Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

LS. Lê Công Định: EVFTA - NIỀM HY VỌNG


Niềm hy vọng

Lê Công Định

Tin Nghị viện Âu châu phê chuẩn EVFTA và EVIPA thực sự là điểm sáng mang đến niềm hy vọng cho đất nước giữa nỗi lo lắng về nạn dịch virus Corona đang hoành hành ở Trung Quốc và trên thế giới. Hy vọng bởi những lẽ sau:

1) EVFTA buộc nhà nước Việt Nam phải thừa nhận quyền thành lập các công đoàn độc lập của người lao động, nhờ đó họ không còn là công cụ của đảng cầm quyền nhân danh "đội quân tiên phong của giai cấp vô sản". Giai cấp vô sản thực sự ở Việt Nam rồi đây sẽ có tổ chức đại diện đúng nghĩa cho quyền lợi của mình, chứ không phải công đoàn giả hiệu của nhà nước.


2) Các cam kết quốc tế của nhà nước Việt Nam sẽ là cơ sở pháp lý để các nước Âu châu dựa vào yêu cầu Việt Nam tôn trọng quyền con người và quyền công dân nếu không muốn đánh mất các lợi ích kinh tế mà sự hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế mang lại.

3) EVIPA sẽ buộc nhà nước Việt Nam cải cách hệ thống pháp luật theo hướng hiện đại hóa và tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền quốc tế hơn, nếu không muốn bị các nhà đầu tư Âu châu khởi kiện tại các cơ quan phân xử tranh chấp đầu tư quốc tế.

4) EVFTA và EVIPA sẽ giúp Việt Nam bớt lệ thuộc vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhờ đó từng bước giải thoát vận mệnh dân tộc khỏi chiếc vòng kim cô mà Trung Cộng đang gắn trên đầu đảng cầm quyền hiện nay. Hy vọng thoát Trung vì vậy có tiền đề quan trọng để thực hiện.

5) Nhờ thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng cường nội lực, qua đó ngoài việc giúp gia tăng tiềm lực quốc gia trong bang giao với các lân quốc, còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trở thành đối trọng quyền lực đáng kể với đảng cầm quyền trong khuôn khổ thể chế toàn trị về chính trị và kinh tế hiện nay.

Năm niềm hy vọng nêu trên đủ để chúng ta dứt khoát ủng hộ việc phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Nhà nước Việt Nam hiện cũng không còn con đường nào khác ngoài việc phải nhanh chóng chuyển cho Quốc hội phê chuẩn, về thủ tục, hai bản hiệp định quan trọng này trong phiên họp gần nhất.

Cần phải thấy tương lai của quốc gia và nền dân chủ đang ở trong tay các doanh nghiệp Việt Nam. Đất nước có tiềm lực chống chọi các thách thức quốc tế trong tương lai hay không, câu trả lời sẽ thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ các bạn!

3 nhận xét :

  1. Hy vọng dân trí người lao động sẽ tốt hơn, sẽ tự thành lập những công đoàn độc lập để tranh đấu cho quyền lợi của mình. Người lao động sẽ không để những thứ tuyên truyền mỵ dân - rổng tuếch hệ thống công đoàn quốc doanh và của nhà cầm quyền tự xưng làm họ u mê mãi được.

    Trả lờiXóa
  2. Sau cuộc bỏ phiếu này, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd Lange, tuyên bố:
    "Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia. Vì vậy Nghị viện bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận thương mại với Việt Nam."
    "Đây là lý do vì sao Nghị viện EU bỏ phiếu đồng ý với thỏa thuận mậu dịch này, và cùng nó, chúng ta đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo rằng tiếng nói của chúng ta có sức mạnh hơn trước."
    Ông Lange nói tiếp:
    "Đây là điều đặc biệt quan trọng trước những vấn đề chúng ta không đồng ý với nhau, như vai trò của báo chí tự do hay quyền tự do chính trị (free press or political freedom).
    Chúng tôi cũng mở rộng phạm vi để xã hội dân sự hoạt động. Công việc của chúng tôi từ nay là là sao thỏa thuận này được đem vào thực hiện."
    HÃY CHỜ XEM, Hay là như Mỹ với Trung quốc, Mỹ mở cửa kinh tế với Trung quốc với hy vọng là Trung quốc khi kinh tế phát triển sẽ dân chủ hóa. Có ngờ đâu Trung quốc trở thành con quái vật còn nguy hiểm hơn trước rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  3. Lĩnh vực điện tử, ngoài phát triển mạnh phía bắc nhờ sát TQ dễ vận chuyển linh kiện bằng đường sắt đường bộ, nhà nước cần cho phát triển thêm ở miền Trung, thì VN mới dần có động lực tự lực làm linh kiện hỗ trợ. Đương nhiên ban đầu cần chính sách nhà nước.
    VN món gì cũng quá phụ thuộc TQ vì doanh nghiệp nằm phía Bắc dễ vận động hành lang và quan hệ bộ ngành. Đó cũng là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu.

    Trả lờiXóa