Đêm gây án, Nghị có mặt và bỏ trốn


Theo đơn tố cáo của luật sư Trần Hồng Phong, qua thông tin báo chí do cơ quan điều tra cung cấp trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra cho thấy, Nguyễn Văn Nghị có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trong đêm gây án. 1 trong những bài báo đó đưa chi tiết như sau: “Manh mối đầu tiên, được một số người dân sống gần hiện trường cung cấp là có 4 thanh niên thường xuyên đến chơi với 2 thiếu nữ (nạn nhân) vào các buổi tối.



Quyết định của Viện KSND Tối cao khẳng định Nguyễn Văn Nghị là kẻ tình nghi
 Ảnh: Anh Vũ


Điều tra nhanh, công an được biết trong số 4 thanh niên này, có 3 người quê ở Vĩnh Long, người còn lại thì nhà ngay tại xã Nhị Thành. 3 thanh niên quê Vĩnh Long được xác định tên là Nguyễn Văn Sơn (SN 1980); Nguyễn Tuấn Anh (SN 1981); Trần Văn Chiến (SN 1980) cùng là thợ bạc đến tạm trú tại địa phương”…


Trong lời khai của 3 thanh niên này có 1 chi tiết khiến các trinh sát chú ý. Vì thiếu nữ tên Hồng có nhan sắc khá mặn mà, là niềm mơ ước của nhiều chàng trai, trong đó có Nguyễn Văn Nghị (SN 1978, ngụ H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Theo tài liệu của Công an H.Thủ Thừa chuyển về, Nghị từng nghiện ma túy.


Thêm một tình tiết xác định Nghị có thể liên quan đến vụ án là vào đêm xảy ra án mạng, có người dân thấy thanh niên này điều khiển xe máy đến gặp 2 thiếu nữ. “Anh ta lúc đó mặc quần jean, có mặc áo gió bên ngoài màu xám” - nhân chứng khẳng định.


Ngay trong ngày, ban chuyên án cử trinh sát đến nơi Nghị ở trọ để triệu tập về cơ quan điều tra làm việc nhưng Nghị không có tại đó. Tìm đến những nơi nghi phạm thường lui tới, không ai thấy bóng dáng Nghị đâu. Để làm sáng tỏ vụ án, các trinh sát tìm sang tận H.Cai Lậy “đón lỏng” nghi phạm tại nhà mẹ đẻ, đến khoảng nửa đêm thấy Nghị xuất hiện. Ngay lập tức thanh niên này được áp giải về cơ quan điều tra để lấy lời khai.


Nghị khai nhận đúng là đêm đó có đến gặp Hồng nhưng do có gặp nhóm thợ bạc “bạn cũ” nên khi những thanh niên kia ra về thì mình cũng về theo. Theo thanh niên này, giữa anh và nạn nhân đang quen nhau nên không có lý do gì gây án. Chứng minh mình vô can, Nghị đưa ra nhân chứng xác định vào thời gian từ 20 giờ 10 tối 13.1.2008 (đêm xảy ra án mạng - PV), Nghị đã cùng bạn uống nước tại 1 quán cà phê tại thị tứ Cầu Voi.


Chủ quán cà phê cũng xác nhận điều này vì tối đó có một sự việc rất đặc biệt: lúc uống cà phê thì giữa Nghị và 1 thanh niên khác đã xảy ra tranh cãi về việc “nhìn đểu” khiến chủ quán phải đến can ngăn.


Hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ án, Cơ quan Điều tra (CQĐT) bắt Hồ Duy Hải vì cho rằng trong điện thoại của nạn nhân Hồng có lưu số điện thoại của Hải, trong đó có nhiều tin nhắn thể hiện 2 người có quan hệ tình cảm với nhau. CQĐT cũng cho rằng có 1 nhân chứng đã nhìn thấy 1 thanh niên ăn mặc giống như Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Nghị. Nhưng do Nghị có chứng cứ ngoại phạm nên… Hải chính là thanh niên đó.


Từ đó, chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của Hải (trong khi Hải có kêu oan, hay lời khai mâu thuẫn thì không được xem xét), CQĐT đã kết luận Hồ Duy Hải là hung thủ giết 2 cô gái. Luật sư Phong khẳng định trong hồ sơ vụ án hiện nay, không có bất kỳ tình tiết nào thể hiện Hải có quan hệ tình cảm với nạn nhân Hồng; và Hải cũng không hề nhắn tin tình cảm nào với Hồng.


Thậm chí theo lời khai của chị Đặng Thị Phương Thảo, bạn của 2 nạn nhân (Biên bản ghi lời khai ngày 6.4.2008) thì: “Cả Hồng và Vân đều không có điện thoại riêng. Tại bưu điện có 1 điện thoại cũ hiệu Nokia thường dùng để nạp card cho khách hàng”. Vậy tại sao có tin nhắn giữa Hải và Hồng?


Xác định thời gian gây án sai, Nghị ngoại phạm, Hải dính án?


Sai lầm lớn nhất của CQĐT trong vụ án này có lẽ là việc đã xác định sai thời gian 2 nạn nhân bị giết, một cách chủ quan, thiếu khoa học? Cụ thể, theo cáo trạng, xác định thời gian gây án (được cho là của Hồ Duy Hải) là lúc khoảng 20 giờ 30, như sau: “Khoảng 19 giờ ngày 13.1.2008, Hải đi xe mô tô đến bưu điện Cầu Voi, vào bên trong ngồi nói chuyện với chị Hồng.


Khoảng 20 giờ 30 Hải đưa tiền và kêu Vân đi mua trái cây. Khi chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với Hồng, nhưng bị chị Hồng phản ứng. Hải tức giận đánh vào mặt, bóp cổ, lấy thớt đập vào mặt và đầu làm chị Hồng bị ngất. Sau đó Hải lấy dao cắt vào cổ chị Hồng.


Sau đó, từ chân cầu thang, Hải thấy Vân đi mua trái cây về, kéo cửa sắt xuống đóng cửa và đi vào. Khi Vân vừa xuống phòng sau, Hải dùng ghế đánh vào đầu làm ngã xuống nền gạch. Sau đó Hải xốc nách Vân kéo đến chỗ xác chị Hồng, đặt đầu Vân nằm trên bụng chị Hồng và lấy dao inox cắt vào cổ chị Vân 2-3 cái. Sau đó, Hải ra phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao, bỏ dao vào sau tấm bảng…”.


Do quãng đường mua trái cây rất ngắn (chỉ khoảng 100 mét), nên thời gian Vân mua trái cây và về tới chỉ khoảng 5 phút. Như vậy, thời gian hung thủ gây án được xác định là khoảng 20 giờ 30 hoặc sau đó vài phút. Nhưng xét về mặt chứng cứ, trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào xác định chính xác giờ chết của 2 nạn nhân, trong khi đây là tình tiết rất quan trọng.


Các tài liệu như Bản Giám định pháp y, Giấy Chứng tử, Trả lời về dấu vết trên cơ thể nạn nhân… đều không xác định (để trống) giờ chết của 2 nạn nhân. Nguyên nhân chết xác định là do vết cắt ở cổ, mất máu cấp.


Tuy nhiên, có rất nhiều tình tiết có thể xác định được và cho thấy thời gian 2 nạn nhân bị giết phải từ ít nhất là 21 - 22 giờ trở về sau, hoặc khoảng gần nửa đêm, chứ không thể là lúc 20 giờ 30.


Cụ thể, theo lời khai nhân chứng T.H. và biên bản hiện trường cho thấy Vân và Hồng đã ăn chiều trong khoảng sau 17 giờ và theo giám định Pháp y thì “thức ăn đã nhuyễn” trong dạ dày. Cho thấy 2 nạn nhân phải bị giết sau 22 giờ đêm vì theo y học thì phải mất 5 giờ thức ăn mới tiêu hóa nhuyễn trong dạ dày.


Máu của 2 nạn nhân không thể chưa đông, khô sau hơn 13 giờ kể từ thời điểm dự đoán chết việc khám nghiệm hiện trường (được tiến hành từ 8 giờ 30 - 13 giờ 30 ngày 14.1.2008, sau thời điểm kết luận chết từ khoảng 13 giờ).


Qua các tấm ảnh, thể hiện xác 2 nạn nhân được đặt trên tấm vải màu trắng. Trên thân thể Hồng máu có màu đỏ tươi, vẫn còn chảy ra và thấm vào tấm vải lót. Trong Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận: “Trên sàn nhà nơi 2 nạn nhân nằm có vũng máu đọng chưa khô hoàn toàn”.


Ông Nguyễn Văn Thu (1 trong những người phụ trách dọn dẹp hiện trường vụ án), cho biết: Lúc khoảng 21 giờ 30 - 22 giờ đêm 13.1.2008, anh Thu chở (xe ôm) 2 người khách, đi ngang qua Bưu cục Cầu Voi thì thấy trên lầu 1 bưu cục còn sáng đèn. Cổng, cửa phía trước bưu điện đều đã đóng. Nếu vụ án xảy ra lúc 20 giờ 30 thì ai đã tắt đèn trên lầu bưu cục vì biên bản hiện trường xác đinh khi khám nghiệm thì điện trên lầu đã tắt?


Ngoài ra còn rất nhiều chi tiết khác cho thấy thời điểm xảy ra vụ án không thể là 20 giờ 30 như CQĐT ghi nhận mà phải xảy ra nhiều giờ sau đó. Chính sự xác định sai lệch về thời gian xảy ra vụ án đã làm cơ sở duy nhất để CQĐT cho Nghị ngoại phạm và đổ tội cho Hồ Duy Hải, cho dù thực tế nếu án mạng xảy ra vào thời điểm đó thì Hải cũng chưa thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi.


Những khả năng phạm tội của Nguyễn Văn Nghị 


Về ý thức chủ quan: Nghị có quan hệ tình cảm khá sâu đậm và công khai với Hồng. Do vậy, khi tới Bưu điện Cầu Voi nhìn thấy 1 thanh niên đang nói chuyện với Hồng, Nghị ghen tức, nóng giận. Nghị đã bỏ ra ngoài uống cà phê mà không vào bên trong. Sau đó Nghị đã cãi cọ ở quán cà phê vào lúc khoảng 20 giờ 10.


Nghị nghiện ma túy, có mối quan hệ nam nữ phức tạp (đã biết Hồng có người yêu là Mi Sol), lại trong trạng thái tâm lý ghen tức và nóng giận ra tay sát hại chị Hồng là hợp lý. Nghị có mặt tại quán cà phê lúc khoảng 20 giờ 10 không? Điều này chưa đủ cơ sở để kết luận Nghị ngoại phạm.


Nếu Nghị chỉ đơn giản là tức giận bỏ đi uống cà phê rồi về luôn mà không quay lại Bưu điện Cầu Voi là không hợp lý về logic tâm lý tội phạm. Mặt khác nếu vậy thì Nghị phải chứng minh được trong đêm 13.1.2008 Nghị đã làm gì, ở đâu sau khi ra khỏi quán cà phê?


Cụ thể là vào các mốc thời gian: 21-24 giờ và nửa đêm về sáng Nghị đã ở đâu? Ai chứng kiến? Vì thời điểm này quán cà phê chắc chắn đã đóng cửa. Việc Nghị có mặt ở quán cà phê không thể là bằng chứng ngoại phạm. 


Nếu thực sự không liên quan đến vụ án thì sao Nghị phải bỏ trốn trong đêm xảy ra vụ án mạng, đến nửa đêm hôm sau mới về nhà?


Ánh đèn sáng trên lầu 1 bưu điện vào lúc 22 giờ đêm cho thấy ít nhất 1 trong 2 nạn nhân đã ở trên lầu trong đêm hôm xảy ra án mạng. Điều này cũng chỉ ra khả năng có Nghị (hoặc ai khác, với tư cách là bạn trai của Hồng) có thể đã có mặt trên lầu 1 lúc 22 giờ tối.


Dấu vân tay thu giữ được của ai? Theo cáo trạng, khi giết nạn nhân hung thủ đã thực hiện hàng loạt động tác bằng tay như: bóp cổ, kéo xác, dùng dao, thớt, ghế đập đầu, cắt cổ 2 nạn nhân.


Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận: “Trên kính (cửa vào buồng ngủ) có dấu vết đường vân”, “Ở mặt trong của kính trên cánh cửa (buồng vệ sinh) có 1 số dấu vết đường vân”, “Trên labo rửa có 1 số dấu vết đường vân”.



Phiếu chuyển đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị của TAND tỉnh Long An - Ảnh: Anh Vũ


Những vết vân tay này đều đã được thu giữ. Như vậy, dấu vân tay tại hiện trường chắc chắn phải là của hung thủ. Không thể khác được. Theo kết quả giám định (Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11.4.2008) thì: “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên bản chỉ của Hồ Duy Hải”.


Như vậy, câu hỏi không thể không đặt ra là: Dấu vân tay của ai? Vì sao CQĐT không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị?


Hải khai đi chân không vào bưu điện, nhưng theo Biên bản khám nghiệm hiện trường, ghi nhận: “Trên mặt nệm ghế có dấu vết máu quệt và dấu vết đế dép dính những hạt cơm khô”. Vậy ai là người đã để lại dấu dép này? Từ đôi dép nào?


Tại Biên bản khám nghiệm tử thi và Biên bản giám định pháp y đều ghi nhận trên cơ thể nạn nhân Hồng: “Có một số vết bầm máu làm da sậm màu ở mặt trước đùi chân phải, mặt trước cẳng chân trái”.


Các vết bầm này là do tác động của ngoại lực chứ không thể tự nhiên mà có. Vậy ai đã gây ra những dấu vết này? Bằng vật dụng gì? Trong khi Hải không hề có bất kỳ lời khai nào nói đến việc đã đánh hay tác động vào phần chân của nạn nhân Hồng.


Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường còn ghi nhận: “Trên mặt bàn có một miếng mút xốp màu trắng và vài mảnh mút xốp đã được cắt vụn trên mặt bàn và rải rác vài mảnh dưới nền nhà”. CQĐT và cả tòa án đều cho rằng đây là tình tiết quan trọng, thể hiện tính khách quan của hiện trường.


Luật sư Trần Hồng Phong đã đề nghị làm rõ tình tiết đêm 13.1.2008, sau khi rời khỏi quán cà phê (lúc khoảng 20 giờ 10) Nguyễn Văn Nghị đã làm gì? Ở đâu? Làm rõ tình tiết ánh đèn sáng trên lầu lúc 22 giờ. Ai đã lên lầu và cắt điện tại Bưu điện Cầu Voi vào tối 13.1.2008? Xác định khoa học về thời gian chết của 2 nạn nhân. Qua đó xác định chính xác được thời gian gây án của hung thủ.


Đồng thời, tiến hành giám định vân tay đối với Nguyễn Văn Nghị, so sánh với mẫu dấu vân tay của hung thủ thu giữ tại hiện trường. Giải thích vì sao không triệu tập Nguyễn Văn Nghị là nhân chứng trong vụ án? Vì sao toàn bộ thông tin, tài liệu, lời khai của Nguyễn Văn Nghị đều đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án? 

Anh Vũ