Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

VN NÊN RÚT KHỎI HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC


Nguyen Ngoc Chu

VIỆT NAM NÊN RÚT KHỎI HIỆP ĐỊNH 

ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC

1. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) đang đàm phán để ký kết - là một hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm 10 nước trong khối ASEAN với 6 quốc gia mà ASEAN đã ký FTA riêng rẽ với từng nước là Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc.

Thỏa thuận đầu tiên về thành lập RCEP được đưa ra trong hội nghị cấp cao ASEAN năm 2011 tại Indonesia, và bắt đầu tiến trình đàm phán tại hội nghị cấp cao ASEAN 2012 ở Căm Pu Chia.


Một cách không né tránh, quốc gia thúc đẩy mạnh nhất cho sự ra đời RCEP là Trung Quốc.

2. Ngày 04/11/2019, bên lề thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok, Ấn Độ đã thông báo không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vì “lợi ích quốc gia”.

Lý do Ấn Độ rút khỏi đàm phán RCEP là lo sợ thị trường Ấn Độ sẽ tràn ngập hàng hóa Trung Quốc giá rẻ.

3. Các nước ASEAN đã có hiệp ước FTA riêng rẽ với cả 6 nước, trong đó có Trung Quốc rồi, thì một FTA chung cho cả 16 nước không đem lại lợi thế gì thêm cho ASEAN. Trái lại chỉ mang lại lợi thế cho hàng hóa Trung Quốc lưu thông tự do không biên giới trong toàn khu vực.

Trong bối cảnh Trung Quốc phải lùi bước trước thị trường Mỹ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì RCEP chính là thị trường thế chân cho hàng hóa Trung Quốc. Sự rút lui của Ấn Độ chắc chắn đã làm cho Trung Quốc hụt hẫng.

4. Không phải cứ có các hiệp định thương mại tự do khu vực là nhất thiết Việt Nam phải tham gia tất cả.

Khả năng của Việt Nam chỉ có hạn, nên Việt Nam phải chọn lựa thị trường. Việt Nam chỉ nên tham gia các thị trường trong đó hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam cân bằng được với các nước mà không bị nhập siêu. Tiếp nữa là học hỏi được công nghệ tân tiến. Tiếp nữa là được tiêu dùng hàng hóa chất lượng tốt.

Từ đó không khó nhận thấy, tham gia vào RCEP thì Việt Nam phải “may thêm nhiều túi ba gang” nữa để nhận thêm hàng hóa chất lượng thấp đến từ Trung Quốc. Chưa có RCEP mà Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 30 tỷ USD mỗi năm (4 tháng đầu năm 2019 là 11,9 tỷ USD), thì có thêm RCEP chỉ làm cho Việt Nam càng bị nhập siêu thêm. Tham gia RCEP là Việt Nam càng phụ thuộc thêm vào Trung Quốc.

Bởi thế, tốt nhất cho Việt Nam là không tham gia RCEP. Không có RCEP thì Việt Nam cũng không đủ sức kham nổi các hiệp ước FTA đã ký. Trên thực tế, ngoài ASEAN thì Việt Nam đã có có FTA với cả 6 nước trong RCEP. Nước Mỹ còn chủ trương song phương mà rút ra khỏi TPP, thì rời bỏ RCEP với Việt Nam không có gì phải nuối tiếc.

5. Để lý giải thêm tại sao Việt Nam không nên tham gia RCEP, xin đưa ra bức tranh sau.

Trong một chuồng mới dựng lên có 16 con vật đang định bước vào ăn ngủ chung. Trong đó có 1 con hổ, hai con báo, còn lại là hươu nai. Con báo Ấn Độ thấy con hổ Trung Quốc bước vào chuồng liền vội vã nhảy vọt ra ngoài.

Liệu các chú hươu nai còn lại có tránh khỏi số phận làm mồi cho con hổ Trung Quốc?
.

1 nhận xét :

  1. Chỉ sợ rằng có con nai quyết tâm đem cả đàn của mình làm mồi cho hổ .

    Trả lờiXóa