Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

TIN NÓNG: CHIẾN HẠM MỸ ÁP SÁT HOÀNG SA

Tàu chiến mang tên lửa dẫn đường USS Mustin đi qua Biển Đông hôm 28/5. Ảnh: US Navy.
Chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa

VNE
 
Thứ sáu, 29/5/2020, 08:15 (GMT+7)

Tàu khu trục USS Mustin tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

"Hôm 28/5, tàu USS Mustin đã thực thi quyền tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", đại úy Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, cho biết trong một tuyên bố. "Bằng hoạt động này, Mỹ thể hiện rằng các vùng biển trên nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố là lãnh hải về mặt pháp lý".


Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin đã đi qua trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Phú Lâm và đảo Đá Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa, một quan chức hải quân Mỹ nói.

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 và triển khai trái phép lực lượng đồn trú tại đây. Quân đội Trung Quốc xây dựng một đường băng phi pháp trên đảo Phú Lâm và từng cho máy bay ném bom chiến lược hạ cánh trên đảo. 

Hải quân Mỹ tháng trước hai lần điều tàu chiến thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, và tiến hành hoạt động tương tự gần Hoàng Sa hồi tháng 3.

Lầu Năm Góc tiết lộ một tàu Trung Quốc ngày 14/4 có "hành động không an toàn và không chuyên nghiệp" gần tàu USS Mustin khi chiến hạm này "đang tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế", theo phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Dave Eastburn.

Hoạt động của tàu chiến Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng do đại dịch Covid-19 và dự luật an ninh Hong Kong. Quân đội Mỹ cáo buộc Trung Quốc tìm cách lợi dụng đại dịch để giành lợi thế quân sự và kinh tế trong khu vực.

Hoạt động tự do hàng hải của Mỹ cũng diễn ra sau khi tờ Global Times hôm 19/5 đưa tin hải quân Trung Quốc sử dụng công nghệ mới để trồng rau ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Chuyên gia Chen Xiangmiao thuộc Viện nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông cho rằng việc trồng và thu hoạch rau ở Hoàng Sa là tiền đề để tiến hành thêm các hoạt động như nuôi lợn, gà.

Chen tuyên bố đây là điều kiện cho thấy Phú Lâm là đảo bởi nó "có khả năng duy trì điều kiện cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng", nhằm chối bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 rằng hầu hết các thực thể ở Biển Đông đều không được coi là đảo theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và không có đầy đủ các vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như lãnh thổ đất liền.

Trong họp báo thường kỳ hôm qua, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt khẳng định mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

"Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Việt nói.

Việt Nam cũng nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Hồi cuối tháng ba, Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc. 
Huyền Lê (Theo CNN)

3 nhận xét :

  1. Bác Trump thỉnh thoảng cho tàu chiến đi vài vòng rồi về, còn trên đảo người quản lý vẫn là Tàu cộng .

    Trả lờiXóa
  2. Sao lần này bọn Tàu cộng im re thế nhỉ, mọi khi thì chúng thấy tàu Mỹ vào Hoàng Sa là chúng đã làm ầm ĩ lên rồi.
    Hay là chúng đang mải Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân TQ mà quên hay sợ Mỹ?

    Trả lờiXóa
  3. Hai gọng kìm trực tiếp của TQ kẹp VN chính là biển Đông và đất liền, những địa hạt mà chúng ta đang chấp nhận đấu tranh dai dẳng.
    Bởi vì khi rau của người Tàu được trồng ở Hoàng Sa, ai cũng hiểu vì sao công dân TQ huyên náo ở Đà Nẵng, dòng tiền hắc ám từ TQ thâu tóm đất Đà Nẵng.
    Đáng tiếc, trong một hệ thống chính trị VN như vậy, lại lọt thỏm một bộ trưởng Trần Hồng Hà đủng đỉnh. Là người quản lý đất đai cương thổ, đáng lẽ ông phải thấy trước cả điều Bộ Quốc phòng thấy, đằng này ông lại nghĩ sau cả điều mà người dân nghĩ ra.
    Ông Hà có thể viện dẫn luật để xua trách nhiệm ra xa mình, cũng như năm xưa lũ lụt chết người hàng loạt, Bộ TNMT tổ chức giải golf, điều ông Hà sốt sắng nhất là nhờ báo chí khẳng định mình không có trong danh sách chơi golf.
    Dân sẽ không cần một bộ trưởng nếu người đó không có kỹ năng tiên lượng những nguy cơ, đặc biệt là an nguy quốc gia. Khi giặc đến trước thềm nhà mới đỏng đảnh kêu địa phương rà soát hoặc trả lời né trách nhiệm, có nghĩa là ông Hà chỉ lo cho mỗi địa vị của mình.
    Nhà nghèo nhờ con hiếu, nước nạn cậy trung thần. Đất đai xương máu tiền nhân nằm trong tay mà lửa cháy đến chân mày vẫn còn ngồi uống rượu, Quốc Hội và Trung ương Đảng nếu vẫn xuề xoà với lãnh đạo như ông Hà thì lòng dân còn thắc thỏm không yên!

    Trả lờiXóa