Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

VIỆT NAM CÓ CẦN MỘT VỊ THẦN CÔNG LÝ RIÊNG?


VIỆT NAM CÓ CẦN MỘT VỊ THẦN CÔNG LÝ RIÊNG?

Sen Hoa

Có một ông vủa ông vua từ năm nảo năm nao, bỗng được ngành tòa án cho mặc áo long bào đội mồ sống dậy, nặn thành tượng thần công lý, mình đồng da sắt. Khộ thân ông, đang yên giấc ngàn thu, giờ bị lôi vào chốn thị phi, ồn ào bát nháo, chắc ông chả muốn tẹo nào. Chiều nay, áp lực dư luận làm Chánh án Nguyễn Hòa Bình chịu hết nổi, phải đưa ra lời tuyên bố hoãn binh muộn màng: Tòa án Tối cao chưa xây tượng thần công lý, mà có xây thì cũng không lấy tiền của...dân. Ha ha, ngành tòa án đi buôn lắm tiền, chỉ cắt một mẩu nhỏ bằng cái móng tay từ đống của nả ấy ra là thừa (!). Mình chỉ không thích cái kiểu hoãn binh của các quan chức thời nay, vì nó mở đường cho các hành vi thiên biến vạn hóa, muôn hình ngàn trạng tiếp theo, kiểu như đặc khu kinh tế thành khu kinh tế đặc, hay cái máy đã mua 10 tỷ bỗng lại được hoãn để chuyển thành máy mượn ý mà. Ông Chánh án nói ông chỉ thương các quan tòa, nhà khoa học, sử học, kiến trúc, nghệ thuật học, họ vất vả quá, ngày đêm đào bới mới ra được cái tượng thần ý, thế mà....

Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có cần một vị thần công lý riêng hay không?; và ông vua Lý Thái Tông là ai mà lại có thể làm thần công lý để cho muôn dân trông vào, hay ông lại được dựng lên làm bình phong cho một mưu đồ của viên quan hay một nhóm các quan nào đó, giống như đám anh chị trong giới giang hồ, trước khi xuất độ thì nổ phát để lấy số má khuất phục đàn em, hay đơn giản chỉ là một phi vụ ngàn tỷ, hợp đồng xây tượng đài khắp cả nước, bắt cụ phơi nắng dầm sương, rồi họ đúc tượng đồng tượng vàng đem cho đem tặng nhau, để cho em út kiếm xèng, như dư luận đang đồn thổi?
 
Thực ra, Việt Nam, cũng như toàn thể nhân loại, rất cần một biểu tượng công lý để thế giới này, nhân dân này vững tin vào thể chế pháp trị. Thế nên ngay từ thời văn minh Hy-La, thậm chí trước đó rất lâu, người ta đã tạo ra biểu tượng cho công lý, đó là vị nữ thần, bất vị thân,tay cầm gươm, tay giương cao cán cân công lý, một hình ảnh đẹp đẽ, biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị, không chịu bất kỳ áp lực nào khi xét xử. Từ hàng thế kỷ qua, các nước văn minh khắp nơi trên thế giới đều chấp nhận nữ thần công lý được tạo ra từ xưa để làm biểu tượng cho công lý của nhân loại. Vậy tại sao Việt Nam lại cần phải có một thần công lý riêng? Phải chăng hệ thống tư pháp và xét xử của Việt Nam cần công minh và minh bạch hơn? Thiển ý của tôi là thôi, đừng vẽ voi vẽ chuột ra nữa. Thế giới này cần một thước đo chung về công lý, Việt Nam cũng vậy, đã có đảng lo nghĩ hộ rồi, đừng sáng tạo thêm ra một vị thần nữa, rồi lại phải họp ba bốn bên để thống nhất mức án bỏ túi trước khi xét xử, mệt lắm.

Thứ nữa, Lý Thánh Tông là ai mà Tòa án Tối cao định đưa ra làm thần công lý cho Việt Nam? Lịch sử ghi nhận ông ấy trước khi lên ngôi, đã dùng vũ lực loại bỏ ba người anh em, cho Lê Phụng Hiểu chém chết người em Vũ Đức vương ngay tại trận để thị uy kẻ nào lăm le ngôi báu. Khi ngôi đã vững, ông cũng đánh đông dẹp bắc, chinh phạt Chiêm Thành, Phong Châu, Thất Nguyên, ban phát bổng lộc cho kẻ này, trừng phạt tước đoạt của kẻ khác. Phận làm vua thì phải thế thôi, đánh người này, bênh người kia, không thể nói ông không thiên vị. Đơn giản vì ông cũng là một con người, không phải thánh, bắt ông làm thánh thì khộ ông lắm. Ở Việt Nam, vị nào được dân phong thánh, thì dân đã làm cả rồi, tạo thêm một vị thánh mà dân không phục thì...hổng thiêng. Các vị bồi bút lại tranh luận rằng ông không chỉ anh hùng đánh đông dẹp bắc, mà còn là người đầu tiên cho làm ra Hình thư, một bộ luật đầu tiên của nước Việt. Nhưng hình hài bộ luật ấy thế nào, được đưa vào xét xử ra sao, nội dung cụ thể của nó là gì? Các cụ sử học, luật học, kiến trúc, nghệ thuật học được Tòa án thuê làm việc cật lực một ngàn năm nữa cũng chả ra, thế thì dựa vào đâu để nói là nó công minh, là biểu tượng? Một bóng ma không thể nặn thành biểu tượng, thưa các vị.

Nhà vua, dù có anh minh chính trực, dù có làm ra luật, như các bộ luật Hồng Đức hay luật Gia Long tồn tại ở xứ ta hàng mấy trăm năm qua, cũng chủ yếu để xử dân nghèo thôi. Vua trị nước theo đức trị, ít khi theo luật, vua thường vận dụng lèo lái luật theo cái đức của vua. Lựa chọn một ông vua trong hệ thống các ông vua ấy làm thần công lý, thì chả bao giờ có công lý đâu, các cụ ợ. Còn việc các cụ muốn dựa bóng ông vua nào đó làm cái gì đó, thì các cụ cứ làm, quyền trong tay, cần gì dựa gió?

Nhà cháu xin có vài ngu ý, nếu cụ nào phật lòng, cháu xin kính cẩn bái lậy ạ ạ.
 

8 nhận xét :

  1. Công lý thực sự trong đời sống không có, thì thần công lý ảo cần chứ, cũng như khi bánh thật không có thì cần có cái bánh vẽ để xem cho đỡ đói lòng.

    Trả lờiXóa
  2. Xứng đáng làm thần công lý đầy khí phách và đau thương ở VN là đây chứ ai: CỤ LÊ ĐÌNH KÌNH !!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng! Xả thân bảo vệ công lý, LÊ ĐÌNH KÌNH!

      Xóa
    2. ủng hộ lấy hình ảnh cụ Kình làm biểu tượng công lý

      Xóa
  3. Thật nực cười ở Việt nam, vua làm thần công lý! Vua là người toi nhất thiên hạ rồi, người ta nói rằng luật là vua, vua là luật, vua làm ra luật, vua đổi luật, làm theo ý thích mình, do vậy vua không thể đại diện cho công lý được.
    Hay là ý của TANDTC chọn vua là thần công lý vì muốn nói ở VN, công lý không nằm ở pháp luật mà TANDTC xử theo ý "vua"???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở xứ Thiên đường này muốn tìm Công lý cũng dễ thôi, cứ đến Thứ Bảy "Gặp nhau cuối tuần" là có Công Lý.

      Xóa
  4. các bác cứ tranh cãi làm gì. Cứ chọn ngay ngài chánh án xử vụ án Nguyễn Thanh Chấn làm biểu tượng cho ngành. Bảo đảm toàn dân tâm phục, khẩu phục.

    Trả lờiXóa