Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Tin buồn: ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ TUỆ VỀ CÕI PHẬT

 
 
.
.




 

  TIN BUỒN
Chúng con vô cùng kính tiếc báo tin:

 Đức Pháp Chủ - Đại lão Hòa thượng
THÍCH PHỔ TUỆ

 Thế danh: Bùi Văn Quý

 Sinh ngày 12 tháng 4 năm 1917
tại thôn Phùng Thiện, xã Khánh Tiên,
huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

 Đã thuận thế vô thường an nhiên thu thần thị tịch
03h22' ngày 21.10.2021, nhằm giờ Dần ngày 16 tháng 9
năm Tân Sửu, Phật lịch 2564

 tại Tổ đình Viên Minh tự (Chùa Ráng), thôn Mai Xá,
xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.

 Hưởng Đại thọ 105 tuổi. Hạ lạp 85 năm. 

Lễ nhập kim quan chính thức cử hành vào lúc 13h00 ngày 21.10.2021 (ngày 16 tháng 9 năm Tân Sửu). Kim quan được tôn trí tại Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.

Lễ viếng chính thức từ 07h00 ngày 22.10.2021 đến hết ngày 23.10.2021 (từ ngày 17 đến ngày 18 tháng 9 năm Tân Sửu).

Lễ truy điệu được cử hành lúc 09h00 ngày 24 tháng 10 năm 2021 (ngày 19 tháng 9 năm Tân Sửu), sau đó cung thỉnh kim quan Đại lão Hòa thượng nhập Bảo tháp trong khuôn viên Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.

 *****

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là một bậc chân tu, đạo hạnh cao cả.  Cả cuộc tu hành của Ngài lấy việc cày cấy làm vui, coi chuyện kinh sách làm nghiệp, buông tay cày cầm tay bút, sáng kinh tối kệ, một lòng thành kính hướng tới Như Lai, trong một ngôi chùa cổ ở một làng quê heo hút không có hòm công đức, không có cúng sao, đốt vàng mã.

Ngoài 70 tuổi Ngài vẫn tự tay cấy cày ruộng chùa và trồng rau đậu trên vườn chùa, ngoài 80 tuổi vẫn tự tay giặt giũ.

Khi Ngài được suy tôn là Đức Pháp Chủ, Ngài quyết từ chối. Các chư tôn đức của Giáo hội kéo về chùa Ngài để ép Ngài. Sau khi từ chối không được, Ngài ra điều kiện là Ngài vẫn ở lại trong ngôi chùa làng chứ không ra ở chùa Quán Sứ, Hà Nội...

Ngài còn là một học giả thông tuệ về Phật học, về Hán Nôm; để lại dấu ấn  lớn trong nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật về Phật học như: Đại từ điển Phật học, Đại Luật, Đại tạng kinh, Đề cương Kinh Pháp Hoa, Kinh Bách Dụ, Phật Tổ Tam Kinh, Phật học là Tuệ học.

Trong giờ phút này, xin kính cẩn dâng lời cầu nguyện Giác linh Đại lão Hòa thượng cao đăng Phật quốc, an lạc vĩnh hằng.

Thành kính chia buồn cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các môn đồ Pháp quyến và gia tộc của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ trước mất mát lớn lao này.   

 

Tưởng nhớ Ngài, chép lại những lời Ngài đã nói:

“Chùa to, cảnh lớn, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì” — Thích Phổ Tuệ

“[...] Sống ở trên đời này được bao nhiêu năm, theo tôi, không phải là thước đo giá trị của đời người. Con rùa nó sống hàng ngàn năm thì đã sao? Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo, ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, Ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay đã 91 năm, ở chùa 85 năm, thụ Đại giới được 71 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi [...]” — Thích Phổ Tuệ

"Muốn sống lâu trước hết phải sạch sẽ từ thân đến tâm ... Về tinh thần, cần tu tâm dưỡng tính, tiết chế mọi ham muốn dục vọng, sống trong tinh thần lục hòa thì sẽ tăng được tuổi thọ. Nhưng dù sao, cũng không thể loại trừ được vô thường của sinh lão bệnh tử, vì đó là quy luật của mọi kiếp nhân sinh."

"Suốt đời tôi chỉ mong được niệm Phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi... Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện."

"Sư là khuôn mẫu, mô phạm của loài người, chí ít là trong một cộng đồng người. Nếu không có đạo hạnh, không có trí tuệ thì lấy gì mà dạy người? Lấy gì làm gương tốt để mọi người noi theo?"

“Tôi không ngờ chư vị lại giữ lời đã hứa khả với chúng tôi như vậy! Đã tổ chức lễ đón rước quá lớn. Ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi đã làm được những gì trong cuộc đời tu hành của mình mà dám nhận cái phúc lớn đó? Phúc là phải do tu mà có. Phúc thì nên tích mà không nên tán. Phúc không tích thêm mà cứ lạm hưởng thì rồi cũng hết. Khi đó phúc trở thành họa. Nay được hưởng như thế này là cái họa cho chúng tôi. Chúng tôi cần làm gì đây để báo đáp sự cung ngưỡng lớn lao như thế này của đại chúng?” 
 — Thích Phổ Tuệ,
Phát biểu tại Đại lễ cung nghinh Ngài.
 
Di huấn của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: 
"Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phât và tổ chức tại chùa Viên Minh. Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của Tăng Ni và Phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hoà bình, nhân sinh an lạc". (Theo Báo Giác Ngộ)

Một vài hình ảnh về Ngài Thích Phổ Tuệ:
 




 


5 nhận xét :

  1. Một bậc cao tăng đã tạm biện cõi trần về với Đức Phật, còn nhớ lần về chùa Giáng lễ Phật năm 2014, có anh bạn đi cùng đề nghị Đại Hòa Thượng ghi sổ công đức tiền cung tiến chùa, Đại Lão dạy: các ông cung tiến tiền giọt dầu một ly, một lai Phật đều chứng, nhà chùa không có sổ ghi, từ đó nghe lời Đại lão Hòa thượng mỗi khi đi lễ chừa không bao giờ ghi sổ công đức nữa.

    Trả lờiXóa
  2. Nam Mô A Di Đà Phật, cầu xin Giác linh của Ngài sớm tiêu dao miền Cực Lạc.

    Trả lờiXóa
  3. Lại nhớ lần về chùa Giáng lễ Phật đầu năm, khi lễ Phật xong được ngồi hầu chuyện Hòa Thượng có đề nghị Cụ kể về giải yểm của Cao Biền ở sông Tô Lịch cụ liền đưa cho 3 quyển sách do Cụ viết về Phập Pháp cụ bảo: Các ông về đọc hiểu và thuộc rồi quay lại tôi kể cho; lần ấy đến giờ vẫn chưa trở lại được có lỗi với Đại Hòa Thượng quá, nay Cụ về với Đức Phật mong cụ lượng xá! Cầu mong Cụ siêu thoát về với Đức Phật!

    Trả lờiXóa
  4. Tự hào vì Phật giáo Việt Nam có một vị chân tu như Đại Lão Hoà Thượng Thích Phổ Tuệ , uyên bác về Phật pháp , gương sáng về vô ngã.Cầu mong Ngài về Tây Phương Cực Lạc độ cho chúng sinh ngày càng Từ Bị và Minh Triết.Một Phật tử ở Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  5. Tự hào về Ngài: Uyên bác về Phật pháp,Gương sáng về Vô ngã.

    Trả lờiXóa