Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

QUỐC HỘI CÓ THỂ CỨU HỒ DUY HẢI?

 Bà Lê Hiền Đức (bên trái) và bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải.  

Quốc Hội có thể cứu Hồ Duy Hải?


Diễm Thi,  
RFA 2020-05-11 

Vụ án Hồ Huy Hải được công luận quan tâm đặc biệt hơn sau khi Hội đồng Thẩm phán gồm 17 vị, hôm 8 tháng 5 năm 2020, thống nhất bác kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao, giữ nguyên bản án tử hình đối với anh Hồ Duy Hải, tại phiên giám đốc thẩm. 

Giám đốc thẩm không phải cấp xét xử mà là thủ tục xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ  án. Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.


Trưa ngày 10 tháng 5 năm 2020, trở về Long An sau quyết định của Hội đồng Thẩm phán, bà Nguyễn Thi Loan, mẹ của Hồ Duy Hải, gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Quốc Hội và một vài vị đại biểu Quốc Hội khẩn thiết kêu gọi họ, với cương vị công tác và quyền hạn của mình, kiến nghị đến các cấp thẩm quyền và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, và đề nghị xem xét các tình tiết quan trọng của vụ án do Luật sư Trần Hồng Phong đưa ra khi tham dự phiên tòa giám đốc thẩm nhưng Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao không xem xét nghiêm túc và khách quan.

Hình thức là một thư tay trình bày ý kiến riêng chứ không phải theo pháp luật như từ trước tới nay nữa.Hy vọng mọi người trong Quốc Hội cùng lên tiếng để xem xét phán quyết một lần nữa vì Quốc Hội có quyền can thiệp. - Chị Hồ Thị Thu Thủy

Chị Hồ Thị Thu Thủy, em gái Hồ Duy Hải nói với RFA tối 11 tháng 5:


“Hiện tại gia đình em gửi cho bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Quốc Hội; ông Lê Thanh Vân, Đại biểu quốc hội và ông Lê Minh Trí, Viện trưởng tòa án nhân dân tối cao. 

Sắp tới sẽ gửi cho hai đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Trương Trọng Nghĩa. Hình thức là một thư tay trình bày ý kiến riêng chứ không phải theo pháp luật như từ trước tới nay nữa.Hy vọng mọi người trong Quốc Hội cùng lên tiếng để xem xét phán quyết một lần nữa vì Quốc Hội có quyền can thiệp. Hy vọng lần này phán quyết được sự giám sát chặt chẽ của Quốc Hội và được công khai chứ không họp kín như lần vừa rồi.” 


Theo chị Thủy thì mỗi khi có dịp, bà Lê Thị Nga đều đưa trường hợp Hồ Duy Hải ra trước Quốc hội nên gia đình chị có niềm hy vọng.


Một người từng làm việc cho ngành công an rồi tham gia chống tham nhũng từ năm 1984, bà Lê Hiền Đức, cũng lên tiếng với Quốc Hội về vụ án Hồ Duy Hải.


Bà cho biết, đơn đề nghị xem xét của bà được gởi đến bà Lê Thị Nga hôm 9 tháng 5, đề nghị bà Nga, với cương vị công tác và quyền hạn của mình, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, và đề nghị hủy các bản án đã tuyên và tiến hành điều tra lại. Bà nói với RFA:


“Tôi chỉ đứng về nghiệp vụ của tôi từng là công an thì tôi thấy làm cái gì cũng phải có chứng cứ. Đằng này dao thớt lại mua ngoài chợ thành ra tôi bức xúc.


Tôi không phải luật sư và cũng không biết luật nọ luật kia nhưng vì một mạng người nên tôi vẫn lên tiếng giúp đỡ. Nhưng cũng rất khó vì 17 người giơ tay hết cả rồi. Đơn của tôi không phải là cầu cứu vì tôi không phải là nạn nhân. Bây giờ chỉ phát biểu trên mạng thì chỉ nói lên cái chính kiến của mình thôi chứ không thể nào giải quyết được.” 


Bà Lê Thị Nga vào năm 2015 khi đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam từng tới trại giam để gặp Hồ Duy Hải và sau đó có bản kiến nghị về việc xem xét kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải.


Ngoài bà Nga, một số đại biểu Quốc hội khác cũng lên tiếng về vụ án Hồ Duy Hải được truyền thông trong nước đưa tin, chẳng hạn như Tiến sĩ luật Lê Thanh Vân - Đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau nêu ý kiến rằng, quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa Án Nhân dân tối cao trong phiên giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải vừa qua là không thoả đáng với các căn cứ đã được Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao đưa ra trong kháng nghị trước đó.


Hay đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng lý giải rằng bản án này là án tử hình, và đã tử hình nếu sai sót thì sẽ không còn cơ hội để sửa chữa. Do đó, ông nhất trí với đề nghị Quốc hội giám sát tối cao việc xét xử vụ án Hồ Duy Hải.


Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, phó Ban Dân Nguyện Quốc Hội, cũng lên tiếng cho rằng, khi chánh án Tòa Án Nhân dân Tối cao từng là Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao, là người trực tiếp không kháng nghị vụ việc, mà bây giờ lại ngồi ghế chủ tọa để xét xử thì đương nhiên xã hội, người dân, cử tri có quyền nghi ngờ tính công minh, thiên vị, vô tư của chánh án Tòa Án Nhân dân Tối Cao; nghi ngờ việc mang tính định kiến tư pháp vào ghế chủ tọa.

Để có thể cứu được tử tù vô tội Hồ Duy Hải cần phải có sự cho phép của 15 vị trong Bộ chính trị. Tôi nghĩ là 15 cánh tay này đồng thuận thì mới có khả năng bác bỏ 17 cánh tay của các thạc sĩ, tiến sĩ luật sư nhưng không hề hiểu biết. - Ông Nguyễn Ngọc Già

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA về việc cầu cứu đến Quốc Hội của thân nhân Hồ Duy Hải:


“Theo quy định của pháp luật thì Quốc Hội vẫn có quyền can thiệp, nhưng can thiệp tức là yêu cầu Hội đồng thẩm phán xem xét lại. Hội đồng này có 17 vị và họ họp một lần rồi. Cho nên bây giờ có họp lại thì cũng 17 vị đó thôi. Nhiều khả năng họ sẽ giữ lại quan điểm cũ của họ thôi. Nếu họ thành tâm và làm quyết liệt thì cũng có thể được. Nhưng tôi thấy những vụ án lên cao mức giám đốc thẩm như thế thì nó không thuần túy là chuyện luật pháp nữa mà nó có sự tương quan chính trị.”


Là một nhà quan sát thời cuộc, cũng là một blogger, ông Nguyễn Ngọc Già nhận định cơ hội sống sót của Hồ Duy Hải:


“Để có thể cứu được tử tù vô tội Hồ Duy Hải cần phải có sự cho phép của 15 vị trong Bộ chính trị. Tôi nghĩ là 15 cánh tay này đồng thuận thì mới có khả năng bác bỏ 17 cánh tay của các thạc sĩ, tiến sĩ luật sư nhưng không hề hiểu biết. 


Cũng không thể trách họ bởi nguyên tắc quan trọng và bất di bất dịch đối với đảng cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là Tập thể lãnh đạo - Cá nhân phụ trách. Vì vậy chỉ có sự đồng thuận của toàn thể Bộ chính trị thì mới có khả năng cứu được tử tù vô tội Hồ Duy Hải.” 


Ông Nguyễn Ngọc Già nói thêm rằng, trong Ủy ban thường vụ Quốc Hội thì có hai người có thể cứu vớt cho Hồ Duy Hải, đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc Hội - Ủy viên Bộ Chính trị và bà Tòng Thị Phóng - Phó chủ tịch Quốc hội - Ủy viên Bộ Chính trị. Theo ông thì hai nữ công bộc này phải thể hiện lương tri, trách nhiệm và nên đứng ở vị trí người mẹ như bà Nguyễn Thị Loan để đồng cảm và ban cho Hồ Duy Hải con đường sống.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét