, oan uổng kéo dài mấy chục năm đối với rất nhiều học giả, nhà văn lớn, như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim,... Nhận định của các học giả Pháp cũng không phải bao giờ cũng khách quan, chính xác. (Mà cũng lạ, biết bao lời ca ngợi của các học giả Pháp dành cho Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường,… thì PGS.TS. Trần Ngọc Vương lại không biết?)
Đi xa hơn, PGS.TS. Trần Ngọc Vương còn muốn xóa sổ tầng lớp trí thức Tây học trước Cách mạng tháng Tám:
“Hệ quả cuối cùng của chính sách thực dân, dù những chính sách cụ thể trong từng thời kỳ nhất định có đổi thay theo hướng xoa dịu sự phản ứng của một cư dân bản địa dù sao cũng có hàng nghìn năm lịch sử đồng thời trên từng bình diện nhất định phải đáp ứng những đòi hỏi của tình hình khó khăn mà “mẫu quốc” lâm vào, vẫn cứ là một tầng lớp trí thức bản xứ với rất ít cá nhân thực sự đạt tới trình độ tinh hoa, đội ngũ chuyên gia tuy có số lượng khá hơn nhưng không toàn diện, gắn bó quá trực tiếp với sự điều tiết từ chính quốc chứ không phải gắn bó với xã hội và nền kinh tế tại chỗ, và một lượng đông đảo nhất những trí thức cấp thấp. Chất lượng của một tầng lớp trí thức như vậy, xét trên tương quan của một sự so sánh lịch đại, nghĩa là so sánh về khả năng đáp ứng những nhu cầu phát triển từng thời điểm lịch sử khác nhau, chắn chắn là còn kém hơn thời kỳ tiền thực dân”. 
Gộp cả ý của hai đoạn ta thấy, PGS.TS. Trần Ngọc Vương gần như phủ định hoàn toàn tầng lớp trí thức Tây học trước Cách mạng:
Một, họ là con đẻ của chủ nghĩa thực dân.
Hai, họ không đáp ứng được nhu cầu lịch sử.
Ba, kết luận lại, lớp trí thức Tây học còn kém hơn thời kỳ tiền thực dân” (tức trí thức Nho học nửa sau thế kỷ XIX – ĐTT).
1. Nhận định thứ nhất thực ra không mới. Nó là một định kiến đã lâu. Tuy nhiên, trong vài thập niên gần đây, dư luận xã hội đã phải nghĩ lại, đã phải cải chính rất nhiều, không hiểu sao PGS.TS. Trần Ngọc Vương vẫn bám lấy định kiến đó. Một phép suy luận đơn giản cũng cho thấy: với âm mưu của thực dân “nhằm biến đổi họ (trí thức bản xứ - ĐTT) thành đám vong quốc nô có chữ nghĩa” hay âm mưuxoa dịu sự phản ứng của một cư dân bản địa” không bao giờ lại có thể đẻ ra một lớp trí thức tài năng, có lòng yêu nước, tự tôn dân tộc cao. Còn thực tế thì đã quá rõ ràng. Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thái Học, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tuân, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của, Nguyễn Xiển,… toàn những trí thức do trường Tây đào tạo, những trí thức này hoặc đã tham gia các  phong trào cách mạng trước năm 1945, hoặc từ năm 1945 một lòng đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia suốt hai cuộc kháng chiến, chính họ là lực lượng rường cột cho nền văn hóa, khoa học mới, và cả rường cột cho giai đoạn non trẻ của chế độ mới.   
Ở đây cần nói thêm để không đến quá “oán” cũng như không quá “ơn” chính sách khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, ngoài ý muốn của họ, đã khách quan mang lại những điều kiện thuận lợi cho sự tiến bộ của xã hội Việt Nam nói chung, của đời sống học thuật nói riêng. Thực dân Pháp (cũng như bất cứ thứ thực dân nào) không có mục đích “khai hóa” nhưng để khai thác được thuộc địa, họ buộc phải đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và khoa học. Người Pháp ngay khi chưa chinh phục xong Việt Nam, họ đã làm đường sắt, xây cầu, trạm bưu điện, khí tượng, rồi sau đó mở trường đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng,… Tầng lớp trí thức ra đời một cách “vô tư” như thế. Mặt khác, do lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, lớp trí thức mới nắm ngay lấy công cụ tri thức mà nhà trường thực dân trang bị để làm vũ khí đấu tranh, để xúc tiến công cuộc tiến bộ cho xứ sở mình. Nhiều nhà Nho chủ trương cho con đi học trường Tây để sau này đánh lại Tây là như vậy. Ngoài ra cũng phải kể đến một số quan toàn quyền, một số chính khách, nhà khoa học Pháp có đầu óc tiến bộ, họ đã có những chính sách tích cực nhất định, góp phần thúc đẩy xã hội Việt Nam theo chiều hướng tích cực.
2. Về nhận định thứ hai, chúng tôi không hiểu thế nào mới là “đáp ứng những nhu cầu phát triển từng thời điểm lịch sử khác nhau”?
Thử hỏi, làm thế nào để đưa chữ Quốc ngữ trở thành văn tự quốc gia ngay từ cuối những năm hai mươi, để từ đó tiếp thu văn hóa nhân loại, giúp đất nước nhanh chóng thoát khỏi “đêm trường trung cổ”, nếu không phải là những hoạt động đầy hăng hái bắt đầu từ lớp sỹ phu đầu thế kỷ XX, tiếp theo là các nhà báo, nhà văn chuyên về hoạt động văn hóa như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Hữu Đang và các trí thức trong nhóm Tri tân, Thanh nghị,…? Ai đã làm nên cuộc cách mạng trong văn học những năm ba mươi, bốn mươi nếu không phải là những nhà văn xuất thân trường Tây (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nam Cao,…) để trong vòng chưa đầy mười lăm năm, văn học Việt Nam tiến những bước khổng lồ, bắt kịp vào thế giới hiện đại? Ai đã dấy lên rầm rộ phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh những năm 1925 – 1926, rồi phong trào Dân chủ những năm ba mươi, và cả Văn hóa cứu quốc những năm chuẩn bị Tổng khởi nghĩa? Nếu không có lớp trí thức ra đời ngay trong lòng chế độ thuộc địa sẽ không có gì cả.
3. Không biết PGS.TS. Trần Ngọc Vương đặt ra tiêu chí nào của giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX để kết luận tầng lớp trí thức giai đoạn này không đáp ứng được vai trò lịch sử, lại còn “chắn chắn là còn kém hơn thời kỳ tiền thực dân”?
Tôi không hiểu lớp trí thức nửa đầu thế kỷ XX kém cái gì so với lớp tiền bối của họ (lớp nhà Nho nửa sau thế kỷ XIX). Tài năng? Nhân cách, Sự đóng góp vào sự phát triển của lịch sử? Hay là tất cả?
Những nhà Nho tích cực nhất của nửa sau thế kỷ XIX có hai loại: loại chỉ bằng ngòi bút với những kiến nghị, điều trần như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch; loại trực tiếp đánh giặc theo tư tưởng tôn quân với đường lối chiến lược, chiến thuật cũ kĩ như Thủ khoa Huân, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng,… Cả hai loại nhà Nho đó, tuy ta kính phục họ về nhiệt tình yêu nước, về tài đánh giặc nhưng phải nói, so với yêu cầu lịch sử, họ là lạc hậu. Chính họ nhiều khi cũng nhận ra điều đó. Nhiều người đánh giặc biết chắc thất bại, đánh giặc chỉ vì cái nghĩa đáng làm mà thôi. Còn lớp trí thức đầu thế kỷ XX (xuất thân Nho học nhưng tiếp thu Tân học) tìm đường giải phóng dân tộc theo xu hướng cách mạng tư sản dân quyền thì đã thực sự tiến kịp thời đại. Chỉ riêng về văn hóa, họ đề cao khoa học, kỹ nghệ, đề cao thực học, đề cao nếp sống văn minh, phê phán kịch liệt lối hư văn, bài trừ óc mê tín, thói hủ lậu,… cũng là bước tiến kịp thời đại đáng nể, thậm chí còn hơn chúng ta ngày nay với bao trò mê tín, đồng bóng cùng lối sống thực dụng đến thảm hại. Các lớp trí thức sau lớp sỹ phu, tuy không làm cách mạng giải phóng dân tộc mạnh mẽ nhưng tiếp tục hoạt động rất tích cực về văn hóa, văn học, đã đưa văn hóa, văn học nước nhà phát triển theo chiều sâu, nhờ thế nước ta bắt đầu thoát khỏi “đêm trường trung cổ, hội nhập vào thế giới hiện đại từ cuối những năm hai mươi của thế kỷ XX. Giả sử lớp trí thức nửa đầu thế kỷ XX vẫn tiếp tục con đường của Nguyễn Trường Tộ, Phan Đình Phùng,… thì lịch sử nước ta đi lên hay tụt lùi?
Mặt khác, theo quan điểm duy vật lịch sử, đánh giá mỗi nhân vật lịch sử không phải là xem họ làm được gì so với yêu cầu của thời đại mà là họ đã làm gì so với người đi trước đó. Ở đây chúng ta dễ dàng nhận thấy lớp trí thức đầu tiên của thế kỷ XX mà tiêu biểu là hai cụ Phan tuy vẫn là trí thức Nho học nhưng họ đã vượt rất xa những trí thức Nho học cuối thế kỷ XIX, cả về tầm vóc tư tưởng, tri thức văn hóa lẫn tinh thần dấn thân. Còn lớp trí thức những năm ba mươi trở đi thì thì thực sự đã là những trí thức hiện đại, ngang hàng các trí thức Phương Tây. Đọc những sự kiện hội đàm giữa phái đoàn ta với phái  đoàn Pháp những năm 1945 – 1946, các trí thức của ta có tư thế thật đáng tự hào. Trong khoảng vài thập kỷ, lịch sử dân tộc tăng tốc một cách đáng ngạc nhiên nhờ sự đóng góp quan trọng của tầng lớp trí thức này.
Cũng cần nói thêm rằng lớp trí thức khoa học lẫn trí thức văn nghệ sỹ Tây học cho đến 1945 còn rất trẻ, thường chỉ trên dưới ba mươi hoặc chỉ ngoài hai mươi, cứ như bây giờ thì nhiều người hãy còn ở tuổi ăn bám gia đình, thế mà họ đã làm được khối việc như ta đã biết. Nhưng sự nghiệp của họ không nên chỉ tính mấy năm trước Cách mạng, mà còn phải tính giai đoạn sau Cách mạng nữa. Tuy nhiên sau 1945, do dân tộc phải lao vào hai cuộc chiến, rồi do những sai lầm, phiến diện trong quan niệm, mà giới trí thức Tây học trước 1945 (thường gọi là trí thức cũ) người thì được phát huy, người thì bị thui chột, nhiều người còn mắc nạn. Cùng theo Bác Hồ từ Pháp về, tài chế tạo vũ khí của ông Trần Đại Nghĩa có đất dụng võ, danh tiếng ông trở nên lẫy lừng, trong khi đó tài triết học của ông Trần Đức Thảo trở thành tai họa cho chính ông, khiến ông bị đặt ra ngoài lề cuộc sống, suốt đời sống trong nghèo khổ và sợ hãi, đến mức gần như bị bệnh hoang tưởng, tâm thần. Trong số nhà văn, cũng có người sở trường còn phù hợp, cũng có người không. Không ít nhà văn Tiến chiến (Phan Khôi, Trương Tửu, Văn Cao,…) dính vào vụ Nhân văn giai phẩm đầy nghiệt ngã.
Tóm lại, dù đứng ở góc độ nào để đánh giá thì lớp trí thức Tây học trước Cách mạng đã có những cống hiến xuất sắc. Nhiều người gọi đây là “thế hệ vàng”, quả là không ngoa. Không biết bao giờ nước nhà mới lại có một thế hệ như thế.
Bài viết này chưa phải là bài tranh luận, càng chưa phải là bài nghiên cứu. Nếu tranh luận hay nghiên cứu cần bàn một cách toàn diện và có cứ liệu đầy đủ hơn. Mà chỉ vì thấy những nhận định của PGS.TS. Trần Ngọc Vương có nhiều “gợn” quá nên tôi mạn phép đặt ra một số câu hỏi và nêu một số cảm nhận như trên. 



[i] Hoài Thanh: Vấn đề học thuật ở nước ta chỉ là một vấn đề tâm lý và luân lý, Sông Hương, Huế, 1936, in lại trong Hoài Thanh toàn tập, tập 4, NXB Văn học, 1999).
[ii] Phan Bội Châu toàn tập, tập 9, NXB Thuận Hóa, 2000.
[iii] Phan Bội Châu toàn tập, tập 10, NXB Thuận Hóa, 2000.

*Bài do tác giả gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cám ơn!

25 nhận xét :

  1. Tôi tán thành bài viết trên.

    Không thể phủ định sạch trơn như thế chỉ nhằm mục đích tô bóng trí thức mới thời XHCN.

    Đó là sư vong ân, bội nghĩa.

    TH

    Trả lờiXóa
  2. "Ở đây cần nói thêm để không đến quá “oán” cũng như không quá “ơn” chính sách khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, ngoài ý muốn của họ, đã khách quan mang lại những điều kiện thuận lợi cho sự tiến bộ của xã hội Việt Nam nói chung, của đời sống học thuật nói riêng. Thực dân Pháp (cũng như bất cứ thứ thực dân nào) không có mục đích “khai hóa” nhưng để khai thác được thuộc địa, họ buộc phải đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và khoa học. Người Pháp ngay khi chưa chinh phục xong Việt Nam, họ đã làm đường sắt, xây cầu, trạm bưu điện, khí tượng, rồi sau đó mở trường đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng,… Tầng lớp trí thức ra đời một cách “vô tư” như thế."



    Bác Đào Tiến Thi viết bài này quá hay! Người đọc thật thỏa mãn với những lập luận và dẫn chứng mà bác Tiến Thi đã đưa ra.
    Nếu không có giới trí thức tây học như cụ Hòang Xuân Hãn thì làm gì có các thuật ngữ khoa học và tóan học đã được Việt hóa từ rất lâu rồi, chẳng hạn như điểm, đường thẳng, phép vị tự, phép tịnh tiến, rồi nguyên tố, nguyên tử, phân tử, đồng vị, phóng xạ...v.v...những thuật ngữ này đã được sử dụng thống nhất từ lâu rồi bất kể hòan cảnh lịch sử ra sao.Ông PGS tiến sĩ Trần Ngọc Vương có đi học mà sao không chịu hiểu?
    Và nếu không có các cụ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, rồi sau đó là Tự Lực Văn Đòan thì chữ quốc ngữ có được như ngày hôm nay không?

    Phải nói là bác Đào Tiến Thi viết bài này thật thuyết phục lòng người.Cảm ơn bác Đào Tiến Thi nhiều lắm.

    Trả lờiXóa
  3. "Những nhà Nho tích cực nhất của nửa sau thế kỷ XIX có hai loại: loại chỉ bằng ngòi bút với những kiến nghị, điều trần như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch; loại trực tiếp đánh giặc theo tư tưởng tôn quân với đường lối chiến lược, chiến thuật cũ kĩ như Thủ khoa Huân, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng,… Cả hai loại nhà Nho đó, tuy ta kính phục họ về nhiệt tình yêu nước, về tài đánh giặc nhưng phải nói, so với yêu cầu lịch sử, họ là lạc hậu. Chính họ nhiều khi cũng nhận ra điều đó. Nhiều người đánh giặc biết chắc thất bại, đánh giặc chỉ vì cái nghĩa đáng làm mà thôi."
    (trích bác Đào Tiến Thi)

    Bác Tiến Thi viết đọan này quá đúng.

    Trả lờiXóa
  4. "Ở đây chúng ta dễ dàng nhận thấy lớp trí thức đầu tiên của thế kỷ XX mà tiêu biểu là hai cụ Phan tuy vẫn là trí thức Nho học nhưng họ đã vượt rất xa những trí thức Nho học cuối thế kỷ XIX, cả về tầm vóc tư tưởng, tri thức văn hóa lẫn tinh thần dấn thân. Còn lớp trí thức những năm ba mươi trở đi thì thì thực sự đã là những trí thức hiện đại, ngang hàng các trí thức Phương Tây. Đọc những sự kiện hội đàm giữa phái đoàn ta với phái đoàn Pháp những năm 1945 – 1946, các trí thức của ta có tư thế thật đáng tự hào. Trong khoảng vài thập kỷ, lịch sử dân tộc tăng tốc một cách đáng ngạc nhiên nhờ sự đóng góp quan trọng của tầng lớp trí thức này."
    (trích bác Đào Tiến Thi)


    Bác Đào Tiến Thi lập luận chỗ này thật xác đáng.

    Trả lờiXóa
  5. "Cùng theo Bác Hồ từ Pháp về, tài chế tạo vũ khí của ông Trần Đại Nghĩa có đất dụng võ, danh tiếng ông trở nên lẫy lừng, trong khi đó tài triết học của ông Trần Đức Thảo trở thành tai họa cho chính ông, khiến ông bị đặt ra ngoài lề cuộc sống, suốt đời sống trong nghèo khổ và sợ hãi, đến mức gần như bị bệnh hoang tưởng, tâm thần. Trong số nhà văn, cũng có người sở trường còn phù hợp, cũng có người không. Không ít nhà văn Tiến chiến (Phan Khôi, Trương Tửu, Văn Cao,…) dính vào vụ Nhân văn giai phẩm đầy nghiệt ngã."

    Giáo sư Trần Đức Thảo là nhà trí thức chân chính và nhạc sĩ Văn Cao là thiên tài đất Việt.

    Trả lờiXóa
  6. "Trong lời giới thiệu Chu dịch diễn giải, nhà sử học Chương Thâu viết: “Như là một học giả uyên bác, Cụ đã dồn hết sức lực và tâm huyết để nghiên cứu thêm, giải thích lại một số thành tựu vĩ đại của văn hóa Phương Đông dành cho các thế hệ con cháu mai sau”
    (trích bác Đào Tiến Thi)

    Hiện tại, rất nhiều học giả lớn của Việt Nam ở trong và ngòai nước vẫn đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng đề tài này.

    Trả lờiXóa
  7. Trần Ngọc Vươnglúc 11:13 20 tháng 12, 2011

    Thân gửi bạn Đào Tiến Thi,
    Bài viết đầy đủ hơn của tôi vốn là "Kiến tạo một xã hội học tập ở Việt Nam - những hạn chế từ lịch sử cần nhìn cho thấu", đựoc viết tháng 12/2004, cho một Hội thảo khoa học liên quan đến vế đầu của bài viết đó.(Toàn văn bài này đã được in lại trong cuốn "Thực thể Việt...").T/c Tia sáng trích xuất một phần của bài viết để công bố, với tựa đề từ một mục trong đó. Bài cũng đã lâu lâu, tuy nhiên cho tới nay thì về cơ bản tôi vẫn nghĩ như thế.
    Tôi hơi bất ngờ, tuy không có gì phàn nàn, với việc NXD "tái bản" đoan này trên blog của bạn ấy. Nếu Thi đọc và có những ý kiến bất đồng, tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường.Vì chưa bao giờ cho công bố cái gì ra công luận nếu mình không tin vào điều đó, nên dĩ nhiên tôi có nhiều chứng cớ và lý lẽ để bảo vệ ý kiến của mình. Thảo luận lại với Thi về những "phản vấn" một cách chi tiết và bình thản, có lẽ đó là việc tôi nên làm khi có dịp. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm này,với một "dây" những việc lớn nhỏ "dài dằng dặc", xin hẹn bạn một dịp khác. Cũng có thể, chỉ cần gặp được nhau vài ba mươi phút, đủ hiểu thêm ý kiến của nhau.
    Tôi không sử dụng uyển ngữ "ai cũng có thể sai lầm" trong trường hợp này, bởi tôi vẫn tin vào những gì đã viết.Rất tiếc, chưa thể đối thoại sớm với bạn, vậy thôi.
    Bạn có nghĩ rằng trong các ý kiến của mình có không ít những cảm nhận hãy còn sơ sài, cảm tính quá không?
    Hẹn sẽ trả lời cho bạn cụ thể hơn, Thi nhé!
    TNV

    Trả lờiXóa
  8. Thưa thầy Trần Ngọc Vương
    Em rất cảm động khi nhận được comment hồi âm của thầy. Nếu chưa có dịp gặp, thầy có thể gửi cho em tài liệu qua email cũng rất tốt, em rất biết ơn thầy.
    Thầy nói em “có không ít những cảm nhận hãy còn sơ sài, cảm tính” thì chính em đã thừa nhận ngay trong bài mà. Em học hành có hạn, cũng chưa dành nhiều công sức về lĩnh vực này, cho nên tất cả đều chỉ là kinh nghiệm và cảm nhận. Tuy nhiên em cũng tin vào cảm nhận của mình, vì sự cảm nhận ấy vô tư và dựa trên những tư liệu về thân thế, sự nghiệp và các trước tác của các vị tiền bối. Em vẫn tiếp tục tìm hiểu vấn đề khi có điều kiện và luôn có ý thức không để cho những định kiến làm sai lạc nhận thức của mình.
    Một lần nữa xin cảm ơn thầy Trần Ngọc Vương.
    Đào Tiến Thi (Email: daotienthi1958@yahoo.com.vn)

    Trả lờiXóa
  9. “có không ít những cảm nhận hãy còn sơ sài, cảm tính”
    (trích GS Trần Ngọc Vương)

    Tôi không cho rằng nhận định của bác Đào Tiến Thi là "cảm tính" đâu!(vì "cảm tính" là nói về sự bột phát nhất thời!) Và cũng không thể nói là "sơ sài" được!
    Bài viết của bác Đào Tiến Thi có căn cứ và suy tư với tất cả sự thông hiểu về quá khứ.
    Bên cạnh những lập luận vững chắc còn có cả những nhận định chủ quan của bác Đào Tiến Thi nữa, nhưng cái nhận định chủ quan này khiến cho người đọc dễ dàng đồng tình vì bác Tiến Thi tỏ ra là người rất am hiểu cái tâm thế của tiền nhân.
    Nói chung, bài viết của bác Đào Tiến Thi vừa có cái lý của kiến thức vừa có cái tình, và nói về cái tình thì không ai hiểu người Việt hơn người Việt.
    Tôi cho rằng bài viết của bác Tiến Thi rất thuyết phục.
    Cách viết của bác hơi hơi giống cách viết của giáo sư Kim Định, rất chân tình.

    Địa chỉ tham khảo về giáo sư Kim Định:
    http://newvietart.com/KIMDINH-vietnam.html

    Trả lờiXóa
  10. Không hiểu tại sao tư tưởng lại cần có "đỉnh" nhỉ?
    Tư tưởng càng đại chúng hóa càng tốt vì được trải nghiệm bởi nhiều người và nhiều thế hệ thì nó càng thêm giá trị chứ có sao đâu! Những câu ca dao tục ngữ có đời sống hàng ngàn năm chứng tỏ nó có giá trị bất di bất dịch, nếu không thì nó đã bị lược bỏ theo thời gian rồi, còn đâu?
    Ở châu Âu, các nhà triết học, các nhà tư tưởng, các nhà tóan học thường xuất thân từ tầng lớp quý tộc, họ có thời gian và tiền bạc, họ sống trong tháp ngà!Ở thời điểm đó nó chưa được đại chúng hóa, bởi vậy chủ nghĩa Facism mới mê hoặc được nhiều người dân Đức, Hitler mới được tôn sùng!
    Thật ra, những tiến bộ kỹ thuật ở châu Âu cũng chỉ là tình cờ, con người hưởng thụ những tiến bộ kỹ thuật chỉ mới được vài chục năm gần đây thôi. Trong thời kỳ cách mạng kỹ thuật đầu tiên của thế giới ở Anh quốc, giới thợ thuyền còn hè nhau đi đập phá máy móc, họ cho rằng máy móc là nguyên nhân của thất nghiệp và đời sống của thợ thuyền bị bóc lột tối đa, đời sống công nghiệp đưa đến tệ nạn rượu chè....hai cuộc thế chiến và chiến tranh lạnh dẫn đến cái chết của hàng chục nếu không muốn nói là hàng trăm triệu người.
    Nói như thế để hiểu rằng, mỗi nền văn minh đều có cái hay và cái dở.
    Chúng ta nên bình tĩnh nhìn lại mình và định hướng cho bước đường phát triển, nhưng việc phủ nhận nền văn hóa lâu đời và có giá trị của chúng ta thì chúng ta còn lại gì? Và muốn phát triển thì phải đứng thật chắc trên nền văn hóa của mình để tiếp thu một cách có chọn lọc, tiếp thu những gì gọi là tinh hoa của nhân loại mà thôi!

    Trả lờiXóa
  11. Cảm ơn bác Đào Tiến Thi rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  12. Gửi bác ẩn danh 13:16
    Cảm ơn bác ẩn danh 13:16 đã chia sẻ những suy nghĩ của tôi. Trong ý kiến của thầy TNV, tôi cũng chưa rõ hết nghĩa của từ "cảm tính" theo ý của thầy ấy. Thông thường, người ta dùng từ này với ý nghĩa "nhận thức ở mức độ thấp" (theo kiểu nhận thức luận Mac - Lenin, "từ trực quan sinh động lên tư duy trừu tượng"). Tuy nhiên, đối với tôi, tôi coi trọng cả cảm tính lẫn lý tính, mỗi cái có cái mạnh và cái yếu của nó, cái chính là ta vận dụng trong trường hợp nào và kết hợp như thế nào. Rất nhiều khi lý tính sai mà cảm tính đúng. Có một câu chuyện kể rằng: Một nhà bác học nọ thấy một con rết bò uyển chuyển quá, liền bắt nó làm từng động tác thật chậm để mình ghi chép lại thật tỉ mỉ "quy trình" bò của nó; sau đó nhà bác học bảo nó bò lại theo quy trình đã ghi chép đó. Con rết chịu không sao bò được! Theo tôi, cảm tính không nhất thiết là giai đoạn thấp của nhận thức. Có khi sau rất nhiều trải nghiệm, người ta cảm thấy điều gì đó đúng mà chưa biết vì sao đúng, ấy là “cảm tính”. Trong vòng vây của những giáo điều những năm “bao cấp”, rất nhiều cán bộ lãnh đạo làm rất đúng đường lối, chính sách mà dân cứ nghèo, cứ đói. Những người “phá rào” (như ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú chẳng hạn) chính là những người dám hành động theo "cảm tính", nhờ đó dân có ăn! TT. Võ Văn Kiệt cũng là người dám hành động theo "cảm tính" và nhờ đó đã khai thông rất nhiều ách tắc. Vào những năm đói của thập niên tám mươi thế kỷ trước, TP.Hồ Chí Minh kiệt quệ gạo, bà Ba Thi, Giám đốc Sở Lương thực TP lúc ấy về Minh Hải (Cà Mau, Bạc Liêu ngày nay) mua gạo “trái phép”, bị bắt giữ, ông Kiệt phải can thiệp. Lập luận của ông Kiệt không thể dựa vào “lý tính” (chính sách), mà hoàn toàn dựa vào “cảm tính”. Ông nói: “Lúc này chạy ăn cho dân không thể là có tội”.
    Một lần nữa cảm ơn bác ẩn danh 13:16

    Trả lờiXóa
  13. Em vốn là dân thường, chỉ dám hóng hớt nghe các bác nói chuyện tý chút. Nhưng với trình độ dân thường như em mà đọc bài của bác Đào Tiến Thi vẫn thấy thích lắm ạ. Vâng, dù bác Vượng là bậc thầy được bác Thi kính trọng, nhưng em vẫn bỏ một phiếu "bình dân" cho cách lập luận và những dẫn chứng của bác Đào Tiến Thi, dễ hiểu lắm ạ. Cảm ơn bác Đào Tiến Thi.

    Trả lờiXóa
  14. Với dạng thức một bài báo, những gì mà tác giả Đào Tiến Thi gửi tới giáo sư tiến sỹ Trần Ngọc Vương không sơ sài chút nào. Tôi tin và nghiêng về quan điểm và lập luận của Đào Tiến Thi hơn, vì nó đúng mức, công bằng, chặt chẽ và có tình có lý hơn. Chẳng lẽ cứ phải lập (được) ngôn, đề ra được một chủ thuyết, một triết lý nào đó thì mới xứng là trí thức lớn. Nếu vậy thì chỉ một bàn tay vẫn thừa chỗ để đếm số "trí thức lớn" của nhân loại, từ cổ chí kim.

    Trả lờiXóa
  15. Mình không hiểu "cảm tính" là gì chỉ thấy bác Đào Tiến Thi phân tích rất chính xác và khách quan. Riêng mình thấy thương xót những người Việt nam trí thức trung thực, thời nào cũng khổ.

    Trả lờiXóa
  16. Cám ơn bác Đào Tiến Thi về một bài phản biện rất sâu sắc. Nhân nói về trí thức Việt Nam thời kì tiền thực dân và thực dân, không biết có so sánh nào về trình độ và thành tựu của Việt Nam với Triều Tiên tại thời điểm đó không?
    Tôi có tham khảo một số tài liệu thì được biết ngay từ thời phong kiến, Triều Tiên được coi là nước chư hầu có vị trí cao hơn Việt Nam đối với Trung Quốc. Ở Hàn Quốc cũng như Nhật Bản, nghề in cũng phát triển mạnh và sớm hơn so với Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  17. Tôi thì ít hiểu về lịch sử trí thức Việt Nam nhưng nghe tác giả Đào Tiến Thi phân tích rất thuyết phục bởi nó có cơ sở triết học, phương pháp bình tĩnh, khách quan, không phụ thuộc vào chính trị, khiến người đọc khâm phục.
    Tôi thật sự tin ở sự phân tích của tác giả Đào Tiến Thi. Tuy nhiên, nếu có dịp đề nghị PGS-TS Trần Ngọc Vương cũng nên cùng ĐTT trao đổi lại, công khai trên báo chí để mọi người hiểu biết thêm. Cái gì đúng thì thừa nhận, sai thì rut ý kiến. Theo tôi đó là bản lĩnh của người làm khoa học.

    Trả lờiXóa
  18. Chào anh Đ.T. Thi

    Cảm tính của tôi thì nghiêng về bên anh.

    Nhưng những ví dụ về ông Kim Ngọc, Võ Văn Kiệt là không đúng... vì đó là chính trị, là chính sách.

    Làm sao chúng ta khẳng định rằng họ đã hành động "cảm tính".... mà không có những suy nghĩ, phân tích, nhận định tình hình thật đúng khoa học!?

    Trả lờiXóa
  19. Gửi bác Xuctac
    Chính trị, chính sách cũng là một loại lý tính. Nó khuôn người ta không chỉ vào những hành động pháp lý phải theo mà còn chi phối cả cách nghĩ.Chỉ những người có tài có tâm mới có thể vượt qua. Sự vượt qua ấy có khi là sự phân tích rất lý tính, nhưng cũng có khi chỉ bằng trực cảm (cảm tính). Ông Kim Ngọc xuất thân là một trí thức nên có thể ông đột phá bằng tư duy logic, nhưng ông Võ Văn Kiệt thì xuất thân nông dân nghèo, trình độ lý thuyết theo một số người là có hạn, nhưng ông ấy thương dân nên hay có quyết sách đúng. Sự việc tôi kể trên, theo tôi đó là hành động cảm tính.
    Nếu bác đọc kĩ tinh thần trong comment trên của tôi thì sẽ thấy rõ tôi không xếp cảm tính dưới lý tính mà xếp ngang hàng. Thời cổ đại, các nhà bác học không có các thiết bị nghiên cứu như ngày nay nhưng lại có những phát minh vĩ đại, nhiều khi là do trực cảm. Và tôi muốn nói thêm: cảm tính và lý tính không có ranh giới tuỵệt đối mà thường xuyên chuyển hóa cho nhau.

    Trả lờiXóa
  20. "Nó khuôn người ta không chỉ vào những hành động pháp lý phải theo mà còn chi phối cả cách nghĩ.Chỉ những người có tài có tâm mới có thể vượt qua"
    (trích bác Đào Tiến Thi)

    Tôi phải học các cụ "lẩy Kiều" một phát:

    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài,
    Có tài mà cậy chi tài
    Chữ tài liền với chữ tai một vần"

    Trả lờiXóa
  21. " Thời cổ đại, các nhà bác học không có các thiết bị nghiên cứu như ngày nay nhưng lại có những phát minh vĩ đại, nhiều khi là do trực cảm"
    (trích bác Đào Tiến Thi)

    Phải đấy, lý thuyết về nguyên tử (thành phần cơ bản của nguyên tố) có từ năm 450 trước công nguyên do Democritus giới thiệu, nhà khoa học thời cổ Hy Lạp này không có phương tiện thực nghiệm mà dựa trên lý thuyết "siêu hình học" (metaphysics), hay nói nôm na là "trực cảm" hay "trực giác" cũng vậy.

    Trả lờiXóa
  22. Chờ phản biện của PGS. Vương! Hy vọng sẽ có sự trả lời thẳng thắn. PGS Vương không phải không có tài, nhưng không thật nhiều như những gì ông thể hiện. Đào Tiến Thi có lý hơn ông!

    Trả lờiXóa
  23. Tôi rất thích những nghiên cứu của PGS Vương. Ông là người ham tìm tòi và có những suy nghĩ độc đáo. Mong chờ cuộc trao đổi học thuật hấp dẫn giữa thầy và trò!

    Trả lờiXóa
  24. Anh Thi mến,

    ...
    Trong ý kiến của thầy TNV, tôi cũng chưa rõ hết nghĩa của từ "cảm tính" theo ý của thầy ấy. Thông thường, người ta dùng từ này với ý nghĩa "nhận thức ở mức độ thấp"
    ...

    Nếu theo định nghĩa trên thì tôi cũng không biết phải nói thêm gì. Nhưng cái thước đo cho "mức độ" kia cũng cần định nghĩa...

    Tôi thì đa phần đồng ý với bài "hỏi lại" của anh. Chỉ thấy những ví dụ anh đưa ra dưới phần nhận xét là không ổn...

    Tôi không biết rõ những suy nghĩ của những người kia, nhưng tôi tin rằng họ đã quan sát, động não ...và di đến quyết định hành động. Một việc làm khoa học.

    Những "bác học" cũng có những quan sát, tò mò... những câu hỏi rất con người, rất triết... và - như anh Thi đã nói, trải qua nhiều trải nghiệm - họ đã phát hiện (không phải phát minh) và giải thích tương đối (không có gì tuyệt đối) nhiều điều ... Không trực cảm bao giờ!

    Khi ta thấy màu tương tự màu đỏ , thì ta phán ngay màu đỏ ... đó là trực/cảm tính. Nhưng ta thấy nó không hẳn đỏ, ta phân vân ... thì ta đã bắt đầu cái việc rất triết , rất khoa học rồi đấy. Còn để biết nó màu tên gì và tại sao có màu ấy thì còn rất lâu để ta tìm ra... đó là chuyện khác nữa.

    Nói thế để thấy rằng "trực/cảm tính" là một phần của xâu chuỗi...Tôi đồng ý với anh Thi ở điểm này.

    Thân mến

    xuctac_

    Trả lờiXóa
  25. Dù sao thì cũng rất hấp dẫn và lôi cuốn nếu ông Vương mở một cuộc tranh luận ngay trên blog của bác Xuân Diện này!
    Khoa học thì mãi mãi vô tư và khách quan!

    Trả lờiXóa