Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

LUẬT LAO ĐỘNG SỬA ĐỔI 2019 - ĐỐI PHÓ VÀ MƠ HỒ


Luật Lao động sửa đổi 2019 - Đối phó và mơ hồ

Lê Ngọc Anh 
Gửi đến cho BBC từ Washington, Hoa Kỳ
BBC (09/12/2019)

Bộ Luật Lao Động sửa đổi ngày 19/11/2019 hiện có một loạt vấn đề mà tác giả cho rằng không đảm bảo việc phục vụ cho quyền lợi của người lao động, mà thậm chí còn ngăn cản việc thành lập nghiệp đoàn độc lập.

Những sửa đổi vừa có dường như chỉ có mục đích tạo ấn tượng là Việt Nam đã tuân thủ những đòi hỏi cần thỏa đáng từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với CPTPP và với EU (nhưng còn đang đợi Hội Đồng Liên Âu chuẩn thuận), chứ không hẳn là để cải tiến tình trạng của người lao động.

Có ít nhất 3 Chương trong bộ luật này cho thấy rất rõ những điều được viết rất chung chung, mơ hồ.

Những chương này gồm: Chương 1 - Những quy định chung; Chương 13 - Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở - doanh nghiệp hoặc công ty; và Chương 15 -Quản lý của nhà nước về lao động.

-Chương 1-Điều 5.c:

Người lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Nhìn sơ đây có vẻ là điều mang nhiều hứa hẹn, nhưng so với Công ước số 87 về Tự do Liên kết và Bảo vệ Quyền Tổ chức của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), điều 5.c mơ hồ và không nêu rõ như Điều 5 của Công ước 87, được viết như sau:

''Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền tập họp (liên kết) thành các liên đoàn, tổng liên đoàn; và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập và đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động.''

Điều này có nghĩa là mặc dù được quyền thành lập tổ chức đại diện người lao động, quyền tập họp (liên kết) thành các liên đoàn, tổng liên đoàn, v.v.. chưa được cho phép cho đến khi công ước 87 được Việt Nam phê chuẩn.

-Chương 13, Điều 170.1:

Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.

Luật này áp dụng cho Công Đoàn trực thuộc TLĐLĐVN nhưng lại không ghi rõ là những nghiệp đoàn không trực thuộc TLĐLĐVN (theo Chương 1-Điều 3.3) thì KHÔNG phải theo Luật Công Đoàn.

-Chương 13, Điều 174.9:

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Tuy vậy, Điều 174.9 này hoàn toàn không ghi chi tiết các quy định của Chính phủ là những gì!

Tất cả các Điều 172.1, 172.4, Điều 173.2, Điều 174.6 d, Điều 174.9 của Chương 13 đều trái ngược với Công Ước 87 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO):

• Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó ( Điều 2 của ILO ).

• Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, điều hành hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình (Điều 3.1 của ILO).

• Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó (Điều 3.2 của ILO).

-Chương 13, Điều 178.8:

Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Cũng như Điều 174.9 ở trên, Điều luật này không ghi rõ các quyền khác là quyền gì?

-Chương 15, Điều 213 quy định:

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về lao động.

4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi địa phương mình.

Tất cả các Điều 213.1, 213.2 và 213.3  và 213.4 nêu trên đều không đúng với Điều 8.2 của Công Ước 87: Pháp luật quốc gia không được có những quy định mang tính chất xâm hại, cũng như không được áp dụng với mục đích xâm hại tới những đảm bảo đã được quy định trong Công Ước này.

Qua những điểm vừa nêu ta có thể đúc kết tính đối phó cũng như mơ hồ của bộ Luật Lao Động cải sửa 2019 như sau:

1. Bộ Luật Động cải sửa được Quốc hội thông qua chỉ nhằm tạo ấn tượng đáp ứng Cam Kết Riêng của Việt Nam với 10 thành viên trong hiệp định CPTPP, chứ không quy định rõ về nghiệp đoàn độc lập như đã cam kết thực thi trong các hiệp định thương mại quốc tế.

2. Luật xác nhận người lao động có quyền thành lập nghiệp đoàn, nhưng chỉ giới hạn tại cơ sở (tức là chỉ tại doanh nghiệp).

Luật này không nêu rõ là nghiệp đoàn có thể liên kết thành liên đoàn và tổng liên đoàn như trong Công Ước 87 (mà Việt Nam, dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn, vẫn phải tuân thủ và thực thi 8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế với thiện chí thực sự khi Việt Nam gia nhập tổ chức này).

3. Việc giới hạn chỉ cho thành lập nghiệp đoàn tại doanh nghiệp cơ sở sẽ làm suy yếu khả năng thương lượng tập thể của công nhân đối với chủ nhân về tiền lương, điều kiện làm việc và những lợi ích mặc định khác.

4. Tổ chức đại diện của người lao động gồm có 2 loại: a) công đoàn trực thuộc TLĐLĐVN, và b) tổ chức nghiệp đoàn độc lập.

Cả hai đều bị kiểm soát chặt chẽ bởi nhà nước Việt Nam: tính hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký, quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

5. Qua bộ Luật Lao Động sửa đổi, nhà nước Việt Nam còn đối phó với người lao động, bằng cách chặn lối người đấu tranh cho công bằng dân chủ, dù hết hạn tù, nhưng nếu chưa xóa án tích thì không được là thành viên Ban Lãnh Đạo nghiệp đoàn.

Nói tóm lại, Bộ luật Lao động sửa đổi 2109 cần phải được nhà nước Việt nam sửa đổi nhiều hơn nữa thì mới thực sự đạt được cải tiến cần có để phục vụ cho quyền lợi của người lao động.

---

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Ngọc Anh, hiện làm việc tại Bộ Lao động và Công nghệ tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét