Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

Lê Luân: NHỮNG TỔN THẤT ĐAU BUỒN

Đồng Tâm sáng nay. Ảnh: báo Thanh Niên.

Luân Lê

NHỮNG TỔN THẤT ĐAU BUỒN

Vào tháng 4/2017, một vài luật sư chúng tôi xuống giữa điểm nóng nhất của Đồng Tâm, với 38 chiến sỹ cảnh sát bị giữ ở nhà văn hoá mặc dù được chăm sóc đầy đủ.

Và những xung đột gay gắt nhất được làm cho bớt đi trong vòng một tuần mà sau đó là cuộc đối thoại để đi đến những cam kết của mỗi bên - chính quyền Hà Nội, vài người trên Trung ương và nhân dân xã Đồng Tâm. Một bí thư đảng uỷ xã bị kỷ luật vì đứng về phía người dân và trước đó nhiều cán bộ ở xã này, thậm chí huyện Mỹ Đức đã bị xử lý trong vụ án hình sự về quản lý đất đai.

Ngay khi xung đột thực sự được coi là đỉnh điểm nhất, mọi việc vẫn được hoá giải khi có sự thương thuyết và giải quyết bằng cả sự hoà giải lẫn pháp lý, trên toàn bộ là niềm tin của người dân đặt vào các luật sư là một cứu cánh cuối cùng trước sự biến đó. Và kết quả là những cam kết chính trị đã được xác lập một cách rõ ràng trước bàn dân thiên hạ.

Không hiểu sao, đến rạng sáng ngày hôm nay lại có sự cưỡng chế nào đó được diễn ra, không hiểu là trên cơ sở văn bản nào và quyết định về vấn đề gì. Hậu quả là 3 cảnh sát và một người dân bị chết. Đây là một mất mát của một nền tảng xã hội, mà cuối cùng là xung đột không được giải quyết, trong khi nhân mạng thì đã hoàn toàn thiệt hại.

Tôi chưa hiểu được cách tính toán từ những người thực thi chính sách và nắm quyền bính trong trường hợp này. Khi đứng gần với người dân và đối thoại với họ, không có bức tường nào mà không bị hạ xuống và không gì không thể giải quyết được. Dùng cưỡng chế khi vẫn còn căng thẳng và chưa có phương án cụ thể xử lý thoả đáng cho sự vụ, việc nhanh chóng thực thi có thể đưa đến những thiệt hại về lâu dài, mặc dù cách thức thực hiện là chóng vánh.

Những người chết đều là người Việt. Những nền tảng an ninh đang bị đặt vào sự thiệt hại cũng là nền tảng chung của người Việt. Điều này quan trọng hơn đối với chức trách người quản lý tầm vĩ mô, nếu giải quyết sự vụ với tâm thức vi mô, nó sẽ không đưa tới những kết quả tốt đẹp.

Vấn đề Đồng Tâm ban đầu là vấn đề pháp lý, sau đó là vấn đề chính trị, và khi vấn đề thứ hai được giải quyết, mọi thứ lại trở về vấn đề pháp lý đơn thuần. Vậy tại sao không để mọi biện pháp pháp lý được thực hiện công khai và chủ động từ cả hai phía, kể cả việc khởi kiện ra toà án về các quyết định từ phía chính quyền đã ban hành ra?

Những sự việc về đất đai chưa khi nào thiếu hậu quả nghiêm trọng. Và đây là vấn đề của chính quyền phải cân nhắc xem xét rằng những nguyên cớ đến từ đâu và cần giải quyết theo cách thức nào, chứ không phải đi tới cưỡng chế mạnh tay trong khi những khúc mắc chưa đi tới sự triệt để trong việc giải đáp các đòi hỏi từ phía người dân.

Trong việc quản lý và điều hành, mỗi tổn thất đều là một ngoại lệ. Và nếu là tính mạng con người thì sự mất mát ấy không thể cứu vãn lại được, mà nó là điều cần và buộc phải tránh trong các sự vụ.

Người Việt chúng ta đã quá nhiều đau buồn rồi.

6 nhận xét :

  1. Thưa đồng bào, thực tế số người thiệt mạng lớn hơn nhiều những gì bca thông báo, trong đó phần lớn là người dân thôn Hoành, cụ thể là nhà cụ Kình. Bộ máy tuyên truyên đã nói dối về số người thuộc chính quyền thiệt mạng, tăng khống số người của chính quyền thiệt mạng để có cớ đàn áp dân Đồng Tâm.

    Trả lờiXóa
  2. Mừng đảng mừng Xuân! Đang cần nhiều “trận đánh đẹp!” lấy thành tích chào mừng các sự kiện lớn sắp tới trong năm 2020 của đảng. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó thay!

    Trả lờiXóa
  3. "Những nền tảng an ninh đang bị đặt vào sự thiệt hại cũng là nền tảng chung của người Việt. Điều này quan trọng hơn đối với chức trách người quản lý tầm vĩ mô, nếu giải quyết sự vụ với tâm thức vi mô, nó sẽ không đưa tới những kết quả tốt đẹp" là câu văn mang nhiều câu chữ hoa mỹ, nhưng rất tối nghĩa, mơ hồ, khó hiểu... và rốt cùng không ai hiểu tác giả muốn nói gì.

    Trả lờiXóa
  4. Quê hương tôi đây sao? Máu đỏi giữa thời bình. Hàng nghìn CSCĐ vũ trang đến tận răng, chiến đấu với những người dân, cả người già, phụ nữ và trẻ em. Tại sao???!!

    Trả lờiXóa
  5. Nếu coi những ai đó ở Đồng Tâm chống đối việc quân đội rào đất sân bay Miếu Môn là thế lực thù địch thì việc để ba chiến sĩ cảnh sát hy sinh cho thấy người chỉ huy chiến dịch này không có năng lực đáng bị cách chức. Còn nếu coi một số người dân chống đối công việc của nhà chức trách là việc làm bột phát thiếu suy nghĩ mà ai đó lại huy động một lực lượng cảnh sát đông đảo ngăn chặn việc làm sai của dân thì người đưa ra quyết định này đã phạm một sai lầm nghiêm trọng bởi nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Giải quyết bất đồng của người dân với chính quyền có cần thiết phải sử dụng lực lượng vũ trang hay không? Hơn 20 năm trước Thái Bình cũng xảy ra hiện tượng tương tự nhưng chính quyền thời đó xử lý khác. Thời chiến tranh, dân nhường nhà nhường ruộng, nhường đất để quân đội làm trận địa, làm hầm pháo. Thời nay sân bay Miếu Môn sử dụng vì mục đích an ninh hay kinh tế? Lấy lại đất quốc phòng tại Miếu Môn, nếu đó đúng là đất của quân đội quan trọng hơn hay lấy lại đất quốc phòng cho thuê làm sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất quan trọng hơn? Nếu chính quyền huy động lực lượng cảnh sát cưỡng chế thu lại sân golf Tân Sơn Nhất tôi dám chắc trên 95% người dân ủng hộ. Còn việc thu hồi đất tại Miếu Môn, e rằng không được như vậy, gần Tết mà làm vậy có nên không? Lẽ nào những người lãnh đạo cao nhất của đất nước không nhận ra rằng người đưa ra quyết định cưỡng chế đất tại Miếu Môn là đang đẩy dân ra xa chính quyền hay sao?

    Trả lờiXóa
  6. Đất nước này có còn là của dân? Giặc nào cướp của giết người? Đồng Tâm chẳng lẽ là nơi chôn vùi lương tâm và công lý? Hay lại đã đến hồi ta quyết diệt ta? Gớm thay một bọn quỷ ma! Con cháu Hồng Lạc sao ra thế này? Cơ đồ xương máu dựng xây! Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan! Nào ai còn biết kinh hoàng? Nào ai còn biết xót thương đồng bào? Trận này trời xụp xuống ao! Quân Dân cá nước đục ngầu hôi tanh! Giang sơn treo sợi chỉ mành!!!

    Trả lờiXóa