Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

BIỂN ĐÔNG: CÔNG HÀM PVĐ DƯỚI ÁNH SÁNG LUẬT QUỐC TẾ


Biển Đông: Công hàm Phạm Văn Đồng 
dưới ánh sáng luật quốc tế 

Pháp luật TPHCM
Thứ Ba, ngày 5/5/2020 - 01:45 

(PL)- Nguyên tắc của luật pháp quốc tế là không được phép suy diễn một cách chủ quan, mà phải tìm ý định thực sự của người viết và ký văn kiện trong phạm vi những câu chữ được dùng trong văn kiện.

Tin liên quan
Biển Đông: Hiểu đúng ý nghĩa công hàm Phạm Văn Đồng
Biển Đông: Philippines gửi 2 công hàm phản đối Trung Quốc
Việt Nam nói về công hàm phản đối Trung Quốc ở biển Đông

Trong kỳ 1 với tựa đề “Hiểu đúng ý nghĩa công hàm Phạm Văn Đồng, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đã lý giải hoàn cảnh ra đời và nội dung của hai văn kiện: (i) Tuyên bố về lãnh hải từ phía Trung Quốc (TQ); (ii) Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 liên quan Biển Đông.


Qua đó, PGS-TS Vũ Thanh Ca khẳng định: “Bản chất công hàm Phạm Văn Đồng (CHPVĐ) là một văn kiện ngoại giao đơn phương với mục đích rất đơn giản: Thể hiện sự đoàn kết với TQ chống lại Mỹ và các nước thuộc phe tư bản chủ nghĩa”. 

Tính pháp lý của công hàm
 
. Phóng viên: Liên quan đến CHPVĐ (tên gọi được đăng trên báo Nhân Dân ngày 22-9-1958), luật pháp quốc tế quy định như thế nào về tính pháp lý của văn kiện ngoại giao?

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Giá trị pháp lý của CHPVĐ không phụ thuộc vào việc gọi văn kiện này là công hàm hay công thư. Một nguyên tắc của luật pháp quốc tế là khi xem xét một văn kiện được ký kết, cần phải tìm hiểu ý định thực sự của người ký văn bản trong phạm vi các câu chữ của văn kiện. Đây chính là các nguyên tắc “trong bốn góc” và “cái đặc thù làm chủ cái tổng quát”. 

Theo nguyên tắc này, không được phép suy diễn một cách chủ quan, mà phải tìm ý định thực sự của người viết và ký văn kiện trong phạm vi những câu chữ được dùng trong văn kiện (trong bốn góc của các trang giấy chứa văn kiện).

. Quy định đó áp dụng giải thích CHPVĐ như thế nào?

+ Có thể thấy CHPVĐ gồm hai đoạn, trong đó đoạn thứ nhất chỉ nói về việc ghi nhận và tán thành quyết định về hải phận của TQ. Cụ thể: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4-9-1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của TQ”.

Trong đoạn thứ hai, văn kiện đã làm rõ hơn. Cụ thể: “Triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của TQ trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”. Như vậy, cái đặc thù “12 hải lý trên mặt bể” đã làm rất rõ CHPVĐ chỉ nói về hải phận 12 hải lý của TQ chứ không nói vấn đề khác.

Dựa vào nội dung và bối cảnh ra đời (mà tôi đã phân tích trong kỳ 1 của loạt bài này), CHPVĐ đơn giản là một văn kiện ngoại giao đơn phương với từ ngữ rất khéo léo. Mục đích là để thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ VNDCCH đối với tuyên bố về hải phận 12 hải lý của TQ nhưng tuyệt nhiên không thể hiện sự công nhận của phía Việt Nam đối với chủ quyền của TQ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều học giả, luật sư về công pháp quốc tế trong và ngoài nước đồng ý với luận điểm này.

Biển Đông: Công hàm Phạm Văn Đồng dưới ánh sáng luật quốc tế - ảnh 1 Hội nghị San Francisco đã chính thức công nhận việc QGVN khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như thu hồi hai quần đảo này từ Nhật Bản. Trong ảnh: Thủ tướng Nhật Bản Yoshida Shigeru ký hòa ước San Francisco ngày 8-9-1951.

Việt Nam thực thi chủ quyền liên tục...

. Dù CHPVĐ không thừa nhận chủ quyền của TQ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng lại không phản đối tuyên bố chủ quyền của TQ. Điều này có gây khó khăn cho việc khẳng định quá trình thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay không?

+ Tôi khẳng định là hoàn toàn không! Ngày 2-9-1945, nước VNDCCH được thành lập, là một nhà nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tuyên bố chủ quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam (bao gồm Trường Sa, Hoàng Sa).

Ngày 6-3-1946, Chính phủ VNDCCH ký với Pháp Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt 1946. Theo đó, VNDCCH là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương, nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Tuy nhiên, sau đó Pháp chủ trương không thực hiện một số thỏa thuận trong Hiệp định sơ bộ và Tạm ước Việt Pháp, trái lại còn cố ý gây chiến để tái xác lập chế độ thực dân trên lãnh thổ Việt Nam. Chiến tranh giữa hai bên xảy ra vào cuối năm 1946 và kéo dài tới giữa năm 1954.

Căn cứ vào Hiệp định sơ bộ, vì VNDCCH nằm trong khối Liên hiệp Pháp, trong thời gian từ cuối năm 1946 tới đầu 1947, Pháp đã thực thi quyền đại diện để bảo vệ chủ quyền của VNDCCH tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ cuối năm 1946, Pháp đã chủ trương thành lập một chính phủ khác trên đất Việt Nam để đối trọng VNDCCH. Ngày 5-6-1948, Hiệp ước vịnh Hạ Long được ký kết và ngày 8-3-1949, với sự ký kết Hiệp định Élysée, Quốc gia Việt Nam (QGVN), một quốc gia độc lập thuộc Liên hiệp Pháp, được thành lập. Đến đầu năm 1950 đã có 35 quốc gia công nhận QGVN.

Pháp đã chính thức trao quyền quản lý toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho QGVN. Tháng 4-1949, hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ QGVN, tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 10-1950, việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa được Pháp chính thức bàn giao cho QGVN.

Năm 1949, Pháp đã gửi đơn xin đăng ký các trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Tổ chức Khí tượng Thế giới và đã được chấp nhận. Các trạm khí tượng này là trạm Phú Lâm với số hiệu 48859; trạm Hoàng Sa với số hiệu 48860; trạm Ba Bình với số hiệu 48419.

… Và được thế giới công nhận

. Việc khẳng định chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa của QGVN được thế giới công nhận như thế nào, thưa ông?

+ Năm 1951, QGVN đã được mời tham dự Hội nghị San Francisco về chấm dứt chiến tranh tại châu Á - Thái Bình Dương và lập quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến. Hội nghị có 51 nước tham gia. Tại hội nghị, đại diện Liên Xô là ông Andrei Gromyko đã đề nghị trao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ. Đề nghị này đã bị hội nghị bác bỏ với 46 phiếu chống, ba phiếu thuận.

Tại hội nghị, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao QGVN Trần Văn Hữu tuyên bố: “Việt Nam rất là hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này. Và cũng vì vậy cần phải thành thật lợi dụng tất cả cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Tuyên bố này của Thủ tướng Trần Văn Hữu không bị quốc gia nào phản đối hay bảo lưu. Như vậy, Hội nghị San Francisco coi như đã chính thức công nhận việc QGVN khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như thu hồi hai quần đảo này từ Nhật Bản.

. Phía TQ giai đoạn đó có lên tiếng phản đối tuyên bố của QGVN không?

+ Trong hòa ước giữa Trung Hoa Dân Quốc (THDQ) và Nhật Bản ngày 28-4-1952, THDQ ghi nhận việc Nhật Bản từ bỏ mọi quyền đối với hai quần đảo như nội dung đã được ghi trong văn kiện Hội nghị San Francisco nhưng không yêu cầu Nhật Bản giao lại hai quần đảo này. Việc này là bằng chứng góp phần cho thấy phía TQ đã gián tiếp thừa nhận tuyên bố chủ quyền của QGVN đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa tại Hội nghị San Francisco.

Như vậy, trong thời gian từ năm 1945 tới 1954, trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam có hai chính phủ của Việt Nam và hai chính phủ này đều có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. VNDCCH là một thành viên thuộc khối Liên hiệp Pháp, được Pháp đại diện để thực thi chủ quyền; QGVN cũng là một thành viên thuộc khối Liên hiệp Pháp, được Pháp chuyển giao chủ quyền và đã khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo. 

Tuyên bố của QGVN tại Hội nghị San Francisco không có nước nào phản đối và bảo lưu. Đó là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã khẳng định chủ quyền rõ ràng và minh bạch và đã tiếp nhận hai quần đảo này từ Nhật Bản. Việc Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền một cách liên tục từ giai đoạn 1954-1975 và cả giai đoạn sau đó, tôi sẽ trình bày trong kỳ sau.

. Xin cám ơn ông.


ĐỖ THIỆN thực hiện 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét