Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

VỀ VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN KH-CN & MT CỦA QUỐC HỘI


MẠN ĐÀM VỀ VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA QUỐC HỘI

TS. Tô Văn Trường

Nhiều cử tri trong cả nước quan tâm khi đọc thông tin Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận phải khẩn trương triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét.

https://vietnamnet.vn/tinh-binh-thuan-phai-khan-truong...
Là cử tri luôn quan tâm, theo dõi hoạt động của Quốc hội, tôi rất ngạc nhiên về phát biểu của ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét.

Nhiệm vụ quyền hạn

Điều 77. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách phát triển khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

4. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về phát triển khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

(Trích Luật tổ chức Quốc hội)

Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường lấn sân

Đọc điều 77 nói trên, thấy Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhầm lẫn vai trò và quyền hạn của Quốc hội, lấn sân sang cả thẩm quyền của Chính phủ. Theo luật Luật Đầu tư công cũng như Luật Xây dựng các bước thực hiện của một dự án bao gồm chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, cụ thể có 2 bước như sau:

Bước thứ nhất là phê duyệt chủ trương đầu tư, còn gọi là giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Dự án hồ chứa nước Ka Pet thuộc nhóm B, thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh Bình Thuận, nhưng vì theo Luật Lâm nghiệp nếu chuyển đổi trên 50 ha rừng đặc dụng phải xin ý kiến của Quốc hội. Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội tư vấn cho Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư là đúng thảm quyền, chức năng của Quốc hội. Tuy nhiên, sai lầm ở chỗ đã lẫn lộn là phê duyệt chủ trương, chứ không phải cho phép đầu tư dự án.

Bước thứ hai là lập và phê duyệt dự án, còn gọi là giai đoạn nghiên cứu khả thi. Chủ đầu tư và cơ quan chức năng phải lập luận chứng đánh giá kinh tế, xã hội và môi trường, nếu thấy đạt tiêu chuẩn hiệu ích theo luật định thì mới quyết định cho tiến hành đầu tư. Nếu không đạt yêu cầu thì có quyền đề nghị Quốc hội và Chính phủ huỷ bỏ chủ trương đầu tư dự án.

Ở bước quan trọng này, Chính phủ cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường phải thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Hiện nay dự án hồ chứa nước Ka Pet đang ở giai đoạn 2 chưa thành lập hội đồng ĐTM, vì sao Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội lại đề nghị cơ quan hành pháp khẩn trương tiến hành thực hiện dự án?.

Xin lưu ý là Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ là cơ quan tham mưu cho Quóc hội, đừng biến Hội đồng thẩm định ĐTM thành “hội đồng chuột” cho việc đã quyết định rồi mà hậu quả không ai gánh chịu.

Lời kết

Đa số cử tri lắng nghe các vị đại biểu Quốc hội phát biểu trên các diễn đàn của Quốc hội hay trả lời báo chí cũng như hoạt động giám sát của Quốc hội, đều có nhận định về cơ bản năng lực của nhiều đại biểu Quốc hội chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Quốc hội không nên can thiệp quá sâu vào công việc của Chính phủ, thậm chí của bộ, ngành và các địa phương. Quốc hội hết khoá này thì giải tán, bầu Quốc hội khoá mới. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm trước cử tri của cả nước?

T.V.T
………….
 
*Tiến sỹ Tô Văn Trường (Ảnh) là chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường. Ông đã có thời gian từ 1988-9/1996 là chuyên gia ở Ủy hội sông Mekong (MRC) Bangkok-Thái Lan. Từ 10/1996-01/2009 là Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam.

Cảm ơn Ông đã gửi cho Xuân Diện bài này!
Ảnh: Nguyễn Xuân Diện chụp năm 2013.
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét