40 năm còn mãi một ‘Chiều biên giới’
40 năm trôi qua, bài hát “Chiều biên giới”
của nhạc sĩ Trần Chung (phổ thơ Lò Ngân Sủn) vẫn còn nguyên sức lay động
lòng người bởi giai điệu và ca từ quá đẹp, bài hát nhắc nhớ về một thời
hàng triệu thanh niên lên đường quyết tâm bảo vệ biên cương tổ quốc...
Cách đây 41 năm, vào ngày 17.2.1979, quân Trung Quốc đã tiến hành cuộc xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.
Lệnh tổng động viên đăng trên báo Nhân Dân ngày 6.3.1979
Những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi lên đường nhập ngũ
Trước sự chống trả quyết liệt của quân
và dân ta, ngày 18.3.1979 Trung Quốc tuyên bố rút toàn bộ quân ra khỏi
lãnh thổ nước ta. Mặc dù vậy, chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi dọc
biên giới 6 tỉnh phía Bắc, ác liệt nhất là ở Vị Xuyên, Hà Giang. Cuộc
chiến này kéo dài đến năm 1984, tiêu hao sinh lực lớn cho cả hai phía và
để lại hậu quả nặng nề cho nhiều năm sau...
Cũng chính trong thời điểm này, có một
cuộc chiến chống quân xâm lược bằng âm nhạc bắt đầu hình thành. Trên
sóng phát thanh giai điệu hào hùng của ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do
của nhạc sĩ Phạm Tuyên vang lên: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên
giới, toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...” Và nhiều bài hát khác ra
đời thúc giục, hiệu triệu toàn dân nhất tề xông lên chống quân xâm lược.
Tuổi trẻ Hà Nội huấn luyện quân sự sẵn sàng ra mặt trận bảo vệ tổ quốc - Ảnh: Tư liệu
Những ca khúc hào hùng trong giai đoạn
đó sau nay được gọi bằng cái tên rất đẹp là “dòng nhạc biên giới”. Nhạc
biên giới ra đời, không chỉ là những ca khúc hào hùng mà còn chan chứa
chất lãng mạn, thi vị, chở đầy những tâm tư tình cảm của người lính nơi
tuyến đầu khói lửa. Nhạc biên giới cũng được xem như là “nhân chứng lịch
sử” về một giai đoạn bi thương nhưng rất đỗi hào hùng trong lịch sử
chống quân xâm lược của dân tộc ta.
Những người lính trên mặt trận biên giới phía bắc năm 1979 - Ảnh: Tư liệu
Trong những bài ca biên giới thời đó không thể không nhắc bài hát Chiều biên giới
của nhạc sĩ Trần Chung, phổ từ thơ của Lò Ngân Sủn. Bản nhạc ra đời vào
năm 1980, thời điểm những trận chiến trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang
vẫn còn ác liệt...
“Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào xanh hơn
Như chồi non cỏ biếc
Như rừng cây của lá như tình yêu đôi ta
Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió như trời quê biên cương...”
Có nơi nào xanh hơn
Như chồi non cỏ biếc
Như rừng cây của lá như tình yêu đôi ta
Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió như trời quê biên cương...”
Chiều biên giới được mở đầu
bằng giai điệu nhẹ nhàng trên nền lời thơ đầy lãng mạn của Lò Ngân Sủn
như thế đấy. Một buổi chiều biên giới xanh biếc, êm đềm với chồi non cỏ
biếc đã làm người lính lay động nghĩ về “tình yêu đôi ta”. Bài hát cũng
không có tiếng súng, tiếng pháo giặc từ xa dội về. Mọi thứ trở nên bình
yên và thi vị...
Chuyện kể rằng, vào năm 1980, thầy giáo
trẻ người dân tộc Dáy - Lò Ngân Sủn xem văn công phục vụ bộ đội ở một
điểm tựa biên giới phía Bắc và nghe được bài Chiều trên bến cảng
- ca khúc nói về miền biển đã tạo cảm hứng cho ông viết bài thơ về vùng
biên giới quê hương mình - nơi mà nhà thơ chứng kiến bao nhiêu đau
thương mất mát khi quân xâm lược Trung Quốc tràn vào. Không lâu sau đó
bài thơ Chiều biên giới được đăng tải trên báo Nhân Dân.
Tưởng chừng như bài thơ sẽ chìm khuất
trên trang báo, thế nhưng, tình cờ nhạc sĩ Trần Chung (tác giả của những
ca khúc nổi tiếng Bài ca Trường Sơn, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Cô gái hội Lim, Tiếng gọi sông Đà) phát hiện được bài thơ này và phổ thành bài hát cùng tên.
Sự hội ngộ thơ - nhạc này đã cho ra đời một tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp cho cả hai. Chiều biên giới của
Trần Chung và Lò Ngân Sủn sau đó được phát trên sóng của Đài Tiếng nói
Việt Nam, giai điệu, lời ca đã lay động trái tim của hàng triệu thính
giả trên cả nước. Bài hát cũng thúc giục các chiến sĩ nơi tuyến đầu biên
giới vững tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương tổ quốc.
Trùng trùng những đoàn quân ra trận - Ảnh: Mạnh Thường
Cũng cần nhớ rằng năm 1980, khi Chiều biên giới ra
đời, tuyến biên giới phía Bắc của nước ta vẫn chưa hề bình yên, quân
thù vẫn rình rập nã pháo vào Vị Xuyên, Hà Giang, những trận chiến giành
nhau từng điểm cao vẫn giằng co ác liệt, nhiều chiến sĩ của ta đã ngã
xuống để bảo vệ biên cương của tổ quốc bình yên như lời thơ Lò Ngân Sủn:
Chiều biên giới em ơi!
Có nơi nào đẹp hơn
Khi mùa đào hoa nở
Khi mùa sở ra cây
Lúa lượn bậc thang mây
Mùa tỏa ngát hương bay.
Có nơi nào đẹp hơn
Khi mùa đào hoa nở
Khi mùa sở ra cây
Lúa lượn bậc thang mây
Mùa tỏa ngát hương bay.
Cuộc chiến chống quân xâm lược bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta đã trôi qua 41 năm, bài hát Chiều biên giới cũng
tròn 40 tuổi. Mỗi năm cứ vào dịp này, nghe lại giai điệu đẽ đẹp lãng
mạn của bài hát chúng ta vừa tự hào, vừa rưng rưng nhớ lại một thời hào
hùng của thế hệ cha anh đã chiến đấu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất
thiêng liêng của tổ quốc.
Tiểu Vũ
Thương cho những người đổ máu trong cuộc chiến chống giặc Tàu. Bây giờ bọn bán nước đang muốn xóa những trang sử bi tráng của dân tộc thời đó.
Trả lờiXóa