Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

VỤ ÁN HỒ DUY HẢI ĐANG THÁCH THỨC CẢ NỀN CÔNG LÝ TƯ PHÁP VN


Vụ án Hồ Duy Hải đang thách thức 
cả nền công lý tư pháp Việt Nam

Người Đô thị
10:02 | Thứ ba, 26/05/2020

LTS. Quyết định mới nhất của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành ngày 8.5 sau phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, thừa nhận “có những thiếu sót, vi phạm” nhưng khẳng định “những thiếu sót, vi phạm này không phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không làm thay đổi bản chất của vụ án”, đã gây phản ứng mạnh trong dư luận.


Cùng với đó, xung đột thẩm quyền giữa hai cơ quan tư pháp tối cao cũng đã cho thấy những hệ lụy đáng lo ngại sẽ phát sinh cho mục tiêu bảo vệ pháp luật và bảo vệ công lý. Người Đô Thị giới thiệu ý kiến của các chuyên gia luật phân tích, làm rõ hơn những bất cập tố tụng và áp dụng pháp luật, thông qua một vụ án chưa từng có tiền lệ.

“Vụ án Hồ Duy Hải không chỉ liên quan đến sinh mạng của một con người mà còn trở thành vụ án có tính lịch sử, bộc lộ sự bế tắc và khủng hoảng của hệ thống tư pháp hiện tại”,  LS - TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, chia sẻ với Người Đô Thị. 
Nguyên tắc suy đoán vô tội - một nguyên tắc hiến định (Hiến pháp 2013)- được thể hiện trong Luật Tố tụng hình sự 2015, nhưng khi Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, thì lại không thấy đặt trọng tâm vào việc tuân thủ nguyên tắc này. Xin ông cho biết ý kiến?

Trước hết, “suy đoán vô tội”  cần phải được hiểu là quyền hiến định của công dân, theo đó bị cáo có quyền được coi là không có tội khi không có đủ chứng cứ tin cậy buộc tội bị cáo. Để đảm bảo quyền được “suy đoán vô tội’ của bị cáo, tòa án có nghĩa vụ tuyên bố bị cáo vô tội, trả lại tự do cho bị cáo nếu không có đủ chứng cứ tin cậy buộc tội bị cáo. Như vậy, “suy đoán vô tội” phải được coi là quyền của bị cáo, đồng thời là nghĩa vụ của tòa án, là nguyên tắc xét xử mà tòa án phải tuân thủ.

Cho đến nay các tòa án ở nước ta hầu như chưa tuân thủ nguyên tắc “suy đoán vô tội” khi xét xử các vụ án hình sự. Thực tế này thể hiện rõ qua số liệu về các vụ án mà bị cáo được tuyên án vô tội - là rất ít, trong khi đó số liệu về các bản án dựa trên những vi phạm nghiêm trọng liên quan tới điều tra/thu thập chứng cứ phạm tội - thì không phải là ít.

Về vụ án Hồ Duy Hải, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đã thực thi quyền kháng nghị giám đốc thẩm là phù hợp với quy định pháp luật. Những căn cứ kháng nghị do VKSND Tối cao nêu ra cho thấy chứng cứ/vật chứng mà các tòa sơ thẩm và phúc thẩm Long An sử dụng để kết án Hồ Duy Hải - là rất không đáng tin cậy, có nhiều mâu thuẫn. Do vậy, VKSND Tối cao đã kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét, hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm và tiến hành điều tra lại.

Việc điều tra lại vụ án này nhằm đảm bảo sự công minh của pháp luật, kết án đúng người đúng tội và không kết án oan đối với người vô tội. Nếu kết quả điều tra lại vụ án Hồ Duy Hải cho thấy không có được chứng cứ/vật chứng tin cậy về hành vi giết người của Hồ Duy Hải, hoặc vẫn còn những sự việc/chứng cứ về sự vô can, vô tội của Hải, thì cho dù chưa thể tìm ra được kẻ thủ ác là ai, tòa phải tuyên án vô tội đối với Hồ Duy Hải. Đây chính là nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong xét xử.

Trước những vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra, xét xử vụ án Hồ Duy Hải tại cấp sơ thẩm, phúc thẩm mà VKSND Tối cao nêu ra, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã khiến dư luận nghĩ rằng không khách quan với những lập luận rất không thuyết phục, không có căn cứ theo hướng “suy đoán có tội” đối với Hồ Duy Hải.

Vì lẽ đó, Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã tạo phản ứng bất bình trong nhân dân, trong giới chuyên gia pháp luật và các đại biểu Quốc hội. Quyết định này đang là một thách thức rất lớn đối với nền công lý tư pháp tại Việt Nam. Nếu Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có sai phạm mà không được khắc phục, thì sự sụp đổ của nền công lý tư pháp của Việt Nam - không phải là điều không thể. 

Quan điểm đúng/sai của Viện trưởng VKSND Tối cao đã thay đổi qua từng nhiệm kỳ đối với cùng vụ án này. Trong khi, sự thật chỉ có một. Thưa ông, đây có phải là bất cập hay không? Nếu có thì đó là bất cập thuộc về con người hay thể chế tư pháp?

Viện trưởng  VKSND Tối cao năm 2011 bác bỏ việc ra kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, và năm 2019, cũng lại Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành Kháng nghị giám đốc thẩm vụ án. Nhìn từ góc độ thể chế tư pháp, (VKSND Tối cao) dường như không có sự nhất quán trong việc thực thi quyền kháng nghị.

Vậy, vấn đề ở đây là gì?  Vấn đề này phát sinh từ thiết chế tư pháp (VKSND Tối cao) và con người đứng đầu (Viện trưởng) VKSND Tối cao. Nếu quy trình/quy chế công vụ của VKSND Tối cao minh bạch, chặt chẽ, rạch ròi về trách nhiệm cá nhân của Viện trưởng VKSND Tối cao, thì chắc ông Nguyễn Hòa Bình với tư cách Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã không thể ký quyết định bác bỏ việc ban hành kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, vì đó có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. 


Phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: CTV 

Một số đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét đưa hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của tòa án, thông qua vụ án Hồ Duy Hải. Theo ông, những tình huống pháp lý (có thể) tiếp theo là gì? Vai trò của Quốc hội, là cơ quan quyền lực cao nhất sẽ được thể hiện cụ thể tới đâu trong tiến trình tố tụng, (xét xử độc lập) vốn đã được hiến định cho các cơ quan tư pháp?

Những đại biểu Quốc hội có kiến nghị đến Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội về Quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng Thẩm phán  TAND Tối cao - là những đại biểu thực sự của nhân dân. Những vị đại biểu này thực hiện một cách kiên định nghĩa vụ bảo vệ quyền con người của người dân. Tôi rất ngưỡng mộ những vị đại biểu này.

Hệ thống thể chế tư pháp của ta hiện nay không có Tòa án Hiến pháp, điều mà các nhà lập pháp Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội khi soạn thảo và ban hành Hiến pháp năm 2013. Trong bối cảnh này, không thể có thiết chế cao hơn TAND Tối cao (như Tòa án Hiến pháp) để xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán  TAND Tối cao.

Trong khi đó, Quốc hội với vai trò là cơ quan lập pháp, là một nhánh quyền lực độc lập với quyền lực tư pháp, có thể có thẩm quyền can thiệp vào hoạt động tư pháp được không? Nếu không, thì thiết chế nào sẽ xử lý quyết định gây tranh cãi của Hội đồng Thẩm phán  TAND Tối cao? Đây chính là sự bế tắc về thể chế tư pháp ở nước ta.

Có ý kiến cho rằng Quốc hội cần thực hiện quyền giám sát đối với vụ án Hồ Duy Hải. Câu hỏi đặt ra là kết quả giám sát của Quốc hội sẽ là gì: kiến nghị TAND Tối cao xem xét lại Quyết định Giám đốc thẩm vụ án, hay yêu cầu TAND Tối cao thực hiện yêu cầu này? Nếu là kiến nghị, thì đảm bảo được sự không can thiệp của cơ quan lập pháp vào hoạt động của cơ quan xét xử. Nhưng, chỉ dừng lại ở kiến nghị, thì quyền hạn sẽ ở TAND Tối cao có thể chấp nhận hoặc không xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm vụ án của Hội đồng Thẩm phán  TAND Tối cao.

Còn nếu như, Quốc hội yêu cầu TAND Tối cao phải xem xét lại quyết định của mình, thì như vậy Quốc hội đã can thiệp vào hoạt động xét xử, điều này là không phù hợp về mối quan hệ phân công quyền lực lập pháp và tư pháp mà Hiến pháp 2013 quy định.

Nếu quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có sai phạm mà không được khắc phục thì sự sụp đổ của nền công lý tư pháp của Việt Nam - không phải là điều không thể. 

Theo tôi, trong hệ thống chính trị pháp lý của Việt Nam hiện nay, để khắc phục những nội dung tại Quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, có thể tính đến những giải pháp sau:

- Trước hết, theo nguyên tắc Đảng và Nhà nước lãnh đạo, Tổng Bí thư - Chủ tịch Nước cần thực hiện giám sát vụ việc này và chỉ đạo theo hướng xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, ngoài cấp giám đốc thẩm, thì còn một cấp xét xử nữa là tái thẩm. TAND Tối cao có thể mở phiên xét xử tái thẩm đối với vụ án này. Cho đến nay, đã và đang bộc lộ nhiều sự việc/tình tiết/yếu tố mới được phát hiện mà tòa án chưa biết đến, làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án. Ví dụ như, nghi can có tên là Nguyễn Văn Nghị hay Nguyễn Hữu Nghị là ai? “Hiện tượng” Nguyễn Văn Nghị có phải là tình tiết mới không? Có Nghị mà không có Nghị. Rốt cuộc tòa án chưa biết Nguyễn Văn Nghị là ai, quê ở đâu.

- Trong trường hợp chưa đủ căn cứ để áp dụng được thủ tục đặc biệt là tái thẩm vụ án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết về việc thành lập một ủy ban đặc biệt để xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Nghị quyết của Quốc hội là luật. Ủy ban đặc biệt về vụ án Hồ Duy Hải được thành lập trên cơ sở luật nhằm bảo vệ quyền được xét xử công bằng, được áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, quyền được sống v.v.. của người dân. 

Bảo Uyên thực hiện

2 nhận xét :

  1. Việc trước đây Nguyễn Hòa Bình đã bác bỏ kháng nghị khi còn là viện trưởng VKSNDTC theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao là vi phạm pháp luật thì chứng tỏ Nguỹên Hòa Bình không có trình độ nghiệp vụ và bị chi phối bởi lợi ích phi pháp, điều này giải thích số tài sản hàng trăm tỉ đồng mà Nguyễn Hòa Bình có được trong khi chỉ là một viên chức nhà nước lương chỉ đủ sống mà thôi!

    Trả lờiXóa
  2. Cần phải có một ủy ban điều tra đặc biệt tư cách của chánh án TAND Tối cao! Chánh án phải là người nổi tiếng liêm chính toàn quốc thì quyết định của ông ta mới được xem là khách quan. Đằng này Nguyễn Hòa Bình có tài sản bất minh và ra quyết định khiến nhân dân phẫn nộ! Cần thiết phải tuyên hủy quyết định giám đốc thẩm vừa rồi và trả tự do cho Hồ Duy Hải!

    Trả lờiXóa