Lễ viếng thầy Thế Anh vào lúc 11h-13h30 tại nhà tang lễ viện quân đội 354,
ngày 8 tháng 07/ 2020
-------
-------
MỘT NGỌN BÚT TÀI HOA
Trần Đình Tuấn
Nhà giáo, nhà ngôn ngữ học, nhà Hán Nôm học, nhà Thư pháp, nhà Kiều học Nguyễn Thế Anh sinh năm 1926 tại Thanh Chương, Nghệ An. Tuổi thanh niên, như bao bạn đồng lứa, cụ tham gia phong trào Việt Minh chống thực dân Pháp. Sau năm 1954, miền Bắc giải phóng cụ theo học Đại học ngoại ngữ và dạy tiếng Nga tại Đại học Ngoại thương cho đến khi nghỉ hưu. Là hội viên Hội ngôn ngữ học Việt Nam, hội viên CLB UNESCO Thư pháp Việt Nam, hội viên Hội Kiều học Việt Nam.
Trước và sau năm 1990, một vài triển lãm mỹ thuật ở Hà Nội xuất hiện lác đác thư pháp đã làm dấy lên sự hoài niệm lũy tre xưa, thành quách cổ và “những người muôn năm cũ”. Người Hà Nội lại nhẩn nha ngâm dăm ba câu thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên: Mỗi năm hoa đào nở / Lại thấy ông đồ già / Bày mực Tàu, giấy đỏ / Bên phố đông người qua / Bao nhiêu người thuê viết / Tấm tắc ngợi khen tài: / "Hoa tay thảo những nét / Như phượng múa, rồng bay"... Nỗi niềm ấy mở đường cho phong trào thư pháp trở lại với xã hội hiện đại - mà một trong những “người tiên phong" là nhà Hán Nôm học Thế Anh!
Sinh trưởng trong gia đình Nho học trung lưu ở Nghệ An, nên sau này, mặc dù thông thạo tiếng Nga và tiếng Pháp, nhưng tâm thức và nền nếp gia giáo đã làm bừng tỉnh thức một tài hoa được nuôi dưỡng tự thuở "tóc trái đào" của cậu bé Thế Anh. Cha làm thày đồ kiêm thày thuốc Đông y đã cho phép người con trai có hoa tay viết chữ đẹp được chép sách thuốc, sách kinh để lưu trữ và làm sách học cho các môn đệ - đó là ký ức không thể phai mờ và cũng là một "trường văn trận bút" tập dượt của cụ. Theo nếp nhà, cậu bé Thế Anh sống giản dị và hiếu học. Việc được chép sách thuốc, sách kinh đã tạo nên một đức tính cẩn thận, khiêm tốn từ thủa ấu thơ và sau này ảnh hưởng lớn trong nghiên cứu của cụ. Cụ thừa nhận, khi quay lại viết thư pháp và nghiên cứu văn học cổ, ngôn ngữ cổ thì cụ đã tìm lại được chính mình và xa dần tiếng Nga, tiếng Pháp. Điều đó xảy ra như một lẽ tự nhiên, bởi cái nghiệp được nối từ truyền thống gia đình và từ kỳ vọng của một nhà Nho về người con trai của mình. Rồi cứ thế, theo thời gian, tủ sách của nhà giáo Thế Anh vốn đầy ắp các tiểu thuyết văn học nước ngoài, các từ điển tiếng Nga, tiếng Pháp cứ dần dần nhường chỗ cho các tài liệu, sách cổ bằng chữ Hán - Nôm...
Đặc biệt cụ được sở hữu vốn từ rất rộng, hiểu biết các cách đọc chữ, các cách ghi âm trong dân gian do người cha giảng giải trong quá trình chép sách; nên tuy cụ tiếp thu các thành quả nghiên cứu khoa học mới về chữ Hán Nôm nhưng không lệ thuộc, câu nệ, mà có bản lĩnh riêng biệt.
Chỉ vài năm sau khi nghỉ hưu, giới yêu thư pháp đã biết đến tên tuổi nhà Thư pháp Thế Anh với bút thảo bay bổng mang nét đặc trưng, thương hiệu riêng. Từ trong Nam đến ngoài Bắc, những người yêu thư pháp ở các câu lạc bộ thư pháp chỉ cần nhìn nét chữ đã biết ngay là của cụ Thế Anh. Tên tuổi của cụ được các nhà tổ chức triển lãm, các nhà tổ chức sự kiện biết đến, và như thế, các bức thư pháp viết chữ, viết câu đối lần lượt xuất hiện, được trưng bày trong các dịp lễ lớn như Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong các dịp lễ hội, lễ tết truyền thống ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ở các cuộc hội thảo. Đặc biệt, trong những ngày tháng cả nước hào hứng chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nuyễn Du, xuất hiện nhiều thư pháp bay bổng viết về thơ Kiều của cụ ở nhiều cuộc triển lãm thư pháp ở Hà Nội, đặc biệt được treo thành những tấm bình phong thơ Kiều ở Hội thảo "Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều" tại thư viện Quốc gia Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua!
Giới Hán Nôm học lâu nay đã quen thuộc với tên tuổi của nhà nghiên cứu Hán Nôm kiêm thư pháp Thế Anh với nhiều bài viết nghiên cứu, sưu tầm khảo cứu tư liệu, dịch thuật văn bia... có giá trị. Nhiều năm qua cụ đã miệt mài với những bản Kiều Nôm cổ, để phiên âm, khảo đính, viết thư pháp chữ Nôm và lo xuất bản nhiều cuốn Kiều cổ. Chỉ khoảng 10 năm sau khi nghỉ hưu, cụ đã trình làng nhiều ấn phẩm có giá trị. Với ngôn ngữ giản dị, văn phong trong sáng được kế thừa từ truyền thống Nho học, các tác phẩm của cụ trở thành sách công cụ tra cứu không thể thiếu của giới nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Chúng tôi được may mắn gần gũi cụ khi cụ đã ngoại cửu tuần (87 - 90 tuổi). Thành lệ, cứ thứ hai và thứ sáu hằng tuần, cụ lại có mặt cùng chúng tôi tại Văn phòng Hội Kiều học Việt Nam gặp gỡ bạn viết, trao đổi học thuật. Và cụ, như một "cuốn tự điển bách khoa sống" về Truyện Kiều, luôn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ tài liệu tra cứu khi chúng tôi cần đến.
Cụ cho biết, ở tuổi này, sức viết cũng giảm đi. Giờ cụ ít viết các bài nghiên cứu hơn, bởi như cụ đã nói một cách hóm hỉnh: "để viết một bài nghiên cứu có khi phải mua dăm ba cuốn sách hiếm, mất vài buổi lên Thư viện Quốc gia tra cứu tài liệu, tốn kha khá tiền, mà khi bài được đăng thì nhuận bút cũng chỉ thu được phân nửa là may mắn!".
Nói thì như vậy, nhưng cụ vẫn tham gia tích cực trong Ban vận động UNESCO vinh danh Nguyễn Du, phụ trách phần văn bản để biên soạn ấn phẩm quan trọng như ấn bản “Truyện Kiều, bản UNESCO, Quốc ngữ - Nôm đối chiếu”. NXB Lao Động 2013; Truyện Kiều: Khảo - Chú - Bình. NXB Lao Động 2015; tham gia Ban văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học để thực hiện ấn phẩm Truyện Kiều hướng tới sự đồng thuận - dịp mừng kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du.
Được biết, giờ cụ vẫn hoài niệm “những người muôn năm cũ”, cụ đang mải mê thu thập tư liệu để hoàn thành biên soạn cuốn sách “Nhà nho tài tử Chu Mạnh Trinh với Truyện Kiều" sẽ ra mắt cuối năm 2015, kỷ niệm 110 năm mất của Chu Mạnh Trinh.
Cụ có sức khỏe dẻo dai và trí tuệ minh mẫn lạ thường. Chung vui với chúng tôi, cụ vẫn thi thoảng làm vài ly rượu, vài vại bia, thêm cả mấy điếu thuốc lá. Điều đặc biệt là cụ có thói quen không làm phiền ai đưa cụ đến và đi về, cứ một mình rong ruổi trên khắp mạng lưới xe buýt thành phố đến hội họp, thăm bạn hữu.
Khi chúng tôi viết đề tựa cho bài viết này, cụ đọc dòng: nhà giáo, nhà ngôn ngữ học, nhà Hán Nôm học, nhà Thư pháp, nhà Kiều học, cụ Thế Anh lắc đầu cười: "Sao lại lắm “nhà” thế? Nhưng mà này, vẫn thiếu một nhà!...nhà... Nhà nghèo!"
Tác phẩm xuất bản:
1. Đoạn trường tân thanh, Truyện kiều đối chiếu Nôm - Quốc ngữ. NXB Văn học 1999, tái bản 2013.
2. Những chân trời văn chương. Bình luận và tham khảo về văn học nước ngoài trong trường phổ thông (viết chung). NXB Hội nhà văn, 1999.
3. Tạp chí Hán Nôm 100 bài tuyển chọn (viết chung). Viện N/C Hán Nôm, 2000.
4. Nhớ về trường Đặng - hồi ký (viết chung) NXB KHXH, 2000.
5. Song ngữ Hán Việt thi (viết chung) NXB Thanh niên, 2000.
6. Thông báo Hán Nôm học (từ 2002 - 2006). Hà Nội.
7. Thăng Long thành (viết chung). NXB Lao Động, 2004.
8. Truyện Kiều phiên âm, khảo dị bản Nôm Tự Đức thứ 19 (LVĐ1866), NXB Đà Nẵng 2005, NXB Văn học, tái bản lần 1 năm 2010, tái bản lần 2 năm 2015.
9. 200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều (viết chung). NXB Giáo dục, 2005.
10. Người xứ nghệ (viết chung), NXB Nghệ An, 2007.
11. Nghiên cứu chữ Nôm (viết chung), NXB KHXH, 2006.
12. Vũ Phạm Hàm (soạn chung) NXB Văn hóa thông tin 2009.
13. Truyện Kiều bản UNESCO (soạn chung) NXB Lao Động, 2013
14. Truyện Kiều: Khảo - Chú - Bình (soạn chung). NXB Lao Động 2015.
Ngoài ra: còn viết trên 100 bài báo, tạp chí: Hán Nôm, Văn học nước ngoài, Văn học và tuổi trẻ, Ngôn ngữ và đời sống, Văn hiến, Xưa và nay, Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Tạp chí thơ, Di sản, Người Hà Nội, Văn hóa Nghệ An, Từ Diễn Học, Bách khoa thư. v.v...
Sẽ xuất bản: Nhà nho tài tử Chu Mạnh Trinh với Truyện Kiều.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét