Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

PHẢI LÀM GÌ KHI ÁO DÀI VIỆT TRƯỚC SỰ XÂM LĂNG VĂN HÓA?


Phải làm gì khi áo dài Việt trước sự xâm lăng văn hóa?

Hiệu Minh

Câu trả lời là, hãy đi đăng ký bản quyền với UNESCO càng sớm càng tốt.

Mấy năm trước được một bác đưa đi chơi phía Láng – Hòa Lạc và cho vào khu tổ hợp mang tên “Lã Vọng”. Tôi thầm nghĩ, nhà hàng “Chả Cá Lã Vọng” ghê thật, kinh doanh cửa hàng bé tý mà giờ thành đại gia.

Hỏi ra mới biết, ông “Lã Vọng” này chả liên quan gì đến ông “Lã Vọng chả cá” dù khu này có hẳn một cái hồ và một ông tượng Lã Vọng to đùng đang ngồi câu. Ông chủ nhanh chân và có tiền đi đăng ký tên “Lã Vọng” và giờ thành thương hiệu của ông ta dù con cháu nhà Chả Cá mới là chủ nhân xứng đáng mang tên Lã Vọng ở nội thành Hà Nội.


Không đăng ký bản quyền nên mất tên thương hiêu, đưa ra trước tòa khó mà cãi.

Trung Quốc không ngừng có mưu đồ Hán hóa xứ Việt từ ngàn năm, từ chữ viết, phong tục, tập quán, thế kỷ trước là ý thức hệ, rồi phim ảnh Tầu, chùa Tầu, gần đây cả đàn bầu, café Ban Mê Thuột rồi chiếc áo dài được người Trung Quốc cho lên bàn nghị sự.

Quyền lực cứng là quân sự, quyền lực mềm là văn hóa. Sự xâm lăng bằng quân sự khó do đối đầu trực tiếp nên kẻ thù rất rõ trong khi bằng quyền lực mềm dễ hơn do kẻ thù vô hình. Một nhà thiết kế Trung Quốc vừa công bố một bộ sưu tập thời trang áo dài làm cộng đồng mạng sôi sục.

Xâm lược văn hóa là sự đe dọa tới nền văn hóa và định danh quốc gia. Các nước nghèo do tiền bạc và lãnh đạo hiểu biết kém về chính trị thường bị xâm lược văn hóa dễ nhất.

Phương Tây xuất khẩu phim ảnh, âm nhạc, thời trang, gần đây là truyền hình vệ tinh, cáp quang thì công nghệ giải trí càng dễ tấn công các nước nghèo. Trên VTV lúc nào cũng phim Tầu, phim Hàn, dân chúng sướt mướt, bị ám ảnh, mà không biết do các diễn viên … diễn.

Giới trẻ dần quên đi cội nguồn và mất bản sắc văn hóa dân tộc mà không biết mình bị mất bởi công nghệ hiện đại như truyền hình, mạng xã hội, smartphone. Phương Tây lấn át phương Đông, nước nhỏ như VN bị lấn át bởi hàng xóm tham lam.

Vụ áo dài Việt Nam bị Trung Quốc copy chỉ là một chuyện rất nhỏ trong một chiến lược lớn hơn, như đường cao tốc, trước kia là Bauxit Tây Nguyên, nay là thuê đất 99 năm cho đặc khu hay dự án hàng chục tỷ đô không bao giờ kết thúc. Người cầm cân nảy mực hoa mắt vì tình nghĩa, 16 chữ vàng, 4 tốt, thì khổ cho nước nhà.

Với những di sản văn hóa phi vật thể thuần Việt có thể làm dễ hơn. Bộ VH nên lập các danh sách và đăng ký bản quyền với UNESCO. Nếu không làm, người Trung Quốc hay một quốc gia nào đó sẽ nẫng tay trên và đổ cho mình ăn cắp mà không làm gì nổi.

Chuyện áo dài cũng giống như tên Lã Vọng, con cháu mất bao công sức xây dựng hàng trăm năm, hôm nào đó một đại gia bỗng lấy mất tên vì không ai nghĩ đến chuyện đăng ký bản quyền.

Bài và ảnh minh họa: HM 26-11-2019

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét