Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2019

VIỆT NAM SẼ KHÔNG KHUẤT PHỤC TRƯỚC NGOẠI BANG?

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trước khi trả lời chất vấn tại Quốc hội hôm 7 tháng 11 năm 2019, đã nhắc lại bài học của cha ông trong dựng nước và giữ nước, ông Thủ tướng  nói: “Cha ông ta, những bậc tiền bối của chúng ta chưa bao giờ khuất phục trước ngoại bang, chưa bao giờ lùi bước trước những khó khăn, gian khổ”.

Việt Nam sẽ không khuất phục trước ngoại bang?

RFA  
2019-11-08


“Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói trước Quốc hội rồi, cái đó quá rõ ràng. Ngay trong ngàn năm bắc thuộc có Hai Bà Trưng bắt đầu năm 40 thế kỷ thứ nhất này, rồi đến Lý Nam Đế được 4 triều đại 68 năm, tiếp đó là năm 938 Ngô Quyền đánh quân Nam Hán thất bại trên sông Bạch Đằng và từ đó lập chính quyền phong kiến Đại Việt. Từ khi 938 Ngô Quyền lập nên quốc thể Đại Việt là hơn 1.000 năm rồi, hơn 1.000 năm đó thì Trung Quốc tính cả lớn nhỏ đánh mình tới vài chục lần nhưng đều thua cả, thì đó là quật cường của dân tộc Việt Nam.”
Nói như Cụ Nguyễn Trãi nói ‘Vận nước có lúc thịnh suy, nhưng anh hùng hào kiệt đời nào cũng có.’ Do đó cho nên bây giờ thế hệ thanh niên Việt Nam ta, kể cả trong nước, kể cả ở nước ngoài, tôi không chủ quan nhưng tôi thấy họ rất yêu nước, yêu một cách nồng nàn, yêu một cách nhiệt huyết.
-Thiếu tướng Lê Kế Lâm
Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho biết thêm, ông tin rằng người dân Việt Nam vẫn thế thôi, truyền thống của dân tộc Việt Nam ta 4.000 năm nay là luôn luôn kế tiếp, luôn luôn làm rạng rỡ giống nòi. Ông nói tiếp:

“Nói như Cụ Nguyễn Trãi nói ‘Vận nước có lúc thịnh suy, nhưng anh hùng hào kiệt đời nào cũng có.’ Do đó cho nên bây giờ thế hệ thanh niên Việt Nam ta, kể cả trong nước, kể cả ở nước ngoài, tôi không chủ quan nhưng tôi thấy họ rất yêu nước, yêu một cách nồng nàn, yêu một cách nhiệt huyết, chứ không phải nói miệng đâu. Cho nên tôi nói bất kỳ một nước nào, kể cả lân bang của mình có mạnh đến đâu, mà xâm lược nước ta thì nhất định nhân dân ta sẽ đuổi cổ họ đi.”

Vậy lãnh đạo chính phủ Việt Nam đã làm được gì để xứng đáng là đang noi theo truyền thống của ông cha trong mặt trận chống ngoại xâm?

Từ Hà Nội hôm 8/11, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, cho rằng, có lẽ chính quyền nào ở Việt Nam mà khi đất nước bị đe dọa, thì cũng phải lên tiếng đấu tranh, dù việc đấu tranh của mỗi chính quyền là có thể khác nhau. Bởi vì dòng máu đấy có lẽ đã ăn sâu vào trong máu của người Việt Nam. Chủ quyền đất nước là chuyện rất thiêng liêng không thể để cho bất kỳ kẻ nào xâm phạm, đó là chuyện chung. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Hiện nay, thì tôi chỉ muốn nói về một câu, không biết thực hư nó như thế nào, nhưng trong dân gian, người ta đồn đại rất là nhiều, là khi ông Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch nghe ông Lê Đức Anh hay ai đấy nói về Hiệp định Thành Đô, thì ông ấy đã bảo rằng ‘một ngàn năm bắc thuộc mới bắt đầu’. Cái đấy còn nguy hiểm hơn, tức là một sự xâm lấn mà không cần một viên đạn nào cả. Việc gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông có lẽ không nguy hiểm bằng sự xâm nhập của Trung Quốc từ khắp mọi nơi, và cứ như thế dần dần mất nước lúc nào không biết. Vì người dân và lãnh đạo cứ quen nghĩ như thế, và dần dần trở thành một thuộc địa kiểu mới, vì bây giờ không có thuộc địa kiểu xa xưa nữa mà tự mình trở thành thuộc địa. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, điều vừa nói là một mối nguy sâu xa hơn cả việc bị gây hấn, mà muốn tránh sự tự thuộc địa hóa mình, thì chỉ có một cách phải phát triển đất nước thật giàu, thật mạnh và người dân thật sự làm chủ. 

Lời nói và hành động còn xa lắm

Cũng có ý kiến cho rằng, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng: ‘Cha ông chưa bao giờ khuất phục trước ngoại bang’; vậy kế thừa truyền thống của cha ông, lãnh đạo ngày nay đã làm được điều đó hay không trước tình hình thực tế Trung Quốc từ tháng 7 đã đưa tàu lấn sâu vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam bất hợp pháp?

Liên quan vấn đề này, Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho biết ý kiến của mình: 

“Cái đó thì hơi khó bình luận, vì nói thẳng ra, mỗi một thời kỳ có một cách đối xử khác nhau, và hiện nay ta vẫn lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ đấy thôi, và ngày hôm nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rất nhiều về vấn đề biển Đông, không nói tên Trung Quốc, nhưng nói rằng họ xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán vùng EEZ (vùng đặc quyền kinh tế - pv) của Việt Nam, ta không vạch mặt chỉ tên Trung Quốc, nhưng ta vẫn nói. Các lực lượng của ta như kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân đấu tranh với Hải Dương 8 và số tàu bảo vệ, ta đấu tranh từ tháng 7 đến nay, rất quyết liệt.”

Không chỉ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không dám nhắc đến tên Trung Quốc như lời Thiếu tướng Lê Kế Lâm, tại phiên họp Quốc hội sáng 30 tháng 10 năm 2019, Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội chỉ gọi là “nước ngoài” chứ không nêu đích danh “Trung Quốc” khi đề cập đến tình hình biển đảo bị xâm phạm chủ quyền suốt 4 tháng qua.

Trích câu nói của Trung tướng Trần Việt Khoa: “Từ tháng 5, khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển, và đặc biệt là đầu tháng 7 đến những ngày cuối tháng 10 vừa qua, chúng ta thấy nước ngoài đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách rất phi lý”.

Nhiều người cho rằng người dân Việt Nam cũng như quốc tế đều biết Trung Quốc đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; thậm chí quan chức của nhiều nước trên thế giới cũng nhắc đến tên Trung Quốc là nước đang đe dọa an ninh và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trong khi đó, một trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, lại không dám nêu đúng tên Trung Quốc là kẻ đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam trước Quốc hội.
Muốn tránh sự tự thuộc địa hóa mình, thì chỉ có một cách phải phát triển đất nước thật giàu, thật mạnh và người dân thật sự làm chủ.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Tại sao lại có sự e dè như vậy? Truyền thống bất khuất, kiên cường của ông cha trong mặt trận chống ngoại xâm chưa lan tỏa sâu rộng trong giới lãnh đạo đương nhiệm hay sao? Như vậy có đáp ứng được mong đợi của nhân dân không?

Trả lời RFA hôm 8/11, Nhà nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Hoàng Dũng nói:

“Tôi thấy có sự chuyển biến khá rõ rệt mặc dù chưa đáp ứng được mong đợi của người dân. Từ ông Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đến thủ tướng cũng đều nói cùng một khẩu khí như thế. Cái câu ‘không khuất phục trước ngoại bang’ ta thấy cũng không mấy rõ, nhưng ai cũng hiểu cái đó nói trong biểu cảnh buộc người dân hiểu là Trung Quốc. Cách nói đó có sự dè dặt, sự dè dặt đó người dân có thể hiểu, có thể thông cảm được. Có điều từ lời nói đến hành động thực tiễn là một khoảng cách dài mà chính phủ khó có thể đi nhanh được, ngay cả khi người dân tin là chính phủ thành thật trong lời ăn tiếng nói của mình.”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Hoàng Dũng, chính phủ cũng như đảng cầm quyền Việt Nam đang ở tình thế, nếu chống lại sự ức hiếp của Trung Quốc, thì họ một phần phải mở cửa, bớt bịt miệng người dân. Nhưng đối với họ, họ lại sợ các tiếng nói dân chủ trong nước, mà có khi họ còn sợ hơn cả nạn ngoại xâm.

Vì vậy ông cho rằng, có hai mặt ngược chiều nhau mà cùng tồn tại, một mặt chính phủ gia tăng tiếng nói có vẻ mạnh mẽ với Trung Quốc, một mặt họ không ngơi, thậm chí còn gia tăng đàn áp đối với các tiếng nói dân chủ trong nước. Cái mẫu thuẫn đó chỉ có thể vượt qua trong một tình thế có một bước ngoặc nào đó. Có lẽ phải đợi đến lúc chính quyền thấy không thể để sự việc diễn biến như cũ được, học sẽ thay đổi…

Tuy nhiên ông Hoàng Dũng cũng nói rằng, ông thấy tình thế để có thể đẩy nhà nước Việt Nam đến bước ngoặc như vừa nói vẫn chưa tới, do đó tình cảnh này sẽ còn kéo dài.

2 nhận xét :

  1. Bạn có tin ông í nói không ?

    Trả lờiXóa
  2. Cái miệng ông Phúc cũng dẻo thật, nhưng ngay cái tên giặc cũng ngẹn cổ không nói được thì làm được cái quái gì. Người dân Việt Nam cần ông TT HÀNH ĐỘNG.

    Trả lờiXóa