Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

TÙY VIÊN QUÂN SỰ MỸ VIẾNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ VIỆT NAM


Tùy viên Quân sự Mỹ ở Hà Nội đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn, 27/7/2020

Tùy viên quân sự Mỹ viếng đài tưởng niệm liệt sĩ cộng sản Việt Nam

28/07/2020 

Tùy viên Quốc phòng Mỹ tại Việt Nam đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các liệt sĩ cộng sản ở Hà Nội hôm 27/7, cũng là Ngày Thương binh Liệt sĩ được kỷ niệm hàng năm ở Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ cho hay trên trang Facebook của họ.

Đoàn của phái bộ Mỹ do Đại tá Thomas Stevenson dẫn đầu tưởng niệm những liệt sỹ “đã hy sinh vì lòng yêu nước” trong nghi lễ diễn ra tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Bắc Sơn, theo đại sứ quán.
Việc một đối phương đến thắp hương, viếng đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam thì tôi cho rằng đó là biểu hiện cao nhất về tính nhân văn của chính người Mỹ.

Cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong
Trong thông điệp ngắn đăng trên Facebook, Đại sứ quán Mỹ nói “Cùng lúc quan hệ song phương tiếp tục phát triển, cam kết của Hoa Kỳ với các đối tác Việt Nam của chúng tôi trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo và khắc phục các vấn đề chiến tranh để lại đóng vai trò nền tảng trong mối quan hệ của chúng ta”.


Kể từ năm 1989, Mỹ và Việt Nam đã hợp tác cùng nhau để khắc phục các hậu quả chiến tranh với các chương trình tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích, xử lý ô nhiễm dioxin, trợ giúp người khuyết tật và tháo dỡ bom mìn chưa nổ.

Gần đây nhất, hồi đầu tháng 7 này, hai nước ký bản ghi nhớ về việc Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam công nghệ hiện đại và tốt nhất, trị giá 2,4 triệu đô la, để phân tích DNA nhằm xác định danh tính hài cốt vô danh trong Chiến tranh Việt Nam.

Trước hoạt động đặt vòng hoa của Tùy viên Quân sự Stevenson tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn, Đại sứ Mỹ Kritenbrink đã thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị vào tháng 8/2019, và được xem là lần đầu tiên một đại sứ Mỹ tưởng niệm các quân nhân cộng sản ngã xuống trong Chiến tranh Việt Nam.

Cách đây hơn một tháng, đại sứ Mỹ đến thăm cả Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh lẫn nghĩa trang của quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở tỉnh Bình Dương.

Các bức ảnh và thông điệp của Đại sứ quán Mỹ về buổi lễ hôm 27/7 nhìn chung nhận được những lời bình luận tích cực từ những người theo dõi trang Facebook của cơ quan đại diện ngoại giao này, theo quan sát của VOA.

Tùy viên Quân sự Mỹ viếng Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn ở Hà Nội, 27/7/2020
 
Đa số các lời bình luận tỏ ý “hoan nghênh” bước đi hàn gắn vết thương chiến tranh, thể hiện “tinh thần cao cả” của Mỹ. Nhiều người coi việc làm của đại diện phái bộ Mỹ cũng đồng nghĩa là hai nước “đã trở thành bạn bè thân thiết”, thậm chí có người nhìn nhận rằng “cách thể hiện của Đại sứ quán cho thấy mối quan hệ còn hơn cả đồng minh hay đối tác chiến lược toàn diện”.
Chả có nước nào lại giúp đỡ một quốc gia khác một cách vô tư, trong sáng 100%. Không có. Họ đều phải phục vụ lợi ích, mục đích chiến lược của quốc gia mình. Việc Mỹ có những động thái thân thiện, ủng hộ Việt Nam là rất thực tiễn, hoàn toàn logic, không có gì đáng ngạc nhiên.

Cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong
Trên thực tế, về mặt chính thức, từ tháng 7/2013 đến nay Mỹ và Việt Nam có quan hệ đối tác toàn diện, một nấc cao hơn trong tổng thể quan hệ ngoại giao song phương được bình thường hóa vào tháng 7/1995.

Năm nay, hai nước tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm mối quan hệ đã kéo dài một phần tư thế kỷ.

Cựu đại tá an ninh Việt Nam Nguyễn Như Phong, người cũng từng là bộ đội trong thời kỳ Việt Nam gọi là “chiến tranh chống Mỹ”, nói với VOA ông cũng “đánh giá cao” việc làm của tùy viên quân sự Mỹ, gọi đó là một minh chứng nữa về nỗ lực khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn của hai nước.

Ông Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Công An Nhân Dân, bình luận:

“Người Việt xưa nay vốn trọng những điều nhân nghĩa. Bây giờ, việc một đối phương đến thắp hương, viếng đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam thì tôi cho rằng đó là biểu hiện cao nhất về tính nhân văn của chính người Mỹ”.

Nhà báo kỳ cựu này, từng là Tổng Biên tập báo mạng PetroTimes sau khi rời tờ báo của ngành công an, cho rằng đại diện ngoại giao Việt Nam cũng nên có động thái tương tự tại thủ đô Washington của Mỹ.

Lễ bàn giao một bộ hài cốt được cho là của quân nhân Mỹ vừa diễn ra ở Hà Nội, 
Đại sứ quán Mỹ tại nói hôm 28/7
 
Nghi lễ viếng của tùy viên quân sự Mỹ được dư luận Việt đánh giá là động thái mới nhất trong một loạt các diễn biến và dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chủ động đẩy mạnh mối quan hệ với Việt Nam.

Chỉ riêng trong tháng 7, ngoại trưởng, trợ lý ngoại trưởng và đại sứ Mỹ tại Hà Nội liên tiếp đưa ra các tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, tỏ ý sát cánh với Việt Nam, và ca ngợi 25 năm quan hệ Mỹ-Việt.

Các động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh siêu cường số 1 thế giới đang cạnh tranh chiến lược gay gắt với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm của Mỹ.

Cựu đại tá an ninh-nhà báo Nguyễn Như Phong nhận xét về những việc mà dư luận xem là “Mỹ làm để lấy lòng Việt Nam”:

“Khi Mỹ muốn đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình thì Mỹ cũng phải tìm kiếm đồng minh hay những người bạn thật sự của mình. Việt Nam này cũng thế thôi. Chả có nước nào lại giúp đỡ một quốc gia khác một cách vô tư, trong sáng 100%. Không có. Họ đều phải phục vụ lợi ích, mục đích chiến lược của quốc gia mình. Việc Mỹ có những động thái thân thiện, ủng hộ Việt Nam là rất thực tiễn, hoàn toàn logic, không có gì đáng ngạc nhiên”.
Cuộc xung đột ý thức hệ bây giờ hầu như không còn nữa ... Thế thì hà cớ gì phải níu lại quá khứ. Tôi cho rằng đó là những suy nghĩ không thực tế, không nhân văn, ích kỷ, hẹp hòi.

Cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong
VOA nhận thấy, tuy chiếm thiểu số trong toàn bộ những lời bình luận bên dưới bài và ảnh của Đại sứ quán Mỹ về hoạt động của tùy viên quân sự, vẫn có một số người viết rằng họ không ủng hộ việc Mỹ xây dựng quan hệ tốt đẹp với “chế độ cộng sản Việt Nam”.

Về quan điểm kể trên, nhà báo-cựu chiến binh Nguyễn Như Phong nói với VOA:

"Cuộc xung đột ý thức hệ bây giờ hầu như không còn nữa. Bằng chứng là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng Việt Nam sang được các tổng thống Mỹ đón tiếp rất trọng thị. Và Mỹ cũng đã tuyên bố tôn trọng một nước Việt Nam độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Thế thì hà cớ gì phải níu lại quá khứ. Tôi cho rằng đó là những suy nghĩ không thực tế, không nhân văn, ích kỷ, hẹp hòi”.

Tiếp nối tin về hoạt động của Tùy viên Quân sự Mỹ tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam, trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ hôm 28/7 cho biết Đại sứ Kritenbrink và một đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chứng kiến lễ ký trao trả một bộ hài cốt được tin rằng có liên quan đến một quân nhân Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam.

“Đại sứ Kritenbrink đã cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam, và ghi nhận sự hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo này đã giúp thiết lập mối quan hệ đối tác mạnh mẽ ngày nay dựa trên lòng tôn trọng lẫn nhau và cam kết chung vì hòa bình và thịnh vượng”, Đại sứ quán Mỹ nói.

2 nhận xét :

  1. Hòa giải với Mỹ làm gì! Hòa giải với dân thì tự khẳc Mỹ nó nể trọng! Hòa giải với Mỹ mà không tử tế với dân thì Mỹ nó lại bảo vì nó mạnh nó giàu!

    Trả lờiXóa
  2. Cử chỉ nhân văn của Đại sứ quan Mỹ và Tùy viên quân sự Mỹ đến thăp hương tưởng niệm Đài tưởng niệm các liệt sĩ của Việt Nam rất đáng được hoan nghênh . Đồng tình với phân tích và nhận định của nhà báo Như Phong về quan hệ Mỹ - Việt hiên nay là rất thực tế , logic. Bởi chiến tranh ý thức hệ đã kết thúc . Lợi ích của Mỹ về tự do hàng hải trên biển Đông và Châu á -Thái Bình Dương trùng hợp với lợi ích của Việt Nam . Trong bối cảnh T.Q gia tăng xâm chiếm và đe dọa chủ quyền của VN trên biển Đông, sự hợp tác toàn diện với Mỹ là cần thiết và hợp pháp.

    Trả lờiXóa