Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

KIẾN NGHỊ ĐƯA TƯỢNG VŨ HỒN RA KHỎI CHÙA BA VÀNG!


KIẾN NGHỊ BUỘC ĐƯA TƯỢNG VIÊN QUAN CAI TRỊ KINH LƯỢC SỨ VŨ HỒN RA KHỎI CHÙA BA VÀNG!
 
Cộng hoà Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
KIẾN NGHỊ XỬ LÝ HÀNH VI PHẠM LUẬT TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO
 
Kinh gửi:
- Ban Tuyên giáo TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam
- Ban Tôn giáo Chính phủ CHXHCN Việt Nam
- Bộ Văn hoá Du lịch và Thể thao CHXHCNVN
- Hội đồng Trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
 
Ngày 10/09/2023, nhà sư Trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh cùng Chủ tịch Hội đồng họ Vũ (Võ) Việt Nam là Tiến sĩ Khoa học Lịch sử Vũ Minh Giang đã cho đặt tượng viên quan cai trị của triều đại nhà Đường Vũ Hồn trên Ban thờ trong chùa Ba Vàng tại Quảng Ninh.

Với tư cách là nhà nghiên cứu, năm 2002 đã được cố GS Phan Huy Lê trao thực hiện công trình khảo cứu, dịch thuật và chú giải bộ tộc phả “Mộ Trạch Vũ tộ thế hệ sự tích” trong “Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam” của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (Nhà xuất bản Thế Giới đã công bố năm 2004), tôi khẳng định:
 
1. Quốc sử Trung Quốc và Việt Nam chỉ ghi: Kinh Lược sứ triều Đường Vũ Hồn năm 843 đã bị quân sĩ dưới quyền nổi dậy, đánh đuổi chạy biệt tích về Trung Quốc. Chính sử Việt Nam không viết một chữ nào về “chính tích tốt” của Kinh Lược sứ Vũ Hồn, như khách quan ghi nhận đối với một số quan cai trị khác người Trung Hoa. 
 
Ngược lại, “Đại Nam quốc sử diễn ca” của danh sĩ Phạm Đình Toái còn viết: “Nhũng quan lại gặp Vũ Hồn, Thành lâu lửa cháy dinh đồn quân reo”!
 
2. Trừ bộ tộc phả của các tác giả thuộc chính họ Vũ Mộ Trạch, không có bất kỳ tài liệu chính sử nào ghi về việc Kinh Lược sứ Vũ Hồn lập ấp Mộ Trạch và đặt tên huyện Đường An. Đương thời danh sĩ Phạm Đình Hổ đã nghi ngờ điều khoa trương này, do tộc phả Vũ Mộ Trạch viết hơn 9 thế kỷ sau sự cố năm 843 ở An Nam Đô hộ phủ.
 
Như vậy,
​Việc với chiêu bài “Họ Vũ dưới mái nhà chung” sư Thích Trúc Thái Minh và Chủ tịch Hội đồng Vũ - Võ Vũ Minh Giang đưa tượng Kinh Lược sứ Vũ Hồn vào thờ trong chùa Ba Vàng, về thực chất là:
 
1. Vi phạm Điều 3 của “Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016” quy định chỉ “tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân”.
 
2. Đã có hành vi lợi dụng cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng để ép buộc, tức phạm khoản 2, Điều 5 của Luật trên: “Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo”.
 
Với căn cứ thực tế và pháp lý trên, nhân danh Cộng đồng Vũ (Võ) thủ đô Hà Nội tôi kiến nghị:
 
BUỘC SƯ THÍCH TRÚC THÁI MINH VÀ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG VŨ - VÕ VŨ MINH GIANG ĐƯA TƯỢNG KINH LƯỢC SỨ VŨ HỒN RA KHỎI CHÙA BA VÀNG!
 
*********
PHỤ LỤC:
 
VẮN TẮT SỰ THẬT VỀ “THẦN TỔ HỌ VŨ (VÕ)” KINH LƯỢC SỨ VŨ HỒN
 
1. Vũ Hồn
武渾 là một vị võ quan triều Đường Trung Quốc, năm 840 được bổ sang An Nam Đô hộ phủ làm Kinh lược sứ, về chức phận chuyên trách việc bình định. Năm 843, theo các bộ sử lớn cuả Trung Quốc và Việt Nam như: “Tân Đường thư”, “Tư Trị thông giám”, “Đại Việt sử ký toàn thư” bị quân sĩ An Nam Đô hộ phủ nổi lên đánh đuổi, đã bỏ nhiệm sở chạy trốn về Quảng Châu. Không một bộ sử nào ghi ông trở lại An Nam dưới bất kỳ danh nghĩa nào. Sách “An Nam chí lược” do Lê Tắc biên soạn khoảng 1295 – 1333 có cả một chương “Ngụ thần” chỉ ghi về người trước và sau Kinh Lược sứ Vũ Hồn ngụ lại ở Giao Châu. 
 
Việc Kinh Lược sứ Vũ Hồn quay lại lập ấp Mộ Trạch, đặt tên huyện Đường An, là do tộc phả “Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích” (soạn năm 1769) viết 926 năm sau khi Kinh Lược sứ Vũ Hồn trốn chạy biệt tăm tích, đã bị danh sĩ, nhà khảo cứu nổi tiếng cuối TK XVIII – đầu TK XIX là Phạm Đình Hổ phản bác là vô lý trong tác phẩm “Vũ Trung tuỳ bút”!
 
2. Kinh Lược sứ Vũ Hồn được dòng họ Vũ "làng tiến sĩ" Mộ Trạch và làng Trạch Xá tôn xưng là “Tỵ tổ”, tức Tổ khai sáng (đây là quyền của gia tộc đó), mới bắt đầu từ “Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích”(1769). 
 
Thơ văn ngâm vịnh các tiên tổ và văn tế chữ Hán của các vị đại khoa trong họ Vũ và họ Lê thông gia ở Mộ Trạch đến giữa thế kỷ XVI như: của Trạng nguyên Lê Nại, các Hoàng giáp Vũ Cán, Lê Quang Bí, Vũ Quỳnh không có chữ nào ngâm vịnh Kinh Lược sứ Vũ Hồn hoặc mộ, miếu của ông ở Mộ Trạch. Chính 4 tác giả bộ tộc phả 450 trang chữ Hán của họ Vũ Mộ Trạch thừa nhận ngay trong làng Mộ Trạch có những dòng họ Vũ “quê khác”. Ngày nay khảo cổ học đã phát hiện chuông Thanh Mai, niên đại 798, được công nhận là Bảo vật quốc gia, và trên chuông đó 42 năm trước khi Kinh Lược sứ Vũ Hồn được cử sang bình định Giao Châu, đã có danh tính người họ Vũ, tham gia đúc chuông. Như vậy Kinh Lược sứ Vũ Hồn chỉ là “Thần tổ” riêng họ Vũ 2 làng suy tôn.
 
3. Quốc sử của Trung Hoa, Việt Nam và tộc phả 1769 của chính họ Vũ làng Mộ Trạch không ghi gì về cha mẹ, vợ con, khoa danh tiến sĩ lúc 16 tuổi và hoạn lộ trong triều Đường như bản thần tích soạn sau 1822 bịa đặt và ông GS.TSKH Lịch sử, Chủ tịch Hội đồng họ Vũ (Võ) Vũ Minh Giang chép theo trong bài đăng “Thông tin dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam” số Xuân Tân Sửu 2021. Riêng chuyện đỗ tiến sĩ thì chẳng những Đăng khoa lục của Trung Hoa không có tên Vũ Hồn mà tộc phả Vũ Mộ Trạch dưới thời khoa cử Hán học còn hưng thịnh cũng không dám bịa đặt, vậy mà ông GS TSKH Lịch sử trắng trợn “sáng tác”: “Đúng như ước nguyện của đấng sinh thành, năm 16 tuổi Vũ Hồn đã đỗ Tiến sĩ”. Thông tin giật gân này hoá ra nguồn gốc do ông GS.TS đọc Thần tích làng Mộ Trạch biên soạn sau 1822, chữ “tác” đọc thành chữ “tộ”, nhầm 2 chữ “ĐÌNH” 庭 trong “xuất ĐÌNH ứng thí” – ra khỏi nhà đi thi, với chữ “ĐÌNH” 廷 trong “triều ĐÌNH”, “ĐÌNH thí”.
 
Hà Nội, ngày… tháng 09 năm 2023
Phó chủ tịch Cộng đồng họ Vũ (Võ) thủ đô Hà Nội
kiêm Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử và Gia phả dòng họ.

Nhà giáo Ưu tú VŨ THẾ KHÔI

Ghi chú: Tóm lược từ những báo cáo khoa học đã công bố từ năm 2002 trên các tạp chí chuyên ngành như “Thông báo Hán Nôm học 2002”, “Tạp chí khoa học” số 1/2004 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi sẵn sàng đối chất với ô. GSTS.
 
 


CHUYỆN NÀY LÀ CÓ THẬT

Các đệ tử Ba Vàng xác nhận họ Vũ-Võ đúng là có rước tượng Vũ Hồn về Ba Vàng cho cụ tổ quy y Tam Bảo, an vị trên bệ thờ một hôm rồi lại đem đi.

- Tại sao Vũ Hồn chết từ nghìn năm trước chưa được siêu thoát hay sao mà đến bây giờ phải cầu siêu?

- Tại sao Vũ Minh Hiếu - con cháu họ Vũ-Võ (tức Thích Trúc Thái Minh) và đệ tử không về Mộ Trạch làm lễ cầu siêu mà phải khênh cụ tổ lên Ba Vàng để cầu siêu?

- Kinh Lược sứ Vũ Hồn được làng Mộ Trạch thờ làm Thành hoàng và thờ tại đình, được một nhánh họ Vũ tôn làm thần tổ lại phải Quy y Tam bảo? Mà cụ tổ lại để một đứa hậu duệ quy y cho ư? 

- Trong đạo Phật có ai lại đi quy y cho một bức tượng không?
 
 

2 nhận xét :

  1. Mạt pháp nhảm nhí hết chỗ nói, Vũ Minh Giang khác gì lũ quan quách vụ bay giải cứu hay việt á đâu, mạt mạt quá rồi !!!

    Trả lờiXóa
  2. chùa để thờ phật .chùa ba vàng, tà sư Minh hết sức bậy bạ

    Trả lờiXóa