Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

Thái Hạo: TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NGÀY CÀNG MÊ TÍN?

TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NGÀY CÀNG MÊ TÍN?

Bài của Thái Hạo


Có lẽ trong lịch sử xã hội VN chưa bao giờ tình trạng mê tín lại ngập ngụa như bây giờ, từ bói toán, phong thủy, tu hành; từ nhà ra phố tới chùa… không đâu không thấy sự mê muội đến ngớ ngẩn, bệnh hoạn như như thời này.


Người nhà chết nhiều ngày mà vẫn không chịu chôn vì…chưa được giờ; làm cái nhà lại quay lưng ra đường vì gia chủ không hợp với hướng đường, xây nhà phải kiếm người đặt móng vì khổ chủ không được tuổi, nào là nhẫn phong thủy, vòng phong thủy; đôi lứa phải chia lìa vì cha mẹ quyết ngăn cản bởi…không hợp tuổi; nhiều người sinh con bằng cách…mổ cho đúng giờ đại cát; sự mê tín hoành hành cả vào trường học với những thủ tục quái gở liên quan tới cúng bái trước các kì thi; chùa chiền chật ních những ngày tết vì người đi…cầu lộc, cầu an, thậm chí chen lấn dẫm đạp lên nhau mà tranh cướp ấn lộc… Sự mê tín bủa vây đầu óc từ người nông dân, đến thương gia, trí thức, giới chính trị…


Mê tín là một niềm tin mê muội. Tin mà không có cơ sở, tin một cách mù quáng, rằng vì mọi người cũng tin như vậy. Tại sao ngày tết lên chùa đốt nhang khấn vái trước tượng phật lại có thể cầu được lộc được an? Ông Phật có lộc để ban ư? An hay nguy do cách mỗi người sống trong sự đối người tiếp vật chứ sao lại giao phó cho một pho tượng bằng đất đang ngồi bất động ?


Khi nào con người ném cuộc đời mình cho sự may rủi? Làm sao thánh thần lại phải gánh lấy cuộc đời chúng ta? Tại sao trời đất với bốn phương tám hướng với xuân hạ thu đông vô tư này lại phải quyết định số mệnh của mỗi người? Và con người là gì giữa vạn sự vạn vật ? Đạo đức nô lệ mới có những sự sợ hãi hoang dã, nền luân lý của chủ ông (Nietszche) là hành xử của kẻ trượng phu tự gánh vác lấy cuộc đời mình và biết chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Một xã hội nô lệ tất sinh ra mê tín.


Ai là giáo chủ của thời này? Danh và lợi – hư danh và ô lợi. Khi một xã hội tuyên bố rằng kinh tế quyết định ý thức, vật chất quyết đinh tinh thần thì tất yếu nó phải dẫn tới sự sùng bái vật chất bằng cách khinh miệt và chà đạp lên những giá trị văn hóa, rẻ rúng những giá trị nhân văn và bức hại các giá trị nhân bản. Mọi sáng tạo trên hành tinh này đều đi ra từ những suy tưởng và lao động trí óc chân chính của con người. Quá trình đô hộ ngược đã được chứng mình bằng cuộc xâm lược văn hóa của người Hi Lạp đối với kẻ thắng cuộc La Mã; người Mông cổ, Mãn Thanh đã thất bại và bị Hán hóa dù chiến thắng trên mặt trận quân sự. Một đất nước lấy sự hiểu biết và trí tuệ làm ngọn đuốc soi đường, đất nước ấy tất đi vào quỹ đạo văn minh.


Chúng ta đang đi ngược lại con đường của thế giới khi nhất loạt quay về thời cổ đại của bái vật giáo, đa thần giáo cho đến nhất thần giáo. Trong khi nhân loại đang ngày càng tự chủ và tự tin vào sức mạnh của chính mình thì chúng ta lại đi ném cuộc đời mình cho ngày giờ, phương hướng, ma quỷ, thần thánh. Nỗi sợ hãi sinh ra vái tứ phương, phủ phục trước những thẻ tre, lạy lục trước tờ giấy ấn…


Nhưng cái gì sinh ra nỗi sợ hãi này? Lòng tham. Tham thì muốn có, sợ hãi nếu không có được, đau đớn nếu mất đi. Lòng tham trước tiền bạc của cải như một thượng đế toàn năng đã dẫn con người tới chỗ luôn sống trong sợ hãi và đánh mất bản thân mình trong những mớ bong bong tinh thần của Tootem / vật tổ giáo, của quỷ thần.


Nhưng cái gì sinh ra nỗi sợ hãi ấy? Sự thiếu hiểu biết đồng nghĩa với đánh mất chủ thể tính nơi mỗi người. Khi con người không hiểu mình và mờ mịt về thế giới thì tất sinh ra sự dựa dẫm. Nó ném cuộc đời mình cho những thứ vô tri được tôn lên hàng thần thánh.


VN có một hệ thống giáo dục thất bại và một nền khoa học què quặt không đảm đương được sứ mệnh khai minh cho dân tộc, khiến nó phải kéo dài thời kì bán khai đến tận thế kỉ XXI này. Nền giáo dục và khoa học ấy là con ruột của một thiết chế xã hội sai lầm đầy bi kịch.


Ở phương diện tín ngưỡng, xã hội VN đang bị phân hóa thành 2 bộ phận: vô thần và đa thần. Bộ phận vô thần này không phải kiểu vô thần như Nietszche, Sartre, Camus mà là vô thần theo nghĩa hoang dã chỉ tôn thờ một thứ duy nhất là Tiền và sẵn sàng nện dày lên mọi giá trị làm người miễn là kiếm và giữ được tiền. Bộ phận đa thần thì sống trong sự dựa dẫm và sợ hãi nguyên thủy. Mọi việc trong cuộc đời họ từ lấy vợ, làm nhà, sinh con, chọn nghề đều do thầy bói quyết định. Họ không dám tự định đoạt một việc gì cả, họ giao phó cuộc đời mình cho 12 con vật trong thế giới động vật.


Cả 2 bộ phận này cùng một thủy tổ là chủ nghĩa Tư lợi


Những người Phật giáo thuộc loại nào? Phần đa là thuộc về đa thần giáo vì họ đã biến ông Phật thành một thần linh có khả năng ban phước giáng họa. Họ đến chùa không phải là đến trường học Phật giáo để nghiên cứu, quán xét, tư duy, để trao đổi thảo luận với ông thầy (sư) mà đến với nải chuối và cầu xin. Họ cúng dường cho thầy chùa để mong được chiếu cố, họ lạy Phật để mong được ban ơn. Những sư sãi ở chùa đã phần nhiều không còn đảm trách công việc trí tuệ mà vị thầy tổ của mình đã di huấn; họ tổ chức cúng sao, giải hạn, cầu siêu để thu tiền. Họ tổ chức lễ lạt với mâm cao cỗ đầy, với ngàn ngạt những tràng hoa, với ngựa xe như nước áo quần như nêm. Cái công việc dạy và học ở chùa gần như biến mất, có chăng là vài thời khắc tụng kinh hình thức đọc như những con vẹt ngủ gật mà quên mất rằng việc đọc kinh là để hiểu chân lý được cất giữ trong ấy, từ đó mà mang vào đời sống để kiến lập một cuộc đời và xã hội hạnh phúc, an định. Sự thức hành mê tín trong chốn “Duy tuệ thị nghiệp” là một điển hình cho tình trạng mê tín đến tàn mạt ở thời đổ nát của mọi giá trị này.


Chùa là trường học, sư là thầy giáo, kinh là sách giáo khoa. Mỗi người đến chùa đúng nghĩa là để học hỏi trở thành con người tự chủ, tự do và đầy dũng khí; là để tiếp xúc với ánh sáng chân lý mà dẫn dắt lấy cuộc đời mình chứ không phải đến đó để biến mình thành một tên nô lệ hay một kẻ ăn mày cuối đầu cầu xin đủ thứ trên đời. Những người Phật giáo chân chính càng phải có trách nhiệm với cuộc đời chứ không phải mũ ni che tai, dùng vài từ tự lừa mị mình như “buông bỏ”, “tánh không” để che đi sự lười biếng và hèn nhát của mình trước các vấn nạn xã hội.


Để giải quyết những khủng hoảng của xã hội VN đương thời không có cách nào khác là chấn hưng nền khoa học và giáo dục của nước nhà. Ở đó, những người trí thức phải trở thành lương tâm của dân tộc, trở thành não bộ của của xã hội, hòng dẫn dắt đất nước ra khỏi tình trạng mông muội. Những người trí thức nếu cứ ngồi đó mà đổ lỗi và chờ đợi lịch sử sang trang thì mới có thể thi triển tài năng và cống hiến thì cũng hệt như người bệnh nói “đợi khỏe mạnh đã tôi mới đi bệnh viện được”. Lúc xã tắc lâm nguy là lúc cần người trí thức hơn bao giờ hết.


Sẽ không một nhà khoa học hay nhà giáo nào có thể thành tựu được lý tưởng nghề nghiệp chân chính của mình trong một cơ thể xã hội bệnh hoạn, nên việc cần làm trước tiên là chung tay chữa trị cho cơ thể xã hội ấy được lành lặn đã. 


“Bi kịch tột cùng không phải là sự đàn áp của kẻ xấu mà là sự im lặng của những người tốt” – M. Luther King


Sự im lặng của người có học là không thể biện minh và tha thứ.


31/1/2020

Thái Hạo

——#———

Ảnh: Cảnh cúng sao giải hạn ở Chùa Phúc Khánh, Ngã Tư Sở Hà Nội. Ảnh: internet.

7 nhận xét :

  1. Thực ra đức Phật chỉ như một ngón tay chỉ đường giúp con người tự tìm ra chân lý và tự giải thoát mình chứ không phải là một ông thánh chuyên ban ơn cho những người thờ cúng hay lạy lục mình thông qua những bùa chú, nhang đèn hay chuông mõ ...!

    Trả lờiXóa
  2. Mọi người Việt Nam đều biết nền giáo dục tại Việt Nam hiện nay có vấn đề, nhưng tại sao không ai cải tiến hay đòi hỏi phải sửa đổi. Một quốc gia hùng mạnh, lành mạnh, không mê tín, không phải do chính phủ hay đảng phái, mà do giáo dục. Hãy bỏ thu tiền học phí cho tiểu học và trung học. Canh tân lại nền giáo dục dựa theo triết lý nhân bản, dân tộc và khai phóng. Không làm được việc canh tân lại giáo dục, thì đừng mơ mộng viễn vông Việt Nam sẽ hội nhập với thế giới 4.0. Đau lòng cho đất nước tôi.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay! Người Việt ngày càng mê tín vì không có hay chính xác hơn là không conf niềm tin! Trong một xã hội độc đảng. Mọi thành viên trong tổ chức đó buộc lòng phải dối trá, nếu muốn hoà nhập vào tốt chức đó. Thế là, các bản lý lịch từ xin việc hay kết nạp đảng, bỏi nhiệm... Phần tôn giáo đều ghi một chữ KHÔNG! Mặc cho người đó có theo Phật giáo hay Thiên chúa giáo...ngay từ những bước đầu tiên đã nói dối, thì cả cuộc đời sự nghiệp làm sao trung thực cho được? Việc trông cậy vào các đấng thần linh là bất đắc dĩ, bấu víu lấy những niềm hy vọng mong manh của người Việt mà thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Mê tín cũng có lý do của nó,chứ không phải ngẫu nhiên gì đâu !
    Khi ma qủy lộng hành,tác oai tác quái khắp nơi trong nước nhưng người
    dân hoàn toàn bất lực thì ngươi ta phải đặt niềm tin vào một thế lực thiêng liêng mới mong cuộc đòi thay đổi cho tốt đẹp hơn ! Thế thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Lâu nay tôi vẫn nghĩ nhiều về vấn đềnày và tự hỏi rằng:" Sao đã đến thế kỉ 21 rồi mà dân mình còn mê tín thế, còn chắp tay trước những bức tượng để cầu xin nhiều thứ thế? Nhất là tại sao các chùa chiền đều tổ chức dâng sao giải hạn nhiều đến thế? Nhưng chưa cắt nghĩa được. Hôm nay đọc bài này thấy thật chí lý. Mong sao mỗi người trí thức thật sự trên đất nước ta hãy góp những tiếng nói tích cực để góp phần cảnh tỉnh con người.

    Trả lờiXóa
  6. Tác giả chưa nói hay chưa dám nói đến nguyên nhân thật sự của vấn đề!

    Trả lờiXóa
  7. Mất niềm tin ở người thì cúng vái quỷ thần! Có niềm tin thì có tất cả, mất niềm tin là mất tất!

    Trả lờiXóa