VÌ SAO DÂN MÌNH CỨ MÃI U MÊ DÂNG SAO, GIẢI HẠN,
XÌ XỤP KHẤN VÁI CẦU XIN ĐỦ THỨ?
Bài: Hoàng Anh Sướng
Theo tôi, một trong những lý do căn bản nhất là đạo Phật Việt Nam đương đại đã biến Phật thành vị thần linh và biến chùa thành nơi buôn thần, bán thành. Để rồi, ngày ngày, biết bao nhiêu con người hễ đến chùa là dâng lên Phật chút lễ bạc, dúi vào tay Phật chút tiền mọn rồi quỳ rạp dưới mấy cây hương mà cầu nguyện đức Phật ban cho đủ thứ: nào danh, lợi, tiền, tình…, những thứ mà đức Phật đã buông bỏ từ lâu, những thứ mà theo Đức Phật, đó là nguồn gốc của khổ đau, bất hạnh.
Ai học đạo Phật đều biết: Đức Phật vốn là một thái tử, đã từng có vợ đẹp, con khôn, cung vàng, điện ngọc. Tương lai, sẽ là một vị vua thống trị cả một đất nước. Nhưng vì thấy cuộc đời vốn dĩ có nhiều khổ đau nên Ngài đã rũ bỏ tất cả danh, lợi tột đỉnh ấy để đi tìm con đường thoát khổ. Và Ngài đã thành công.
Bởi thế, thật là thiếu hiểu biết nếu chúng ta cứ cầu xin Phật ban cho địa vị, công danh, bạc tiền, tình ái – thứ mà Ngài đã buông bỏ từ lâu. Bởi thế, thật là thiếu hiểu biết nếu chúng ta coi Đạo Phật là đạo của tín mộ, của cầu nguyện, cầu cúng. Không! Đạo Phật là đạo của tỉnh thức, giác ngộ và giải thoát với những giáo lý và phương pháp thực tập cụ thể giúp chúng ta chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc, vượt thoát sợ hãi của sinh, tử, tiếp xúc được với Niết bàn trong giây phút hiện tại.
Đạo Phật không chỉ là một tôn giáo. Đạo Phật là một kho tàng tuệ giác với những phương pháp rất cụ thể có thể giúp con người tháo gỡ, chuyển hóa những khó khăn, những khổ đau, thiết lập tình thương, chế tác được hạnh phúc, ngăn được sự sa đọa. Hơn ai hết, các nhà sư phải là những bậc thầy về nghệ thuật chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc. Có như thế, họ mới độ được cho chúng sinh đang trôi lăn trong biển khổ trầm luân. Song tiếc thay, nhiều nhà sư bây giờ coi đi tu là một nghề kiếm sống, làm ăn, thậm chí, làm giàu.
Khoảng chục năm trở lại đây, hàng loạt các ngôi chùa lớn mọc lên như nấm ở nước ta. Để có tiền xây dựng, các sư phải đi cúng tế, làm lễ dâng sao giải hạn, kêu gọi lòng hảo tâm đóng góp của các Phật tử… Nhiều khi tài chính không đủ, một số nhà sư phải đi vay ngân hàng, lo trả nợ đến mất ăn mất ngủ. Tôi đã từng gặp những nhà sư xây dựng đến 6-7 ngôi chùa. Ngôi nào cũng hoành tráng. Hễ gặp là thầy kêu “mệt quá, lo quá”. Tôi hỏi: “Thầy xây nhiều chùa thế để làm gì?”. Thầy bảo: “Chắc tại kiếp trước thầy phá chùa nhiều nên kiếp này thầy phải xây để trả nợ”. Tôi hỏi: “Chùa lớn thế này, thầy có tổ chức các khóa tu cho chúng sinh không?”. Thầy cười bảo: “Thầy bận lắm. Thời gian đâu mà tổ chức. Chỉ nội việc tìm các đệ tử trông nom các chùa cho thầy đã đủ mệt”. Tôi nghe mà buồn quá.
Càng buồn hơn khi tận mắt chứng kiến nhiều nhà sư bây giờ đua đòi theo lối sống hưởng thụ vật chất xa hoa. Ô tô hạng sang, đồng hồ tiền tỷ, điện thoại Vertu. Nơi ở thì xa hoa, lộng lẫy như cung vua phủ chúa. Có sư sở hữu đến vài chiếc xe ô tô. Chiếc rẻ nhất là con Venza cũng chừng 2 tỷ chỉ chuyên để dùng chở… hoa quả. Có sư sở hữu hàng chục căn hộ ở Hà Nội, phải nhờ người nhà đứng tên. Lại có sư ăn chơi trác táng, lao vào hết cuộc mây mưa này đến cuộc mây mưa nọ, trong đó có cả những cuộc tình đồng giới. Tội lỗi hơn, họ còn mây mưa ngay tại chùa. Tu, trước hết là để diệt trừ tham, sân, si – 3 nguồn cơn dẫn đến bể khổ. Vậy mà nhiều nhà sư tham vật chất, si mê sắc dục như thế thì tu cái nỗi gì?
Bổn phận của các thầy tu, tôi nghĩ, không phải là xây dựng những ngôi chùa lớn, bức tượng lớn đang mọc lên như nấm như bây giờ. Bổn phận của họ là xây dựng những “ngôi chùa” của trí tuệ, của lòng từ bi, ngôi chùa của hiểu biết, thương yêu trong tâm hồn, trái tim mọi người. Tiếc thay, sứ mệnh ấy, họ lại không quan tâm đến.
Nguồn: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=3286879031551959&id=100006896824601&mibextid=qC1gEa
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét